a
§ Tác giả: Aditya Chakrabortty | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Minh Hoàng | Hiệu đính:  Ninh
19/01/2019

Chúng ta sẽ sớm thấy những bản cáo phó đầu tiên khi sự minh bạch, tự do thương mại, và toàn cầu hóa từ trần. Khi tác giả của những bản cáo phó này suy nghĩ về việc các nước giàu có đã chạy theo tư tưởng của Donald Trump hay Nigel Farage1 như thế nào, họ nên dành một chương lớn cho Apple. Bởi lẽ tập đoàn lớn nhất thế giới là một ví dụ điển hình cho thấy những lời hứa sau khi bức tường Berlin2 sụp đổ đã bị nhạo báng như thế nào.

Bất kể những tính năng kỳ diệu gì đã được nhồi vào chiếc iPhone mới nhất, các thiết bị này đã gia tăng khoảng cách giữa nhóm siêu giàu và những người còn lại chúng ta; chúng đã cướp đi nguồn thuế hợp pháp của các quốc gia, và bóc lột những công nhân Trung Quốc, đồng thời tước đi những việc làm lương cao khỏi tay người Mỹ. Ngạo mạn trước những nhà phê bình và chính phủ, chìm ngập trong tiền nhưng lại cạn ý tưởng, Apple đơn thuần là một biểu tượng tao nhã cho một hệ thống kinh tế thừa thãi.

Đây không phải những điều chúng ta nghĩ tới khi nhắc đến Apple, một tập đoàn đa quốc gia mà vừa luôn đồng hành với khách hàng, vừa không ngừng đi trước. Khi ra mắt chiếc iPhone 7 vào tháng Chín năm 2016, trưởng bộ phận tiếp thị của Apple, Phil Schiller, đã giải thích tại sao mẫu này không có khe cắm tai nghe: “Tất cả đều được gói gọn trong một từ: bản lĩnh. Bản lĩnh để bước tiếp, làm điều gì đó mới mẻ, và làm cho chúng ta tốt hơn.” Những lời vớ vẩn tẩm dầu thơm mị hoặc đậm chất California đó đã được một đám đông 7000 người hoan hô nhiệt liệt và bị giới truyền thông chế giễu một chút – nhưng cũng chính những lời đó đã che đậy một số điều khó chấp nhận trong mô hình thương mại của iPhone, ví dụ như môi trường sản xuất ra nó.

Chiếc iPhone của bạn được lắp ráp tại một trong ba công ty: Foxconn, Wistron, và Pegatron. Cái tên lớn nhất và nổi tiếng nhất trong đó, Foxconn, đã được toàn thế giới chú ý vào năm 2010 khi khoảng 18 công nhân viên của họ tìm cách tự tử. Ít nhất 14 người đã thiệt mạng. Phản ứng của công ty trước việc này là giăng những tấm lưới để đỡ những người nhảy lầu. Năm đó, các công nhân ở nhà máy Longhua (Long Hoa) của Foxconn đã lắp ráp được 137,000 chiếc iPhone mỗi ngày, tức khoảng 90 cái mỗi phút.

Một trong những người đã tìm cách tự tử đó là một cô gái 17 tuổi tên là Tian Yu. Cô đã nhảy từ tầng tư ở khu nội trú của nhà máy và sau đó bị liệt từ hông trở xuống. Khi nói chuyện với các nhà nghiên cứu, cô đã miêu tả lại điều kiện làm việc của mình trong bản lời chứng đáng kinh ngạc mà tôi đã đưa tin trên trang The Guardian. Cô ấy gần như là một con gà công nghiệp, làm việc 12 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần, chuyển giữa ca sáng và tối, và phải ở trong một căn phòng kí túc xá 8 người .

Sau những vụ bê bối vào năm 2010, Apple đã hứa sẽ cải thiện môi trường làm việc cho những công nhân Trung Quốc. Họ đã xuất bản một số tờ quảng cáo bóng bẩy nhằm tán dương sự tận tâm của họ đối với nhân viên. Nhưng không hề có bằng chứng nào cho thấy tập đoàn này đã bỏ ra một xu từ đống lợi nhuận khổng lồ của mình cho các nhà thầu để đảm bảo rằng những người thực sự làm ra sản phẩm cho họ được đối đãi tốt hơn.

Năm vừa qua, China Labor Watch (tạm dịch: Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc), một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Mỹ, đã công bố một chuỗi các cuộc điều tra về  Pegatron, một nhà thầu lắp ráp iPhone khác. Họ đã cử một điều tra viên đến xưởng sản xuất, phỏng vấn hàng chục nhân viên của Pegatron và phân tích hàng trăm phiếu nhận lương. Các bằng chứng họ thu thập được cho thấy nhân viên phải làm việc 12 tiếng một ngày, 6 ngày một tuần – trong đó có một tiếng rưỡi làm không công. Tổ chức này khẳng định rằng công nhân bị bắt làm việc quá giờ, và không được tập huấn an toàn lao động đầy đủ như luật pháp quy định.

Điều tra viên đó phải lắp ráp một bo mạch chủ cho iPhone mỗi 3.75 giây, và phải đứng suốt ca làm dài 10.5 tiếng. Đó dường như là hình phạt mà các công nhân của các nhà thầu của Apple phải chịu đựng để kiếm sống.

Cơ quan chính phủ Thượng Hải đã nâng mức lương tối thiểu trong năm vừa qua; Pegatron đã đáp trả bằng việc cắt các khoản trợ cấp cho những thứ như bảo hiểm y tế, nên mức lương theo giờ cho nhân viên thực tế lại giảm.

Khi được hỏi về những phát hiện này, Pegatron đã đưa ra phản hồi rằng: “Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo rằng tất cả những cơ sở lắp ráp của Pegatron đều là môi trường lao động an toàn, và những lời cáo buộc trái với điều này đều đơn giản là sai sự thật… Chúng tôi đã thực hiện những biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng nhân viên không phải làm việc hơn 60 tiếng một tuần và 6 ngày mỗi tuần.”

Vào năm ngoái, một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền tại Đan Mạch đã tìm được nhiều bằng chứng về việc ép buộc sinh viên lao động tại Wistron, một nhà thầu lớn khác của Apple. Những học sinh ngành kế toán hay quản trị kinh doanh đã bị đưa vào làm việc hàng tháng trời ở những dây chuyền lắp ráp của Wistron. Đây là một vi phạm nghiêm trọng đến công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, nhưng những điều tra viên của Danwatch đã tìm được bằng chứng rằng hàng nghìn học sinh đã phải lao động và chịu đựng giờ làm việc khổ nhọc giống như người lớn – nhưng với mức lương thấp hơn.

Những sinh viên đó đã kể với Danwatch rằng họ không hề tự nguyện làm việc như vậy. “Tất cả chúng tôi đều rất tuyệt vọng,” một cô gái 19 tuổi nói. “Nhưng chúng tôi không có lựa chọn, vì nhà trường bảo rằng nếu chúng tôi từ chối, chúng tôi sẽ không được cấp bằng để ra trường.” Mặc dù đã được yêu cầu làm rõ sự việc nhiều lần, Wistron đã không phản hồi.

Tuy cuộc điều tra đó không phải ở một nhà máy làm iPhone, nhưng Apple đã xác nhận rằng Winston và Pegatron là hai trong những cơ sở lắp ráp lớn của họ tại Trung Quốc. Mặc dù họ không muốn đưa ra bình luận chính thức, những nhân viên quản lý truyền thông của Apple đã chỉ cho tôi những hồ sơ thanh tra mà công ty đã thuê người thực hiện đối với những nhà máy cung ứng. Nhưng những hồ sơ này sơ sài một cách vô cùng thuận tiện.

Hãy nhìn vào báo cáo điều tra của Apple tại Foxconn năm 2012, sau những vụ tử tự trên. Foxconn là tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Trung Quốc, với khoảng 400,000 nhân viên chỉ tính tại nhà máy Longhua. Nhưng báo cáo cho Apple, cùng với một cuộc điều tra đang được Hiệp hội Lao động Công bằng thực hiện, chỉ kiểm tra 3 nhà máy, mỗi địa điểm trong 3 ngày. Jenny Chan, một trong những học giả nổi tiếng nhất về nạn bóc lột lao động tại Trung Quốc và đồng tác giả của cuốn sách sắp xuất bản Dying for an iPhone (tạm dịch: Chết vì iPhone), gọi việc này là “thanh tra dù (parachute auditing) – một cách làm để việc kinh doanh được tiếp diễn như bình thường.” Có vẻ như đó cũng là một phương pháp rất sinh lời. Trong khi lương của các công nhân lắp ráp iPhone tại Pegatron tụt xuống 1.60 USD (khoảng 36.000 VND) một giờ, Apple vẫn đứng đầu trong những tập đoàn sinh lời nhiều nhất nước Mỹ, kiếm được hơn 47 tỉ USD chỉ trong năm 2015.

Điều này có nghĩa là gì? Với 231 tỉ USD, Apple có khối tài sản lớn hơn cả chính phủ Mỹ, nhưng có vẻ như sẽ không bỏ dù chỉ là một xu để cải thiện điều kiện cho những người thực sự làm ra tiền cho họ. Và họ cũng sẽ không chuyển việc sản xuất iPhone sang Mỹ, một cách có thể tạo ra việc làm và iPhone vẫn sẽ là chiếc điện thoại thông minh sinh lời nhiều nhất trên thế giới.

Thay vào đó, họ muốn thu về nhiều lợi nhuận hơn, để về tay những người nắm cổ phần của Apple – ví dụ như giám đốc tập đoàn Tim Cook, với tổng giá trị cổ phần của tập đoàn lên tới 785 triệu USD. Bạn bè của Tim Cook hướng sự chú ý tới những hoạt động tình nguyện của ông, nhưng mặc dù vui vẻ bỏ tiền vào những dự án bên lề, ông từ chối trả 13 tỉ Euro tiền thuế cho EU và gọi khoản thuế này là “rác rưởi chính trị.” Ông đồng thời lớn tiếng về việc ông sẽ không mang hàng tỷ lợi nhuận của Apple về Mỹ “cho đến khi có một mức thuế công bằng… Không phải bạn cứ trả nhiều tiền hơn, thì có nghĩa là bạn yêu nước hơn.” Ông hoàng công nghệ dường như nghĩ mình biết nhiều hơn 300 triệu người dân Mỹ về mức thuế mà chính phủ họ bầu ra nên quy định.

Khi những nhà sử học hỏi tại sao toàn cầu hóa lại từ trần, họ chắc chắn sẽ nhận thấy những công ty lớn như Apple là một phần lớn của câu trả lời. Đối mặt với lựa chọn giữa một mô hình kinh tế sinh lợi khổng lồ cho một vài người và một chế độ “vì dân” với những lời hứa to lớn cho nhiều người, giữa Cook ở một bên và Farage ở bên còn lại3, những cử tri đã chọn người mà ít nhất đã không nhiều lời về “bản lĩnh.”


  1. Nigel Paul Farage là một chính trị gia người Anh thuộc tư tưởng chính trị bảo thủ, nhà phát thanh và nhà phân tích chính trị. Ông là thành viên của Nghị viện châu Âu cho khu vực bầu cử Đông Nam nước Anh từ năm 1999.
    Nigel Farage là Phó Chủ tịch tổ chức “Leave Means Leave”, một tổ chức ủng hộ Brexit.

  2. Bức tường Berlin là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Berlin với phần phía Đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin được coi là một trong những sự kiện chính trị quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ 20; tượng trưng cho sự thống nhất, hòa bình và tự do.

  3. Tác giả đang đề cập đến sự kiện trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu, hay còn được gọi là Brexit. Nigel Farage là Phó Chủ tịch tổ chức “Leave Means Leave”, một tổ chức ủng hộ Brexit.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất