a
§ Tác giả: Linda Rodriguez McRobbie | Nguồn: Smithsonian Magazine
Biên dịch: J. | Hiệu đính:  Nguyên
14/03/2017

Chiêm tinh học có thể là một hệ thống kiến thức cổ xưa và quý giá về thế giới tự nhiên cũng như vị trí của con người trong thế giới ấy, bắt nguồn rất sớm từ vùng Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ai Cập, và Hy Lạp; hoặc hoàn toàn nhảm nhí, còn tùy vào đối tượng mà bạn đặt câu hỏi này.

Nhưng horoscope1 trên báo và tạp chí ư? Những thứ khuyên bạn đừng “kháng cự lại những thay đổi” ngày hôm nay, hay hãy “thuận theo tự nhiên,” bất kể điều đó có nghĩa là gì, hoặc “hôm nay hãy cư xử nhẹ nhàng và từ tốn với cô nàng mới hấp dẫn đó”? Chúng thậm chí còn ít được coi trọng hơn, từ cả những kẻ hoài nghi lẫn những người thực sự tin vào chiêm tinh học. Vậy nên khá là ngạc nhiên khi mà horoscope vẫn còn khá phổ biến với tất cả những người nằm giữa hai thái cực trên.

Chuyên mục chính thức đầu tiên về horoscope được ghi nhận là của R.H. Naylor, một chiêm tinh gia nổi tiếng người Anh vào nửa đầu thế kỷ 20. Naylor từng làm trợ lý cho một shaman2 thuộc tầng lớp quý tộc là Cheiro3 (tên khai sinh là William Warner, một cái tên hẳn là không mang thần thái của shaman cho lắm), người đã từng đoán mệnh chỉ tay cho Mark Twain, Grover Cleveland, và Winston Churchill, và là người thường được mời đến để dựng bản đồ sao cho những người nổi tiếng. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 1930, Cheiro lại không thể xem horoscope cho Công chúa Margaret4 mới sinh, nên Tờ Sunday Express của Anh đã tìm đến Naylor.

Như hầu hết các chiêm tinh gia thời bấy giờ, Naylor đã sử dụng thứ mà được gọi là bản đồ sao dựa trên ngày sinh (natal star chart). Các chiêm tinh gia cho rằng thế giới tự nhiên và loài người chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những chuyển động của mặt trời, mặt trăng, và các vì sao trên thiên hà, và việc chúng ta là ai được định hình bởi vị trí chính xác của những thiên thể này tại thời điểm mà chúng ta ra đời. Một bản đồ sao dựa trên ngày sinh, do đó, tái hiện bầu trời vào đúng ngày và giờ sinh, dựa vào đó chiêm tinh gia đưa ra phán đoán về các đặc điểm tính cách và dự báo tương lai.

Vào ngày 24 tháng 8 năm 1930, ba ngày sau khi Công chúa ra đời, bản báo cáo được xuất bản của Naylor đã tiên đoán rằng cuộc đời của cô bé sẽ “chứa đựng nhiều sự kiện trọng đại,” một lời dự đoán chính xác nếu không phải hoàn toàn là trực giác vì rằng cô bé, suy cho cùng thì, là một công chúa (có vẻ như ông đã không dự đoán được các mối tình duyên không mấy suôn sẻ của Công chúa cùng với sự mê đắm suốt đời trong men rượu và thuốc lá). Ông cũng nhắc tới “các sự kiện mang tầm quan trọng lớn đối với Hoàng gia và cả dân tộc sẽ xảy đến gần thời điểm sinh nhật lần thứ bảy của Công chúa,” một lời tiên đoán có phần rõ ràng hơn – và dường như đã ứng nghiệm vào khoảng thời gian mà bác của Công chúa, Đức vua Edward VIII5, thoái vị và nhường lại ngai vàng cho cha cô.

Bản đồ sao cho những người nổi tiếng cũng không hẳn là một ý tưởng gì mới mẻ; các đầu báo Mỹ và Anh thường mượn lời các chiêm tinh gia để tìm ra thông điệp của các vì sao cho các hiện tượng xã hội như Helen Gould6“Người em trai cùng mẹ khác cha của bé Astor.”7 Kể cả tờ báo đáng kính New York Times cũng không phải ngoại lệ: Vào năm 1908, một tít báo đã khẳng định rằng Tổng thống  Theodore Roosevelt, một người thuộc cung Nhân Mã, “có lẽ đã có một số mệnh khác nếu ngày sinh của ông thay đổi,” theo lời “chuyên gia chiêm tinh” Mme. Humphrey.

Dù không phải là bài đầu tiên về chủ đề này, bài báo của Naylor là điểm bùng phát cho nhu cầu horoscopes của độc giả trên diện rộng. Nối tiếp sự quan tâm mà công chúng dành cho horoscope của Công chúa Margaret, tờ báo đã quyết định đưa thêm nhiều lời tiên đoán hơn nữa từ Naylor. Một trong số những bài báo tiếp theo của ông đã tiên đoán rằng “một máy bay của Anh sẽ gặp nguy hiểm” vào khoảng giữa ngày mùng 8 và 15 tháng 10. Khi tàu bay R1018 của Anh bị rơi ở ngoại ô thành phố Paris vào ngày 5 tháng 10, làm 48 trong tổng số 54 người trên khí cầu thiệt mạng, thảm họa này đã được coi là minh chứng rùng rợn cho tài tiên đoán của Naylor. Đột nhiên, hàng loạt người quan tâm hơn đến chuyên mục chiêm tinh. Biên tập viên của tờ báo lúc bấy giờ đã dành hẳn một chuyên mục hàng tuần cho Naylor – với điều kiện rằng ông phải viết sao cho bớt khô khan hơn và khiến chuyên mục này trở thành một thứ mà nhiều người muốn đọc – và “Lời tiên tri của những vì sao,” chuyên mục horoscope chính thức đầu tiên, đã ra đời.

Chuyên mục đưa ra lời khuyên cho những người có sinh nhật rơi vào tuần đó, nhưng chỉ trong vài năm, Naylor (hay một biên tập viên tài trí) quyết tâm rằng ông cần phải tạo ra một thứ gì đó có thể hướng tới lượng độc giả lớn hơn. Vào năm 1937, ông đã đưa ra ý tưởng sử dụng “các chòm sao” (star signs), hay còn được biết đến với cái tên “các cung mọc” (sun signs), các cung hoàng đạo quen thuộc mà chúng ta thấy ngày nay. “Cung mọc” chỉ thời khắc trong năm khi mặt trời đi qua một trong 12 thiên quần 30 độ9 có thể nhìn thấy từ trái đất và được đặt tên theo các chòm sao lân cận; ví dụ, nếu bạn sinh vào khoảng thời gian mặt trời đang quét qua chòm sao Ma Kết (nghĩa là “dê có sừng,” chòm sao thường có biểu tượng là một sinh vật hình dáng nửa cá, nửa dê), trong khoảng từ ngày 22 tháng 12 tới 19 tháng 1, điều đó có nghĩa là cung mọc của bạn là Ma Kết.

“Thứ duy nhất trong chiêm tinh học cho phép bạn đưa ra sự khái quát chung chung về tất cả mọi người sinh ra trong giai đoạn này tới giai đoạn kia hàng năm mà không có sai sót chính là cung mọc,” Jonathan Cainer, một chiêm tinh gia nổi tiếng, người biên soạn một trong những chuyên mục về horoscope hấp dẫn nhất nước Anh cho tờ The Daily Mail giải thích.

“[Chuyên mục] đã được công chúng nhiệt liệt đón nhận và sản sinh ra hàng ngàn bản sao. Trước khi chúng ta nhận ra thì chiêm tinh học đại chúng đã ra đời… sự giản lược quá mức của một nghệ thuật cao quý, cổ xưa,” Cainer nói. Cainer chỉ ra rằng ngay cả khi những chuyên mục horoscope trên báo và tạp chí trở nên ngày một phổ biến – mà đúng là nó đã trở nên như vậy với một tốc độ nhanh chóng ở cả hai bờ Đại Tây Dương – việc này không được phần đông cộng đồng chiêm tinh “chân chính” công nhận. Lời cáo buộc, theo ông, được củng cố bởi thực tế rằng trước giờ, vô số chuyên mục horoscope không được viết bởi những chiêm tinh gia thực sự, mà bởi những cây bút được yêu cầu đọc một cuốn sách về chiêm tinh và nhanh chóng bắt tay chắp bút.

Có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy chiêm tinh học là một công cụ phán đoán chuẩn xác về các đặc điểm tính cách, số mệnh tương lai, đời sống tình cảm, hoặc bất cứ điều gì khác mà chiêm tinh học đại chúng vẫn thường khẳng định.

Dù vậy, trước sự sửng sốt của các chiêm tinh gia, sức hút của horoscope trên báo và tạp chí chưa bao giờ thực sự giảm nhiệt; chúng, cùng với các chuẩn mực như mục giải ô chữ, trở thành một thứ “nội thất”10 cho các báo, theo cách mà Cainer đã gọi (và mọi người thì rất ghét khi nội thất bị chuyển đi, Cainer nói). Cainer còn chỉ ra rằng một vài chỗ trên các báo và, ở một mức độ nào đó trên các tạp chí, còn trực tiếp nhắc tới độc giả: “Đó là một dạng ngôn ngữ và một loại hình quan hệ và vì vậy, nó khiến chính nó trở thành một dạng gắn kết.”

Tiffanie Darke, biên tập viên của chuyên mục Phong cách trên tờ The Sunday Times, mà trong đó có chuyên mục của chiêm tinh gia Shelley von Strunckel, khẳng định rằng thông qua email, có thể thấy “Có một lượng độc giả đáng kể mua báo chủ yếu vì chuyên mục của Shelley, và có cũng có một lượng độc giả khá lớn mà bạn có thể nhìn thấy vào những ngày Chủ nhật trong những quán rượu nhỏ, quanh bàn bếp, hay trong quán cà phê, đọc to những lời tiên đoán của cô ấy cho nhau nghe.”

Điều này phù hợp với tính chất thực sự của báo chí và, cũng là những đặc điểm mà báo chí vẫn luôn có – không chỉ là những công cụ cho những thông tin cứng nhắc và những cái-gọi-là câu chuyện quan trọng, mà còn là nguồn cung cấp những câu chuyện giải trí tầm phào và tỉ số thể thao, lời khuyên cho những vấn đề tình cảm và làm thế nào để gột sạch vết sốt trên quần áo, các thông tin thực tiễn về giá cổ phiếu và lịch chiếu TV, các công thức và các mẫu đan len, các mẩu truyện tranh và truyện cười, thậm chí là các trò chơi và câu đố. Dù những đặc điểm này là một muỗng đường giúp những tin tức khô cứng được nuốt trôi dễ hơn hay dù cho mọi người chỉ đụng tới tờ báo vì mục horoscope, suy cho cùng cũng chẳng khác biệt là mấy.

Vậy nên để trả lời câu hỏi tại sao các tờ báo lại có mục horoscopes, câu trả lời đơn giản là: Vì độc giả thích chúng.

Nhưng số liệu về lượng độc giả thực sự thích horoscopes lại không rõ ràng lắm. Một cuộc khảo sát của Quỹ Khoa học Quốc gia từ năm 1999 cho thấy chỉ 12% người Mỹ theo dõi horoscope của họ hàng ngày hoặc thường xuyên, trong khi 32% thi thoảng mới đọc chúng. Gần đây, Hiệp hội Chiêm tinh Hoa Kỳ đã ghi nhận số lượng người Mỹ theo dõi horoscope của mình hàng ngày lên tới 70 triệu người, khoảng 23% dân số. Như vậy, lượng người đọc horoscope cũng khá nhiều để cảm thấy giận dữ khi chuyên mục của họ không xuất hiện ở vị trí thường thấy trên báo – Cainer nói trong hợp đồng của ông có một điều khoản cho phép ông được xin nghỉ phép, điều này khiến ông trở thành ngoại lệ hiếm hoi trong ngành: “Cộng đồng độc giả chẳng hề bận tâm tới nhu cầu nghỉ ngơi của một chiêm tinh gia đâu.”

Một vài minh chứng khác cho thấy có một số lượng lớn người đọc horoscope nếu không phải là hàng ngày, thì cũng là thường xuyên: Vào năm 2011, khi các nhà thiên văn học khẳng định rằng “biến động” tự nhiên trong quỹ đạo chuyển động của Trái Đất có thể làm thay đổi các cung hoàng đạo, rất nhiều người đã lập tức tỏ ra hoang mang. (Các chiêm tinh gia, trong khi đó, lại lạc quan hơn rất nhiều – bạn thuộc cung nào thì vẫn là cùng đó, họ trấn an; một số khác, Cainer nói thêm, lại thở dài cho rằng câu chuyện biến động đó chỉ là một loạt đạn khác trong cuộc chiến khốc liệt giữa các nhà thiên văn học và các chiêm tinh gia.)

Cùng lúc đó, một bộ phận dân số khá lớn tin tưởng vào nền tảng của những bài horoscope trên báo chí. Theo như một cuộc thăm dò năm 2009 của Harris, 26% người Mỹ tin vào chiêm tinh học; con số đó nhiều hơn số người tin vào phù thủy (23%), nhưng ít hơn số người tin vào đĩa bay (32%), Thuyết Sáng tạo11 (40%), và ma quỷ (42%). Sự tôn thờ dành cho chiêm tinh học có lẽ đang trên đà đi lên: Một cuộc khảo sát gần đây hơn của Quỹ Khoa học Quốc gia, công bố vào năm 2014, cho thấy có ít người Mỹ phủ nhận rằng chiêm tinh học là “phi khoa học” vào năm 2012 hơn là họ đã từng vào năm 2010 – 55% so với 62%. Con số này chưa từng thấp như vậy kể từ năm 1983.

Những người xem horoscope của mình cũng lưu ý tới những thông điệp của chúng. Năm 2009, một cuộc thăm dò của iVillage – để đánh dấu sự ra đời của trang giải trí chú trọng đến phụ nữ chuyên về chiêm tinh, Astrology.com – tìm ra rằng trong số những phụ nữ xem horoscope, 33% coi thử horoscope của mình trước các buổi phỏng vấn xin việc; 35% trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới; và 34% trước khi mua một tấm vé số. Một nghiên cứu gần đây, xuất bản trong số tháng 10 năm 2013 của tờ Journal of Consumer Research, chỉ ra rằng những người có horoscope tiêu cực thì dễ có khả năng cho phép mình hành động bốc đồng hay buông thả không lâu sau khi đọc (horoscope).

Điều gì đang xảy ra vậy? Tại sao nhiều người lại sẵn sàng xáo trộn đời sống tình cảm của mình, mua xổ số, hoặc nhận một công việc mới dựa vào lời khuyên của một người chẳng biết gì về họ ngoài ngày sinh tháng đẻ?

Một lý do chúng ta có thể loại trừ là giá trị khoa học. Trong mọi bài kiểm tra thực nghiệm về chiêm tinh học, ở mọi lĩnh vực, Tiến sĩ Chris French, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Goldsmith của London chuyên nghiên cứu về niềm tin vào những điều huyền bí, nói rằng “Chúng đều là những tin tức khá tồi tệ cho các chiêm tinh gia.”

Có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy chiêm tinh học là một công cụ phán đoán chuẩn xác về các đặc điểm tính cách, số mệnh tương lai, đời sống tình cảm, hoặc bất cứ điều gì khác mà chiêm tinh học đại chúng vẫn thường khẳng định. Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 1985 xuất bản trên tạp chí Nature, Tiến sĩ Shawn Carlson thuộc khoa Vật lý của Đại học California, Berkeley cho thấy những chiêm tinh gia kỳ cựu chỉ có thể khớp bản đồ sao của một cá nhân với những kết quả của bài kiểm tra tính cách dựa trên sự trùng hợp ngẫu nhiên; trong bài kiểm tra thứ hai, mỗi người cũng không thể lựa chọn ra được bản đồ sao của chính mình, miêu tả chi tiết những đặc điểm nhân cách và tính cách của họ theo phán đoán chiêm tinh học, nếu không phải chỉ là tình cờ.

Một nghiên cứu với quy mô nhỏ hơn vào năm 1990 thực hiện bởi John McGrew và Richard McFall tại khoa Tâm lý học thuộc Đại học Indiana với sự tham gia của một nhóm chiêm tinh gia, cho thấy các chiêm tinh gia không hơn gì trong việc khớp những bản đồ sao với hồ sơ tổng hợp tương ứng của tình nguyện viên so với một người không chuyên về chiêm tinh đóng vai trò đối tượng kiểm soát trong thí nghiệm hoặc các biến số ngẫu nhiên. Thậm chí, các chiêm tinh gia đó còn chẳng đồng tình với nhau. Một nghiên cứu năm 2003, thực hiện bởi cựu chiêm tinh gia, Tiến sĩ Geoffrey Dean và chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Ivan Kelly, theo dõi cuộc sống của 2,000 đối tượng sinh ra gần như cùng thời điểm trong nhiều thập kỷ. Giả thuyết là nếu những tuyên bố của chiêm tinh học về vị trí của các vì sao và ngày sinh là đúng, thì những người này phải có những đặc điểm giống nhau; nhưng không hề.

Những nghiên cứu ủng hộ các tuyên bố của chiêm tinh học đã bị phần lớn cộng đồng khoa học bác bỏ do những định kiến “tự thân” – các đối tượng đã biết trước về những đặc điểm tiêu biểu của cung hoàng đạo của mình và vì thế không đáng tin cậy (cho việc kiểm chứng khoa học) – hoặc do những nghiên cứu này không thể áp dụng trên diện rộng. Thật không bất ngờ khi các chiêm tinh gia, không màng tới những nỗ lực khoa học trong việc chứng tỏ hay bác bỏ chiêm tinh học, quả quyết rằng các nhà khoa học đều đã đi sai hướng – chiêm tinh học không thể được nghiên cứu theo cách mà người ta nghiên cứu vật lý: “Các thí nghiệm được thực hiện bởi những người không hiểu rõ bối cảnh của lĩnh vực này, kể cả dù cho họ đang cố gắng làm một điều gì đó mang tính xây dựng,” theo lời Shelley von Strunckel, chiêm tinh gia người Mỹ và người biên soạn chuyên mục horoscope trên tờ The Sunday Times, London Evening Standard, Chinese Vogue, Tatler và các ấn phẩm lớn khác. “Nó giống như là, ‘Tôi sẽ nấu bữa ăn Pháp tuyệt vời này, tôi có cuốn sách dạy nấu ăn này rất tuyệt bằng tiếng Pháp  – nhưng tôi không biết tiếng Pháp.’”

Nhưng mặc dù rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy rằng những vì sao không hề có tác động lên cuộc sống của chúng ta – và kể cả những bằng chứng có thể thấy từ chính trải nghiệm của bản thân như cái vận may về tài chính mà horoscope kêu bạn hãy đón đợi vào ngày mùng 8 của tháng không hề trở thành sự thật – mọi người vẫn tiếp tục tin tưởng horoscope. (Tuy vậy, cần chú ý rằng một số chiêm tinh gia né tránh khái niệm “niềm tin” trong chiêm tinh học: “Nó không phải là thứ để bạn tin tưởng,” Strunckel nói. “Nó giống như là tin vào bữa tối vậy. Các hành tinh tồn tại, các chu kỳ tự nhiên vẫn vận hành, các kỳ trăng tròn luôn tới, tự nhiên kết nối với tất cả những thứ đó, nó không phải là một thứ gì đó để tin tưởng.”)

Horoscope đưa ra một ranh giới mỏng manh, và, đối với nhiều người, lại rất hấp dẫn. “Một mặt, con người muốn cảm thấy mình nắm giữ phần nào quyền tác động, kiểm soát tương lai, nhưng mặt khác, họ lại cảm thấy khá sợ hãi khi nghĩ rằng mình đang nắm giữ quá nhiều,”…

Câu trả lời cho việc “tại sao” mọi người vẫn tiếp tục đọc và đặt niềm tin vào horoscope của họ thường được giải thích bằng nghiên cứu “tự kiểm chứng” kinh điển năm 1948 của nhà tâm lý học Bertram Forer. Forer đã cho các sinh viên của mình làm một bài kiểm tra tính cách, sau đó đưa ra mô tả về tính cách của họ được cho là dựa trên kết quả của bài kiểm tra đó. Trên thực tế, chỉ có một mô tả duy nhất, tổng hợp từ những bài horoscope trên báo, và tất cả mọi người đều nhận được mô tả giống nhau. Sau đó, Forer yêu cầu họ đánh giá, trên thang từ 0 (rất tồi) đến 5 (xuất sắc), về độ chính xác của lời mô tả; số điểm tổng hợp trung bình là 4.26 – khá cao, dù cho tất cả sinh viên thực ra đều nhận được mô tả như nhau. Khám phá này của Forer đã nhanh chóng được đặt tên là hiệu ứng Forer12 và thường xuyên được tái hiện trong nhiều hoàn cảnh khác.

Một phần của những gì xảy ra là những lời mô tả có một sự tích cực vừa đủ, không quá khả quan một cách khó tin:

Bạn có một lượng lớn tiềm năng chưa được tận dụng để tạo thành ưu thế cho bản thân. Mặc dù bạn còn một số yếu điểm trong tính cách, bạn thường có thể cân bằng được chúng.

và, quan trọng là, đủ mơ hồ để có thể áp dụng cho một lượng độc giả lớn:

Đôi khi bạn có những băn khoăn sâu sắc về việc liệu có phải bạn đã quyết định hay hành động đúng.

Đôi khi bạn hướng ngoại, cởi mở, hoà đồng, nhưng có lúc bạn lại hướng nội, cảnh giác, dè dặt.

Ngay cả những người biên soạn horoscope cũng thừa nhận rằng một phần thành công của họ là nhờ không nói quá nhiều. Cainer nói, “Nghệ thuật để làm nên một mục horoscope thành công phần nào khẳng định điều mà rất nhiều người hoài nghi hay ngờ vực khăng khăng cho là ngón bịp bợm. Bởi chính khả năng viết lách là thứ khiến cho horoscope trở nên đáng tin… nên cuối cùng một chuyên mục thành công sẽ tránh đi vào chi tiết nhiều nhất có thể. Bạn phát triển một thứ nghệ thuật để trở nên mơ hồ.”

Một đặc điểm khác của hiệu ứng Forer là chính mỗi độc giả đã khiến horoscope trở nên đáng tin hơn với họ, tự uốn nắn những lời mô tả sao cho phù hợp với bản thân – không phải tự dưng mà hiệu ứng Forer còn được gọi là hiệu ứng Barnum, sau lời quả quyết của ông bầu nổi tiếng rằng các show diễn của ông “có thứ dành cho tất cả mọi người.” French, nhà tâm lý học Goldsmith, chỉ ra rằng những người xem horoscope thường đầu tư công sức vào việc khiến horoscope đúng với mình. “Nếu bạn tin vào hệ thống này và niềm tin về horoscope, chính bạn là người khiến cho việc đọc nó trở nên đích xác so với thực chất của nó,” ông giải thích. “Hầu như tất cả mọi ngày đối với phần lớn mọi người là tập hợp của những điều tốt đẹp và tồi tệ, và dựa vào mức độ bạn đắm chìm trong hệ thống… nếu bạn được bảo là hãy mong đợi một điều tốt đẹp vào ngày hôm đó, thì bất cứ điều gì tốt xảy ra vào ngày đó đều được coi là tín hiệu xác nhận dự đoán đó.”

Chiêm tinh gia Cainer còn có một lời giải thích khác, thực tế hơn cho việc tại sao mọi người lại xem horoscope: “Bởi vì chúng sẵn có ở đó.” Có một luồng tư duy “chẳng hại gì” và “biết đâu lại hữu ích” về những bài horoscope; đồng thời, theo ông các bài horoscope cũng cho những độc giả hông thường “một cảm giác hiển hách không ràng buộc: ‘Tôi không tin vào thứ nhảm nhí này nhưng tôi sẽ xem một chút.’” Điều này cộng hưởng với những gì mà Julian Baggini, một triết gia người Anh và cây bút của tờ The Guardian, nói về việc tại sao mọi người lại đọc horoscope: “Dù những bằng chứng cho việc horoscope không có giá trị gì nhiều đến đâu, mọi người vẫn sẽ nói rằng ‘Ồ, biết đâu được đấy.’” (Kể cả nếu bạn có biết đi chăng nữa.)

Nhưng cái “biết đâu được đấy” và kể cả hiệu ứng Forer cũng không lý giải được hoàn toàn sự trường tồn của một loại hình mà rất nhiều nhà phê bình cho rằng không phù hợp để được đưa lên mặt báo – vậy có lẽ còn điều gì khác đang xảy ra. Khi French còn giảng dạy một khóa học có phần nói về niềm tin vào chiêm tinh học, ông thi thoảng hỏi trong các bài kiểm tra rằng: “Chiêm tinh học có tác dụng gì không?” “Thường thì, câu trả lời tốt thường là những câu phần nào sử dụng từ ‘có tác dụng’,” ông nói.  Một mặt thì, câu trả lời thẳng thừng sẽ là, theo một loạt các nghiên cứu khoa học, chiêm tinh học không có tác dụng gì cả. “Nhưng sau đó bạn lại phải trả lời một câu hỏi khác… ‘Liệu chiêm tinh học có đem lại lợi ích tâm lý nào không, liệu nó có mang một chức năng tâm lý nào không’” ông nói thêm. “Câu trả lời cho câu hỏi đó là, đôi khi, có.”

Các nhà tâm lý học xem xét con người trên một thước đo giữa những người có một thứ gọi là quỹ tích kiểm soát ngoại thân (external locus of control), mà họ cảm thấy rằng mình bị chi phối bởi những thế lực nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, và những người với quỹ tích kiểm soát tại thân (internal locus of control), những người tin rằng chính họ là người chịu trách nhiệm cho hành động của mình. “Thật chẳng mấy ngạc nhiên là, những người tin vào chiêm tinh học thường có quỹ tích kiểm soát ngoại thân,” French nói. Quan sát đó khớp với những gì các nhà tâm lý học khác đề cập đến: Margaret Hamilton, một nhà tâm lý học tại Đại học Wisconsin, người đã chứng thực rằng con người có xu hướng tin vào những bài horoscope thuận lợi, nói rằng những người đặt niềm tin vào chiêm tinh học cũng thường có biểu hiện lo lắng hoặc rối loạn thần kinh hơn.

Horoscope trên báo, bà nói, đem lại chút ít an ủi, tựa như nhìn thấu qua tấm màn che ở một cấp độ thông thường. French cũng cho rằng: thiên văn học và horoscope trên báo có thể cho con người “kiểu cảm giác kiểm soát cũng như một số khuôn khổ định hướng giúp cho họ hiểu được điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình.” Nó cho thấy trong những thời khắc bấp bênh, dù là ở cấp độ toàn cầu, quốc gia hay cá nhân, ông nói, các chiêm tinh gia, các nhà tâm linh, và những người cam đoan rằng có thể dẫn đường chỉ lối đều làm việc rất nhanh nhạy; rằng theo một khảo sát của NSF công bố vào năm 2014, việc niềm tin vào chiêm tinh học tại Mỹ đang có xu hướng gia tăng rõ rệt có thể liên quan tới những bất ổn tài chính gần đây. Cainer đồng tình rằng mọi người coi trọng horoscopes hơn mỗi khi họ cảm thấy căng thẳng: “Nếu họ đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng, họ đột nhiên bắt đầu cân nhắc những đặc điểm cung hoàng đạo của mình một cách nghiêm túc hơn… Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng và có ai đó bảo bạn đừng lo, bạn sẽ khắc ghi điều đó.” (Đối với việc liệu các chiêm tinh gia có đang lợi dụng con người hay không, French thẳng thắn nói: “Tôi không cho rằng các chiêm tinh gia là những kẻ lừa đảo tài tình, tôi khá chắc là họ không phải. Họ đã thuyết phục chính bản thân họ rằng hệ thống này thực sự có tác dụng.”)

Về mặt triết học mà nói, có điều gì đó trong việc xem horoscope thực sự ám chỉ về vị trí của một con người. Như Hamilton nói, “Nó cho phép bạn nhìn nhận bản thân mình như một phần của thế giới: ‘Đây là nơi mà mình thuộc về, ồ, bởi mình là một Song Ngư.’” Xem xét sâu xa hơn, Baggini, một triết gia, giải thích, “Con người là những kẻ săn tìm khuôn mẫu. Chúng ta có một khuynh hướng rất, rất mạnh trong việc để ý tới những dấu hiệu đều đặn, lặp đi lặp lại trong tự nhiên và thế giới, tới mức mà chúng ta nhìn thấy nhiều hơn những gì thực sự hiện hữu. Có những lý do tốt về mặt tiến hóa cho việc này, nói ngắn gọn là một khẳng định sai lầm vẫn ít rủi ro hơn sự thất bại trong việc nhìn ra sự thật.” Nhưng, về điểm này, “Chúng ta cũng có khuynh hướng cho rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó và chúng ta thường dựa vào bất cứ lý do nào sẵn có, kể cả khi chúng không hoàn toàn đáng tin cậy.”

Horoscope đưa ra một ranh giới mỏng manh, và, đối với nhiều người, lại rất hấp dẫn. “Một mặt, con người muốn cảm thấy mình nắm giữ phần nào quyền tác động, kiểm soát tương lai, nhưng mặt khác, họ lại cảm thấy khá sợ hãi khi nghĩ rằng mình đang nắm giữ quá nhiều,” Baggini giải thích. “Bởi vậy, một thế giới quan tương đối hấp dẫn là vũ trụ ẩn chứa một đích đến chưa được hé mở, trong đó về cơ bản là bạn không chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ, nhưng được trao cho phần nào quyền kiểm soát… và chiêm tinh học đem đến cho chúng ta một chút của cả hai thái cực, một sự cân bằng.”

Các chiêm tinh gia có thể đồng tình. “Tôi là một người rất tin tưởng vào ý chí tự do,” Cainer nói. “Có một cụm tiếng Latin cổ hay ho mà các chiêm tinh gia thích trích dẫn cho nhau: Astra inclinant non necessitant. Các vì sao đưa ra chỉ dẫn, chứ không hề ép buộc… Tôi thích nghĩ rằng chiêm tinh học là cách để chống lại những ảnh hưởng của các hành tinh, chứ không hoàn toàn chỉ là chấp nhận chúng.”

Nhưng thực sự thì, cuối cùng, liệu horoscope đang mang tới nhiều tác hại hơn là ích lợi, hay nhiều ích lợi hơn tác hại? Tất cả đều phụ thuộc vào người mà bạn hỏi (và, tất nhiên, vào sự phù hợp của lời khuyên được đưa ra). Strunckel và Cainer, tất nhiên, coi những gì họ làm là đang giúp đỡ mọi người, mặc dù cả hai đều thừa nhận rằng, theo lời của Strunckel, “Không phải ai cũng thích chiêm tinh học.”

Richard Dawkins, nhà nhân văn học thẳng thắn và một người theo chủ nghĩa vô thần, đã kịch liệt phản đối chiêm tinh học và horoscope trong một bài viết trên tờ Independent vào năm 1995 xuất bản vào Đêm giao thừa. Ông khẳng định, “Chiêm tinh học không chỉ khiến thiên văn học trở nên tầm thường, thu hẹp và hạ thấp giá trị của vũ trụ với những thứ hời hợt gắn liền với thuyết địa tâm (pre-Copernican dabblings)13. Nó còn là sự sỉ nhục đối với khoa học tâm lý và sự đa dạng của nhân cách con người.” Dawkins còn dùng báo chí để giễu cợt “những thứ hời hợt đó.” Gần đây hơn, vào năm 2011, ngôi sao nhạc rock đồng thời là nhà vật lý học người Anh Brian Cox đã chịu sự công kích từ phía các chiêm tinh gia vì đã gọi chiêm tinh học là “một đống nhảm nhí” trong chương trình Những kỳ quan của Hệ Mặt trời trên BBC. Sau khi BBC nhận một loạt khiếu nại, Cox đã đưa ra một phát biểu, mà nhà đài có lẽ đã khôn ngoan khi lựa chọn không công bố: “Tôi gửi lời xin lỗi tới cộng đồng chiêm tinh vì đã không biểu đạt rõ ràng ý kiến của mình. Tôi nên nói rằng thứ nhảm nhí trong kỷ nguyên mới này đang phá huỷ cấu trúc nền văn minh của chúng ta mới phải.”

Điều mà Dawkins và Cox có lẽ không muốn thừa nhận, đó là con người thường không đưa ra quyết định dựa trên sự hiểu biết logic, duy lý về các sự kiện thực tế (có lý do tại sao “xung đột nhận thức” lại tồn tại) – và việc xem horoscope có lẽ cũng chỉ là một hệ thống hành động tốt đẹp như bất cứ thứ gì khác. “Hầu hết mọi người đều không đưa ra những nhận định và ý kiến của mình dựa trên bằng chứng thực nghiệm tốt nhất,” French nói. “Có đủ loại lý do để tin tưởng vào thứ mà bạn tin, một lý do không nhỏ là bạn tin vào thứ đó chỉ bởi vì nó khiến bạn thấy dễ chịu.”

Chung quy thì, horoscope là một cách để bù trừ cho những hoang mang trong cuộc sống hàng ngày. “Nếu như lời tiên đoán mà bạn có được vẫn toàn là nhảm nhí và vô căn cứ, nó vẫn tốt hơn là chẳng biết trước được điều gì hết,” Baggini nói. “Nếu bạn không có cách nào kiểm soát được thời tiết, bạn sẽ tiếp tục niệm chú và nhảy múa, vì nếu không thì bạn chẳng làm gì cả. Và mọi người thì ghét việc không có gì để làm.”


  1. Từ horoscope bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “hõra” và “scopos” mang ý nghĩa là “thời gian” và “người quan sát”. Thông thường, từ horoscope được dùng để chỉ lời diễn giải của chiêm tinh gia, dựa trên hệ thống các cung mọc (Sun sign) trong chiêm tinh học; căn cứ vào vị trí của Mặt trời tại thời điểm sinh hoặc ảnh hưởng của sự kiện đặc biệt nào đó diễn ra tại một ngày cụ thể trong năm.
    Bạn có thể xem thêm về horoscope tại đây.

  2. Shaman là người được coi là có khả năng tiếp xúc, và tác động tới thế giới của những linh hồn thiện và ác; người thường đi vào trạng thái mê man khi hành lễ, và có thể xem bói cũng như trị bệnh.
    Bạn có thể xem thêm về shaman tại đây.

  3. William John Warner (01/11/1866 – 08/10/1936) là một chiêm tinh gia người Ireland và là một biểu tượng mang đầy màu sắc huyền bí của đầu thế kỷ 20. Biệt hiệu của ông, Cheiro, bắt nguồn từ từ “cheiromancy”, có nghĩa là “bói chỉ tay”.
    Bạn có thể xem thêm về Cheiro tại đây.

  4. Công chúa Margaret, Nữ bá tước Snowdon (21/08/1930 – 09/02/2002) là con gái út của Vua George VI và Nữ hoàng Elizabeth, em gái của Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị.

  5. Edward VIII (23/06/1894 – 28/05/1972) là Vua của nước Anh thống nhất và tất cả các thuộc địa của Đế quốc Anh, và Hoàng đế Ấn Độ, từ ngày 20 tháng 1 năm 1936 cho đến lúc thoái vị ngày 11 tháng 12 cùng năm. Với thời gian trị vì chỉ 326 ngày, Edward là một trong số những vị vua có thời gian cai trị ngắn nhất trong suốt chiều dài lịch sử Anh quốc.

  6. Helen Miller Gould Shepard (20/06/1868 – 21/12/1938) là một nhà từ thiện người Mỹ, sinh ra tại Manhattan, thành phố New York. Bà đã có những đóng góp to lớn cho xã hội. Trong đó, phải kể đến nỗ lực yêu nước của bà trong cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ. Vào thời điểm chiến tranh bùng nổ, bà đã đóng góp 100,000 đô la cho Chính phủ Mỹ để giải cứu những người lính bị bắt giữ tại trại tập trung Wycoff, Long Island. Năm 1918, bà và Emma Baker Kennedy trở thành hai nữ Phó Chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Kinh thánh Hoa Kỳ.

  7. “Bé Astor” (John Jacob Astor VI) là con trai của Đại tá John Jacob Astor IV, một trong số những nạn nhân tử nạn trong thảm họa đắm tàu Titanic năm 1912, và Bà Madeleine Force Dick. Em trai cùng mẹ khác cha của “bé Astor”, “bé Dick” (William Force Dick) được hạ sinh vào ngày 11/04/1917, gần tròn 5 năm sau ngày mất của Đại tá John Jacob Astor.
    Các chiêm tinh gia cho rằng số phận của “bé Dick”, vì lẽ đó sẽ luôn bị ràng buộc với người anh. Trải qua những bất hạnh trong tình yêu, tranh đấu để giành quyền lực, cuối cùng cậu bé cũng sẽ đạt được danh vọng và tiền tài. Dẫu vậy, trái tim cậu không bao giờ thực sự cảm thấy hạnh phúc.

  8. Airship R101 là một strong hai chiếc tàu bay kiên cố được chế tạo vào năm 1929 thông qua chương trình xây dựng tàu bay dân sự của Chính phủ Anh nhằm phục vụ cho việc di chuyển qua các cung đường dài trong lãnh địa của Đế quốc Anh.

  9. Hàng nghìn năm trước, loài người chưa biết rằng Trái đất chuyển động quanh Mặt trời. Chuyển động của Mặt trời và các thiên thể khi đó được mô tả dưới góc nhìn chủ quan. Theo góc nhìn này, Mặt trời di chuyển trên bầu trời theo một đường tròn khép kín bao quanh Trái đất gọi là đường Hoàng đạo. Các chiêm tinh gia cổ chia dải này thành 12 phần bằng nhau, mỗi phần là một thiên quần rộng 30 độ, ứng với một trong số 12 chòm sao Hoàng đạo.

  10. “Nội thất” ở đây ám chỉ những thứ được mặc định là thiết yếu, không thể tách rời đối với các báo và tạp chí.

  11. Thuyết Sáng tạo là niềm tin cho rằng vũ trụ và các sinh vật sống bắt nguồn từ những hành động cụ thể của Đấng sáng tạo theo như những lời giải thích của Kinh thánh thì đúng hơn là bởi quá trình tiến hoá và chọn lọc tự nhiên theo những lý giải khoa học.

  12. Hiệu ứng Forer, còn đươc gọi là Hiệu ứng Barnum, là hiện tượng tâm lý khá phổ biến cho thấy mọi người thường đánh giá cao tính chính xác của các bài viết miêu tả tính cách mà họ cho rằng chỉ phù hợp với riêng họ dù nó thực chất rất mơ hồ và chung chung, đủ để có thể áp dụng được cho nhiều người. Hiệu ứng này có thể giải thích một phần nguyên nhân của việc số đông dễ chấp nhận đức tin và các hoạt động liên quan, như chiêm tinh học, đoán vận, thuật xem tướng chữ viết, thuật đọc hào quang (aura reading) và một số bài kiểm tra tính cách.

  13. Mikołaj Kopernik (tiếng Anh: Nicolaus Copernicus) (19/02/1473 – 24/05/1543) là nhà thiên văn học phát triển nên thuyết nhật tâm (Mặt trời ở trung tâm chứ không phải Trái Đất là trung tâm), một giả thuyết khoa học quan trọng nhất trong lịch sử. Những tư tưởng gắn liền với thuyết địa tâm (Trái đất làm trung tâm và Mặt trời cùng các hành tinh khác xoay quanh nó) thường được gọi với cái tên tư duy thời “tiền Copernicus”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Đô thị toàn cầu đầu tiên
Nằm ở một vị trí cao chót vót trên dãy núi Andes, Potosí là nguồn cung cấp bạc của cả thế giới. Đổi lại, con người và hàng hoá ở đây đến từ khắp mọi nơi, từ Burma đến Baghdad.
Mới nhất