Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: J. | Hiệu đính:  coda
07/04/2018

Đã bao nhiêu lần bạn ngồi trước màn hình máy tính và bắt gặp những tựa báo như “Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng…”, “Nghiên cứu tâm lý học cho thấy…”, “Các dấu hiệu cho thấy bạn bị trầm cảm” hay những đường dẫn tới “Bài trắc nghiệm tính cách cho thấy mức độ hấp dẫn của bạn”? Việc bạn đọc, hay chỉ đơn giản là thấy những bài viết như vậy xuất hiện chứng tỏ chủ đề được nói tới đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy vậy, liệu bạn đã thực sự quan tâm tới bản chất khoa học của ngành nghiên cứu về tâm lý này chưa? Phần lớn câu trả lời có lẽ sẽ là không, đơn giản vì ai-cũng-biết tâm lý học nói về cái gì – tâm lý học chắc chắn là phải nói về tâm lý. Đây chính là căn nguyên cho hai thiên hướng nhìn nhận “một chiều” về tâm lý học hiện nay: (1) Tâm lý học là tập hợp những điều hiển nhiên và nó không có đóng góp gì cho sự tiến bộ của nhân loại, hoặc (2), tâm lý học là chìa khóa vạn năng, hiểu biết về nó có thể giải quyết được mọi trở ngại cá nhân, hay mọi vấn đề xã hội hiện có. Cả hai cách nhìn nhận áp đặt này đều có những hệ quả đáng gờm bởi chúng ta thường dựa vào những suy xét cá nhân để đưa ra quyết định liên quan tới con người. Những quyết định đó có thể gây thương tổn tới (những) cá thể có liên quan, theo cách mà chúng ta không ngờ tới.

Hume1, với luận đề về chủ nghĩa quy nạp, cho rằng một trong những bản năng của con người là suy diễn dựa trên quan sát thực tế một sự vật, sự việc nào đó. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình vô số niềm tin về vũ trụ quanh ta, hay “common sense” (thứ mà ai-cũng-biết); nhưng khoa học thì khác, hay ít nhất là tốt hơn nhiều so với “common sense” (Singer, 1971). Và tâm lý học cần được nhìn nhận đúng đắn là một ngành khoa học nghiên cứu về con người – tâm trí và hành vi, về mọi mặt của ý thức, vô thức, và tư duy.

Từ rất lâu về trước, chúng ta đã có những ghi chép về việc con người đánh giá con người. Gideon (Judges 7 trong Kinh thánh) đã theo chỉ dẫn của Chúa đưa quân tới con lạch để uống nước và quan sát những người bụm tay múc nước lên để uống với những người quỳ gối, cúi đầu xuống mé nước để uống. Gideon chỉ giữ lại 300 người thuộc nhóm đầu – những người được đánh giá là cẩn trọng, luôn để ý tới môi trường xung quanh và gửi những người còn lại về nhà. Đây có thể được coi là bài kiểm tra đánh giá, phân loại con người đầu tiên. Tâm lý học ở thuở sơ khai chỉ tập trung nghiên cứu về hành vi con người. Thông qua việc phân tích, đánh giá hành vi cụ thể của từng cá thể hoặc nhóm cá thể (case study) hay việc quan sát con người trong điều kiện tự nhiên (naturalistic observation), các nhà tâm lý học rút ra những nhận định chung về thiên hướng hành xử của con người. Cho tới tận những năm 1880, với những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực toán học, các nhà khoa học mới có đầy đủ cơ sở và khả năng thiết kế ra những thước đo tâm lý (psychological measurement) để hiện thực hoá hứng thú tìm hiểu về các quy trình tâm sinh lý diễn ra trong bộ não của con người.

Tâm lý học, như ta thấy hiện giờ, được cấu thành từ nhiều phân nhánh nhỏ: tâm lý học xã hội và sức khoẻ (social and health psychology), tâm lý học lâm sàng (clinical psychology), tâm lý học nhận thức (cognitive psychology), v..v.. Mỗi phân nhánh xoay quanh những chủ đề riêng biệt, nhưng lại có mối tương quan chặt chẽ với nhau, vì khi hợp nhất lại, chúng cho ta thấy cái nhìn tổng quan về con người (tất nhiên, với những sai số nhất định). Tại sao lại có sai số ư? Bởi sự thật duy nhất về con người là thứ ta không thể chạm tới. Trong bài viết gần đây trên Tạp chí lý thuyết và triết lý tâm lý học, Bergner (2017) có chỉ ra vấn đề cốt lõi trong lịch sử tâm lý học – rằng khái niệm “con người” (a person) và “bản thân con người” (the self), dù là chủ đề nghiên cứu của tâm lý học, vẫn không được cắt nghĩa rõ ràng.

Hãy nghĩ tới A và B – một cặp nữ song sinh. Về mặt sinh học, hai chị em có cùng bộ gien di truyền từ bố mẹ; về mặt xã hội, giả sử hai chị em cùng được bố mẹ nuôi lớn, đi học cùng trường, cùng lớp, họ làm tất cả mọi chuyện cùng nhau. A và B giống nhau, họ có chung sở thích, vẽ tranh và ca hát. Nhưng A và B lại không hề giống nhau – A là một cô bé hướng ngoại và hoạt bát, trong khi B lại là một cô bé hướng nội và lặng lẽ. Một nhà tâm lý học xã hội có thể giải thích rằng, dù lớn lên trong cùng một môi trường, trải nghiệm của A và B không hoàn toàn giống nhau. A được cô giáo xếp cho ngồi cạnh một người bạn rất lém lỉnh và hay trò chuyện, trong khi B ngồi cạnh một bạn rất trầm tĩnh, ít nói. Nhưng tại sao việc tiếp xúc với con người, sự vật, sự việc xung quanh lại có ảnh hưởng tới hành vi của A và B? Lúc này, nhà tâm lý học nhận thức lên tiếng, rằng con người luôn khát khao đánh giá về năng lực và ý kiến của bản thân, và khi ta không tìm được thước đo khách quan nào, ta sẽ so sánh bản thân với những người khác (Festinger, 1954). Có thể khi B so sánh mình với A, cô bé cảm thấy mình không đủ thú vị, nên đã trở nên rụt rè, khép kín hơn. Vậy nếu B và A đổi vị trí cho nhau, liệu B có trở nên giống A của hiện tại hay không? Câu trả lời là có thể có, hoặc không. Đây chỉ là một trong số vô vàn ví dụ mà ta có thể kể đến để chứng minh cho luận điểm rằng không có bất cứ ai là hoàn toàn giống một ai khác. Và tâm lý học, thuộc khối ngành khoa học xã hội, có thể giúp ta lý giải phần nào về hành vi, tư duy của con người trong quá khứ và đưa ra dự đoán về tương lai, nhưng ta phải luôn cân nhắc tới khả năng sai số có thể xảy ra.

Trong thời đại thông tin bão hòa như hiện nay tâm lý học trở nên ngày một phổ biến, không chỉ trên các trang mạng trực tuyến, mà còn thông qua những đầu sách self-help bán rất chạy, như cuốn “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie mà hầu như người bạn nào của tôi cũng từng đọc, tấm tắc khen và nỗ lực học theo (được vài tuần). Tâm lý học được nhiều người đón nhận là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng cách nhiều người tiếp cận và xử lí các nguồn thông tin này có phần thiếu chuẩn xác bởi ta đang bỏ qua yếu tố nghiên cứu thực tiễn của bộ môn khoa học này.

Thứ nhất, là con người, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi thiên kiến mà ta mang sẵn. Chúng ta không có thói quen, và khó có thể nhận thấy rằng ta đang tư duy theo một lối mòn mà thiếu đi tư duy phản biện. Những thông tin khẳng định lại niềm tin sẵn có của ta về một sự vật, sự việc nào đó thường được chú ý hơn nhiều. Sự phát triển của thuật toán và trí tuệ nhân tạo những năm gần đây cho phép các thông tin, hình ảnh có liên quan tới nhau xuất hiện một cách thường xuyên và được ưu tiên hơn, phần nào đó củng cố suy nghĩ và thiên kiến của người dùng.  

Thứ hai, bản thân những nghiên cứu về tâm lý học cũng còn nhiều hạn chế. Những nhà nghiên cứu tâm lý học, dù cố gắng hết sức để hạn chế những ý kiến chủ quan, nhưng không ai có thể khẳng định rằng nghiên cứu của họ là hoàn toàn khách quan. Trong mỗi cuộc nghiên cứu, họ phải vô cùng thận trọng khi đưa ra những kết luận về con người, nên những nghiên cứu tâm lý học thường bị chỉ trích là chưa đủ “đột phá.” Bên cạnh đó, tranh cãi về khả năng tái thiết lập kết quả nghiên cứu (replicability) còn chưa được gỡ bỏ. Nhiều nghiên cứu tâm lý học về cùng một chủ đề cho ra những kết quả rất khác nhau. Điều này phải kể đến bản chất của ngành khoa học xã hội này – nó nghiên cứu về những chủ đề mang tính lý thuyết, không có một thước đo cụ thể nào. Vì vậy, những người làm nghiên cứu phải phụ thuộc nhiều vào những thước đo gián tiếp (khảo sát, trắc nghiệm) để từ đó, dựa vào một hoặc một vài học thuyết sẵn có để đưa ra suy luận về con người. Ví dụ như Duffy và Dik, trong bài đánh giá những nghiên cứu về “work as a calling” (Tạm dịch: công việc như một lời mời gọi), đã chỉ ra rằng “calling” được coi là một trong những yếu tố có liên quan mật thiết tới mức độ cam kết trong công việc, sự thoả mãn với công việc và với cuộc sống. Tuy vậy, khái niệm “calling” vẫn chưa có được một định nghĩa hoàn chỉnh, đồng nhất – liệu nó là động lực nội tại hay là một thế lực bên ngoài mỗi cá nhân?

Thứ ba, báo đài, truyền thông còn khá vội vàng và thiếu sự cẩn trọng  khi đưa tin về những kết quả nghiên cứu tâm lý học. Để thu hút người đọc, người nghe, hay người xem, họ thường đưa ra những tựa bài rất gây chú ý, điển hình là những bài viết như “Dấu hiệu cho thấy bạn….” Những bài viết đó có thể dựa vào các kết quả nghiên cứu tâm lý học có thật nhưng lại trích dẫn thông tin không đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Phần lớn nghiên cứu tâm lý học hiện nay được thực hiện trong điều kiện lý tưởng ở phòng thí nghiệm, nơi mà các nhà nghiên cứu có thể khống chế một hoặc một vài những yếu tố đầu vào để đưa ra được kết luận về ảnh hưởng của những yếu tố đó lên kết quả đầu ra. Hơn nữa, đối tượng nghiên cứu hiện nay phần lớn vẫn là người da trắng, với văn hoá và tư duy khác biệt so với văn hoá và tư duy châu Á. Trong điều kiện thực tế, và trong một nền văn hoá khác, những kết quả nghiên cứu tâm lý học đó chưa chắc là sẽ đúng.

Tâm lý học ở châu Á nói chung, và nước ta nói riêng vẫn còn khá mới mẻ. Chúng ta còn cả một chặng đường dài để định hình và xây dựng nó thành một ngành khoa học xã hội thực sự. Chúng ta cần chủ động và tỉnh táo hơn khi nói về tâm lý học, để tránh đưa ra những kết luận sai lầm về con người và gây ra những thương tổn không đáng có.

 

Nguồn tham khảo:

Bergner, R. (2017). What Is a Person? What Is the Self? Formulations for a Science of Psychology. Journal of Theoretical and Philosophical Psychology, 37(2), 77-90

Duffy, R. D., & Dik, B. J. (2013). Research on calling: What have we learnt and where are we going? Journal of Vocational Behavior, 83, 428-436

Festinger, L. (1954). A Theory of Social Comparison Processes. Human Relations, 7-117

Singer, B. (1971). Toward a Psychology of Science. American Psychologist, 26(11), 1010-1015


  1. David Hume là một triết gia, đồng thời là một nhà lịch sử học, kinh tế học người Scotland. Ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong thời kỳ Khai sáng của Scotland. Các sử gia thường xem triết học Hume như là một dạng thức triệt để của chủ nghĩa hoài nghi, nhưng nhiều người khác đã lý luận rằng trong triết học Hume, thành phần chủ nghĩa tự nhiên cũng không kém phần quan trọng

3 thoughts on “Tâm lý học và những điều ta bỏ lỡ

  1. Không hiểu sao mình lại rất tò mò về bộ môn tâm lý học, và cũng chỉ tìm hiểu qua các bài dịch giống như các bạn. Kỹ năng tiếng Anh của mình ko tốt hoặc có nhiều từ chuyên ngành quá nên mình không đọc hiểu đầy đủ các bài tiếng Anh. Mình thích cái kết của bài viết này, vì nhiều quy luật tâm lý mình đọc thấy không đúng với người Việt Nam. Xin cảm ơn các bạn !

  2. Mình có góp ý chút là các bạn nên viết chữ GEN hay GENE thay vì Gien, vì thấy nó kỳ quá! Cảm ơn các bạn!

    1. Gien là viết kiểu tiếng Việt bạn ạ, tụi mình để vậy để người Việt dễ đọc hơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất