a
§ Tác giả: Melynda Fuller | Nguồn: Literary Hub
Biên dịch: J. | Hiệu đính:  Nguyên
22/10/2017

Trong một lần ghé thăm gia đình vào kỳ nghỉ, một người chú kéo tôi qua một bên. “Cháu có tóc bạc rồi kìa,” ông thì thầm, bằng thứ giọng cảnh báo, chứ không chỉ đơn thuần là đánh giá. “Cháu biết chứ,” tôi đáp lại rằng chỉ vài năm nữa thôi cả mái đầu này rồi cũng sẽ ngả màu bạc trắng. “Thật đáng tiếc,” ông đáp lại. “Chú có gặp những người phụ nữ trẻ bước vào văn phòng mình với mái tóc hoa râm, và nom họ thật già.” Cái giá của tôi, với tư cách là một người phụ nữ, đã được tóm gọn chỉ trong một khoảnh khắc ấy.

Vài tháng sau đó, khi tôi đang đọc cuốn Transit (Tạm dịch: Chuyển tiếp), phần tiếp theo cho cuốn tiểu thuyết Outline (Tạm dịch: Khung hình) của Rachel Cusk, cảnh tượng sau đây cứ ám ảnh tâm trí tôi. Faye, nhân vật chính trong câu chuyện của Cusk, mới chuyển tới một căn hộ ẩm ướt và ngột ngạt cùng với hai cậu con trai sau khi ly hôn. Ở phần đầu cuốn tiểu thuyết, cô đang ngồi trên ghế trong tiệm làm đầu, ngẫm nghĩ xem mình có nên nhuộm tóc để che đi những sợi tóc bạc không. Mặc cho người thợ làm đầu khăng khăng rằng “Chút màu bạc điểm xuyết này nào có là gì,” Faye, người chuẩn bị có một cuộc sống mới với tư cách một phụ nữ độc thân, vẫn quyết tâm che phủ đi những dấu vết ‘lấp lánh’ của tuổi tác đó. Cuối cùng, người thợ làm tóc phải nhấn mạnh một câu: “Việc này (nhuộm tóc) là một quyết định sống còn,” anh ta nói, có nghĩa là một khi đã nhuộm tóc, cô sẽ không thể nào ngừng lại. Kể cả vậy, Faye vẫn quyết định làm cho tới cùng.

*

Trong bài báo “The Makeup Tax” (Tạm dịch: Thuế trang điểm) trên tờ Atlantic năm 2015, Olga Khazan phân tích các nghiên cứu cho thấy rằng những người có ngoại hình hấp dẫn kiếm được nhiều tiền trong suốt cuộc đời họ hơn và được bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Bà còn viết về những điều khoản bất thành văn mà hầu như mọi phụ nữ đều nhất định tuân thủ, đó là trong cuộc đời, họ dành tới $15.000 vào mỹ phẩm để duy trì khả năng kiếm tiền—chưa kể tới số giờ và số ngày đứng trước gương hay giỏ mua hàng. Ý kiến đúc kết từ bài viết của Khazan khá nhập nhằng: mặc dù thừa nhận sự phi lý của tình trạng này, nhưng bà không chỉ ra được cách làm nào khác, và bà cũng không tin một người phụ nữ có thể dừng việc chỉnh trang gương mặt và cơ thể mình mà vẫn giữ vững được vị trí của mình.

Sức ép xoay quanh những kỳ vọng về hình thể và điều kiện kinh tế của phụ nữ được lột tả qua bài viết của nhiều tác giả, như Cusk, Joanna Walsh, Anne Boyer, và Renee Gladman. Từng người trong số họ đều phá vỡ những tiêu chuẩn về cái đẹp và đặt ra nghi vấn đối với những trách nhiệm xã hội đặt lên vai phụ nữ, khi họ vừa phải kiên trì khám phá thế giới xung quanh mình, vừa phải đắn đo tìm cách trói buộc bản thân để có thể trở nên phù hợp. Boyer đã từng viết, “Tôi sẽ sớm viết một cuốn sách thật dài và thật buồn, mang tên A Woman Shopping (Tạm dịch: Một phụ nữ mua sắm). Nó là một cuốn sách viết về thứ mà chúng ta buộc phải làm, cũng là thứ khiến chúng ta bị ghét.”

Cusk, giống như nhân vật Faye trong cuốn Transit, cũng tự nhận thức được những áp lực đặt lên mình khi là một người phụ nữ, nhưng bà lựa chọn đối mặt thay vì chối bỏ chúng. Thông qua những tác phẩm hư cấu của mình, cả trong hai cuốn Outline Transit, cũng như những bài tiểu luận về chính cuộc sống của bà, Cusk mô tả về ảnh hưởng của những kỳ vọng này với bà, nhưng bà cũng nói tới cách bà dùng chính chúng làm kim chỉ nam.  Để mang tới một cái nhìn sâu sắc về cách sống của bà (và của Faye), trong bài tiểu luận đăng trên tạp chí Condé Nast Traveler gần đây về chính bà và chồng mới cưới, người đã từng trải qua năm cuộc hôn nhân trước đó, bà đã viết rằng “dù tốt hay xấu, hôn nhân định hình chúng tôi, và từ đó, chúng tôi hi vọng có thể cải thiện chính mình.” Hình tượng nhân vật mà bà khắc hoạ cũng hiểu rất rõ những chuẩn mực về nữ giới và cái giá của chúng, nhưng dường như họ không hề mỏi mệt, hay tức giận, với viễn cảnh phải không ngừng nỗ lực để tạo dựng được chỗ đứng cho bản thân.

Tuy nhiên, khi đọc tác phẩm của Anne Boyer, chính tôi cũng cảm thấy mỏi mệt khi nghe bà thuật lại những thao túng về mặt tiền bạc, thời gian, và thể chất mà khi là một người phụ nữ, bà phải đối mặt. “Tôi muốn mình chỉ bình thường như một con thú,” trích từ Garments Against Women (Tạm dịch: Những mảnh đồ bó buộc phụ nữ) , một tuyển tập thơ văn xuôi bà viết năm 2015 nói về thân thể của phụ nữ trong thời kỳ tư bản chủ nghĩa, qua những chủ đề về bệnh tật, tài chính, và kỳ vọng của xã hội. Xuyên suốt tập thơ là xúc cảm giận dữ của bà. Tỉ dụ như, một lần khi kể lại khoảng thời gian và công sức mà bà đã bỏ ra để tự làm một chiếc áo từ những nguyên liệu rẻ tiền, Boyer nhắc nhở người đọc rằng tất cả áo quần đều được tạo nên từ bàn tay của phụ nữ và trẻ em—dù là làm thủ công tại nhà hay trong những phân xưởng với điều kiện và độ an toàn khác nhau. Và khi đã cắt xong các mảnh vải, Boyer tự hỏi “Giờ ta có thể làm gì,” bà  hỏi. “Làm thế nào để ráp hai mảnh vải phẳng lì với nhau ở bốn chỗ để vừa vặn phần thân của một người phụ nữ trưởng thành, mà không hề phẳng lì chút nào, với phần tay thường xuyên cử động? Đó là một việc lặp đi lặp lại, tựa như khi nghe nhạc, tôi thường bị cuốn vào một bản nhạc nhất định, có điều khi thì thực hiện trên chất liệu flannel, khi thì trên chất liệu linen, cần rất nhiều đường chiết ly đôi (double pointed darts) quanh phần eo để tạo dáng áo (Platonic ideal).”

“Thứ gọi là ‘con thú bình thường’ mà Boyer ao ước trở thành chính là hình thể người phụ nữ không bị trói buộc bởi quy định, luật lệ, hoàn toàn thả lỏng và không bị giám sát.”

Trong phần đầu của tuyển tập này, khi nhớ lại một đợt bị bệnh kéo dài, Boyer viết, “Cuối cùng cũng có thứ gần như chữa lành cho tôi. Đó chính là chút thuốc nhuộm Frost & Glow trên mái tóc,” sau một loạt thuốc men, từ antihistamines và thuốc chống dị ứng tới thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc tránh thai, và thuốc bôi ngoài da Retin A. Bà tiếp tục với giọng điệu châm biếm, “ . . . tựa hồ chỉ một chút thuốc nhuộm tóc của hiệu thuốc cũng có thể thay đổi một con người,” hay chữa khỏi mọi căn bệnh đáng ra phải bị kiểm soát bởi những thứ thuốc kia. Thứ gọi là ‘con thú bình thường’ mà Boyer ao ước trở thành chính là hình thể người phụ nữ không bị trói buộc bởi quy định, luật lệ, hoàn toàn thả lỏng và không chịu bất kỳ sự giám sát nào.

Trong tuyển tập truyện ngắn Vertigo (Tạm dịch: Chông chênh) năm 2015 của mình, Joanna Walsh khám phá cái cách mà giá trị của một người phụ nữ phụ thuộc vào sắc đẹp từ quan điểm của một nhân vật đang ở bờ vực đổ vỡ của hôn nhân và cũng đang chống chọi với độ tuổi trung niên. Nhân vật chính không tên này, ở ngay dòng đầu tiên của tập truyện đã viết, “Một người bạn khuyên tôi nên mua ngay một chiếc váy đỏ ở Paris vì tôi sắp bỏ chồng.” Ngay lập tức, Walsh mô tả, mọi người xung quanh cô ấy đều nhắc nhở—thôi thúc—rằng cô phải biết “giữ giá.”  Sau đó, cô gái tiếp tục khắc sâu thêm tình thế khó khăn này qua lăng kính thứ hai: cô con gái nhỏ của mình, thân thể của cô bé cũng trở thành chủ đề cho sự soi mói.

Trong câu chuyện mang tên “Vertigo,” nhân vật chính mường tượng hình ảnh cô con gái 12 tuổi của mình trong con mắt của đàn ông. Người mẹ và con gái đang đi nghỉ cùng gia đình, nơi “lần đầu tiên con gái cô quyết định hi sinh vì thời trang” khi mua một chiếc váy ren ngắn cũn cỡn màu hồng không hợp với cô bé chút nào. Người mẹ quan sát cô con gái nhỏ hất mái tóc, và cho rằng cùng một hành động như hồi cô bé còn chín, mười tuổi, nhưng đến một thời điểm nào đó, nó sẽ được hiểu như một động thái khêu gợi. Đi cùng với nó là một chút quyền lực, nhưng là kiểu quyền lực mà chỉ có giá trị khi một người phụ nữ muốn dấn thân vào trò chơi đó. Suy nghĩ về hai thứ quy luật thô tục này đối với nữ giới, và ảnh hưởng bạo lực sẽ đe dọa cuộc sống của cô con gái nhỏ khiến người mẹ cảm thấy sợ hãi.

Những tác phẩm của Renee Gladman về quyền sở hữu thân thể trở nên đặc biệt thú vị khi người đọc cùng thưởng thức tuyển tập tiểu luận Calamities (Tạm dịch: Thảm họa) năm 2016 và bộ tiểu thuyết khoa học viễn tưởng gồm 3 tập Ravicka của bà. Calamities là tập hợp của hàng tá những bài viết nhỏ, đều mở đầu bằng cụm “Tôi bắt đầu ngày mới.” Qua mỗi bài, Gladman biến hoang mang thành sự khám phá sâu sắc qua việc tìm kiếm vị trí của mình trong thế giới, khi đồng thời là một học giả, một người phụ nữ, và một nghệ sĩ. Trong một bài, bà có viết, “Tôi bắt đầu ngày mới là một người phụ nữ bên trong những lớp áo quần, tôi muốn là một người phụ nữ ăn vận tử tế.” Gladman đang mô tả một buổi chiều ở bên người tình của bà, nghệ nhân làm gốm Danielle Vogel. Danielle, theo lời bà mô tả, luôn cảm thấy thoải mái với thân thể mình, và rất thích mặc những bộ đồ bó sát tôn dáng, một xúc cảm mà dường như Gladman không thể thấu hiểu. Khi cặp đôi chạy trong căn hộ nô đùa cùng nhau, trong bộ đồ ngủ của mình, Gladman viết về chiếc quần mà Danielle mặc, nó bó tới độ mà từ “mông” như hiện ra ở khắp nơi, trong khi Gladman dùng từ “penispocket” khi nói về chính thân thể của bà trong trang phục ôm sát. Điều này không có nghĩa là Gladman cảm thấy không thoải mái với bản thân mình, mà là kể cả trong những khoảnh khắc thân mật cùng Danielle, trong căn nhà của mình, Gladman vẫn bị ảnh hưởng bởi những thứ được cho là chuẩn mực ăn mặc với phụ nữ. Không ai có thể xoá bỏ nó.

Nhưng khi bà đưa những chuẩn mực này vào một viễn cảnh mới lạ, hư cấu, sự kỳ quái này lại được giải thoát. Event Factory (Tạm dịch: Sự kiện nhà máy), phần đầu tiên trong bộ tiểu tuyết của Gladman về thành phố ảo Ravicka, xoay quanh việc người dẫn chuyện (một nhân vật nữ) cố gắng kiếm tìm phương hướng ở một nơi toàn những luật lệ và quy tắc đạo đức ngớ ngẩn. Gần như mọi thứ ở đó đều chẳng có chút ý nghĩa nào: kể từ ngôn ngữ, mặc dù người dẫn chuyện từng theo ngành ngôn ngữ học; đến thức ăn (một phe phái nổi loạn trong thành cổ ăn giấy, mà giả như là mỳ ống và pho mát); và tới cả những quy chuẩn xã hội—cần phải sử dụng những cử chỉ phức tạp để xin phép cho một nhu cầu đơn giản như việc đi tắm. Nhưng khi dạo quanh thành phố, nhân vật tìm kiếm những đồng minh và khám phá những manh mối giúp cô hoà nhập vào nhịp điệu của nơi này. Sau khi nhân vật phải lòng người phụ nữ mang tên Dar, hai người cùng nhau cố gắng tìm đường ra khỏi thành phố kỳ lạ này. Nhưng không bao lâu sau, Dar bỏ rơi cô, và cô bắt đầu nhận ra rằng những người đàn ông quanh mình thường nói dối và chỉ sai đường khi cô hỏi. Trong lúc cố gắng định vị những toà cao ốc làm nên phần “trung tâm” của Ravicka, cô nhận xét “Một suy nghĩ nảy ra trong tôi, không phải là lần đầu tiên, rằng nếu tôi không thể ngước lên và định vị những toà nhà chọc trời đó bằng mắt thường, thì đơn giản là vì vốn chẳng có toà nhà nào như vậy cả. Và những người đàn ông này đã quá xấu hổ để nói lên điều đó.” Người đàn ông tên Ulchi, vẽ một tấm bản đồ lộn xộn để cô lần theo, nhưng người dẫn chuyện sớm phát hiện ra rằng cô tiến xa nhất khi đi theo trực giác của chính mình. Một lần khác, cô nhận được sự trợ giúp từ một người phụ nữ bí ẩn, người mà cô chỉ có thể nghe giọng, mà không thể nhìn thấy. Bằng cách dựa vào bản thân, cùng sự giúp đỡ và hợp tác với những người phụ nữ khác, người dẫn chuyện mới có thể, ít nhất, thoát khỏi sự điên rồ từ trải nghiệm đó.

*

Mặc dù rất tự tin đáp trả lời nhận xét của người chú trong dịp nghỉ vừa rồi, tôi vẫn có một cuộc đối thoại tương tự như nhân vật Faye của Cusk với người làm tóc của mình. Tôi nhận thấy màu đỏ trên tóc mình thực chỉ là sự tàn úa của sắc màu nâu sậm trước kia. Tôi thấy được sự luân chuyển của thời gian và những sự lựa chọn trước mắt. Tôi cố gắng giữ cho mình khỏi bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn đó, và suy ngẫm về việc dành tiền bạc và thời gian để duy trì thứ hình ảnh thường dường như là của một ai khác. Tựa như những gì Walsh viết trong câu chuyện “Claustrophobia,” (Tạm dịch: Sợ chỗ hẹp)  “ . . . Tôi biết rằng một người phụ nữ không phải là thứ quần áo mà cô ấy mặc: cô ấy là thân thể bên trong chiếc váy, cũng có thể là hình ảnh mà người khác mường tượng về thân thể cô ấy . . . Tôi đã nhận ra rằng kể cả tận sâu bên trong, tôi cũng có thể bị thay thế. Bạn có thể khiến ai đó trở thành tôi và nhận được kết quả y hệt, thậm chí còn tốt hơn, nếu bạn có tiền.”

Đây là một sự nhận thức khó khăn mà Walsh rút ra và cũng là sự đầu hàng của những nhà văn khác. Nhưng câu chuyện Event Factory của Gladman, giải thoát khỏi những ảo ảnh về thực tế mà chúng ta đang sống, lại đi theo một hướng khác. Người dẫn chuyện có toàn quyền để đặt ra một câu hỏi hết sức thẳng thắn và táo bạo: “Sao tôi lại phải nói chuyện với những người đàn ông này cơ chứ?”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất