Sau một bản tin khủng khiếp – ISIS chặt đầu người, một vụ tông xe tập thể, một gia đình bị thiêu sống trên giường trong một cuộc hỏa hoạn – tôi thường tự hỏi liệu một sự kết thúc bi thảm có phải là sự ra đi tồi tệ nhất không. Sự bất ngờ, nỗi đau, sự sợ hãi bóng tối sắp xảy đến.
Nhưng gần đây, tôi đã nghĩ rằng câu hỏi ngược lại nên được hỏi là: cách tốt nhất để ra đi là gì? Nếu được toàn quyền lựa chọn cách để kết thúc cuộc đời từ một chiếc máy bán vô hạn cách để ra đi, bạn sẽ chọn cách nào?
Hãy đặt mình vào tư duy đó sau một vài ly rượu với bạn bè nếu việc này có ích. Bạn của bạn hỏi một điều gì đó mơ mộng, ví dụ như bạn thích đi du lịch ở nơi nào trên thế giới, hay nếu bạn có thể ngủ với bất kỳ người nổi tiếng nào, người đó sẽ là ai? Nhưng câu trả lời cho câu hỏi này thậm chí còn mang tính cá nhân hơn.
Có rất nhiều cách để suy nghĩ về câu hỏi này. Liệu tôi có muốn biết khi nào tôi sắp chết không, hay là tôi sẽ ra đi một cách bất ngờ? (Ý tôi là, bất ngờ như một sự kiện không thể tránh khỏi có thể xảy ra.) Tôi có muốn được tỉnh táo để tôi có thể thực sự có thể trải nghiệm cái chết như là một quá trình? Hay là sẽ hay hơn nếu tôi lờ mờ cảm nhận nó?
Nhiều khảo sát cho thấy ¾ dân số Mỹ muốn được ra đi tại nhà, mặc dù sự thật là với hầu hết người Mỹ (lên đến 68%) sẽ ra đi tại bệnh viện hoặc những trung tâm y tế khác. Cũng có nhiều người nói họ muốn được ra đi trên giường, nhưng hãy xem điều đó thực sự là như thế nào: chỉ nằm đó trong khi trái tim bạn dần ngừng đập, hai lá phổi ngừng thở dần. Nằm đó quá lâu cũng làm cho bản thân cảm thấy khó chịu – bất kỳ ai dành những ngày cuối tuần lười biếng trên giường đều có thể cho bạn biết như vậy – và điều này lại làm dấy lên một câu hỏi sâu xa hơn: chúng ta có nên kỳ vọng sự thoải mái khi rời xa cuộc sống này?
Thỉnh thoảng tôi nghĩ bị tông xe trong khi đang đi bộ trên phố lại là một cách hay để ra đi. Nhanh, dễ dàng, và đầy bất ngờ; không lo lắng, không có thời gian cho cơn đau ập đến. Chắc chắn, nó sẽ làm những người xung quanh vô cùng chấn động, nhưng ai biết được – cái chết của bạn có thể gây ra một phong trào xã hội, một câu chuyện kéo dài năm này sang năm khác giúp giới truyền thông, luật pháp và hình sự tốn rất nhiều giấy mực. Thật là một cái chết đáng giá! Nó có thể có ý nghĩa gì đó. Điều đó có là gì với bạn không – rằng cái chết của bạn giúp hoặc thay đổi cuộc sống của người khác? Nếu không, bạn có thể tự hỏi, vậy còn cuộc sống của bạn thì sao?
Đây là những câu hỏi khó – đợi chút, quan trọng – mà không thường xuyên xuất hiện.
Tôi tò mò sao người ta có thể trả lời câu hỏi này, vì thế tôi bắt đầu hỏi đồng nghiệp và bạn bè của tôi về kịch bản lý tưởng cho cái chết của họ (Vâng, tôi là một người hay khuấy động các bữa tiệc.) Tôi nhận được rất nhiều câu trả lời. Nhảy dù trong cơn phê thuốc lần thứ hai (vì bạn muốn tận hưởng niềm vui trong lần phê thuốc đầu tiên, theo một người đồng nghiệp.) Chết đuối, vì cậu ta nghe nói sẽ được ra đi một cách thanh thản một khi cơn hoảng loạn được xóa bỏ. Đột kích vào một lâu đài và chiến đấu với kẻ thù bằng một thanh gươm để cứu một cô gái, người mà sau đó sẽ cùng anh ta làm tình trước khi anh trút hơi thở cuối cùng của mình. (Tội nghiệp cô gái!) Một người bạn trai cũ của tôi từng nói rằng, khi anh không thể kiểm soát vấn đề về ruột của mình lần đầu tiên, anh sẽ lái xe đến Grand Canyon1 và nhảy xuống.
Câu trả lời không có gì nghiêm túc của tôi là bị cù cho đến chết.
Nôm na là con trai thường ít “màu mè” hơn trong câu trả lời của họ, trong khi những người lớn tuổi và những người phụ nữ tôi nói chuyện với thì lại đưa ra những câu trả lời đắn đo hơn hay ngồi im lặng. Chờ đã, bạn hỏi gì vậy? Tôi sẽ lặp lại câu hỏi đó. Một khoảng lặng. Hmm.
Một câu trả lời xưa cũ xuất hiện khá nhiều: chết vì tuổi già trên giường với gia đình ở bên. Một y tá mà tôi hỏi chuyện có một quan điểm hơi khác một chút: vẫn chiếc giường và gia đình ở bên, nhưng chết vì suy thận. Những người y tá đều đồng ý rằng đó là cách hay nhất để ra đi nếu bạn đã đến gần với cái chết và đang trong quá trình điều trị – bạn chỉ đơn giản là lịm đi và ngừng thở. Trong ngành y, có một cuộc tranh luận về việc cái chết thanh thản do suy thận thực sự là như thế nào, nhưng thực sự, bạn có thể hỏi ai?
Tất cả những câu trả lời này đều thú vị, nhưng người bạn y tá của tôi làm tôi thắc mắc về những người phải thường xuyên làm việc với cái chết – họ sẽ nghĩ gì về cái chết tuyệt vời nhất? Họ có nghĩ về nó không? Chắc chắn những người làm việc trong bệnh viện, bác sĩ, chuyên gia ung thư học, người ủng hộ quyền được chết, nhà sinh học về tế bào ung thư, nhà đạo đức sinh học, và những người tương tự có một cái nhìn đặc biệt về cái chết. Những tiêu chuẩn đầy đủ hơn về mặt thông tin của chúng có thể là gì cho câu hỏi “cái chết tuyệt nhất” của tôi?
Tôi bắt đầu với một kịch bản mà tôi nghĩ là hầu hết mọi người sẽ đồng ý – một cái chết lý tưởng là một cái chết không đau đớn.
***
Hóa ra, cái chết không đau đớn là cách suy nghĩ khá là kiểu Mỹ khi nghĩ về cái chết.
Jim Cleary, một bác sĩ tại Madison, Wisconsin, chuyên khoa về chăm sóc giảm đau các bệnh liên quan đến ung thư và thảo luận về các ca chẩn đoán khó với bệnh nhân. “Tám mươi phần trăm dân số thế giới không được tiếp cận với thuốc giảm đau nhóm opioid,” ông nói. Điều đó bao gồm morphine, fentanyl, oxycodone, và nhiều loại thuốc khác được sử dụng để làm giảm đau cho bệnh nhân ở Hoa Kỳ. Cleary là giám đốc nhóm nghiên cứu chính sách và giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhóm đang nỗ lực đưa các loại thuốc giảm đau này đến các quốc gia khác để giúp đỡ những nạn nhân bị bỏng và chấn thương, bệnh nhân ung thư và phụ nữ khi sinh.
Khi chữa bệnh cho các bệnh nhân người Mỹ bị ung thư, ông thường cẩn thận không nói trước rằng sự ra đi của họ sẽ thoải mái. “Tôi không thể hứa là sẽ không đau,” ông nói. Điều ông có thể hứa là ông sẽ cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân kết thúc cuộc sống của họ như họ muốn. “Hãy lắng nghe bệnh nhân của bạn,” ông nói với các đồng nghiệp, “họ có câu trả lời.”
Cleary nói bạn có thể tập hợp những cách ra đi thành những loại khác nhau. Đầu tiên là cái chết bất ngờ. “Điều này sẽ không diễn ra với hầu hết chúng ta,” ông nhanh chóng giải thích. Loại khác là ra đi từ từ, điều mà hầu hết chúng ta sẽ trải nghiệm. “Sự thật là chết vì ung thư,” ông nói, “ở nơi bạn có thể thực sự biết điều gì đang xảy ra, và bạn có thể nói lời từ biệt.”
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, cứ 4 người đàn ông thì sẽ có 1 người có nguy cơ chết vì ung thư, còn tỷ lệ ở phụ nữ là 1 trên 5. (Lưu ý là những con số này ám chỉ sự ra đi vì một trong nhiều loại ung thư khác nhau, từ bàng quang đến não, từ tuyến tiền liệt đến buồng trứng.) Điều lạ lùng là cứ 1 trong 2 người đàn ông sẽ bị phát triển bệnh ung thư, còn phụ nữ là 1 trong 3. Đó là sự thật.) Trong những trường hợp ra đi từ từ, hầu hết sự chăm sóc lại không kéo dài sự sống nhiều như kéo dài quá trình ung thư, một sự thật được ghi nhận bởi nhiều chuyên gia kết-thúc-sự-sống, từ bác sĩ phẫu thuật và tác giả Atul Gawande đến các bệnh nhân ở bệnh viện.
Cleary nghĩ rằng ý tưởng về cái chết “tuyệt vời nhất” hay một cái chết “hay” có thể có chút nhầm lẫn, như thể đây là một cuộc thi hay một điều gì đó mà một người có thể thất bại. Ông thích cụm từ “cái chết lành mạnh” hơn. Với ông, cái chết lành mạnh có nghĩa là cái chết “được chuẩn bị chu đáo, biết trước, và những người khác biết về nó.”
Ý tưởng về một cái chết “tuyệt vời nhất” hay cái chết “hay” có chút nhầm lẫn – như thể nó là một cuộc thi. Cleary thích cụm từ “cái chết lành mạnh” hơn.
Ông nói: “Xã hội phải làm nhiều, nhiều hơn nữa để chấp nhận cái chết như là một phần của cuộc sống. Vì vậy, thay vì nói về ‘cách tốt nhất để chết’, chúng ta sẽ bình thường hóa cái chết như thế nào?”
Tuy nhiên, tôi vẫn gặng hỏi Tiến sĩ Cleary để nhận được câu trả lời cho câu hỏi ông muốn ra đi như thế nào. “Liệu nó có phải là một cái chết đột ngột khi đi dọc theo bãi biển ở Florida?” Ông đánh bạo, rồi nhanh chóng cân nhắc lại. “Nhưng nếu gia đình bạn không biết bạn đã chết – bố đi dạo hoặc chạy bộ và không trở lại – điều đó có tốt cho họ không? Nó có thể tốt cho tôi, nhưng có thể không tốt cho họ.”
***
Tại nhiều bệnh viện ở Mỹ, bạn sẽ tìm thấy những người đại diện từ tổ chức tình nguyện phi lợi nhuận No One Dies Alone – NODA (Tạm dịch: Không để ai ra đi một mình), được thành lập năm 2002 bởi một y tá có tên là Sandra Clark. Nguyên tắc thành lập của NODA là không ai sinh ra một mình, và cũng không ai chết một mình.
Các tình nguyện viên của NODA làm việc theo nhóm chín người. Mỗi người mang một máy nhắn tin 24 giờ một ngày trong ca làm việc của họ để một trong số họ luôn sẵn sàng có mặt khi có người chuẩn bị ra đi. Thông thường, một y tá gọi điện thoại để thông báo cho tình nguyện viên của NODA. Phần lớn những người mà NODA ghé thăm đều trong tình trạng hôn mê. Nhưng điều đó không có gì khác biệt, nguyên tắc này vẫn tồn tại; hôn mê hay không, nó vẫn quan trọng rằng có người – bất kể là ai – có mặt ở đó.
Anne Gordon, giám đốc đương nhiệm của chương trình NODA, đã giúp các bệnh viện trên toàn quốc bắt đầu chương trình tại cơ sở của họ. Cô có một thế giới quan tương tự như Cleary, và khác với mong đợi mà hầu hết người Mỹ có về cái chết.
Gordon nói, “Chết là một quá trình, chứ không phải [chỉ] là hơi thở cuối cùng.”Có một giao thức cụ thể để tạo điều kiện cho các dịch vụ của NODA nếu bạn là một bệnh nhân đang dần lịm đi. Bạn cần được chết một cách chủ động – ước đoán là sẽ ra đi trong ngày hôm sau gì đó. (Gordon cho hay, “Các y tá dày dạn kinh nghiệm có thể biết trước,” đó là lý do tại sao họ thường là những người gọi tình nguyện viên của NODA). Bạn phải đạt đến thời khắc mà bạn sẽ không nhận bất kỳ sự can thiệp nào nữa – điều đó có nghĩa là chỉ còn chăm sóc với thủ tục “không làm sống lại.” Và bạn phải không có gia đình hoặc bạn bè kề bên khi bạn ra đi.
Không có ai ở bên? Làm sao mà một người lại không có ai ở bên khi họ chết?
“Đôi khi người ta sống lâu hơn người khác, hoặc họ bị ghẻ lạnh,” Gordon giải thích. Có lẽ họ có gia đình, nhưng vì lý do nào đó, những người thân yêu phải rời đi, hoặc sống cách rất xa, hoặc không thể chịu nổi khi phải có mặt ở đó. Một số bệnh nhân là người vô gia cư, và cũng như những ngày khỏe mạnh của họ, không có ai kề cạnh để an ủi họ. Dù vì bất cứ lý do gì, NODA sẽ ở đó.
“Chết là một quá trình, chứ không phải [chỉ] là hơi thở cuối cùng.”
Gordon nhận thấy cái chết là một hành động có ý nghĩa, và quá trình – cái mà cô gọi là “gia đình nhân loại đến bên nhau” – là một hành động có chủ đích và đầy tình yêu thương. “Tôi thấy toàn bộ quá trình rất đáng quan tâm,” cô nói. “Đó là trải nghiệm mà chúng ta cùng trải qua – một sự chuyển đổi quan trọng mà tất cả chúng ta đều chia sẻ.”
Gordon, một người sinh ra trong Thời kỳ Baby Boomer2, cho rằng công việc của cô và mối quan tâm của công chúng gần đây về các vấn đề cuối đời như là một sản phẩm phụ của sự già đi của thế hệ cô – một sự mở rộng của việc nâng cao nhận thức của những năm 1960 và “một trong những tiếng vang tốt” từ thời đại đó , cô nói một cách châm biếm. “Khi tiến gần hơn với cái chết, chúng tôi muốn nói về những điều này.”
Có “những quán cà phê tử thần”, những cuộc tán chuyện ngoài giờ nơi mà bạn bè và những người lạ gặp nhau, ăn bánh, và nói về cái chết. Có những cuộc nói chuyện chuyên sâu nơi mọi người chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về sự mất mát và đau buồn. Có những quyển sách bán chạy nhất về việc đối mặt với cái chết của bạn và làm thế nào để chuẩn bị tinh thần, gia đình và tài chính cho cái chết. Ngay cả Costco, một doanh nghiệp bán lẻ khổng lồ, cũng bán quan tài bên cạnh những chiếc lốp giá rẻ và những chuyến đi giảm giá. Dù vậy, hầu hết số đó chỉ là những râm ran mà thôi. Cái chết chưa bao giờ được thảo luận đầy đủ, chỉ mới được nhắc đến bên lề thôi.
Gordon tin rằng ngay bây giờ – với những người sinh ra trong Thời kỳ Baby Boomer bước vào tuổi nghỉ hưu, nhiều người đã mất cha mẹ của họ, và nhiều người khác đến để tìm hiểu cái chết của chính họ – là thời điểm để nói về vấn đề này như là một nền văn hóa, để thảo luận về quá trình chết theo các điều khoản cụ thể, vượt ra khỏi những cuộc nói chuyện phiếm hay những sự nhắc tới rụt rè. “Khi cái chết là một khái niệm hàng ngày”, như nó có thể ở Bhutan, nó không đáng sợ. Điều quan trọng là chất lượng cuộc sống mà ta đã sống.”
Khi tôi hỏi Gordon cô ấy muốn ra đi như thế nào, cô ấy quở trách. “Tôi không có câu trả lời. Tôi nghĩ cái chết của tôi sẽ phù hợp với tôi.”
***
Pamela Edgar là một người hỗ trợ (doula) cho các ca tử vong và nhà điều trị tâm lý ở Brooklyn, New York. Tương tự người hộ sinh giúp các bà mẹ sinh em bé, người hộ tử giúp người ta ra đi trong những giây phút cuối đời.
Edgar đã lớn lên cùng với một người mẹ làm việc trong các nhà dưỡng lão, và Pamela trẻ tuổi đôi khi được dẫn đi cùng, thăm những con người ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, kể cả những người ở giai đoạn cuối. Khi lớn lên, Edgar đặc biệt quan tâm đến những tháng cuối cùng này: “Bạn có thể có mối quan hệ như thế nào với một người khi đó có thể là một trong những mối quan hệ mới cuối cùng của đời họ? Cảm giác đó sẽ như thế nào?” cô tự hỏi.
Edgar đã làm việc trong viện dưỡng lão cho bệnh nhân loạn trí và các đơn vị cuối-đời khác trong tám năm. Sau khi làm việc tại một bệnh viện Cựu chiến binh trong suốt thời gian thực tập như một nhà trị liệu nghệ thuật sáng tạo, cô đã yêu cầu chuyển đến nhà tế bần. (“Chưa ai từng yêu cầu điều đó cả!” cô nhớ lại câu trả lời của người giám sát khi ấy.) Trong suốt ba năm qua, cô là cố vấn cho những-giây-phút-cuối-đời cùng với tổ chức Compassion & Choices (Tạm dịch: Cảm thông và những sự lựa chọn). Tổ chức này chủ yếu được biết đến với chủ trương ủng hộ luật quyền được chết ở cấp tiểu bang, nhưng nó cũng giúp bất cứ ai tìm kiếm sự trợ giúp để “lên kế hoạch và đạt được cái chết hoàn hảo.”
Là một nhà trị liệu,” Edgar nhẹ nhàng nói, “tôi tìm hiểu về vai trò của mọi người trong cuộc sống của họ, và một trong những điều tôi thực sự thấy được – và có chút liên quan đến một cách tốt để ra đi – đối với rất nhiều người, rất nhiều thời gian trong cuộc sống của chúng ta dành để làm. Chúng ta có thể làm gì cho người khác, làm thế nào chúng ta xác định chính mình bằng những vai trò mà thực sự thể hiện những gì chúng ta có thể làm, hoặc những gì chúng ta có. Và khi mọi người già đi, tất nhiên, hệ thống vai trò này sẽ nhỏ hơn, và thường người ta không thể làm tất cả những gì họ làm được trước đó. Tôi nghĩ đây thực sự là một khoảnh khắc thú vị đối với mọi người: Danh tính của họ là gì, và bây giờ họ là ai?”
Đối với nhiều người, cái chết trở thành vấn đề về sự điều khiển và kiểm soát, cô nói. “Đây là những điều tôi vẫn có thể làm và những gì tôi vẫn có thể kiểm soát được thực sự quan trọng với một số người.”
Những người khác lại liên hệ cái chết với tâm linh. Edgar chia sẻ ví dụ về một bệnh nhân khoảng 70 tuổi của mình, người đã được chẩn đoán bị bệnh ALS và mất khả năng làm nhiều thứ mà ông yêu thích. “Ông quyết định rằng ông đã sẵn sàng, và ông và vợ mô tả kiểu như là “linh hồn của ông đã thoát ra khỏi cơ thể.” Khi ông đang được chăm sóc trung tâm y tế, ông đã quyết định ngừng ăn uống, vợ ông rất hỗ trợ, và trung tâm y tế đã thực sự xuất sắc và có ích đối với họ. Đó là một sự ra đi thanh thản.”
Than thản. Đặc biệt là trong trường hợp bệnh thoái hóa, “thanh thản” dường như là một tiêu chí không thể thiếu cho cái chết “tốt nhất”.
Edgar đã đặc biệt xúc động khi nhìn thấy những sự lựa chọn của bệnh nhân bị tước đi. Nhiều người trong số những người mà cô từng làm việc cùng từ những ngày đầu khi cô mới làm công việc này muốn về nhà, nhưng vì cái mà cô gọi là “mô hình y tế” của người chết ở Mỹ, họ thường không thể trở về nhà. Sau khi giúp hàng trăm người với cái chết của họ – giúp họ viết những di chúc, quyết định điều trị cuối cùng, giúp đỡ những người thân trong quá trình chuyển đổi – cô đã phát triển ý tưởng về một cách ra đi tốt dựa trên nền tảng tâm lý học của cô. Chắc bạn đã nghe về nó trước đây: buông bỏ mọi thứ.
Edgar nói, “Cuối cùng, chúng ta dần di chuyển đến nơi mà chúng ta không hề biết.” Ngay cả khi mọi người nghĩ hoặc có ý tưởng về những gì tiếp theo sẽ xảy ra, sự thật là, chúng ta không có bằng chứng về chúng. Vậy cùng cảm giác lơ lửng bất định về nơi cuối đường như vậy, mọi người có cảm thấy sẵn sàng về cơ thể, tâm trí, và tinh thần? Họ có thực sự sẵn sàng để ra đi?”
Đôi khi, Edgar nói, cơ thể và tâm trí đã sẵn sàng, nhưng cảm xúc của người đó thì lại chưa. Hoặc ngược lại – người đó cảm thấy sẵn sàng về mặt tinh thần, nhưng cơ thể của họ vẫn giữ lại.
“Câu trả lời của cá nhân của tôi cho cách tốt nhất để ra đi là thể chất, tình cảm, tinh thần đều sẵn sàng để ra đi.”
Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, cô nhấn mạnh một điểm: “Cuộc sống và cái chết không phải là đối thủ”, cô nói. “Chúng ta vẫn chưa tìm ra cách để dừng lại cái nào. Chúng là đối tác của nhau.”
***
Vào mùa thu năm 2014, câu chuyện về Brittany Maynard đã làm dấy lên các cuộc trò chuyện về chủ đề này. Maynard, một cô gái 29 tuổi vừa mới lập gia đình, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não không thể chữa khỏi, gây ra chứng động kinh, song thị, đau đầu và các triệu chứng khủng khiếp khác mà chắc chắn sẽ nặng dần lên cho đến khi cô chết.
Khi nhìn vào tương lai, Maynard quyết định rằng cô ấy muốn kết thúc cuộc đời mình theo cách của riêng mình với sự trợ giúp của phép trị liệu hợp pháp. Thật không may, cô ấy đã sống ở California, nơi này không cho phép các bác sĩ viết các đơn thuốc chấm dứt cuộc đời. Vì vậy, Maynard, chồng cô, và mẹ cô dọn đến Oregon, nơi mà quyền được chết được công nhận hợp pháp.
Thông qua những cuộc kiểm tra, Maynard hợp tác với công ty Compassion & Choices để truyền bá về cuộc hành trình của cô ấy cho một cách ra đi tốt. Câu chuyện của cô xuất hiện trên trang bìa của tạp chí People, được phát trên CNN, Meredith Vieira Show, USA Today, hay trên trang xã luận của tờ New York Times. Một người phụ nữ trẻ phải đối mặt với một số phận khủng khiếp: tin này hấp dẫn, thậm chí giật gân, và thật khó mà quay lưng lại với tin tức này.
Bỏ qua những niềm tin cá nhân của bạn về đạo lý của tình huống này và suy nghĩ về những gì bạn sẽ làm khi bạn bị chẩn đoán mắc một căn bệnh đầy đau đớn với cái chết không thể tránh khỏi. Bạn có tìm kiếm sự chăm sóc y tế cho đến hơi thở cuối cùng, đòi hỏi hóa chất truyền vào cơ thể của bạn? Hoặc bạn có muốn ra đi mà không cần những thứ đó, để cho căn bệnh này diễn ra tự nhiên? Bạn sợ cách nào nhất?
David Grube là một bác sĩ gia đình ở Oregon, nói theo cách riêng của ông, đã “đưa những đứa trẻ đến thế giới và hát trong đám tang của mọi người.” Ông muốn chết theo cách “cảm thấy hoàn hảo và chỉ là việc không thức dậy.” Trong sự nghiệp 35 năm của mình, ông đã kê các toa thuốc tử cho khoảng 30 bệnh nhân (mặc dù được gọi là “trợ tử”, như nó thường được gọi, chỉ hợp pháp ở Oregon – và lần đầu tiên ở Mỹ – năm 1994). Ông đã không kê toa thuốc của Maynard, nhưng ông đã nói với tôi về quá trình trợ giúp cái chết của một bệnh nhân.
Grube, giám đốc y tế của công ty Compassion & Choices, nói rằng mặc dù nhiều người hỏi xin đơn thuốc này, nhưng ít khi họ sử dụng chúng để kết liễu cuộc đời. Các đơn thuốc cần một cuộc đánh giá tâm lý, chứng nhận từ hai bác sĩ khác nhau, và chờ 15 ngày trước khi chúng được sử dụng. Các liều gây tử vong sẽ là một liều thuốc ngủ (barbiturate) như pentobarbital, một loại thuốc an thần cũng được sử dụng trong việc giúp động vật ra đi – đó là thuốc giống như “thuốc ngủ” đã giết chết Marilyn Monroe, Grube ghi nhận – hoặc secobarbital, loại gây mê và trợ giúp ngủ. Một người như Brittany Maynard có thể sẽ khuấy thuốc vào một ly nước trái cây, uống và chờ đợi những tác dụng của nó.
Trong thông điệp cuối cùng của mình gửi đến công chúng, Maynard đã viết: “Thế giới là một nơi tuyệt đẹp, du lịch là thầy giáo vĩ đại nhất của tôi, bạn bè thân thiết và người thân của tôi là những người tuyệt vời nhất. Tôi thậm chí có nhiều người xung quanh giường hỗ trợ tôi khi tôi gõ những lời này… Tạm biệt thế giới. Hãy lan tỏa nguồn năng lượng tích cực. Hãy đối xử tốt với mọi người!” Chồng cô, Dan Diaz, nói khi cô uống thuốc, “Không khí trong nhà rất yên bình, rất yêu thương.” Trong vòng năm phút, cô thiếp đi. Rồi cô qua đời.
Grube nói rằng nó thường xảy ra với những trường hợp này: trong vòng một hoặc hai giờ, người ta ngừng thở và trải nghiệm “cái chết đơn giản, thanh bình.” Ở một số trường hợp hiếm khi mà bệnh nhân uống thuốc với một ly sữa hoặc với một lượng lớn liều thuốc chống co giật (ảo giác không tự động biến mất với bệnh chắc chắn mang đến cái chết), đôi khi họ sẽ thức dậy. Nhưng khi thực hiện theo đúng chỉ dẫn, hầu hết những người chọn để kết thúc cuộc đời của họ theo cách này sẽ ra đi thanh bình như Maynard. Đó là sự thanh thản.
Một thuật ngữ khác cho hành động của Maynard là “sự trợ tử của bác sỹ”, nhưng Grube hoàn toàn phản đối khái niệm này. “Họ không muốn chết!” Ông nói. “Tự tử là một từ độc hại… và từ ngữ là dao mổ; chúng có thể chữa lành, nhẹ nhàng, hoặc huỷ hoại.” Một số đồng nghiệp của Grube thì thích thuật ngữ “sự trợ tử của bác sĩ” này, trong khi những người khác lại nói về “quyền được chết“. Công ty Compassion & Choices đã tạo nên các giá trị của nó dựa trên ngôn ngữ của mình để thảo luận về các trường hợp như Brittany Maynard: “cái chết với phẩm giá.” Một phần do hành động của Maynard, Nhà lập pháp California và Thống đốc Jerry Brown đã thông qua “Đạo luật về quyền chấm dứt sự sống” vào tháng 10 năm 2015, ngay trước ngày giỗ đầu tiên của cô.
Grube nói hầu hết những người yêu cầu các đơn thuốc này đều được giáo dục, có động lực và tự tin vào chính mình. Những gì họ muốn, ông giải thích, là xác định thời điểm cái chết sắp xảy đến của họ.
Kiểm soát. Khi bệnh tật đang kiểm soát thân thể và tâm trí của bạn, khi bạn đã mất đi niềm vui trong những điều mà bạn yêu thích, khi bạn đang đau đớn, khi bạn đang chịu đựng và bạn sợ trở thành gánh nặng cho những người xung quanh bạn, khi bạn không còn có thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi cái chết, việc sở hữu sức mạnh để uống – hoặc không uống – thuốc để kết liễu cuộc đời có thể là một sự an ủi cuối cùng.
Là một triết gia và nhà đạo đức sinh học tại Đại học Vanderbilt, John Lachs luôn xem xét các trường hợp này. Mẹ của ông, Magda, sống đến 103 tuổi, nhưng với số lượng bệnh tật liên quan đến tuổi tác ngày càng tăng, ông đã viết trong cuốn Các cuộc Tranh luận Đương đại về Đạo đức Sinh học, “sống lâu hơn dường như vô ích: đau đớn, xấu hổ và sự cách biệt trong giao tiếp ngày càng làm lu mờ đi sự lạc quan và niềm vui mà bà đã luôn luôn có trong cuộc sống. Bà quyết định rằng bà sống như thế là đã đủ và bà đã sẵn sàng để chết.”
Magda đã dự trữ để uống một lượng thuốc quá liều, nhưng bà đã đánh mất chúng trong một lần nào đó. Bà đã cố gắng để chết bằng cách kiêng ăn và uống, nhưng, như Lachs nói, “có đủ tình yêu cuộc sống còn lại trong bà để khiến bà không duy trì được tình trạng này đủ lâu.”
Có ổn không khi giúp người khác chết? Lachs lập luận rằng “các bác sĩ nên giúp chúng ta trong mọi giai đoạn của cuộc sống”, bao gồm cả quyết định cuối cùng. Hơn nữa, thực hiện quyền tự do – trong trường hợp này, là tự do lựa chọn để chấm dứt cuộc đời của mình – không giống như tuân theo các quy tắc đạo đức. “Chúng ta có quyền chấm dứt cuộc đời của mình kể cả khi điều đó là sai trái,” Lachs nói – với một sự cảnh báo quan trọng. “Những người trưởng thành khỏe mạnh đề nghị tự tử không thể đòi hỏi sự trợ giúp của người khác. … Tình huống này hoàn toàn khác với việc tự tử là điều có thể chấp nhận được.”
Đối với Lachs, bối cảnh là điều quan trọng nhất. “Chúng tôi không muốn mọi người chọn cái chết thay vì sống,” anh ấy nói với tôi. Nhưng khi cái chết gần đến, và người đó đang phải chịu những nỗi đau, luận điểm nào có thể chống lại nó?
Triết gia này đã phát triển một bộ năm tiêu chuẩn cho một cái chết lý tưởng:
- Cái chết lý tưởng chỉ xảy ra sau khi một người đã mất đi mục đích sống của mình; không có gì quan trọng để người đó thực sự làm được nữa.
- Tương ứng với sự mất đi mục đích sống là sự giảm dần năng lượng tinh thần và thể chất của người đó.
- Những công việc liên quan đến cái chết của người đó cần được xử lý đầy đủ – giấy tờ, di chúc, lời tiễn biệt, tất cả những thứ đó.
- Người đó cảm thấy mình đang để lại một thứ gì đó tốt – “Tôi đã không sống một cách vô ích.”
- Cái chết cần xảy ra nhanh chóng và không đau đớn.
Lachs đã nhìn thấy và nghe nói về những người gần ngưỡng cửa tử nhưng vẫn cố kéo dài cuộc sống. “Nó tốt hơn nhiều khi các điều kiện khác được đáp ứng và họ chỉ cần ra đi,” Lachs nói. “Lý tưởng nhất là cuộc sống sẽ cho bạn cơ hội để sẵn sàng cho cái chết.”
“Không ai có thể sống sót được qua cuộc sống. Ván cược này sẽ thua. Mọi cuộc đời đều cần sự chuyển đổi. Chúng ta nghĩ rằng điều đó không đúng, và sự bất ngờ là tên của trò chơi. Nhưng cuối cùng, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự kết thúc của nó.”
Magda, mẹ của Lachs, cuối cùng đã ra đi theo cách “ngầm” mà các nhân viên y tế đôi khi giải quyết một cách thầm lặng: một y tá đã đưa ra một giải pháp morphine làm giảm chức năng phổi của Magda và cuối cùng đã đẩy nhanh cái chết của bà.
Cách tốt nhất để ra đi là gì? Đó là một câu hỏi mà Lachs đã dành thời gian xem xét. Câu trả lời mà ông yêu thích đến từ một đồng nghiệp y khoa của ông, nhưng đó là một câu đùa xưa cũ: bị một người chồng nổi giận bắn chết lúc 90 tuổi khi đang đi ngủ với vợ của ông ta.
Nếu bỏ qua tất cả thì, Lachs nói, ông muốn chết theo cách đáp ứng một trong các tiêu chí của ông – một cách nhanh chóng, một cơn đau tim.
***
Một trong những người cuối cùng tôi đặt ra câu hỏi của tôi là Doris Benbrook, giám đốc nghiên cứu về ung thư phụ khoa tại Đại học Oklahoma. Chuyên môn của cô ấy khác rất nhiều so với nhân viên chăm sóc sức khỏe mà tôi đã nói ở trên – cô ấy nghiên cứu ung thư ở mức độ tế bào, đặc biệt là quá trình chết tế bào. Liệu cái chết ở mức độ vi mô có giúp chúng ta để nghĩ đến cách nào khác tốt hơn để ra đi?
Ở dạng cơ bản nhất, một tế bào ung thư nhân lên quá mức và bắt đầu gây ra rắc rối cho cơ thể. “Ở cấp cơ quan và mô, nó ăn vào các cơ quan quan trọng. Nó phát triển, nhân bản, phân chia.” Điều đó làm tắc nghẽn các cơ quan, ăn dần vào các hệ thống khác, và làm cho cơ thể chết dần đi. Thật hoàn toàn không công bằng với một thứ rất nhỏ như thế. Một số bệnh ung thư bạn hầu như không cảm thấy gì, giống như ung thư buồng trứng, trong khi những loại khác, như ung thư xương, gây ra rất nhiều đau đớn.
Công việc của Benbrook với các tế bào tự chết theo chương trình (apoptosis) nhắm tới việc dập tắt sự tăng trưởng đó, tìm ra cách tắt cái công tắc tử thần hiện có của tế bào để nó không thể tàn phá như vậy. Cô hy vọng trong tương lai các bác sĩ thậm chí có thể sử dụng cơ chế này như là một phương pháp phòng ngừa ung thư.
Điều thú vị là, CPR và những nỗ lực về tim mạch khác giúp người ta duy trì sự sống đi theo con đường khác: “Họ muốn ngăn chặn tế bào chết”, Benbrook lưu ý. Vì vậy, có rất nhiều cách khác nhau để suy nghĩ về giai đoạn cuối của một tế bào có ý nghĩa đối với sự kết thúc của con người. Nhưng các tế bào chết liên tục, và một vài tế bào chết thì không giết chết một người. Mặc dù các tế bào của chúng ta chết cùng chúng ta, cô nhấn mạnh rằng mức độ vi mô không phải là lăng kính thích hợp khi xét đến sự ra đi cuối cùng.
Tuy nhiên, câu trả lời của cá nhân cô đối với cách tốt nhất để chết, lại là câu trả lời yêu thích nhất của tôi, nếu chỉ vì hình ảnh của nó.
“Tôi muốn chết bằng cách đóng băng cho đến chết,” cô nói. “Bởi vì từ những gì tôi hiểu về quá trình đó, bạn cuối cùng chỉ bị tê và không cảm thấy gì cả. Tôi đã có trải nghiệm đau đớn tột cùng. Tôi không bao giờ muốn trải qua điều đó nữa. Tôi muốn ra đi một cách thanh thản.”
Thật thú vị. Nhưng nơi mà cô ấy muốn đóng băng cho đến chết mới là thứ lay động tôi.
“Tôi nghĩ rằng nếu tôi chỉ ngồi trên một tảng băng trôi ở Bắc Băng Dương, đó sẽ là một cái chết thanh thản. Tôi có thể nhìn ngắm các ngôi sao, tôi có thể nghĩ về cuộc sống, và đó có thể là một trải nghiệm lý thú.”
Không khí ban đêm lạnh như băng thổi qua cơ thể bạn. Sự tĩnh lặng chết người của thiên nhiên bị gián đoạn chỉ bởi các đợt sóng của đại dương và thỉnh thoảng những chú cá nhảy lên khỏi mặt nước. Cảm giác lạnh giá của những giọt nước mắt của bạn đóng băng khi bạn nhìn lên chòm sao Gấu Lớn (Great Bear) lần cuối cùng. Có vẻ đó là một cách không tệ để ra đi.
Ngồi trên một tảng băng trôi ở Bắc Băng Dương, không khí lạnh lẽo tràn ngập khắp cơ thể khi bạn nhìn lên bầu trời đêm. Có vẻ đó là một cách không tệ để ra đi.
Nhưng Benbrook và tôi nhanh chóng trở về đất liền. “Dĩ nhiên là tôi muốn có gia đình xung quanh tôi, và cơ hội để tôi ngồi lên một tảng băng trôi ở Bắc Băng Dương để chết là không có rồi.” Cô ấy cười. “Tôi có lẽ sẽ nằm trên giường bao quanh bởi những người thân yêu. Mục tiêu của tôi vẫn là ra đi thanh thản.” Trở lại mục tiêu ban đầu.
***
Vì vậy, tôi sẽ quay sang bạn, người đọc dũng cảm và kiên nhẫn: từ vô lý đến khả dĩ, bạn muốn ra đi như thế nào? Hãy để bản thân bạn suy nghĩ về nó theo cách mà bạn sẵn sàng để ra đi vậy. Bạn có muốn một ống thở dốc xuống cổ họng của bạn nếu nó là điều cần thiết? Bạn có muốn được bón cho ăn nếu bạn không thể tự làm điều đó cho mình? Bạn có thấy ổn với việc ra đi trong bệnh viện? Bạn thậm chí có thể đi sâu vào chi tiết – bạn có muốn có âm nhạc nổi lên quanh mình, một căn phòng ấm áp, và một ai đó nắn bóp cái chân sưng của bạn?
Bất cứ điều gì bạn muốn, bất kể bạn nghĩ đến nó sâu sắc đến thế nào, điều quan trọng là chia sẻ ý tưởng của bạn về một cách ra đi mà bạn thấy là tốt. Nói chuyện với gia đình, viết ra những gì bạn muốn, và giữ nó ở nơi họ biết. Hỏi mọi người về nó tại các bữa tiệc. Vì bất kỳ ai thực hiện quyết định “rút sợi dây” có thể cho bạn biết, bất kỳ chỉ dẫn nào bạn để lại sẽ rất hữu ích nếu bạn không thể tự nói lên mong muốn về cái chết của mình trong ngày cuối cùng.
Sau tất cả, đây là quyết định khả thi cuối cùng của bạn – tốt hơn hết là làm cho nó thật tuyệt.
Grand Canyon là một khe núi dốc nằm bên bờ sông Colorado ở tiểu bang Arizona, và nằm trong Vườn Quốc gia Grand Canyon, Hoa Kỳ. Hẻm núi có chiều dài khoảng 446km và rộng 13-26km tùy khu vực. Chiều cao của hẻm núi tính từ đỉnh Yavapai của Grand Canyon xuống đến dòng sông Colorado ở dưới chân núi là vào khoảng 1400m. Các nhà khoa học cho biết có đến 1500 loài thảo mộc, 355 loài chim, 89 loài động vật có vú, 47 loài bò sát, 9 loài động vật lưỡng cư và 17 loài cá khác nhau sinh trưởng trong khu vực này. Đây cũng là một trong những điểm đến yêu thích của các vận động viên leo núi chuyên nghiệp cũng như nghiêp dư; các nhà thám hiểm đến từ nhiều nước trên thế giới và những người yêu thiên nhiên.↩
Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, tỷ lệ sinh ở các nước giàu tăng lên nhanh chóng do quân đội được giải ngũ và họ bắt đầu lập gia đình. Mỹ là nước chứng kiến hiện tượng này một cách rõ nét nhất. Giữa năm 1946 và 1964, có đến 76 triệu đứa trẻ được sinh ra, nâng lượng người được sinh ra sau chiến tranh thế giới thứ 2 lên tới con số 81% so với tổng số dân tại Mỹ, tạo thành một thế hệ có cuộc sống hạnh phúc hơn và đủ lớn để có được tiếng nói riêng xét về cả chính trị và kinh tế.↩