a
§ Tác giả: Alice Fleerackers | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Linh Chi Ha | Hiệu đính:  Thuỷ Tiên
05/09/2020

Có một nguồn năng lượng thúc đẩy bất chợt đến với chúng ta vào mỗi thời điểm năm mới, và nó có tên gọi riêng là “hiệu ứng khởi đầu mới.” Bạn cũng có thể cảm nhận sự hứng khởi này vào sinh nhật mình, ngày khai giảng năm học mới, hoặc những dịp khởi đầu mới nói chung. Nó có khả năng đem lại những thay đổi tích cực và chân thật trong cuộc sống của chúng ta. Nghiên cứu của các nhà khoa học hành vi Hengchen Dai, Katherine Milkman, và Jason Riis đã chứng minh rằng mọi người thường cam kết với việc theo đuổi mục tiêu hơn ngay sau những khoảnh khắc “khởi đầu mới mẻ” này, và thậm chí có khả năng cao sẽ chăm chỉ đi tập gym hơn. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng, những khoảnh khắc này có tác động mạnh đến chúng ta bởi nó tạo ra những “giai đoạn kế toán cảm tính mới”1. Những khởi đầu mới mẻ giúp chúng ta bỏ lại phía sau những thất bại cũ từ tuần trước, tháng trước, hoặc năm trước, nghiêm túc xem xét lại cuộc đời mình, và bắt đầu mơ mộng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy rất nhiều người trong chúng ta ngồi xuống đặt các mục tiêu tốt đẹp cho năm mới vào ngày 31 tháng Mười hai, chỉ một số ít người thực sự kiên trì theo đuổi chúng đến cùng. “Có vài lý do khiến những mục tiêu của chúng ta không thành,” Bettina Höchli, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Bern, khoa Hành vi Người tiêu dùng cho biết. “Một trong số đó là do chúng ta đặt kỳ vọng quá cao.” Bạn biết thế nào rồi đó: Bạn chẳng đi gym lần nào trong hơn cả năm trời, nhưng, bắt đầu từ tháng Một, bạn dự định sẽ đi tập 3 lần một tuần. “Việc bạn tận dụng dịp này để bắt đầu một mục tiêu mới là một điều tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn trở thành một con người hoàn toàn mới, với những động lực và sở thích mới,” Höchli nói. “Thay đổi thành một con người mới hoàn toàn từ hôm trước đến hôm sau là điều hoang đường. Nếu bạn muốn thay đổi một hành vi về lâu dài, cách tốt hơn cả là bạn nên bắt đầu với những thay đổi nhỏ.”

Cuộc đời này chỉ có hai bi kịch — thứ nhất là không thể có được những gì mình muốn, và thứ hai là đã đạt được nó.

Có hàng trăm những nghiên cứu, bài blog, và cả sách phát triển bản thân hứa hẹn sẽ giúp chúng ta đạt được những mục tiêu của mình. Trong đó, mô hình mục tiêu S.M.A.R.T2 thường được đề cao. Được đưa ra vào những năm 1980 bởi nhà tư vấn George Doran, mô hình này đề xuất rằng khả năng thành công của chúng ta sẽ cao hơn khi chúng ta chọn những mục tiêu cụ thể, đo lường được, có tính khả thi, liên quan đến bản thân chúng ta, và có thời hạn nhất định. Mặc dù chiến thuật này có thể giúp bạn bắt tay vào việc thực hiện mục tiêu, Höchli cho rằng nó cũng có điểm trừ khi áp dụng vào việc duy trì mục tiêu năm mới. “Vấn đề với mục tiêu S.M.A.R.T là nó phải có một thời hạn nhất định, và vì thế khi bạn đã đạt được điều mình muốn rồi, bạn sẽ thả lỏng hơn,” bà nói. “Bạn cảm thấy mình đã cố gắng đủ rồi, và bây giờ mình có thể đi làm những việc khác.”

Höchli lập luận rằng việc đạt được những mục tiêu năm mới thường bao gồm cả việc xây dựng những thói quen mới. Thay vì chỉ tập trung vào những mục tiêu cụ thể và ngắn hạn, bà gợi ý chúng ta nên nhìn ra bức tranh tổng thể và cân nhắc những nguyện vọng dài hạn hơn. “Đây không chỉ là về một hành vi đơn lẻ trong một khoảng thời gian nhất định,” bà nói. “Đây còn là sự thay đổi hành vi được duy trì trong khoảng thời gian dài.” Những mục tiêu như thế này còn gọi là những mục tiêu trừu tượng (superordinate goals)3: chúng ít tập trung vào những hành vi cụ thể, mà tập trung về con người mà bạn muốn trở thành. Những mục tiêu như trở nên khỏe mạnh hơn, hoặc trở nên hào phóng hơn thuộc thể loại này. Chúng có phạm vi rộng hơn rất nhiều so với những mục tiêu cụ thể (subordinate goals)4 ví dụ như gọi salad cho bữa tối hoặc từ thiện $50 cho ngân hàng thức ăn địa phương.

Mục tiêu trừu tượng cũng sẽ linh hoạt hơn những mục tiêu cụ thể, bởi vì chúng có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như mục tiêu “Trở nên khỏe mạnh hơn” có thể bao gồm rất nhiều hoạt động – từ việc chiến thắng một cuộc đua người sắt5 cho đến việc đi dạo trong công viên. Vậy nên nếu bạn không thành công trong lần đầu cố gắng tập thể dục, thì bạn vẫn có rất nhiều cách khác để thực hiện mục tiêu này. Mặt khác, mục tiêu như “Đi tập gym vào thứ Tư” lại hẹp hơn nhiều, và từ đó dễ dàng khiến ta thất bại hơn.

Lập luận của Höchli có thể có lý. Đầu tiên, những mục tiêu trừu tượng có mối liên hệ chặt chẽ với “con người lý tưởng” của chúng ta hơn, nghĩa là ta sẽ thấy chúng có ý nghĩa hơn những mục tiêu cụ thể. Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng mục tiêu càng ý nghĩa, thì chúng ta càng có động lực và sự cam kết để đạt được nó. Một nghiên cứu của Höchli và các cộng sự vào năm 2019 đề xuất rằng việc kết hợp cả mục tiêu trừu tượng và cụ thể có thể giúp chúng ta duy trì được các dự định năm mới. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 250 người từ tháng Một đến tháng Ba năm 2017 và giám sát tiến triển trong quá trình thực hiện mục tiêu của họ. Họ tìm ra rằng những người đặt cả mục tiêu trừu tượng và mục tiêu cụ thể vào năm mới bỏ nhiều công sức hơn vào việc theo đuổi các dự định đó.

“Thay đổi thành một con người mới hoàn toàn từ hôm trước đến hôm sau là điều hoang đường. Nếu bạn muốn thay đổi một hành vi về lâu dài, cách tốt hơn cả là bạn nên bắt đầu với những thay đổi nhỏ.”


Việc đặt ra những mục tiêu đúng đắn tất nhiên là quan trọng rồi, nhưng cách chúng ta nhìn nhận về bản thân cũng quan trọng không kém. Sự tự tin về năng lực của bản thân6 — niềm tin rằng chúng ta có thể giải quyết bất cứ việc gì trong tay — là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đạt được mục tiêu. Ví dụ, một nghiên cứu đã tìm ra rằng “sự tự tin vào khả năng thay đổi” là một trong những dấu hiệu dự đoán mạnh mẽ nhất khi chúng ta xem xét việc chinh phục mục tiêu năm mới của một ai đó có tiến triển hay không. Trong hơn 200 người tham gia nghiên cứu này, những người thành công nhất không chỉ là những người tự tin hơn, mà còn là những người suy nghĩ tích cực hơn; họ tin tưởng vào khả năng của bản thân và dành ít thời gian để chỉ trích chính mình hơn là những người đã thất bại trong việc đạt được các dự định của mình.

Höchli cho rằng, một trong những cách tốt nhất để luôn vui vẻ tích cực chính là lường trước những gì xấu nhất có thể xảy ra — một điều thật ngược đời. “Bạn nên biết rằng vào một thời điểm nào đó bạn sẽ chững lại. Điều đó không có nghĩa là bạn đã thất bại. Nó đơn giản chỉ là bạn cần cố gắng lại một lần nữa thôi.” Có một cách dễ hiểu hơn để giải thích cho lập luận này: Việc tính đến những trở ngại bạn có thể vấp phải trên con đường chinh phục thành công là một cách hay để bạn tính toán các chiến thuật để vượt qua chúng – một phần quan trọng trong việc xây dựng sức bền. Thêm vào đó, việc chuẩn bị tinh thần cho những thất vọng tiềm tàng ngay khi bắt đầu cũng có thể có những tác động tốt đến tâm lý; bạn sẽ cảm thấy đỡ suy sụp nếu như (hoặc khi) chúng xảy ra.

May mắn thay, sự thất vọng khi chúng ta không đạt được mục tiêu lại đem đến ít đau khổ hơn ta tưởng. “Chúng ta không nhận ra rằng mình có thể đương đầu với các tình huống tiêu cực tốt đến mức nào,” Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý học thuộc đại học British Columbia cho biết. “Chúng ta nhìn nhận khả năng miễn dịch tâm lý của bản thân như thể nó rất không hiệu quả hay thậm chí không hề tồn tại.”

Chuyên môn của Dunn là tâm lý học hạnh phúc, và bà đã dành ra nhiều năm để nghiên cứu khái niệm dự báo cảm xúc (affective forecasting)7 – nghĩa là khả năng mà chúng ta có thể dự đoán những cảm xúc tương lai của mình. Bà giải thích rằng, mọi người nhìn chung đều có xu hướng phóng đại mức độ buồn rầu sau những thất bại hoặc những nỗi thất vọng; cũng như việc sẽ mất bao lâu để lấy lại tinh thần. Chúng ta còn đánh giá thấp mức độ vui vẻ mình sẽ cảm thấy sau những trải nghiệm khác, ví dụ như tập thể dục hay là dùng tiền của bản thân cho người khác.

Xét trong văn cảnh mục tiêu, việc chúng ta không thể dự đoán chính xác cảm xúc của mình có nhiều ý nghĩa quan trọng. Chúng ta cũng có xu hướng đánh giá quá cao mức độ hạnh phúc của các mục tiêu về mặt vật chất như tiền và sự nổi tiếng sẽ đem lại, và họ theo đuổi những mục tiêu không thể thật sự thỏa mãn các nhu cầu tâm lý sâu thẳm bên trong. Tuy nhiên, Dunn nói rằng những dự đoán sai lệch này không phải lúc nào cũng là một điều xấu. Ví dụ, khi ôn tập cho một bài kiểm tra quan trọng hoặc chuẩn bị cho một bài thuyết trình lớn, việc phóng đại cảm giác tồi tệ nếu làm hỏng việc có thể lại chính là động lực bạn cần để thành công. “Sự cường điệu hoá những tác động cảm xúc do những kết quả khác nhau mang lại có thể là một điều tốt, nếu như nó giúp ta nghiêm túc hơn với mục tiêu của mình,” Dunn nói. “Đây thật sự là một câu hỏi rất khó nhằn.”

Một ích lợi bất ngờ khác từ việc dự đoán cảm xúc không chính xác chính là niềm vui chúng ta có được từ việc đánh giá cao sự hạnh phúc trong tương lai. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bản thân những dự đoán sai lệch có thể là một điều khá dễ chịu. “Kể cả khi bạn tưởng tượng quá mức bạn sẽ tận hưởng chuyến đi đến Hawaii đến mức nào, thì ít nhất bạn có thể tận hưởng sự háo hức đó,” Dunn nói. “Tôi nghĩ rằng rất nhiều niềm vui trong cuộc sống này đến từ chặng đường trước khi đến đích.”

Kết quả từ 6 nghiên cứu đã ủng hộ ý kiến rằng chú ý vào quá trình theo đuổi một mục tiêu sẽ có ích về lâu dài. Các nhà nghiên cứu đã khuyến khích hơn 1,600 người vừa mới đạt được mục tiêu cá nhân của mình làm một đánh giá về thành công gần nhất của bản thân thông qua hai lăng kính: “điểm đến” hoặc “quá trình.” Họ tìm ra rằng những người cho rằng mục tiêu là một phần của một quá trình có khả năng sẽ tiếp tục tiến bộ với mục tiêu này, cho dù họ đã đạt được nó.

Khi tôi hỏi ý kiến của Höchli về tất cả những nghiên cứu này, bà nhắc lại một câu nói của Oscar Wilde: “Cuộc đời này chỉ có hai bi kịch: thứ nhất là không thể có được những gì mình muốn, và thứ hai là đạt được được nó.” Cảm giác chinh phục được các mục tiêu thì tuyệt đấy, nhưng sau đó chúng ta có thể cảm thấy mất phương hướng một chút. “Bạn vừa mới dành rất nhiều thời gian và công sức cho một việc nào đó, và rồi bạn đã hoàn thành nó,” bà nói “Điều này có thể khiến bạn cảm thấy rất vui hoặc nhẹ nhõm, nhưng nó cũng sẽ khiến bạn cảm thấy trống rỗng một chút.”

Đó là lý do tại sao Höchli, cũng như Dunn, khuyến khích chúng ta hãy tận hưởng quá trình tiến tới thành công nhiều nhất có thể. “Cứ tận hưởng đi!” bà cười khi chúng tôi nói lời tạm biệt. “Tôi nghĩ đó chính là phần thưởng giá trị nhất trong tất cả mọi thứ.”


  1. Kế toán cảm tính, hay còn gọi là Kế toán nhận thức (Mental Accounting) là một học thuyết hành vi được đề xuất bởi Richard Thaler. Thaler cho rằng các cá nhân có thể khắc phục những hạn chế về nhận thức bằng cách đơn giản hóa môi trường kinh tế một cách có hệ thống, chẳng hạn như sử dụng các quỹ riêng biệt cho các khoản chi tiêu khác nhau của hộ gia đình.

  2. Mô hình S.M.A.R.T là mô hình thiết lập mục tiêu hiệu quả giúp chúng ta thiết lập và đánh giá tính cụ thể, mức độ khả thi, sự liên quan và tính hợp lý của các mục tiêu trong kế hoạch dựa trên 5 tiêu chí: Specific (Cụ thể) – Measurable (có thể Đo lường được) – Actionable (Tính Khả thi) – Relevant (Sự Liên quan) – Time-Bound (Thời hạn đạt được mục tiêu).

  3. Những mục tiêu trừu tượng (superordinate goals) đề cập đến những khái niệm đã được lý tưởng hoá về bản thân chúng ta, những mối quan hệ của chúng ta, và xã hội xung quanh chúng ta.

  4. Những mục tiêu cụ thể (subordinate goals) chỉ ra những hành động cụ thể và làm thế nào để thực hiện chúng.

  5. Ironman Triathlon là một cuộc đua kết hợp 3 chặng gồm bơi 4km, đua xe đạp 180km và chạy 42km.

  6. Tự tin vào năng lực bản thân (self-efficacy) là niềm tin của một cá nhân về khả năng bẩm sinh của mình để đạt được mục tiêu. Kỳ vọng về năng lực bản thân xác định liệu một cá nhân sẽ có thể thể hiện hành vi đối phó và nỗ lực kéo dài bao lâu khi đối mặt với trở ngại. Những cá nhân tự tin vào năng lực bản thân cao sẽ nỗ lực hết sức, nếu thực hiện tốt sẽ dẫn đến kết quả thành công, trong khi những người có sự tự tin vào năng lực bản thân thấp có thể ngừng nỗ lực sớm và thất bại.

  7. Affective Forecasting là sự dự đoán về trạng thái cảm xúc trong tương lai (trong thuật ngữ tâm lý học, “affect” có nghĩa là trạng thái tâm lý). Đây là một lĩnh vực rất được quan tâm bởi các nhà tâm lý học cũng như các nhà kinh tế học, bởi vì sự dự đoán tâm trạng trong tương lai của một người có ảnh hưởng lớn đến sở thích, hành vi, và các quyết định của họ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất