a
§ Tác giả: Gretchen McCulloch | Nguồn: The New York Times
Biên dịch: Thu Trang | Hiệu đính:  Thuỷ Tiên
27/11/2021
Ghi chú của biên tập viên The New York Times: Bài viết này thuộc chuỗi Các bài Op-Ed Đến từ Tương Lai. Các tác giả thể loại khoa học viễn tưởng, những người đưa ra các dự đoán về tương lai, các triết gia, và các nhà khoa học sẽ viết những bài Op-Ed với tưởng tượng rằng thế hệ của 10, 50, hay thậm chí 200 năm về sau sẽ đọc chúng. Những thách thức họ dự đoán không có thực - ít nhất là ở thời điểm hiện tại - nhưng những ý tưởng của họ giúp ta có cái nhìn khác về các câu hỏi cấp thiết hiện nay và chuẩn bị hành trang cho tương lai. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân dưới đây hoàn toàn là sản phẩm hư cấu.

Nhắc đến chuyện giao tiếp ở đầu thế kỷ 21, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay tới buổi bình minh của những chiếc điện thoại hiện đại. Nhưng bạn có thể đã không nhận ra rằng thế kỷ này cũng chính là điểm khởi nguồn của nhiều từ và cấu trúc ngôn ngữ mà chúng ta hiện vẫn đang dùng, ở thời điểm 200 năm về sau. Tôi đã nghiên cứu tiếng Anh thuộc thời kỳ lịch sử hết sức thú vị này qua các hồ sơ ở Internet Archive (Kho Lưu Trữ Internet), và từ việc nghiên cứu, tôi tin rằng chúng ta nên có thái độ cởi mở và hiếu kỳ hơn trước những thay đổi trong ngôn ngữ của chính thế kỷ 23.

Ví dụ, bạn có biết ở giai đoạn từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, người ta còn không phân biệt giữa cách xưng hô trang trọng và cách xưng hô thân mật trong tiếng Anh không? Shakespeare có phân biệt giữa từ “you” trang trọng và từ “thou” thân mật, nhưng hai từ “you” lịch sự và từ “u”1 suồng sã thời nay mới chỉ tách bạch từ đầu kỷ nguyên internet mà thôi. Làm sao những người không may phải sống ở thời đại này có thể hiểu đúng về the Bard2 khi thiếu đi kiến thức để cảm nhận trọn vẹn tình cảm thân mật trong các bài thơ sonnet cơ chứ (“shall i compare u to a summer’s day / u are more lovely and more temperate”)?3

Trong quá trình nghiên cứu kho lưu trữ, tôi cũng ngạc nhiên khi được biết rằng “lol” đã từng là một từ viết tắt! Ngày nay chúng ta đã quen hiểu rằng từ “lol” đơn giản ám chỉ phép lộng ngữ, nhưng trước đây nó từng là viết tắt cho từ “laughing out loud (cười ha hả).” Tôi thậm chí đã từng thấy các cụm từ cổ như “it’s lol funny,” và phải hiểu là “it’s laugh-out-loud funny” (hài hước đến mức phải bật cười ha hả) thì mới có nghĩa. Có vẻ như đến năm 2001 thì ý nghĩa phổ biến của “lol” không còn là tiếng cười lớn chân thành mà là tiếng cười lấy lệ, và trong các thập kỷ sau thì mới dần chuyển thành ý nghĩa mà chúng ta đều quen thuộc ngày nay: tiếng cười mỉa mai. Lạ lùng thay, thậm chí có cả những tài liệu ghi lại cách viết in hoa toàn bộ chữ “LOL” hay phát âm là “ell oh ell” trước khi ra được cách phát âm hiển nhiên “loll” thời hiện tại.

Một số từ ngữ thông dụng hiện nay từng là các từ viết tắt ở thời đó, chẳng hạn như “omg” (“oh my god” – lạy chúa tôi) và “wtf” (“what the” cộng với một từ cảm thán mà đó giờ vẫn không được phép viết hẳn ra trên mặt giấy – có những điều xưa nay vẫn vậy). (Từ “ok” vốn cũng là từ viết tắt, nhưng còn có lịch sử lâu đời hơn, từ thế kỷ thứ 19.) Giờ chúng ta cũng quên rằng những từ này từng là từ viết tắt, vì để tránh bị hiểu nhầm là đang la lối om sòm do cách viết in hoa toàn bộ, ta đã chuyển sang viết tất cả bằng chữ thường. Nhưng đã từng có đến hàng trăm từ thuộc nhóm này, bao gồm cả những từ bấy lâu đã chìm vào quên lãng như “rotflol” (“rolling on the floor laughing out loud” – lăn lộn trên sàn cười ha hả) và “hhoj” (“haha only joking” – haha đùa tí thôi), hay từ siêu siêu cổ “afk” (“away from keyboard” – rời bàn phím).

Giai đoạn đầu thế kỷ 21 cũng là kỷ nguyên vàng cho việc sáng tạo ngôn ngữ để diễn tả các hành động và trạng thái cảm xúc trong các đoạn hội thoại gián tiếp. Ở thời kỳ này, tần suất sử dụng cấu trúc “be like (kiểu như)” gia tăng trong văn nói, còn trong văn viết thì có dạng “tôi:” và *làm gì đó*. (Nghe vậy tôi kiểu, ngày xưa mọi người thể hiện độc thoại nội tâm thế nào khi chưa có mấy dạng ngữ pháp này nhỉ?? cũng là tôi: *lắc đầu* ừ chịu thôi.) Giờ đây chúng ta cứ tự nhiên sử dụng những tài nguyên ngôn ngữ này, nhưng ở thời kỳ đó, chúng đại diện cho bước tiến đáng kể trong việc mô hình hóa các cảm xúc phức tạp cũng như những trạng thái nội tâm của bản thân và những người xung quanh. Thử tưởng tượng việc bị gò bó trong những động từ chỉ việc giao tiếp với nỗ lực phân loại rõ ràng các hành động “nói,” “cảm nhận,” và “suy nghĩ” của thế hệ trước đây mà xem.

Thú vị nhất là tôi đã khai quật được một bài nghiên cứu ngôn ngữ học tâm lý từ năm 2004 về cách thể hiện sự mỉa mai trong văn viết bằng cách cho những người tham gia nói chuyện với nhau về các thảm họa thời trang. Tuy vậy, nghiên cứu kết luận rằng mặc dù những người tham gia có cố gắng thể hiện sự châm chọc qua văn viết, nhưng phương thức chủ đạo vẫn chỉ là dấu ba chấm giản đơn và trừu tượng hồi đó. (“Ồ, cái váy đó quả là … đẹp mê hồn.”) Tương tự, một cuốn sách của tác giả Keith Houston xuất bản năm 2013 đã phân tích những bài luận triết học suốt năm thế kỷ nhằm tìm ra dấu hiệu của sự mỉa mai trong văn viết, nhưng cuối cùng cũng chỉ kết luận rằng, “dấu hiệu của sự mỉa mai (hay tương tự, sự châm biếm) vẫn rất khó để định nghĩa”

Họ đâu ngờ được chỉ vài năm sau, các tác giả lớn lên với vốn hiểu biết về các biểu tượng giúp nhấn mạnh hay thể hiện cảm xúc hào hứng trong nghệ thuật sắp chữ sẽ sáng tạo thêm cách dùng các biểu tượng này, tạo nên kho tàng chơi chữ châm biếm hết sức đồ sộ mà thế giới đã hằng khao khát kể từ khi một xưởng in năm 1575 đề xuất dùng dấu hỏi ngược (؟) nhằm phân biệt các câu hỏi tu từ. Một cuốn sách xuất bản năm 2019 đã miêu tả chi tiết vài cách thể hiện mở màn cho danh sách dài dằng dặc này, bao gồm “dấu ngoặc kép dọa nạt,” Viết Hoa Từng Chữ Cái Đầu Quan Trọng Nửa Vời, dấu ~ngã ~châm ~chọc, ✨ lấp lánh ánh sao giả-bộ-hào-hứng ✨, d ã n c á c h c ả c ụ m t ỉ n h b ơ, và cái. dấu. chấm. gây. hấn. thụ. động. này.

Nên chắc hẳn những người sống ở đầu thế kỷ 21 đã hào hứng biết mấy với thời đại đáng kinh ngạc mà họ sống, nhỉ?

Tuy vậy, trong quá trình nghiên cứu, tôi đã bắt gặp nhiều trích dẫn gieo rắc nỗi sợ hãi và bi quan rằng hoạt động nhắn tin đã tàn phá tiếng Anh như thế nào; trong khi giờ đây chúng ta đều mặc nhiên coi hoạt động này đã phục hưng văn hóa viết lách và khởi đầu cho thể loại tiểu thuyết dạng tin nhắn (textolary)4 cũng như các thể loại truyện cực ngắn (microfiction) khác; đấy là còn chưa kể đến những thể loại phi hư cấu giờ đã trở thành kinh điển sinh ra từ việc nhắn tin, ví dụ như chuỗi bài thảo luận (thread). (Ban đầu tôi cũng soạn thảo bài op-ed này dưới dạng chuỗi bài thảo luận, cũng như bao tác giả tỉnh táo khác thôi, vì làm gì còn cách nào giúp tôi cân đo và đảm bảo từng câu văn mình viết đều cô đọng, hàm súc cơ chứ?) Tất nhiên ta còn chưa kể đến mạng internet – kênh phân phối gần như hoàn toàn miễn phí – đã giúp mở rộng cơ hội viết lách tới nhiều tác giả hơn. Các tác giả không còn cần đến nhà xuất bản hay nhà phát hành để chia sẻ những tác phẩm của họ tới công chúng nữa.

Những nỗi lo lắng của người xưa rõ là kỳ quặc, nhưng khi đọc về chúng, tôi đã nhìn nhận những nỗi lo thời hiện tại bằng con mắt khác. Chúng ta đều đã nghe những lời phàn nàn về cách giao tiếp của giới trẻ thời nay – thậm chí chính vài người chúng ta đã cất tiếng phàn nàn. Nhưng liệu thế hệ thế kỷ 25 sẽ nghĩ gì khi nhìn lại những lời càm ràm ở thế kỷ 23 rằng bọn trẻ chẳng thèm nói “đừng khách sáo” để đáp lại lời “cảm ơn”? Chẳng phải lúc đấy họ sẽ quen nghe câu “không có chi” hay thậm chí là phiên bản rút gọn hơn nữa “khcó chi” rồi ư? Mấy cụm từ này có khi còn có vẻ cổ lỗ sĩ, hệt như cái cụm “không vấn đề gì” nghe sao mà cứng nhắc và mỉa mai ở thời nay; vậy mà con người thế kỷ 21 đã từng thỉnh thoảng phàn nàn vì nó quá mới lạ.

Hay nghĩ về emosh5 – những hình nhỏ nhỏ xinh xinh được máy tính vẽ xung quanh các tin nhắn của ta – và việc chúng bị cộng đồng những người reo rắc nỗi sợ về công nghệ trên toàn thế giới xỉ vả ra sao. Chẳng phải những lời phàn nàn phản đối của chúng ta rồi cũng hóa kỳ cục, giống như những lời chỉ trích được lưu lại mà tôi đã đọc về biểu tượng cảm xúc (emojis) sao? Bạn chắc chắn đã từng nhìn thấy những lời phàn nàn rằng trẻ em thời nay sẽ không bao giờ phát triển được năng lực nghệ thuật vì trí tuệ nhân tạo (AI) đã vẽ nốt tranh hộ mấy đứa rồi! Hay rằng những biểu tượng emosh tùy chỉnh dựa trên phác thảo của chúng ta sẽ khiến mọi thứ quá thẳng toẹt và rõ ràng, so với việc phải tự đi mò biểu tượng cảm xúc phù hợp trước đây! Có khi bọn trẻ sau này còn chả dùng ngôn từ nữa vì việc nhận gửi tranh vẽ đã trở nên quá dễ dàng rồi! Nghe thật khó tin, nhưng ở thế kỷ 21, các biểu tượng cảm xúc cũng gây nhiều tranh cãi như vậy, và những lời phê phán tương tự lại xuất hiện khi các biểu tượng này được hoạt họa và 3D hóa.

Bây giờ ta đã thấy rõ là các biểu tượng cảm xúc không hề dẫn tới thui chột về viết lách hay ngôn ngữ như người xưa đã lo ngại; tương tự, việc thường xuyên luyện tập vẽ vời cho vui sẽ giúp nhiều em nhỏ phát triển được năng lực nghệ thuật. Dù sao thì việc phát minh ra máy ảnh cũng đâu có giết chết những loại hình nghệ thuật thị giác khác; vậy tranh vẽ bằng trí tuệ nhân tạo cũng chỉ là một công cụ ta tùy ý sử dụng mà thôi. Thậm chí nó còn có thể giúp nâng cao khả năng vẽ vời, vì vẽ đã trở thành hoạt động thường ngày, chứ không còn giới hạn ở riêng các họa sĩ nữa, cũng như việc viết lách đã trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 21 vậy.

Chúng ta thật đã quá ngạo mạn khi nghĩ rằng trong tất cả các thời kỳ lịch sử phát triển của ngôn ngữ Anh, thứ tiếng này lại, theo cách nào đó, đạt đến đỉnh cao vào đúng một thế hệ trước, ở thế kỷ 22. Còn những nhà phê bình thuộc thế kỷ ấy mới dại khờ làm sao khi nhìn nhận thế kỷ của mình đầy khinh miệt và tôn sùng thế kỷ 20 hay 21 đã qua. Rõ ràng là từ góc độ lịch sử, khi ta coi tiếng Anh của thời đại trước như một thứ gì đó huyền bí, ta chỉ đang tạo ra một cái đích liên tục di chuyển mà không bao giờ bắn trúng được.

Nhưng chúng ta có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Ta không phải đợi đến khi thế kỷ 23 đã đi vào dĩ vãng mới bắt đầu trân trọng những sáng tạo ngôn ngữ trong thời kỳ này. Ta không phải sử dụng ngôn ngữ như một công cụ hòng phô diễn trí tuệ ưu việt, mà thay vào đó, ta có thể sử dụng chúng như một phương thức gắn kết con người.


  1. Viết tắt của từ “you,” có cùng cách phát âm là /juː/.

  2. Cụm từ đầy đủ là “Bard of Avon” (tạm dịch: Thi sĩ của dòng sông Avon), là một tên gọi khác của đại văn hào Shakespeare. Từ “bard” vốn được dùng để chỉ các thi sĩ và ca sĩ chuyên hát các bài hát cổ về chủ nghĩa anh hùng, tình yêu, chiến tranh và cái chết trong văn hóa Celtic. Các tác phẩm của Shakespeare cũng xoay quanh những đề tài này.

    Đọc thêm tại: https://www.nosweatshakespeare.com/resources/life/bard-of-avon/

  3. Hai câu trong bài sonnet 18 của Shakespeare. Bản gốc là “Shall I compare thee to a summer’s day? / Thou art more lovely and more temperate.” (Bản dịch của nhà thơ Lê Minh Sơn: “Phải em như một ngày hè? / Đáng yêu hiền dịu tràn trề quanh em”)

    Trong bối cảnh thế kỷ 23 giả tưởng của bài viết, tất cả các từ đều được viết dưới dạng chữ thường, các từ “thee,” “thou,” và “art” được chuyển thành “u” và “are.” Bản dịch ở trên theo phong cách thế kỷ 23 có lẽ sẽ thành: “phải e như 1 ngày hè / đáng yêu hiền dịu tràn trề quanh e.”

  4. Từ này do tác giả sáng tạo ra và chưa có trong từ điển. Dịch giả đã dựa vào ngữ cảnh và từ nguyên để đoán nghĩa của từ.

  5. Hiện tại, đây là từ lóng cho “emotional” (xúc động, đa sầu đa cảm). Trong ngữ cảnh bài viết, đây là một dạng emoji của thế kỷ 23.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất