Bernie Sanders lúc nào cũng nói về bất bình đẳng trong kinh tế, và đó là một thông điệp có tính nhắc nhở. Không cứ phải là người theo chủ nghĩa xã hội thì mới lo lắng về sự phân chia giàu nghèo ở Mỹ. Rất nhiều người Mỹ theo những trường phái chính trị khác nhau tuyên bố rằng họ quan ngại sâu sắc về bất bình đẳng kinh tế, và nhiều người nói rằng họ ủng hộ những thay đổi có thể khiến sự phân chia thu nhập và của cải trở nên đồng đều hơn.
Nhưng trong cuốn sách vừa mới xuất bản mang tựa đề On Inequality (Tạm dịch: Về sự bất bình đẳng), triết gia Harry Frankfurt1 lập luận rằng sự bình đẳng kinh tế không hề có giá trị nội tại. Đây là một tuyên bố về mặt đạo đức, nhưng nó cũng có cơ sở tâm lý học: Frankfurt cho rằng nếu mọi người dành thời gian suy ngẫm, họ sẽ nhận ra là thứ làm họ lo ngại thực ra không phải sự bất bình đẳng.
Mọi người có thể quan ngại bởi thứ mà họ nghĩ là những nguyên nhân không thỏa đáng dẫn đến bất bình đẳng kinh tế, một sự lo ngại hoàn toàn hợp lý, nếu ta xét đến việc thu nhập và tài sản của một người bị chi phối như thế nào bởi những đặc điểm bẩm sinh của người đó, tức là việc bố mẹ người đó có bao nhiêu tiền, giới tính, và màu da của người đó. Chúng ta cũng quan ngại về những hậu quả tiềm tàng của sự bất bình đẳng kinh tế. Chúng ta có lẽ nghĩ nó làm xói mòn sự dân chủ, hoặc gia tăng tỉ lệ tội phạm, hoặc phá vỡ hạnh phúc nói chung. Quan trọng nhất là, người ta lo ngại về sự nghèo đói – nhưng không phải về việc một số người có ít hơn, mà đúng hơn là “những người có ít hơn thì có ít quá.”
Frankfurt lập luận rằng, dù thế, chúng ta quan ngại về sự bất bình đằng không hẳn là vì bản chất hay hậu quả của nó. Ông chỉ ra là ít người lo về những cách biệt giữa những người rất giàu và những người trung lưu, thậm chí là dù chúng có thể đều lớn hơn một cách tuyệt đối và tương đối so với những khác biệt giữa nhóm trung lưu và nhóm người nghèo. Một thế giới mà tất cả mọi người đều nghèo rớt mồng tơi thì hẳn là một thế giới hoàn toàn bình đẳng, nhưng chẳng mấy ai muốn đổi thế giới chúng ta đang có hiện nay lấy cái viễn cảnh đó. Thế nên, “bình đẳng” không thể là thứ chúng ta thật sự trân trọng.
Chúng ta quan ngại về sự bất bình đằng không hẳn là vì bản chất hay hậu quả của nó.
Một vài lập luận của Frankfurt nghe khá chuyên môn, nhưng không quá khó để nghĩ ra những trường hợp khi mà một sự đòi hỏi bình đẳng sai lầm khiến cho thế giới tồi tệ hơn. Ví dụ ưa thích của tôi trong trường hợp này là của nghệ sĩ hài Louis C. K., khi ông kể về việc đứa con gái năm tuổi của mình làm hỏng đồ chơi và đòi ông bẻ gãy đồ chơi của chị con bé, để tất cả đều bình đẳng như nhau. “Và tôi thực đã làm như con bé yêu cầu. Tôi đến phát khóc về việc này. Rồi tôi nhìn con bé, nó đã cười vô cùng bí hiểm.”
Liệu Frankfurt có đúng khi cho rằng mọi người thực ra không đề cao bình đẳng kinh tế vì giá trị thực của chính nó? Nhiều học giả không nghĩ như vậy. Nhà linh trưởng học Frans de Waal tổng kết một quan điểm phổ biến khi viết rằng: “Robin Hood đã đúng. Ao ước sâu kín nhất của nhân loại là lan tỏa sự giàu có.”
Để hỗ trợ cho luận điểm của de Waal, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng nếu chúng ta yêu cầu trẻ em phân phát các đồ vật cho người lạ, chúng sẽ có xu hướng phân chia một cách đồng đều, thậm chí kể cả trong những tình huống oái ăm nhất. Hai nhà tâm lý học Alex Shaw và Kristina Olson kể với những em bé từ sáu đến tám tuổi về hai cậu bé, Dan và Mark, đã dọn sạch phòng và vì thế được thưởng những cục tẩy – nhưng lại có đến năm cục tẩy, nên là không thể chia đều cho cả hai người. Các em bé khi nghe chuyện này đều phản ứng mạnh mẽ là người làm thí nghiệm nên vứt cái tẩy thứ năm đi chứ đừng nên chia không đều. Các em vẫn phản ứng như vậy kể cả khi được bảo rằng các em có thể đưa cục tẩy thứ năm cho Dan hoặc Mark mà không cho người còn lại biết để tránh làm người đó giận dữ hay ghen tị.
Có vẻ như những phản ứng này cho thấy một khao khát bình đẳng cháy bỏng, nhưng chúng phản ánh ước muốn công bằng nhiều hơn. Việc này xảy ra chỉ là do Dan và Mark đã làm một công việc như nhau nên cả hai nên được thưởng giống nhau. Và quả đúng là vậy, bởi khi Shaw và Olson nói với tụi trẻ rằng “Dan dọn phòng nhiều hơn Mark,” chúng khá thoải mái với việc đưa ba cục tẩy cho Dan và hai cho Mark. Nói cách khác, chúng không có vấn đề gì với sự bất bình đẳng, miễn là nó công bằng.
Trong một nghiên cứu tôi từng tham gia ở Yale, lúc đó được dẫn đầu bởi nghiên cứu sinh Mark Sheskin, chúng tôi tìm ra là những em bé nhỏ hơn thực ra lại có xu hướng chống-bình đẳng – chúng thích sự phân chia mà trong đó chúng được chia phần nhiều, hơn là sự phân chia mà mọi người đều được như nhau. Ví dụ như, trẻ em thích mình được một và đứa còn lại không được gì, hơn là mỗi người đều có hai cái.
Kết quả này phù hợp với những gì các nhà tâm lý học khác đã tìm ra – cũng như những gì các bậc cha mẹ đã quan sát được: Khi phân phát phần thưởng, trẻ em sẽ ăn vạ nếu chúng có ít hơn, nhưng lại hoàn toàn hài lòng nếu chúng được nhiều hơn. Các loài linh trưởng khác cũng có hành vi tương tự. Bọn khỉ thích ăn dưa chuột và thường sẽ vui mừng nếu được cho một củ, nhưng nếu chúng được cho dưa chuột sau khi vừa thấy một con khỉ khác được cho nho – thứ mà chúng cực thích – chúng sẽ phát điên lên. Còn con khỉ được phát nho thì lại cực kỳ hài lòng về phần hơn của mình.
Nhưng chúng ta chẳng tìm nổi một mẩu bằng chứng cho thấy rằng con người hay bất kì một loài vật nào khác tự nhiên trân trọng sự công bằng vì chính giá trị của nó.
Một kiểu lý luận khác nhằm chứng minh cho thiên hướng tự nhiên coi trọng sự bình đẳng đến từ việc quan sát những nhóm nhỏ, mà có vẻ như thực sự coi trọng sự bình đẳng. Trong những nhóm nhỏ, mọi thứ được phân chia khá đồng đều, người yếu được chăm sóc đầy đủ, và những người đứng đầu bị hạn chế về quyền lực. Việc này khá tương tự với cuộc biểu tình Chiếm lấy phố Wall (Occupy Wall Street)2.
Chúng ta rất dễ cho rằng hành vi của những nhóm nhỏ này phản ánh một xu hướng tự nhiên mong muốn bình đẳng, nhưng nhà nhân chủng học Christopher Boehm, người đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu những nhóm như vậy, có một quan điểm khác. Ông tranh luận rằng những cấu trúc bình đẳng đó phát triển bởi không ai muốn bị thiệt. Các cá nhân trong những xã hội này cuối cùng thường xấp xỉ bình đẳng với nhau; điều này là do tất cả mọi người đều cố gắng đảm bảo là không một ai có thể có quá nhiều quyền lực với mình. Như tôi đã viết trong cuốn sách mới nhất của mình, Just Babies (Tạm dịch: Chỉ là những em bé thôi), có một sự bình đẳng kiểu bàn tay vô hình3 chi phối những nhóm này. Boehm viết như sau, “Những cá nhân đủ thông minh để tạo thành một khối đồng minh chính trị lớn và đoàn kết, nếu không làm thế thì họ sẽ trở thành kẻ ở chiếu dưới…. Bởi vậy nên những kẻ chiếu dưới khi đoàn kết thì sẽ thường xuyên khiến cho những kẻ mạnh bạo4 thành ra ngang hàng với họ, nên sự chuộng bình đẳng hóa ra lại là một kiểu phân tầng chính trị kì quái: Kẻ yếu bắt tay với nhau để chủ động thống trị lại kẻ mạnh.”
Phân tích này giúp chúng ta giải thích được tại sao một sự khác biệt quá lớn về quyền lực lại tồn tại trong thế giới hiện nay, trong đó kẻ yếu rất khó khăn để có thể liên kết lại với nhau nhằm thống trị kẻ mạnh. Như Boehm đã phân tích, trong một xã hội nhỏ, một kẻ cư xử kiểu độc tài sẽ bị tảng lờ hoặc chế giễu bởi tất cả những người khác, và nếu hắn ta không hiểu ra thì hắn có thể bị đánh đập, đuổi khỏi nhóm, hoặc bị giết. Nhưng việc này khó có thể thực hiện trong một xã hội hàng triệu người, nơi các tương tác không còn xảy ra trực tiếp và những kẻ quyền lực sở hữu súng và nhà tù.
Những kết quả chúng ta có từ các nghiên cứu về trẻ em và xã hội cỡ nhỏ phản ánh một khao khát công bằng xuất hiện từ sớm, và một động lực rất lớn nhằm để bản thân không thể bị thiệt hơn ai. Nhưng chúng ta chẳng tìm nổi một mẩu bằng chứng cho thấy rằng con người hay bất kì một loài vật nào khác tự nhiên trân trọng sự công bằng vì chính giá trị của nó.
Hai nhà kinh tế học hành vi Michael Norton và Dan Ariely gần đây đã công bố với người dân Mỹ những mô hình ví dụ về sự phân phối của cải, trong đó nhóm 1/5 dân số dưới cùng có X phần trăm của cải, nhóm 1/5 tiếp theo có Y phần trăm, cứ như vậy. Họ phát hiện ra là người Mỹ thực ra rất sai lầm về việc đất nước mình bất bình đẳng như thế nào – họ nghĩ là nhóm 40% dân số ở dưới cùng có 9% tổng số của cải, và 20% trên cùng có 59%, trong khi tỉ lệ thực sự là 0,3% và 84%.
Họ cũng phát hiện ra rằng, khi được hỏi một sự phân chia lý tưởng thì nên thế nào, người Mỹ, bất kể thuộc đảng phái chính trị nào, muốn có một xã hội bình đẳng hơn rất nhiều so với xã hội họ đang sống, hoặc tin là họ đang sống. Trong một bài báo xuất bản trên tạp chí The Atlantic, Ariely viết, “phần lớn người Mỹ muốn có một sự phân phối của cải bình đẳng hơn cả ở Thụy Điển, nơi vẫn thường được mô tả là cực tả về hệ tư tưởng chính trị – mà những người theo chủ nghĩa tự do thì cho là một xã hội lý tưởng, còn người theo chủ nghĩa bảo thủ thì bác bỏ bởi nó giống như một kiểu nhà nước chủ nghĩa xã hội bảo mẫu.
Đây đều là những phát hiện quan trọng, nhưng phân tích của Frankfurt khiến chúng ta đặt câu hỏi chúng thực sự mang ý nghĩa gì. Ariely nhấn mạnh rằng người Mỹ muốn một xã hội bình đằng hơn xã hội họ đang có rất nhiều, nhưng đồng thời họ lại không thực sự muốn có bình đằng. Nghiên cứu đã tìm ra rằng, khi được yêu cầu chia sẻ ý kiến của họ về một xã hội hoàn hảo, những người trả lời chọn xã hội mà trong đó nhóm 1/5 dân số trên cùng giàu hơn khoảng ba lần nhóm 1/5 dưới cùng. Điều này chẳng giải quyết vấn đề là bao, nhưng khiến chúng ta phải suy ngẫm nghiêm túc sự nghi ngờ của Frankfurt về thứ chúng ta thực sự muốn – và mối quan ngại của ông rằng chúng ta lo lắng quá mức về sự khác biệt, nhưng lại không quan tâm đủ đến sự công bằng, và trên hết là, tình cảnh khốn cùng của những người nghèo.
Harry Frankfurt (sn. 1929) là một nhà triết học người Mỹ, hiện đang là giáo sư triết học tại Đại học Princeton. Công trình gây ảnh hưởng nhất của ông tập trung vào chủ đề ý chí tự do (free will) và các thí nghiệm thường được gọi là “Frankfurt cases” hay “Frankfurt counterexamples”, mà trong đó cho thấy khả năng con người không thể hành động khác nhưng vẫn có trách nhiệm đạo đức với hành vi của mình. Xem thêm thông tin về Harry Frankfurt tại đây.↩
Chiếm lấy phố Wall (Occupy Wall Street – OWS) là một làn sóng biểu tình nổ ra vào ngày 17/09/2011 tại Công viên Zuccotti, thành phố New York, và sau đó đã thổi bùng lên phong trào Occupy trên toàn thế giới nhằm chống lại bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Cuộc biểu tình được kêu gọi bởi một tổ chức phi lợi nhuận chống chủ nghĩa tiêu thụ và vì môi trường Canada là Adbusters, với mục đích lên án bất bình đẳng xã hội và kinh tế, lòng tham, sự tham nhũng, và ảnh hưởng của các tập đoàn, đặc biệt là tập đoàn tài chính, lên chính phủ. Khẩu hiệu của cuộc biểu tình là “We are the 99%” (Tạm dịch: Chúng ta là 99%), nói đến sự chênh lệch về thu nhập và tài sản giữa 1% dân số giàu nhất nước Mỹ và số còn lại. Thông tin chi tiết về cuộc biểu tình này có thể xem tại đây.↩
Chỉ khái niệm “Bàn tay vô hình” (Invisible Hand) trong Kinh tế học, được đưa ra bởi Adam Smith với nội dung là trong một thị trường kinh tế tự do, việc mỗi cá nhân hành động vì lợi ích riêng của mình sẽ tối đa lợi ích chung của cả xã hội.↩
Nguyên gốc: Alpha types, chỉ những người với tính cách năng nổ, tham vọng, cạnh tranh, và có xu hướng thống trị, so với những người tính cách “Beta” có xu hướng ôn hòa hơn.↩