a
§ Tác giả: Helen Haft | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Vân Lương | Hiệu đính:  Nhi
04/07/2020
“Trí nhớ của con người là một công cụ tuyệt vời nhưng không hoàn hảo. Những ký ức ngự trị trong ta không được khắc lên đá. Không chỉ có khuynh hướng phai nhạt theo năm tháng, chúng còn thường xuyên thay đổi hay thậm chí dần kết nạp thêm những tình tiết ngoài lề.” Primo Levi, tác phẩm The Drowned and the Saved (1986; tạm dịch: Kẻ đuối nước và Người được cứu)

“Họ từng hỏi liệu tôi có nhớ chị không…tôi không. À, tôi nhớ có một bé gái. Nhưng chính xác mặt mũi chị trông ra sao thì không. Chỉ là một khuôn mặt mờ ảo.” Đây là những gì mà Misha nói về chị gái mình, người đã bị quân đội Đức Quốc xã bắn gục ngay trước mặt ông khi ông mới bốn tuổi.

Sau cuộc hành quyết đứa trẻ, một “giáo sĩ theo chủ nghĩa bài Do Thái” chạy đến chỗ những tên sĩ quan Đức Quốc xã và xin họ đừng bắn những người Do Thái còn lại (bao gồm cả Misha và mẹ ông) – tất cả đều đang chờ lĩnh một viên đạn. Vị giáo sĩ nói: “Tôi cũng chả ưa gì dân Do Thái, nhưng các ông không nhất thiết phải giết họ.” Trong một cú xoay chuyển định mệnh kiểu Dostoyevsky đầy kỳ quái, Misha đã thoát chết trước họng súng trong gang tấc. Ông nói, “suốt cả quãng đời còn lại, sẽ không bao giờ tôi có thể trả lời được câu hỏi bằng cách nào tôi còn sống.”

Khi quân đội Xô viết giải phóng trại tập trung, Misha mới lên sáu. Ông nhớ lại cái yên ắng dị thường của buổi sáng hôm đó, không một tiếng sủa của những chú chó chăn cừu Đức. Sau đó, ông phát hiện bọn chúng đều đã bị đầu độc chết, xác nằm rải rác quanh doanh trại. Một tên lính Xô viết nhấc bổng Misha lên và bắt ông tháo ngôi sao vàng trên áo xuống. “Mày không cần cái này nữa.”

Nhưng bao nhiêu phần trong số đó là ký ức của Misha, thay vì của mẹ ông, được kể lại qua những sự kiện truyền khẩu và có lẽ được thêu dệt lên? Ông cũng không chắc. Ký ức không hề đơn giản, nhất là khi nó liên quan đến sang chấn hay sự cấu thành của một lời tự sự và quá khứ mang tính cá nhân.

Năm 2014, tôi đến Nga để nghiên cứu về cuộc sống của người Do Thái trong suốt giai đoạn thoái trào của Liên Xô và thu thập những tư liệu lịch sử truyền khẩu. Hầu hết người thân của tôi di cư đến Mỹ từ Đế quốc Nga vào đầu những năm 1900 để chạy trốn khỏi chủ nghĩa bài Do Thái, và dự án lần này là nỗ lực gắn kết lại những mảnh vụn quá khứ, nếu không chắc chắn thuộc về lịch sử gia đình tôi, thì cũng có thể đã thuộc về gia đình tôi.

Trong khi những câu chuyện kể mắt thấy tai nghe về hầu hết mọi sự việc đều dễ dàng bị bóp méo và sai lệch trong quá trình ghi nhớ (dù cố ý hay không), việc thu thập tư liệu lịch sử truyền khẩu trong phạm vi truyền thống của người Do Thái hiện hữu một số thách thức nhất định. Lịch sử truyền khẩu đã trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa của người Do Thái và trong nỗ lực hòa giải với những thương tổn tâm lý từ thảm họa diệt chủng Holocaust1. Những cụm từ như “không bao giờ quên” được nhắc đến ở khắp mọi nơi và tạo nên cơ sở cho sự gìn giữ ký ức. Bản thân từ “gìn giữ” đã gợi lên tính chất ghi nhớ của một lời tự sự. Để tưởng nhớ những nạn nhân của sự đàn áp và nỗi kinh hoàng, chúng ta để những người đã câm lặng lên tiếng.

Khi những người bị đọa đày được quyền cất tiếng, mọi lời đáp lại họ nếu không phải cảm thông, thương xót, hay thậm chí là phẫn nộ, dường như đều là vô cảm. Steven Spielberg đã bắt đầu một dự án vô cùng hữu ích thuộc quỹ Shoah, trong đó, ông tiến hành thu thập hàng nghìn lời chứng của những người còn sống sót qua vụ thảm sát Holocaust mà chỉ với một cú bấm nút, ta có thể ngay lập tức xem và nghe được chúng bằng nhiều thứ tiếng. Những câu chuyện đầy sôi nổi và cảm động, nhưng vẫn nằm im lìm và chỉ được tưởng nhớ trong phạm vi không gian mạng. Có lẽ không nên phản hồi lại gì cả; có lẽ im lặng là động thái duy nhất hợp lý.

Chúng ta hy vọng thế giới sẽ “không bao giờ quên,” nhưng có khi nào chính chúng ta thực ra mới là những kẻ đang lãng quên bằng việc từ chối đối thoại với những lời trần thuật lóe lên ngay trước mắt?


Khi bắt đầu dự án này, tôi không có ý định chất vấn một lời trần thuật nào đó, bởi điều này có vẻ không phù hợp chút nào, có lẽ còn sai về mặt đạo đức. Tôi đã kỳ vọng vào một câu chuyện ít nhiều gì cũng nhất quán và không vòng vo về chủ nghĩa bài Do Thái mà người Do Thái đã phải đối mặt ở Liên Xô, và những câu chuyện về cách mà họ đã đấu tranh để gìn giữ văn hóa và bản sắc của mình. Sau tất cả, Liên Xô – nơi Misha quay trở lại sau chiến tranh – vẫn là một vùng đất đầy hận thù. Người lính Xô viết khi xưa có thể đã tháo ngôi sao David2 khỏi chiếc áo của Misha, nhưng thay vào đó, ông được trao một cuốn hộ chiếu với “quốc tịch Do Thái.” Trong giai đoạn từ sau khi chiến tranh kết thúc đến trước cái chết của Stalin vào năm 1953, chủ nghĩa bài Do Thái hiện lên rất rõ ràng: các bác sĩ người Do Thái bị buộc tội mưu toan ám sát Stalin; sau một phiên xét xử vào năm 1952, vị lãnh đạo Liên Xô đã hành quyết 13 người Do Thái trong ủy ban chống phát xít; và người ta đồn rằng ông ta đang sắp sửa tiến hành các cuộc trục xuất hàng loạt. Những năm hậu Stalin, chủ nghĩa bài Do Thái không hề lắng xuống. Người Do Thái vẫn luôn bị vu oan giá họa, bị liệt vào danh sách đen bởi các trường đại học danh tiếng, và phải đối mặt với bao khó khăn nơi làm việc.

Bị đẩy ra ngoài lề xã hội bởi các chính sách của nhà nước Xô viết, một phong trào văn hóa đối kháng của người Do Thái đã nổi lên như một lẽ dĩ nhiên. Giữa năm 1970 và những năm sau khi Liên Xô sụp đổ, gần 1,89 triệu người Do Thái đã chạy trốn khỏi Nga như một hậu quả của sự lan rộng chủ nghĩa bài Do Thái. Nhiều người không được chấp nhận thị thực xuất cảnh và buộc phải ở lại sống nhiều năm trong tình trạng “bị chối bỏ.” Cùng với đó, người Do Thái còn thường xuyên bị tước mất công việc và đối mặt với nhiều sự giám sát và sách nhiễu khác.

Liên Xô hậu chiến tranh, tuy thế, đầy rẫy những mâu thuẫn khiến người Do Thái gặp khó khăn để tìm được chỗ đứng cho mình và chấp nhận bị đối xử bất công. Một số giáo đường Do Thái vẫn được phép mở cửa (dù dưới sự giám sát của Ủy ban An ninh Quốc gia) và các giấy tờ bằng tiếng Yiddish3 vẫn có thể được mua bán hợp pháp. Dẫu tiếng Hebrew4 về cơ bản bị cấm, đôi khi sách viết bằng ngôn ngữ này vẫn có thể được tìm thấy bằng những cách hợp pháp. Những mâu thuẫn này đã gây nhiều phẫn nộ. Người Do Thái bị phân biệt đối xử, trong khi tuyên ngôn chính thức thì nói rằng tất cả mọi người dưới bầu trời Liên Xô đều bình đẳng, điều này đồng nghĩa với việc không có sự phân biệt nào cả. Sự bất hòa nhận thức trên diện rộng này được phản ánh trong cách những người tôi phỏng vấn dựng nên những câu chuyện và nhớ lại quá khứ của họ.

Tại thời điểm nào thì ký ức, vốn chịu sự tác động của thời gian và bản thân chúng ta, thay thế những luận giải ban đầu của ta về một sự kiện trong quá khứ?

Khi trò chuyện với những người Do Thái bất đồng chính kiến trước kia hiện còn ở lại Nga, những người Nga gốc Do Thái di cư đến New York, và một luật sư người Mỹ gốc Do Thái tích cực tham gia đấu tranh “giải phóng người Liên Xô gốc Do Thái,” tôi kinh ngạc trước những mâu thuẫn trong lời kể của họ, những chuyển biến trong ký ức, và cách mà những lời kể của họ có vẻ làm tròn vai; dù là trong việc xác quyết những lựa chọn trong quá khứ, khẳng định vị trí hiện tại, hay tìm cách để thích ứng với những vết thương chưa lành và quá khứ gia đình đầy đau thương. Những câu chuyện tôi được nghe kể đều rất lộn xộn, mập mờ, đôi khi tự mâu thuẫn, và có thể là bất cứ thứ gì ngoại trừ một câu chuyện phiến diện. Tôi đang tham dự vào quá trình tạo dựng những huyền thoại, và thông qua mỗi người kể, tôi lại quan sát được cách từng người dựng lên một bản tự thuật và vật lộn với quá khứ của mình như thế nào. Làm sao một người có thể tách quá khứ của riêng anh ta ra khỏi câu chuyện tập thể, và khi nào thì lằn ranh giữa hai thứ đó bị xóa mờ?

Ảnh: Pixabay.

Việc thu thập các tư liệu lịch sử truyền khẩu 25 năm sau ngày sụp đổ của Liên Xô, không còn nghi ngờ gì, đã mở ra cơ hội để chúng ta mường tượng lại quá khứ. Trong khi chuyển biến này rất rõ ràng ở một vài trường hợp, vì tôi có thể so sánh cuộc phỏng vấn của mình với những tập hồi ký và ghi chép của người được phỏng vấn từ cách đây hàng thập kỷ, ở nhiều trường hợp khác, tôi không tìm được bằng chứng nào về con người thời trẻ của họ để có thể đối chiếu; và thế là chỉ còn cách dựa vào những câu chuyện khác nhau được bạn bè của họ thuật lại mà thôi. Vậy thì điều gì giải thích cho những khác biệt này? Tại thời điểm nào thì ký ức, vốn chịu sự tác động của thời gian và bản thân chúng ta, thay thế những luận giải ban đầu của ta về một sự kiện trong quá khứ? Những nhận thức sơ khởi của chúng ta có thể nào là khách quan hay không? Những người trải qua gần như cùng các sự kiện liệu có thể cảm nhận về chúng theo những cách hoàn toàn khác nhau hay không?

Tất nhiên, bất cứ cặp nhân chứng nào cũng sẽ thuật lại cùng một sự việc theo hai cách khác nhau, nhưng nếu như chúng khác biệt một trời một vực thì sao? Trong khi điều này làm dấy lên câu hỏi về độ tin cậy của lịch sử truyền khẩu trong việc xác minh sự thật, thì sự thật lịch sử trong trường hợp này không phải là vấn đề cần bàn đến. Không thể phủ nhận và chối cãi rằng người Do Thái đã phải đối mặt với chủ nghĩa bài Do Thái và sự bạc đãi, vậy nên những lời trần thuật của họ, thay vì đóng góp vào sự thật, đã mang đến cái nhìn thấu đáo về cách mà lịch sử truyền khẩu giúp người kể có được cơ hội tạo nên một câu chuyện quá khứ hữu ích với cá nhân.


Tôi thực hiện cuộc phỏng vấn với Misha và cháu trai tại nhà riêng của ông ở Brooklyn, trong khi con trai ông lặng lẽ quan sát từ chiếc đi văng. Ông sinh ra ở Ukraine và di cư từ Odessa đến Mỹ vào cuối những năm 1970. Khi kể lại câu chuyện, Misha nhớ rõ ràng từng chi tiết cuộc đời mình lúc ở trại tập trung, cũng như cảm giác sợ hãi của ông. Nhưng hình ảnh khuôn mặt đẫm máu và méo mó của người chị gái thì sẽ khắc sâu vào tâm trí ông mãi mãi, và đè lên bất cứ hồi ức nào khác từng tồn tại về chị. Nếu ký ức về người chị gái rõ ràng hơn, có lẽ ông đã chẳng thể nào tiếp tục sống nổi. Mặc dù Misha sẵn lòng nói về quá khứ, vẫn có những lúc ông nghe rất xa cách. Trước khi kể về cái chết của chị, ông nói chuyện dông dài về những thứ tầm phào như mấy chương trình truyền hình Nga. Mãi sau ông dường như mới nhớ ra và nhắc đến chị mình. Khi hồi tưởng lại giây phút hành quyết, ông dùng những từ ngữ như “sau khi bọn chúng [quân Đức Quốc xã] bắn cô bé,” rồi sửa lại và nói “chị gái tôi,” cứ như thể vết sẹo sẽ bớt hằn sâu hơn nếu chị không có quan hệ gần gũi với ông đến vậy.

Yelena, di cư đến Mỹ từ Moscow vào năm 1979, bắt đầu buổi trò chuyện bằng việc nhớ lại cuộc sơ tán của mình, khi ấy hãy còn là một cô gái trẻ, khỏi thành phố Kharkov của Ukraine trong đêm trước Thế chiến II. Bố cô, một sĩ quan trong quân đội Liên Xô, đã đưa cả gia đình rời khỏi Ukraine đến Nga, khi đạn bom đang trút xuống quanh họ. Ông bà cô từ chối rời đi và bị bắn chết. Nhưng khi được hỏi về việc chủ nghĩa bài Do Thái đã ảnh hưởng đến cuộc đời cô như thế nào, Yelena trả lời rằng cô chưa bao giờ thực sự cảm nhận rõ về điều này, có lẽ “bởi vì tôi trông không giống người Do Thái.” Cô hài hước kể lại một số tình huống cụ thể ở Nga khi người ta hỏi cô mang quốc tịch gì, chỉ để nhận xét rằng bộ dạng cô không giống người Do Thái. Sau đó, có vẻ không ý thức được sự mâu thuẫn ở đây, cô nói về việc mình đã che giấu danh tính mỗi khi có thể như thế nào. Trải nghiệm hòa nhập vào xã hội trong vai một người không phải người Do Thái, và tầm quan trọng của việc đó, phản ánh mức độ nhận thức của cô về chất Do Thái trong mình và những hiểm họa đi kèm với nó. Có một sự tách biệt giữa một trong những sự kiện đã làm nên con người cô – được sơ tán khỏi Kharkov với tư cách một người Do Thái – với lời tuyên bố của cô rằng chủ nghĩa bài Do Thái đã không ảnh hưởng đến mình. Suốt cuộc phỏng vấn, cô nhắc đi nhắc lại: “Cô cứ hỏi tôi về chủ nghĩa bài Do Thái, nhưng tôi đâu có trải nghiệm gì với nó.” Và có lẽ điều này đúng. Tôi đang áp đặt câu chuyện mà tôi muốn nghe từ cô, và phá hỏng quá trình nghiên cứu của lịch sử truyền khẩu.

Mặc dù mãi mới thừa nhận chủ nghĩa bài Do Thái mà cô phải đối mặt ở Nga, Yelena không ngừng nhớ lại những khó khăn mà cô và chồng đã trải qua trong công việc, và sự thật rằng cô không được tăng lương (thú vị ở chỗ sếp của cô cũng là người Do Thái) bởi vì, theo như cô tâm sự: “Cô biết đấy, chúng tôi là người Do Thái. Chúng tôi không thể gây rắc rối. Tôi sợ. Kẻ thù ở khắp nơi quanh chúng tôi.”

Sự phân biệt đối xử nơi làm việc và nhận thức rằng con gái họ sẽ không được học đại học đã ảnh hưởng đến quyết định rời đi của gia đình. Tại biên giới, nhân viên hải quan lục soát một số hành lý ít ỏi mà họ được phép mang theo. Con gái họ bị đưa đến một phòng tách biệt và bị rà soát. Em bé của một cặp vợ chồng khác cũng “bị lột sạch,” để đảm bảo họ không giấu thứ gì. Cho đến khi họ cuối cùng cũng lên được máy bay, chồng Yelena đã thực sự “sôi máu.” Anh qua đời vài năm sau đó vì “áp lực và cảm giác hổ thẹn của việc rời đi.” Họ đã đi khỏi Ukraine mãi mãi, bỏ lại sau lưng những thành viên trong gia đình. Lúc đó, họ chẳng thể biết được rằng Liên Xô sắp sụp đổ chỉ trong thập kỷ sau đó.

Bằng cách phủ nhận sự hiện hữu của những lựa chọn thay thế tiềm năng, họ đang cản trở quá trình tái đánh giá ký ức, quá khứ, và ngay cả hiện tại.

Misha nhớ mình suýt nữa đã lỡ mất chuyến tàu đưa ông rời khỏi Liên Xô. Ngay khi lên tàu, người ta thông báo ghế của ông đã bị chuyển cho người khác. Nhân viên hải quan đã cố gắng tịch thu vài thứ tư trang ít ỏi của ông. Misha đút lót họ bằng rượu Vodka. Ngay cả tiền mua bánh mì cho con trai ông còn không có.

Một gia đình khác ở Brooklyn, từng sống nhiều năm trong trạng thái “bị chối bỏ” trước khi cuối cùng cũng được phép rời đi, đã nói trong cuộc thảo luận của chúng tôi về nước Nga hiện thời rằng “[hiện tại] không có tương lai nào cho người Do Thái ở Nga.” Đây có vẻ là nỗ lực biện minh cho quyết định di cư của họ. Mặc dù ngày nay cộng đồng người Do Thái ở Nga đang rất phát triển, thời gian với gia đình này đã dừng lại ở thời điểm họ rời đi khi xưa. Bằng cách phủ nhận sự hiện hữu của những lựa chọn thay thế tiềm năng, họ đang cản trở quá trình tái đánh giá của ký ức, quá khứ, và ngay cả hiện tại.

Một mặt, khát khao biện minh cho quyết định rời đi đầy bi kịch có thể cản trở sự tái đánh giá quá khứ, loại trừ sự phân tích và dứt khoát dập tắt những lựa chọn thay thế, mặt khác, nó tái khẳng định ảo tưởng sai lệch về quyền lực đưa ra lựa chọn, và xu hướng hạ thấp chủ nghĩa bài Do Thái cùng những khó khăn liên quan đến việc đưa ra quyết định di cư.


Slava rời Leningrad vào năm 1984. Anh họ anh bị bắt giữ vì có liên quan đến sự kiện “Operation Wedding.” Năm 1970, một nhóm người Do Thái bất đồng chính kiến đã âm mưu cướp một chiếc máy bay trống nhằm thoát khỏi Leningrad đến Israel, để thể hiện nỗi tuyệt vọng và sự phản đối những đối xử phi nhân đạo mà họ phải chịu đựng. Họ, cũng như bao nhà hoạt động người Do Thái khác, bị bắt giữ và kết án nhẹ thì tù chung thân, nặng thì tử hình. Sự kiện này là một bước ngoặt đối với làn sóng phản kháng và đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Cuối cùng, sau nhiều cuộc đàm phán cùng sự can thiệp của Mỹ, án tù được giảm.

Điều này có nghĩa anh họ Slava đã tham gia vào khoảnh khắc có thể nói là quan trọng nhất trong lịch sử Liên Xô – Do Thái. Nhưng khi nói về sự kiện này, Slava tỏ ra thiếu nghiêm túc. “[Anh họ tôi] xuất thân trong một gia đình giàu có ở Leningrad… Anh ấy đã có một cuộc đời vĩ đại… Anh ấy không phải một người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, anh chỉ gặp một cô gái và bị cô ta thuyết phục gia nhập làn sóng đó mà thôi.” Khi tôi gặng hỏi sâu xa hơn về án tù khủng khiếp mà những người lấy trộm máy bay và các nhà hoạt động phải gánh chịu, anh mau chóng đáp lại: “Không, không, không có án tử nào cả… Anh ấy chỉ lãnh án tù có bảy năm thôi. Anh ngồi không trong tù hết quãng thời gian đó, đến Israel, và chỉ có vậy.”

Khi tôi hỏi Slava về quyết định rời đi của riêng mình, anh nói rằng anh chưa bao giờ đối mặt với bất cứ chủ nghĩa bài Do Thái nào cả, và lý do duy nhất anh rời đi là bởi vì chị gái cũng làm thế, lảng tránh thực tế rằng anh đã bị từ chối xuất cảnh trong suốt hai năm. Cứ như thể việc chối bỏ những con quỷ từ quá khứ sẽ giữ chúng cách xa ta vậy – một kiểu ảo vọng dĩ vãng. Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều câu chuyện tôi đã nghe kể từ những người tiên phong của phong trào chống đối vẫn ở lại Nga.

“Khi nào thấy cuốn sách với nhan đề Làn sóng phản đối của người Do Thái tại Liên Xô của cô ra mắt, tôi sẽ viết một bài phê bình chỉ ra rằng không có làn sóng phản đối của người Do Thái nào cả,” Mikhail Chlenov, “tổng thư ký” Hội nghị người Do Thái Á-Âu, đã nói vậy với tôi trong văn phòng của ông ở Moscow. Chlenov từng dẫn dắt nhánh văn hóa (đối lập với nhánh chính trị) của phong trào bất đồng chính kiến của người Do Thái, về cơ bản liên quan đến việc thiết lập cuộc sống hợp pháp của người Do Thái bên trong nhà nước Xô viết (cùng với quyền di cư), nhưng đã khá lâu kể từ khi ông bước ra ánh sáng. Mặc cho chi tiết lịch sử được ghi chép lại cẩn thận này, khi tôi ướm hỏi về quá khứ, ông đáp rằng phong trào của người Do Thái thực chất không phải một phong trào chống đối, và điều duy nhất người ta quan tâm chỉ là việc rời đi mà thôi. Trong văn phòng kế bên, người đồng nghiệp lâu năm Roman Spektor chẳng hề trốn tránh giai đoạn chống đối. Ông tự thuật về mình: “Tôi coi mình như một cựu chiến binh, một phế nhân và tàn dư của đường phố Do Thái… Một cách có ý thức, chúng tôi ủng hộ luận điểm cho rằng có hai mục tiêu chính. Một là làn sóng phục quốc Do Thái trong nước ủng hộ sự hồi hương, hai là sự xây dựng đời sống văn hóa – xã hội của người Do Thái [nội trong Liên Xô].”

Những người Mỹ gốc Do Thái phóng chiếu nỗi sợ của mình lên Liên Xô. Đó là cơ hội để họ tái dựng quá khứ, nhưng lần này quyền kiểm soát nằm trong tay họ.

Khi tôi hỏi Chlenov về chủ nghĩa bài Do Thái và các tổ chức yêu nước nổi lên trong suốt giai đoạn perestroika5 (cải tổ chính trị), ông vẫy tay và trả lời:

“Dĩ nhiên, không khí hoảng loạn là có thật, nhưng nó không thực sự khớp với thực tế lúc đó. Tôi nhớ mình đã ở Mỹ vào đầu những năm 1990, và cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái khi đó thực sự điên loạn. ‘Những cuộc diệt chủng!’ Tôi nhớ mình đã ở đâu đó, nơi có những người phụ nữ lớn tuổi duyên dáng đang nghiêm túc thảo luận về việc người ta sẽ phải gửi trực thăng đến Quảng trường Đỏ khi những cuộc thảm sát bắt đầu diễn ra ở Moscow. Người Do Thái sẽ ở đó, bị vây quanh bởi những kẻ diệt chủng. Những chiếc trực thăng thả thang dây xuống và người Do Thái sẽ leo lên. Và khi tôi nói với họ rằng sẽ chẳng xảy ra cuộc diệt chủng nào cả, họ nhìn tôi như một kẻ phản bội những lợi ích quốc gia. Bầu không khí điên loạn ở Mỹ còn tệ hơn ở Nga… Với tư cách một nhà nhân chủng học, tôi lý giải tất cả những câu chuyện về các tổ chức yêu nước này và nhiều điều khủng khiếp khác như một yếu tố thuộc về văn hóa dân gian, chứ không phải thực tế.”

Leonid Kolton, một người bất đồng chính kiến khác, đã hồi tưởng về giai đoạn đó theo một cách hoàn toàn khác:

“Tôi thậm chí nhớ rằng có một hôm mọi người thông báo: ‘Ngày hôm nay diệt chủng sẽ xảy ra.’ Vậy là ai nấy đều ngồi yên trong nhà. Họ biết điều đó có nghĩa là gì.”

Vậy điều gì lý giải cho những đoạn ký ức bất đồng về quá khứ giữa mọi người với nhau và thậm chí với chính bản thân họ? Những câu trả lời của Chlenov khác xa với danh tính trước đây của mình. Có lẽ ông đang kể lại một câu chuyện được thôi thúc không chỉ bởi địa vị hiện tại của mình, mà còn bởi hiểu biết về những gì đã xảy ra sau sự sụp đổ của Liên Xô, và sự thật là ít nhiều gì mọi chuyện cũng đã trở nên tốt hơn với những người Do Thái ở lại. Tuy nhiên, Chlenov đã nhắc tới một điểm thích hợp. Nỗi hoảng sợ hiện hữu rõ ràng ở Mỹ, theo nhiều cách bởi ký ức tập thể in dấu trong tâm trí những người Mỹ gốc Do Thái trong vụ thảm sát Holocaust và chủ nghĩa bài Do Thái ở Đế quốc Nga. Họ phóng chiếu nỗi sợ của mình lên Liên Xô, loại bỏ những sắc thái của hoàn cảnh. Đó là cơ hội để họ tái hiện quá khứ, nhưng lần này họ kiểm soát được tình hình và ngăn chặn không để điều đã xảy ra với người thân của họ lặp lại. Chlenov bị coi như một “kẻ phản bội” vì đã không nói những điều họ muốn nghe.

Một luật sư sống tại Los Angeles, người từng chủ động tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng người Liên Xô gốc Do Thái, đã khóc nức nở suốt buổi phỏng vấn bởi “đó có thể là tôi… nếu gia đình tôi không rời khỏi Ukraine.” Tôi có thể hiểu được cho anh, bởi xét trên nhiều phương diện, nghiên cứu của tôi cũng là nỗ lực khẳng định câu chuyện tôi đã dựng nên và đã muốn thấy. Ban đầu, tôi quan sát Liên Xô qua lăng kính của lịch sử gia đình mình và hồi ức của người Do Thái, nhiều hơn là qua bối cảnh Liên Xô. Bất cứ thứ gì cản trở điều tôi muốn nghe đều làm tôi khó chịu. Tôi đang tự cho phép bản thân trở thành một người giám tuyển ký ức, nhưng cả tôi và những người tôi phỏng vấn đều gắng sức khai thác ký ức qua những câu chuyện lịch sử truyền khẩu theo những cách mà chúng tôi muốn hay cần để nhìn nhận về bản thân.


25 năm sau sự sụp đổ của Liên Xô, có một phép lưỡng phân tồn tại giữa những người thêu dệt nên ký ức để làm vơi đi nỗi đau quá khứ, và những người đẽo gọt ký ức để khắc sâu và giữ mãi nỗi đau đó. Trong nhiều câu chuyện kể, người ta phủ nhận những dữ kiện khác với ký ức của họ, thậm chí còn phủ nhận cả chính con người họ trong quá khứ. Rõ ràng là sự dựng chuyện và xào nấu lại ký ức vẫn đang diễn ra, nhưng điều đó không làm giảm tính xác tín của cái được nói đến và cảm nhận, cũng không có nghĩa là những người được phỏng vấn cố ý bóp méo lịch sử.

Hầu hết mọi người đều đang làm những gì mà tất cả chúng ta làm mỗi ngày, nhưng ở phạm vi hẹp hơn: khi chúng ta nhớ lại những sự kiện và dựng nên những câu chuyện về quá khứ của mình. Sự khác biệt duy nhất là tôi đã ghi lại những điều phi lý này trên máy quay, cố gắng tìm ra tính nhất quán và sự thật nằm giữa đống chuyện kể lộn xộn và mâu thuẫn mà tôi đang khơi lên. Dù nghĩ mình khách quan trong việc đặt câu hỏi và ghi lại các sự kiện, tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng thu thập tư liệu lịch sử truyền khẩu không hề đơn giản: vẫn có một mức độ chủ quan nhất định trong đó, và bất kể tính khách quan rõ mồn một của máy ghi hình, khả năng thông tin bị bóp méo là rất lớn.

Những câu chuyện bị giới hạn về không gian và thời gian bởi ngày tháng chúng được ghi lại, và nếu thực hiện phỏng vấn vào một thời điểm khác, có lẽ tôi đã khơi gợi lên những ký ức và câu trả lời khác. Người kể chuyện có thể đang tự vẽ nên ký ức cho riêng mình, nhưng người nghe, không dừng lại ở việc nghe, cũng tạo ra ký ức và nhận thức mà có thể khác với những gì người nói thực sự truyền tải. Khi viết bài luận này, tôi thấy mình nhớ sai và nhầm lẫn giữa những câu chuyện được nghe kể, bởi đã sẵn có một ký ức và ấn tượng sai lệch về ngôn từ của họ. Dù có quy chuẩn riêng cho những cuộc phỏng vấn được ghi lại, nhưng tôi đã chìm đắm vào lối suy nghĩ ảo vọng giống như những người được phỏng vấn, và nhận ra rằng những suy nghĩ ảo vọng không chừa một ai, cả người kể lẫn người nghe.

Ký ức không ngưng đọng mà luôn luôn thay đổi và liên tục được định hình bởi thực tại và những câu chuyện chúng ta tự kể cho chính mình.

Sự thiêng liêng của ký ức, và điều cấm kỵ được gán cho việc kiểm chứng nó, có thể gạt đi sự phân tích, qua đó khước từ tiếng nói của những người như Slava, Chlenov hay Yelena, những người có đầy lý lẽ muốn nói, song điều ấy hoặc không thuận theo một khuôn mẫu chuyện kể hoặc gợi nhắc một điều mà chúng ta có thể không muốn nghe. Nó cũng khiến cho việc bắt lỗi lời kể của cùng những người đó trở nên chẳng mấy dễ chịu. Trong khi sự thật là điều không thể bàn cãi, những diễn giải và trải nghiệm của chúng ta không bao giờ thống nhất, và sự mâu thuẫn giữa những câu chuyện giúp ta hiểu tường tận hơn những xung đột nội tại sâu sắc mà mỗi người đã và vẫn tiếp tục phải đối mặt.

Ký ức, về mặt bản chất, không bao giờ được hình thành trọn vẹn. Gìn giữ ký ức là quan trọng, nhưng thể loại lịch sử truyền khẩu không giúp người kể và những phát ngôn của họ miễn khỏi những nghi vấn. Ký ức không ngưng đọng mà luôn luôn thay đổi và liên tục được định hình bởi thực tại và những câu chuyện chúng ta tự kể cho chính mình. Ký ức có thể sai, cũng giống như nhận thức, diễn giải và kết luận của chúng ta về các sự kiện. Thật bất thường nếu chúng ta không thắc mắc hay phản ứng lại những câu chuyện được nghe. Để mặc ký ức không kiểm chứng, và thừa nhận nó là lịch sử thiêng liêng hay bất khả xâm phạm, chính là một sự đối xử cực kỳ bất công với bản thân ký ức.


  1. Thảm họa diệt chủng Holocaust (còn được biết đến với tên gọi Shoah) diễn ra vào Thế chiến II và được coi là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, do Đức Quốc xã và bè phái tiến hành, dẫn đến cái chết của 11 triệu người, trong đó có 6 triệu người Do Thái.

  2. Ngôi sao David (còn được gọi là Tấm khiên David) là một biểu tượng cổ có dạng ngôi sao sáu cánh do hai tam giác đều hợp nên, dùng để nhận dạng Do Thái và Do Thái giáo. Bên cạnh đó, người Do Thái tin rằng biểu tượng thiêng liêng này mang đến cho họ sức mạnh và sự che chở khỏi những thế lực đen tối.

  3. Tiếng Yiddish là một phương ngữ của tiếng Đức, bao gồm một số tiếng Do Thái và các từ khác, được nói như một ngôn ngữ địa phương của nhiều người Do Thái.

  4. Tiếng Hebrew, còn được gọi là tiếng Do Thái, là một ngôn ngữ bản địa tại Israel.

  5. Một chính sách thay đổi chính trị và kinh tế, được Liên Xô tiến hành từ năm 1986 đến năm 1991. Sau này, cuộc cải tổ đã dẫn tới khủng hoảng trong mọi mặt cuộc sống xã hội và sự sụp đổ của Liên Xô.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất