a
§ Tác giả: Daniel A. Gross | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Nhi | Hiệu đính:  Ninh
25/12/2018

Một buổi tối cuối mùa xuân năm 2015, tại South Street Seaport, một quảng trường ở cuối phía nam của Manhattan, hàng trăm người đeo tai nghe và trượt vào thế giới của riêng mình. Đó là một đêm yên tĩnh, có thể nói là hoàn hảo để dạo quanh phố phường, nhưng đám đông dường như không mấy hứng thú với các cửa tiệm và quán xá địa phương. Họ còn bận “phiêu” lặng lẽ theo điệu nhạc: bật nhạc lên — và tách mình khỏi những âm thanh khác — để chìm đắm trong “điệu disco im lặng.

Disco im lặng là một buổi trình diễn âm nhạc mà khi đi ngang qua, người ta hầu như chẳng nghe được chút âm thanh nào, còn người tham gia có thể tùy chỉnh nhạc theo ý thích chỉ bằng một nút bấm. Tại đây, tín hiệu không dây cho phép các “vũ công” chọn lựa một trong ba danh sách phát nhạc yêu thích nhất. Các cặp tai nghe ngự trên tai họ phát ra ánh sáng điện tử lập lòe. “Giờ thì chúng ta đã đến mức này đây: tự nhảy múa với chính mình,” một người chia sẻ với phóng viên của The New York Times.

Đối với một vài người quan sát, điệu disco im lặng là một kiểu cùng chia sẻ sự tách biệt có phần kỳ cục — một cách khuếch trương tình trạng sống tách mình của xã hội hiện đại, để trông như đang hòa nhập với người khác nhưng vẫn được đơn độc. “Tai nghe giờ đang xâm lấn những hoạt động âm nhạc vốn mang tính giao lưu,” Eric Felten, cây viết và nghệ sĩ jazz, than thở trên tờ Wall Street Journal.

Ảnh: Jan Střecha (Unsplash)

Felten nói thêm, disco im lặng chỉ là một trong hằng hà vô số các hoạt động đang “tán nhuyễn” xã hội ngày nay. “Thật đáng buồn khi khán phòng hòa nhạc hay câu lạc bộ khiêu vũ bị biến thành một đám đông cô đơn,” ông viết. “Những địa điểm này đáng nhẽ phải cực kỳ giàu tính xã hội chứ không phải ngược lại.” Tai nghe có thể chặn tiếng ồn từ đường phố, nhưng giờ đây, chúng cũng làm im bặt các kết nối xã hội. Để diễn giải lại lời các triết gia đại chúng có tầm ảnh hưởng lớn đến từ Athens, Georgia — ban nhạc The B-52’s, Tất cả chúng ta đều đang sống trong “Idaho của riêng mình.”1

Dẫu vậy, chẳng phải đợi đến bây giờ, mà kể từ khi Thomas Edison phát minh ra máy quay đĩa vào thế kỷ 19, các vòng tròn xã hội đã bắt đầu lỏng lẻo. Hồi đó nhiều người đã phàn nàn rằng mạng lưới xã hội đang bị xé vụn dần, bởi thay vì tụ họp trong phòng khiêu vũ và nhảy múa theo những giai điệu của Johann Strauss, chúng ta lại ở nhà nghe các bản thu âm trong phòng khách.

Tuy nhiên, những khám phá gần đây trong lĩnh vực tiến hóa và thần kinh học chỉ ra rằng: chúng ta không chỉ tự khiêu vũ với chính mình. Theo các nhà khoa học, vốn dĩ trải nghiệm âm nhạc đã mang tính xã hội, kể cả khi ta thưởng thức một cách riêng tư. Khi nghe nhạc một mình, chúng ta cũng đồng thời cảm thấy gần nhau hơn.

Từ việc nghiên cứu về cách âm nhạc “tạo ra cảm giác thuộc về cộng đồng,” tiến sĩ khoa học thần kinh Istvan Molnar-Szakacs thuộc Viện Khoa học Thần Kinh Semel, Đại học California tại Los Angeles, đã chia sẻ khám phá của mình trong bài báo xuất bản năm 2015, “Please Don’t Stop the Music” (tạm dịch: Xin đừng tắt nhạc).

“Khi cảm thấy căn nhà thật trống vắng vì bạn chỉ có một mình,” ông nói. “Bạn bèn bật một bản nhạc, và đột nhiên thấy khá lên nhiều bởi vì bạn đã không còn đơn độc nữa. Không đơn độc ở đây không phải theo nghĩa đen, mà là cảm giác như có bầu bạn cạnh bên.”

Khoa học đang khiến chúng ta hình dung khác đi về những người nghe nhạc bằng iPod — họ không còn là một đám đông cô đơn — và đưa ra một cách nhìn nhận mới tích cực hơn về công nghệ. Giáo sư ngành kinh doanh âm nhạc Peter Alhadeff thuộc Học viện âm nhạc Berklee đã chỉ ra rằng những sáng tạo công nghệ gần đây — từ Facebook đến Spotify đến Fitbit — đều góp phần làm sáng tỏ một thay đổi trong đời sống xã hội. “Có lẽ cách sống xã hội và riêng tư của chúng ta đang khác đi,” ông nói. Theo một cách nào đó, “thế giới trước kia từng riêng tư hơn bây giờ nhiều. Ở thời điểm hiện tại, con người hòa nhập xã hội theo một kiểu khác.”

Khi cảm thấy căn nhà thật trống vắng vì bạn chỉ có một mình, bạn bèn bật một bản nhạc, và đột nhiên thấy khá lên nhiều bởi vì bạn đã không còn cảm giác đơn độc nữa.

“Âm nhạc là một phần cơ bản của tiến hóa loài người; tổ tiên chúng ta có lẽ đã biết hát trước cả khi biết nói chuyện bằng câu từ đúng ngữ pháp,” Jay Schulkin và Greta Raglan viết trong một bài báo năm 2014 đăng trên tạp chí Frontiers in Neuroscience. Từ rất lâu trước khi các câu lạc bộ khiêu vũ và phòng hòa nhạc ra đời, những gắn bó âm nhạc đã chớm nở khi người mẹ hát ru con. Những giai điệu đầu tiên đã xuất hiện trong nghi lễ thờ phụng của bộ lạc, hay nhịp trống cổ vũ các chiến binh hành quân ra chiến trường.

Schulkin và Raglan nói thêm: Âm nhạc là một phần quan trọng của tiến hóa loài người, cũng giống như ngôn ngữ, chế tạo công cụ, và phát triển nhận thức. Đó là một cầu nối. “Thường thì âm nhạc được chia sẻ giữa nhiều người với nhau; đương nhiên là ta có thể hát trong khi tắm hay dạo bộ một mình; nhưng phần lớn thời gian, âm nhạc giàu tính giao lưu, giao tiếp và biểu đạt, và hướng đến người khác,” Schulkin và Raglan viết.

Molnar-Szakacs lý giải rằng hệ tế bào thần kinh gương (mirror-neuron system)2 trong não bộ là cơ sở thần kinh cho sức mạnh xã hội của âm nhạc. Các nghiên cứu cho thấy việc nghe, nhìn, và biểu diễn một hành động đều kích hoạt cùng một vùng não bộ. Như vậy, vùng chức năng “phản chiếu” của não bộ được kích hoạt bởi các trải nghiệm âm nhạc, bất kể ta tự mình chơi đàn guitar hay lắng nghe bản đàn của Pete Townshend3.

Theo Molnar-Szakacs, hệ tế bào thần kinh gương “cho phép một người đồng cảm với người khác bằng cách cung cấp một cơ chế tiền nhận thức tự động (automatic precognitive mechanism) để cắt nghĩa hành động của người kia. Cơ chế này có hai chức năng: sắp xếp mớ hành động của người khác thành các biểu diễn thần kinh trong não bộ của chính ta, và mô tả ý định đằng sau chúng.”

Khoảnh khắc bạn tiếp nhận một chuỗi các âm thanh trừu tượng và sắp xếp theo thứ bậc mà chúng ta thường gọi là âm nhạc, đó là lúc não bộ kích hoạt một loạt các liên tưởng. Những liên tưởng này có thể khơi gợi ký ức, cảm xúc, hay kể cả phản ứng vận động khi chơi nhạc. Chúng cùng nhau tạo ra một ấn tượng về hành động của con người. Cảm giác này khiến cho âm nhạc khác biệt với mọi loại âm thanh khác. “Não bộ diễn giải cấu trúc của một bản nhạc thành chủ ý của con người,” Molnar-Szakacs nói. “Điều này kết hợp với các liên tưởng mà âm nhạc đánh thức, và khiến cho việc thưởng thức âm nhạc trở thành một trải nghiệm xã hội.”

Không phải nhà khoa học nào cũng đồng tình với ý kiến cho rằng một số tế bào thần kinh đã hàm ẩn sẵn tính chủ đích (intentionality) và tiềm năng hành động (agency). Họ cho rằng đây là những quá trình tiềm thức hết sức phức tạp, chứ không phải là câu chuyện của một vài tế bào lẻ tẻ. Về phần mình, Molnar-Szakacs nhìn nhận hệ tế bào thần kinh gương như “một nút hoặc trung tâm trong một mạng lưới lớn hơn, có nhiệm vụ tích hợp thông tin liên vùng” trong não bộ. Một mắt xích quan trọng nữa trong mạng lưới này là hệ viền (limbic system), tức khu vực phụ trách cảm xúc, cảm giác được thưởng, động lực, và niềm vui.

Khi ý thức về người khác (tương ứng với hệ tế bào thần kinh gương) kết hợp với cảm xúc (biểu lộ qua hệ viền), sự thấu cảm sẽ nhen nhóm. Đối với Molnar-Szakacs, sự thấu hiểu cảm xúc là lời giải đáp cho câu hỏi “tại sao âm nhạc có thể trở thành trải nghiệm mang tính xã hội, ngay cả khi một người chỉ thưởng nhạc một mình qua tai nghe.”

Âm nhạc là một phần cơ bản của tiến hóa loài người; tổ tiên chúng ta có lẽ đã biết hát trước cả khi biết nói chuyện bằng câu từ đúng ngữ pháp.

Nhìn thoáng qua, việc nghe nhạc một mình dường như là một cú tách mình đột ngột khỏi nguồn gốc xã hội của âm nhạc. Tuy nhiên, góc nhìn trên không còn chính xác nữa khi ta soi lại toàn bộ lịch sử của công nghệ âm thanh. Ta nhận ra: chính các thiết bị nghe nhạc riêng tư lại có thể làm tăng bản chất xã hội của âm nhạc.

Trước hết, việc thưởng thức âm nhạc một mình đã tồn tại từ khá lâu trước khi các sản phẩm Sony và Apple được tung ra thị trường; trên thực tế, việc này đã xuất hiện từ thời kỳ đầu của công nghệ thu thanh. “Từ đời chiếc máy phát nhạc sản xuất thương mại đầu tiên, hay còn gọi là máy hát jukebox4, tại nghe đã được sử dụng rồi.” Q. David Bowers, tác giả cuốn Bách khoa thư về nhạc cụ tự động (Encyclopedia of Automatic Musical Instruments), cho biết. Trong các khu trò chơi bằng xèng, các ống trụ sáp chép nhạc mà Edison phát minh ra được xếp thành từng hàng máy. “Những chiếc máy này cần được đặt riêng, giống như các gian buồng độc lập.”

“Trong khi tai nghe nhét trong (earbuds) mới xuất hiện gần đây, con người đã biết đến tai nghe trùm đầu (headphones) từ lâu,” Jonathan Stern, Chủ nhiệm Danh dự James McGill ngành Văn hóa và Công nghệ tại Đại học McGill, cho biết. “Ta có thể tìm thấy hầu hết những bình luận về phiên bản iPod 2001 và iPhone 2007 trong máy nghe nhạc Walkman những năm 1980.”

Nhìn lại lịch sử âm thanh có thể giúp ta có cái nhìn khác về ấn tượng đầu tiên rằng ngày nay, như cách nói của giáo sư âm nhạc tại Đại học Stanford và nhạc sĩ sáng tác Jonathan Berger, việc nghe nhạc đã trở thành “một trải nghiệm tách biệt hơn, hay thậm chí là cô lập.”

Schulkin, giáo sư nghiên cứu khoa học thần kinh tại  Đại học Georgetown, chỉ ra rằng những hoạt động được cho là mang tính xã hội, ví dụ như đọc sách, thực tế từng bị coi là phản xã hội. “Trong khi người hàng xóm say sưa với văn chương Charles Dickens, rất có thể bạn đang nghiền ngẫm một thứ gì đó khác,” ông nói. Có lẽ, việc nghe nhạc và đọc sách khi ở một mình chẳng khác nhau mấy. “Tôi không hiểu tại sao nghe nhạc lại nhất thiết khiến con người trở nên tách biệt hơn,” Schulkin bày tỏ.

Trong khi đó, Berger tuyên bố, tính xã hội mà ta thường gán cho những màn trình diễn trong âm nhạc phương Tây lại rất dễ bị diễn giải lại thành tính cô lập — chẳng hạn như các buổi hòa nhạc cổ điển. “Bạn phải im lặng, ngồi thẳng, và không được cử động; tất cả hành vi dù nhỏ nhất đều có thể xáo trộn buổi diễn,” Berger cho biết, và những sáng tác của ông cũng thường được biểu diễn theo quy cách trên. “Từ góc độ đó mà nói, điều này rõ ràng khiến ta bị cô lập với xung quanh, chẳng kém gì việc trùm kín tai nghe và thưởng nhạc ở chốn riêng tư.”

Thêm nữa, Berger tin rằng tai nghe cũng có thể tham gia vào việc kết nối xã hội. “Khi bắt gặp những đứa trẻ đeo tai nghe trên đường, tôi luôn thử đoán xem chúng đang nghe loại nhạc gì. Theo một cách nào đó, đây đúng là một hoạt động liên kết xã hội,” ông chia sẻ. “Tôi có thể cảm nhận được cách chúng dậm chân theo nhịp, trong khi miệng lẩm bẩm theo các ca từ.” Kể cả khi được trải nghiệm một mình, âm nhạc vẫn có thể giao tiếp với người khác.

“Khi bạn đeo tai nghe và đắm mình vào âm nhạc, những giai điệu đó vẫn là một phần của thế giới xã hội rộng lớn hơn.” Schulkin đồng ý, và lập luận, những người sử dụng tai nghe có thể ngăn bản thân tiếp cận với thế giới vật lý xung quanh, nhưng họ vẫn được “cài đặt” để trải nghiệm âm nhạc một cách tập thể.

Ảnh: Ross Sneddon (Unsplash)

Giống như vậy, mạng Internet và dịch vụ nghe nhạc trực tuyến cũng có thể mang tính giao lưu. Chúng ta thường xuyên thưởng thức các danh sách phát nhạc trên ứng dụng Spotify và Pandora qua điện thoại di động và tai nghe. Nhưng, ngay cả khi các thuật toán về thị hiếu có thể giúp chúng ta khám phá âm nhạc khi ở một mình, quá trình chia sẻ đó vẫn là một trải nghiệm xã hội.

Tương tự, các dịch vụ như Last.fm tận dụng kho dữ liệu về gu âm nhạc cá nhân để tạo ra các liên kết xã hội mới. Những liên kết mới này nhen nhóm trong trí tưởng tượng: chúng cho ta hình dung sơ bộ về một cộng đồng người nghe nhạc cùng gu. Không chỉ vậy, chúng còn giúp ta hiểu rõ hơn thói quen và sở thích của bạn bè.

Sterne miêu tả các thính giả như những chuyên gia tìm kiếm công dụng mới cho công nghệ hiện có. “Ở trong tay người dùng, những công nghệ này được biến hóa muôn hình vạn trạng,” ông nói. Đây chính xác là điều xảy đến khi các DJ bắt đầu thực hiện trò quay ngược đĩa hát. Từ một phát minh tưởng như chỉ dành cho việc nghe nhạc một mình, qua bàn tay của các DJ và người hâm mộ, đĩa than được “phù phép” thành một trải nghiệm nhóm đầy ngẫu hứng và độc đáo.

Những điều này không phải để tuyên bố rằng việc nghe nhạc chẳng hề mang tính cá nhân. Mà là, việc nghe nhạc cá nhân có thể đồng thời chứa đựng tương tác và giao tiếp xã hội — như điệu waltz, màn biểu diễn nhạc ứng tấu (jam session), hay nhịp trống cổ vũ người lính ra chiến trường. “Nó khiến công nghệ trở thành một phần của cách ta nghĩ về việc ở bên nhau,” Sterne nói.

Những người chỉ trích việc nghe nhạc một mình chỉ than vãn rằng nó chặt đứt mối liên hệ giữa người với người và xé bỏ mạng lưới xã hội mà dường như không nhìn được bức tranh toàn cảnh. Tiến hóa đã đóng dấu sức mạnh liên kết tâm hồn của âm nhạc vào bộ não. Những liên kết xã hội này không bị công nghệ nới lỏng. Ngược lại, chính con người sáng tạo và điều chỉnh công nghệ để tăng cường những liên kết này.

“Nếu bạn nghĩ về việc nghe nhạc trên mạng xã hội, hay các bữa tiệc “quẩy trong im lặng” (silent raves), nơi đám đông tham gia cùng thưởng thức âm nhạc qua tai nghe cá nhân, thì sẽ thấy những hoạt động như vậy hoàn toàn nhất quán với tiến trình phát triển của âm nhạc như một thực hành tập thể,” Sterne cho hay. “Thực hành đó chỉ đang được chỉnh sửa và tái biểu diễn thông qua các công nghệ hiện đại.”

Ảnh: rawpixel (Unsplash)

Một vài năm về trước, LJ Berube đến một nông trại vùng Tennessee để tham gia Lễ hội m nhạc Bonnaroo. Trong vòng bốn ngày, sân khấu lễ hội được khuấy đảo bởi vô số ban nhạc cùng hàng chục nghìn người hâm mộ của họ. Một ngày, trong khi đang lang thang, Berube bắt gặp rất nhiều người xếp hàng trước một căn lều đông đúc. Kỳ lạ thay, bên trong chẳng phát ra bất kỳ âm thanh nào cả. “Tôi đoán chắc có một điều gì đó thú vị đang diễn ra,” Berube nói. Ông quyết định đứng chờ gần một tiếng.

Dòng người nhích từng chút một. Thỉnh thoảng, bên trong lại vọng ra tiếng hò reo vui vẻ. “Đột nhiên, tôi hiểu được chuyện gì đang xảy ra,” Berube nhớ lại. Nhòm vào trong, ông thấy hàng trăm người đang nhảy múa — nhưng là với tai nghe trùm đầu.

Đó là một cảnh tượng kỳ dị: hàng trăm người khiêu vũ theo những giai điệu chỉ họ mới nghe thấy. Một số người nhảy rất ăn khớp với nhau; số còn lại thì không. “Tôi nghĩ, hừm, chắc đây không phải là hoạt động dành cho mình,” Berube nói. “Nhưng tại thời điểm đó, tôi đã chờ được 45 phút rồi.” Ông đeo tai nghe vào và bước vào sàn nhảy. “Ban đầu tôi thấy khá kỳ lạ,” ông nói. “Nhưng cảm giác đó nhanh chóng biến mất.” Cuối cùng, ông nhảy say sưa đến hẳn một tiếng đồng hồ.

“Giờ thì tôi hoàn toàn hiểu được rồi,” Berube tuyên bố. Điệu disco im lặng khiến cho một trải nghiệm riêng tư trở thành của công chúng. “Bạn chìm vào trong thế giới của riêng mình, và đồng thời cùng trải nghiệm điều đó với một nhóm người. Bạn không chỉ hòa nhịp với chính mình mà còn với những người khác.”

Đối với Berube, lần đầu tham gia buổi disco im lặng đó là một dấu mốc chuyển đổi. Hiện tại, ông là “Customer Excitement Manager” (tạm dịch: chuyên quản lý độ hào hứng của khách hàng) cho Party Headphones, một doanh nghiệp chuyên về disco im lặng ở New Hampshire. Theo như ông ước tính, hàng chục nghìn người tham gia các buổi disco im lặng mỗi cuối tuần ở Mỹ; tại châu Âu, con số này có thể lớn hơn gấp nhiều lần. Mỗi tuần, công ty trên vận chuyển vô số thùng tai nghe đến khắp nơi trên đất Mỹ; nhờ đó, những người trẻ có thể tận hưởng trải nghiệm nhảy múa trong im lặng này.

“Dịp Lễ Tạ ơn vừa rồi, tôi mang về nhà một số cặp tai nghe,” Berube kể. “Và ông bà tôi đã đeo chúng để khiêu vũ theo nhạc của Sinatra đó.”


  1. Ở đây, tác giả gọi đùa nhóm The B-52’s là “triết gia” vì họ đến từ Athens nhưng không phải ở Hy Lạp mà ở bang Georgia của Mỹ. Trong bài hit “Private Idaho” của họ, Idaho là cách nói ví von về sự hẻo lánh (Idaho là một trong những bang hẻo lánh nhất nước Mỹ).

  2. Hệ tế bào thần kinh gương là một nhóm tế bào thần kinh hoạt động như cái gương: chúng phản ứng giống nhau khi cơ thể tự hành động và khi quan sát thấy hành động đó ở cá thể khác, chúng giúp cơ thể phản chiếu và bắt chước các động tác, hành vi quan sát được.

  3. Pete Townsend là cây ghi-ta và nhạc sĩ sáng tác chính của ban nhạc The Who. https://www.thewho.com/pete-townshend/

  4. Jukebox là một loại máy phát nhạc tự động chạy bằng xèng, thường có ở những tụ điểm giải trí công cộng. Nó từng rất được ưa chuộng ở phương Tây trước khi băng cassette và các thiết bị phát nhạc tân tiến khác xuất hiện.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Ý thức và những giấc mơ
Những ý thức chúng ta có khi nằm mơ có nền tảng và đặc điểm như thế nào? Kiểu ý thức này đóng vai trò gì trong cuộc sống của chúng ta?
Mới nhất