a
§ Tác giả: Justin Marozzi | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
23/11/2016

Trong tất cả những thành phố đã lụi tàn trên thế giới, hẳn chẳng nơi nào sánh được với Babylon về sự kì vĩ tráng lệ, lịch sử lâu đời, hay độ bí ẩn. Tại nơi đây trên vùng sa mạc cách Baghdad 60 dặm về phía Nam, nơi mặt trời khiến đường chân trời trông như những bể thủy ngân lấp lóa, rất nhiều phần quan trọng của lịch sử nhân loại đã bắt đầu.

Vùng đất Trăng Lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent)1 này, bao quanh bởi hai con sông Tigris và Euphrates2, được trị vì tuần tự bởi các vương quốc Sumer và Akkad, Assyria, Babylonia, Mesopotamia, và Iraq. Vườn Địa đàng của Adam và Eve theo truyền thuyết cũng nằm gần đó.

Fertile Crescent map.png
Vùng đất Trăng Lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent) trên bản đồ. Nguồn: Wikimedia.

Nếu Mesopotamia3 là cái nôi của văn minh đô thị, thì Babylon chính là đứa con cả. Lần đầu tiên được nhắc đến vào thế kỷ thứ 23 TCN, thành phố này bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong các ghi chép từ năm 1792 TCN, điểm khởi đầu của triều đại Hammurabi4.

Vị vua nổi tiếng thứ hai của Babylon này được nhớ đến bởi nguyên tắc luật pháp không khoan nhượng – nhiều đạo luật của ông kết thúc với cụm từ chết chóc: “Kẻ đó phải chết” – mà ngày nay được trưng bày trong bảo tàng Louvre trên một tấm bia cao 8 feet (khoảng 2,4m) chạm trổ từ đá diorit đen. Hammurabi là người đầu tiên nhào nặn Babylon thành thủ phủ của một vương quốc bao gồm vùng phía nam Mesopotamia và một phần Assyria5 ở phía bắc Iraq.

Đó từng là một vùng đô thị khiến người ta phải choáng ngợp bởi những đền đài, miếu thờ, và cung điện cao vút, nạm những mảnh sứ tráng xanh, dát vàng, bạc, và đồng.

Nhưng nói đến vùng Babylon mà khiến bất cứ ai có hứng thú với lịch sử cũng phải phấn khích, là nói đến thành phố của kẻ phản anh hùng (anti-hero)6 trong Kinh Cựu Ước: kẻ thảm sát người Do Thái, tàn phá đền thờ, ông vua độc tài yêu vàng Nebuchadnezzar đệ Nhị7, người lên ngôi vào năm 605 TCN.

Bước ra từ cơn lốc quân sự chinh phạt Ai Cập và Syria, Nebuchadnezzar lao vào một kế hoạch xây dựng kỳ vĩ mà kết quả là một thành phố rộng lớn, rực rỡ nhất trong thế giới cổ đại. Đó từng là một vùng đô thị khiến người ta phải choáng ngợp bởi những đền đài, miếu thờ, và cung điện cao vút, nạm những mảnh sứ tráng xanh, dát vàng, bạc, và đồng; tất cả bao quanh bởi những bức tường thành rộng lớn đến độ hai cỗ xe ngựa, mỗi cỗ thắng bốn con, có thể đi ngang qua nhau dễ dàng, theo lời nhà địa lý người Hy Lạp Strabo.

Thời kỳ xây dựng điên cuồng của đế chế Nebuchadnezzar cũng sản sinh ra tượng đài nổi tiếng nhất của thành phố, một công trình mang tham vọng ngông cuồng đến nỗi nó trở thành tòa nhà nổi tiếng nhất trên thế giới, một biểu tượng cho sự ngạo mạn sánh ngang chúa trời của một ông vua người trần mắt thịt. Người dân Babylon biết đến nó với cái tên tòa tháp cao 91 mét, hay ziggurat Etemenanki8, tọa lạc ở phía bắc đền thờ thần Marduk9, “ngôi nhà của ranh giới giữa thiên đường và trần thế.” Phần còn lại của thế giới, mà đầu tiên là những người đọc Kinh Cựu Ước, thì gọi nó là Tháp Babel. Theo lời khắc hoàng gia trên công trình này thì:

“Với Etemenanki, ziggurat của Babylon, nơi Nabopolossar, hoàng đế Babylon, phụ thân ta, đấng sinh thành của ta, đã đặt nền móng – và đã xây lên 30 cubit (khoảng 1,4m) nhưng chưa đặt đỉnh tháp, giờ ta tiếp tục xây nó với đôi tay mình. Những cây tuyết tùng vĩ đại trong khu rừng trên đỉnh núi Lebanon, bằng đôi tay đã gột rửa của ta, ta chặt chúng xuống, và lợp chúng lên mái tòa tháp này.”

Tháp Babel. Nguồn: Wikimedia
Tháp Babel. Nguồn: Wikimedia

Những gì chúng ta biết về Babylon đến từ nhiều học giả kinh điển khác nhau – Herodotus10, nhà sử học Hy Lạp cổ đại của thế kỷ thứ năm TCN là người quan trọng nhất trong số đó – cũng như những cuộc khai quật khảo cổ và bằng chứng từ những văn tự chữ nêm. Herodotus cung cấp một trong những miêu tả đầu tiên và chi tiết nhất về Babylon. Trong kiệt tác một tập của ông với tựa đề The Histories (Tạm dịch: Lịch sử), ông đã dành 10 trang cho riêng thành phố này, gồm một tập hợp những câu chuyện kể đúng chất Herodotus, pha trộn việc thật cùng chút tưởng tượng có cơ sở, thêm vài giọt cảnh nóng để giữ độc giả hứng thú.

Ông bắt đầu như sau: “Babylon nằm trên một vùng bình nguyên rộng, một thành phố lớn hình vuông có cạnh dài gần 14 dặm và những con đường với tổng độ dài khoảng 56 dặm, và bên cạnh kích cỡ khổng lồ này, sự tráng lệ của nó vượt xa bất cứ thành phố nào thế giới từng biết đến. Nó được bao quanh bởi một con hào sâu rộng, đầy nước, mà bên trong hào chứa một bức tường rộng 50 royal cubits (khoảng gần 23m) và cao 200 cubit (khoảng hơn 90m).”

Herodotus cũng mô tả đền Marduk bằng những dòng văn đầy hình ảnh; đây là một kiến trúc nổi bật của thành phố, tọa lạc tại nơi mà ngày đó là bờ đông của sông Euphrates.

“Ngôi đền là một tòa nhà hình vuông, mỗi cạnh dài hai furlong (khoảng hơn 200m), với cổng bằng đồng, và vẫn còn tồn tại vào thời của tôi; nó có một tòa tháp vững chãi ở trung tâm, rộng 1 furlong vuông (khoảng hơn 40m vuông), với một tòa tháp thứ hai dựng bên trên, và rồi tòa thứ ba, và cứ như vậy cho đến tòa thứ tám. Người ta có thể leo qua tám tòa tháp bằng một cầu thang xoắn ốc chạy xung quanh bên ngoài, và ở khoảng nửa đường có chỗ ngồi và mái che làm nơi nghỉ chân cho những ai leo được tới đó. Trên nóc ngọn tháp cao nhất sừng sững một ngôi đền vĩ đại…”

Có một số đền nhỏ hơn nằm ở khu vực phía đông, cổ kính hơn của thành phố, cùng với những bến cảng cho các tàu thương buôn, một dấu hiệu cho thấy sự phát triển thịnh vượng của Babylon nhờ những cuộc chinh phạt và hoạt động giao thương. Giữa những dãy phố ngay ngắn, con đường huyết mạch trung tâm và quan trọng nhất của thành phố là Đường Diễu Hành (Processional Way), một con đường lát gạch chạy về hướng bắc, bắt đầu từ cổng Ishtar, được trang trí bởi những con trâu và rồng chạm nổi, cho tới đền Bit Akitu, “Ngôi nhà của Lễ hội mừng Năm Mới.” Ở phía tây cổng Ishtar11, một trong tám cổng thành bảo vệ kiên cố của Babylon, là hai tổ hợp lâu đài rộng lớn nằm trên khu đất rộng 40 acres (khoảng 16ha).

Mô hình cổng Ishtar và Đường Diễu Hành. Nguồn: Wikimedia.
Mô hình cổng Ishtar và Đường Diễu Hành. Nguồn: Wikimedia.

Những lời chạm khắc khoe khoang của Nebuchadnezzar trên những viên gạch nung, đi theo truyền thống của các vị vua Babylon kể về những thành tựu kiến trúc hơn là quân sự của họ, mang đến những manh mối giá trị về thành phố. Trong một bức khắc, ông nói về công trình xây dựng hai cổng dọc Đường Diễu Hành.

“Nền móng của chúng được ta dựng lên từ vữa và gạch với men tráng xanh sáng rực cùng những bức tranh bò đực và rồng tráng lệ trang trí phía bên trong; những cây tuyết tùng dùng để lợp mái được ta kéo căng; những cánh cổng thành bằng gỗ tuyết tùng được dát đồng, khung và tay nắm cổng bằng đồng thau được ta gắn vào mép cửa; những con bò khổng lồ bằng đồng và những con rắn hung tợn, kinh hoàng được ta dựng ở chân cổng, hai cánh cổng được ta trang trí với những tuyệt tác làm kinh ngạc tất thảy mọi người. Có như vậy thì sự khốc liệt của chiến tranh mới không thể xâm phạm vào bên trong Imgur-Bel, bức tường của Babylon.”

Vào năm 597 TCN, Nebuchadnezzar tấn công và kiểm soát Jerusalem. Cuốn Book of Kings (Tạm dịch: Sách về các bậc đế vương) miêu tả ông đã “bắt hết những người Jerusalem, cùng tất cả những hoàng tử, và tất cả những người đàn ông dũng mãnh, thậm chí cả 10.000 con tin, và tất cả những thợ thủ công và thợ rèn: không còn một ai nữa, ngoại trừ những con người nghèo khổ nhất của vùng đất này.” Chẳng cần phải tưởng tượng mấy cũng hình dung được cảnh những tù nhân bị bắt ép trở thành nhân công cho những dự án xây dựng huênh hoang nhằm thể hiện tình yêu quyền lực điên cuồng của ông ta. Khi không nghĩ ra những hình tượng bằng vàng khổng lồ dựng lên để công chúng tôn thờ, mà nếu trái lệnh thì sẽ phải chịu kiếp hỏa thiêu, thì vị vua Babylon sẽ trang trí thủ đô của mình với những tòa nhà hoa lệ nhất.

Một điều bí ẩn là, Herodotus không hề đề cập đến Khu Vườn Treo12, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Diodorus, nhà sử học Hy Lạp người Sicilia sống ở thế kỷ thứ nhất TCN, đã nói rằng công trình nước nổi tiếng nhất của thế giới được sinh ra từ tình yêu của một người đàn ông dành cho một phụ nữ. “Đã từng có một khu vườn treo như vậy… nằm ở gần thành trì, không phải được xây bởi Semiramis, mà bởi một hoàng tử sau đó tên là Cyrus, để bảo vệ một cô gái làng chơi, mang dòng máu Ba Tư và vì khao khát những bãi cỏ trên núi, đã quyến rũ nhà vua để xây nên một khu đồn điền bắt chước vùng đất ở Ba Tư.”

Những tài liệu khác gợi ý rằng những khu vườn bậc thang xanh mướt, dường như phản trọng lực này là một món quà của Nebuchadnezzar dành tặng vợ ông, Amyitis. Một số nhà khảo cổ học tin rằng những khu vườn đó thực ra chưa bao giờ tồn tại trên quy mô hoành tráng như truyền thuyết vẫn mô tả.

Câu chuyện về Babylon là vòng quay suy thịnh của những tàn sát và vị tha, chiến tranh và hòa bình, một bức tranh thu nhỏ của lịch sử loài người.

Herodotus viết về tất cả những khía cạnh đời sống ở Babylon, mô tả tất cả mọi thứ từ đặc điểm địa lý, truyền thống nung gạch, công trình xây dựng tường thành ngoài, và sự quy hoạch thành phố, cho đến những mùa vụ chính (lúa mì, lúa mạch, kê, vừng, và chà là), những cách thức sử dụng cây cọ đa dạng (làm đồ ăn, rượu, và mật ong), những tập tục tôn giáo, y học, và tình dục, và những loại thuyền chạy trên sông Euphrates. Ông mô tả cách những bức tường thành khiến người ta phải e sợ được xây từ những viên gạch nung từ bùn bằng cách sử dụng nhựa đường làm vữa, mà dấu vết có thể được thấy ngày nay nơi những bức thành cổ nằm kế những viên gạch hào nhoáng, kết quả của công cuộc phục chế thời kì Saddam vào thập niên 8013.

Một trong những câu chuyện khó tin nhất của ông kể về cái ông gọi là một tục lệ “hoàn toàn nhục nhã,” khi mà tất cả những phụ nữ Babylon, dù giàu hay nghèo, bị bắt phải ngồi bên ngoài đền Ishtar cho đến khi một người đàn ông ném một đồng xu bạc vào lòng để mây mưa với họ. Chỉ sau khi hoàn thành nghĩa vụ này, một người phụ nữ mới có thể tự do. Herodotus kết thúc câu chuyện bằng một câu bông đùa điển hình “Những người phụ nữ cao ráo, đẹp đẽ sẽ sớm được về nhà, nhưng những người xấu xí thì phải ở lại rất lâu … một vài người trong số họ thậm chí còn phải ở đó đến ba hoặc bốn năm.”

Di sản của Babylon

Câu chuyện về Babylon là vòng quay suy thịnh của những tàn sát và vị tha, chiến tranh và hòa bình, một bức tranh thu nhỏ của lịch sử loài người. Nó là câu chuyện về lòng tham, sự tự cao, những đế chế, và sự tàn bạo nhân danh tôn giáo; đồng thời cũng là về nền văn minh nhân loại, sự giàu có xa hoa, kiến trúc rực rỡ, và dung hòa tôn giáo. Nó tóm lược những đặc tính quý giá và xấu xa nhất của con người, và bùng nổ trên truyền thông thế giới trong cuộc chiến tranh Iraq đơn giản bởi Babylon là cội nguồn lịch sử của chúng ta. Cái nôi của văn minh nhân loại thuộc về tất cả chúng ta.

Tôi ghé thăm nơi này vào tháng 11 năm 2004, khi quân đội Ba Lan đang chuẩn bị trao trả nó cho chính quyền Iraq. Ngài Donny George quá cố, lúc đó là người đứng đầu Bảo tàng Iraq, đã cảnh báo tôi ở Baghdad về những thiệt hại nặng nề ở nơi này gây ra bởi quân đội Ba Lan. Ông kinh hãi khi đọc báo cáo về những toán lính lấp đầy các bao tải bằng đất đá chứa những mảnh di tích khảo cổ; về những chiếc xe bọc thép cày nát các viên gạch từ thế kỷ thứ sáu TCN trên Đường Diễu Hành; về những tên trộm cắp vặt cạy những mảnh tạc rồng từ cổng Ishtar; hay là đào bới, san bằng, chất đống, và rải sỏi lên thành phố cổ đại này. “Đây là di sản vĩ đại nhất của loài người,” ông nói. “Họ không thể đào bới chỉ để lấy chỗ cho xe tăng của họ như vậy.”

Giáo sư John Curtis, người trông nom Khu vực Cận Đông Cổ đại tại Bảo tàng Anh Quốc, ghé thăm Babylon vào cuối năm 2004. Trong bản báo cáo của mình, ông nói rằng thật “đáng tiếc” khi mà một doanh trại quân đội như vậy lại được đặt tại một trong những di tích khảo cổ quan trọng nhất của thế giới. “Việc này cũng nguy hại tương tự như việc thành lập một doanh trai quân đội xung quanh Đại Kim Tự Tháp ở Ai Cập hay Stonehenge ở Anh vậy.”

Được hướng dẫn bởi một người dân Ba Lan có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực khảo cổ học cái chết (archeology of the death), tôi đi xung quanh cổng Ishtar, trên con đường từng in dấu bước chân của Cyrus và Alexander Đại đế, những người đã chiếm đóng Babylon lần lượt vào năm 539 và 331 TCN – Alexander ra lệnh san bằng tòa ziggurat nổi tiếng và qua đời trước khi nó có thể được phục dựng. Cổng thành sặc sỡ ngày nay là bản sao chép lại của cổng cũ, được di dời bởi các nhà khảo cổ học người Đức vào năm 1914, cùng với phần lớn những con sư tử chạm khắc nổi mà một thời được dùng để trang trí hai bức tường dọc Đường Diễu Hành, giờ được đặt trong Bảo tàng Pergamon tại Berlin.

Một đám bồ câu đậu trên những đống đổ nát chất chồng, nghỉ ngơi trong ánh mặt trời và ị lên toàn bộ lịch sử.

Ishtar Gate at Berlin Museum.jpg
Phiên bản phục dựng cổng Ishtar đặt tại Bảo tàng Pergamon ở Berlin, Đức. Nguồn: Wikimedia.

Những đoạn Đường Diễu Hành, giờ không còn những đoạn kè tráng men của bức tường khi xưa, lấp lánh trong ánh mặt trời như những chiếc răng khổng lồ trang trí bởi “những con rồng hung tợn” và bò đực của Nebuchadnezzar. Một đám bồ câu đậu trên những đống đổ nát chất chồng, nghỉ ngơi trong ánh mặt trời và ị lên toàn bộ lịch sử.

Thật dễ làm người ta thấy đau buồn. Trong khi những cuộc chiến tranh tuần tự nhào nặn lịch sử, lật đổ những thế lực cũ và đưa kẻ mới vào tâm điểm, thì ở Babylon chiến tranh dường như đã chẳng thay đổi lịch sử nhiều như nó đã xóa đi tất cả.

Vậy nhưng điều này cũng không đúng hoàn toàn. Cuộc phục dựng ở thời kỳ Saddam, mà trong mắt các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp chẳng khác nào một lời nguyền rủa, ít nhất đã cho những người Iraq một cái gì đó để mà nhìn ngắm giữa những đống hoang tàn và vỡ nát. Như nhà sử học nghệ thuật người Iraq, Giáo sư Lamia al Gailani đã nói: “Với hầu hết mọi người những tàn tích ở Iraq thật xấu xí. Những người Iraq bình thường muốn những thứ có thể làm họ ấn tượng như thế này.” Và giữa công viên Disney của nhà độc tài này, có những điểm giống nhau giữa lời khắc khoe khoang của Nebuchadnezzar trên viên gạch cháy và của kẻ kế vị thế kỉ 20 của ông ta (“Nơi này được xây lên bởi Saddam Hussein, con trai của Nebuchadnezzar, để rạng danh Iraq”).

Sự thật là Babylon đã về với đất mẹ từ lâu rồi, bủa vây giữa những cuộc chiến, thời tiết, và thời gian. Cuộc trộm cắp và san bằng vào năm 2003 chẳng qua chỉ là cuộc tấn công gần nhất vào cấu trúc đang dần sụp đổ của thành phố, nơi tại vị của một đế chế rộng lớn mà cái tên của nó được dùng để chỉ sự vĩ đại, sự giàu có tột bậc, chưa kể đến những hành vi đồi bại và dung tục (từ điển Oxford từng gọi nó là “thành phố bí ẩn của ngày Tận thế”).

Dù những tàn tích cổ xưa nhất của nó cũng đã gần như tuyệt chủng, qua những vòng quay của sự tàn phá và khôi phục, và trong trí nhớ về định nghĩa nhân loại của đông đảo chúng ta, Babylon sẽ luôn trường tồn.


  1. Vùng đất “Trăng Lưỡi liềm Màu mỡ” (Ferrtile Cresent” là dải đất hình trăng lưỡi liềm trải dài từ khu vực đông bắc Ai Cập sang phía bắc Bán đảo Ả Rập. Đây là một vùng đất tươi tốt, màu mỡ và được coi là cái nôi của văn minh nhân loại bởi nơi đây đã chứng kiến những sự phát triển đầu tiên trong lịch sử loài người. Vùng đất này hiện đi qua các quốc gia và vùng lãnh thổ sau: Iraq, Syria, Lebanon, Jordan, Israel, Palestine, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran.

  2. Hai con sông Tigris và Euphrates là hai con sông tạo thành hệ thống Lưỡng Hà ở vùng Tây Á. Hai con sông này chảy qua lãnh thổ các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Iran, và Kuwait.

  3. Mesopotamia là tên gọi vùng đất xung quanh khu vực Lưỡng Hà, ngày nay bao gồm lãnh thổ các nước Iraq, Kuwait, phía đông Syria, và phần đất dọc ranh giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Syria và Iran-Iraq.

  4. Hammurabi (khoảng 1810 – 1750 TCN) là vị vua thứ sáu của triều đại Babylon đầu tiên. Ông là người đã mở rộng lãnh thổ Babylon ra toàn khu vực Mesopotamia, và nổi tiếng với việc tạo ra một trong những bộ luật đầu tiên trong lịch sử nhân loại.

  5. Assyria là một vương quốc lớn ở khu vực Mesopotamia, tồn tại từ khoảng thế kỷ 25 TCN cho đến khoảng giữa năm 612 và 599 TCN. Assyria nằm bên sông Tigris, nơi ngày nay là khu vực phía bắc Iraq, đông bắc Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và rìa tây bắc Iran.

  6. Khái niệm “phản anh hùng” (anti-hero) dùng để chỉ nhân vật chính trong một câu chuyện mà không có những đặc tính của một anh hùng điển hình, thay vào đó là những đặc điểm rất bình thường hoặc trái với giá trị đạo đức thông thường.

  7. Nebuchadnezzar đệ Nhị (khoảng 634 – 562 TCN) là một hoàng đế của Đế quốc Tân Babylon, trị vì từ khoảng năm 605 – 562 TCN. Nebuchadnezzar nổi tiếng với những công trình xây dựng hoành tráng của Babylon, cũng như việc phá hủy đền Solomon ở Jerusalem. Đọc thêm thông tin chi tiết về Nebuchadnezzar đệ Nhị tại đây.

  8. Ziggurat là tên gọi những kiến trúc khổng lồ ở khu vực Mesopotamia và phía tây bình nguyên Iran thời cổ đại. Ziggurat có hình dáng như những kim tự tháp có bậc thang, với các tầng nhà nối tiếp chồng lên nhau. Etemenanki là một ziggurat ở Babylon được xây để tỏ lòng tôn kính đến thần Marduk, vị thần bảo hộ của Babylon. Hiện tại ziggurat này đã bị phá hủy và chỉ còn lại tàn tích. Đây cũng là công trình truyền cảm hứng cho câu chuyện về tháp Babel trong Kinh thánh.

  9. Ngôi đền này có tên là Ésagila

  10. Herodotus (khoảng 484 – 425 TCN) là một nhà sử học người Ai Cập cổ đại. Ông được coi là “Cha đẻ của Sử học”, là người đầu tiên phá vỡ truyền thống khi cho rằng lịch sử cần được nghiên cứu và đánh giá một cách có hệ thống và khách quan. The Histories được cho là tác phẩm duy nhất của ông, xoay quanh nguồn gốc cuộc chiến giữa Hy Lạp và Ba Tư, từ năm 499 – 499 TCN, cùng với một lượng thông tin khổng lồ về địa lý và các dân tộc. Xem thêm thông tin chi tiết về Herodotus tại đây.

  11. Cổng Ishtar là cổng thành thứ tám nằm ở phía bắc Babylon, được xây bởi vua Nebuchadnezzar đệ Nhị vào khoảng năm 575 TCN. Đi qua cổng thành là Đường Diễu Hành (Processional Way), dọc hai bên đường là bức tường trang trí hình sư tử, bò, rồng, và hoa. Cổng Istar bị phá hủy vào khoảng đầu thế kỷ 20 và bản phục dựng hiện tại được trưng bày tại bảo tàng Pergamon ở Berlin, Đức.

  12. Chỉ Vườn Treo Babylon, một trong bảy kì quan thế giới cổ đại. Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về địa điểm thực sự của công trình này cũng như liệu nó có thực sự tồn tại hay không.

  13. Vào năm 1983, cố Tổng thống Iraq đã cho phục dựng lại Babylon trên nền những tàn tích cũ. Hussein đã cho dựng tượng mình và Nebuchadzzar ở lối vào khu vực này, và khắc tên mình lên các viên gạch như Nebuchadzzar từng làm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất