Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: David H. Freedman | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Nguyên
02/12/2016
Xã hội Mỹ đang ngày càng lầm lẫn mà cho rằng trí thông minh là một tiêu chí đánh giá giá trị con người.

Chỉ mới gần đây thôi, ở thập niên 50 thế kỉ trước, việc sở hữu một trí thông minh thuộc dạng thường thường không phải là một chướng ngại vật to lớn trên đường đời của bạn. IQ cũng không phải là một yếu tố to tát trong việc chọn bạn đời, nơi ở, hay việc người khác nghĩ gì về bạn. Những năng lực cần thiết cho một công việc tốt, dù là làm việc trong một dây chuyền nhà máy hay ngồi văn phòng, chủ yếu xoay quanh sự chính trực, đạo đức nghề nghiệp, và khả năng thích ứng – các sếp thường không yêu cầu bằng cấp, lại càng không cần đến điểm SAT1. Theo một nhận xét về thời kì đó thì, quyết định tuyển dụng “được dựa trên việc ứng viên đó có sở hữu một hay hai kĩ năng cần thiết hay không, và những yếu tố mềm khác như sự xông xáo, ngoại hình, hoàn cảnh gia đình, và những đặc điểm thể chất.”

Trái ngược với trước đây, những năm sau năm 2010 là khoảng thời gian đầy khó khăn cho những người không thuộc dạng có “đầu óc.” Những người tự coi mình là thông minh thường chế giễu những ai không được như mình. Dù trong thời đại có nhiều quan ngại về vấn đề hiếp đáp kẻ yếu (microaggressions)2 và trù dập (victimization)3, chúng ta vẫn rất thoải mái với việc phê phán những người không thông minh. Có những người thà nhảy xuống vực còn hơn sử dụng những từ ngữ miệt thị chủng tộc, tôn giáo, ngoại hình, hay sự khuyết tật, nhưng lại không có vấn đề gì khi miệt thị sự kém thông minh của người khác: Quả thực, hạ nhục người khác là “ngu si” đã gần như trở thành một phản ứng tự động mỗi khi có tranh cãi.

Đây cũng là một cách thức mua vui phố biến. Giải thưởng có tên Darwin4 nhằm vinh danh những tai nạn mà trong đó nạn nhân, vì những đánh giá và hiểu biết hời hợt cùng với những hạn chế về trí óc được cho là do di truyền, tự chuốc lấy cái chết khủng khiếp. Những chương trình TV buổi tối nếu không phải là về những bài phát biểu đầy thù hằn5 thì thường có ít nhất một trong vô vàn những kiểu đùa cợt bóng gió những kẻ không thông minh (ví dụ như “not the sharpest tool in the shed”; “a few fries short of a Happy Meal”; “dumber than a bag of hammers”)6. Reddit7 thường có hẳn những mục về các cách ưa chuộng để sỉ nhục kẻ ngốc, trang fun-stuff-to-do.com còn dành hẳn một trang riêng về chủ đề này bên cạnh những nội dung về trang trí tiệc và công thức pha chế đồ uống quen thuộc.

Sự chế giễu đầy hả hê này có vẻ cực kì tàn nhẫn nếu xem xét những ngược đãi nghiêm trọng hơn của xã hội hiện đại với những người thua kém về trí tuệ. Một số người hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, theo nghiên cứu National Longitudinal Survey of Youth vào năm 1979 (Tạm dịch: Điều tra quốc gia về sự phát triển dài hạn của giới trẻ), một nghiên cứu tiến hành trong thời gian dài trên toàn nước Mỹ, chỉ số IQ tương quan với khả năng có được một công việc đãi ngộ cao. Những phân tích khác cho rằng mỗi điểm IQ đáng giá cả trăm đô la trong thu nhập hằng năm – một công thức chắc hẳn rất đau thương cho 80 triệu người dân Mĩ có chỉ số IQ thấp hơn 90. Khi những người kém thông minh hơn được xác định qua việc có ít thành quả trong học tập (ở nước Mỹ ngày nay thì nó gần như đồng nghĩa với việc có IQ thấp), sự đối lập ngày càng rõ rệt. Từ năm 1979 đến 2012, khoảng cách thu nhập bình quân giữa một gia đình có hai người đi làm và có bằng đại học so với gia đình cũng có hai người đi làm nhưng chỉ có bằng tốt nghiệp phổ thông đã lên đến 30.000 đô la Mĩ, với giá trị đồng đô-la không đổi. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, so với những người thông minh, những người có trí tuệ kém hơn thường phải đối mặt với các bệnh về thần kinh, béo phì, tim mạch, và chịu những tổn thương não bộ nhiều hơn, và có khả năng ngồi tù nhiều hơn – nơi mà họ thường là nạn nhân của bạo lực hơn những tù nhân khác. Họ cũng thường sẽ chết sớm hơn.

Thay vì tìm cách để cho những người kém thông minh được yên thân, những người thành công và có ảnh hưởng lại có vẻ rất quyết tâm trong việc gây khó dễ cho họ. Lời khuyên mà trang web tuyển dụng Monster dành cho các nhà quản lý đã phản ánh triết lý tuyển dụng hiện nay, đó là bên cạnh những phẩm chất như “chăm chỉ,” “tham vọng,” và “tốt bụng,” thì yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất một ứng viên cần có là “thông minh.” Để đảm bảo họ có thể tìm những ứng viên như thế, ngày càng nhiều công ty đảm nhiệm việc kiểm tra các ứng viên dựa vào một loạt yếu tố như kĩ năng, khả năng đánh giá, và kiến thức. CEB – một trong những công ty lớn nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ đánh giá tuyển dụng, đánh giá hơn 40 triệu ứng viên mỗi năm. Theo CEB, số nhân viên mới tuyển đã qua kiểm tra tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2013. Chắc chắn là rất nhiều trong số những bài kiểm tra này là nhằm thẩm định tính cách và kĩ năng nhiều hơn là trí tuệ. Tuy nhiên, những bài kiểm tra trí tuệ và khả năng nhận thức càng ngày càng phổ biến và phát triển hơn. Thêm vào đó, nhiều nhà tuyển dụng bây giờ cũng yêu cầu điểm SAT từ ứng viên (mối tương quan giữa điểm SAT và chỉ số IQ đã được chứng minh rõ ràng); một số công ty loại thẳng tay những ứng viên không lọt vào top 5% những người có điểm cao nhất. Ngay cả NFL8 cũng đưa ra bài kiểm tra Wonderlic9 cho những ứng viên tiềm năng.

Đúng là một số nghề thực sự cần đến trí tuệ. Nhưng ngay cả khi trí tuệ cao ngày càng được coi là một điều kiện tiên quyết, nhiều bằng chứng cho thấy đó không phải là một lợi thế tuyệt đối như mọi người vẫn nghĩ. Cố giáo sư khoa Kinh Tế trường Đại Học Harvard, Chris Argyris, tranh luận rằng những người thông minh có thể là những nhân viên tồi tệ nhất, một phần là do họ không quen đối mặt với chỉ trích hay thất bại. Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng những kĩ năng giao tiếp và tương tác, sự tự nhận thức, và những phẩm chất về “cảm xúc” khác có thể dự đoán khả năng làm việc chính xác hơn trí thông minh thông thường, và chính College Board cũng chỉ ra rằng họ chưa bao giờ khẳng định rằng điểm SAT sẽ là một tiêu chí tuyển dụng hiệu quả. (Ví dụ như ở NFL, một vài tay ném bóng (quarterback)10 thành công nhất của họ cũng có điểm thấp đến kinh ngạc trong bài kiểm tra Wonderlic, bao gồm cả Terry Bradshaw, Dan Marino, và Jim Kelly.) Hơn nữa, nhiều công việc bắt đầu yêu cầu bằng đại học, từ quản lí cửa hàng cho đến trợ lí điều hành, nhìn chung không khó đến mức những người ít giáo dục hơn không thể đảm nhận được.

Cùng lúc đó, những vị trí không cần bằng cấp thì đang dần biến mất. Danh sách những công việc sản xuất hay dịch vụ đơn giản đang dần được thực hiện bởi robot, dịch vụ trực tuyến, ứng dụng, máy tự động (kiosk), và các loại hình tự động khác thì ngày càng dài thêm. Sẽ có rất nhiều loại hình lao động mà số phận của nhân công làm những việc đó sẽ sớm bị đe dọa: đó là những lái xe chuyên chở người hay hàng hóa để kiếm sống, nhờ ơn của những chiếc xe không người lái (ví dụ như) của Google và những máy bay vận chuyển không người lái đang trong giai đoạn thử nghiệm (ví dụ như) của Amazon, và cả những xe tải không người lái đang được thử nghiệm trên đường; đó cũng là số phận của hầu hết tất cả những người đang làm cho các nhà hàng, nhờ ơn của những con robot có giá cả phải chăng và thân thiện với con người được sản xuất bởi những công ty như Momentum Machines, và nhờ cả những ứng dụng đang ngày càng tăng thêm về số lượng mà có thể giúp bạn đặt bàn, sắp xếp địa điểm, và thanh toán – tất cả đều không cần đến sự giúp đỡ của con người. Theo tính toán, có khoảng 15 triệu người Mĩ đang làm công việc tương tự như công việc ở hai ví dụ trên.

Trong khi đó, sự quan tâm chúng ta dành cho chỉ số IQ ngày càng vượt ra khỏi khuôn khổ nơi làm việc. Sự thông minh và thành quả học tập liên tục thăng hạng trong danh sách những tố chất mong muốn ở bạn đời; các nhà nghiên cứu tại Đại học Iowa cho biết trí thông minh giờ đây còn xếp trên cả những yếu tố như kĩ năng nội trợ, tài chính, ngoại hình, khả năng giao tiếp, và sức khỏe.

Thay vì cố gắng tìm cách để không loại trừ ai khi nói về sự thông minh, sẽ hữu ích hơn nếu công nhận rằng đa số mọi người không có đủ những yếu tố được cho là cần thiết để thành công trong bối cảnh thế giới hiện đại.

Bộ phim hài nổi nhất bây giờ là The Big Bang Theory, kể về một nhóm những nhà khoa học trẻ. Scorpion, kể về một nhóm những thiên-tài-trở-thành-kẻ-chống-khủng-bố, là một trong những show có lượng xem cao nhất của đài CBS. Thám tử thiên tài Sherlock Holmes thì có hẳn hai sê-ri phim truyền hình dài tập và một bộ phim bom tấn với sự góp mặt của nam diễn viên thuộc top những ngôi sao đắt giá nhất Hollywood. Theo Robert Sternberg, giáo sư ngành phát triển con người tại Đại Học Cornell và chuyên gia về đánh giá tố chất của học sinh, thì: “Qua quá trình lịch sử, mỗi xã hội đều chọn cho mình một vài nét tính cách giúp tối ưu sự thành công cho một số người. Chúng ta chọn khả năng học thuật.”

Chúng ta định nghĩa như thế nào về thông minh? Chúng ta đổ bao công sức để phân loại các hình thức khác nhau đến kì diệu của trí thông minh như khả năng giao tiếp, vận động, không gian, vân vân,11 rốt cuộc thì sẽ không có ai là “không thông minh” cả. Nhưng nhiều trong số những kiểu thông minh này không khiến điểm SAT và các loại điểm khác tăng lên, và rất có thể không mang lại một công việc tốt. Thay vì cố gắng tìm cách để không loại trừ ai khi nói về sự thông minh, sẽ hữu ích hơn nếu công nhận rằng đa số mọi người không có đủ những yếu tố12 được cho là cần thiết để thành công trong bối cảnh thế giới hiện đại.

Một vài con số có thể giúp làm rõ bản chất và phạm vi của vấn đề này. College Board13 gợi ý “mức sàn để bước vào đại học” là khoảng 500 điểm cho mỗi phần trong bài thi SAT, dưới mức điểm này học sinh thường ít khi đạt được điểm trung bình từ B- trở lên trong một “chương trình đại học 4 năm” ở một trường hạng trung. (Để so sánh, ở trường Đại Học Ohio State – một trường được ở mức khá và xếp hạng thứ 52 trong số các trường đại học Mỹ theo đánh giá của U.S. News & World Report, tân sinh viên khóa 2014 trung bình đạt được 605 điểm trong phần đọc và 668 trong phần toán của bài thi SAT.)

Có bao nhiêu học sinh trung học có khả năng đạt được mức chuẩn của College Board? Để trả lời câu hỏi này không hề dễ, vì ở hầu hết các bang, phần lớn học sinh không bao giờ dự kì thi đại học (ví dụ như ở California, nhiều nhất là 43% học sinh trung học tham gia thi SAT hoặc ACT14). Để có một cái nhìn toàn cảnh, chúng ta có thể xem xét các bang Delaware, Idaho, Maine, và District of Columbia, những nơi tổ chức thi SAT miễn phí và có tỉ lệ tham gia trên 90%, theo tờ The Washington Post. Năm 2015, ở những bang này, tỉ lệ học sinh đạt trung bình ít nhất 500 ở phần đọc là từ 33% (ở D.C) đến 40% (ở Maine), tương tự đối với phần toán và viết. Cân nhắc việc những số liệu này không bao gồm những người đã bỏ học, chúng ta hoàn toàn có thể nói rằng không quá một phần ba học sinh trung học ở Mĩ là có khả năng đạt mức chuẩn của College Board. Bạn có thể thắc mắc về những thứ tiểu tiết nếu muốn, nhưng không thể chối bỏ kết luận rằng phần lớn người Mỹ không đủ thông minh để đạt được những điều kiện được cho là cần thiết để thành công trong nền kinh tế mới và chú trọng vào trí óc – một trong những điều kiện đó là hoàn thành bốn năm đại học với điểm khá tốt.

Nhiều người được hưởng lợi từ hệ thống hiện hành hào hứng cho rằng mình đang làm việc chăm chỉ để giúp những người kém thông minh trở nên thông minh. Đây là một mục tiêu táo bạo, nhiều thập kỉ nghiên cứu đã cho thấy mục tiêu này có thể đạt được qua hai cách: giảm nghèo triệt để và cho những trẻ em có nguy cơ đạt kết quả kém trong học tập tham gia những chương trình giáo dục tăng cường từ sớm. Mối quan hệ chặt chẽ giữa sự nghèo đói và việc gặp khó khăn trong học tập gần như không thể chối bỏ được. Tuy nhiên, đưa việc giảm nghèo ra như một giải pháp không có nhiều tác dụng, vì nhà nước và xã hội của chúng ta không cân nhắc nghiêm túc về những sáng kiến có khả năng làm giảm số lượng và điều kiện của người nghèo.

Giáo dục từ sớm (early education)15 là điều còn lại chúng ta có thể làm, nếu được thực hiện đúng đắn – vốn là điều khó có thể xảy ra với trẻ em nghèo – có thể vượt qua bất cứ hệ quả gì gây ra bởi sự thiếu hụt về nhận thức hay tinh thần, và những hoàn cảnh môi trường khác trong những năm đầu đời. Những ví dụ nổi tiếng nhất có thể kể đến chương trình Perry Preschool Project ở Ypsilanti, Michigan vào thập niên 60, hay gần đây hơn là chương trình Educare ở Chicago, và nhiều những chương trình thực nghiệm khác. Theo những chương trình này, giáo dục sớm đúng đắn đồng nghĩa với việc giáo dục bắt đầu từ lúc 3 tuổi hoặc sớm hơn, và với giáo viên được đào tạo bài bản theo những yêu cầu đặc biệt của việc giáo dục từ sớm. Những chương trình thực nghiệm chất lượng cao như thế này đã được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ, vài chương trình được nghiên cứu trong nhiều thập kỉ. Và trong khi những kết quả đó chưa chứng minh được liệu học sinh có thể duy trì lâu dài chỉ số IQ đã được tăng cường hay không khi không còn tham gia chương trình giáo dục chất lượng sau giai đoạn mẫu giáo, thì hầu hết các tiêu chí đánh giá liên quan đến IQ lại vẫn tăng đều qua các năm, thậm chí là hàng thập kỉ liền. Những tiêu chí đó bao gồm điểm ở trường, điểm các bài thi đánh giá, mức thu nhập, mức độ vô can với tội phạm, sức khỏe; những con số này thường tỉ lệ thuận với chỉ số IQ. Thật không may, Head Start và các chương trình giáo dục công khác hiếm có thể đạt được chất lượng như thế, lại càng không thể áp dụng trên phạm vi toàn cầu.

Thay vì giáo dục từ sớm, chúng ta đã đón nhận một phương pháp gần gũi hơn trong việc thu hẹp khoảng cách trong trí tuệ. Ví như, chúng ta đầu tư tiền thuế và cả niềm tin vào việc cải cách chương trình giáo dục tiểu học, cấp hai; điều này tiêu tốn 607 tỉ đô mỗi năm từ ngân sách trên cả nước, các bang, các địa phương. Nhưng những nỗ lực này quá ít ỏi và muộn màng: Nếu vấn đề thiếu hụt trong nhận thức và tình cảm liên quan đến việc thể hiện kém ở trường học không được giải quyết ngay từ những ngày đầu, thì những nỗ lực trong tương lai hiếm khi có thể thành công được.

Khi phải đối mặt với những bằng chứng cho thấy cách tiếp cận của chúng ta là không hiệu quả – những học sinh năm cuối trung học có khả năng đọc chỉ tương đương với một người học lớp năm, một thành tích đứng áp chót trong bảng xếp hạng toàn cầu – chúng ta tự an ủi rằng chúng ta đang tiến hành đầu tư vào những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại cực kì thông minh. Chúng ta tìm kiếm một số ít những đứa trẻ nghèo có tài năng và tạo cho chúng những cơ hội giáo dục tuyệt vời, rồi hóa phép bản tin buổi tối thành một câu chuyện hư cấu về một hệ thống công bằng, như thể đa số những người không xuất chúng không xứng đáng được sự quan tâm giống như những “hòn ngọc bị bỏ quên” đó. Báo chí lên án sự thiếu sót trong những khóa học nâng cao (Advanced Placement courses)16 ở những trường không có điều kiện, như thể vấn đề của những người không thông minh là không được học vật lí hay tiếng Quan Thoại vậy.

Chúng ta cần phải dừng việc tán dương sự thông minh và coi xã hội như một sân chơi chỉ dành cho phần thiểu số những người thông minh.

Ngay cả khi chúng ta từ chối việc giảm nghèo hay cung cấp các chương trình giáo dục sớm chất lượng, chúng ta vẫn có thể cân nhắc những cách khác để giải quyết tình cảnh khó khăn của những người bình thường. Một phần trong số tiền đổ vào việc đổi mới giáo dục có thể dùng để tạo nên những trường đào tạo nghề tốt nhất (ngày nay được gọi là đào tạo nghề và kĩ thuật (career and technical education), hay CTE). Bây giờ chỉ có 20 trường trung học công ở Mĩ là trường đào tạo nghề và kĩ thuật toàn thời gian. Và những trường này thì không thể đáp ứng được hết những nhu cầu đang ngày một tăng. Ví dụ như Học viện nghề Prosser ở Chicago – một trường có chương trình CTE rất được tán dương. Mặc dù có đến 2.000 học sinh nộp đơn vào trường hằng năm, chương trình CTE của họ chỉ có chỗ cho dưới 350 học sinh. Nhóm học sinh ứng tuyển này sẽ được sàng lọc qua một cuộc bốc thăm, tuy nhiên điểm số vẫn có vai trò trong việc tuyển chọn. Tệ hơn nữa, nhiều trường CTE ngày càng chú trọng vào các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán. Điều này khiến họ có nguy cơ làm giảm khả năng hỗ trợ những học sinh gặp khó khăn trong việc học, chứ không phải những học sinh muốn chăm chút thêm cho triển vọng đại học và nghề nghiệp vốn đã rất tươi sáng của mình. Sẽ tốt hơn nếu họ vẫn tiếp tục chú trọng vào việc đào tạo những ngành nghề như quản lí lương thực, điều hành văn phòng, công nghệ sức khỏe, và chắc chắn là cả những nghề kinh doanh thông thường – tất cả đều được cập nhật để kết hợp những công cụ máy tính.

Chúng ta cần phải dừng việc tán dương sự thông minh và coi xã hội như một sân chơi chỉ dành cho phần thiểu số những người thông minh. Thay vào đó, chúng ta nên bắt đầu định hình lại nền kinh tế, trường học, thậm chí cả văn hóa dựa trên khả năng, nhu cầu của số đông, và phù hợp cho mọi người với những khả năng khác nhau. Nhà nước có thể tạo động lực cho những công ty từ chối việc tự động hóa, từ đó duy trì được công việc cho những người kém thông minh hơn. Họ cũng nên phản đối những phương thức tuyển dụng cố tình loại bỏ những người có chỉ số IQ thấp hơn. Điều này thậm chí có thể mang lại lợi ích cho chính nhà tuyển dụng: trí tuệ cao có thể mang đến lợi thế cho một ứng viên, nhưng nó không thể bảo đảm liệu anh ta có thể là một nhân viên năng suất và tốt hơn hay không. Trong khi đó, theo các nghiên cứu và những chuyên gia kinh doanh, những người càng ít thông minh thì càng ý thức được những sai sót và thành kiến của mình tốt hơn, ít mặc định về sự dài lâu của những xu hướng hiện tại hơn, và ít nổi nóng, kiêu ngạo hơn.

Khi Michael Young, một nhà xã hội học người Anh phát minh ra cụm từ “chế độ nhân tài” (meritocracy)17 vào năm 1958, đó là thời kỳ của việc chế nhạo những “xã hội đổ nát” (dystopian satire)18. Vào lúc đó, ông ấy tưởng tượng ra một thế giới trong đó trí tuệ có toàn quyền quyết định ai sẽ là người sẽ thành công và ai sẽ là kẻ thất bại – đó là một thế giới tàn khốc, hoang đường, và gượng ép. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta đã gần như xây dựng xong một thể chế như thế, và hết sức ủng hộ lý tưởng về chế độ nhân tài mà không gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí còn được coi như một việc đúng đắn. Đó là một sai lầm. Những người thông minh phải thấy may mắn khi được phát huy tối đa khả năng của họ, chứ không phải được phép định hình xã hội theo hướng coi tài năng bẩm sinh như một yếu tố cơ bản để đánh giá giá trị con người.


  1. SAT (Scholastic Assessment Test) là một kì thi ở Mỹ được tổ chức bởi College Board – một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận – nhằm đánh giá năng lực của học sinh khi xét tuyển vào các trường đại học. Xem thêm các thông tin chi tiết về cấu trúc và cách chấm điểm bài thi SAT tại đây.

  2. Microaggression chỉ sự công kích bằng lời nói hay hành động thường xuyên xảy ra nhằm vào những nhóm người yếu thế trong xã hội, ví dụ như người nghèo, người khuyết tật,… Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông qua trang web chia sẻ nhưng câu chuyện của những nạn nhân của microaggression tại đây.

  3. Victimization dùng để chỉ việc một ai đó bị trở thành nạn nhân của một hành động, sự kiện, hay quá trình nào đó. Cụm từ này có thể hiểu là việc một hoặc một nhóm người bị nhắm đến, trở thành nạn nhân của những cách đối xử hoặc sự trừng phạt bất công.

  4. Darwin Awards là giải thưởng “vinh danh” những người có cái chết ngớ ngẩn. Giải thưởng lấy tên Darwin vì dựa trên thuyết tiến hóa chọn lọc của ông – loại bỏ gen xấu, duy trì gen tốt. Những người được “vinh danh” cho giải thưởng này được cho là đã “cống hiến” cho sự tiến hóa bằng cách tự loại bỏ gen của mình ra khỏi bộ gen của loài người. Thông tin chi tiết về Darwin Awards có thể được xem thêm tại đây.

  5. Nguyên gốc: “Hate speech,” chỉ những phát biểu công kích người khác dựa trên yếu tố giới tính, nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, khuyết tật hoặc xu hướng tình dục.

  6. Những câu nói ám chỉ việc ai đó không được thông minh, sáng dạ.

  7. Reddit là một trang web có hình thức như một diễn đàn, nơi các thành viên có thể đóng góp nội dung. Các bài đăng sẽ được sắp xếp theo thứ tự dựa trên lượng phản hổi của các thành viên khác.

  8. National Football League (NFL) Liên đoàn bóng bầu dục chuyên nghiệp Mỹ.

  9. Wonderlic Cognitive Ability Test (Tạm dịch: bài kiểm tra đánh giá năng lực nhận thức Wonderlic) là bài thi kiểm tra trí thông minh phục vụ cho việc học tập, giải quyết vấn đề, thường được dùng để tìm ra những nhân viên tiềm năng. Bài kiểm tra bao gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm thực hiện trong vòng 12 phút. Điểm được tính bằng số đáp án đúng, 20 là mức điểm chỉ mức độ trung bình (tương đương với 100 điểm IQ).

  10. Quarterback là vị trí ném bóng ở hàng công trong một đội bóng bầu dục. Đây là một vị trí rất quan trọng. Vị trí này không chỉ có những đòi hỏi về mặt thể chất , kĩ thuật mà còn yêu cầu những kĩ năng khác như khả năng lãnh đạo, tầm nhìn, sự thông minh.

  11. Ở đây đang nói đến thuyết đa thông minh (Multiple Intelligences) của Howard Gardner. Ông chia trí thông minh thành 8 loại: (1) Trí thông minh logic-toán học (Logical-mathematical), (2) Trí thông minh thị giác-không gian (Visual-spatial), (3) Trí thông minh vận động (Bodily-kinesthetic), (4) Trí thông minh giao tiếp và tương tác (Interpersonal), (5) Trí thông minh nội tâm (Intrapersonal), (6) Trí thông minh ngôn ngữ (Verbal-linguistic), (7) Trí thông minh âm nhạc (Musical-rhythmic and harmonic), và (8) Trí thông minh về lĩnh vực tự nhiên (Naturalistic).

  12. Nguyên gốc: “…possess enough of the version that’s required to thrive in today’s world,” có thể hiểu ý của từ “version” ở đây đang nói đến những kiểu thông minh được liệt kê ở trên, và xã hội chỉ coi trọng một số kiểu thông minh nhất định và không phải ai cũng có ưu thế về những kiểu thông minh đó đủ để thành công.

  13. College Board là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Đây cũng là tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi SAT.

  14. American College Testing (ACT) là một kì thi tương tự như SAT. Bài thi ACT bao gồm 4 phần: English, Math, Reading, Science Reasoning, và Essay (là phần không bắt buộc).

  15. Chương trình giáo dục cho trẻ em dưới 8 tuổi. Ví dụ như các chương trình giáo dục mần non, mẫu giáo,…

  16. Đây là những lớp học dành cho học sinh phổ thông nhưng có nội dung tương đương với chương trình ở bậc đại học. Điểm cao trong những môn học này có thể là một lợi thế cho học sinh trong quá trình xét tuyển vào đại học ở Mỹ.

  17. Tư tưởng chính trị cho rằng quyền lực và vị trị trong xã hội của một cá nhân nên được quyết định dựa trên khả năng, trí tuệ của người đó; những người nắm giữ quyền lực trong xã hội phải là những người có trí tuệ và khả năng.

  18. Từ “dystopia” dùng để mô tả một xã hội đối ngược với khái niệm utopia – một xã hội lý tưởng, nơi thế giới bình đẳng, không có tội ác, nghèo đói; dystopia là nơi những giá trị được tôn thờ ở utopia trở nên mục rữa, bị hủy hoại. Dystopia cũng chỉ một thể loại văn học hư cấu mà trung tâm là những xã hội xuống cấp như vậy. Một số tác phẩm tiêu biểu của thể loại này là 1984, Animal Farm (George Orwell), và Brave New World (Aldous Huxley).

4 thoughts on “Cuộc chiến chống lại những kẻ ngốc

  1. Điều mà thế giới này cần có để duy trì sự tồn tại là tình yêu thương. Không có trái tim thì kẻ thông minh dù có làm được gì thì những điều đó cũng vô nghĩa. Kẻ ngốc mà có trái tim thì cũng dần dần cải thiện được trí não thôi. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài mà.

  2. Tôi nghĩ rằng Trí Tuệ không thể được kiểm chứng chỉ bằng bài thi hoặc bảng trắc nghiệm IQ được! Thế giới này đa dạng hơn là kết quả một bài trắc nghiệm. Theo tôi hiểu thì Trí Tuệ mà người trong bài viết nói đến như là :” Một khả năng trí óc cho phép người sở hữu nó làm một việc gì đó, mà xã hội cần đến, có năng suất vượt trội hơn người khác!”. Nhưng khả năng trí óc này còn phụ thuộc vào xã hội có cần nó hay không, Steven Hawking là một nhà vật lý thiên tài, rất cần thiết cho xã hội chúng ta hiện nay, nhưng nếu tại thời Trung Cổ thì chắc ông sẽ chỉ là một người tàn tật đáng thương, vì xã hội đó không cần một nhà vật lý. Thêm nữa, cơ hội của chúng ta là không đều nhau (một gia đình tốt, một xã hội ổn định,…) sẽ tạo thêm năng lượng để ta phát huy khả năng trí óc. Tôi không nghi ngờ gì về việc có rất nhiều người ở Somali, Tây Phi, nếu xét về khả năng trí óc bẩm sinh họ đều hơn tôi, và xứng đáng nhận được cơ hội giáo dục hơn tôi, nhưng…họ không thể! Nhưng ta không thể phủ nhận rằng, về mặt đoàn thể xã hội, chúng ta phải có người đứng đầu lãnh đạo (dù ta có muốn hay không thì con người vẫn là sinh vật bầy đàn), vậy chúng ta muốn người đó sẽ là thông minh hay ngu ngốc? “Mọi người đều bình đẳng và xét về khả năng thì chúng ta xếp ngang nhau, không ai phải đứng sau ai”- đó là một ước mơ rất đẹp nhưng không thực tế!

    1. Bạn nói rất đúng ạ. Mỗi người cần nhìn vào thực tế để biết mình đang ở đâu, mình có những ưu nhược điểm gì, xác định những điều xã hội hiện tại cần và từ đó xây dựng cho mình những mục tiêu, lý tưởng nhất định trong một giai đoạn nhất định.

    2. Chúng ta nên nhận thức rằng mỗi người đều đặc biệt theo cách riêng, thông minh hay ngu ngốc đều có hai mặt, người thông minh cần biết khiêm nhường và bao dung, người kém may mắn hơn thì cố gắng phấn đấu. Chúng ta đều phải sống trọn đời người, cũng như đời cây cỏ mọi thứ đều sinh ra và trở về với cát bụi, nên hãy cố gắng sống sao cho không hối tiếc các bạn nhé! Thế giới này cần tình thương để duy trì sự sống, chứ không phải là những bộ não thông minh mà thiếu vắng trái tim.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất