a
§ Tác giả: Noah Berlatsky | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Mika | Hiệu đính:  Nguyên
09/05/2017

Tại sao tôi lại tự gọi mình là một nhà nữ quyền? Là một người đàn ông viết về các vấn đề nữ quyền, tôi thường được hỏi câu này – bởi cả nam giới, phụ nữ, và những người ủng hộ hoặc không ủng hộ phong trào nữ quyền. Họ cho rằng, phong trào nữ quyền là về phụ nữ; tại sao tôi lại cố gắng biến nó thành một thứ về bản thân tôi?

Những câu hỏi này dường như cũng có lý – và chúng đã được thảo luận rất nhiều. Tuy nhiên, những câu hỏi này dường như đến từ một thế giới cụ thể của nữ quyền. Tôi thì cho rằng thế giới đó đa phần là về việc trao quyền1 cho phụ nữ – một phong trào nữ quyền tập trung vào việc phụ nữ giành được quyền lực và sự bình đẳng. Phong trào Lean In (Tạm dịch: Dấn thân) của Sheryl Sandberg là một phiên bản đáng chú ý cho kiểu phong trào này. Cô ấy tập trung vào việc đưa phụ nữ vào các phòng họp ban điều hành và các công việc cấp cao, xóa bỏ ý tưởng rằng việc phụ nữ làm sếp hoặc “thích ra lệnh” là sai. Phong cách bài hát “Indepentdent Women” (Tạm dịch: Phụ nữ độc lập) của Beyoncé, bản thánh ca về sức mạnh các cô gái cũng được dựa trên ý tưởng này, đây có lẽ là lý do tại sao Beyoncé hợp tác với Sandberg trong chiến dịch “ban bossy”2.

Một trong những mục tiêu chính của phong trào nữ quyền luôn là sự trao quyền: Phụ nữ nên là sếp, cũng như đàn ông vậy. Phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ da màu, nên là triệu phú để người đàn ông của họ biết rằng chẳng có gì chắc chắn về việc vị trí của họ là không thể thay thế. Nếu đó là mục đích duy nhất, thì đúng vậy, không có nhiều lý do để nam giới tự gọi mình là những nhà nữ quyền, ngoại trừ có lẽ là trong một vai trò hỗ trợ ít quan trọng hơn.

Một nội dung của phong trào nữ quyền, và vẫn luôn là một phần của phong trào này, là đặt ra câu hỏi là một người đàn ông thì như thế nào.

Nhưng tôi không nghĩ rằng nữ quyền chỉ là vấn đề trao quyền cho phụ nữ, hay, ít nhất, cũng có những kiểu nữ quyền khác nữa. Cụ thể là, phong trào nữ quyền thường ở dưới dạng phê bình, đặc biệt là chỉ trích việc coi khinh phụ nữ (misogyny). Điều này thường được hiểu là sự căm ghét phụ nữ, nhưng trong cuốn sách Whipping Girl3, Julia Serano đưa ra một định nghĩa rộng hơn. Cô nói rằng sự thù ghét phụ nữ là “khuynh hướng gạt bỏ và chế nhạo việc là một người phụ nữ và những phẩm chất của phụ nữ.” Ở một mức độ nhất định, điều này bao gồm việc chế nhạo và hạ thấp giá trị phụ nữ, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị của bất kỳ biểu hiện nào của sự nữ tính, không phân biệt giới tính của người được nói đến. Ví dụ, sự coi khinh phụ nữ có nghĩa là mọi người cho rằng những ông chủ hoặc những người có sự nghiệp thành công quan trọng hơn những người ở nhà và chăm sóc con trẻ, vì chăm sóc trẻ em bị xem là một hành vi nữ tính. Phong trào nữ quyền theo kiểu trao quyền cho phụ nữ có xu hướng lập luận rằng phụ nữ cũng có thể làm bất cứ điều gì mà nam giới làm. Nhưng cũng có các phiên bản khác của phong trào cho rằng những gì đàn ông làm chưa chắc lúc nào cũng tốt; nếu có thể, thay vì dấn thân để trở thành một người đàn ông, chúng ta nên cố gắng xem liệu chúng ta có thể tạo ra một môi trường nơi không người nào phải gồng mình để trở thành đàn ông.

Vì vậy, một nội dung của phong trào nữ quyền, và vẫn luôn là một phần của phong trào này, là đặt ra câu hỏi là một người đàn ông thì như thế nào, một việc rõ ràng ảnh hưởng khá trực tiếp đến đàn ông. Phụ nữ là nạn nhân chính của sự thù ghét (phụ nữ), bởi vì bản thân phụ nữ vốn đã gắn liền với sự nữ tính. Nhưng những người khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Ví dụ, những người đồng tính nam bị coi là nữ tính, yếu đuối, ngốc nghếch đến nực cười, và vô dụng: “Một thằng bóng thì ẻo lả từ trong ra ngoài”4, trích lời tác giả Raymond Chandler vào một trong những lần ông ta thể hiện sự coi khinh phụ nữ và ghê sợ người đồng tính của mình. Tương tự, sự nữ tính thường bị xem là giả tạo hay không thật – một cách dùng từ đặc biệt gây tổn thương với những người chuyển giới nữ và nam, những người mà bản sắc giới tính thường bị coi là không nam tính, giả dối, giả tạo, hoặc làm màu.

Những người đàn ông thẳng cũng không thoát khỏi kiểu chỉ trích này. Những người đàn ông dị tính thường được lợi nhiều từ sự thù ghét phụ nữ; họ được xem là những người ít nữ tính nhất, và kết quả là họ được coi là người có giá trị nhất và đáng được tôn trọng nhất. Nhưng vị trí đó luôn luôn bấp bênh, luôn bị đe doạ bởi những biểu hiện nữ tính dù nhỏ đến đâu. Một ví dụ tiêu biểu là, trong bộ phim Sixteen Candles (Tạm dịch: 16 ngọn nến), thứ vị trong ngôi trường trung học được củng cố bằng một sự coi khinh phụ nữ tràn lan mà nạn nhân chính là đàn ông. Những người mọt sách thường xuyên bị gọi là “faggots” (đồ bê đê) và bị những kẻ bắt nạt to lớn vạm vỡ lôi ra làm trò cười. Trong khi đó, nhân vật Long Duk Dong – một sự rập khuôn tồi tệ về người Trung Quốc – lại được ghép cặp một cách “hài hước” với một nhân vật nữ to cao và mạnh mẽ hơn để nhấn mạnh sự thiếu nam tính nực cười của anh ta. Những người đàn ông không phải là người da trắng, những người không chơi thể thao, những người thích chơi điện tử, hoặc những người, như tôi, đảm nhận nhiều công việc chăm sóc con trẻ – nếu họ được coi là nữ tính theo một cách nào đó, thì họ sẽ trở thành mục tiêu của sự nhạo báng và, đôi khi, là bạo lực.

Sự coi khinh nữ tính là một cái lồng giam hãm tất cả mọi người – chừng nào phụ nữ còn không được tự do, nam giới cũng vậy.

Có vẻ như các định kiến này bảo vệ một số người nhất định khỏi sự khinh thường phụ nữ – ví dụ như những người đàn ông da trắng dị tính cao to chẳng hạn. Nhưng điều đó cũng không thực sự đúng. Không ai hoàn hảo, nam tính một cách lý tưởng; điều đó cũng có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể được coi là quá nữ tính. Như tôi đã nói tuần trước, Elliot Rodger5 dường như rất ý thức về mối đe dọa này; anh ta cảm thấy vị thế là một người đàn ông lung lay khi những người phụ nữ anh cảm thấy xứng đáng với mình lại không quan hệ với mình. Việc anh ta dùng đến bạo lực là một phản ứng cực kỳ khủng khiếp – nhưng cũng không phải là quá kỳ lạ. Nỗi sợ hãi bị nữ tính hóa có thể dẫn đến bạo lực trong nhiều tình huống. Ví dụ trong cuốn sách Women and War (Tạm dịch: Phụ nữ và Chiến tranh), Jean Bethke Elshtain nói về mối đe dọa bị xem là yếu đuối hay không nam tính được sử dụng để làm đòn bẩy trong thời chiến; sự coi thường phụ nữ được lan rộng và nỗi sợ bị cô lập đã buộc đàn ông phải chiến đấu – và chết – “như một người đàn ông.”

Đây cũng là lý do tại sao việc coi khinh phụ nữ lại ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến những nạn nhân cưỡng hiếp là nam giới. Maite Vermeulen đã có cuộc trò chuyện đầy đau đớn về cách bạo lực tình dục đối với nam giới trong thời chiến bị coi là cực kì xấu hổ – việc này được đóng khung là một sự sụp đổ nam tính. Việc khinh thường phụ nữ làm cho nạn nhân xấu hổ về hành động bạo lực xảy ra với họ; yếu đuối trở thành một loại tội thay vì sự tấn công. Đó là văn hóa hiếp dâm và nó bảo vệ tất cả những kẻ phạm tội bạo hành tình dục, từ Steubenville6 đến Penn State7, cho dù hành vi bạo lực đó nhắm tới phụ nữ hay nam giới, bé gái hay bé trai.

Do đó, sự coi khinh phụ nữ là một cách để thao túng, nhục mạ, và kiểm soát mọi người, không chỉ đối với phụ nữ mà cả nam giới. Và đó là lý do tại sao đàn ông nên là những người ủng hộ hoạt động nữ quyền. Đúng là đôi khi những người đàn ông ủng hộ nữ quyền, bao gồm cả tôi, hình dung bản thân là những người đồng minh dũng cảm, vị tha cứu giúp phụ nữ bằng cách đứng lên bảo vệ họ. Nhưng giấc mơ về việc nam giới cứu giúp phụ nữ chỉ là một phiên bản khác của sự khinh thường phụ nữ – và, đặc biệt trong trường hợp này, kéo lùi mọi thứ. Sự thù ghét phụ nữ là một cái lồng giam hãm tất cả mọi người. Khi tôi tự gọi mình là một người đàn ông ủng hộ phong trào nữ quyền, tôi không làm vì tôi nghĩ rằng tôi sẽ cứu vớt phụ nữ. Tôi làm vì tôi nghĩ điều quan trọng là đàn ông phải thừa nhận rằng, chừng nào phụ nữ còn chưa được tự do thì nam giới cũng sẽ như vậy.


  1. Nguyên gốc Tiếng Anh: Empowerment. Dịch giả cho rằng từ “empowerment” có một nghĩa rộng hơn là tạo điều kiện để phụ nữ chủ động làm chủ cuộc sống của mình, thay vì chỉ là “trao quyền,” nhưng do chưa tìm được từ tiếng Việt nào tương đương nên trong bài dịch này các từ “empowerment” và “empower” được dịch là “trao quyền”.

  2. Ban Bossy là một chiến dịch được khởi động từ năm 2014 bởi tổ chức phi lợi nhuận Leanin.org. Chiến dịch chỉ trích việc sử dụng từ “bossy” (có nghĩa là độc đoán, thích ra lệnh, bảo thủ) để mô tả những người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán. Đồng thời, chiến dịch cũng đề xuất rằng từ này mang tính kỳ thị sâu sắc và có thể ngăn cản phụ nữ trong việc vươn tới những vị trí lãnh đạo. Thông tin chi tiết về chiến dịch này có thể xem thêm tại đây.

  3. Whipping Girl (hay Whipping Girl: A Transsexual Woman on Sexism and the Scapegoating of Femininity, tạm dịch: Whipping Girl: Một người phụ nữ chuyển giới bàn về thành kiến giới tính và sự đổ lỗi cho nữ tính) là một cuốn sách được xuất bản vào năm 2007 của nhà lý thuyết về chuyển đổi giới tính, nhà sinh vật học và nhà văn Julia Serano. Cuốn sách là bản tuyên ngôn của một người chuyển giới ủng hộ phong trào nữ quyền. Cuốn sách còn đưa ra quan điểm rằng nỗi ghê sợ người chuyển giới bắt nguồn từ chủ nghĩa phân biệt giới tính và phong trào ủng hộ người chuyển giới là một phong trào nữ quyền. Về tựa sách, tác giả đã có thể đã sử dụng phép chơi chữ thú vị từ “whipping boy,” ý chỉ một người bị đổ lỗi và trừng phạt vì việc làm của người khác. Thông tin chi tiết về cuốn sách có thể xem thêm tại đây.

  4. Nguyên gốc tiếng Anh: “A pansy has no iron in his bones.” Trong đó, pansy là một từ miệt thị dùng để ám chỉ những người đồng tính nam.

  5. Vào ngày 23 tháng 5 năm 2014, tại Isla Vista, California, Elliot Rodger, 22 tuổi, đã giết chết 6 người và làm bị thương 14 người khác gần khuôn viên của Đại học California, Santa Barbara, trước khi tự tử. Trước khi thực hiện tội ác của mình, Rodger đã tải lên YouTube một video có tiêu đề “Elliot Rodger’s Retribution”, trong đó anh ta lên kế hoạch chi tiết về vụ tấn công và động cơ của mình. Anh giải thích rằng anh muốn trừng phạt phụ nữ vì đã từ chối anh; anh ghen tị với những người đàn ông có đời sống tình dục phong phú (sexually-active men) và muốn trừng phạt họ vì điều này. Thông tin chi tiết về sự kiện này có thể xem thêm tại đây.

  6. Chỉ vụ án hiếp dâm xảy ra tại trường trung học Steubenville ở bang Ohio, Mỹ. Vụ án xảy ra vào đêm ngày 11 tháng 8 năm 2012, khi một nữ sinh mất khả năng hành động như bình thường do uống rượu bị tấn công tình dục bởi học sinh cùng trường. Vụ tấn công còn được chính những kẻ trong cuộc ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội, trong đó cho thấy thái độ đùa giỡn, cợt nhả của những kẻ phạm tội. Vụ việc làm nảy sinh những cuộc tranh luận và mối quan ngại về nạn hiếp dâm và văn hóa hiếp dâm (rape culture). Thông tin chi tiết về vụ việc này có thể xem tại đây.

  7. Chỉ vụ án lạm dùng tình dục trẻ em xảy ra tại Đại học Penn State, Mỹ, trong đó Jerry Sandusky, cựu trợ lý huấn luyện viên đội bóng bầu dục Penn State Nittany Lions đã bị buộc tội nhiều lần có hành vi lạm dụng tình dục trẻ em. Sandusky đã tìm kiếm nạn nhân của mình thông qua tổ chức từ thiện của y là The Second Mile. Vụ việc vỡ lở vào cuối năm 2011 khi y bị cáo buộc đã có 52 lần xâm phạm trẻ em. Một số nhân viên khác của Đại học Penn State cũng chịu cáo buộc liên quan đến vụ án. Sandusky sau đó đã bị kết án tù tối thiểu 30 năm và tối đa 60 năm. Thông tin chi tiết về vụ án này có thể xem thêm tại đây.

One thought on “Liệu nam giới có thể là những người ủng hộ phong trào nữ quyền?

  1. Mình đang định viết một bài như thế này :). Tuy nhiên bài này có hầu hết các ý mà mình định nói. Với mình những fanpage như Em, Man+… cũng thể hiện sự coi thường phụ nữ một cách ngầm ẩn (dù có thể sự coi thường này không bao hàm ý khinh miệt), kiểu như :”đàn mà mà”, “đàn bà yêu một người đàn ông thực sự sẽ không cần trưởng thành”, “hay đồ đàn bà…..

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất