a
§ Tác giả: Brian Handwerk | Nguồn: Smithsonian
Biên dịch: Mỹ Châu | Hiệu đính:  Za
27/10/2018

Trong vòng năm phút, Boris Konrad, 32 tuổi, có thể ghi nhớ hơn 100 sự kiện và ngày tháng bất kỳ. Sau 30 giây, anh ấy có thể nói cho bạn biết thứ tự của cả một bộ bài. Trong suốt Cuộc thi Vô địch về trí nhớ ở Đức năm 2009, Konrad đã ghi nhớ 195 cái tên và khuôn mặt trong 15 phút – chiến công này đã mang về cho anh một huy chương vàng. Cảm giác như thế nào khi được sinh ra với một bộ não có khả năng mang lại những kỳ tích đáng kinh ngạc như vậy? Anh ấy nói rằng anh ấy không biết.

Đó là bởi vì tài năng phi thường của Konrad không phải bẩm sinh mà là do được luyện tập. “Tôi bắt đầu với một trí nhớ bình thường và cứ thế tự rèn luyện,” anh ấy hồi tưởng. Konrad đạt được thành công sau này trong giới thể thao về thi đua trí nhớ là nhờ vào nhiều năm tập luyện và sử dụng các phương pháp ghi nhớ như kỹ thuật “Cung Điện Ký Ức” (Memory Palace) cổ xưa. Konrad nói rằng, trong thực tế, bất cứ một người bình thường hay quên nào (average forgetful Joe) cũng có thể sử dụng những phương pháp tương tự như vậy để rèn luyện bộ não của họ giống như một nhà vô địch về trí nhớ.

Ý tưởng cho rằng các kỹ thuật ghi nhớ đơn giản có thể mang lại sự gia tăng đáng kể và lâu dài về khả năng ghi nhớ các khuôn mặt và danh sách thoạt nghe có vẻ khó tin. Tuy nhiên, một nghiên cứu hình chụp não bộ mới mà Konrad là đồng tác giả đã góp phần củng cố cho nhận định trên. Konrad, một nhà vô địch trí nhớ cấp thế giới đã rèn luyện bộ nhớ của chính anh qua nhiều năm, kết hợp với Martin Dresler, một nhà thần kinh học nhận thức thuộc Trung tâm Y khoa Đại học Radboud tại Hà Lan, để tìm hiểu sâu hơn về khoa học thần kinh ẩn sau các kỹ thuật gia-tăng-trí-nhớ-thử-nghiệm-và-phù-hợp (tried-and-true-memory-boost) này.

Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng hình chụp bộ não để khám phá việc tập luyện các loại kỹ thuật ghi nhớ này thật sự có thể làm biến đổi các liên kết trọng yếu khiến cho bộ não của những người ghi nhớ trở nên tương đồng hơn so với não của những nhà vô địch về trí nhớ trên thế giới. Các kết quả này, được công bố vào ngày 8 tháng 3 trên tạp chí Thần kinh học, đã làm sáng tỏ tại sao các kỹ thuật trên lại mang đến một thành tích chắc chắn như vậy trong quá khứ.

Trong bài nghiên cứu, 23 người tham gia đã dành 30 phút mỗi ngày để rèn luyện trí nhớ của họ nhiều hơn gấp đôi khả năng vốn có để thuộc lòng các danh sách chỉ trong 40 ngày. (Ví dụ, những người vốn có thể nhớ trung bình 26 từ trong một danh sách đã có thể nhớ đến 62 từ.) Và có lẽ trên hết, điều đó cho thấy sự gia tăng này không mang tính ngắn hạn và cũng không đòi hỏi duy trì việc rèn luyện: Các nhà nghiên cứu đã mời nhóm tham gia quay trở lại sau bốn tháng và nhận thấy rằng hiệu năng ghi nhớ của họ vẫn cao, mặc dù họ không còn tập luyện một chút nào nữa cả.

Trong những năm gần đây, Dresler và các đồng nghiệp đã khảo sát 35 người trong số những nhà vô địch về trí nhớ và nhận thấy họ đều chia sẻ một vài điểm chung đáng ngạc nhiên. “Không hề có ngoại lệ, tất cả bọn họ đều nói với chúng tôi rằng họ có một trí nhớ khá bình thường trước khi họ học được các phương pháp ghi nhớ và bắt đầu luyện tập chúng,” ông ấy nói. “Ngoài ra, cũng không ngoại lệ, họ nói phương pháp định vị (method of loci) là phương pháp quan trọng nhất.”

“Phương pháp định vị” – đôi khi được gọi là Cung Điện Ký Ức – là một kỹ thuật ghi nhớ có hệ thống đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Phương pháp này vẫn tiếp tục thịnh hành qua thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng. Các nhà sư phạm cũng như những nhà diễn thuyết đã sử dụng nó như một cách tốt hơn để ghi nhớ các khía cạnh trong những bài diễn thuyết dài.

Vậy phương pháp này hoạt động như thế nào? Người sử dụng sẽ tạo ra một bản đồ trực quan trong tâm trí, giống như một ngôi nhà hoặc một tuyến đường đi bộ quen thuộc, và kế tiếp, gắn kết các hình ảnh đa giác quan, dễ nhớ vào từng khu vực nhằm tìm lại chúng sau đó. Để ghi nhớ một chuỗi các từ không liên quan đến nhau, ví dụ, Konrad có thể lập sơ đồ cơ thể bắt đầu từ bàn chân, kế đến di chuyển lên trên đầu gối và cứ thế tiếp tục. Sau đó, anh ấy “đặt” hai từ tại mỗi vị trí để ghi nhớ một danh sách các từ vựng rời rạc.

Ví dụ, nếu những từ đặt ở bàn chân là “rêu” (moss) và “con bò” (cow), anh ấy có thể hình dung đang đi trên một cánh đồng phủ đầy rêu, bị một chút rêu dính vào đôi vớ, và ngắm nhìn một con bò nặng mùi đang đứng gặm cỏ trên đám rêu đó. Nếu vị trí tiếp theo, đầu gối, được chỉ định cho các từ “nữ hoàng và cái chuông” (queen and bell) thì kế tiếp, Konrad sẽ tưởng tượng đang bước ra khỏi đám rêu và ngồi bên một gốc cây. Đột nhiên, Nữ hoàng Anh ngay tức thì xuất hiện và ngồi lên đầu gối của anh ấy. Tiếp đó, bà ấy lôi ra khỏi túi một cái chuông và rung inh ỏi.

Thật ngớ ngẩn? Dĩ nhiên rồi. Nhưng dễ nhớ, Konrad nhấn mạnh. Và đó mới chính là mấu chốt. Phương pháp này tận dụng khả năng mạnh mẽ của trí nhớ để lưu trữ những vị trí trong không gian và tạo ra các mối liên kết. (Xem anh ấy hướng dẫn phương pháp này và các ví dụ khác trong một bài thuyết trình của TED.)

Konrad không ngạc nhiên khi các kết quả nghiên cứu cho thấy những sự cải thiện đáng kể đối với mọi đối tượng dành thời gian rèn luyện. “Bởi vì chúng tôi sử dụng mô hình luyện tập mẫu của chính tôi và tôi đã huấn luyện nó cho nhiều nhóm trước đó nên tôi biết ít nhất nó thật sự có hiệu quả – và còn đạt hiệu quả tốt,” anh ấy nói. “Vì vậy, tôi cũng đặt giả thuyết rằng bên trong bộ não có lẽ đã xảy ra một hiệu ứng tương tự như trong não của các vận động viên.” Ngoài ra, những nghiên cứu trước đó cũng đã ghi nhận lại sự thành công của các loại kỹ thuật ghi nhớ này.

Trong thực tế, bất cứ một người bình thường hay quên nào cũng có thể sử dụng những phương pháp tương tự như vậy để rèn luyện bộ não của họ giống như một nhà vô địch về trí nhớ.

Nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu được chúng hoạt động trong bộ não như thế nào. Vì vậy, đối với bài nghiên cứu này, họ đã quyết định chụp lại bộ não của những người ghi nhớ khi họ đang luyện tập những kỹ thuật ghi nhớ thử-nghiệm-và-phù-hợp (tried-and-true) nhằm xem xét bộ não thay đổi như thế nào trong việc phản ứng lại sự tập luyện của họ. Các nhà nghiên cứu sử dụng hình chụp cộng hưởng từ chức năng1 để xem xét bộ não của 23 người thi đấu trí nhớ và 51 người tương đương với họ về độ tuổi, sức khỏe và trí tuệ nhưng chỉ có một trí nhớ bình thường.

Theo giải phẫu học và cấu trúc não bộ, tất cả các bộ não về cơ bản đều trông giống nhau. Điều đó cho thấy không có chút dấu hiệu nào về năng lực ghi nhớ kỳ diệu mà một số người cảm thấy hứng thú. Nhưng, khi những người có trí nhớ bình thường được chia thành ba nhóm và bắt đầu rèn luyện trí nhớ của họ, một vài thứ đã thay đổi.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhóm tiêu chuẩn, không được trải qua quá trình rèn luyện trí nhớ, đã cho thấy không có sự gia tăng hoặc gia tăng rất ít về hiệu năng ghi nhớ. Nhóm thứ hai luyện tập các thử thách ghi nhớ tương tự với cách chơi trò Concentration (Tạm dịch: Tìm cặp hình giống nhau), tìm kiếm và ghi nhớ vị trí của các thẻ bài giống nhau trong một bộ bài được dàn trải trên một cái bàn. Trước khi luyện tập, họ nhớ trung bình từ 26 đến 30 từ. Sau 40 ngày, họ đã tăng mức đó lên trung bình khoảng 11 từ.

Tuy nhiên, chỉ những người tập luyện áp dụng phương pháp định vị mới có được sự gia tăng trí nhớ thật sự. Nhóm thứ ba sử dụng một phần mềm thông dụng tên là Memocamp. Dresler đã chọn phần mềm trên bởi vì nó được sử dụng bởi nhiều nhà vô địch trí nhớ. Họ đã tăng gấp đôi khả năng ghi nhớ ban đầu trong suốt 40 ngày.

Không chỉ khả năng ghi nhớ của nhóm thay đổi – mà não của họ cũng vậy. Các hình chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) đã phát hiện lưu lượng máu và hoạt động của não bộ cho xấp xỉ 2.500 liên kết khác nhau, bao gồm 25 liên kết đáng chú ý khi liên quan hầu hết với nhiều kỹ năng ghi nhớ hơn được thể hiện bởi những người tham gia. Các hình chụp sau khi tập luyện đã cho thấy các trạng thái liên kết của nhóm này đã bắt đầu tự thiết lập lại theo như cách hoạt động của những nhà vô địch về trí nhớ, nhưng những nhóm khác thì không.

“Tôi nghĩ phần thú vị nhất trong bài nghiên cứu của chúng tôi là so sánh sự gia tăng trí nhớ về hành vi này với những gì đang xảy ra ở cấp độ thần kinh học,” anh ấy nói. “Bằng cách luyện tập phương pháp mà tất cả các nhà vô địch về trí nhớ đều áp dụng, các trạng thái liên kết có thể biến đổi của bộ não sẽ phát triển theo hướng như những nhà vô địch về trí nhớ giỏi nhất trên thế giới.”

Nhà thần kinh học Lars Nyberg thuộc Đại học Umeå, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nói rằng kết quả đó cũng nêu lên một vài điều về nguồn gốc của tài năng ghi nhớ mà những nhà vô địch sở hữu. “Phát hiện cho thấy sự rèn luyện có thể định hình bộ não theo một cách tương tự nhau ở những người không chuyên giúp chứng minh quan điểm rằng sự thể hiện thành thạo này thật sự là thành quả của việc tập luyện – chứ không phải là khả năng cá biệt nào cả,” ông ấy nói.

Bằng cách luyện tập phương pháp mà tất cả các nhà vô địch về trí nhớ đều áp dụng, các trạng thái liên kết có thể biến đổi của bộ não sẽ phát triển theo hướng như những nhà vô địch về trí nhớ giỏi nhất trên thế giới.

Việc có thể ghi nhớ những danh sách dài gồm tên và các khuôn mặt dường như trông có vẻ khác thường, nhưng vẫn có một vài ứng dụng thực tế trên thế giới. Ví dụ, người sử dụng có thể ghi nhớ các danh sách thực phẩm hoặc luyện ghép khuôn mặt và tên sao cho phù hợp, đây cũng là một nội dung thi đấu trong các cuộc thi trí nhớ. Tuy nhiên, những người hy vọng việc luyện tập sẽ giúp họ không bao giờ bỏ lỡ một cuộc hẹn nào đó thì nên suy nghĩ kĩ lại.

Việc có thể ghi nhớ những danh sách dài gồm tên và các khuôn mặt dường như trông có vẻ khác thường, nhưng vẫn có một vài ứng dụng thực tế trên thế giới. Ảnh: Unsplash

Monica Melby-Lervåg thuộc Đại học Olso đã nghiên cứu việc luyện tập hoạt động ghi nhớ có thể giúp phát triển nhận thức ở trẻ em và người lớn như thế nào. Cô lưu ý, cho đến thời điểm hiện tại, kiểu luyện tập này không cho thấy có tác động nhiều hơn lên chức năng ghi nhớ hoặc nhận thức tổng thể. “Vấn đề gây tranh cãi nhất ở đây là việc tập luyện này truyền tác động như thế nào đến các công việc trong đời sống hằng ngày (tức là ngoài bài kiểm tra kỹ thuật ghi nhớ), và triển vọng cho nó có vẻ rất không ổn dựa trên những nghiên cứu trước đó.

Và quả thật, ngay cả các siêu sao thể thao trí nhớ cũng thú nhận vẫn gặp phải những lú lẫn thường ngày giống như chúng ta, từ quên chìa khóa xe cho đến bỏ lại ví tại nhà hàng. Tính đến hiện nay, điều này cho thấy nếu các cách tập luyện như phương pháp định vị là công cụ hữu ích, chúng cũng chỉ có hiệu quả với các danh sách ghi nhớ và chỉ khi con người tích cực sử dụng chúng.

“Bạn nhất định phải áp dụng phương pháp này cho việc tập luyện để có hiệu quả,” Dresler nói. “Nhìn chung, trí nhớ của bạn không tự dưng mà trở nên tốt hơn. Vì vậy, khi bạn không áp dụng phương pháp này, chắc chắn trí nhớ của bạn chỉ đạt mức vốn có ban đầu của nó.”


  1. Chụp cộng hưởng từ chức năng (Functional magnetic resonance imaging – fMRI) là kỹ thuật đánh giá hoạt động của não bộ bằng cách phát hiện sự thay đổi về huyết động học. Kỹ thuật này dựa trên cơ sở lưu thông máu trong não bộ luôn đi kèm với sự kích thích các hoạt động thần kinh. Khi một vùng của não bộ đang được sử dụng, lưu thông máu đến vùng đó cũng tăng lên. (https://en.wikipedia.org/wiki/Functional_magnetic_resonance_imaging)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất