a
§ Tác giả: Leyla Mei | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Logic Mafia | Hiệu đính:  Ây Xi
06/04/2017

Trong kho từ vựng về bệnh truyền nhiễm, ‘Bệnh nhân số 0’ có nghĩa là trường hợp gốc trong một cuộc bùng phát dịch, người đầu tiên biểu hiện các triệu chứng bệnh. Ý tưởng rằng có thể truy nguyên một đại dịch về một cá thể duy nhất, hành trình sống còn để tìm kiếm người ấy, và lập bản đồ những con đường truyền bệnh là những chủ đề thường thấy trong văn hóa đại chúng. Những bộ phim như Contagion (2011), 12 Monkeys (1995) và 28 Days Later (2002) khắc họa hậu quả thảm khốc của những đại dịch virus được châm ngòi bởi một người duy nhất. Song song đó, cái tên Typhoid Mary – người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng (carrier) nổi tiếng nhất thế giới – đã trở thành từ để chỉ những ai lây bệnh cho người khác, nhiều khi là cố ý.

Trong lịch sử của AIDS ở Hoa Kỳ, Bệnh nhân Số 0 là nickname của một tiếp viên hàng không người Canada tên Gaëtan Dugas, người được cho là đã nhiễm HIV ở Haiti hoặc châu Âu, đưa virus này vào Bắc Mỹ và lây bệnh cho hàng trăm bạn tình trước khi chết vào năm 1984. Tuy nhiên, không phải là giới chuyên môn ngành y khai sinh ra thuật ngữ ‘Bệnh nhân Số 0’ và gán cho Dugas là trường hợp đầu tiên, mà là nhà báo Mỹ Randy Shilts. Cuốn sách And the Band Played On (1987) (Tạm dịch: Và ban nhạc vẫn trình diễn) của ông tường thuật những năm đầu của cuộc khủng hoảng AIDS, xây dựng một ký sự về sự xuất hiện của nó trong cộng đồng người đồng tính ở thành phố New York và San Francisco, đồng thời lên án chính quyền tổng thống Reagan vì sự thờ ơ của họ trước căn bệnh này và những thống khổ nó gây ra.

Sự hấp dẫn của kịch bản Bệnh nhân Số 0 là ở những cách mà hình nộm ấy cho phép chúng ta gán trách nhiệm và đổ lỗi khi một dịch bệnh bùng phát.

Trong y văn, Bệnh nhân Số 0 từng được viết là ‘Bệnh nhân O’ – chữ ‘o’, không phải số ‘0’ – để chỉ vị trí địa lý của Dugas là bên ngoài (outside) California, nơi các nghiên cứu bắt đầu. Nhưng cuốn sách của Shilts đã nhào nặn Dugas thành ‘Bệnh nhân Số 0,’ một sinh vật tội lỗi đã bất cẩn, thậm chí cố ý, tiếp tục quan hệ tình dục với nhiều bạn tình mà không quan tâm đến sức khỏe của họ, ngay cả khi các bác sĩ đã bảo ông ta ngừng lại. Shilts gọi Dugas là ‘Typhoid Mary xứ Quebec’ và miêu tả ông là một gã đẹp trai ‘tóc vàng với chất giọng Pháp,’ người sẽ ‘làm tình với bạn, xong bật đèn lên, chỉ vào những vết lở loét bướu thịt Kaposi. Rồi gã sẽ nói “Tao bị chứng ung thư của dân gay. Tao sắp chết, và mày cũng vậy.”’

Trong vài thập kỷ, Dugas được biết đến như là Bệnh nhân Số 0 của đại dịch AIDS. Nhưng các tác giả của một bài báo gần đây trên báo Nature phát hiện rằng thực ra HIV thâm nhập vào nước Mỹ một vài năm trước khi Dugas xuất hiện. Khi thực hiện lại phân tích di truyền trên các mẫu máu lưu trữ, các nhà nghiên cứu xác định virus hẳn đã đến từ vùng Ca-ri-bê khoảng năm 1971, có thể là trong các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh như huyết thanh. Vậy, Dugas, người đã bị đổ tội một tay làm bùng phát đại dịch AIDS ở nước Mỹ, không phải là nguồn cơn mà chỉ là một nạn nhân khác của căn bệnh mà, đến nay, đã giết chết hơn 35 triệu người trên toàn cầu.

Nếu câu chuyện về Bệnh nhân Số 0 Dugas là không chính xác về mặt khoa học, không gì hơn sáng kiến của một nhà báo cần tìm đạo cụ văn chương, vậy tại sao nó lại sống dai đến như vậy? Điều gì đã khiến ý tưởng về một người bệnh đầu tiên hấp dẫn đến thế, và sự mê muội của chúng ta với nó hé lộ gì về nhu cầu của chúng ta, đòi hỏi những câu truyện để giúp bản thân đương đầu với những thứ dường như ngoài tầm hiểu biết?

Từ trước trường hợp của Dugas, ý tưởng về Bệnh nhân Số 0 đã tràn ngập trong những câu chuyện của những đợt bùng phát dịch bệnh. Vào năm 1900, các cán bộ phụ trách sức khỏe cộng đồng đã phát hiện thi thể của một người đàn ông Trung Quốc 41 tuổi tên Wing Chung Ging trong tầng hầm của khách sạn Globe tại San Francisco. Với mối nghi về bệnh dịch hạch, họ hạ lệnh cách ly Phố Tàu (Chinatown) ngay lập tức. Trong vòng một ngày, tất cả người da trắng đã được yêu cầu sơ tán khỏi khu vực, và các nhà chức trách đã hạ lệnh tẩy uế từng nhà và tiêm vắc-xin cho mọi cư dân của Phố Tàu. Đầu thế kỷ 20, ở New York, Mary Mallon, người phụ nữ nhập cư Ireland được gán cho tên ‘Typhoid Mary’ (Mary thương hàn), đã bị cách ly bắt buộc sau khi các cán bộ sức khỏe cộng đồng xác định rằng khi Mary làm đầu bếp tại gia, các hộ gia đình đã bị bà truyền bệnh mà không hề hay biết. Trong các trường hợp trên, nhà nước đã vin vào thẩm quyền khoa học mà thực thi các biện pháp cưỡng bức, dựa trên những tư tưởng đương thời rằng chủng tộc và giai cấp của một người có thể quyết định khả năng truyền nhiễm, và phản ứng, với bệnh tật của họ..

Tính cộng hưởng của hình tượng Bệnh nhân Số 0, dù trong một cuộc bùng phát xa xưa hay một đại dịch sắp đến, đều nhấn mạnh một khao khát chung của loài người, đó là đóng khung những thông tin mới trong những khuôn khổ cũ.

Sự hấp dẫn của kịch bản Bệnh nhân Số 0 là ở những cách mà hình nộm ấy cho phép chúng ta gán trách nhiệm và đổ lỗi khi một dịch bệnh bùng phát. Nó giúp ta thấy được và chú ý đến các trung gian truyền bệnh và những mối hiểm họa ẩn trong sự tiếp xúc giữa con người, tạo ra khoảng cách giữa những người nhiễm bệnh và phần còn lại. Khi Bệnh nhân Số 0 được nhận diện là một nhân vật với những đặc điểm riêng biệt về hành vi, tính dục hay chủng tộc, thì những người chúng ta với các đặc điểm khác có thể tự trấn an rằng mình không gặp nguy hiểm đâu. Một Bệnh nhân Số 0 thiếu cả khả năng tự chủ và sức mạnh đạo đức để tránh gây nguy hiểm cho người khác. Anh ta hay cô ta càng lệch lạc khỏi những chuẩn mực đã được công nhận, thì bài xích họ càng thuận tiện và dễ dàng. Như học giả Priscilla Wald viết trong cuốn Contagious (2008) (Tạm dịch: Truyền nhiễm), sự kì thị này ‘là một dạng cô lập và kiềm chế một vấn đề’ đồng thời là ‘một cách để tái lập sự chủ động – mà, trong những [lời đồn] về những kẻ cố tình gieo rắc bệnh tật, hóa thành một sự rắp tâm.’ Dugas được cho là có 250 bạn tình một năm – và những hành vi tình dục ‘lệch lạc’ cũng như việc ông ta biết rõ tình trạng HIV dương tính của mình đã tăng nặng tội trạng và sự vô luân của ông.

Tính cộng hưởng của hình tượng Bệnh nhân Số 0, dù trong một cuộc bùng phát xa xưa hay một đại dịch sắp đến, đều nhấn mạnh một khao khát chung của loài người, đó là đóng khung những thông tin mới trong những khuôn khổ cũ. Những cốt truyện về bệnh dịch xoa dịu chúng ta bằng cảm giác quen thuộc; chúng đánh vào nhu cầu lập lại trật tự trong cái hỗn loạn. Cốt truyện bệnh dịch phân loại những hành vi của một cá nhân hay một nhóm là phản tự nhiên, lầm lạc, và dễ tạo điều kiện cho bệnh tật hoành hành. Cùng nhớ lại luận điệu xoay quanh dịch H5N1 năm 2004, một chủng cúm gia cầm chết người xuất hiện ở một số vùng ở châu Á, nơi người dân tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh, cả sống lẫn chết. Hay xét đợt bùng phát dịch Ebola hồi 2014, bắt nguồn từ một ngôi làng Tây Phi, nơi việc phá rừng đẩy những con thú hoang nhiễm bệnh đến gần con người. Những đợt dịch này, cũng như những đợt dịch trong các phim như Outbreak (1995) và Contagion, đặt nguồn dịch ở những khu vực ‘lạc hậu,’ ‘chưa tiến bộ’ trên thế giới – thường thuộc châu Phi hay châu Á, và luôn luôn không ở phương Tây. Sự va chạm giữa những lối sống truyền thống và những đặc thù của thế giới hiện đại, đặc biệt là dòng chảy quốc tế của đồng tiền và sự lưu thông hàng không song hành cùng nó, đe dọa sức khỏe toàn cầu, thông qua việc nêu bật sự trộn lẫn đầy lúng túng giữa cái cũ và cái mới.

Sự tập trung vào Bệnh nhân Số 0 trong một bệnh dịch sắp bùng phát không phải đơn thuần chỉ là một cách để xả van trách nhiệm. Nó còn đóng khung các phản ứng xã hội và chính trị để đối phó một đại dịch, với những hậu quả rất thực tế lên sức khỏe cộng đồng. Việc dùng Dugas như hiện thân của HIV đã chuyển các phân tích sang chú ý đến hành vi cá nhân, đồng thời hướng sự chú ý khỏi những thành tố mang tính hệ thống có ảnh hưởng đến khả năng truyền nhiễm và sức khỏe, như tình trạng nghèo đói và khả năng tiếp cận chăm sóc y tế. Trong thập niên 80, ngành dịch tễ đã tập trung hết vào người đồng tính nam mà bỏ quên số phụ nữ nhiễm HIV ngày càng gia tăng. Rồi khi Các trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) Hoa Kỳ xác định các đối tượng có nguy cơ AIDS cao – người đồng tính (homosexuals), người bệnh máu khó đông (hemophiliacs), người Haiti và người dùng heroin, mà người ta thường gọi là câu lạc bộ 4-H – gần như không có thảo luận đồng thời về những yếu tố làm cho người Haiti chiếm số lượng quá lớn trong số nạn nhân của đại dịch. Những đợt bùng phát gần đây hơn có nguồn gốc từ khu vực “Global South1,” bao gồm hội chứng suy hô hấp cấp (SARS) và viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS), càng cho thấy những chênh lệch về y tế chi phối sự phân bố và hậu quả của các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu. Một chương trình có mục tiêu giảm thiểu các trận bùng phát trong tương lai nhất thiết phải bàn đến đói nghèo toàn cầu và sự bất bình đẳng về thu nhập, chứ không đơn thuần tìm ra những cách mới để bảo vệ các xã hội đã phát triển khỏi những mối nguy từ Thế giới thứ Ba2.

Việc tuyên bố rằng không phải Dugas mang HIV vào Bắc Mỹ khó có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về AIDS ngày hôm nay, sau hơn 30 năm sống với đại dịch. Nhưng nó cho ta một cơ hội để thách thức sự bám víu của mình vào ý tưởng về một Bệnh nhân Số 0 và ảnh hưởng của nó đến cách chúng ta ứng phó với bệnh tật. Cốt truyện bệnh dịch là một đạo cụ có sức mạnh chi phối chính trị, và kéo theo đó là sức khỏe của các cộng đồng. Việc giải oan cho Dugas nên được coi như là một lời cảnh báo trước những nguy cơ của việc đặt quá nhiều niềm tin vào huyền thoại về Bệnh nhân Số 0. Mọi căn bệnh đều bắt nguồn từ những điều kiện hạ tầng xung quanh nó. Đổ hết tội lỗi lên Bệnh nhân Số 0 chỉ đơn thuần làm ta sao lãng nhiệm vụ lớn hơn và hệ trọng hơn, đó là giải quyết những bất công đã và đang định hình sức khỏe cộng đồng ở quy mô toàn cầu.


  1. Đây còn là một thuật ngữ chỉ các nước đang/chậm phát triển. Australia dù thuộc Nam bán cầu về địa lý, không nằm trong nhóm các nước Global South.

  2. Thuật ngữ “Thế giới thứ Ba” (Third World) được đặt ra vào thời Chiến tranh Lạnh để chỉ các quốc gia không theo phe phương Tây (NATO) cũng không theo phe phương Đông, khối Cộng Sản. Ngày nay nó thường được dùng miêu tả các nước đang phát triển, nhất là các nước có tỉ lệ nghèo đói cao. Từ này không có liên quan đến Thế giới thứ Ba về giới tính hay xu hướng tình dục.

4 thoughts on “Bệnh nhân số 0: Kịch bản truyền thông nhiều uẩn khúc

  1. có 2 cái mình ko hiểu lắm:
    – 1 là 2 cái ví dụ về H5N1 và Ebola, theo mạch suy luận thì những giả thuyết về cách bắt nguồn 2 dịch đấy phải sai hoàn toàn đúng ko ? vậy cho mình hỏi là nó sai ở đâu thế ? mà thật ra là trừ khi quá rõ ràng thì cũng nên giải thích 1 chút chứ, phải ko ?
    – 2 là đoạn thứ 2 từ dưới lên, mình ko thích cách lập luận này lắm. Ý chính ở đây là vì kịch bản bệnh nhân số 0 nên tội lỗi bị đổ hết cho những thiểu số khác biệt hoặc điều kiện khó khăn và vì vậy nên nhóm chính quyền phát triển ko thèm chú ý đến điều kiện khó khăn dễ phát bệnh của họ đúng ko ? Nhưng chẳng phải điều này ko hề thay đổi nguồn gốc bệnh, chỉ là các cách nhìn và xử lí vấn đề khác nhau thôi sao ? Có nghĩa là khi viết đoạn này, tác giả đang coi như kịch bản bệnh nhân số 0 là đúng, vậy theo mình thì ko thể coi đó là nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt đối xử được; hay nói cách khác là bản chất của nhóm chính quyền phát triển là thế rồi, cho dù suy luận kiểu quái gì thì họ cũng phân biệt đối xử thôi.

    1. Chào bạn, mình là dịch giả của bài này. Về cơ bản, mình đồng ý với bạn, và cũng có những suy nghĩ tương tự khi đọc và dịch bài viết này. Nếu chúng ta đọc sơ qua thì đúng là có cảm giác là tác giả đang kết tội chính quyền các nước đang phát triển giải quyết các vấn đề y tế có liên quan đến các nước nghèo, thành phần thiểu số quá hời hợt, tuy nhiên tác giả thật ra đang vạch ra cho chúng ta thấy nguyên nhân tiềm ẩn của cách ta, mọi người luôn, phản ứng trước dịch bệnh là ở nhu cầu tâm lý cần cảm giác an toàn và rõ ràng.

      “theo mạch suy luận thì những giả thuyết về cách bắt nguồn 2 dịch đấy phải sai hoàn toàn”, tác giả không nói giả thuyết về nguồn gốc bệnh được xác lập bằng khoa học là sai, mà là thông tin ấy xoa dịu độc giả ở phần còn lại thế giới ở mức độ thâm tâm. Ngược lại, tác giả không những không nói kịch bản BN số 0 “nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt đối xử”, mà là khẳng định đó là một lối mòn tư duy khiến công tác đối phó bệnh tật trở nên không hiệu quả tận gốc. Tóm lại, theo tác giả, về bản chất con người rất dễ bị cuốn vào kịch bản BN số 0, nên các phương pháp kiểm soát dịch sau này cần đi đôi với giải quyết căn nguyên của việc các nước nghèo và đối tượng thiểu số rất dễ trở thành ổ dịch: bất bình đẳng xã hội & vật chất.

      Hy vọng điều này làm rõ hơn cho bạn 🙂

    2. ừ, mình đồng ý, chỉ là cái đoạn Ebola với H5N1 ấy, ừ thì nó ko phải sai mà chỉ là “kịch bản dễ nghe” đi, nên mình mới thắc mắc vậy “kịch bản khó nghe” sẽ là gì, và hi vọng là nó sẽ hợp lí.

      [Xàm 1 chút]
      mới đọc bài virus khổng lồ, tự nhiên cảm thấy là những cái suy nghĩ dạng “bệnh nhân số 0” có vẻ khá là bình thường, kiểu đã kết luận là mọi sinh vật hiện nay từng có 1 tổ tiên chung (xong giờ lại thấy có giả thuyết khác), rồi thấy vũ trụ đang giãn ra thì kết luận là tất cả từng phát triển từ 1 điểm khởi đầu, còn trước điểm đấy là gì thì chịu =)

    3. Hề lu, mình chỉ muốn nói là mình nghĩ Ebola và H5N1 là hai ví dụ tác giả sử dụng có lẽ không phải để minh họa cho việc có một kịch bản khác, không phải kiểu “bệnh nhân số 0” để giải thích cho chúng, mà để minh họa cho cách nhìn của phương Tây, đẩy dịch bệnh ra xa khỏi thế giới văn minh (read: thế giới của họ), và gán bệnh dịch với những vùng đất xa xôi, nghèo đói, bẩn thỉu, và nguy hiểm. Họ có thể làm vậy (sống mà hầu như ít phải nghĩ đến dịch bệnh) là do những tiến bộ y tế (và nói xa hơn là kinh tế) ở phương Tây, vốn xảy ra dựa vào lịch sử bóc lột những đất nước kém phát triển ở trên. Một ví dụ ngược lại ta có thể nghĩ đến là việc người châu Âu đến châu Mỹ đã gieo rắc bao nhiêu dịch bệnh cho người bản địa chẳng hạn, cũng chính bởi vì châu Âu “văn minh” hơn, có đô thị tập trung người nên mới lắm bệnh trong người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất