a
§ Tác giả: Daniel Markovits | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Việt Thắng | Hiệu đính:  Nhi
14/03/2020

Mùa hè năm 1987, tôi tốt nghiệp một trường cấp ba công lập ở Austin, Texas, và đến vùng Đông Bắc để theo học tại Yale. Sau đó tôi dành gần 15 năm theo học tại nhiều trường đại học – trường Kinh tế London, Đại học Oxford, Harvard, và cuối cùng là Trường Luật Yale – và lấy thêm nhiều bằng cấp. Hiện giờ, tôi giảng dạy ở Trường Luật Yale, nơi có nhiều sinh viên giống bản thân tôi hồi trước một cách đáng sợ: Đa phần, họ là sản phẩm của những bậc cha mẹ có việc làm ổn định và các trường đại học danh giá. Tôi trao lại cho họ những ưu thế mà chính thầy cô giáo từng trao cho tôi. Họ và tôi có được thành công và địa vị là nhờ vào chế độ nhân tài1.

Hai mươi năm trước, khi tôi bắt đầu nghiên cứu về bất bình đẳng thu nhập2, chế độ nhân tài trông có vẻ là giải pháp hơn là nguyên nhân của vấn đề. Những người đầu tiên ủng hộ chế độ nhân tài đã đấu tranh cho di động xã hội3. Ví dụ, vào thập niên 60, hiệu trưởng Đại học Yale Kingman Brewster đã đề xướng chế độ tuyển dụng nhân tài, với mục tiêu phá vỡ tính cha truyền con nối của giới tinh hoa. Những cựu sinh viên từ lâu đã tin rằng quyền được học tại Yale là quyền cơ bản của con cái họ; nhưng giờ đây, sinh viên sẽ được nhận vào học dựa trên thành tích hơn là xuất thân. Trong khoảng thời gian đó, chế độ nhân tài đã thay thế những kẻ trong cuộc tự mãn bằng những người ngoài cuộc chăm chỉ và tài năng.

Ngày nay, những cá nhân ưu tú vẫn khẳng định rằng họ đã vươn lên nhờ tài năng và nỗ lực, bằng những phương tiện ai cũng có thể tiếp cận. Nhưng trên thực tế, chế độ nhân tài chỉ dành cho một số ít ỏi của giới tinh hoa. Harvard, Princeton, Stanford, và Yale nhận nhiều sinh viên từ những gia đình có thu nhập trong top 1% hơn những gia đình có thu nhập trong top 60% dưới cùng. Chính sách ưu tiên con em cựu sinh viên, chủ nghĩa gia đình trị4, và sự gian lận công khai tiếp tục mang lại những lợi thế bất chính cho nhóm sinh viên dư dả. Nhưng nguyên nhân chính dẫn tới cái cán cân chỉ nghiêng về phía người giàu này có lẽ bắt nguồn từ chế độ nhân tài. Trung bình, những em có cha mẹ kiếm được từ $200.000 trở lên mỗi năm đạt kết quả thi SAT cao hơn 250 điểm so với những em có cha mẹ chỉ kiếm được $40.000 đến $60.000. Chỉ khoảng 1 trong 200 em thuộc nhóm ⅓ những gia đình có thu nhập thấp nhất đạt điểm SAT tương đương với số điểm trung bình ở Yale. Trong khi đó, các ngân hàng và công ty luật hàng đầu, cùng những nhà tuyển dụng trả lương cao khác, gần như chỉ tuyển dụng từ một vài trường đại học danh tiếng.

Những người ngoài cuộc chăm chỉ không còn được hưởng những cơ hội thuần túy. Một nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 1 trong 100 đứa trẻ sinh ra trong nhóm ⅕ những gia đình nghèo nhất và chỉ ít hơn 1 trong 50 đứa trẻ thuộc những gia đình trung lưu sẽ gia nhập top 5% khi lớn lên. Di động kinh tế tuyệt đối5 đang tuột dốc – tỉ lệ một đứa trẻ thuộc nhóm trung lưu kiếm được nhiều hơn cha mẹ nó đã giảm một nửa từ giữa thế kỉ trước – và sự giảm sút này thể hiện rõ ở tầng lớp trung lưu hơn tầng lớp thấp. Chế độ nhân tài coi đó là thất bại của những người không đủ sức cạnh tranh, một luận điểm mang tính xúc phạm đạo đức đối với tổn thất kinh tế.

Sự bất bình của công chúng đối với bất bình đẳng thu nhập thường nhằm vào các thể chế của chế độ nhân tài. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần ⅗ thành viên Đảng Cộng hòa tin rằng các trường đại học và cao đẳng ảnh hưởng xấu tới nước Mỹ. Làn sóng giận dữ mạnh mẽ và lan rộng từ vụ bê bối tuyển sinh đại học đầu năm nay đã chạm đến một sự phẫn nộ sâu sắc hơn. Sự phẫn nộ này tuy có cơ sở nhưng cũng đồng thời mang tính bóp méo. Sự bất bình đối với chủ nghĩa gia đình trị và các hình thức lợi dụng đáng hổ thẹn khác của giới tinh hoa ngầm khiến những lý tưởng của chế độ nhân tài trở nên giá trị. Song, chế độ nhân tài bản thân nó là vấn đề lớn hơn nhiều, và nó đang hủy hoại giấc mơ Mỹ. Chế độ nhân tài đã tạo nên một cuộc thi mà người giàu luôn là kẻ thắng cuộc, kể cả khi tất cả mọi người đều chơi theo luật.

Nhưng chính xác thì người giàu đã thắng cái gì? Ngay cả những người hưởng lợi từ chế độ nhân tài giờ cũng chịu ảnh hưởng từ những đòi hỏi của nó. Cách nó cám dỗ người giàu cũng mạnh mẽ như cách nó loại trừ những người còn lại, bởi những ai khi đạt đến đỉnh cao sẽ phải làm việc cật lực và khai thác triệt để nền giáo dục đắt đỏ nhằm nhận lại tương xứng.

Không ai cần khóc thương cho người giàu. Nhưng tác hại mà chế độ nhân tài đem đến cho họ là thật và rất đáng kể. Việc tìm hiểu cách chế độ nhân tài gây hại cho giới tinh hoa có thể nhen nhóm hy vọng tìm ra một giải pháp. Chúng ta thường nghĩ rằng giảm thiểu bất bình đẳng đồng nghĩa với mang lại gánh nặng cho người giàu. Nhưng vì bất bình đẳng trong chế độ nhân tài không thực sự có lợi cho bất kỳ ai, việc thoát khỏi cái bẫy của chế độ nhân tài sẽ ảnh hưởng tích cực đến hầu hết mọi người.


Giới tinh hoa phải đối mặt với áp lực của chế độ nhân tài từ khi còn nhỏ. Nhiều cha mẹ – đôi khi miễn cưỡng, nhưng vì cảm thấy không còn lựa chọn nào khác – ghi danh cho con mình vào một nền giáo dục nơi không có chỗ cho những thí nghiệm và trò chơi, chỉ có sự tích lũy những kiến thức và kỹ năng, còn gọi là vốn con người (human capital), cần thiết để được nhận vào một trường đại học tinh hoa, và sau đó để đảm bảo một công việc tinh hoa. Những bậc phụ huynh giàu có ở các thành phố như New York, Boston, và San Francisco thông thường đăng ký cho con vào 10 trường mẫu giáo, đồng nghĩa với việc phải kinh qua rất nhiều bài luận, bài kiểm tra và các cuộc phỏng vấn – tất cả được tạo nên để đánh giá những đứa trẻ 4 tuổi. Đến giai đoạn xin học vào các trường trung học cấp hai và cấp ba, cơn ác mộng này lại tiếp diễn. Nếu như trước đây các cậu ấm cô chiêu nhà quyền quý thụ hưởng rất nhiều đặc quyền, ngày nay, những đứa trẻ muốn vươn lên trong chế độ nhân tài phải dự tính cho tương lai của chúng. Chúng cẩn thận tính toán và lên kế hoạch để thể hiện bản thân, thường trực những cảm xúc tham vọng, hy vọng và lo lắng.

Các trường học cũng khuyến khích học sinh học tập theo cách này. Chẳng hạn, tại một trường tiểu học tinh hoa vùng đông bắc nước Mỹ, một giáo viên đã đặt ra một “thử thách trong ngày” và yêu cầu học sinh giải xong trước khi về nhà, trong khi không dành ra khung thời gian nào để các em làm điều đó. Mục đích của bài tập này là rèn luyện cho học sinh lớp năm cách tranh thủ thêm vài phút làm việc bằng cách làm nhiều việc cùng lúc hoặc hy sinh giờ nghỉ ngơi.

Những yêu cầu như vậy vô cùng nguy hại. Hiện nay, những trường học tinh hoa cấp hai và cấp ba thường yêu cầu học sinh dành 3 đến 5 tiếng làm bài tập về nhà; và các nhà dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh dịch cũng đã cảnh báo về tình trạng thiếu ngủ do làm bài tập. Những học sinh giàu có xu hướng lạm dụng ma túy và rượu nhiều hơn những học sinh nghèo. So với bạn bè đồng trang lứa trên toàn nước Mỹ, các em có xu hướng gặp phải trầm cảm và lo âu nhiều hơn gấp ba lần. Nghiên cứu gần đây về một trường trung học ở Thung lũng Silicon phát hiện 54% học sinh có biểu hiện triệu chứng trầm cảm ở mức trung bình đến nặng, và 80% biểu hiện triệu chứng lo âu ở mức trung bình đến nặng.

Tuy nhiên, những học sinh này có lý do chính đáng để tự gây áp lực lên bản thân. Những trường đại học tinh hoa từng nhận đến 30% ứng viên khoảng vài thập kỷ trước, nay chỉ nhận ít hơn 10%. Sự thay đổi này còn kinh khủng hơn ở một số trường đại học nhất định: Năm 1995, Đại học Chicago nhận 71% ứng viên, đến năm 2019 chỉ còn ít hơn 6%.

Chúng ta thường nghĩ rằng giảm thiểu bất bình đẳng đồng nghĩa với mang lại gánh nặng cho người giàu. Nhưng vì bất bình đẳng trong chế độ nhân tài không thực sự có lợi cho bất kỳ ai, việc thoát khỏi cái bẫy của chế độ nhân tài sẽ ảnh hưởng tích cực đến hầu hết mọi người.

Cuộc đua càng trở nên khốc liệt khi những cá nhân xuất chúng bước vào thị trường lao động, nơi mà cơ hội đặt chân vào giới tinh hoa chỉ đến với những người nỗ lực cạnh tranh để nắm bắt nó. Nếu sự giàu sang và địa vị của một người phụ thuộc vào giá trị con người của cô ấy, thì đơn giản là cô ấy không thể lựa chọn nghề nghiệp dựa trên đam mê hay sở thích. Thay vào đó, cô ấy phải coi công việc như một cơ hội kiếm tiền từ năng lực của mình, đặc biệt là nếu cô ấy muốn có đủ thu nhập để mang lại cho con cái nền giáo dục đã đảm bảo vị thế tinh hoa cho chính cô. Cô ấy phải gắn bó bản thân với một số ít công việc được trả lương cao, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, quản trị, luật, và y dược. Trong khi giới quý tộc trước kia tự coi mình là tầng lớp nhàn rỗi, thành phần ưu tú ngày nay làm việc với cường độ chưa từng có.

Năm 1962, khi thu nhập của nhiều luật sư trong giới tinh hoa chỉ bằng khoảng ⅓ so với hiện nay, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ có thể tự tin tuyên bố rằng một luật sư trung bình “có thể được tính lương cho khoảng 1.300 giờ/năm.” Nhưng đến năm 2000, một công ty luật lớn cũng tuyên bố với sự tự tin không kém rằng chỉ tiêu 2.400 giờ làm việc tính lương, “nếu được phân bổ đúng cách,” thì “không phải là bất hợp lý,” đó là cách nói tế nhị cho “muốn được thăng cấp thành luật sư thành viên (partner) thì phải làm vậy.” Vì không phải tất cả giờ làm việc của luật sư đều được tính lương, con số 2.400 giờ làm việc được tính lương ngụ ý rằng luật sư phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, sáu ngày trong một tuần, tất cả các tuần trong năm, và không có kì nghỉ hay nghỉ ốm. Trong ngành tài chính, “bankers’ hours” – thuật ngữ xuất phát từ ngày làm việc từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều của các ngân hàng từ thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20, và sau đó được dùng để chỉ chung những công việc nhẹ nhàng – nay đã bị thay thế bởi một thuật ngữ khá trớ trêu là “banker 9-to-5,” chỉ một ngày làm việc kéo dài từ 9 giờ sáng ngày hôm nay đến tận 5 giờ sáng ngày hôm sau. Trước đây, những nhà quản lý cao cấp là những “con người đoàn thể6,” những người làm thuê suốt đời được nâng đỡ bởi một hệ thống thứ bậc coi trọng thâm niên hơn hiệu suất làm việc. Ngày nay, một người muốn leo lên cấp quản lý càng cao thì càng được kỳ vọng phải làm việc chăm chỉ. “Nguyên tắc lãnh đạo” của Amazon kêu gọi các nhà quản lý không ngừng theo đuổi “những tiêu chuẩn nghiêm khắc” và “mang lại lợi ích cho công ty.” Công ty này nói với những nhà quản lý rằng khi họ gặp bế tắc trong công việc, giải pháp duy nhất là tìm cách khắc phục nó.

Những người Mỹ làm việc hơn 60 tiếng/tuần nói rằng họ muốn giảm trung bình 25 giờ làm việc mỗi tuần. Họ cho biết công việc khiến họ rơi vào tình trạng “khan hiếm thời gian,” dẫn đến những khó khăn trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, quản lý nhà cửa, hay thậm chí là có một đời sống tình dục thỏa mãn, theo kết quả của một nghiên cứu năm 2006. Trong một khảo sát các giám đốc điều hành gần đây của Trường Kinh doanh Harvard, một người đã tự hào khẳng định: “10 phút tôi dành cho con vào buổi tối đáng giá gấp vạn lần 10 phút dành cho công việc.” Mười phút!

Khả năng chịu đựng những giờ làm việc này một cách thanh lịch, hay chí ít là gắng gượng, đã trở thành một tiêu chí thành công của chế độ nhân tài. Trả lời phỏng vấn của nhà xã hội học Arlie Russell Hochschild trong cuốn sách The Time Bind (tạm dịch: Ràng buộc thời gian), một giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty lớn nhận thấy rằng những nhà quản lý nhiệt huyết, dù đã thể hiện tài năng và đóng góp của mình, vẫn phải đối mặt với “sự loại trừ cuối cùng”: “Một số người suy sụp, trở nên không bình thường vì họ làm việc quá nhiều… Những người đứng trên đỉnh cao vô cùng thông minh, làm việc như điên và không bao giờ suy sụp. Họ vẫn giữ được tinh thần tốt và gia đình hạnh phúc. Họ mới là những kẻ thắng cuộc.”

Một người có được thu nhập và địa vị nhờ vào năng lực bản thân thì buộc phải chấp nhận để cho người khác sử dụng mình tùy ý, theo đúng nghĩa đen – anh ta tự làm mình kiệt quệ. Những sinh viên ưu tú sợ hãi thất bại và luôn khao khát những cột mốc thành công theo chuẩn mực, ngay cả khi họ đã nhìn thấu và công khai cười nhạo “những ngôi sao sáng chói” và “những thứ hào quang.” Về phần mình, những người lao động thuộc tầng lớp tinh hoa cũng ngày càng khó theo đuổi đam mê đích thực hoặc tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình. Chế độ nhân tài khiến nhiều thế hệ mắc kẹt trong nỗi sợ hãi thấp hèn và những ước mơ không thực: họ luôn luôn đói bụng nhưng không bao giờ tìm ra, hay thậm chí biết được, món ăn nào mới là đúng đắn.


Giới tinh hoa không nên, và cũng không có tư cách mong đợi sự đồng cảm từ những người bị tách biệt khỏi những đặc quyền đặc lợi của tầng lớp thượng lưu. Nhưng thờ ơ trước sự áp bức của chế độ nhân tài đối với những người giàu lại là một sai lầm. Tầng lớp này không còn thống trị xã hội một cách nhàn rỗi nữa mà phải rất gắng gượng. Những luận điểm quen thuộc dùng để chống lại bất bình đẳng quý tộc trước đây không còn áp dụng đối với một nền kinh tế hoạt động dựa trên việc tưởng thưởng cho kỹ năng và nỗ lực. Một nhân viên ngân hàng làm việc quần quật một trăm giờ mỗi tuần là bằng chứng phản bác những cáo buộc cho rằng cô không xứng đáng với những quyền lợi được hưởng. Sẽ tốt hơn nếu ta thuyết phục người giàu rằng không phải tất cả công sức của họ đều được đền đáp.

Họ có thể dễ bị thuyết phục hơn bạn nghĩ. Nhận thấy cái bẫy của chế độ nhân tài đang ngày càng chèn ép lên giới tinh hoa, chính những người giàu đang quay lưng với hệ thống này. Nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khoảng ⅔ những người lao động tầng lớp tinh hoa cho biết họ sẽ từ chối cơ hội thăng tiến nếu chức vụ mới đòi hỏi ở họ nhiều công sức hơn. Khi Larry Kramer còn đảm nhiệm cương vị chủ nhiệm khoa của Trường Luật Stanford, ông từng cảnh báo sinh viên tốt nghiệp rằng luật sư ở những hãng luật hàng đầu thường vướng vào một vòng luẩn quẩn: Đồng lương cao đòi hỏi nhiều giờ làm việc để xứng đáng với mức lương ấy, và nhiều giờ làm việc đòi hỏi trả lương cao hơn nữa để tương xứng với mức giờ ấy. Ông than thở, vậy thì hệ thống này phục vụ lợi ích của ai? Có ai thực sự mưu cầu nó không?

Thoát khỏi cái bẫy của chế độ nhân tài không hề dễ dàng. Giới tinh hoa thường có xu hướng chống lại những chính sách đe dọa lợi ích của họ. Nhưng đơn giản là một người không thể tự thân làm giàu mà không tự khai thác sức khỏe bản thân và tự làm nghèo nàn đời sống tinh thần của mình, cho nên những đấng tài hoa ôm hy vọng vẹn cả đôi đường chỉ đang tự lừa dối bản thân. Xây dựng một xã hội nơi nhiều người được hưởng một nền giáo dục tốt và có những công việc tốt – khiến cho việc hướng đến tầng lớp cao nhất của xã hội trở nên bớt quan trọng hơn – là cách duy nhất để giảm áp lực níu giữ địa vị của giới tinh hoa.

Làm thế nào để thực hiện điều đó? Đầu tiên, giáo dục – vốn chỉ tập trung vào nhóm học sinh được đào tạo bài bản và có cha mẹ giàu chịu chi – phải rộng mở cho tất cả mọi người. Các trường phổ thông và đại học tư thục nên từ bỏ quyền được miễn thuế, trừ khi ít nhất một nửa số sinh viên của họ đến từ các gia đình ở nhóm ⅔ dưới cùng trong khung phân phối thu nhập. Và trợ cấp chính phủ nên được sử dụng vào việc mở rộng quy mô tuyển sinh nhằm khuyến khích các trường đáp ứng yêu cầu này.

Song song với đó, chúng ta cần một chương trình nghị sự chính sách cải cách việc làm, bằng cách ưu tiên hàng hóa và dịch vụ được cung cấp bởi những người lao động không được đào tạo kỹ lưỡng hoặc không có bằng cấp cao. Chẳng hạn, một hệ thống chăm sóc sức khỏe nên tập trung vào sức khỏe cộng đồng, chăm sóc phòng ngừa, và các thước đo khác được giám sát chủ yếu bởi y tá, hơn là những phương pháp điều trị công nghệ cao cần tới bác sĩ chuyên khoa. Hệ thống pháp lý nên điều các “chuyên viên pháp lý” – và không phải ai cũng cần có bằng J.D7 – giải quyết các công việc mang tính lặp lại như giao dịch bất động sản, xử lý di chúc đơn giản, hay thậm chí là ly hôn thuận tình. Trong ngành tài chính, những công việc không cần tới kỹ thuật tài chính xuất sắc và ưu tiên các chi nhánh ngân hàng nhỏ ở địa phương và khu vực có thể được giao cho những lao động có trình độ trung bình. Và ban quản lý nên xây dựng những chính sách phân bố quyền kiểm soát ra khỏi ban điều hành cấp cao (C-suite), để trao quyền cho những người khác trong công ty.

Trở ngại duy nhất để chiến thắng bất bình đẳng trong chế độ nhân tài không phải về mặt lý thuyết mà về mặt chính trị. Bối cảnh hiện nay gây bất mãn và lan rộng sự tiêu cực đến mức vô vọng. Trong cuốn sách Oligarchy (tạm dịch: Chế độ đầu sỏ), nhà khoa học chính trị Jeffrey A. Winters khảo sát các thời kỳ trong lịch sử loài người từ Hy Lạp cổ đại đến thế kỷ 20, và ghi lại những gì xảy đến khi tiền bạc và của cải tập trung trong tay một nhóm nhỏ tinh hoa. Trong hầu hết trường hợp, việc xoá bỏ bất bình đẳng thường đi liền với sự sụp đổ của xã hội, như thất bại quân sự (trường hợp của đế chế La Mã) hay cách mạng (trường hợp của Pháp hoặc Nga).

Dù vậy, chúng ta vẫn còn hy vọng. Lịch sử đã từng xảy ra một trường hợp minh chứng rõ ràng cho sự hồi phục có trật tự từ sự tập trung bất bình đẳng: Những năm 30, Hoa Kỳ đã giải quyết Đại khủng hoảng bằng cách ban hành Chính sách Kinh tế Mới8, hình thành nên tầng lớp trung lưu. Cần nhấn mạnh rằng việc tái phân phối thu nhập của chính phủ không phải động cơ chính của quá trình này. Sự phát đạt được phân phối rộng rãi mà chính sách này mang lại phần nhiều đến từ một nền kinh tế và một thị trường lao động thúc đẩy bình đẳng kinh tế thay vì hệ thống thứ bậc – bằng cách tăng cường phổ cập giáo dục, như theo Đạo luật G.I.9, và sau đó đưa những lao động trung lưu có tay nghề trung bình vào trung tâm của sản xuất.

Ngày nay, chúng ta có thể thấy được phiên bản cập nhật của sự thay đổi này; những đổi mới trong phổ cập giáo dục và ưu tiên việc làm cho tầng lớp trung lưu có tiềm năng củng cố lẫn nhau. Giới tinh hoa có thể dễ dàng đánh đổi sự suy giảm về thu nhập và địa vị lấy sự nhàn rỗi. Đồng thời, tầng lớp trung lưu có thể nâng cao thu nhập và địa vị và nhận lại vị trí trung tâm của xã hội Mỹ.

Xây dựng lại một trật tự kinh tế dân chủ sẽ vô cùng nan giải. Nhưng lợi ích mà dân chủ kinh tế mang lại cho tất cả mọi người rất xứng đáng với công sức bỏ ra. Viễn cảnh về một sự sụp đổ kinh hoàng rất dễ xảy ra nếu tình hình không suy chuyển rốt cuộc khiến chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thử và sai.


  1. Chế độ nhân tài (meritocracy) là một triết lý chính trị cho rằng quyền lực nên được trao cho các cá nhân dựa trên tài năng, nỗ lực, và thành tích hơn là của cải và địa vị xã hội.

  2. Bất bình đẳng thu nhập (hay bất bình đẳng kinh tế) là chênh lệch giữa các cá nhân, các nhóm trong xã hội hay giữa các quốc gia trong việc phân phối các tài sản, sự giàu có, hay thu nhập.

  3. Di động xã hội (social mobility) là khái niệm xã hội học dùng để chỉ sự chuyển động của những cá nhân, gia đình, nhóm xã hội trong cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội. Nội hàm của di động xã hội là sự vận động của cá nhân hay một nhóm người từ vị thế xã hội này sang vị thế xã hội khác; là sự di chuyển của một con người, một tập thể, từ một địa vị, tầng lớp xã hội hay một giai cấp sang một địa vị, tầng lớp, giai cấp khác.

  4. Chủ nghĩa gia đình trị (nepotism) là việc những người có quyền lực, có vị trí lãnh đạo tạo lợi thế hay ban đặc ân cho những người trong gia đình hoặc bà con thân thuộc.

  5. Di động kinh tế tuyệt đối (absolute income mobility) là khả năng con cái có thu nhập cao hơn cha mẹ khi đến cùng độ tuổi.

  6. Cụm từ “con người đoàn thể” bắt nguồn từ tựa sách “The Organization Man” (1956) của William Whyte, chỉ những cá nhân coi yêu cầu và tiêu chuẩn của tổ chức anh ta làm việc quan trọng hơn đời sống cá nhân.

  7. Juris Doctor: một loại bằng (sau đại học) đặc biệt của nước Mỹ thiết kế ra cho riêng ngành luật, tương đương với cấp độ cử nhân Luật ở các quốc gia khác.

  8. Chính sách Kinh tế Mới (New Deal) là tên gọi của một tổ hợp các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc đại suy thoái kinh tế 1929-1933. Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/New_Deal

  9. Đạo luật Tái điều chỉnh Cựu binh (G.I. Bill) là đạo luật của Mỹ hỗ trợ cho những người giải ngũ vì những nỗ lực của họ trong Thế chiến II. Đọc thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/G.I._Bill

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Cơn khát dầu cọ, cơn sốt môi trường
Dầu cọ là loại nguyên liệu thần kì trong mọi sản phẩm từ bánh quy đến dầu gội đầu. Nhưng việc chúng ta phụ thuộc vào dầu cọ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Liệu đã quá muộn để phá vỡ thói quen này?
Mới nhất