a
§ Tác giả: Andrew Curry | Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Thuỷ Tiên | Hiệu đính:  Ninh
09/08/2020

Trước cả thời Phát-xít đã tồn tại quan niệm rằng từng có những nhóm người châu Âu cổ đại “thuần chủng” xuất hiện từ thời còn loài voi ma-mút lông xoăn; chính quan niệm này đã truyền cảm hứng cho nhiều kẻ cuồng tín từ lâu. Quan niệm này cũng đã nuôi dưỡng sự phân biệt chủng tộc, cho rằng người da trắng là thượng đẳng, và trong những năm gần đây điều này đã dấy lên nỗi sợ về ảnh hưởng của người nhập cư: thứ đã và đang đe dọa phá vỡ Liên minh Châu Âu và khuấy động tình hình chính trị tại Mỹ.

Giờ đây, các nhà khoa học đang đưa ra những câu trả lời mới cho câu hỏi về việc người châu Âu thực sự là ai và họ từ đâu tới. Những phát hiện mới này cho thấy rằng lục địa này là một hỗn hợp đa sắc tộc từ Kỷ Băng hà. Những người châu Âu hiện đại ngày nay, ở bất kể quốc gia nào, đều là một sự kết hợp nào đó giữa những dòng máu cổ đại từ châu Phi, Trung Đông và từ vùng thảo nguyên nước Nga.

Bằng chứng này xuất phát từ những hiện vật khảo cổ, từ các phân tích răng và tóc hóa thạch của người cổ đại, và từ ngành ngôn ngữ học. Nhưng trên hết, những bằng chứng này đến từ một ngành khoa học mới mẻ có tên di truyền học khảo cổ (paleogenetics)1. Trong thập niên qua, người ta đã có thể giải trình tự bộ gen hoàn chỉnh của những người cổ đại sống vào hàng chục nghìn năm trước. Những tiến bộ khoa học chỉ trong vài năm trở lại đây đã làm quá trình này ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn rất nhiều; một phần nhỏ của bộ xương người được bảo quản tốt bây giờ có thể được giải trình tự chỉ với 500 USD (khoảng 12 triệu đồng).

Kết quả là một sự bùng nổ thông tin mới làm biến đổi ngành khảo cổ học. Chỉ riêng trong năm 2018, các bộ gen của hơn một nghìn người tiền sử đã được xác định, phần lớn là từ những bộ xương khai quật được từ nhiều năm trước cũng như xương được bảo quản trong các bảo tàng và các phòng nghiên cứu khảo cổ. Trong quá trình này, khái niệm về sự thuần chủng của bộ gen châu Âu đã bị cuốn trôi trong cơn thủy triều bột xương.

Quy trình phân tích những bộ gen cổ đại cũng giống như bộ xét nghiệm ADN cá nhân, điểm khác biệt duy nhất là nó phân tích mẫu từ những con người qua đời lâu trước sự phát minh của chữ viết, bánh xe, và nghề gốm. Những thông tin di truyền này hoàn chỉnh đến đáng ngạc nhiên: tất cả mọi thứ từ màu tóc, màu mắt cho đến khả năng tiêu hóa sữa đều có thể được xác định chỉ từ một phần ngàn của một ounce (tương đương khoảng 28.3 miligam) xương hoặc răng. Và giống như những xét nghiệm ADN cá nhân, kết quả cuối cùng tiết lộ cho chúng ta danh tính và nguồn gốc của tổ tiên người cổ đại, và cả những cuộc di cư thời xưa.

Lưỡi dao từ thời Đồ đá Mới.
Nguồn ảnh: The Portable Antiquities Scheme/ The Trustees of the British Museu.

Ngày nay chúng ta biết rằng có ba đợt di cư lớn của con người đã hình thành nên châu Âu thời tiền sử. Những người nhập cư đã mang tới châu Âu nghệ thuật và âm nhạc, nông nghiệp và các thành phố, ngựa đã thuần hóa, và bánh xe. Họ đã đem theo ngữ hệ Ấn-Âu2, những ngôn ngữ vẫn được sử dụng ở phần lớn châu Âu ngày nay. Họ cũng có thể đã đem đến bệnh dịch hạch. Những đóng góp lớn cuối cùng vào cấu trúc gen của người Tây Âu và Trung Âu — có thể gọi là những người châu Âu đầu tiên cuối cùng — đến từ vùng thảo nguyên nước Nga vào thời điểm mà Stonehenge3 vẫn còn đang được xây dựng, khoảng 5,000 năm trước. Họ đã hoàn thiện bộ gen châu Âu.

Trong một thời đại mà những cuộc tranh cãi về di cư và biên giới lãnh thổ vẫn còn vô cùng nóng hổi, khoa học chỉ ra rằng châu Âu là một lục địa tạo nên từ dân nhập cư, và từ trước đến giờ vẫn luôn là như vậy. “Những người đang sống ở đây không phải con cháu của những người đã từng sống ở đây rất lâu về trước,” chuyên gia di truyền học khảo cổ tại trường đại học Harvard David Reich cho biết. “Không có ai là người châu Âu bản xứ cả — những ai vẫn còn tin vào sự thuần khiết chủng tộc sẽ phải đối diện với sự vô nghĩa của khái niệm này.”

Stonehenge, Anh.
Nguồn ảnh: Hulki Okan Tabak

Làn sóng thứ nhất: Ra khỏi châu Phi

Ba mươi hai năm trước, nghiên cứu trên ADN của con người ngày nay đã giúp thiết lập rằng tất cả chúng ta đều chia sẻ một cây phả hệ chung và một câu chuyện di cư cổ xưa chung: tất cả những người bên ngoài châu Phi đều là con cháu của những tổ tiên đã rời khỏi lục địa ấy hơn 60,000 năm trước. Khoảng 45,000 năm trước, những con người hiện đại đầu tiên ấy đặt chân đến châu Âu, sau khi băng qua Trung Đông. ADN của họ cho thấy rằng họ đã từng có da sẫm màu và có thể là mắt sáng màu.

Vào thời điểm đó, châu Âu là một nơi khó sống. Những dải băng dày cả dặm (1 dặm = khoảng 1.6 km) bao phủ rải rác trên lục địa này. Nơi nào trời đủ ấm, nơi đó có các động vật hoang dã. Có cả những con người, nhưng không giống chúng ta: họ là người Neanderthal, và họ đã thích nghi với điều kiện sống lạnh lẽo và khắc nghiệt này, vì tổ tiên của họ đã lang thang ra khỏi châu Phi hàng trăm ngàn năm trước đó.

Những người châu Âu hiện đại đầu tiên sống theo lối săn bắt và hái lượm trong những nhóm du cư nhỏ. Họ đi theo những dòng sông, lần theo dòng Danube4 từ miệng sông ở Biển Đen cho đến tận Tây và Trung Âu. Trong nhiều thiên niên kỷ, họ không gây ra ảnh hưởng gì. ADN của họ cho thấy đã có sự pha trộn giữa họ và người Neanderthal, và người Neanderthal đã biến mất sau khoảng 5,000 năm. Ngày nay bộ gen của một người châu Âu điển hình chứa khoảng 2% ADN có nguồn gốc Neanderthal. Một người châu Phi điển hình không có chút ADN Neanderthal nào trong bộ gen của họ.

Khi châu Âu vẫn còn đang bị bao phủ trong Kỷ Băng hà, những con người hiện đại đã tìm cách sinh tồn ở phía Nam, nơi không có băng, và tìm cách thích nghi với khí hậu lạnh. Khoảng 27,000 năm trước, có thể họ chỉ có vài ngàn người, theo như một số ước tính quần thể. Họ tồn tại nhờ [việc săn bắn] những động vật có vú lớn như voi ma-mút, ngựa, tuần lộc và bò rừng châu Âu — tổ tiên của gia súc hiện đại. Trong những hang động nơi họ cư trú, họ để lại những bức vẽ và bản khắc ngoạn mục tái hiện lại hình ảnh những con mồi của họ.

Koảng 14,500 năm về trước, khi châu Âu bắt đầu ấm lên, con người lần theo những dòng sông băng đang bắt đầu tan chảy về phía Bắc. Trong những thiên niên kỷ tiếp theo, họ chế tạo nhiều công cụ đá phức tạp hơn và định cư thành những ngôi làng nhỏ. Các nhà khảo cổ học gọi thời kỳ này là thời kỳ Đồ đá giữa (Mesolithic – biên tập viên).

Vào những năm 1960, các nhà khảo cổ học người Serbia đã khai quật được một làng đánh cá thuộc thời kỳ Đồ đá giữa, ẩn náu trong những vách đá dựng đứng ở một khúc sông Danube, gần một trong những đoạn sông hẹp nhất. Địa điểm này có tên Lepenski Vir và đã từng là một khu định cư khá phức tạp có đến khoảng một trăm người sinh sống, được xây dựng khoảng 9,000 năm trước. Một số ngôi nhà có những bức tượng chạm khắc hình nửa người nửa cá.

Những mẫu xương tìm được tại Lepenski Vir cho thấy rằng những người sống ở đó phụ thuộc nhiều vào nguồn cá từ sông. Ngày nay, những gì còn sót lại của ngôi làng được bảo tồn dưới một mái vòm nhìn ra sông Danube; những tác phẩm điêu khắc hình những vị thần sông trố mắt vẫn đang trông coi những chiếc lò sưởi cổ đại. “Chế độ ăn uống của họ có đến 70% là cá,” Vladimir Nojkovic, người dẫn đầu nhóm khảo cổ tại đây nói. “Họ đã sống ở đây gần 2,000 năm, cho đến khi những người làm nông đẩy họ đi khỏi đó.”

Khai quật khảo cổ học tại Aktopraklik, Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn ảnh: Serkany

Làn sóng thứ hai: Ra khỏi Tiểu Á

Đồng bằng Konya nằm ở trung tâm Tiểu Á (Anatolia)5 là vựa lúa của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Nơi đây là một vùng đất màu mỡ, và bạn có thể nhìn thấy các cơn mưa rào làm nhòa đi những ngọn núi trên đường chân trời trước khi chúng đổ xuống quanh bạn làm bụi bay tới tấp. Đây từng là nơi ở của những nông dân, theo lời nhà khảo cổ học Douglas Baird thuộc trường đại học Liverpool, từ những ngày đầu của nông nghiệp. Trong hơn một thập kỷ, Baird đã khai quật một ngôi làng tiền sử ở đây tên là Boncuklu. Ngôi làng này là nơi mà con người đã bắt đầu khoanh những mảnh ruộng nhỏ để trồng lúa mì Emmer6 và lúa mì Einkorn7, hai loại lúa mì cổ đại, và có lẽ họ cũng đã từng chăn nuôi những đàn cừu và dê nhỏ, vào khoảng 10,300 năm trước, khi gần sang thời kỳ Đồ đá mới (the Neolithic – biên tập viên).

Chỉ trong khoảng 1,000 năm, cuộc Cách mạng Đồ đá mới, giống như tên gọi của nó, lan lên phía Bắc qua Tiểu Á tới Đông Nam châu Âu. Đến khoảng 6,000 năm trước đây, khắp châu Âu đều có những người nông dân và người chăn gia súc.

Có một điều đã rõ ràng từ rất lâu, đó là châu Âu đã du nhập kỹ thuật trồng trọt từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc từ Đông Địa Trung Hải, nhưng có phải những nông dân châu Âu cũng tới từ hai nơi này không? Câu trả lời cho câu hỏi này không hề rõ ràng. Trong suốt hàng chục năm, nhiều nhà khảo cổ học đã cho rằng cả một hệ thống các sáng kiến mới — nông nghiệp, nghề làm gốm, những chiếc rìu đá đánh bóng có thể dùng để phát rừng, và những khu định cư phức tạp hơn — du nhập vào châu Âu không phải nhờ người di cư mà là qua buôn bán và lời truyền miệng, từ thung lũng nọ đến thung lũng kia, khi những thợ săn bắt-hái lượm vốn sống ở đó từ trước tiếp thu những công cụ mới và lối sống mới.

Nhưng những bằng chứng ADN tìm thấy ở Boncuklu cho thấy rằng việc di cư có ảnh hưởng nhiều hơn thế. Những người nông dân ở Boncuklu giữ những người thân đã mất ở gần họ, bằng cách chôn người đã mất trong tư thế cuộn tròn dưới sàn nhà. Từ năm 2014, Baird đã bắt đầu gửi những mẫu ADN chiết xuất từ những mẩu sọ và răng từ hơn một chục những nơi chôn cất tới những phòng thí nghiệm ADN ở Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, và Đức. 

Rất nhiều mẫu vật trong số đó đã bị phân hủy nghiêm trọng sau khi phải trải qua hàng thiên niên kỷ trong cái nóng của đồng bằng Konya, không thể chiết xuất được đủ ADN. Nhưng sau đó, Johannes Krause và các cộng sự tại Viện nghiên cứu Khoa học Lịch sử loài người Max Planck tại Đức đã xét nghiệm các mẫu vật từ một số ít xương đá. Xương đá là một phần xương nhỏ trong cấu tạo tai trong, chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay út một chút; nó cũng là xương đặc nhất của cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phần xương này bảo quản thông tin di truyền được rất lâu, kể cả sau khi ADN trong các phần còn lại của bộ xương đã bị nhiệt độ cao phân hủy hoàn toàn. Phát hiện này, cùng với những chiếc máy giải trình tự gen tân tiến, đã mang tới sự bùng nổ của nghiên cứu ADN cổ đại.

Quá trình nghiên cứu xương đá từ những mẫu xương ở Boncuklu đã cho trái ngọt: những mẫu ADN chiết xuất được trùng khớp với những nông dân đã sống và qua đời hàng thế kỷ sau ở một nơi cách xa Boncuklu hàng trăm dặm về phía tây bắc. Điều đó có nghĩa là những nông dân vùng Tiểu Á đã di cư và lan truyền phương thức sinh hoạt cũng như ADN của họ.

Họ đã không chỉ dừng lại ở Đông Nam châu Âu. Trong nhiều thế kỷ, con cháu của họ đã tiếp tục lần theo dòng chảy của sông Danube, qua Lepenski Vir, và tiến xa hơn nữa vào trung tâm châu lục. Có người lại ra Địa Trung Hải bằng thuyền, chiếm cứ những hòn đảo như Sardinia8 và Sicily9, và nơi xa nhất về phía Nam mà họ đã đặt chân đến là Bồ Đào Nha. Từ Boncuklu đến nước Anh, điểm đặc trưng của bộ gen Tiểu Á có thể được tìm thấy ở bất cứ đâu từng là nơi nông nghiệp xuất hiện đầu tiên.

Những nông dân trong thời kỳ Đồ đá mới phần lớn đã có da sáng màu và mắt sẫm màu — trái ngược với những người thợ săn bắt-hái lượm mà vào thời điểm đó họ đã sống cùng. “Họ có vẻ ngoài khác biệt, họ nói những thứ tiếng khác nhau… và họ cũng có chế độ ăn khác nhau,” Nhà khảo cổ học David Anthony thuộc trường đại học Hartwick cho biết. “Nói chung, họ sống tách riêng.”

Khắp châu Âu, sự tương tác này ban đầu này khá lẻ tẻ và cứ như thế kéo dài vài thế kỷ. Có rất ít bằng chứng cho thấy một nhóm người đã học hỏi các công cụ hoặc phong tục từ một nhóm người khác. Kể cả khi hai nhóm người đã bắt đầu hòa nhập với nhau, những cuộc hôn nhân khác tộc vô cùng hiếm khi xảy ra. “Việc họ đã có tương tác với nhau là điều khá rõ ràng, nhưng không có việc dựng vợ gả chồng giữa hai bên,” Anthony nói. “Không như các bài học nhân chủng học, con người thời đó không hề quan hệ tình dục với nhau.” Nỗi sợ người khác đã có một lịch sử lâu dài.

Khoảng 5,400 năm trước, mọi thứ đã thay đổi. Khắp châu Âu, những khu định cư phát triển của thời kỳ Đồ đá mới bỗng thu hẹp lại, hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn. Sự suy tàn đột ngột này đã làm đau đầu các nhà khảo cổ học trong nhiều thập kỷ. “Có ít mẫu vật hơn, ít đồ đạc hơn, ít người, ít địa điểm,” Krausse nói. “Khi không có sự kiện lớn nào xảy ra, điều này rất khó giải thích.” Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đã từng xảy ra xung đột lớn hay chiến tranh.

Sau khoảng 500 năm, dân số có vẻ lại tăng lên, nhưng có một điều gì đó đã khác đi. Ở phía đông nam của châu Âu, các ngôi làng và những nghĩa trang bình đẳng của thời kỳ Đồ đá mới đã bị thay thế bởi những gò mộ oai nghiêm, mỗi ngôi mộ chỉ chôn duy nhất một người đàn ông trưởng thành. Xa hơn về phía Bắc, từ nước Nga cho đến sông Rhine, một nền văn hóa mới xuất hiện, với cái tên là nền Văn hóa Gốm Thừng10, đặt theo cách làm gốm trong thời kì này: đồ gốm được trang trí bằng cách ép các sợi dây vào đất sét khi còn ướt.

Các bình gốm thuộc Văn hóa Gốm Thừng.
Nguồn ảnh: Einsamer Schütze

Bảo tàng Tiền sử Thành phố tại thành phố Halle nước Đức có hàng chục những ngôi mộ từ thời kỳ Văn hóa Gốm Thừng, trong đó có rất nhiều những ngôi mộ được những nhà khảo cổ học giải cứu trong vội vã trước khi những đội xây dựng bắt đầu làm việc. Để tiết kiệm thời gian và để bảo quản những cổ vật mong manh, những ngôi mộ này được chuyển từ dưới lòng đất vào những chiếc thùng gỗ, giữ nguyên đất đá xung quanh, và được lưu trữ trong một nhà kho cho những nghiên cứu tương lai. Những chiếc thùng này xếp trên những chiếc kệ thép nhiều tầng, cao đến trần nhà, và nay chúng đã trở thành một nguồn tài nguyên quý cho các nhà di truyền học.

Những ngôi mộ từ thời kì Văn hóa Gốm Thừng dễ nhận ra đến mức độ các nhà khoa học hiếm khi phải bận tâm đến phương pháp định tuổi bằng cacbon-1411. Hầu như lúc nào cũng vậy, đàn ông được chôn trong tư thế nằm nghiêng về bên phải, đàn bà nằm nghiêng về bên trái, và tất cả họ đều được để chân gập lên, và mặt hướng về phía nam. Trong một số ngôi mộ ở nhà kho của bảo tàng thành phố Halle, những người đàn bà giữ chặt những chiếc ví và túi có treo răng nanh của hàng chục con chó, và đàn ông thì có những chiếc rìu chiến bằng đá. Trong một ngôi mộ, được cất giữ gọn gàng trong một chiếc thùng gỗ trên sàn bê tông của nhà kho, một người phụ nữ và một đứa trẻ được chôn cất cùng nhau.

Khi các nhà nghiên cứu mới bắt đầu phân tích ADN tìm được trong một số ngôi mộ, họ tưởng rằng những con người của thời kỳ Văn hóa Gốm Thừng sẽ có liên hệ mật thiết với những người nông dân từ thời kỳ Đồ đá mới. Nhưng thay vào đó, ADN của họ có những gen đặc biệt và hoàn toàn mới lạ, chưa bao giờ có ở châu Âu tại thời điểm đó, nhưng lại có thể được tìm thấy ở gần như tất cả các quần thể người châu Âu hiện đại bây giờ. Nhiều người thuộc thời kỳ Văn hóa Gốm Thừng hóa ra lại có họ hàng gần với người châu Mỹ bản địa hơn là những người nông dân châu Âu trong thời kỳ Đồ đá mới. Điều này làm cho bí ẩn về danh tính của họ trở nên khó giải đáp hơn bao giờ hết.

Làn sóng thứ ba: Ra khỏi thảo nguyên Á-Âu

Vào một buổi sáng tháng Mười đẹp trời gần thị trấn Žabalj nước Serbia, nhà khảo cổ học người Ba Lan Piotr Włodarczak và các cộng sự lái chiếc xe bán tải của họ về phía một gò mộ được xây từ 4,700 năm trước. Trên những đồng bằng nằm hai bên dòng Danube, những gò mộ như thế này, dài cả trăm foot (khoảng 30 mét) và cao 10 foot (khoảng 3 mét), là thứ duy nhất làm nên địa hình. Để xây được một gò mộ như vậy, người tiền sử có thể đã phải tốn nhiều tuần, hoặc nhiều tháng. Włodarczak và các cộng sự đã tốn nhiều tuần đào bới bằng xẻng và một chiếc máy xúc để dỡ bỏ phần đỉnh của gò mộ.

Włodarczak đứng trên gò mộ và gỡ chiếc bạt phủ để hé lộ những gì bên dưới: một phòng mộ hình chữ nhật, bên trong có bộ xương của một tộc trưởng trong tư thế nằm ngửa và đầu gối gập lại. Những dấu vết của những chiếc thảm dệt từ lau sậy và những chiếc xà gỗ tạo nên mái ngôi mộ vẫn còn hằn rõ lên nền đất tối màu và nén chặt.

“Đây là một sự thay đổi trong phong tục chôn cất vào khoảng năm 2800 TCN,” Włodarczak nói, trong lúc ngồi xổm xuống gần bộ xương. “Con người bắt đầu xây cất những gò mộ khổng lồ, để nhấn mạnh tính chất cá nhân của con người, nhấn mạnh vai trò của người đàn ông, sự quan trọng của vũ khí. Đây là một điều mới mẻ ở châu Âu thời đó.”

Nhưng cách đó 800 dặm (khoảng 1,287 km) về phía đông, điều này không có gì mới mẻ. Tại nơi mà ngày nay là vùng thảo nguyên của phía Nam nước Nga và phía đông Ukraine, một nhóm những người du mục gọi là người Yamnaya, vốn là một trong số những người đầu tiên trên thế giới biết cưỡi ngựa, đã thành thạo cách sử dụng bánh xe, chế tạo xe goòng, và chăn thả những đàn gia súc trên đồng cỏ. Họ không xây nhiều nơi định cư lâu dài. Nhưng họ đã chôn cất những người đàn ông có vị thế nhất với những đồ trang trí bằng bạc và bằng đồng trong những gò mộ kỳ vĩ. Đến ngày nay chúng ta vẫn có thể thấy những gò mộ này như những chấm tròn khổng lồ điểm xuyết trên thảo nguyên. 

Những cuộc khai quật khảo cổ cho thấy đến năm 2800 TCN những người Yamnaya đã bắt đầu di chuyển sang phía tây, có lẽ là để tìm kiếm những đồng cỏ tươi tốt hơn. Gò mộ gần Žabalj mà Włodarczak nghiên cứu là gò mộ Yamnaya ở xa nhất về phía tây được tìm thấy cho đến nay. Nhưng nhà di truyền học khảo cổ Reich và một số nhà khoa học khác cho biết những bằng chứng di truyền cho thấy rằng nhiều người từ thời kỳ Văn hóa Gốm Thừng  là hậu duệ của người Yamnaya. Giống như những bộ hài cốt từ thời đại Văn hóa Gốm Thừng, người Yamnaya có quan hệ họ hàng xa với người châu Mỹ bản địa — và người châu Mỹ bản địa thì có tổ tiên đến từ xa hơn về phía đông, ở Siberia.

Một ngôi mộ Yamnaya.
Nguồn ảnh: Sayenko Valeriy

Chỉ trong vài thế kỷ, những tộc người với lượng ADN có nguồn gốc Yamnaya đáng kể đã lan rộng tới tận quần đảo Anh. Tại Anh và một số nơi khác, những người nông dân đã sống tại châu Âu từ trước hầu như không còn tồn tại sau sự xâm chiếm từ phía đông. Tại nơi mà ngày nay là nước Đức, “khoảng 70 đến có thể là 100% những người dân bản địa đã bị thay thế,” Reich nói. “Có một điều gì đó rất thảm khốc đã xảy ra 4,500 năm về trước.”

Trước thời điểm đó, những người nông dân đã có một cuộc sống thịnh vượng ở châu Âu trong nhiều thiên niên kỷ. Họ định cư khắp từ Bulgaria cho đến tận Ireland, và thường là ở những ngôi làng với hệ thống phức tạp, nơi có hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn người sinh sống. Nhà khảo cổ học Volker Heyd thuộc trường đại học Helsinki, Phần Lan, ước tính rằng đã từng có đến 7 triệu người ở châu Âu vào năm 3000 TCN. Vào thời điểm này tại Anh, những người từ thời đại Đồ đá mới đang trong quá trình xây Stonehenge.

Với nhiều nhà khảo cổ, ý tưởng rằng một nhóm người du mục có thể thay thế cả một nền văn minh lâu đời chỉ trong một vài thế kỷ đã từng có vẻ rất đáng ngờ. “Làm thế quái nào mà những nhóm người quê mùa và phân tán này có thể lật đổ một xã hội có nền móng vững chãi như xã hội thời Đồ đá mới, kể cả khi họ có ngựa và bản thân là những chiến binh tốt?” nhà khảo cổ học Kristian Kristiansen thuộc trường đại học Gothenburg, Thụy Điển thắc mắc.

Một manh mối đã được tìm thấy từ những mẫu răng của 101 người sống ở vùng thảo nguyên và xa hơn về phía tây châu Âu vào khoảng thời gian mà cuộc di cư về phía tây của người Yamnaya bắt đầu. Các nhà di truyền học đã xác định được bảy mẫu trong số đó, ngoài ADN của người còn tìm thấy ADN của Yersinia pestis dạng sơ khai — thứ vi khuẩn dịch hạch đã giết chết khoảng một nửa số người châu Âu vào thế kỷ thứ 1412.

Khác với Cái Chết Đen khi bệnh dịch hạch lan truyền do loài bọ chét, phiên bản sơ khai này chỉ có thể lây từ người sang người. Dân du mục thảo nguyên có vẻ như đã sống cùng dịch bệnh này trong hàng thế kỷ, và có thể đã trở nên miễn dịch hoặc kháng bệnh — giống như khi những người châu Âu đi xâm chiếm châu Mỹ đã đem theo bệnh đậu mùa nhưng không phải sụp đổ trước nó. Và giống như bệnh đậu mùa và những căn bệnh khác đã tiêu diệt những người châu Mỹ bản địa, bệnh dịch hạch do những người Yamnaya đầu tiên mang theo đã lây lan nhanh chóng trong những ngôi làng đông đúc của thời kỳ Đồ đá mới. Điều này có thể giải thích cho sự sụp đổ bất ngờ của những ngôi làng này cũng như sự lan truyền nhanh chóng của ADN người Yamnaya từ nước Nga đến nước Anh.

“Đại dịch dịch hạch đã dọn đường cho sự bành trướng của người Yamnaya,” Morten Allentoft, nhà sinh học tiến hóa tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Đan Mạch cho biết. Ông là người đã giúp xác định ADN dạng sơ khai của bệnh dịch hạch.

Nhưng giả thuyết đó lại đặt ra một câu hỏi lớn: bằng chứng về bệnh dịch hạch mới chỉ được ghi nhận gần đây trong những mẫu xương từ thời kỳ Đồ đá mới, và cho đến nay, chưa ai tìm thấy những chiếc hố chôn tập thể đầy những bộ xương của người bệnh như dịch Cái Chết Đen để lại. Nếu một đại dịch đã xóa sổ những người nông dân thời kỳ Đồ đá mới ở châu Âu, thì nó đã để lại quá ít dấu vết.

Kể cả họ có mang theo bệnh dịch hạch hay không, người Yamnaya đã đem đến ngựa thuần hóa và một lối sống di động trên những chiếc xe goòng vào châu Âu thời kỳ Đồ đá. Và qua việc đem đến những vũ khí và công cụ tân tiến bằng kim loại, họ có thể đã giúp châu Âu tiến tới thời kỳ đồ đồng.

 Các ngôn ngữ Ấn Âu hiện đang được sử dụng tại châu Âu.
Nguồn ảnh: Iolaafi

Đây có lẽ còn chưa phải là đóng góp lớn nhất của người Yamnaya cho sự phát triển của châu Âu. Sự xuất hiện của họ trên lục địa này trùng với khoảng thời gian mà các nhà ngôn ngữ học xác định là sự phát tán ban đầu của ngữ hệ Ấn-Âu, một ngữ hệ bao gồm hàng trăm ngôn ngữ, và bao gồm phần lớn những ngôn ngữ được sử dụng từ Ireland đến Nga cho đến nửa phía bắc của Ấn Độ. Tất cả các ngôn ngữ này được cho là đã tiến hóa từ một ngôn ngữ Ấn-Âu nguyên thủy chung, và câu hỏi về việc ai sử dụng ngôn ngữ nguyên thủy này và sử dụng ở đâu đã là một đề tài tranh luận nóng hổi từ thế kỷ 19. Theo như một giả thuyết, thì đó là những người nông dân thời kỳ Đồ đá mới từ Tiểu Á, họ đã đem ngôn ngữ này vào châu Âu cùng với nông nghiệp.

Một giả thuyết khác, được học giả người Đức Gustaf Kossinna đề xuất một thế kỷ trước, cho rằng những người Ấn-Âu đầu tiên là một chủng tộc cổ đại của những người Đức tại phía bắc — những người đã tạo nên những chiếc bình và rìu của thời kỳ Văn hóa Gốm Thừng. Kossinna cho rằng dân tộc của những con người cổ đại — và cả nhận dạng sinh học của họ có thể được luận ra từ những đồ đạc mà họ để lại.

“Những khu vực văn hóa khảo cổ được xác định rõ ràng,” ông viết, “tương ứng với những khu vực của các tộc người hoặc bộ lạc riêng biệt một cách không thể chối cãi.”

Kosssinna lập luận rằng bộ lạc miền bắc nước Đức của những người Ấn-Âu đầu tiên, đã di cư ra ngoài và thống trị một vùng đất kéo dài đến tận Moscow. Những nhà tuyên truyền Phát-xít về sau đã sử dụng điều này làm một cái cớ đầy học thức để những người chủng tộc Arya hiện đại13 trở thành “chủng tộc thượng đẳng” nắm quyền xâm chiếm Đông Âu.

Một phần kết quả của việc này là trong hàng thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, toàn bộ ý tưởng rằng chính di cư tạo ra những chuyển đổi trong văn hóa cổ đại đã mang tiếng xấu trong giới khảo cổ. Thậm chí ngày nay một số nhà khảo cổ học vẫn cảm thấy không thoải mái khi các nhà di truyền học mạnh dạn vẽ những mũi tên lên bản đồ châu Âu.

“Suy nghĩ giản đơn này là do Kossinna,” Heyd, người Đức, nói. “Lối suy nghĩ này gọi trở lại những con quỷ dưới lốt những kẻ tóc vàng mắt xanh từ dưới địa ngục nơi chúng bị đày từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.”

Nhưng ADN cổ đại, thứ cung cấp thông tin trực tiếp về sinh học của con người cổ đại, đã trở thành một lập luận vững chắc chống lại giả thuyết của Kossinna. Thứ nhất, bằng cách ghi nhận lại sự thâm nhập càng ngày càng sâu vào châu Âu của người Yamnaya và hậu duệ của họ vào một khoảng thời gian chính xác, bằng chứng ADN hỗ trợ giả thuyết được yêu thích trong giới ngôn ngữ học: rằng những người Ấn-Âu đầu tiên đã di cư vào châu Âu từ thảo nguyên nước Nga, chứ không phải theo hướng ngược lại. Thứ hai, bằng chứng này cùng với ngành khảo cổ học gộp lại là đủ để bác bỏ lập luận của Kossinna rằng có một chủng tộc  thuần khiết ở châu Âu và có thể được xác định qua các hiện vật văn hóa.

Tất cả những người châu Âu ngày nay đều có dòng máu lai. Công thức gen của một người châu Âu điển hình là hai phần bằng nhau của dòng máu Yamnaya và dòng máu của những người nông dân Đồ đá mới, và một chút xíu từ những người thợ săn bắt-hái lượm châu Phi. Nhưng công thức trung bình này che mất sự đa dạng lớn giữa các khu vực: ở Scandinavia con người có nhiều phần gen “cao bồi phía đông” hơn, ở Tây Ban Nha và Ý có nhiều phần gen nông dân hơn, và gen thợ săn bắt-hái lượm thì góp phần đáng kể trong gen của người vùng Baltic14 và Đông Âu. 

“Với tôi, những kết quả mới từ ADN đang làm suy yếu mô hình chủ nghĩa dân tộc, thứ mô hình cho rằng chúng ta đã luôn luôn sống ở đây và không phải lai với những chủng người khác,” Kristiansen từ trường đại học Gothenburg nói. “Không có gì gọi là người Đan Mạch hay người Thụy Điển hay người Đức.” Thay vào đó, “chúng ta đều là người Nga, đều là người châu Phi.”


  1. Paleogenetics là ngành khoa học tập trung nghiên cứu về quá khứ và lịch sử thông qua việc nghiên cứu vật liệu di truyền được bảo tồn từ di cốt của các sinh vật cổ đại. Paleogenetics khác với palaeontology (ngành cổ sinh vật học), vì ngành cố sinh vật học tập trung vào nghiên cứu hóa thạch để tìm hiểu về sự tiến hóa, tương tác giữa các sinh vật cổ đại, và môi trường sống của chúng.

  2. Ngữ hệ Ấn-Âu là một ngữ hệ lớn, gồm khoảng 445 ngôn ngữ còn tồn tại, với hơn hai phần ba (313) thuộc về nhánh Ấn-Iran. Những ngôn ngữ Ấn-Âu có số người bản ngữ lớn nhất là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Hindustan (tiếng Hindi và tiếng Urdu), tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Bengal, tiếng Nga, tiếng Ba Tư và tiếng Punjab, tất cả đều có trên 100 triệu người nói.

  3. Stonehenge là một công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng gần Amesbury ở Anh, thuộc hạt Wiltshire. Công trình này bao gồm các công sự bằng đất bao quanh một vòng đá, là một trong những địa điểm tiền sử nổi tiếng thế giới. Các nhà khảo cổ cho rằng các cột đá này được dựng lên từ khoảng 2500-2000 trước Công nguyên dù các vòng đất xung quanh được xây dựng sớm hơn, khoảng 3100 năm trước Công nguyên.

  4. Sông Danube (hay Đa Nuýp trong tiếng Việt) là sông dài thứ hai ở châu Âu. Sông bắt nguồn từ vùng Rừng Đen của Đức, là hợp lưu của hai dòng sông Brigach và Breg. Sông dài 2850 km, chảy qua nhiều nước Trung và Đông Âu và đổ vào Biển Đen.

  5. Tiểu Á, hay Anatolia, là một bán đảo của châu Á mà ngày nay thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, bắc giáp với Biển Đen, nam giáp Địa Trung Hải, ngăn cách với châu Âu bởi biển Aegea và biển Marmara (đều thuộc Địa Trung Hải) ở phía tây và giáp với phần đất đai rộng lớn còn lại của châu Á ở phía đông.

  6. Emmer: một loại lúa mì lâu đời, hiện được trồng chủ yếu cho thức ăn gia súc và ngũ cốc ăn sáng.

  7. Einkorn: một loại lúa mì rất hiếm khi được trồng ngày nay, từng được trồng để làm thức ăn gia súc trong thời tiền sử.

  8. Sardinia là hòn đảo lớn thứ hai tại Địa Trung Hải, và là một vùng tự trị của Ý.

  9. Sicily là hòn đảo lớn nhất tại Địa Trung Hải và là một vùng tự trị của Ý.

  10. Văn hóa gốm (Corded Ware culture)(2900-2450/2350 TCN) là một chân trời khảo cổ châu Âu bắt đầu vào cuối thời kỳ đồ đá. Nền văn hóa này trải dài trên nhiều lục địa phía bắc châu Âu, từ sông Rhine về phía tây, đến sông Volga ở phía đông.

  11. Phương pháp định tuổi bằng cacbon-14 (Radiocarbon dating) là phương pháp xác định tuổi tuyệt đối của đối tượng cổ có chứa các chất hữu cơ, bằng cách sử dụng các thuộc tính đặc hữu của đồng vị cacbon phóng xạ.

  12. Vào thế kỷ thứ 14, châu Âu và châu Á đã phải trải qua đại dịch Cái Chết Đen (The Black Death). Bệnh dịch Cái Chết Đen được coi là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, với số lượng người chết là từ 75-200 triệu người. Nguyên nhân của đại dịch này là do bệnh dịch hạch, gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis và lây lan thông qua loài bọ chét sống trên chuột đen.

  13. Chủng tộc Arya là một khái niệm chủng tộc lịch sử xuất hiện trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và giữa thế kỷ 20 để mô tả những người có gốc gác Ấn-Âu như là một nhóm chủng tộc.

    Khái niệm này xuất phát từ quan niệm rằng những người nói các ngôn ngữ Ấn-Âu thuở ban đầu và hậu duệ của họ cho đến ngày nay tạo thành một chủng tộc hay tiểu chủng tộc của chủng tộc da trắng.

  14. Vùng Baltic là cụm từ chỉ các nước xung quanh biển Baltic. Tùy vào ngữ cảnh, “vùng Baltic” có thể mang nghĩa khác nhau một chút. Ví dụ như từ này có thể mang nghĩa những nước có bờ biển giáp biển Baltic, nhưng cũng có thể mang nghĩa các lãnh thổ ở phía đông của biển Baltic đã giành được độc lập từ đế quốc Nga trong giai đoạn náo động của Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Im đi và ngồi xuống
Chúng ta ca ngợi các nhà lãnh đạo tài ba, khao khát cái gọi là "khả năng lãnh đạo" hay "phẩm chất lãnh đạo". Vậy, chúng ta có đang quá đề cao sự lãnh đạo, và thế nào mới được coi là lãnh đạo tốt?
Mới nhất