Nên bắt đầu từ những chú chim hay người Hy Lạp nhỉ? Hai lựa chọn đều tốt cả. Tung đồng xu vậy. Mặt ngửa thì là người Hy Lạp, mặt sấp thì là những chú chim. Sấp.
Những năm 1970, một nhà nhân chủng học trẻ người Mỹ tên Michael Dove đến Indonesia với ý định tìm hiểu một bí ẩn văn hóa. Lúc đó Dove còn là một nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford, và ông đã nghiên cứu về người Kantu’, một dân tộc sinh sống bằng nghề nông trong những khu rừng nhiệt đới ở Borneo. Người Kantu’ sử dụng một phương pháp du canh được gọi là đốt đất làm nương rẫy1. Những nông dân này thường trồng trọt trên các vùng đất nghèo dinh dưỡng. Sau mỗi mùa vụ, họ đốt sạch cánh đồng và bỏ hoang vùng đất đó.
Như mọi nông dân du canh khác, mỗi năm người Kantu’ tìm tới các vùng đất mới để trồng gạo và các nông sản khác. Nhưng không như những nông dân du canh khác, người Kantu’ chọn vị trí các khu đất này bằng một nghi thức xem chim (birdwatching). Họ tin rằng một số loài chim — ví dụ như loài Nuốc phao câu đỏ, Gõ kiến nâu, và năm loài nữa — là con rể của Trời. Chúng xuất hiện để dẫn lối cho cuộc sống con người. Vì thế, để chọn nơi canh tác, một nông dân người Kantu’ phải đi quanh khu rừng cho đến khi nhìn thấy đúng một tổ hợp các loài chim mang điềm lành. Rồi anh ta mới bắt đầu khai hoang và gieo trồng.
Dove nghĩ rằng những chú chim nhất định phải mang chỉ thị nào đó về sinh thái. Có thể chúng đậu ở các khu đất màu mỡ, những nơi nhiều cây thấp, hoặc một đặc điểm nào đó khác có lợi cho việc làm nương rẫy. Dù gì thì người Kantu’ cũng đã sử dụng phương pháp đoán điềm lành bằng chim này qua bao thế hệ, và họ vẫn chưa chết đói. Dove cho rằng những chú chim chắc chắn phải mang lại thông tin gì đó về khu đất cho người Kantu’. Nhưng cũng như các nhà nhân chủng học khác, ông không hề biết điều đó là gì.
Ông đã theo chân những thầy bói (augurer) của tộc Kantu’. Ông đã quan sát những chú chim mang điềm báo. Ông đã đo đạc vụ thu hoạch của mỗi gia đình. Và càng ngày ông càng thêm bối rối. Phương thức đoán điềm của người Kantu’ rắc rối, tinh vi đến từng tiểu tiết như “con chim ở bên trái hay bên phải?” ấy thế mà rồi Dove phải kết luận rằng hoàn toàn không tìm thấy mối liên hệ gì giữa chim nuốc hay chim gõ kiến và thu hoạch mùa màng của người Kantu’. Dove bảo tôi rằng những người đoán điềm mà ông đi cùng “càng nhìn càng giống như đang đoán bừa.”
Bế tắc, ông đành chuyển sang đề tài luận văn khác. Nhưng việc đoán điềm vẫn làm ông điên đầu. Ông tiếp tục suy nghĩ về nó trong suốt “một hai thập kỷ gì đó.” Và một ngày ông nhận ra từ đầu tới giờ mình đã tiếp cận câu hỏi hoàn toàn sai hướng. Dove đã đặt câu hỏi liệu phương pháp đoán điềm của người Kantu’ có cho biết thông tin hữu ích về sinh thái hay chỉ đơn giản là ngẫu nhiên. Nhưng có khi nào việc đoán điềm hữu ích chính bởi nó ngẫu nhiên?
Lựa chọn kiểu xổ số hữu dụng nhất là bởi nó loại trừ những suy luận tồi ra khỏi quá trình quyết định.
Nông nghiệp du canh nhiệt đới là một công việc vốn rất khó đoán. Vụ thu hoạch của nông dân Kantu’ phụ thuộc vào lượng mưa, sự bùng phát của sâu bệnh, mực nước sông, và nhiều yếu tố khác. Một mảnh rừng có thể cho vụ gặt tốt vào một năm mưa nhiều nhưng lại chẳng thu được bao nhiêu vào một năm khô hạn, hoặc một năm nhiều sâu bệnh. Và những thứ như dịch sâu bệnh hay thời tiết trong tương lai thì khó mà có thể đoán trước được tới hàng tuần hay hàng tháng, dù là người hay là chim.
Tuy nhiên, trước hoàn cảnh mông lung như vậy, người ta thường tìm kiếm một trật tự nào đó — như lập ra một phương pháp có hệ thống để chọn đất trồng, và cụ thể hơn là quyết định dựa vào điều kiện của năm trước.
Nhưng cả hai lựa chọn đó đều không hữu dụng. Điều kiện tự nhiên của năm trước chẳng hề liên quan đến những năm sau đó (tháng 7 năm 2013 mưa nhiều không có tác động gì đến lượng mưa của tháng 7 năm 2014). Và các phương pháp quy củ lại chịu nhiều rủi ro. Giả dụ như một nông dân Kantu’ đoán rằng mực nước sẽ thuận lợi trong năm tới và đặt toàn bộ đất trồng của mình ở ven sông, thì chỉ cần một trận lũ cũng có thể phá tan hoàn toàn vụ gặt ấy. Tương tự như khi một nhà đầu tư đối mặt với một thị trường khó đoán, lựa chọn tốt nhất với người Kantu’ là đa dạng hóa. Và đoán điềm bằng chim muông là một phương pháp đặc biệt hiệu quả để đạt được sự đa dạng ấy.
Cũng dễ hiểu tại sao Dove mất tới 15 năm để nhận ra giá trị của sự ngẫu nhiên. Sống trong thời kỳ hiện đại, chúng ta nghiễm nhiên cho rằng những quyết định tốt nhất đến từ quá trình phân tích thử nghiệm và lựa chọn có hiểu biết, với một mục đích rõ ràng trong đầu. Phương pháp quyết định ấy, về mặt lý thuyết, là nền tảng làm nên cách chúng ta chọn những nhà lãnh đạo, chơi chứng khoán, và xét tuyển học sinh và nhân viên. Nó cũng khiến chúng ta phê phán các nghi lễ và mê tín của người khác. Nhưng, như người Kantu’ đã cho ta thấy, nhiều khi dựa vào may rủi lại là quyết định tốt nhất. Và trong cuộc sống hiện đại, những trường hợp như vậy có khi phổ biến hơn nhiều mà chúng ta không thừa nhận.
Xuyên suốt các thiên niên kỷ, nhiều nền văn hóa đã dành không ít thời gian, công sức, và trí tuệ để đưa sự ngẫu nhiên vào quá trình quyết định. Những thợ săn của tộc Naskapi ở tỉnh Labrador của Canada có phong tục nướng xương tuần lộc để chọn hướng đi cho hành trình tiếp theo bằng cách nhìn những vết nứt trên mặt xương như một bản đồ. Người Trung Quốc thì đã từ lâu tìm kiếm hướng dẫn từ các đoạn văn trong bộ Kinh Dịch2, và sử dụng 49 nhánh vạn diệp khô một cách phức tạp để quyết định nên tham khảo phần nào của cuốn sách. Khi phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn, tộc Azande ở Trung Phi sẽ bắt một con gà nuốt một loại bột có độc, rồi tìm ra đáp án dựa trên sự sống còn của con gà — một kết quả vô cùng khó đoán nếu không nói là hoàn toàn ngẫu nhiên. (“Tôi nghĩ phương pháp này cũng thỏa đáng như bất kỳ cách nào khác để đưa ra quyết định trong đời sống hàng ngày,” nhà nhân chủng học người Anh E. E. Evans-Pritchard đã viết, sau khi đã tiếp thu một vài phong tục bản địa trong thời gian ông sống với tộc Azande vào những năm 1920).
Còn vô vàn những phong tục khác nữa. Nhiều đến mức ta có thể và đã viết thành hàng chồng sách. Ai cũng thích cảm giác lật bài — cứ hỏi một nhà cái blackjack3 hay một người bói tarot mà xem. Tại sao lại không chứ? Sự ngẫu nhiên là một thứ đặc biệt. Nó là một công cụ nhanh gọn, nhất quán, và (trừ khi đàn gà nhà bạn chết hết) khá rẻ để đưa ra quyết định. Không ai có thể đổ lỗi hay nuối tiếc sự ngẫu nhiên vì nó hoàn toàn không dựa vào trí óc. Tách biệt khỏi sự can thiệp của con người, nó có thể được coi là một mảnh giấy trắng để hé lộ vòng quay của số phận hay tác phẩm của các đấng siêu nhiên. Sự ngẫu nhiên phân phát tài nguyên và giải quyết bất đồng một cách hoàn toàn bình thản.
Hơn nữa, sự ngẫu nhiên là cách lựa chọn không cần lý trí. Dường như đây là đặc điểm tuyệt vời nhất của nó, dù đương nhiên cũng có cái giá phải trả. Peter Stone, một nhà lý luận chính trị tại Đại học Trinity, Dublin, và tác giả của cuốn sách May rủi: Tấm vé xổ số và sự Lựa chọn xuất bản năm 2011, đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về các hoàn cảnh mà sự thiếu lý trí như vậy lại có thể có lý.
“Lựa chọn kiểu xổ số hữu dụng nhất là bởi nó loại trừ những suy luận tồi ra khỏi quá trình quyết định,” Stone nói với tôi. “Quyết định bằng xổ số đảm bảo rằng khi bạn đưa ra lựa chọn ngẫu nhiên, sẽ chẳng có lý do nào để chọn một cái thay vì cái khác cả.” Ông gọi điều đó là tác động triệt tiêu của xổ số — nó loại bỏ tất cả lý do khỏi quá trình lựa chọn và triệt tiêu mọi ảnh hưởng ngoài ý muốn. Stone thừa nhận rằng sự ngẫu nhiên cũng xóa bỏ cả những suy luận đúng đắn lẫn sai trái. Ông không ủng hộ việc sử dụng sự ngẫu nhiên một cách bừa bãi. “Nhưng đôi khi,” ông lý luận, “các suy luận sai còn nguy hiểm hơn so với việc mất đi các suy luận tốt.”
Quay lại với người Kantu’ chẳng hạn. Bên cạnh những yếu tố cơ bản, không có lý do nào đủ hoàn hảo để chọn một khu đất cho việc trồng trọt cả. Đơn giản là vì chẳng ai biết được thời tiết và sâu bệnh sẽ diễn biến như thế nào. Vì thế, bất kỳ lý luận nào của nông dân Kantu’ sẽ chỉ là trung tính, hoặc thậm chí là dẫn đến các hậu quả xấu. Tác động triệt tiêu của phương pháp đoán điềm xóa sạch những lý luận xấu như vậy. Tộc Kantu’ cũng lập đất trồng ở vùng đầm lầy, nơi các đặc điểm tốt dễ đoán hơn rất nhiều — nói cách khác, nơi có nhiều lý do tốt để quyết định. Thực tế là, ở các đầm lầy, người Kantu’ không sử dụng cách đoán điềm để đưa ra lựa chọn.
Suy nghĩ về lựa chọn và sự ngẫu nhiên theo hướng như vậy không chỉ hữu ích tại nông thôn Borneo. Cụ thể là, nó có thể đưa ra những băn khoăn về những cơ chế nền tảng của chế độ duy lý – trọng nhân tài – dân chủ của chúng ta. Thật dễ hiểu rằng đây mới là lý do khiến một nhà lý luận chính trị như Stone quan tâm đến sự ngẫu nhiên.
Khi tất cả các lý do tốt đã được xét xong, cơ chế hiệu quả, công bằng, và minh bạch nhất có lẽ chính là sự ngẫu nhiên.
Cùng khoảng thời gian mà nhà nhân học Michael Dove đang băn khoăn về nghiên cứu của mình trong nhà dài của người Kantu’, các nhà hoạt động và khoa học chính trị đã bắt đầu khôi phục lại ý tưởng lựa chọn các ứng cử viên vào các vị trí chính trị bằng sự ngẫu nhiên, một phương pháp được gọi là “rút thăm” (sortition).
Phương pháp này vốn có lịch sử lâu đời. Phần lớn các quan chức trong hệ thống dân chủ của Athens được đề cử một cách ngẫu nhiên, bao gồm chín quan chấp chính được chọn từ một phần lớn dân số theo rút thăm. Tầng lớp quý tộc của Venice thời Phục Hưng từng lựa chọn tổng trấn — chức lãnh đạo nhà nước cao nhất — bằng một thủ tục phức tạp và có phần ngẫu nhiên. Trong cuốn Khế ước xã hội (The Social Contract) viết năm 1762, Jean-Jacques Rousseau lý luận rằng rút thăm sẽ là thủ tục thông thường trong một nhà nước dân chủ lý tưởng vì nó cho tất cả công dân cơ hội bằng nhau để tham gia vào mọi vị trí trong chính phủ (Rousseau nói thêm rằng những nhà nước dân chủ lý tưởng như vậy không tồn tại). Phương pháp rút thăm ngày nay tồn tại trong quá trình chọn bồi thẩm đoàn4, và thỉnh thoảng xuất hiện ở những nơi khá bất ngờ. Ví dụ như Ontario và British Columbia đã từng chọn ngẫu nhiên từ các công dân Canada để lập ra các ban hội thẩm đề xuất điều lệ bầu cử.
Những người ủng hộ rút thăm cho rằng nguyên tắc này nên được áp dụng rộng rãi hơn, với cả quốc hội và nghị viện, để tạo nên hệ thống lập pháp phản ánh chính xác cơ cấu dân số của quốc gia. Đừng lo, họ không ủng hộ việc chọn bừa các chính sách. Hơn nữa, chẳng mấy ai đề xuất rằng nên dùng cách rút thăm từ toàn bộ công dân để chọn ra các vị trí không mang tính đại diện dân số như chức tổng thống Hoa Kỳ. Không ai muốn loại bỏ hoàn toàn lý trí khỏi chính trị. Nhưng rất nhiều các lý lẽ xấu có thể tác động tới quá trình bầu cử — các thủ đoạn hối lộ, đe dọa, lừa đảo; nạn mua phiếu bầu; cùng với đủ loại hình phân biệt đối xử và định kiến. Câu hỏi là liệu các mặt xấu ấy có vượt quá các mặt tốt của một hệ thống mà cử tri được bầu những người mình ưa thích.
Để minh họa, hãy cùng xem tình huống sau: một số ít các gia đình quyền lực và các bè phái có uy thế thống trị Venice thời Phục Hưng. Như nhà sử học Robert Finlay viết trong cuốn Chính trị ở Venice thời kì Phục Hưng xuất bản năm 1980, phương pháp rút thăm trong việc bầu cử tổng trấn là cách để “hạn chế khả năng lộng hành của bất kỳ nhóm nào mà không được sự chấp thuận của đông đảo dân số hoặc một sự may mắn đáng kể.” Những người dân Mỹ đang lo lắng về kiểu vung tiền vô tội vạ vào các chiến dịch tranh cử của một số ít những người giàu có sẽ thấy ý tưởng này đáng cân nhắc.
Hoặc hãy suy ngẫm về điều này. Về mặt lý thuyết, các nền dân chủ tự do muốn hệ thống lập pháp phải phản ánh chính xác cơ cấu dân số của quốc gia. Và có thể thấy rõ rằng không chỉ những người đàn ông giàu có, dị tính, da trắng mới có được các phẩm chất của một nhà lập pháp tốt (thông minh, chính trực, và giàu kinh nghiệm). Hệ thống lập pháp với cơ cấu quá đồng đều của nước Mỹ là bằng chứng cho việc những lý lẽ xấu đang góp một phần lớn vào quá trình bầu cử. Thông thường, chúng ta chỉ nhìn vào quy trình ấy và tìm cách loại bỏ sự thiên vị như vậy. Còn những người ủng hộ phương pháp rút thăm cho rằng đã đến lúc để áp dụng sự ngẫu nhiên.
Sự ngẫu nhiên phân phát tài nguyên và giải quyết bất đồng một cách hoàn toàn bình thản.
Mối đe dọa của các lý lẽ xấu tiềm tàng hoặc thiếu vắng lý lẽ tốt đã khiến cho sự ngẫu nhiên trở nên hấp dẫn, và điều này không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chính trị. Điển hình là việc xét tuyển đại học. Năm 2014, đại học Columbia tuyển 2,291 sinh viên từ khoảng 33,000 ứng viên, và khó có thể chắc chắn rằng quá trình lựa chọn ấy hoàn toàn dựa trên lý trí sáng suốt. Năm 2009, nhà phân tích chính sách giáo dục Chad Aldeman viết trên trang tin tức thường nhật Inside Higher Ed của Mỹ: “Việc tuyển sinh đại học vốn đã ngẫu nhiên; chúng ta hãy chấp nhận điều đó để bắt đầu lập nên một cơ chế tốt hơn.” Ông còn khẳng định rằng chẳng bao giờ có chuyện các trường đại học xét tuyển hoàn toàn dựa trên năng lực và nói rằng: “Chọn ngẫu nhiên có thể là lời giải.”
Giáo sư Barry Schwartz tại Đại học Swarthmore cũng bày tỏ suy nghĩ tương tự trong bài viết đăng trên báo The Atlantic năm 2012. Ông đề xuất rằng sau khi đã chọn từ chồng đơn xin học ra được một nhóm học sinh đủ khả năng, các trường đại học nên rút thăm. Một số trường ở Hà Lan đã áp dụng cơ chế tương tự. Schwartz viết: “Việc rút thăm như vậy không giải quyết được sự bất công hiển nhiên của chế độ hình nón, trong đó không phải ai cũng có thể vươn lên đến đỉnh. Nhưng nó sẽ chỉ ra sự bất công ấy bằng cách làm rõ vai trò của sự ngẫu nhiên và may mắn.” Một khi các chuẩn mực nhất định đã được đảm bảo, không có lý do chính đáng nào để chọn thí sinh số 2,291 (đỗ Columbia) thay vì thí sinh số 2,292 (trượt Columbia). Và khi tất cả các lý do tốt đã được xét xong, cơ chế hiệu quả, công bằng, và minh bạch nhất có lẽ chính là sự ngẫu nhiên.
Nhưng đây lại không phải cơ chế được ưa chuộng nhất. Khi áp dụng sự ngẫu nhiên vào một hệ thống đáng lẽ phải dựa trên năng lực, ta có thể gặp phải các phản ứng dữ dội. Năm 2004, Hiệp hội Trượt băng Thế giới (International Skating Union — ISU) đã đưa ra một cách chấm điểm mới cho các cuộc thi trượt băng. Cơ chế này — đến nay đã được sửa đổi một chút — hoạt động như sau: vận động viên được 12 giám khảo chấm điểm, nhưng tổng điểm cuối cùng chỉ được tính từ 9 điểm số được chọn ngẫu nhiên từ các phiếu bầu đó (người Athens cổ đại cũng chấm điểm các cuộc thi kịch theo cách tương tự). Trượt băng nghệ thuật là một môn thể thao nổi tiếng thiếu minh bạch, các giám khảo thường xuyên kết bè phái để thiên vị những vận động viên ưa thích của nhau. Về mặt lý thuyết, một cơ chế dựa trên sự ngẫu nhiên sẽ cản trở sự câu kết các bè phái như vậy. Nói cho cùng, một thỏa thuận “có đi có lại” sẽ không ổn lắm khi chưa biết liệu phía kia có thể báo đáp lại mình không.
Nhưng luật chấm mới của ISU đã không chỉ loại bỏ ý định câu kết của những giám khảo. Các nhà thống kê đã chỉ ra rằng sự lựa chọn ngẫu nhiên như vậy sẽ thay đổi kết quả của một số cuộc thi. Họ đã sử dụng dữ liệu từ các kì thi để chứng minh rằng các tổ hợp phiếu bầu được rút ngẫu nhiên khác nhau sẽ cho ra các kết quả thi đấu khác nhau, thậm chí là thay đổi thứ tự nhận huy chương trong ít nhất một giải đấu lớn. Ngay cả khi các vận động viên đã hoàn thành phần biểu diễn, người chiến thắng lại là do vận may quyết định.
Ta có thể nhìn nhận tình huống này theo hai hướng. Hướng thứ nhất là nổi giận và phê phán một cơ chế có vẻ bất công từ bản chất. Hướng thứ hai là thừa nhận rằng quá trình giám khảo đánh giá vốn đã chủ quan và sẽ luôn luôn như vậy. Nếu chọn 12 giám khảo khác cho giải đấu thì kết quả cũng sẽ khác. Cơ chế của ISU chỉ đơn giản làm sự chủ quan ấy rõ ràng hơn, kể cả khi có giảm được khả năng kết quả thi đấu bị ảnh hưởng từ những tác động xấu rõ ràng, như việc mua chuộc chẳng hạn.
Tuy nhiên, đa số người xem vẫn chọn con đường giận dữ một cách chính đáng. Điều này cũng không bất ngờ gì. Cơ chế của ISU mâu thuẫn với hai giả định thường thấy của cuộc sống hiện đại: rằng lúc nào cũng nên (và có thể) loại bỏ sự mơ hồ và may rủi khỏi mỗi tình huống; và thành quả luôn phản ánh nỗ lực và tài năng một cách chính xác. Bầu cử kiểu rút thăm, tuyển sinh đại học kiểu xổ số, và cơ chế chọn điểm ngẫu nhiên đi ngược lại cả hai mặc định này. Những phương pháp này coi sự may rủi là một phần tất yếu, và chúng không thể đảm bảo chắc chắn rằng một công dân, một thí sinh, hay một vận động viên trượt băng giỏi hơn sẽ giành chiến thắng, dù họ có nỗ lực nhiều đến mức nào.
Tôi đề xuất thế này: trong thế giới đầy lo âu và khó đoán trước của chúng ta, cả hai lý tưởng này — sự chắc chắn tuyệt đối và phần thưởng hoàn toàn xứng đáng — đều không thể nào đạt được. Tôi không nói rằng chúng ta không nên cố gắng trau dồi kiến thức và trao thưởng cho thành tích. Chỉ là trước khi đạt tới thế giới nhiệm màu ấy, chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận sự thực rằng cuộc sống bị chi phối bởi sự mơ hồ, thiên vị, các đánh giá chủ quan và những may rủi thất thường.
Trong cuốn tiểu thuyết The Man in the High Castle (Thế giới Khác) xuất bản năm 1962, bậc thầy thể loại khoa học viễn tưởng người Mỹ Philip K. Dick đã vẽ ra một thế giới tưởng tượng mà trong đó Đức và Nhật giành phần thắng sau Thế chiến thứ hai. Phần lớn câu chuyện diễn ra tại thành phố San Francisco đã bị Nhật chiếm đóng, và các nhân vật, cả người Nhật và người Mỹ, thường xuyên sử dụng Kinh Dịch để tìm lối cho các quyết định khó khăn trong công việc và đời sống cá nhân.
Là một người Mỹ lớn lên trong một gia đình không có lịch sử tín ngưỡng, tôi phải thừa nhận mình đã bị cuốn hút vào viễn cảnh của Dick về một thế giới giả tưởng, nơi con người phó thác một phần quyền quyết định của họ vào chuyển động của những nhánh vạn diệp khô. Có một cảm giác thoải mái nhất định khi ta thừa nhận rằng những lý luận của chúng ta thường không đầy đủ hoặc thậm chí là kém cỏi. Chẳng cần đến các thế lực siêu nhiên, chúng ta vẫn có thể hình dung được một xã hội mà ở đó vai trò của vận may trở nên rõ ràng và được chấp nhận hơn trong việc phân chia của cải, xét tuyển đại học, tuyển những ứng cử viên ngang sức ngang tài vào công ty, chọn các nhà lãnh đạo, và đưa ra các quyết định cá nhân trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận sự thực rằng cuộc sống bị chi phối bởi sự mơ hồ, thiên vị, các đánh giá chủ quan và những may rủi thất thường.
Một xã hội như vậy không phải là một cơn ác mộng đối với những người duy lý. Thay vào đó, trong một thế giới bấp bênh nơi các lựa chọn bị chi phối quá nhiều bởi các lý lẽ xấu, đây là một cách để nhìn ra các yếu tố hình thành nên những quyết định của chúng ta. Như Peter Stone đã giải thích với tôi, phỏng theo lời của Immanuel Kant5: “bước đầu tiên trong việc lý luận là nhận ra các giới hạn của việc này.” Một xã hội như vậy cũng sẽ chẳng phụ thuộc vào may rủi nhiều hơn so với thế giới hiện tại của chúng ta. Dù thế nào, sự ngẫu nhiên vẫn hiện hữu, và con xúc xắc vẫn tiếp tục lăn. Chỗ đứng của những kẻ thực dân và người lệ thuộc, người giàu và người nghèo, những kẻ uy quyền và những người thấp cổ bé họng, kẻ thắng và người thua, không hề được định sẵn như chúng ta thường nghĩ.
Dường như Dick đã hiểu rõ điều này. Chắc chắn rằng ông đã chấp nhận vận may theo một cách hiếm thấy. Nhiều năm sau khi viết The Man in High Castle, Dick giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng, ngoài việc lên kế hoạch và hình dung trước một số chi tiết, ông đã quyết định các diễn biến chính của cốt truyện bằng cách tung đồng xu và xem quẻ Kinh Dịch.
Nguyên văn: “The Kantu’ practise the kind of shifting agriculture known to anthropologists as swidden farming, and to everyone else as slash-and-burn.”↩
Kinh Dịch là bộ sách kinh điển của Trung Hoa. Nó là một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông và được coi là một tinh hoa của cổ học Trung Hoa.↩
Blackjack là một trò chơi bài, nhà cái là người chia bài cho người chơi.↩
Trong cơ chế xét xử vụ án ở một số nước như Anh, Mỹ, Canada,… bồi thẩm đoàn là một nhóm người được chọn ngẫu nhiên để xem xét và cân nhắc các bằng chứng để tuyên án có tội hay vô tội.↩
Immanuel Kant (1724 – 1804) được coi là một trong những triết gia có ảnh hưởng lớn nhất nước Đức. Ông được xem là nhà tư tưởng quan trọng nhất của thời đại Khai sáng.↩