Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Tài | Hiệu đính:  Dexter
29/03/2017

1. Năm 1956, hai người đàn ông Nhật Bản, một kỹ sư trưởng và một quản lí, chu du vòng quanh nước Đức và chứng kiến sự phổ biến của xe gắn máy ở đây. Ông kỹ sư không xa lạ gì với loại xe này, nhưng ông quản lí thì suy nghĩ nhiều. Ông cho rằng thị trường đang thiếu một cái gì đó. Một loại xe nhỏ, bền nhưng động cơ khoẻ, phù hợp cho người dân mọi tầng lớp, chạy tốt ở thành thị lẫn nông thôn. Ông kỹ sư phủi tay. Ông đến châu Âu để thắng giải đua xe, chứ không phải nghĩ về một chiếc xe chậm chạp. Ông quản lí trả lời, tôi không biết có bao nhiêu tiệm mì soba ngoài kia, nhưng tôi chắc rằng tiệm nào cũng muốn một chiếc xe như vậy để giao hàng. Ông kỹ sư đột nhiên trở nên hứng thú. Cả hai trở về Nhật, và ông kỹ sư bắt đầu thiết kế một loại xe như ông quản lí yêu cầu. Năm 1963, công ty truyền thông Grey Advertising tiến hành chiến dịch quảng cáo kéo dài 12 năm nhằm quảng bá cho chiếc xe mà hai người đàn ông Nhật trên đã thai nghén. Chiến dịch này đánh dấu sự lụi tàn của xe gắn máy Anh Quốc trên đất Mỹ, và mở đầu cho sự thống trị của các hãng xe Nhật Bản. Ông quản lí tên là Takeo Fujisawa, và ông kỹ sư tên là Soichiro Honda. Chiến dịch 12 năm có tên gọi “You meet the nicest people on a Honda,” và chiếc xe được quảng bá là chiếc Honda Super Cub huyền thoại. Ở Việt Nam, từ “Honda” trở nên đồng nghĩa với “xe gắn máy.” Xe 2 bánh Nhật Bản không chỉ thống trị ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

2. Ngày 18 tháng 4 năm 1942, quân Đồng Minh bắt đầu chiến dịch không kích Nhật Bản. ‘Siêu pháo đài bay’ B-29 cất cánh từ Ấn Độ và Trung Quốc thả bom 66 thành phố ở Nhật Bản. Chiến dịch thả bom của quân Đồng Minh ước tính giết hại khoảng 241,000 – 900,000 người. Nhật Bản cũng là nơi duy nhất hứng chịu sức huỷ diệt của vũ khí hạt nhân. Vào 8 giờ 15 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, Enola Gay, một máy bay B-29 điều khiển bởi đại tá Paul Tibbets, thả quả bom hạt nhân với nickname “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima. Vụ nổ hạt nhân giết chết hơn 20% dân số thành phố. Thông thường, sau những cuộc chiến đẫm máu như thế này, ý muốn trả thù dâng cao. Nhưng điều đó không xảy ra ở Nhật, và nhất là ở Hiroshima. Nhật hoàng Hirohito có một câu nói nổi tiếng: “We have resolved to pave way for a grand peace for all generations by enduring the unendurable and suffering the unsufferable” (tạm dịch: chúng ta phải mở đường cho hoà bình cho mọi thế hệ bằng cách trải qua và chịu đựng những nỗi đau vốn không thể trải qua, không thể chịu đựng). Như Nhật hoàng, những nghị viên đại diện cho Hiroshima vẫn giữ một cái đầu lạnh, và cắn răng hợp tác với tướng Douglas McArthur, chỉ huy quân Đồng Minh ở Nhật, để có tiền xây dựng lại thành phố. Hiroshima ngày nay đã trở nên sầm uất, phát triển và tươi đẹp hơn khi xưa lúc chưa bị đánh bom.

3. Ngày 6 tháng 9 năm 1895, ba tộc trưởng châu Phi đặt chân đến cảng Plymouth, phía nam Anh Quốc. Họ bắt chuyến tàu lúc 8 giờ 10 phút đến ga Paddington ở London. Năm ngày sau, ba tộc trưởng gặp Joseph Chamberlain, bộ trưởng Thuộc địa của chính phủ Anh. Vùng đất của họ đang gặp phải sự đe doạ từ Công ty Nam Phi Anh Quốc (British South Africa Company) của Cecil Rhodes, một ông trùm kinh doanh và thực dân (colonialist) đầy quyền lực. Trước đó không lâu, Rhodes đã chỉ huy quân đội tấn công những vùng đất lân cận, bất chấp sự phản đối của Chamberlain. Vị bộ trưởng đồng ý sẽ bảo vệ vùng đất của ba vị tộc trưởng khỏi tay Rhodes: vùng đất của họ sẽ nằm hoàn toàn dưới sự bảo hộ của Nữ hoàng. Năm 1966, khi nước Anh chính thức từ bỏ quyền bảo hộ của mình, vùng đất này trở thành một quốc gia độc lập. Quốc gia này có tên gọi Botswana, và hiện tại là một trong số những vùng đất giàu có và dân chủ hiếm hoi ở châu Phi. Ba vị tộc trưởng huyền thoại trên là Khama, Bathoen và Sebele. Cháu của Khama, Seretse Khama, là người sáng lập ra đảng dân chủ Botswana, đảng cầm quyền hiện tại của quốc gia này và cũng là đảng phái đưa Botswana vượt lên khỏi nghèo đói và đến với thịnh vượng.

4. Tinder là ứng dụng hẹn hò nổi tiếng nhất hiện tại. Khi bật Tinder, người dùng sẽ thấy ảnh của những người dùng khác. Nếu “swipe” sang phải một ảnh nào đó, tức là bạn đã “thích” người dùng đó, còn “swipe” sang trái nghĩa là tiếp tục tìm kiếm đối tượng khác. Khi 2 người cùng “thích” nhau, ứng dụng sẽ “match” 2 người với nhau, và 2 người có thể nhắn tin cho nhau qua hệ thống chat của ứng dụng. Một người dùng có thể có nhiều “match,” và vì thế có nhiều cơ hội nhắn tin làm quen để rồi hẹn hò. Sean Rad, CEO của Tinder, tin rằng, “không quan trọng bạn là ai, bạn sẽ cảm thấy thoải mái bắt chuyện một người hơn khi bạn biết người đó cũng muốn bắt chuyện với bạn.” Tinder đạt giải Best New Startup của trang web công nghệ TechCrunch vào 2013. Tập đoàn truyền thông và Internet IAC đầu tư mạnh vào Tinder, làm cho công ty được định giá vài tỉ đô la. Mặc dù Tinder là một trong những startup thành công vang dội, Whitney Wolfe, một trong những đồng sáng lập Tinder, quyết định rời công ty vào 2014 và thành lập Bumble, một ứng dụng hẹn hò cạnh tranh với Tinder. Tuy sinh sau đẻ muộn, Bumble nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của Tinder và ký hợp đồng hợp tác với gã khổng lồ nhạc trực tuyến Spotify, dù (tính đến tháng 2/2016) công ty chỉ có 13 nhân viên (trong đó có 12 nữ).

5. Những mô hình đầu tiên của kinh tế học không sử dụng nhiều toán. Một mô hình kinh tế cổ xưa nhưng rất có giá trị là mô hình tư liệu sản xuất (factors of production), được phát triển bởi Adam Smith, David Ricardo và các nhà kinh tế học cổ điển khác (classical economists) vào thế kỉ 18. Mô hình này được đề ra để trả lời câu hỏi: giá cả được xác định như thế nào? Theo mô hình này của các nhà kinh tế học cổ điển, có ba loại tư liệu sản xuất: đất đai (land), lao động (labor), và tư bản (capital). (Tư bản, hay capital, ý chỉ máy móc, công cụ hay cơ sở vật chất dùng để sản xuất hàng hoá/dịch vụ.) Giá cả sẽ được xác định bởi các tư liệu sản xuất góp phần vào việc tạo nên sản phẩm.

Năm 1933, Bertil Ohlin, một nhà kinh tế học Thuỵ Điển xuất bản cuốn sách “Interregional and International Trade” (tạm dịch: Thương mại Liên vùng và Quốc tế), thành quả sau nhiều năm hợp tác nghiên cứu giữa Ohlin và thầy của mình là Eli Heckscher. Mô hình Heckscher-Ohlin trả lời câu hỏi 2 quốc gia với công nghệ tương đồng sẽ xuất khẩu gì cho nhau. Ví dụ: quan hệ thương mại Nhật và Mỹ. Cả hai nước đều có công nghệ sản xuất động cơ xe và nền nông nghiệp ở cả 2 nước đều phát triển, nhưng tại sao Nhật lại xuất khẩu xe sang Mỹ, và Mỹ xuất khẩu thịt và nông sản sang Nhật? Hơn nữa, Mỹ có nhiều tư bản hơn Nhật, lẽ ra Mỹ phải xuất khẩu xe sang Nhật mới đúng? Theo mô hình Heckscher-Ohlin, điều quan trọng không phải là số lượng tuyệt đối, mà là tỉ số tư bản/nhân công. Tuy Nhật có ít tư bản hơn Mỹ, nhưng tỉ số này của Nhật cao hơn của Mỹ. Ở Nhật, tư bản có nhiều, nhưng lao động thì không. Vì thế, sản xuất hàng hoá sẽ rẻ hơn nếu loại hàng đó cần nhiều tư bản (capital-intensive) hơn là lao động (labor-intensive). (Để cho dễ hiểu: tưởng tượng một làng chài, ít đất trồng trọt nhưng ngư trường rộng. Vì thế, cá ở đây rất rẻ, còn rau thì đắt. Nhật là làng chài, tư bản là cá, và rau là nhân công). Tương tự, ở Mỹ, hàng hoá cần nhiều sức lao động sẽ rẻ hơn hàng hoá dùng nhiều tư bản. Khi chọn hàng hoá để xuất khẩu sang Mỹ, người Nhật gặp phải hai lựa chọn:
(1) Xuất khẩu thịt/nông sản (chi phí sản xuất cao vì nhân công ở Nhật không nhiều so với tư bản), cạnh tranh với thịt/nông sản Mỹ (chi phí sản xuất thấp vì nhân công ở Mỹ nhiều so với tư bản)
(2) Xuất khẩu xe máy (chi phí sản xuất thấp), cạnh tranh với xe máy Mỹ (chi phí sản xuất cao)
Lựa chọn (2) rõ ràng là lựa chọn hợp lí hơn. Câu chuyện của Takeo Fujisawa và Soichiro Honda, và sự vươn lên của Honda nói riêng và các hãng xe Nhật nói chung trên khắp thế giới có thể được giải thích bởi mô hình kinh tế Heckscher-Ohlin: vì nước Nhật có nhiều tư bản (so với nhân công), máy móc, xe cộ Nhật Bản thống trị nhiều thị trường trên thế giới.

6. Quay trở lại Nhật Bản. Điều gì đã khiến Hiroshima trỗi dậy một cách ngoạn mục sau trái bom nguyên tử vào năm 1945? Có hai lí thuyết chính lí giải sự phát triển của một thành phố. Theo thuyết quy mô (scale economies), một thành phố phát triển khi nó ngày càng có đông dân: dân đông có nghĩa là nhiều cung và cầu, thị trường lao động dồi dào, và có nhiều người với tri thức và kinh nghiệm sản xuất, vân vân. Thuyết địa lý (locational fundamentals) thì cho rằng một thành phố phát triển vì vị trí địa lý của nó thuận lợi.

Donald Davis và David Weinstein, 2 nhà kinh tế học đại học Columbia, đã kiểm tra cả hai lý thuyết này bằng cách kiểm tra dữ liệu về 66 thành phố Nhật Bản bị quân Đồng Minh tấn công. Nếu thuyết quy mô là đúng, những thành phố mất nhiều dân vì không kích sẽ không thể lớn trở lại như xưa. Nhưng kết quả cho thấy những thành phố này sớm đạt được kích cỡ trước chiến tranh trong vòng 15 năm. Dân số thay đổi, nhưng vị trí các thành phố không đổi. Hai nhà kinh tế học kết luận: thuyết địa lý giải thích sự phát triển đô thị tốt hơn. Thật vậy, nếu nhìn vào bản đồ, ta sẽ thấy Hiroshima nằm ngay sát biển. Đã từ lâu Hiroshima là trung tâm của vùng Chugoku-Shikoku và đóng vai trò là cảng biển quan trọng.

7. Khi ba vị tộc trưởng châu Phi đến với Anh Quốc, họ không hẳn muốn bảo vệ mạng sống của mình hay của người dân. Họ muốn bảo vệ một thứ khác, một thứ mà Cecil Rhodes sẽ không cho phép tồn tại trên đất của mình: truyền thống chính trị trong các bộ lạc ở Bechuanaland (tên gọi của Botswana trước khi độc lập). (Nước Anh không có hứng thú với Bechuanaland, nhưng muốn ngăn chặn sự bành trướng của Cộng hoà Transvaal của người di cư gốc Hà Lan ở khu vực phía nam châu Phi). Chức tộc trưởng không phải cha truyền con nối: bất kì ai có khả năng cũng có thể lên làm lãnh đạo. Mọi quyết định đều được đưa ra trước hội đồng của bộ lạc để bàn luận. Hội đồng hoàn toàn có thể phủ quyết quyết định của tộc trưởng. Những tộc trưởng không làm tốt nhiệm vụ đều có thể bị cho rời ghế. Bechuanaland có một thể chế chính trị mở (inclusive) khá phát triển, một điều khá lạ so với các bộ lạc, các vùng đất khác trong cùng châu lục.

Ba nhà kinh tế học Daron Acemoglu, James Robinson và Simon Johnson cho rằng việc Botswana phát triển nhanh như ngày nay là nhờ truyền thống chính trị mở này. Một thể chế chính trị được cho là “mở” khi nó phân tán quyền lực vào tay nhiều người, nhiều nhóm. Một thể chế chính trị “bóc lột” (extractive) thì chỉ tập trung quyền lực vào một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ trong xã hội. Thể chế chính trị và thể chế kinh tế tương tác với nhau. Thể chế kinh tế quyết định việc phân chia lợi ích kinh tế. Dưới một thể chế chính trị bóc lột, một nhóm nhỏ có mọi quyền lực và dùng nó để thâu tóm mọi lợi ích kinh tế. Dưới một thể chế chính trị mở, lợi ích kinh tế không bị thâu tóm bởi một nhóm nhỏ, mà được chia cho nhiều nhóm khác nhau trong xã hội vì không nhóm nào nắm quyền lực tuyệt đối. Acemoglu, Robinson và Johnson cho rằng thể chế kinh tế mở sẽ giúp tăng trưởng kinh tế lâu dài.

8. Trong kinh tế có một mô hình gọi là “bi kịch mảnh đất công” (tragedy of the commons). Giả sử có một dòng sông (mảnh đất công). Hai bên dòng sông có rất nhiều nhà máy. Nếu dòng sông quá ô nhiễm thì môi trường trở nên độc hại, công nhân không thể đi làm và nhà máy dĩ nhiên không hoạt động được. Vì thế, để có thể hoạt động dài lâu, các nhà máy cần xử lí và xả nước thải có chừng mực. Tuy nhiên, việc xử lí nước thải rất tốn kém. Nếu nhà máy A xử lí nước thải, giá thành sản phẩm của A sẽ bị đội lên vì chi phí sản xuất tăng (phải trả tiền xử lí nước thải). Trong lúc đó, nếu nhà máy B không xử lí nước thải, giá thành sản phẩm sẽ thấp hơn và chiếm ưu thế, trong khi chất lượng nước sông vẫn nằm trong mức chấp nhận được (vì chỉ có B xả thải không xử lí). Vì vậy, nhà máy nào cũng sẽ tối đa hoá lợi ích bằng cách không xử lí nước thải.

Giả sử nhà máy A xử lí, nhà máy B không, kết quả là A nhận -10 tỉ đồng (tức lỗ 10 tỷ đồng), B nhận 10 tỷ đồng. Nếu cả 2 nhà máy cùng xử lý, mỗi nhà máy lời 5 tỷ đồng. (Số đầu tiên trong ngoặc tương ứng với A, số thứ hai trong ngoặc tương ứng với B.)

Giám đốc nhà máy A nhìn vào bảng trên. Giả sử B chọn “xử lí”, A nên chọn “Không xử lí” vì 10 tỉ > 5 tỉ. Giả sử B chọn “không xử lí”, A nên chọn “không xử lí” vì -10 tỷ < -5 tỷ. Vậy bất kể cho B chọn giải pháp nào, A vẫn nên chọn “không xử lí”. Lập luận này cũng áp dụng được cho B. Kết quả: cả 2 bên không xử lí, và mỗi nhà máy mất 5 tỉ. Bi kịch mảnh đất công ý chỉ những tình huống mà hành vi tối đa hoá lợi ích của con người dẫn tới cái kết xấu cho mọi người.

Trong số những người dùng ứng dụng hẹn hò, 60% là nam, 40% là nữ, và người dùng nam “active” gấp đôi người dùng nữ. Điều này dẫn đến việc những cô gái luôn nhận được rất nhiều tin nhắn từ các chàng trai được “match”. Suy cho cùng, việc gửi tin nhắn qua các ứng dụng như Tinder không tốn gì cả, các chàng trai gửi càng nhiều tin cho càng nhiều cô gái thì khả năng nhận hồi âm từ một cô gái càng cao. Vì vậy, người dùng nữ thường than phiền nhận được quá nhiều tin nhắn (nhiều tin rất khiếm nhã), và thường xoá ứng dụng vì lí do này. “Dòng sông” (hay mảnh đất công) ở đây chính là sự chú ý của người dùng nữ. Nhà máy là người dùng nam. Xử lí thải là người dùng nam gửi tin nhắn có đầu tư tới người phụ nữ họ thực sự thích. Không xử lí thải là người dùng nam gửi tin nhắn đại trà, không đầu tư. Quá nhiều người dùng nam gửi tin nhắn tranh dành sự chú ý của người dùng nữ. Kết quả là người dùng nữ bị cảm thấy ngộp bởi số lượng tin nhắn và quyết định bỏ Tinder. Bumble hoá giải bi kịch mảnh đất công bằng cách chỉ cho người dùng nữ bắt đầu cuộc trò chuyện (gửi tin nhắn đầu tiên). Điều này tương đương với việc tước quyền hành động của nhà máy trong mô hình: nhà máy chỉ được hành động khi được cho phép bởi người dân sống dọc sông. Người dân trên sông sẽ chỉ cho phép những nhà máy mà họ tin tưởng sẽ xả nước thải qua xử lí. Những cô gái trên Bumble sẽ chỉ nhắn tin với các chàng trai họ thích và tin là sẽ cư xử lịch thiệp. Nhờ mô hình kinh tế này mà người dùng Bumble cảm thấy các tin nhắn lịch sự và chất lượng hơn. Tiếng lành đồn xa, càng ngày Bumble thu hút nhiều người dùng và trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Tinder.

9. Bốn câu chuyện đầu bài viết có điểm gì chung? Cá nhân kiệt xuất (như Takeo Fujisawa, Soichiro Honda, Whitney Wolfe, Khama, Bathoen, và Sebele)? Tinh thần tập thể (như 13 nhân viên của Bumble, và người dân Hiroshima)? Không loại trừ những khả năng này. Nhưng như đã thấy, ta có thể tiếp cận những câu chuyện trên dưới góc nhìn từ những mô hình kinh tế học (economic models).

Kinh tế học như là một thư viện gồm nhiều tập truyện ngụ ngôn. Truyện ngụ ngôn thường nói về con người đi mưu cầu hạnh phúc. Tương tự, trong các mô hình kinh tế, con người cũng theo đuổi hạnh phúc.

Dani Rodrik, một nhà kinh tế học ở đại học Harvard, thích ví von rằng mô hình như là truyện ngụ ngôn. Truyện ngụ ngôn ít nhân vật, và không hề giống với hiện thực phức tạp chút nào. Truyện ngụ ngôn đơn giản hoá thực tế để làm nổi bật cốt truyện và bài học. Cám và mẹ ăn ở ác độc nên bị trừng phạt. Tấm hiền lành nên được ông tiên và bà lão giúp đỡ. Rất đơn giản. Trong khi đó, hiện thực xã hội Việt Nam thời xưa không hề đơn giản. Các mô hình kinh tế cũng vậy. Như đã thấy ở trên, các mô hình kinh tế lựơc bỏ nhiều chi tiết thực tế. Số lượng biến (variable) cũng không quá nhiều. Và nếu truyện ngụ ngôn có cốt truyện rõ ràng, các mô hình kinh tế học cũng làm bật lên cơ chế hoạt động (mechanism): Nhật xuất khẩu xe máy vì Nhật có nhiều tư bản so với nhân công, Botswana phát triển vì có truyền thống chính trị mở, Hiroshima vươn lên từ tro tàn nhờ vị trí cảng biển, và Bumble trở nên phổ biến vì nó giải quyết được bi kịch mảnh đất công.

Vậy kinh tế học là gì? Kinh tế học như là một thư viện gồm nhiều tập truyện ngụ ngôn. Truyện ngụ ngôn thường nói về con người đi mưu cầu hạnh phúc. Tương tự, trong các mô hình kinh tế, con người cũng theo đuổi hạnh phúc. Ở mức độ vi mô, sự mưu cầu hạnh phúc được thể hiện qua cách con người ra quyết định: họ sẽ chọn phương án mang lại nhiều lợi ích cho bản thân nhất (câu chuyện về Tinder). Ở mức độ vĩ mô, điều này được thể hiện qua sự tập trung vào các giá trị vật chất: tăng trưởng kinh tế (câu chuyện về ba tộc trưởng và Hiroshima) và các hoạt động kinh tế liên quan (câu chuyện về Honda Super Cub).

Nhiều người phê bình rằng các mô hình kinh tế quá đơn giản để có thể mô tả thực tế phức tạp. Nhưng sự phê phán này dư thừa: mô hình kinh tế phải đơn giản để có thể làm rõ các cơ chế hoạt động. Nếu có quá nhiều chi tiết, các cơ chế hoạt động sẽ chồng chéo và làm rối lẫn nhau, rất khó phân tích. (Phân tích, hay analysis, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là tách những thứ phức tạp thành những thành phần nhỏ đơn giản. Tổng hợp, hay synthesis, thì là ngược lại: gộp những thành phần đơn giản để tạo nên một hệ thống phức tạp). Nhiệm vụ của một mô hình kinh tế không phải là nói lên toàn bộ sự thật, mà chỉ là một phần sự thật, giống như truyện ngụ ngôn không phải lúc nào cũng đúng. Hơn nữa, không phải mô hình nào cũng áp dụng cho mọi trường hợp: việc sử dụng một mô hình cần nào đó cần phải dựa vào bối cảnh. Các nhà kinh tế học có một khát vọng khá khiêm tốn: tìm kiếm sự thật từng chút một và ráp chúng lại với nhau. Họ rất sợ những lý thuyết to lớn tuyên bố rằng có thể soi chiếu toàn bộ sự thật.

***

Tham khảo:

Daron Acemoglu, Simon Johnson, và James Robinson (2004). “Institutions as the Fundamental Cause of Long Run Growth”. National Bureau of Economic Research.

Uri Bram (2016). “How Game Theory Improves Dating Apps.” Tạp chí 1843.

Donald R. Davis và David E. Weinstein (2002). “Bones, Bombs, and Break Points: The Geography of Economic Activity.” Tạp chí American Economic Review.

Garett Hardin (1968). “The Tragedy of the Commons”. Tạp chí Science.

Edward E. Leamer (1995). “The Heckscher-Ohlin Model in Theory and Practice”. Princeton Studies in International Finance.

Dani Rodrik (2015). “Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science”. Nhà xuất bản W. W. Norton.

3 thoughts on “Kinh tế học là gì?

    1. Bạn ơi, bài này thực ra là do tác giả cộng tác với zeal viết đó 😀 Sau này bạn có thể xem thông tin về tác giả ở cột bên phải màn hình nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất