Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Derek Thompson | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Phúc Trần | Hiệu đính:  Nguyên
07/09/2017

Mùa đông năm ngoái, William MacAskill và vợ anh, Amanda, chuyển đến một căn hộ ở Union Square, New York nơi tôi đang sống chung với vài người bạn. Ban đầu, tôi không biết gì về Will trừ vài thứ lượm lặt được từ những lần gặp thoáng qua, như mái tóc vàng bờm xờm và bộ râu lởm chởm. Anh ta cực kỳ lịch sự và đậm chất Scotland, luôn láy âm “R” sao cho khi phát âm một số từ, như crook hoặc cái tên Brooke, phụ âm thứ hai sẽ rung lên rõ ràng như một động cơ nhỏ.

Tôi sớm phát hiện ra rằng MacAskill đã học triết học ở Cambridge và Oxford, và là người đại diện của một phong trào đang nổi lên là chủ nghĩa vị tha hiệu quả (effective altruism), hay còn được gọi là “sự hào phóng của những kẻ mọt sách” (generosity for nerds). Chủ nghĩa vị tha hiệu quả tìm cách tối đa hóa lợi ích từ những khoản quyên góp từ thiện, và thậm chí là từ sự nghiệp của một người. Nó kết hợp sự hào phóng với toán học, hoặc, như anh ta (MacAskill) đã từng mô tả cho tôi một cách đáng nhớ, “đưa khoa học vào cái công việc đầy tính cảm xúc là làm điều tốt cho thế giới.”

Cho đến lúc đó, tôi thường cho rằng sự quan tâm của mình đối với hoạt động từ thiện là ở khoảng mức trung bình. Tôi chắc chắn đã không nghĩ nhiều về những khoản quyên góp của mình rất lâu trước khi gặp MacAskill. Tôi từng tình nguyện tham gia các chương trình giáo dục âm nhạc vì tôi thích âm nhạc, nhưng điều này không giống như sự vị tha, mà chỉ là cách thể hiện bản sắc cá nhân của tôi, cũng như chọn quần áo vậy.

Vào một buổi tối trong bữa tiệc tại nhà, MacAskill và tôi chui vào góc bếp cùng vài lon bia để thảo luận về những quan điểm mà anh đang viết thành một quyển sách có tên Doing Good Better (tạm dịch: Làm việc tốt tốt hơn) (phát hành ngày 28 tháng 7). Anh viện dẫn một trong những thí nghiệm tư duy của mình: “Hãy tưởng tượng anh là một sinh viên 22 tuổi chín chắn, vừa tốt nghiệp đại học và muốn tạo ra một sự khác biệt lớn lao trên thế giới. Phần đông những người như vậy cố gắng tìm một công việc với Oxfam1, Quỹ Gates2, hoặc bất kỳ tổ chức từ thiện xuất sắc nào khác. Việc này cũng tốt thôi. Nhưng nếu anh không nhận được công việc đó tại Oxfam, ai đó cũng thông minh và hào phóng như anh sẽ nhận được nó. Anh có thể không tốt hơn nhiều so với “người kế tiếp” đó. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng anh chuyển sang làm làm việc ở Phố Wall…

Phố Wall ư? Có lẽ tôi đã ngắt lời anh lúc đó.

Đúng vậy, hãy tưởng tượng anh làm việc trong ngành ngân hàng đầu tư. Anh kiếm được 100.000 đô la và dùng một nửa để làm từ thiện. “Người kế tiếp” sẽ không làm như vậy, vì vậy anh đã tạo ra 50.000 USD từ thiện mà lẽ ra đã không tồn tại. Hơn nữa, số tiền đóng góp của anh có thể trả lương cho một hoặc hai nhân viên tại Oxfam – hoặc bất kỳ một mục đích hiệu quả nào mà anh chọn để quyên góp.

“Tại sao tôi lại làm việc đó? Có lẽ hành động quyên góp này cũng giống như lời cầu nguyện của người theo thuyết bất khả tri, nhỡ đâu những đấng siêu nhiên lại lắng nghe lòng vị tha.”

Câu chuyện này nhấn mạnh một nguyên tắc vị tha – hiệu quả là “kiếm để cho đi,” hơi giống thuế thập phân (tithing)3 loại mạnh. Nguyên tắc kiếm tiền để cho đi lập luận rằng bạn nên tối đa hóa thu nhập và dùng phần lớn số tiền đó để làm từ thiện. Điều cuốn hút tôi ở câu chuyện không phải là lời khuyên cụ thể đó (tôi vẫn chưa hề gửi hồ sơ của mình cho Phố Wall) mà là cách tiếp cận triết học đối với việc theo đuổi những điều tốt đẹp trên thế giới – nó rất phản trực giác, nhưng cũng rất hợp lý và hợp đạo đức một cách sâu sắc. Nó giống như xác định được thể chai (corpus callosum)4 bí mật kết nối mong muốn trở thành người tốt của não phải với khả năng suy nghĩ về việc thiện một cách bình thản của não trái.

I. Một lý do để cho đi

Will MacAskill cung cấp những câu trả lời hấp dẫn vào thời điểm tôi đang cần tìm những phương pháp mới để hiểu được sự hỗn loạn của cuộc sống. Sáu tháng trước khi tôi gặp Will, mẹ tôi đã mất vì ung thư tuyến tụy. Vài tháng sau khi tôi gặp Will, cha tôi phải nhập viện ở bệnh viện của trường đại học Georgetown và được xác định là mắc một loại ung thư khác, rất hiếm gặp, và đã bọc quanh đốt sống lưng dưới của ông như cây thưởng xuân. Ban đầu khi ông nhập viện vì đau lưng, bác sĩ phẫu thuật đã dự đoán là chỉ cần một cuộc giải phẫu đơn giản. Sau khi cha tôi suýt chết vì xuất huyết trên bàn mổ sau đợt phẫu thuật đầu tiên, các bác sĩ nhận ra rằng ông đang phải đối mặt với một khối u ác tính lớn.

Trong suốt vài tuần của mùa hè năm ngoái, tôi đã túc trực hàng ngày trong phòng chờ của khoa tổn thương cột sống của bệnh viện. Mỗi phòng chờ bệnh viện là một luyện ngục5 vô trùng (antiseptic purgatory) – nơi chương trình “Family Feud”6 diễn ra bất tận – và trong cảm giác déjà vu7 siêu thực về khả năng mất thêm một người thân vì bệnh ung thư chỉ trong vòng một năm, tôi đã suy nghĩ về rất nhiều thứ, như vận may, tôn giáo, và lòng tốt. Mẹ tôi qua đời vào tuổi 63, còn cha tôi vẫn đang ở những năm 60 của ông. Đằng sau nỗi đau, một cảm giác đang dần thành hình và rõ ràng hơn trong tôi: nỗi ghê tởm với viễn cảnh “được” thừa hưởng lương hưu của cha mẹ. Một vài thứ khác cũng trở nên rõ ràng. Tôi tự hứa với mình nếu viễn cảnh tồi tệ đó xảy ra, tôi sẽ liên lạc với Will và nhờ anh ta giúp tôi cho đi số tiền – và không phải là ở bất kỳ đâu, mà phải phục vụ cho mục tiêu cải thiện cuộc sống của những người khác càng nhiều càng tốt.

“Lần tới trước khi bạn bỏ đồng đô-la tiếp theo vào hộp, hãy suy nghĩ xem điều tốt lớn nhất mà nó có thể tạo ra là gì.” Nguồn ảnh: Pexels.

Bệnh ung thư của cha tôi đã may mắn thuyên giảm, và ông đang dần hồi phục. Nhưng sự thôi thúc muốn cho đi một số tiền có ý nghĩa đã không rời bỏ tôi. Tôi không thể nói chắc chắn tại sao tôi lại đeo đuổi ý định này nhiều đến vậy. Có thể tôi cảm thấy xấu hổ khi đã gần như sắp sửa thực hiện một hành động rõ ràng là tốt, nhưng lại ngừng lại vì sự phục hồi của cha tôi; cảm giác biết ơn có vẻ là một lý do tồi để trì hoãn một hành động hào phóng. Có lẽ tôi muốn thêm một mảnh của cuộc sống vào cán cân vũ trụ, mà gần đây đã lệch quá nhiều về một phía8. Có lẽ hành động quyên góp này cũng giống như lời cầu nguyện của người theo thuyết bất khả tri9, rằng nhỡ đâu các thế lực siêu nhiên chấp nhận lòng vị tha như một món quà dâng lên họ, để đơn giản là khiến những điều tồi tệ dừng lại. Sự thật là tôi cũng không biết tại sao tôi quyết định làm những việc tôi đang làm, và do đó không cảm thấy có lý do gì để khuyên người khác làm bất cứ điều gì tương tự. Tôi chưa bao giờ thích những bài thuyết giảng.

Cũng không lạ khi những động lực của tôi lại nhiều và mơ hồ như vậy. Sự vị tha (altruism), có nguồn gốc từ từ altrui trong tiếng Ý, có nghĩa là “những người khác,”10 từng khiến các nhà sinh học cảm thấy khó hiểu. Sự vị tha bị xem là một trở ngại bởi những người ủng hộ thuyết chọn lọc tự nhiên trước đây (cho các bộ tộc đối lập thức ăn có vẻ là một chiến lược tồi để đảm bảo sự sống còn của chính bản thân bạn) và nó cũng đối nghịch với phép ẩn dụ của Adam Smith về bàn tay vô hình11, mà theo đó việc theo đuổi lợi ích cá nhân cá nhân có thể có lợi trên quy mô lớn.

Ngay cả những người hào phóng nhất trong chúng ta còn phải chạy dài để đuổi theo bản năng tự hy sinh của địa y.

Như Sam Kean đã giải thích trong bài báo “The Man Who Couldn’t Stop Giving,” (tạm dịch: Người không thể ngừng cho) lý thuyết chính thống về nguồn gốc của lòng vị tha được gọi là “sự lựa chọn người thân.” Vì động cơ của tiến hoá là sinh sản, bất cứ vốn gen nào cũng nên được trao thưởng vì bản năng giúp họ hàng (kể cả họ hàng xa) sống sót và truyền lại các gen của chúng – ngay cả khi sự hỗ trợ đó đòi hỏi những hy sinh to lớn. Chủ nghĩa vị tha, theo cách diễn giải này, là tự nhiên chứ không phải siêu-nhân. Kiến, ong, và nhiều loài khác có những biểu hiện rõ ràng của lòng vị tha. Lũ địa y (slime mold)12 trong bọng cây có thể hi sinh bản thân để làm lợi cho nhóm. Ngay cả những người hào phóng nhất trong chúng ta còn phải chạy dài để đuổi kịp bản năng tự hy sinh của chúng.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với tôi là khoản quyên góp đạt một tiêu chuẩn cao hơn. Tôi quan tâm, cả về mặt cảm xúc và lý trí, đến một câu hỏi lớn hơn: Mục tiêu làm từ thiện tốt nhất thế giới là gì, và liệu tôi có điên không khi cho rằng tôi có thể tìm ra nó?

II. Phương pháp khoa học của lòng tốt: chủ nghĩa vị tha hiệu quả

Có rất nhiều mục tiêu tập trung vào việc cải thiện cuộc sống, và phổ của chúng rất rộng. Có những chương trình có giá trị nhằm cứu sống mọi người (ví dụ như nghiên cứu thuốc để ngăn ngừa tình trạng chết sớm), một số khác cố gắng làm giảm sự đau khổ và nghèo đói (ví dụ bằng cách cung cấp nước sạch), và một số khác tập trung vào việc làm phong phú thêm các tài sản vật chất và tinh thần (ví dụ bằng cách quyên góp cho viện bảo tàng).

Các chương trình này cũng khác nhau theo một tiêu chuẩn nữa, đó là tính chắc chắn. Một số tổ chức phân phối các loại thuốc đã được kiểm chứng (khá chắc chắn), một số khác phát triển các loại thuốc chưa được kiểm chứng (ít chắc chắn hơn), và một số vận động hành lang để giảm lượng khí thải carbon toàn cầu (không chắc chắn hơn nữa). Vấn đề không phải là các mục tiêu chắc chắn hơn thì sẽ tốt hơn, mà là các nhà tài trợ sẽ cân nhắc sự rủi ro mà khoản đóng góp của họ sẽ không thể bù lại, cũng như đối với mọi khoản đầu tư khác.

Khi tôi quyết định rằng tôi muốn nguyên lý vị tha hiệu quả định hướng cho quyết định của mình, tôi gọi Will lần nữa để hiểu rõ hơn về thứ triết lý mà tôi đang dấn thân vào. Sau đó, tôi đã nói chuyện với một số chuyên gia về sự nghèo đói và các nhà triết học về đạo đức để tìm hiểu lý do tại sao phong trào này có thể bị lạc hướng. Tôi muốn hiểu sâu về nó, xem xét thật kĩ càng các ưu điểm và khuyết điểm của nó.

Cách đơn giản nhất để lý giải nguyên lý vị tha hiệu quả và những bất bình của nó là bắt đầu với ba trụ cột của phong trào: (1) Bạn có thể tạo ra một sự khác biệt rất lớn trên thế giới nếu bạn sống ở một nước giàu; (2) Bạn có thể “làm tốt hơn” bằng cách suy nghĩ dựa vào khoa học thay vì cảm tính; và (3) bạn thậm chí có thể làm tốt hơn nữa bằng cách cố gắng tìm ra nhu cầu lớn nhất cho đồng đô-la cận biên tiếp theo13.

1. Sự giàu có của 1 Phần trăm

Ngay cả các gia đình trung lưu ở Hoa Kỳ cũng giàu hơn những người nghèo trên thế giới. MacAskill viết: “Nếu bạn kiếm được hơn $52.000 mỗi năm, thì, tính chung trên toàn cầu, bạn thuộc về 1 phần trăm.” Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi thu nhập của một người, dù là $500 hay $50.000 một năm, tăng gấp đôi, hạnh phúc cũng của họ cũng tăng xấp xỉ như nhau. Điều này hàm ý rằng nếu một gia đình trung lưu người Mỹ chuyển một phần thu nhập của mình trực tiếp cho một nông dân Ấn Độ, hạnh phúc ước tính của người đó sẽ tăng gấp đôi.

Trong cuốn sách của mình, MacAskill gọi đây là Phép nhân 100 lần (100x Multiplier): Sự đóng góp cho những người nghèo nhất thế giới là một điều răn (mitzvah) thuần khiết và, nếu não trái của bạn chiếm ưu thế, nó còn là một điều răn đại hạ giá – giảm 99 phần trăm cho hạnh phúc toàn cầu.

Nếu một gia đình trung lưu người Mỹ chuyển một phần thu nhập của mình trực tiếp cho một nông dân Ấn Độ, hạnh phúc ước tính của người đó sẽ tăng gấp đôi.

Cách tư duy này rất hùng mạnh về mặt đạo đức, và ý nghĩa cơ bản của nó là một người phải dành tất cả tiền thừatất cả thời gian rảnh rỗi để giúp đỡ những người nghèo trên thế giới – từ bỏ nghệ thuật và thể dục, ngăn cấm bản thân sử dụng tất cả các hình thứ giải trí, sống nhờ lúa gạo, và cho đi tất cả của cải. Nhà triết học đạo đức Peter Singer đã từng đề xuất một thử nghiệm tư duy nổi tiếng: Bạn thấy một đứa bé đang chết đuối trong ao. Bạn có nhảy xuống cứu nó không? Kể cả khi không phải bạn đẩy nó xuống? Kể cả khi bạn đang mặc một bộ vest hoặc váy áo đắt tiền? Câu trả lời đúng đắn về mặt xã hội là bạn chấp nhận làm hỏng bộ đồ để cứu đứa trẻ. Nhưng những người bình thường với khoản tiết kiệm dồi dào vẫn biện minh cho việc làm ngơ trước những cái chết của trẻ em đang xảy ra mỗi ngày, ngay cả khi cơ hội để cứu chúng cũng gần trong tầm tay như kết nối Internet.

Một số nhà duy lý thích ve vãn những cấp độ cực đoan của sự vị tha, nhưng tôi không bị quyến rũ bởi kiểu bất hạnh đó. MacAskill nhấn mạnh rằng anh không cố gắng xoa dịu nỗi đau khổ ở các nước đang phát triển bằng cách vận động cho sự đau khổ ở các nước phát triển. Tổ chức mà anh đồng sáng lập được gọi là Cho Đi Những Gì Chúng Ta Có Thể (Giving What We Can), chứ không phải là Cho Đi Tất Cả Những Gì Chúng Ta Có (Giving All We Have), và nó không đấu tranh cho việc loại bỏ bánh kem, nghệ thuật, hay rượu whisky. Chủ nghĩa vị tha hiệu quả không phải là một âm mưu lôi kéo người giàu sống cuộc đời khổ hạnh.

MacAskill có một tổ chức phi lợi nhuận mang tên 80.000 Giờ (80.000 Hours), cung cấp các nghiên cứu và lời khuyên để tìm kiếm các công việc có ý nghĩa nhất. Anh nói: “Bạn nên dành nhiều tiền để giúp cho thế giới trở nên tốt đẹp nhất có thể. Nhưng bạn không nên tự hành hạ bản thân vì đã không cho đi tất cả.” Anh nói rằng một giải pháp thay thế khả dĩ cho phần lớn mọi người là cho đi nhiều hơn một chút so với những gì họ đã làm – và tập trung khoản đóng góp của họ vào những mục tiêu đã được chứng minh bằng khoa học.

2. Phương pháp khoa học để làm việc tốt

Có lẽ bài học xuyên suốt nhất từ ​​chủ nghĩa vị tha hiệu quả là người ta có thể tạo ra một sự khác biệt đáng kinh ngạc trên thế giới với một chút logic và toán học.

Trong cuốn sách của mình, MacAskill đã kể câu chuyện về hai học giả, Michael Kremer và Rachel Glennerster, tác giả của những thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên14 ở Châu Phi mà đã cho thấy sách giáo khoa, flip chart, và việc giảm sĩ số lớp học đều không nâng được điểm kiểm tra của học sinh ở Kenya. Tuy nhiên, Kremer đã phát hiện rằng mỗi $100 chi tiêu cho việc điều trị giun đường ruột ở trẻ em đều giúp tăng đáng kể tỷ lệ đến trường của chúng. Trên cơ sở nghiên cứu này, Kremer và Glennerster đã đồng sáng lập Chương trình Deworm the World Initiative (tạm dịch: Sáng kiến ​Tẩy giun Thế giới), giúp các nước đang phát triển xây dựng và thực hiện các chương trình tẩy giun riêng của mình. Ngày nay, Deworm the World được xem là một trong những tổ chức từ thiện hiệu quả nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, các chương trình như Deworm the World không nhận được phần đóng góp từ thiện khổng lồ của Hoa Kỳ. Trong số 330 tỷ đô-la Mỹ mà các cá nhân, công ty, và các quỹ của Hoa Kỳ ủng hộ cho hoạt động từ thiện, chỉ 5% được chuyển trực tiếp ra nước ngoài. Điều đó có nghĩa là nếu người Mỹ chỉ cần chuyển 5% tiền từ thiện còn lại của họ ra nước ngoài, nguồn đóng góp ở nước ngoài sẽ tăng gấp đôi; nếu số tiền được chi tiêu hiệu quả gấp đôi (một mức thấp, theo MacAskill), thì số người được cứu sống và được cải thiện điều kiện sống sẽ tăng gấp bốn lần – trong khi người Mỹ không hề phải chi thêm một khoản tiền từ thiện nào nữa.

Những người chỉ trích nguyên lý vị tha hiệu quả lập luận rằng nếu bạn cố gắng tối đa hóa lợi ích lớn nhất một cách khoa học, có nguy cơ là bạn sẽ ưu tiên những mục tiêu có thể được định lượng dễ dàng nhất. Giá trị của tẩy giun có thể đo lường được, nhưng còn giá trị của quyền phụ nữ, bình đẳng, hay dân chủ thì sao? Hãy tưởng tượng sự bất khả thi của việc thiết kế một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên để xác định giá trị của tự do báo chí ở Hoa Kỳ. Bạn sẽ phải có khả năng tiếp cận một đa vũ trụ: So sánh vũ trụ nơi Hoa Kỳ có tự do báo chí với một vũ trụ mà Hoa Kỳ vẫn giống hệt vậy, trừ việc nó không có tự do báo chí, tiến hành thử nghiệm đó nhiều lần và sau đó tính toán sự khác biệt thu được trong thu nhập quốc gia, hạnh phúc, và bình đẳng. Ngay cả Elon Musk và Peter Thiel cũng sẽ không tài trợ cho chương trình đó.

Helping the homeless (cropped).jpg
“Bạn có thể giúp đỡ nhiều hơn một người nếu suy nghĩ dựa vào khoa học thay vì cảm tính.” Nguồn ảnh: Wikimedia.

Vận động quốc tế là một ví dụ khác của một điều tốt khó định lượng. Ví dụ, nếu giả sử các nhà hoạt động xã hội đã thuyết phục được các chính phủ phương Tây xóa bỏ bằng sáng chế về thuốc ARV (antiretroviral)15 chữa HIV và AIDS trong những thập niên 90, thì hàng triệu ca tử vong ở các nước đang phát triển có thể đã được ngăn chặn. Nhưng làm thế nào để bạn có thể tiến hành một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên nhằm nghiên cứu giá trị của một nỗ lực vận động hành lang? Những người theo đuổi nguyên lý vị tha hiệu quả như MacAskill sẽ trả lời rằng ngay cả những quyết định rủi ro này cũng có thể được chuyển thành các bài toán: Nếu bạn xây dựng một phương trình nhân số lượng người có thể được cứu với tỷ lệ thành công của chương trình đó, bạn có thể ước tính giá trị cao nhất mà khoản quyên góp của bạn có thể đạt được. Tuy nhiên về tổng thể, nguyên lý vị tha hiệu quả dường như tập trung sự chú ý vào các can thiệp có nhiều khả năng đo lường nhất.

3. Bài kiểm tra “Đồng đô-la tiếp theo”

Vài tuần trước, quản lý quỹ đầu tư John Paulson đã cam kết tài trợ $400 triệu cho Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng thuộc Đại học Harvard, khoản đóng góp cá nhân lớn nhất trong lịch sử của Harvard. Một tháng trước đó, Giám đốc điều hành Tập đoàn Blackstone, Stephen Schwarzman, đã tuyên bố tặng $150 triệu cho Đại học Yale để xây dựng một trung tâm văn hóa. Tổng số tiền được quyên tặng cho Harvard và Yale là hơn $50 tỷ và mỗi năm đều tăng thêm hàng tỷ. Malcolm Gladwell đã viết một cách châm biếm trên Twitter rằng: “Vấn đề chủ yếu là nên giúp đỡ người nghèo hay đóng góp cho trường đại học giàu nhất thế giới $400 triệu mà họ không cần. Chắc là nếu các tỷ phú không hành động, Harvard sẽ sớm chỉ còn lại $30 tỷ cuối cùng.” Một số người đáp lại rằng Harvard là nơi sản sinh ra những nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ hàng đầu.

Tuy nhiên, như Dylan Matthews của tạp chí Vox (về tổng thể, ông là một trong những nhà bình luận thông minh nhất về vị tha hiệu quả) đã chỉ ra, luận điểm phản đối này đã thất bại trong một bài kiểm tra “đồng đô-la tiếp theo.” Harvard vốn đã có một khoản tài trợ trị giá $20 tỷ và một trong những cơ sở khoa học và kỹ thuật của nó được đặt tên theo Mary Maxwell Gates và Beatrice Dworkin Ballmer – mẹ của cựu giám đốc điều hành Microsoft Bill Gates và Steve Ballmer – và gia đình họ đã đóng góp gần $100 triệu. Matthews viết: “Đây là những gì các nhà từ thiện hay gọi là một không gian đóng góp ‘chật chội.’ Thật lãng phí khi làm cho một không gian đã chật lại càng chật hơn.”

Những người chỉ trích nguyên lý vị tha hiệu quả lập luận rằng nếu bạn cố gắng tối đa hóa lợi ích lớn nhất một cách khoa học, có nguy cơ bạn sẽ ưu tiên những mục tiêu dễ dàng định lượng nhất.

Nói cách khác, câu hỏi khôn ngoan nhất không phải là “Điều tốt lớn nhất là gì?” mà là “Điều tốt lớn nhất nơi đồng đô-la tiếp theo có thể gây ra tác động lớn nhất là gì?

Những người vị tha hiệu quả thường chỉ trích việc cứu trợ thiên tai vì không đáp ứng được bài kiểm tra này – không phải vì động đất và sóng thần không đủ tồi tệ, mà là những phản ứng thái quá đối với chúng thường che mờ những nhu cầu khác. Sau trận động đất ở Haiti, Tổ chức Chữ thập đỏ vẫn tiếp tục yêu cầu viện trợ “sau khi họ đã có đủ cho việc cứu trợ khẩn cấp, vốn là nhiệm vụ chính của họ,” ProPublica đã báo cáo như vậy trong một bài tường trình vào tháng 6, cáo buộc Tổ chức Chữ thập đỏ chỉ xây dựng sáu ngôi nhà kiên cố sau khi gây quỹ nửa tỷ đô-la. Không phải tất cả các nhóm cứu trợ đều hành động như vậy, họ nói: “Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới16 ngược lại đã ngừng gây quỹ cho (những nạn nhân của) động đất sau khi có đủ tiền.”

III. Đo lường cuộc sống: GiveWell

Khi tôi hỏi một số triết gia và chuyên gia về nghèo đói về những mục tiêu mà họ muốn quyên góp, câu trả lời trải dài từ quyền phụ nữ đến việc chuyển trực tiếp cho người nghèo. Iason Gabriel, một giảng viên chính trị tại Đại học Oxford, đã đưa ra một trường hợp thuyết phục một cách đáng ngạc nhiên là cải cách thuế ở các nước đang phát triển. Châu Phi, ông nói, đã mất hàng chục tỷ đô-la mỗi năm do những dòng tiền bất hợp pháp, thậm chí nhiều hơn số tiền viện trợ của chính phủ. Giúp các chính phủ giải quyết vấn đề trốn thuế có thể giữ lại hàng tỷ đô-la ngân quỹ để phục vụ cho việc chăm sóc sức khoẻ và giáo dục. Tuy thế, tôi chú ý đặc biệt đến hai giá trị cá nhân sau trong việc quyên góp của bản thân: mong muốn ngăn ngừa tình trạng chết sớm, và mong muốn có một mức độ chắc chắn cao về mặt khoa học rằng số tiền sẽ được chi tiêu một cách đúng đắn.

Điệp khúc phổ biến nhất từ ​​những chuyên gia mà tôi đã hỏi ý kiến là các ưu tiên của tôi đã vạch ra một hướng đi rõ ràng: Nếu bạn muốn cứu sống mọi người một cách chắc chắn, một vài người nói, bạn phải tới GiveWell.

Năm 2006, Holden Karnofsky và Elie Hassenfeld là những người trẻ tuổi tốt nghiệp từ Ivy League17 và đang làm việc trong một quỹ đầu tư, kiếm được nhiều tiền hơn mức cần thiết và muốn tìm một mục tiêu từ thiện có giá trị. Hassenfeld cho biết: “Chúng tôi muốn tạo ra lợi ích lớn nhất với khoản tiền của mình,” và vì có rất ít tổ chức bên ngoài cung cấp các chỉ dẫn, họ đã thành lập một câu lạc bộ gồm những người cùng chí hướng để nghiên cứu một câu hỏi đơn giản: Các tổ chức từ thiện khác nhau sử dụng tiền như thế nào, và liệu có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ đang làm tốt không? Anh nói: “Chúng tôi trực tiếp kêu gọi các tổ chức từ thiện, nhưng không phải lúc nào cũng có được câu trả lời tốt.” Sự thiếu hụt các dữ liệu xác thực, kết hợp với nhiệm vụ tìm kiếm mục tiêu cao cả nhất và khó nắm bắt đó, đã khuyến khích họ tạo ra GiveWell trong năm 2007.

GiveWell là một “meta-charity,” một tổ chức đánh giá các tổ chức từ thiện khác. Họ có bốn tiêu chuẩn chính, mà theo cách nói của Hassenfeld thì là: “hiệu quả” (liệu tổ chức từ thiện đó có tạo ra sự khác biệt?), “hiệu quả về chi phí” (sự khác biệt mà tổ chức đó tạo ra với mỗi đồng đô-la nhận được là bao nhiêu?), “không gian gây quỹ” (tổ chức đó có thể sử dụng sự đóng góp của bạn trong tương lai gần hay không?), và “minh bạch” (tổ chức có công khai chi tiêu và kết quả của mình hay không?). Các tổ chức từ thiện được xếp hạng cao nhất (bởi GiveWell) trong năm nay (2015) bao gồm GiveDirectly, một nơi áp dụng cách thức cực kỳ đơn giản để gửi tiền mặt vô điều kiện (no-strings-attached cash) cho các hộ gia đình cực nghèo, và Quỹ Chống Sốt Rét (Against Malaria Foundation), nơi phân phối các loại mùng tẩm thuốc diệt côn trùng (insecticide-treated malaria nets) ở vùng cận Sahara Châu Phi. Khó mà không bị ấn tượng bởi các phân tích sâu sắc của GiveWell, những bản phân tích thường mất hàng tháng trời để hoàn thành và dài hàng nghìn từ, với hơn 100 chú thích, và giải thích chi tiết về mối quan tâm của họ với ngay cả những tổ chức từ thiện hàng đầu.

The use of long lasting insecticide treated nets each night is one of the most effective ways to prevent malaria, Vanuatu, 2012. Photo- DFAT (12779509264).jpg
Một chiếc mùng chống côn trùng tại Châu Phi. Nguồn ảnh: Wikimedia.

Thật khó để các nhà tài trợ thông thường tự xác định tổ chức từ thiện nào thực hiện được điều tốt lớn nhất. Ví dụ, hãy thử so sánh hai tổ chức sau: Tổ chức A nhận $100 và chi $90 để mua sách giáo khoa tốt hơn cho trẻ em Kenya. Tổ chức B nhận $100 và chi $45 để mua thuốc tẩy giun cho trẻ em Kenya. Nếu bạn tập trung vào chi phí vận hành (“overhead” cost) như nhiều người vẫn làm, đáp án thật rõ ràng: Tổ chức A làm việc hiệu quả gấp đôi. Tuy nhiên, những thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên cho thấy trong khi sách giáo khoa không làm tăng tỷ lệ đi học, thuốc tẩy giun đường ruột lại thường giúp trẻ quay lại trường. Cuối cùng, Tổ chức B có thể hiệu quả hơn nhiều lần. Vì vậy việc các tổ chức như GiveWell theo dõi những đồng đô-la kết quả của chúng là rất quan trọng.

GiveWell ước tính rằng Quỹ Chống Sốt Rét chỉ cần $3.340 để cứu sống một đứa trẻ.

Tuy vậy, việc so sánh kết quả thường khá rắc rối. Liệu việc ngăn chặn cái chết gây ra bởi một căn bệnh nhiệt đới có tốt hơn việc giúp một gia đình thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực? Về mặt triết học, nhiệm vụ khó khăn nhất mà GiveWell phải đối mặt là quy đổi một dải khổng lồ những đau khổ của con người thành những con số. Việc này, theo một cách nào đó, là một vấn đề toán học, nhưng lại là một vấn đề bị đè nặng bởi các phán xét về giá trị, mà những người hoàn toàn lý trí cũng có thể bất đồng.

Ví dụ, để so sánh sự đau khổ giữa các quốc gia, một vài tổ chức sử dụng một chỉ số gọi là DALYs, hay Disability-Adjusted Life-Years (Tạm dịch: Số năm điều chỉnh theo bệnh tật). Một DALY có thể bằng một năm mất đi do chết sớm, 1,67 năm bị mù, hoặc 41,67 năm bị đau dạ dày do ký sinh trùng đường ruột. Nếu một chương trình ngăn chặn được 80 DALYs, nó có thể đã cứu sống một đứa trẻ hoặc chữa trị những vấn đề nhỏ về sức khoẻ cho một cơ số người lớn.

Theo tôi thấy thì để chọn tổ chức từ thiện đại diện cho những điều tốt đẹp nhất, tôi phải chọn những giá trị của mình. Chỉ số DALY thừa nhận không có sự khác biệt nào giữa việc ngăn chặn một vài ca tử vong và việc cải thiện nhiều mảnh đời, nhưng vì việc quyên góp của tôi bị thôi thúc bởi những trải nghiệm về cái chết và cận kề cái chết, tôi có động cơ để lựa chọn việc cứu sống mọi người hơn là chỉ đơn giản cải thiện cuộc sống của họ. Và bởi vì đây là khoản quyên góp lớn đầu tiên của tôi, tôi muốn đóng góp cho một mục tiêu mà tác động của nó là chắc chắn.

Đối với nguyên lý vị tha hiệu quả, tính chắc chắn không phải là cách nghĩ đúng hiển nhiên về việc thiện. Ví dụ, hãy tưởng tượng nếu bạn phải lựa chọn giữa 1 phần trăm cơ hội cứu sống một triệu người với 100 phần trăm cơ hội cứu sống mười người. Luận đề về tính chắc chắn có thể dẫn đến lựa chọn cứu một người. Nhưng giá trị kỳ vọng của lựa chọn đầu tiên là 10.000 người được cứu sống – sự khác biệt lên đến 1.000 lần.

Tuy vậy, khi tôi bày tỏ những giá trị của mình đối với Hassenfeld, anh đã đưa ra một lời giới thiệu rất cụ thể. Anh nói: “Tôi nghĩ Quỹ Chống Sốt rét là sự lựa chọn đúng đắn cho anh. Đó là nơi mà tôi đã dành tặng nửa số tiền quyên góp của mình vào năm ngoái, và nếu tôi có những giá trị giống như anh, đó là nơi mà tôi sẽ quyên tặng vào lúc này.” Điều đó đã đưa tôi đến bước cuối cùng: Gọi cho người sáng lập Quỹ Chống Sốt Rét và tìm hiểu thêm về tổ chức từ thiện mà GiveWell đã xếp hạng nhất toàn cầu.

IV. Mục tiêu: Quỹ Chống Sốt Rét (Against Malaria Foundation – AMF)

Sáng hôm sau, tôi đã gọi cho Robert Mather, nhà sáng lập người Anh của Quỹ Chống Sốt Rét, tìm hiểu làm thế nào một doanh nhân không có kinh nghiệm gì trong các tổ chức phi chính phủ (NGO) lại có thể điều hành một trong những tổ chức từ thiện hiệu quả nhất trên thế giới. Anh nói với tôi cuộc sống của anh đã đột ngột thay đổi do một đám cháy khủng khiếp, mà nạn nhân là một gia đình của những người xa lạ cách London 40 dặm.

Anh bắt đầu: “Tôi bấm nhầm điều khiển từ xa của TV, và điều đó đã dẫn tới một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Vào năm 2003 khi cố gắng tắt kênh BBC tôi đã ấn nhầm sang một kênh khác. Trên kênh đó là một bộ phim tài liệu về một đứa trẻ nhìn giống như bị nung chảy trong lửa.” Cô bé đó là Terri Calvesbert, một bé gái một tuổi sống ở Suffolk, nước Anh, đã mất 90 phần trăm diện tích da, bao gồm mũi và mí mắt, trong một vụ cháy xuất phát từ tàn thuốc lá của mẹ em. Calvesbert bị bỏng nặng đến nỗi khi các nhân viên cứu hỏa tìm thấy em, họ đã tưởng nhầm em là một con búp bê bị cháy. Mather nhớ lại: “Cô bé đã được đặt vào một bộ đồ da nhân tạo. Tôi không phải là người đa cảm, nhưng vợ chồng tôi có hai đứa con, và tôi không hề xấu hổ khi nói rằng mình đã khóc.”

Sáu tháng trước, Mather đã tham gia vào một chuyến đạp xe từ thiện, và anh nhận ra rằng mình có thể tổ chức một sự kiện tương tự để quyên góp cho bé gái. Mather gọi cho các nhà tổ chức sự kiện bơi lội ở Sydney, New York, Lima, và những nơi khác. Nỗ lực của anh đã dẫn tới 150 chương trình bơi lội toàn cầu, với hàng nghìn người tham gia gây quỹ hàng trăm nghìn đô-la cho Calvesbert, người hiện đã bước sang tuổi 18.

Thách thức toán học về tìm ra điều tốt lớn nhất có thể mở rông trái tim. Sự đồng cảm giúp ta mở rộng tấm lòng với những đau khổ, và toán học giúp ta giữ nó tiếp tục rộng mở.

Sự thành công toàn cầu của “Swim for Terri” (tạm dịch: Bơi vì Terri) đã khiến Mather dần hình thành suy nghĩ, nếu một bé gái có thể gây cảm hứng để gây quỹ $400.000 thì những mục tiêu toàn cầu có thể làm được gì? Anh nói: “Khi bạn đi sâu vào các vấn đề sức khoẻ toàn cầu, bạn sẽ nhận ra một căn bệnh giết chết nhiều trẻ em nhất và cũng căn bệnh đó giết chết nhiều phụ nữ mang thai nhất. Và đó chính là sốt rét.”

Có khoảng 200 triệu người mắc bệnh sốt rét mỗi năm, và số lượng tử vong ước tính dao động từ 400.000 đến 800.000. Khoảng 90% số ca tử vong là ở khu vực cận Sahara châu Phi, và ba phần tư trong số đó xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tác động thứ cấp của căn bệnh này cũng rất khốc liệt: Sốt rét là một trở ngại lớn đối với tăng trưởng kinh tế, vì những người sống sót thường không thể làm việc, và cha mẹ họ phải dành cả cuộc đời mình để chăm sóc cho những đứa con ốm yếu.

Tôi đã đọc, đánh máy, và đọc lại những con số này, và đối với tôi chúng khô khan đến nỗi có thể dễ dàng chìm khuất giữa một biển những con số thống kê, né tránh sự đồng cảm thực sự. Thấu hiểu những trải nghiệm của một quốc gia sẽ tạo ra hiệu ứng cảm xúc mạnh hơn nhiều: Mỗi ngày có hơn 500 ca tử vong do sốt rét ở Cộng hòa Dân chủ Congo, và phần lớn những ca này là trẻ em dưới 5 tuổi. AMF đưa ra một phép ẩn dụ rùng mình: Hãy tưởng tượng một chiếc máy bay 747 với những đứa trẻ dưới 5 tuổi được đặt vào ghế từ dãy A đến dãy K ở mọi hàng của khoang hạng thường; chân của chúng còn không thể chạm tới sàn. Mỗi ngày, chiếc máy bay này biến mất dưới Sông Congo, giết chết mọi sinh mạng trên đó. Và đó là sốt rét – và mới chỉ tính ở một quốc gia. Theo tính toán của GiveWell, sẽ cần $1,7 triệu để cứu chiếc máy bay đó.

Trong khi những con cá lớn như Quỹ Toàn cầu và Quỹ Gates tập trung nguồn lực của họ để phát triển phương pháp chữa trị nhanh và tuyệt đối, AMF lựa chọn cách tiếp cận phòng ngừa: các loại mùng tẩm thuốc diệt muỗi giá rẻ (khoảng $7,50 ở Congo) giúp ngăn chặn và diệt muỗi truyền bệnh từ người sang người.

Có bốn lý do tại sao AMF hiện là tổ chức từ thiện được đánh giá hàng đầu tại GiveWell. Hassenfeld nói: “Đầu tiên và trên hết, việc cung cấp mùng để ngăn ngừa sốt rét là bằng chứng tốt nhất so với bất cứ chương trình nào, cho thấy rằng tiền từ thiện có thể có khả năng hỗ trợ trên phạm vi toàn cầu, và có hơn 20 thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên chứng minh hiệu quả của nó. Thứ hai, nó rất hiệu quả về chi phí, khoảng $3.500 đô la cho mỗi sinh mạng. Thứ ba, bản thân AMF có nhiều không gian tài trợ hơn. Cuối cùng, AMF có một cam kết mạnh mẽ đối với tính minh bạch và hoạt động giám sát.” Phương pháp tiếp cận của Mather là một phiên bản lý tưởng của nguyên lý vị tha hiệu quả, kết hợp  cách tiếp cận rõ ràng trong công tác làm việc thiện với sự chính xác khoa học, sử dụng công nghệ điện thoại thông minh để theo dõi việc phân phối và sử dụng từng chiếc mùng được trao tặng. Anh nói: “Chúng tôi đã phân phối 700.000 chiếc mùng với công nghệ điện thoại thông minh. Chúng tôi biết vị trí của tất cả số mùng đó trong phạm vi sáu mét.”

V. Điều tốt lớn nhất

Trong cuốn sách mới của ông, The Most Good You Can Do: How Effective Altruism is Changing Ideas about Living Ethically (tạm dịch: Điều tốt nhất bạn có thể làm: Chủ nghĩa vị tha hiệu quả đang thay đổi những ý tưởng về cách sống có đạo đức như thế nào), nhà triết học đạo đức Peter Singer đã than phiền rằng hầu hết mọi người có động lực để quyên góp khi nghe những câu chuyện hơn là những con số. Ví dụ, người ta có nhiều khả năng đóng góp khi họ nhìn thấy bức ảnh của một đứa trẻ hơn là khi nhìn thấy nhiều trẻ em bị cùng một loại bệnh. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi cũng nhận ra điều tương tự: những câu chuyện cá nhân thì tạo động lực, trong khi các dữ liệu thống kê lại khiến người ta cảm thấy quá tải.

Tại sao cảm xúc của chúng ta lại câm lặng khi đối mặt với những đau khổ lớn hơn? Một nghiên cứu của Keith Payne thuộc Đại học North Carolina cho thấy “sự sụp đổ của lòng trắc ẩn xảy ra vì khi mọi người nhìn thấy nhiều nạn nhân, nó giống như một dấu hiệu bảo rằng họ nên kiềm chế cảm xúc của mình vì việc [thể hiện cảm xúc] có lẽ là quá khó.” Đó là một ý tưởng gây khó chịu, nhưng lại khá văn vẻ: Vấn đề không phải là thiếu sự đồng cảm, mà là nỗi sợ phải cảm nhận quá nhiều.

Trong vài tuần qua, một số người đã nói với tôi rằng chủ nghĩa vị tha hiệu quả có thể gặp phải “vấn đề cơ khí hóa” (cyborg problem). Nếu bạn nói về sự đau khổ của con người như một phương trình giải tích, thì bộ não đồng cảm sẽ ngừng hoạt động. Tuy nhiên GiveWell đã tìm thấy điều ngược lại. Theo Hassenfeld, “Nhiều nhà từ thiện cho chúng tôi biết họ đã cho đi nhiều hơn so với trường hợp GiveWell không tồn tại. Chúng tôi đang đặt những câu hỏi khuyến khích mọi người cho đi, bởi vì chúng tôi tin tưởng rằng họ có thể tạo ra sự khác biệt.” Ngay cả khi tôi tìm kiếm những lỗ hổng trong triết lý mà tôi đã chọn theo đuổi, tôi ngày càng bị thuyết phục hơn bởi tiềm năng phát triển rộng rãi của chủ nghĩa vị tha hiệu quả. Thách thức toán học về tìm ra điều tốt lớn nhất có thể mở rộng trái tim. Sự đồng cảm giúp ta mở rộng tâm trí với những đau khổ, còn toán học giúp ta giữ nó tiếp tục rộng mở.

Cuối cùng, tôi đã cân nhắc việc thực hiện nhiều khoản đóng góp khác nhau. Tuy nhiên tôi vẫn quay trở lại với thứ mà Robert Mather nói: Sốt rét không chỉ là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em lớn nhất trên thế giới, mà còn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở phụ nữ mang thai. Căn bệnh này tước đoạt quyền làm mẹ từ cả hai phía. Sự mất mát của một người mẹ hẳn có thể định lượng được bằng một phương pháp tính toán sáng tạo nào đó, nhưng với trải nghiệm của tôi thì nó là không thể đo lượng được. Tôi chỉ biết thế này: Có một thứ tôi muốn, tôi không thể có nó, nhưng tôi có thể trao nó cho ai đó. Đó dường như là cách thể hiện sự tôn kính với cội rễ của lòng vị tha, cả về mặt từ ngữ lẫn ý nghĩa.

Vào ngày thứ Năm, tôi đã chuyển tiền: một nghìn đô-la cho mỗi năm cuộc đời của mẹ tôi; bà đã mất vài tháng trước sinh nhật mình. Để tôn vinh một truyền thống gia đình, tôi cũng gửi thêm một nghìn cho GiveWell – “để tiếp nối,” đó hẳn là điều bà sẽ nói.

*****

Đọc thêm – Một số thông tin liên quan bạn đọc có thể tham khảo:

60 phút mở – Người ta làm từ thiện vì ai (Bản quyền của VTV1): https://www.youtube.com/watch?v=e2Cc0M6O0yw

Bệnh sốt rét: http://www.who.int/malaria/en/

Sức cám dỗ của vấn đề của người khác – zeal: zeally.net/suc-cam-do-cua-van-de-cua-nguoi-khac/

Thuốc ARV và vấn đề về bằng sáng chế: https://theejbm.wordpress.com/2013/10/01/the-untold-aids-story-how-access-to-antiretroviral-drugs-was-obstructed-in-africa/

Trang web của GiveWell: www.givewell.org

Trang web của Quỹ Chống Sốt rét: https://www.againstmalaria.com/


  1. Oxfam là một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.

  2. Quỹ Gates là quỹ từ thiện được góp vốn bởi Bill Gates (người sáng lập tập đoàn Microsoft) và vợ ông, bà Melinda Gates.

  3. Thuế thập phân (tithing): một phần mười sản phẩm hàng năm của một trang trại… trước đây được dùng để trả thuế ủng hộ giáo sĩ và nhà thờ.

  4. Thể chai (corpus callosum): một thành phần trong bộ não, có chức năng nối liền hai bán cầu đại não với nhau, đồng thời nối những phần cùng tên của hai vỏ bán cầu đại não.

  5. Luyện ngục (puragatory): theo tín ngưỡng Cơ đốc giáo (Catholic), đây là trạng thái mà linh hồn phải trải qua sau khi chết để tẩy rửa tội lỗi trước khi được vào Thiên Đường (Heaven).

  6. Một chương trình truyền hình của Hoa Kỳ, phiên bản gốc của chương trình “Chung Sức.”

  7. Déjà vu: một hiện tượng khi người ta cảm giác đã từng trải qua tình huống hiện tại trong quá khứ.

  8. Theo cách hiểu của người dịch, tác giả muốn nói về cán cân sinh tử. ông ấy muốn giúp đỡ mọi người (mà cụ thể là muốn cứu sống họ) vì ông ấy ám ảnh bởi cái chết của người thân.

  9. Thuyết bất khả tri (agnosticism): quan điểm triết học cho rằng tính đúng hay sai của một số tuyên bố nhất định – đặc biệt là các tuyên bố thần học về sự tồn tại của Chúa Trời, các vị thần hay các thế lực siêu nhiên khác – là chưa biết và không thể biết được.

  10. “Vị tha” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là “vì người khác”, “vị tha nhân”, “tha” là khác, “nhân” là người.

  11. Adam Smith (1723-1790): nhà kinh tế học và triết gia người Scotland, người đặt nền móng cho kinh tế học cổ điển, thị trường tự do và lý thuyết về phân công lao động. Bàn tay vô hình (invisible hand) là một phép ẩn dụ do ông đưa ra. Theo đó, mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng cho cá nhân mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một “bàn tay vô hình.”

  12. Địa y (slime mold): tên thông thường của một nhóm các sinh vật nhân thực (không liên quan đến nhau) có thể tồn tại ở dạng đơn bào hoặc tập hợp lại với nhau để hình thành cấu trúc đa bào. Một số cá thể đơn bào trong cấu trúc này trở thành bào tử để bắt đầu thế hệ kế tiếp, trong khi một số khác có thể hy sinh bản thân chúng, tạo thành giá đỡ để nâng các bào tử vào không khí.

  13. Ý tác giả là tìm ra nơi mà đồng đô-la quyên góp tiếp theo của bạn có tác động lớn nhất.

  14. Thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial) là một loại hình nghiên cứu thực nghiệm trong đó các đối tượng tham gia được chia ngẫu thành 2 nhóm: Nhóm thử nghiệm được áp dụng các biện pháp can thiệp (ví dụ như trẻ em được phát sách giáo khoa miễn phí, được dùng thuốc tẩy giun…) và nhóm đối chứng không được can thiệp. Cả hai nhóm được theo dõi cùng lúc để xem có sự khác nhau trong kết quả hay không.

  15. Antiretroviral (ARV) là một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể. Nếu điều trị ARV hiệu quả thì có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, làm giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS.

  16. ác sĩ không biên giới hay Y sĩ không biên giới là một tổ chức phi chính phủ quốc tế do một số bác sĩ người Pháp thành lập vào năm 1971 với mục đích nhân đạo. Tổ chức này đưa ra những cứu trợ y tế trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, nạn đói hay chiến tranh… Bác sĩ không biên giới còn có những hoạt động dài hạn như cứu trợ sau các thiên tai, trong các cuộc xung đột kéo dài hay giúp đỡ những người lưu vong.

  17. vy League: một nhóm các trường đại học tư hàng đầu Hoa Kỳ, như Havard, Yale…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất