Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Annie Dillard | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Aceae | Hiệu đính:  Nguyên
20/01/2017
Lời người dịch: tác giả Annie Dillard có những suy nghĩ sâu sắc về vòng đời của vạn vật, động lực thôi thúc muôn loài sinh sôi nảy nở - vừa mâu thuẫn với hình ảnh về tự nhiên, vừa là một phần không thể thiếu của nó - và hệ quả từ đó là những xúc cảm con người không tránh khỏi. Bài viết trích từ chương 10 của Pilgrim at Tinker Creek, được đăng lần đầu trên The Atlantic năm 1973.

Đêm qua tôi tỉnh giấc vì chính tiếng hét của mình. Chắc là tại cái cây kinh khủng màu vàng tôi nhìn thấy trồi lên từ nền đất ẩm gần gốc cây bên Tinker Creek1, một cái cây vừa nhiều thịt vừa không có hình thù gì, trông giống như một con sên, mọc xuyên qua thềm não tôi trong khi ngủ, và thành hình một giấc mộng về sự sinh sôi2 đánh thức tôi.

Tôi đang quan sát hai con ngài luna giao phối. Ngài luna là một loại ngài mong manh giống như ngài ma, ngài tiên; những đôi cánh dài chục phân của chúng nhọn như đuôi loài én, phủ một màu xanh pastel viền sắc oải hương nhung lụa. Từ cái đầu lông lá của con đực chồi ra hai chiếc ăng-ten vĩ đại, phủ lông, kéo dài quá cả cặp cánh mơ màng. Hắn đang nằm trên con cái, chuyển động lên xuống liên hồi với một sức mạnh thú tính kinh hoàng.

Đó là một bức tranh hoàn hảo của tâm linh tột bậc, và hạ đẳng tột bậc. Tôi bị mê hoặc và không thể ngoảnh mắt đi. Bằng việc chứng kiến, tôi về cơ bản là đã cho phép sự giao hợp của chúng diễn ra, và thế là đã bằng lòng chấp nhận những hệ quả – tất cả chỉ vì tôi muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi muốn được đặt chân vào một bí mật.

Và rồi những quả trứng nở và chiếc giường đầy ắp cá. Tôi đang đứng dưới khung cửa, nhìn chằm chằm vào giường. Những quả trứng nở ngay trước mắt tôi, trên giường tôi, và ngàn con cá mập mạp lúc nhúc trong một đám nhờn dẻo. Những con cá chắc nịch và béo tốt, đen và trắng, với những thân hình góc cạnh và cặp mắt lồi. Tôi nhìn trong khiếp đảm trong khi chúng ngọ nguậy, bơi lội, và ri rỉ quanh đám nhờn loang loáng và trong suốt. Cá trên giường! – và tôi thức giấc. Trong tai vẫn vang vọng tiếng kêu thét lạ lẫm của chính tôi.

Đồ ngốc, tôi nghĩ: trẻ con, đồ trẻ con, đồ không biết gì, kẻ dại khờ ngây thơ này. Mày nghĩ là mày sẽ thấy gì – thiên thần chắc? Vì tôi hiểu rằng chiếc giường đầy cá này chính là do lỗi của bản thân, rằng nếu tôi đã quay lưng lại với cặp ngài đang giao phối kia, thì trứng của chúng đã không nở, hoặc ít ra là sẽ nở trong bí mật, ở một nơi nào đó khác. Tôi đã tự chuốc vào thân, những sự trơn trượt, lúc nhúc này.

Loài ngài luna. Nguồn: Wikimedia.
Loài ngài luna. Nguồn: Wikimedia.

Tôi không rõ sự sinh sôi có điều gì mà lại khiến tôi thấy ghê tởm như thế. Tôi cho rằng là do những chứng cứ đầy ắp rằng sự sinh sôi và phát triển, những điều ta coi trọng, thật ra lại bạt ngàn và mù quáng, rằng sự sống bản thân nó thật rẻ mạt đến choáng váng, rằng thiên nhiên vừa giàu có nhưng cũng vô tâm không kém, và rằng sự giàu có của nó cũng đi kèm một sự hoang phí không tưởng mà đến một ngày sẽ nuốt trọn cả những sinh mạng rẻ tiền của chính ta. Mỗi viên trứng loang loáng đều là một memento mori3.

Hiện giờ đang là cuối tháng Sáu, và ngoài kia mọi thứ thật nhộn nhịp. Mọi sinh vật đang đẻ trứng; ấu trùng béo mập, tách bỏ lớp vỏ của chúng, và ăn luôn lớp vỏ ấy; bào tử tan biến hoặc nổ tung; những rễ con nhân lên gấp bội, bắp ngô căng đầy trên ngọn, cỏ bung hạt, trồi non vọt lên từ mặt đất cứng cáp và bao bọc; những con chuột xạ, thỏ, và sóc non ướt nhẹp trôi tuột ra diện kiến mặt trời, kêu ử ử trong khi mắt vẫn còn nhắm; và ở mọi nơi mọi chỗ những tế bào mọng nước phân chia và phình to, phình to và phân chia. Tôi có thể ưa điều này và gọi nó là sự sanh nở và tái tạo, hoặc tôi có thể đưa ra một ý kiến trái chiều và gọi nó là sự sinh sôi hôi hám – và nói rằng nó chính là địa ngục đang sục sôi.

Đó là điều tôi sẽ làm. Một phần do giấc mộng kinh hãi kia, gần đây tôi nghĩ rằng bức tranh thế giới tinh xảo mà tôi vốn yêu quý hóa ra lại bất cân xứng và không hề đẹp đẽ như tôi tưởng. Nó quá lạc quan. Ý tưởng về sự đa dạng bất tận của các chi tiết và tính phức tạp trong hình dáng của sự sống là một ý tưởng dễ chịu; trong phức tạp ẩn chứa vẻ đẹp, và trong sự đa dạng là hào phóng và dồi dào. Nhưng tất cả những điều này vứt bỏ một yếu tố quan trọng ra khỏi bức tranh. Thứ tôi nhìn thấy không phải chỉ là một con bướm chúa, mà là một ngàn. Bản thân tôi không phải một, mà là nhiều. Và rồi tất cả chúng ta đều sẽ chết.

Sự sinh sôi và phát triển, những điều ta coi trọng, thật ra lại bạt ngàn và mù quáng, rằng sự sống bản thân nó thật rẻ mạt đến choáng váng, rằng thiên nhiên vừa giàu có nhưng cũng vô tâm không kém, và rằng sự giàu có của nó cũng đi kèm một sự hoang phí không tưởng mà đến một ngày sẽ nuốt trọn cả những sinh mạng rẻ tiền của chính ta.

Trong sự lặp đi lặp lại của các cá thể này là một sự bập bẹ vô thức, một sự bất di bất dịch ngu xuẩn mà ta cần phải nghĩ đến. Cội nguồn đằng sau toàn bộ sự sinh sôi này là một áp lực khủng khiếp tôi cũng cần cân nhắc, áp lực của sinh sôi và phát triển, áp lực mà nặn ra quả trứng và tách vỏ con nhộng, áp lực đói khát và thèm muốn và đẩy sự sống một cách không khoan nhượng đến gần hơn cái chết của chính nó. Bởi vậy, sự sinh sôi là thứ vẫn ám ảnh trong suy nghĩ của tôi, sự sinh sôi và áp lực của phát triển. Sinh sôi là một từ xấu xí cho một chủ đề xấu xí. Nó xấu xí, ít nhất là trong thế giới đầy trứng của động vật. Tôi không nghĩ nó (xấu xí) như vậy trong trường hợp của cây cỏ.

§

Tôi chưa bao giờ gặp một ai bị tác động mạnh mẽ bởi một thảo nguyên đầy những lá cỏ y hệt nhau. Một mẫu đầy hoa anh túc hay một rừng cây tùng không làm tâm trí ai rúng động cả. Thậm chí cả đến mười dặm vuông đầy lúa mì cũng làm hầu hết mọi người cảm thấy ấm áp, mặc dù kỳ thực thì nó cũng bất tự nhiên và kỳ quặc như là quái vật của Frankenstein vậy; tôi có đọc được rằng, nếu loài người mà chết đi, lúa mì sẽ không sống nổi quá ba năm. Không phải vậy, trong thế giới thực vật, và đặc biệt là đối với các loài cây có hoa, sự sinh sôi không có ảnh hưởng gì đến những giá trị của con người. Thực vật không phải là loài cạnh tranh với ta; chúng cho ta cái ăn và cho ta mái ấm. Chúng ta không phiền muộn gì khi thấy chúng sinh sôi nảy nở, cũng như loài cú chứng kiến sự bùng nổ dân số của quần thể chuột đồng.

Sau trận lũ năm ngoái tôi tìm thấy một cành cây tulip4 lớn bị gió thổi vào Tinker Creek. Dòng nước đã kéo nó lên vài tảng đá trên bờ, và rồi nước rút đi để nó mắc kẹt ở lại. Một tháng sau cơn lũ, tôi phát hiện ra là nó đang mọc lá mới. Cả hai đầu cành cây đều lộ thiên và khô khốc hoàn toàn. Tôi kinh ngạc. Cứ như câu chuyện cũ về cái xác mọc râu, hay như là đống gỗ trong ga-ra của tôi đột ngột hóa thành những cành lá xanh tươi vậy. Cái cách mà cây cỏ trường tồn trong cả những tình cảnh khốn cùng nhất thật sự khiến ta nức lòng. Một cách vô thức, tôi khó lòng mà không trao cho chúng một ý chí kiên cường, một thứ dũng khí hành-động-hay-là-chết, và tôi phải tự nhắc bản thân rằng những tế bào đã được lập trình sẵn và áp lực nước lặng câm không hề biết rằng chúng đang thách thức số mệnh như thế nào.

Để lấy ví dụ thì, ở dưới hạ lưu sông Bronx5, người ta đã tìm thấy một cây thanh thất (ailanthus) dài mười lăm feet (khoảng 7 mét) mọc từ một góc mái ga-ra. Nó đã đâm rễ sâu và sống bằng “bụi và tro lợp mái nhà.” Đáng kinh ngạc hơn nữa là một loài cây sa mạc, Ibervillea sonorae – một thành viên họ bầu bí – mà Joseph Wood Krutch đã miêu tả. Nếu bạn bắt gặp loài cây này nơi hoang mạc, bạn sẽ chỉ thấy một khúc gỗ khô. Nó chẳng có rễ lẫn thân; nó như một nút dây thừng cũ kỹ và xám xịt. Nhưng nó thật sự đang sống. Mỗi năm, trước khi mùa mưa đến, cái cây gửi ra vài cái rễ và mầm do thám. Nếu mưa đến, nó đơm hoa kết trái; những thành phẩm này rồi cũng sớm héo tàn, và cái cây lại quay trở về tồn tại lặng im như khúc gỗ trôi sông.

Vườn thực vật New York đã từng đem một mẫu vật Ibervillea sonorae ra trưng bày trong một cái lồng kính. “Trong vòng bảy năm,” Joseph Wood Krutch nói, “không có đất hay nước, chỉ nằm trong lồng thôi, nó gửi ra vài mầm non hy vọng, và rồi, khi không có cơn mưa nào tới, nó lại khô héo, mong năm sau sẽ gặp may.” Đó là cái tôi gọi là thách thức số mệnh.

(Thật khó để hiểu tại sao chẳng có ai ở vườn Thực vật New York đủ tốt bụng để vẩy ít nước lên cái cây tội nghiệp. Như vậy thì họ có thể viết lên trên nhãn lồng kính là, “Đây là một cái cây sống.” Nhưng đến năm thứ tám thì họ có trong tay một cái cây chết, chính xác như vẻ ngoài của nó trong từng ấy năm. Cảnh tượng cái xác khô của nó, được xác nhận bằng cái bảng tên “Tiêu bản Ibervillea sonorae chết,” chắc nom buồn với khách thăm quan lắm. Tôi đoán là họ đã vứt nó đi.)

Áp lực phát triển của thực vật có thể thực hiện nhiều màn biểu diễn ấn tượng. Tre có thể mọc dài thêm một mét trong vòng hai mươi bốn giờ, một thành tựu đã đi vào huyền thoại trong một màn tra tấn Á châu6 khủng khiếp: người ta trói một kẻ xấu số vào một tấm lưới treo chỉ một thước phía trên một cụm tre khỏe mạnh, đầu đã vót nhọn. Trong vòng bốn canh giờ đầu, hắn vẫn hoàn toàn ổn, chỉ hơi bồn chồn; sau đó thì cơ thể hắn bắt đầu biến thành cái rổ, từng chút một.

Còn ở phần rễ, sự sinh trưởng mù quáng đạt đến những con số đáng kinh ngạc. Theo như tôi biết, chỉ có một thí nghiệm duy nhất đã từng được thực hiện để xác định quy mô và tốc độ mọc của rễ cây, và khi nhìn vào số liệu thu thập được, bạn sẽ hiểu lý do tại sao. Tôi đã bắt gặp nhiều chuyện kể về thí nghiệm này, và thứ duy nhất họ không hé lộ là con số bao nhiêu trợ lý phòng thí nghiệm đã bị mù cả đời.

Những người thí nghiệm quan sát độc một cá thể thuộc loài lúa mạch đen mùa đông. Họ để nó phát triển trong nhà kính trong vòng bốn tháng; rồi họ nhẹ nhàng phủi đi lớp đất – dưới kính hiển vi, tôi tưởng tượng vậy – và đếm và đo hết rễ và rễ con. Trong vòng bốn tháng, rễ của cái cây này đã mọc dài ra 378 dặm – tức là khoảng 3 dặm một ngày – chia cho 14 triệu cái rễ riêng biệt. Điều này vô cùng ấn tượng, nhưng đến khi họ tính đến cả rễ con, tôi choáng váng hoàn toàn. Cũng trong bốn tháng đó, cây lúa mạch đen đã tạo ra 14 tỷ rễ con, và những cái rễ con con đó nối lại với nhau dài như vô tận. Trong hơn 16 milimét khối đất, độ dài các rễ con tổng cộng là 6000 dặm.

Minh họa về độ sâu và lan tỏa của rễ cây.
Trong nhiều trường hợp các cây lâu năm, phần rễ dưới đất lan rộng và sâu hơn phần nhìn thấy được trên mặt đất rất nhiều. Nguồn: Wikimedia.

Các loài thực vật dùng sức nước để bẩy đất đá vòng quanh, tựa như chúng chỉ đang lắc cho rơi một manh áo choàng lụa. Rutherford Platt kể về một cái cây lạc diệp tùng (larch) có bộ rễ đã bổ đôi một tảng đá nặng một-tấn-rưỡi và nhấc bổng nó lên không nửa mét. Ai ai cũng biết cách mà rễ loài sung vặn méo vỉa hè, cách một cây nấm làm bể tan nền tầng hầm xây bằng bê tông. Nhưng khi số liệu đo lường đầu tiên về áp lực kinh sợ này được ghi nhận, không ai có thể tin những con số đó.

Rutherford Platt kể lại câu chuyện này trong cuốn The Great American Forest (Tạm dịch: Rừng Mỹ vĩ đại), một trong những cuốn sách thú vị nhất từng được viết:

Năm 1875, một nông dân ở bang Massachusetts, tò mò về lực tạo ra bởi những trái táo, trái dưa, trái bí đang phát triển, đã lắp lên một quả bí một thiết bị cẩu trọng, với một bàn quay như cân hàng chợ để xác định áp lực tạo ra bởi trái cây đang nở phồng. Ngày ngày trôi đi và ông ta tiếp tục chất thêm đối trọng lên bàn cân; ông không tin nổi mắt mình khi nhìn thấy trái bí của mình lặng lẽ tạo ra một lực nâng gần 5 ngàn pound trên một inch vuông (hay là hơn 350kg trên một cm vuông). Khi mà không ai tin lời ông, ông đem trưng bày quả bí và mời dân chúng đến thưởng lãm. Báo cáo Hằng năm của Ban Nông nghiệp Massachusetts, công bố năm 1875, viết như sau: “Hàng ngàn người, đàn ông, phụ nữ, trẻ nhỏ thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội đã đến mục sở thị. Ông Penlow quan sát nó ngày đêm, cứ mỗi giờ lại ghi chép lại các số đo; Giáo sư Parker đã xúc động đến mức đặt bút viết một áng thơ về nó; Giáo sư Seelye khẳng định rằng ngài hoàn toàn kính nể nó.”

Hết thảy thật vui vẻ. Với tôi, trừ phi bị trói chặt phía trên một búi tre vót nhọn, tôi khó mà cảm thấy bất cứ vấn đề gì dù với áp lực sinh trưởng của loài thực vật hay là sự sinh sôi của chúng. Kể cả khi chúng có ngáng đường “văn minh” của nhân loại, tôi cũng không phiền. Khi đọc về việc một thành phố như New York phải chi bao nhiêu ngàn đô-la để ngăn các ống nước dưới lòng đất khỏi bị phá hỏng bởi các rễ cây thanh thất, cây bạch quả, cây sung, tôi khó mà không khỏi hân hoan một chút. Dù sao thì, ống nước vẫn là một nguồn nước tuyệt vời. Giữa chốn đô thị, nơi mà tài xoay xở tháo vát và khả năng đi ngược lại hệ thống luôn được đánh giá cao, những cái cây nguyên thủy này có thể chống lại chính quyền và thắng cuộc.

Nhưng trong thế giới động vật, mọi chuyện lại khác, và cảm xúc con người cũng khác. Cũng ở New York, hãy nghĩ đến lũ gián dưới giường và lũ chuột cống sáng sớm quây quần trên hiên nhà. Các tòa nhà chung cư là những ổ đầy gián. Hoặc thế này: theo một cách bạn có thể nghĩ về Manhattan như vùng bất động sản cao tầng và cao giá; theo một cách khác thì bạn có thể coi nó như một cái ổ sinh sôi nảy nở khổng lồ cho chuột, hết hecta này đến hecta kia nhung nhúc chuột. Tôi cho rằng lũ gián thực ra lại không gây hại nhiều như những cái rễ; dù sao chăng nữa, cảnh tượng này thật khó gây vui vẻ. Sự sinh sôi chỉ kinh tởm ở loài động vật. Bản thân câu “Hết hecta này đến hecta kia toàn chuột” sở hữu một âm thanh rợn người phù hợp với cảnh tượng nó mô tả, mà rõ ràng là không có khi tôi nói là “hết hecta này đến hecta kia toàn hoa tulip.”

§

Giang sơn Trái đất lấm tấm quệt đầy những cá thể sinh vật giống nhau y hệt, từ những đàn thú Canh Tân vĩ đại đã phủ kín thảo nguyên, đến những khối vi khuẩn dinh dính bịt kín các nang phổi. Những dải đại đương nơi bắt cặp của loài hải âu cũng nhộn nhịp và đông đúc như bất kỳ thành thị Calcutta7 nào của nhân loại. Chuột lemmings phủ kín mặt đất và châu chấu tô đen không trung. Cá grunion dầy đặc biển cả, những rặng san hô chồng chất, và các loài đơn bào phun trào trong một trận thủy triều đỏ. Kiến cất cánh bay lên thành đàn, loài phù du nở từ hàng triệu trứng, và những con ve lột xác phủ đầy các thân cây. Bạn đã nhìn thấy những con sông chảy đỏ lổn nhổn cá hồi chưa?

Đàn bò rừng (bison). Các quần thể bò rừng châu Mỹ đã từng rất đông đảo cho đến khi con người đặt chân đến lục địa này. Nay có nhiều động thái để bảo tồn loài này. Nguồn: Flickr.
Đàn bò rừng (bison). Các quần thể bò rừng châu Mỹ đã từng rất đông đảo cho đến khi con người đặt chân đến Thế giới Mới. Nay có nhiều động thái để bảo tồn loài này. Nguồn: Flickr.

Hãy cân nhắc đến loài hàu tầm thường, thứ hàu bám trên đá. Bên trong từng cái côn cứng màu trắng trên những tảng đá đó – mà cọ nhẹ vào gót chân khi ta nhón qua – chứa một sinh vật dĩ nhiên cũng đang sống, đang sống y như tôi hay bạn. Việc của nó ở đời là: mỗi khi có một cơn sóng phủ lên đầu, nó nhè ra mười hai chi phụ chuyên dùng để ăn và lọc lấy giáp xác để có thức ăn. Càng lớn, nó thoát xác như loài tôm hùm, làm lớn vỏ của nó, và sinh sôi không biết điểm dừng. Những con ấu trùng “được ấp trong lòng biển cả trong những đám mây đục sữa.” Những con hàu cặn trên một nửa dặm bờ biển có thể rỉ ra dòng nước một triệu triệu ấu trùng. Như thế thì bằng bao nhiêu miếng của miệng người? Trong nước biển chúng lớn lên, lột xác, thay đổi hình dáng, và dần dà, sau vài tháng, định cư trên đá, trở thành cá thể trưởng thành, và xây vỏ. Bên trong những chiếc vỏ chúng phải lột bỏ lớp da cũ. Rachel Carson8 tìm thấy chúng luôn hồi; bà nói lại: “Gần như mỗi vốc nước tôi mang lên từ bờ đều lốm đốm những vật nhỏ trắng, phần nào trong suốt… Dưới kính hiển vi, toàn bộ các chi tiết cấu trúc đều được thể hiện hoàn hảo… Trong những bản sao nhỏ tựa giấy bóng kính này tôi có thể đếm được các khớp chi; kể cả những cái lông cứng, mọc ra ở phần gốc của các khớp, có vẻ như cũng đã tuột ra khỏi khuôn của chúng.” Tổng cộng, hàu đá có thể sống bốn năm.

Ý của tôi muốn nói về lũ hàu đá là con số triệu triệu ấu trùng “trong những đám mây đục sữa” và những mảnh da lốm đốm đó. Nước đại dương bỗng dưng chẳng có gì khác ngoài một nồi súp hàu. Tôi có thể ảo tưởng rằng một triệu triệu em bé là có thật hơn lũ hàu không?9

Bạn đã nhìn thấy những con sông chảy đỏ lổn nhổn cá hồi chưa?

Tôi đã nhìn thấy bụng của con bọ ngựa tuôn ra những quả trứng như những viên trân châu ươn ướt dính trên một cái gai. Tôi đã xem một thước phim quay một con mối chúa to bằng mặt tôi, trắng bệch như thần chết và không có hình thù gì, loang loáng chất nhầy, rung đập và bơm ra một suối những quả trứng như những địa cầu tí hon. Những con mối thợ, nom như nhân viên cảng biển dỡ hàng khỏi tàu Nữ hoàng Mary, liếm từng quả trứng để ngăn ngừa nấm mốc với tốc độ nhanh nhất có thể. Toàn bộ thế gian là một ổ ấp trứng nhiều không đếm xuể, từng quả trứng đều được lập trình chi tiết và sẵn sàng bung nở.

Quả trứng của loài ruồi ký sinh chalcid, một loài ruồi nhỏ thông thường, có thể nhân lên mà không cần hỗ trợ gì, tạo ra muôn vàn quả trứng y hệt nó. Con cái để lại một quả trứng đã thụ tinh duy nhất trong mô mềm của vật chủ, và quả trứng đó cứ thế phân chia và phân chia. Có thể có tới 2000 con ruồi ký sinh mới sẽ nở ra, đói khát và gặm nhấm thân thể của vật chủ. Tương tự như vậy – và thậm chí còn hơn thế – Edwin Way Teale viết rằng một con rệp độc nhất, không có bạn tình, nếu sinh sôi trong vòng một năm và “không bị ai can thiệp,” sẽ sản sinh ra số lượng rệp nhiều đến mức, mặc dù mỗi cá thể chỉ dài một phần mười inch (khoảng 2,5mm), khi nối lại với nhau chúng sẽ kéo dài 2500 năm ánh sáng. Thậm chí một con cá vàng trung bình cũng đẻ ra 5000 quả trứng, và sẽ đẻ đến đâu ăn luôn đến đó, nếu được cho phép. Người quản lý bán hàng của Ozark Fisheries ở Missouri, nơi gây giống cá vàng thương mại cho những người như tôi, nói, “Chúng tôi sản xuất, đo đếm, và bán sản phẩm với số lượng tính bằng tấn.” Hình ảnh loài cá vàng và rệp cây nhân lên gấp đôi gấp vạn, vô thức, tính bằng đơn vị những tấn và những năm ánh sáng, đó không còn chỉ là sự xa xỉ nữa; đó là hủy diệt, là châm biếm, là tham lam.

Áp lực sinh trưởng trong thế giới động vật là một cơn đói khủng khiếp. Một tỷ sinh vật đó phải ăn nhằm có đủ nhiên liệu để đạt đến tuổi trưởng thành, sao cho chúng có thể bơm ra nhiều tỷ trứng nữa. Và lũ cá trên giường, hay bọ ngựa trong lọ thủy tinh thì sẽ ăn gì đây, ngoại trừ là lẫn nhau? Có một sự ngây thơ đáng sợ trong thế giới vô tri của những loài động vật bậc thấp hơn, tối giản sự sống ở đó xuống thành một cơn đói thống trị hết thảy. Edwin Way Teale, trong cuốn The Strange Lives of Familiar Insects (tạm dịch: Cuộc đời kỳ lạ của những loài côn trùng quen thuộc) – một cuốn sách tôi không thể sống thiếu – có miêu tả lại vài bữa ăn diễn ra dưới áp lực của một cơn đói không có điểm dừng.

Ví dụ như, ấu trùng của loài chuồn chuồn mò mẫm dưới đáy những con lạch và hồ nước, tìm kiếm mồi sống để gài bẫy với cái môi có móc của nó. Ấu trùng chuồn chuồn ăn không biết no và vô cùng khỏe. Chúng gắp lấy và nuốt chửng những con cá nhỏ và nòng nọc béo bở. “Thậm chí đã có người chứng kiến,” Teale nói, “một con ấu trùng chuồn chuồn bò ra khỏi nước, leo lên cây để tấn công một con chuồn chuồn mới thoát xác từ trong vỏ nhộng của nó, mềm nhũn và nhăn nheo.” Đây có phải là nơi tôi đặt ra ranh giới?

Khi động đến sinh vật mẹ và con cái của chúng thì sự ăn uống tiêu thụ này mới mang những âm hưởng thực sự rợn gáy. Nhìn vào loài lacewing mà xem. Lacewing là những con côn trùng mong manh màu xanh với những cặp cánh lớn và trong suốt. Ấu trùng của loài này tiêu thụ một số lượng rệp khổng lồ; những con trưởng thành giao phối trong một cơn bão bản năng phấp phới, đẻ trứng, và rồi hàng triệu con chết đi khi đợt gió lạnh đầu thu ập đến. Thi thoảng, khi một con lacewing cái đang đẻ những quả trứng được thụ tinh trên một thân cỏ mảnh mai, nàng đói. Nàng dừng việc, quay lại, và ăn từng quả trứng vừa đẻ ra, rồi đẻ thêm một ít, và ăn thêm cả chúng nữa.

Mọi thứ đều có thể xảy ra, và mọi thứ đều xảy ra; tất cả có ý nghĩa gì? Valerie Eliot, góa phụ của T. S. Eliot10, đã viết trong một lá thư tới tờ London Times: “Chồng tôi, T. S. Eliot, rất thích kể lại chuyện một đêm muộn nọ ông huýt một chiếc taxi. Lúc trèo vào xe người lái nói: ‘Ông là T. S. Eliot.’ Khi được hỏi làm sao mà ông ta nhận ra, người tài xế đáp lại: ‘À, tôi có mắt nhìn người nổi tiếng lắm. Vừa đêm trước tôi đón Bertrand Russell11, và tôi nói với ông ta, “Ngài Russell à, tất cả có ý nghĩa gì thế,” và, ông có biết không, ông ấy cũng không thể trả lời tôi.’” Chúa Trời ơi, nàng lacewing nhỏ bé hấp hối hỏi, với cặp càng ướt mọng thứ dịch nhầy tiết ra bởi chính ống sinh của mình, tất cả là có ý nghĩa gì thế?12

§

Mặc dù việc mẹ ăn con rõ ràng vô lý hơn, bằng một cách nào đó điều ngược lại lại gây khiếp đảm hơn. Với cái chết của bậc cha mẹ bởi chính cặp hàm của đứa con, tôi nhận ra một vở kịch vốn vẫn luôn tồn tại, mà sự việc hy hữu này đơn giản là đã phóng to lên để tôi có thể nhìn thấy hết thảy dàn diễn viên cùng một lúc. Ví dụ như Gall gnat là một loài ruồi nhỏ thông thường. Theo Teale, thi thoảng một ấu trùng ruồi, nom không hề có nét nào giống cá thể trưởng thành, và chắc chắn là chưa hề giao phối, vẫn có thể tự sản xuất trứng trong cơ thể của mình. Những quả trứng này sống và sẽ nở ngay trong các mô mềm của nó. Thi thoảng những quả trứng nở ra ngay trong thân thể bình lặng của con nhộng ruồi. Sự việc đáng kinh ngạc này cũng xảy ra ở chi Miastor, một lần nữa ở cả ấu trùng và nhộng. “Những quả trứng này nở ra ngay trong cơ thể của chúng và những con ấu trùng háu đói chui ra sẽ ngay tức thì ăn tươi nuốt sống cha mẹ của chúng.” Trong trường hợp này, tôi biết tất cả có ý nghĩa gì, và tôi ước gì tôi đã không biết. Cha mẹ chết đi, thế hệ tiếp theo sống, ad majorem gloriam13, và mọi chuyện cứ thế tiếp diễn.

Bạn là một con ong bắp cày icheneumon. Bạn đã giao phối và những quả trứng của bạn đã được thụ tinh. Nếu bạn không thể tìm thấy một con sâu bướm để đẻ trứng lên người nó, con nhỏ của bạn sẽ chết đói. Khi những quả trứng nở, con non sẽ nuốt gọn bất cứ thân thể nào đang bao bọc chúng, vì vậy nếu bạn không giết chúng bằng cách rải rác chúng khắp nơi, chúng sẽ nuốt sống chính bạn. Nhưng nếu bạn thả chúng rơi trên những cánh đồng, chính bạn cũng sẽ chết, chết vì tuổi già, thậm chí trước cả khi chúng có thể nở để mà chết đói, và toàn bộ vở kịch sẽ hạ màn kết thúc, và quả là một tấn bi kịch. Bạn cảm nhận được lũ trứng trong bụng đang lớn dần, và lớn dần, và bạn khó nhọc lắm mới có thể cất cánh bay lên…

Điều này không có nghĩa là con ong icheneumon đang đưa ra một quyết định có ý thức. Nếu đúng là như thế, tình cảnh của nàng ong này thực là một tấn bi kịch; Aeschylus14 chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa hơn loài icheneumon. Phải nói là, đây sẽ chỉ là một câu chuyện bi đát thực thụ nếu Aechylus và tôi có thể thuyết phục bạn rằng loài icheneumon đích thực đang sống như chúng ta đang sống, và chuyện xảy đến với nó là có quan trọng. Bạn sẽ tin tôi chứ?

Sau đây là một câu chuyện cuối cùng. Nó cho thấy là áp lực sinh trưởng nhiều khi chệch hướng. Loài ngài chuyên ăn áo quần – sâu của nó thì ăn sợi len – thi thoảng dấn vào một cơn thoát xác điên cuồng mà Teale miêu tả là “kỳ lạ.” “Hành động của một con ấu trùng ngài không có đủ thức ăn là một mâu thuẫn kỳ lạ. Nó thi thoảng đâm đầu vào một cơn “lột xác điên cuồng,” thay đổi lớp xác của nó nhiều lần và trở nên nhỏ hơn và nhỏ hơn.” Nhỏ hơn và nhỏ hơn… bạn có thể tưởng tượng cơn cuồng điên này không? Gửi áo len đến đâu đây để ủng hộ lũ sâu khốn khổ? Quá trình thu nhỏ này, trong tưởng tượng, có thể kéo dài đến vô tận, khi mà sinh vật này hoảng loạn co rút và co lại xuống kích thước của một nguyên tử, rồi một electron, nhưng không bao giờ có thể trở thành hư vô tuyệt đối và chấm dứt cơn đói cồn cào của nó. Tôi cảm thấy như Ezra15: “Và rồi khi tôi nghe chuyện, tôi xé rách áo, rứt đứt râu và tóc trên đầu, và ngồi xuống thẫn thờ.”

§

Tôi sẽ không lừa được ai cả, nếu tôi giả vờ rằng áp lực to lớn để ăn và để sinh sôi này là hoàn toàn khó hiểu. Số triệu triệu ấu trùng hàu trong một nửa dặm nước bờ biển, những dòng suối trứng mối, và những năm ánh sáng đầy rệp đảm bảo sự tồn tại có thể tiếp tục được duy trì của nhiều hơn nữa những hàu đá, những mối, và những rệp, trong một thế giới chẳng hề bận tâm.

Thế giới ngoài kia khó đoán lắm. Ốc biển (dog whelk) ăn hàu đá, những con giun xâm lấn vỏ của hàu, băng giá của biển quét hàu ra khỏi những tảng đá và nghiền nát chúng thành bột. Rệp ơi, ngươi có thể đẻ trứng nhanh hơn lũ gà con đang ăn chúng không? Ong có thể tìm thấy một con sâu hay không, có thể thắng lại cơn giá đông giết chóc không?

Châu chấu thành đàn càn quét tại Tây Sahara. Nguồn: Wikimedia.

Đối với các loài động vật cấp thấp hơn, nếu chúng có một cuộc đời đơn giản, khả năng cao là chúng sẽ đối mặt với một cái chết chán ngắt. Vài loài động vật, tuy vậy, sống những cuộc đời phức tạp, đến mức mà không chỉ khả năng một cá thể có thể chết vào bất kỳ thời điểm nào đều tăng lên gấp bội, mà cái chết dành cho nó cũng đa dạng hơn. Một số loài động vật phải trải qua những khó khăn gian lao đến độ phi lý. Chẳng hạn như loài giun tóc ngựa trong cái hồ vịt, bơi lội ngọ nguậy yên bình gần mặt nước, lại chính là kẻ sống sót sau một chuỗi những cuộc trốn thoát ngoạn mục đến gần như bất khả thi. Tôi đã nghiên cứu chút ít về vòng đời của những con giun này, vốn có dáng hình y chang những sợi lông trên đuôi loài ngựa, và học được rằng mặc dù các nhà khoa học không chắc chắn rằng chuyện gì xảy ra với một loài nhất định trong số chúng (các loài giun tóc ngựa), họ nghĩ rằng vòng đời của nó có thể diễn ra như thế này:

Đầu tiên ta có những dải trứng dài cuộn quanh cây cỏ trong hồ vịt. Những quả trứng nở, ấu trùng chui ra, và mỗi con đều đi tìm một vật chủ sống dưới nước, một ấu trùng chuồn chuồn chẳng hạn. Ấu trùng đào sâu vào cơ thể của vật chủ, nơi mà nó ăn và lớn lên và bằng cách nào đó thoát ra. Rồi nếu nó không bị ăn thịt, nó bơi đến bờ, nơi nó chui vào các nang đính trên những thân cây thủy cư. Tất cả những điều này tương đối khó xảy ra, nhưng không đến mức bất khả thi.

Giờ thì những sự trùng hợp bắt đầu. Đầu tiên, mực nước của hồ vịt phải hạ xuống. Điều này khiến các thân cây lộ ra, hòng để vật chủ trên cạn có thể tiếp xúc với những con giun mà không đuối nước. Giun tóc ngựa có nhiều vật chủ trên cạn, ví dụ như dế, bọ cánh cứng, và châu chấu. Giả sử chú giun của chúng ta chỉ có thể sống sót nếu một con châu chấu xuất hiện. Rồi. Nhưng châu chấu tốt hơn hết là phải nhanh chân, bởi vì nang giun chỉ dự trữ một lượng chất béo nhất định mà thôi, và nếu không gặp được châu chấu sớm thì nó có thể chết đói mất. Và giờ chúng ta nhìn thấy đúng loài châu chấu ta cần, đang ăn cây cỏ bên bờ nước. Tôi chưa từng nhìn thấy một con châu chấu nào ăn cỏ với quy mô rộng bên bờ nước, nhưng rõ ràng là việc này phải xảy ra. Và bingo, chú châu chấu này bỗng dưng lại ăn phải đúng nang có chứa giun.

Cái nang vỡ. Con giun chui ra với toàn bộ chiều dài khiếp đảm của nó, có thể lên tới ba mươi sáu inch (khoảng gần 1m), ngay trong cơ thể của châu chấu, thứ mà nó sẽ ăn. Tôi mặc định rằng con giun phải tiêu hóa vật chủ của nó, đủ để sống sót, nhưng không nhiều đến mức con châu chấu lăn ra chết ở nơi cách xa nguồn nước. Các nhà côn trùng học đã tìm thấy nhiều xác bọ hổ đã chết hay đang giãy chết cạnh bờ nước, bên trong gần như trống rỗng hoàn toàn, ngoại trừ cơ thể giun tóc ngựa trắng bệch và cuộn xoắn. Dù sao chăng nữa, giờ thì giun đã sắp trưởng thành và sẵn sàng sinh sản. Nhưng đầu tiên thì nó cần phải thoát ra khỏi con châu chấu này đã.

Các nhà sinh học không rõ chuyện gì xảy ra tiếp theo. Nếu ở giai đoạn sống còn này mà châu chấu lại đang nhảy múa trên một đồng cỏ rực nắng cách xa hồ vịt hay kênh rạch, một điều hoàn toàn khả thi, thì câu chuyện của chúng ta kết thúc. Nhưng giả dụ là nó lại đang kiếm ăn gần hồ vịt. Con giun có thể tự đào đường ra khỏi cơ thể châu chấu, hoặc có thể ra ngoài theo đường bài tiết. Dù sao chăng nữa, giờ nó ở đó, nằm trên cỏ, khô héo dần. Giờ thì một vài nhà sinh học phải viện đến cả việc sẽ có một “cơn mưa nặng hạt,” rơi xuống từ trời cao vào thời khắc trời phú này, nhằm đem giun tóc ngựa trở về với nước, nơi nó có thể giao phối và tạo ra thêm những quả trứng cũng rồi cũng có số mệnh như nó. (Nếu là bạn thì) bạn cũng sẽ gầy nhom (như giun tóc ngựa) thôi.

Những loài sinh vật khác cũng sống những cuộc đời “dễ dàng” tầm tầm như vậy. Một con sán lá máu khởi đầu cuộc đời nó dưới dạng một quả trứng trong phân người. Nếu nó rơi đúng vào nguồn nước ngọt, nó sẽ sống chỉ khi gặp được một loài ốc sên nhất định. Nó thay hình đổi xác bên trong ốc sên, bơi ra, và giờ cần phải tìm một con người đang lội nước để có thể đào qua da để chui vào cơ thể của anh ta. Nó du hành trong máu của ảnh, an cư trong mạch máu ruột, và biến thành một con sán lá máu trưởng thành. Giờ thì nó phải đi tìm một con sán khác, có giới tính đối lập, một con sán khác cũng đã tình cờ đi đúng hành trình vòng vèo này và đậu lại ở đúng mạch máu ruột của người đàn ông xấu số. Những loài sán khác cũng có những cuộc đời khó tin như thế, một số còn có tới bốn vật chủ khác nhau.

Nhưng tôi để dành sự ngưỡng mộ cao nhất cho loài hàu cổ ngỗng. Gần đây tôi nhìn thấy vài tấm ảnh được chụp bởi thành viên của cuộc chinh thám Ra. Một trong số những bức ảnh ấy chụp một tảng hắc ín lớn bằng quả bóng mềm, trôi nổi từ một chiếc thuyền khác, được Heyerdahl16 và thủy thủ phát hiện ra giữa Đại Tây Dương. Cục hắc ín đã ở ngoài biển một thời gian dài; nó phủ đầy hàu cổ ngỗng. Những con hàu hoàn toàn chỉ là sự tình cờ, nhưng đối với tôi chúng là phần thú vị nhất trong toàn bộ cuộc trinh thám. Với mỗi cá thể hàu tìm thấy được một tảng hắc ín để mà bám chặt vào, có bao nhiêu ấu trùng hàu cổ ngỗng ở ngoài kia đã và đang chết giữa biển khơi mênh mông? Người ta từng thấy hàu cổ ngỗng trôi dạt lên bờ; chúng sống trên gỗ của những con thuyền cũ kỹ, trên gỗ trôi dòng, những dải cao su – bất kỳ thứ gì chìm nổi ngoài biển đủ lâu. Chúng không hề giống hàu đá tí nào, mặc dù hai loài có họ hàng gần. Chúng có những chiếc vỏ hồng hồng hình oval dẹp, kéo ra từ một mẩu mô “cổ ngỗng” mềm dẻo mà gắn kết chúng với thứ mà chúng bám chặt lên.

Từ trước đến giờ tôi vẫn có chút thích thú với những sinh vật này, nhưng tôi vẫn luôn đinh ninh là chúng sống gần những bờ biển, nơi chúng có thể tìm thấy những mái ấm trôi nổi dễ dàng hơn. Chúng đang làm gì vậy – lũ ấu trùng đang làm gì vậy – giữa đại dương mênh mông ngoài kia? Chúng trôi dạt và chết đi, hoặc, bằng một sự trùng hợp kinh ngạc trong một thế giới nơi điều gì cũng có thể xảy ra, chúng bám trụ lại (lên một vật nào đó) và sinh sôi. Nếu tôi để cánh tay mình từ mạn thuyền Ra xuống lòng biển, liệu một chú hàu cổ ngỗng có bám lại trên tay tôi không? Nếu tôi múc lên một cốc nước biển, có phải là trong chiếc cốc ấy đang chứa một chục ấu trùng sò đã và đang chết hay không? Tôi có nên giúp chúng không? Thế giới này kiểu gì thế? Tại sao không tạo ra ít ấu trùng hàu hơn, và cho chúng một cơ hội sống đàng hoàng? Chúng ta đang ban phát sự sống, hay cái chết?

§

Tôi phải nhìn lại hành tinh xanh một lần nữa. Nghĩ mà xem: trong tất cả những thiên thể sạch sẽ đẹp đẽ của hệ mặt trời, hành tinh của chúng ta là vết nhơ độc nhất; độc nhất hành tinh của chúng ta có sự chết chóc. Tôi phải công nhận đại dương là một bể đầy cái chết và đất liền là một bệ thờ nhuốm máu. Chúng ta, những sinh vật sống, là những kẻ sống sót quây quần trên những mảnh vỡ trôi dạt. Chúng ta là những kẻ trốn thoát. Chúng ta thức dậy trong kinh hoàng, ăn trong cơn đói, ngủ với một miệng đầy máu.

Cái chết xảy ra càng nhanh, tiến hóa vận động càng nhanh. Nếu một con rệp đẻ ra một triệu quả trứng, vài quả có thể sống sót. Giờ thì, hai bàn tay của tôi, với tất cả sự khéo léo của con người, không bao giờ có thể tạo ra một con rệp dù cố gắng trong một ngàn năm. Nhưng những quả trứng đó – ba đồng một mớ, gần như miễn phí hoàn toàn – có thể tạo ra nhiều con rệp dễ dàng như biển cả tạo ra sóng vỗ vậy. Những điều tuyệt vời, lại thật phí hoài. Thực là một hệ thống khốn kiếp.

Số triệu triệu ấu trùng hàu trong một nửa dặm nước bờ biển, những dòng suối trứng mối, và những năm ánh sáng đầy rệp đảm bảo sự tồn tại có thể tiếp tục được duy trì của nhiều hơn nữa những hàu đá, những mối, và những rệp.

Bất kỳ đứa trẻ ba tuổi nào cũng có thể thấy được tính kém hiệu quả của việc này, sinh ra rồi chết đi, tính bằng đơn vị hàng tấn hàng tỷ. Chúng ta chưa gặp được vị chúa nào khoan dung như một người đàn ông lật một chú bọ rùa khổ sở trở lại đứng trên sáu cái chân của nó. Chẳng có một giống người nào trên Trái đất lại phũ phàng như loài bọ ngựa cả. Nhưng khoan đã, chúng ta vẫn nói rằng, trong tự nhiên thì không có đúng có sai; sai và đúng là một ý tưởng do con người tạo ra. Chính xác: chúng ta là những thực thể đạo đức, vậy, sống trong một thế giới phi đạo đức. Vũ trụ mà đã nuôi lớn ta là một quái vật, không mảy may bận tâm đến việc chúng ta sống hay chết – không bận tâm nếu bản thân nó dừng lại không vận động nữa. Nó bất di bất dịch và mù lòa, một con robot được lập trình để giết. Chúng ta tự do và sáng mắt; chúng ta chỉ có thể cố gắng trở nên khôn ngoan hơn nó trong từng khoảnh khắc để tự cứu lấy thân.

Quan điểm này cho rằng một thế giới quái thai, vận động trên cơ sở của cơ may và cái chết, loạng quạng mù quáng, từ hư vô đến hư vô, bằng cách nào đó đã sáng tạo ra những sinh vật tuyệt vời như chúng ta. Tôi đến từ thế gian, tôi bò ra từ một biển amino acid, và giờ tôi phải xoay lại, giơ nắm đấm về phía biển và thốt lên Hổ thẹn! Với tư cách là một loài, chúng ta phải tháo dỡ những chiếc kính thiên văn và bằng lòng với việc tự vỗ vai. Chúng ta, những túi mô mềm bò quanh trên lớp da của một hành tinh, là đúng, và cả vũ trụ là sai.

Hay là hãy cân nhắc đến khả năng còn lại đi.

Julian người Norwich, nhà thần học Anh vĩ đại, đã trích dẫn, theo kiểu của các nhà tiên tri, những từ này từ Chúa: “Nhìn đây, ta là Chúa: nhìn đây, ta có mặt trong mọi vật: nhìn đây, ta không bao giờ rời tay khỏi những công trình của ta, và sẽ không bao giờ làm thế… Làm sao có thứ gì không phải được?” Nhưng giờ đây thì kể cả con người giản đơn và tốt đẹp nhất trong chúng ta cũng không nhìn nhận sự việc theo cách của Julian. Đối với ta dường như có rất nhiều thứ không phải. Nhiều đến mức tôi phải cân nhắc đến ngã rẽ thứ hai, rằng bản thân sự sáng tạo vốn không có gì sai, chỉ là nó bị chi phối bởi bản chất tự do của nó – ta không đổ tội cho nó được – và chỉ có cảm xúc con người là không phải mà thôi. Con ếch bị bọ nước khổng lồ ăn thịt17 mà tôi nhìn thấy, có lẽ cũng đã có một cơn lũ xúc cảm thuần khiết, trong khoảng một giây, trước khi não của nó biến thành bùn. Tuy vậy, từ mấy năm nay hầu như ngày nào tôi cũng nghĩ đến nó và thương cho nó.

Bọn ấu trùng hàu có quan tâm không? Lacewing ăn trứng của mình có quan tâm không? Nếu chúng không, vậy tại sao tôi lại phải làm ầm lên như thế này? Nếu tôi là một kẻ lập dị, tại sao không im đi cho rồi?

Những xúc cảm dạt dào của con người thật đau đớn và gây thương tổn cho loài người chúng ta, đến mức tôi khó mà tin được rằng chúng ta đã tiến hóa để có được chúng. Những loài vật khác, bằng cách nào đó, có thể tìm được bạn tình và thậm chí là xây dựng những xã hội bền vững mà không có nhiều xúc cảm mãnh liệt, và chúng còn có một lợi thế là không bao giờ phải khóc thương kẻ đi về cõi âm. (Nhưng vài loài động vật cấp cao18 hơn có cảm xúc mà ta nghĩ là giống của chúng ta: chó, voi, rái cá, và các loài thú biển đều khóc thương đồng loại đã chết. Tại sao lại làm thế với lũ rái cá? Đấng sáng tạo nào lại có thể tàn độc như vậy, không chỉ giết con rái cá, mà còn để chúng phải bận lòng?) Dường như xúc cảm mới là phép nguyền rủa, chứ chẳng phải là cái chết – những xúc cảm mà có vẻ chỉ vài kẻ lập dị mới có, một lời nguyền đặc biệt từ Ác độc (Malevolence).

Được thôi. Cảm xúc của chúng ta là thứ không phải. Chúng ta là những kẻ lập dị, còn thế giới chẳng có vấn đề gì cả, và nào hãy cùng đi phẫu thuật đục não19 để trở về trạng thái tự nhiên hơn. Lúc đó ta có thể rời khỏi thư viện, đi đến rãnh nước, và sống trên bờ nước thật yên bình như loài chuột xạ hay cây cọ. Mời bạn đi trước.

Giữa hai lựa chọn nực cười này, tôi thích cái thứ hai hơn. Mặc dù đúng là chúng ta là những sinh vật đạo đức trong một thế giới phi đạo đức, cái phi đạo đức của thế giới không khiến nó trở thành thứ quái vật. Đúng hơn là, tôi mới là kẻ lập dị. Có lẽ tôi không cần phải phẫu thuật đục não, nhưng tôi có thể bình tĩnh hơn chút ít, và Tinker Creek là nơi hoàn hảo để làm điều đó. Tôi cần đến đó một lần nữa. Đó là nơi tôi thuộc về, mặc dù trong khi tôi gần gũi với nó hơn, đồng loại của tôi tỏ ra ngày một lập dị, và chỗ của tôi trong thư viện ngày càng trở nên hạn hẹp. Ban đầu tôi không nhận ra điều này, và giờ khi đã có ý thức, tôi lánh khỏi nghệ thuật, khỏi nồi súp xúc cảm con người. Tôi đọc những điều con người viết về Trái đất khi nhìn vào kính thiên văn và kính hiển vi, tôi đọc về lớp băng hai cực, và tôi tự lưu đày bản thân ngày càng xa hơn khỏi chính giống loài của mình. Nhưng, vì tôi không thể tránh khỏi thư viện hoàn toàn – nền văn hóa nhân loại đã dạy tôi ngôn ngữ của nó – tôi mang những giá trị của con người đến với rãnh nước, và vì thế cứu bản thân khỏi bị tra tấn.

Cái tôi trước giờ theo đuổi không phải là một lời giải thích mà là một bức tranh. Đây là bức tranh thực về thế giới, từ đầu tới chân, thắp sáng bởi một ngôi sao chỉ vừa mới bắt đầu tàn lụi. Cảm giác thịnh nộ và bàng hoàng của tôi trước nỗi đau và cái chết của đồng loại chính là một bí ẩn cổ xưa lắm, xưa như chính con người vậy, nhưng mãi mãi mới nguyên, và hoàn toàn không thể trả lời được. Những điều tôi không thích về sự sinh sôi hay là sự phí hoài nguồn sống ở những loài khác, tuy vậy, chỉ đơn giản là do khó chịu. Cuối cùng thì tôi, chứ không phải ai khác, mới là người gặp ác mộng. Đúng là nhiều sinh vật sống và chết một cách kinh hoàng, nhưng tôi không được xưng danh làm thẩm phán. Tôi cũng không sống theo cách của chúng, và những sinh vật kia thì thật may mắn20 là không có ý thức.

Bức tranh về sự sinh sôi và những hoang phí của nó, và về những áp lực sinh trưởng và những tai nạn của nó, đương nhiên là không khác gì so với bức tranh mà tôi đã quý trọng từ lâu, bức tranh về thế giới như một tấm thảm tinh xảo, kết tinh lại từ một sự đa dạng hình thái kỳ lạ. Chỉ là bây giờ thì những góc tối trở nên tối hơn. Sự xa xỉ khoác lên mình một thần thái nham hiểm, và sự hoang phí ở khắp mọi nơi. Khi tôi thêm chiều thời gian vào đồ thị thế giới, tôi nhìn thấy cách mà tự do nuôi lớn cả vẻ đẹp lẫn nỗi kinh hoàng từ cùng một nhành cây. Hai bức tranh là giống nhau, chỉ thêm thắt một số chi tiết, và với một trọng tâm khác. Thay vì một con cá vàng bơi tung tăng trong chiếc bể tinh xảo, tôi thấy hàng tấn và hàng tấn cá vàng đẻ ra và nuốt gọn hàng tỷ và hàng tỷ quả trứng. Mục đích của tất cả chỗ trứng đó đương nhiên là để tạo ra từng con cá vàng một – tự nhiên yêu ý tưởng về sự tồn tại của cá thể vô cùng, nếu không phải là yêu bản thân từng cá thể đó – và mục đích của một con cá vàng là sự hoành tráng. Đây là lãnh địa quen thuộc, chủ đề quen thuộc với tôi. Đơn giản là tôi đã gần như thất bại trong việc công nhận rằng chính sự chết chóc đang đẩy địa cầu này quay tròn.

Chuyện này khó chấp nhận hơn, nhưng chắc hẳn là nó đã được nghĩ đến rồi. Tôi không lo lắng quá nhiều về vẻ ngoài và hành vi gớm guốc của vài loài sứa và cá biển sâu, trong khi tôi là người khá dễ lo. Nhưng nếu nói đến chủ đề cái chết của bản thân thì chắc chắn là tôi dễ bị động chạm hơn. Dù sao chăng nữa, cả hai hiện tượng đều là hai nhánh của một dòng nước, chính là dòng nước nuôi sống thế gian. Nguồn cội của nó là tự do, và mạng lưới kênh rạch của nó là vô biên. Con chim ruồi duyên dáng21 uống ngụm nước từ đó, và với giọt nước ấy hớp cả vẻ đẹp làm đôi mắt nó mọng nước và cả cái chết mọc lông tung cánh. Những cánh hoa tulip chính là những gợn sóng của thứ nước nở phồng trong bụng của một con ong icheneumon.

Rằng có một điều vừa ở khắp mọi nơi lại vừa sai chính là một phần tất yếu của sự kiến tạo. Cứ như là mỗi hình hài đất nung lại điểm một vệt hư vô, một sự trống rỗng được nặn, được nung vào thớ thịt của nó, như một bong bóng không chỉ tạo hình cho cấu trúc của nó mà còn khiến nó mất cân bằng và cuối cùng là nổ tung. Ta đã có thể làm cho mọi thứ trở nên từ bi hơn, nhưng kế hoạch này sẽ không bao giờ thực hiện được trừ khi ta cũng đồng tình với những điều khoản vô cùng tệ, những điều kiện duy nhất được đem lên bàn đàm phán.

Thế giới đã thỏa thuận với Ác quỷ; nó buộc phải làm vậy. Nó là một khế ước; tất cả mọi sự vật đều bị ràng buộc bởi nó, kể cả từng nguyên tử hydro. Những điều khoản rất rõ ràng: nếu bạn muốn sống, bạn phải chết; bạn không thể có những ngọn núi và những dòng nước mà không có vũ trụ, và vũ trụ là một giai nhân lấy một ông chồng mù. Kẻ mù mắt này là Tự do, hay Thời gian, và hắn không rời một bước mà không có con chó vĩ đại mang tên Cái chết theo chân. Thế gian ra đời khi khế ước này được kí kết. Một nhà khoa học gọi nó là Định luật Nhiệt động lực học số hai. Một thi sĩ nói, “Lực từ ngòi nổ màu xanh đẩy đóa hoa/Đẩy xuân xanh của tôi.” Đây là điều chúng ta biết được. Phần còn lại thì dễ thôi22.


  1. Tinker Creek là một dòng suối nhỏ ở bang Nam Carolina, Hoa Kỳ. Đây là nơi tác giả Annie Dillard đã sống một thời gian và là bối cảnh chính của cuốn sách chứa trích đoạn được dịch ở đây. Người dịch quyết định giữ nguyên cụm tiếng Anh của địa danh này thay vì dịch từ “creek.”

  2. Nguyên gốc: fecundity. Người dịch không cảm thấy “sự sinh sôi” là một cách dịch thoát ý, tuy vậy chưa tìm được cụm hợp lý hơn.

  3. Memento mori là một cụm từ Latin có nghĩa “hãy nhớ ngươi sẽ phải chết” (remember that you have to die). Một nghĩa phổ biến của cụm này dùng để chỉ các vật hay các tác phẩm nghệ thuật gợi nhớ đến cái chết.

  4. Chỉ hai loài cây thân gỗ trong chi Liriodendron, có những bông hoa lớn có hình dáng giống hoa tulip ta thường thấy, tuy vậy không có quan hệ họ hàng gần với tulip.

  5. Nguyên gốc: “in the lower Bronx.” Ở đây không rõ tác giả đang nói đến dòng sông Bronx hay khu Bronx tại New York. Người dịch chọn cách hiểu thứ nhất.

  6. Hay còn gọi là Chinese/Japanese bamboo torture, tuy vậy theo trang Wikipedia tiếng Anh thì có ít bằng chứng cho thấy phương pháp tra tấn này đã thực sự được sử dụng. Một số ý kiến cho rằng các cậu chuyện về việc này bị ảnh hưởng bởi phân biệt chủng tộc và một động cơ để miêu tả người châu Á là độc ác và nham hiểm.

  7. Calcutta (tên gọi khác Kolkata) là một thành phố nằm ở phía đông Ấn Độ, thủ phủ quận Tây Bengal. Calcutta trong một thời gian dài nắm giữ ngôi vị thành phố đông dân nhất Ấn Độ, trước khi Mumbai (Bombay) vượt qua.

  8. Rachel Carson (1907-1964) là một nhà khoa học đại dương, nhà hoạt động môi trường và nữ văn sỹ người Mỹ. Bà có ảnh hưởng rất lớn trong phong trào ủng hộ môi trường thời kỳ đầu những năm 50-60, với tác phẩm Silent Spring (Mùa xuân im lặng).

  9. Theo ý hiểu của người dịch thì tác giả đang nói về sự mất mát sinh mạng của những sinh vật cũng “đang sống y hệt như tôi hay bạn.” Liệu sự sống của chúng có khác biệt hay có giá trị kém hơn mạng người không? Về cuối bài ý tưởng này được mở rộng thêm.

  10. T. S. Eliot (1888-1965) là nhà thơ, nhà biên kịch người Anh gốc Mỹ. Ông là một trong số các nhà thơ nổi bật của phương Tây thế kỷ 20.

  11. Bertrand Russell (1872-1970) là một triết gia, nhà toán học, nhà văn, nhà hoạt động chống chiến tranh người Anh. Các công trình và tư tưởng của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong triết học từ thế kỷ 20, và ông nhận được giải Nobel Văn chương năm 1950 vì các cống hiến đa dạng của mình.

  12. Theo ý hiểu của người dịch thì câu hỏi này là một câu hỏi tu từ, hỏi tất cả sự sống có ý nghĩa hay nhằm đạt được mục đích gì. Đối với lacewing tự ăn trứng của mình câu hỏi này lại càng thấm thía, nếu ta cho rằng “tiếp tục sự sống” là một mục đích (có thể là duy nhất) của sự sống.

  13. Đây là một cụm tiếng Latin với ý nghĩa “vì vinh quang của Chúa” (for the greater glory of God). Áp dụng vào bối cảnh ở đây thì cụm này hàm ý rằng dù việc con cái ăn thịt cha mẹ rất tàn độc trong con mắt chúng ta, việc này có phục vụ cho sự sinh tồn tiếp diễn của muôn loài, và vì thế là phục vụ mục đích cao cả của Chúa (nói một cách văn vẻ chứ không phải là nghĩa đen tôn giáo).

  14. Aeschylus (thế kỷ 5-6 TCN) là một bi kịch gia người Hy Lạp, thường được cho là cha đẻ của dòng bi kịch.

  15. Ra (I và II) là hai chiếc thuyền làm từ cói (papyrus) được đóng bởi nhà thám hiểm Na Uy Thor Heyerdahl cùng nhóm của ông. Nhóm đã dùng Ra trong một chuyến vượt biển Đại Tây Dương, hòng tái dựng lại các cuộc hành trình khám phá của người xưa.

  16. Tác giả nhắc đến con ếch bị ăn thịt một cách rất độc ác và xấu xí ở chương 1.

  17. Cũng như ở bài Về chuyện đúng kích cỡ có nhắc đến động vật cấp cao/cấp thấp, người dịch cho rằng cách nghĩ này không hợp lý và không nên được sử dụng. Với cách phân loại này, chúng ta mặc định rằng các loài động vật giống con người nhất (thú có vú, chim) là “cao hơn” hay là “tiến hóa hơn” các loài khác trên cây tiến hóa. Trong thực tế, mọi loài sinh vật đang sinh sống tại cùng một thời điểm thì đã trải qua thời gian tiến hóa chính xác giống nhau; mặt khác có rất nhiều loài sinh vật có những tính trạng tinh vi mà chúng ta không có và thậm chí là chưa hiểu được.

  18. Nguyên gốc: lobotomy là một quy trình phẫu thuật thần kinh bao gồm việc cắt bỏ các kết nối đến vỏ não trước trán (prefrontal cortex). Phương pháp này trở nên phổ biến trong vài thập kỷ đầu thế kỷ 20, và sau đó được phát hiện ra là gây rất nhiều biến chứng cho bệnh nhân mà không đưa lại hiệu quả gì đáng kể. Đến thời điểm bài viết này được công bố (những năm 1970) thì phương pháp này đã không còn được thực hiện và được nhắc đến như một trò đùa cho thấy khoa học cũng mắc phải lỗi lầm.

  19. Nhận thức ở loài vật (animal consciousness) là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Liệu loài vật có nhận thức như con người không, và rất quan trọng trong trường hợp này, có biết đau đớn và khổ ải không? Liệu chúng ta đặt ranh giới ở đâu, loài nào là có nhận thức và loài nào không? Liệu định nghĩa về nhận thức của ta có đang quá hẹp và tập trung vào trải nghiệm con người? Câu trả lời cho những câu hỏi này, không chỉ là vấn đề khoa học hay triết học, mà còn là vấn đề đạo đức, như bài viết cũng có chạm tới. Dù sao cũng chưa thể kết luận như tác giả là các loài vật bà nhắc đến đều không có ý thức. 

  20. Tác giả đang nhắc đến con chim ruồi từ chương 1, biểu tượng của cái đẹp không rõ/không cần nguyên cớ hay mục đích (theo ý hiểu của người dịch).

  21. Nguyên gốc: the rest is gravy, một câu thành ngữ mang nghĩa như bản dịch ở đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất