a
§ Tác giả: Ian P. Beacock | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Minh Hoàng | Hiệu đính:  coda
26/10/2019

Tháng Một năm 1906, hàng nghìn công nhân dệt đã làm náo loạn cả vùng ngoại ô Bombay. Bắt đầu bằng việc đình công, đoàn người nhanh chóng tiến về phía các khu chế xuất, dùng gạch đá đập phá nhà máy. Cuộc nổi loạn sớm lan đến trung tâm thành phố, nơi hơn 15 nghìn người dân đã ký thỉnh nguyện thư và đổ ra đường trong giận dữ. Họ đang thể hiện sự phản đối với đề xuất thay thế thời gian địa phương bằng Giờ chuẩn Ấn Độ (Indian Standard Time) – nhanh hơn giờ quốc tế Greenwich năm tiếng rưỡi. Đối với người dân Ấn Độ đầu thế kỷ 20, việc này chỉ hằn thêm dấu ấn của việc khước từ các giá trị truyền thống bản địa dưới quyền kiểm soát của Đế quốc Anh. Phải đến năm 1950, ba năm sau khi Ấn Độ giành độc lập, cả nước mới thống nhất chung một múi giờ. Các nhà báo gọi xung đột này là Trận chiến Thời gian (Battle of the Clocks) , một cuộc tranh chấp kéo dài gần nửa thế kỷ.

Ngày nay, chúng ta coi hệ thống thời gian quốc tế là lẽ đương nhiên: từ việc thế giới có 24 múi giờ, trải vắt một vòng xích đạo bắt đầu từ mốc giờ Greenwich; một năm 12 tháng, tức 52 tuần, dẫu ở San Francisco hay ở Thượng Hải; cho tới thông lệ dịch kim đồng hồ một năm hai lần theo quy ước giờ mùa hè (Daylight Saving Time)1. Nhưng trong cuốn sách sinh động và đáng suy ngẫm với tựa đề Sự Chuyển biến Toàn cầu của Thời gian, 1870-1950, Vanessa Ogle đã nhắc nhở chúng ta rằng sự tiêu chuẩn và đồng bộ hóa này không phải tự nhiên mà có.

Bước vào thế kỷ 20, những nước phía Bắc Đại Tây Dương đã cố gắng áp đặt quy định thời gian của mình lên toàn thế giới. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng, được khởi xướng, phản đối, và sửa đổi bởi một nhóm người kỳ khôi. Bên cạnh các nhà khoa học người Pháp, các nhà chức trách thuộc địa người Anh, các anh hùng chiến sĩ người Đức, các thương gia người Mỹ, và các nhà cải cách người Ả Rập là những nông dân Anh, những công nhân dệt may ở Bombay, và những học giả Hồi Giáo ở Trung Đông. Lịch sử cải cách thời gian phản ánh bản chất không đồng đều của quá trình toàn cầu hóa, nhưng cũng cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về những thay đổi đến chóng mặt được dẫn dắt bởi công nghệ ngày nay.         

***

Từ khởi thủy của loài người, chúng ta đã đo đạc thời gian bằng cách quan sát thế giới tự nhiên: vòng tuần hoàn của các mùa, sự luân chuyển của các vì sao. Cách đây hơn 30 nghìn năm, người dân tại Trung Âu ngày nay đã ghi chép lại sự di chuyển của sao và mặt trăng trên ngà voi. Nhiều công trình thời kỳ Đồ đá Mới được dựng lên để đánh dấu thời điểm đông chí và đón chào một năm mới, từ bãi đá Stonehenge đến đài thiên văn của Trung Quốc cổ đại tại tỉnh Sơn Tây. Khoảng 4,000 năm trước, nước sông Nile dâng lên mỗi hè báo hiệu cho người Ai Cập cổ đại rằng một năm nữa đã qua. Qua cái nhìn hàng nghìn năm theo những hành tinh và các vì tinh tú, hay cái soi đến những tạo vật nhỏ nhất, chúng ta đã theo dấu thời gian chính xác đến phi thường. Ngày nay, nhờ việc đo đạc dao động của các nguyên tử strontium khi hạt electron tăng giảm mức năng lượng, các đồng hồ nguyên tử có thể đo chính xác tới dù chỉ một giây trong 15 tỷ năm.

Nhưng thời gian lại không tự nhiên hay khách quan như ta tưởng. Thật vậy, khái niệm về thời gian phản ánh liên kết giữa mỗi chúng ta và chỗ đứng của loài người trong vũ trụ. Các xã hội Do thái và Thiên chúa giáo coi thời gian là tuyến tính và đơn hướng vì họ truyền nhau một câu chuyện nhất định về sự hình thành của loài người. Người Inca và Maya lại lý giải sự hình thành vũ trụ bằng nhiều câu chuyện khác nhau, mang tính tuần hoàn và liên tục. Nói cách khác, thời gian là sản phẩm của trí tưởng tượng con người – và nó mang lại uy quyền chính trị khổng lồ. Hiểu được điều này, Julius Caesar đã sắp xếp lại lịch La Mã vào 46 B.C.E. để bảo vệ nó khỏi tầng lớp giáo sĩ. Joseph Stalin thì cho rằng các ngày cuối tuần là một thứ xa xỉ của giai cấp tư sản, nên đã loại bỏ nó vào năm 1929 để cố gắng làm người dân trung thành với chủ nghĩa Cộng sản. 

Hệ thống thời gian hiện đại khởi nguồn từ cuối thế kỷ 19, thời kỳ fin-de-siècle, đánh dấu những chuyển tiếp mang tính toàn cầu không khác ngày nay là mấy, xuyên qua các biên giới, châu lục, và đại dương. Đây cũng là lúc công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đường sắt, tàu hơi nước, tàu điện ngầm, điện thoại, và radio cùng lúc ra đời, phá vỡ khoảng cách và cô đọng thời gian một cách sững sờ và chóng mặt.

Công nghệ cũng kéo theo nhu cầu tính toán và đo đạc thời gian chính xác hơn. Nhiều người phương Tây cho rằng quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi những phương pháp đo thời gian đúng và dễ dự đoán hơn. Như một hội văn hóa ở Frankfurt đề ra vào năm 1864: “Khoảng cách địa lý càng được thu hẹp … thì nhu cầu tính toán thời gian một cách phổ thông và đồng bộ càng trở nên cấp thiết và quan trọng.”

Ở nhiều nơi trong thế kỷ 19, đo đạc thời gian là một công việc vô cùng rối rắm. Năm 1875, các đường sắt ở Mỹ ghi nhận 75 múi giờ địa phương khác nhau, trong đó một mình Chicago đã sử dụng ba múi giờ. Ở Đức, hành khách phải nói rõ mình đi theo giờ Berlin, Munich, Stuttgart, Karlsruhe, Ludwigshafen, hay Frankfurt. Đến cuối thế kỷ, sự rắc rối của việc sử dụng đồng thời nhiều múi giờ đã gây không ít khó khăn, từ việc mua bán gia vị đến vận chuyển quân đội. Các hệ thống lịch khác nhau thì còn đau đầu hơn. Trước khi lịch Julian bị gỡ bỏ bởi các nhà cách mạng, Nga vẫn chậm 13 ngày so với Tây Âu. Người dân địa phương tại các thuộc địa Natal của Anh ở cực Nam châu Phi chia năm thành 13 chu kỳ trăng. Các xã hội Hồi Giáo thì đếm số năm từ 622 C.E., thời điểm Muhammad đi từ Mecca tới Medina.   

Ưu tiên hàng đầu đối với những nhà cải cách thời gian là việc thay thế hỗn tạp giờ địa phương bằng một hệ thống giờ chuẩn theo lãnh thổ áp dụng cho toàn cầu. Đây là giấc mơ được đề ra bởi kỹ sư người Scotland-Canada Sandford Fleming và được các nhà ngoại giao chính thức áp dụng tại Hội nghị Kinh tuyến Gốc năm 1884 tại Washington, D.C.: thế giới được chia làm 24 phần, mỗi phần theo một giờ chuẩn được quy định bởi các nhà thiên văn học tại Đài thiên văn Hoàng gia ở Greenwich.

Cải cách hệ thống lịch cũng quan trọng không kém. Một phương án đơn giản là áp dụng lịch Gregorian cho toàn thế giới. Một phương án khác, được ủng hộ bởi một vài người kỳ quặc như George Eastman – người sáng lập ra hãng Kodak, và Elisabeth Achelis – một nhà hoạt động người Mỹ được biết đến ở châu Âu với biệt danh “The Calendar Lady” (tạm dịch: Quý bà Lịch), là hình thành một hệ thống lịch mới hoàn toàn phù hợp với thời kỳ khoa học hiện đại. Nhiều người đã sử dụng thiết kế của nhà triết học thực chứng2 người Pháp Auguste Comte: một cuốn lịch hoàn toàn hợp lý gồm 13 tháng dài 28 ngày. (Một số công ty lớn như Sears và Kodak đã sử dụng hệ thống này trong việc kiểm toán nội bộ từ lâu nhưng không được ưa chuộng.)

Nhìn chung, các nhà cải cách thời gian đã vô cùng thành công trong việc vẽ lại thế giới theo ý mình. Nhưng thành tựu ấy không phải dễ dàng. Khắp thế giới. các cộng đồng địa phương phản đối sự can thiệp của Châu Âu đối với đời sống thường nhật và nhịp sống truyền thống của họ. Người dân Bombay đã công khai nổi dậy. Tại Beirut cuối thời kỳ Ottoman, một đô thị phồn hoa và muôn màu, người dân địa phương lại vui vẻ đón nhận hệ thống thời gian mới mà vẫn giữ hệ thống cũ. Tiếng kêu của những chiếc đồng hồ công cộng mới lắp hòa với tiếng chuông nhà thờ và tiếng gọi của các thầy tu Hồi giáo. Các hành khách tham khảo lịch trình xe buýt bằng cả giờ châu Âu lẫn giờ Thổ Nhĩ Kỳ. Một kế hoạch đầy nghịch lý với những hậu quả khôn lường, cải cách thời gian lại làm xáo trộn thời gian nhiều hơn là giải quyết.

Nhiều người châu Âu cũng không chấp nhận hệ thống thời gian mới. Pháp đã áp dụng thời gian chuẩn toàn quốc vào năm 1891 nhưng lại từ chối sử dụng kinh tuyến Greenwich; các chính trị gia thích tự tính giờ tại Paris hơn là phải đặt giờ Pháp theo một đài thiên văn ở Anh một cách nhục nhã. Quy ước giờ mùa hè, một ý tưởng khác của các nhà cải cách thời gian, lại có vẻ như một kế hoạch nhằm cướp đi thêm thời gian của người lao động. Vài người lại cho rằng họ đang “thay trời hành đạo” một cách không thể tha thứ. Một số khác thì lo lắng về sự xâm phạm từ chính quyền. Một độc giả người Anh cáu kỉnh viết thư cho báo The Spectator vào năm 1907 rằng cải cách thời gian “muốn chúng tôi phải đi ngủ và thức giấc theo luật của Nghị viện. Tôi thì muốn được tự quyết định ngày giờ của bản thân.” Bị phản đối và làm ngơ trên mọi châu lục đến tận thế kỷ 20, hệ thống thời gian hiện đại không tự nhiên sinh ra; nó phải được áp đặt. 

***

Ogle, giảng viên môn lịch sử tại trường Đại học Pennsylvania, nhìn nhận cải cách thời gian dưới góc độ của sự toàn cầu hóa. Với khối lượng tài liệu nghiên cứu đồ sộ từ tám quốc gia và nhiều ngôn ngữ khác nhau, cuốn sách của cô cho thấy quá trình hội nhập toàn cầu luôn không đồng đều và chịu phản kháng gay gắt. Cô nhắc nhở chúng ta rằng các mạng lưới và dây chuyền xuyên quốc gia chẳng bao giờ là trung lập và toàn cầu hóa là một quá trình mang tính tư tưởng. Giống như cuốn sách “Đế chế Cotton” của Sven Beckert, nghiên cứu đáng nể của Ogle là đóng góp lớn cho một lịch sử mới của nền kinh tế chính trị, một lịch sử tập trung vào các tư tưởng, nguyên tắc, và hành động bạo lực đằng sau sự phát triển của nền tư bản toàn cầu.

Tuy nhiên, lịch sử bị lãng quên của những chiếc đồng hồ và những cuốn lịch còn cho chúng ta một bài học đáng kinh ngạc khác. Cải cách thời gian đem lại một lời giải thích hùng hồn và rất đáng bận tâm về nguồn gốc của sự phát triển công nghệ. Dù sao thì khởi nguồn câu chuyện của Ogle là những công cụ mới trong liên lạc và vận tải – đường sắt, tàu hơi nước, máy điện báo – mà vốn đã làm nổi bật lên vấn đề đo đạc thời gian toàn cầu. 

Từ nguồn gốc các múi giờ của Ogle, chúng ta biết rằng công nghệ thay đổi thế giới không phải nhờ logic Prometheus vốn có của nó mà là do chính chúng ta. Máy điện báo, tàu hơi nước, và đường sắt tạo nên thế giới ngày nay vì chúng được sử dụng cho một tư tưởng nhất định: một quy luật thế giới tự do dưới sự bảo hộ của châu Âu. Những khái niệm cao thượng mang vẻ khoa học như sự đồng bộ, hiệu suất, và phát triển cũng không kém phần chính trị. Coi sự vượt trội của phương Tây là lẽ đương nhiên, chúng phản ánh niềm tin của châu Âu về lý trí con người và trật tự thế giới mới.

Cải cách thời gian mang lại sự hiện đại, theo cách nhìn của phương Tây, quan điểm được hình thành dựa trên lợi ích và tư tưởng của những người giàu có và quyền lực bậc nhất thế giới. Sự đồng bộ hóa giúp tầng lớp thượng lưu châu Âu nâng tầm ảnh hưởng và phát triển thương mại. Còn mất mát thì lại chồng chất lên những người nghèo thấp cổ bé họng. Chẳng hạn như ở Natal, người dân bản địa bị tước đi quyền tự đặt thời gian cho bản thân sau khi những cuốn lịch Zulu bị các nhà truyền giáo cho là phí phạm và lạc hậu. Khắp thế giới, truyền thống và nhịp sống địa phương bị xóa sổ nhân danh sự tiến bộ. Những người phản đối cải cách thời gian đã đủ thông thái để nhận ra rằng thế giới mà họ đang bị nhốt vào chẳng cần thiết, công bằng, hay dân chủ. Nó được tạo ra vì lợi ích của một nhóm nhất định.

Cải cách thời gian đã đạt đến đỉnh cao cách đây một thế kỷ, nhưng cách nhìn của chúng ta về sự phát triển công nghệ vẫn bình chân như vại và tiến bộ một cách mù quáng như ngày nào. Từ Google đến GrubHub, những phát minh kỹ thuật số ngày nay đem lại sự đơn giản và cải tiến, tiết kiệm thời gian và gia tăng lượng thông tin được trao đổi, cũng như mang lại sự kết nối phong phú và ý nghĩa hơn với thế giới xung quanh. Những từ ngữ như vậy nghe cao đẹp và đầy lạc quan, nhưng cũng ẩn chứa các tư tưởng chính trị nhất định về việc chúng ta là ai và nên sống như thế nào.

Ví dụ như “nền kinh tế chia sẻ” (sharing economy) với các đại diện điển hình là Airbnb và Uber. Đằng sau những lời ngọt ngào về sự đem lại sức mạnh và kết nối là một tương lai mà chúng ta thường phản đối gay gắt: sự thương mại hóa ngày một lấn chiếm cuộc sống và các mối quan hệ của chúng ta, kèm theo sự bất bình đẳng nhanh chóng tăng cao. Chúng ta cần phải suy nghĩ thấu đáo hơn về việc ai sẽ thu lợi từ thế giới nhịp nhàng và hiệu suất trước mắt – và những gì chúng ta sẽ phải hi sinh.

Khó có thể đoán trước các ứng dụng trên điện thoại thông minh, những máy thực tế ảo, và dữ liệu lớn sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao. Nhưng chắc chắn sẽ có cả lợi lẫn hại. Lịch sử cải cách thời gian toàn cầu nhắc nhở chúng ta rằng công nghệ không định sẵn tương lai chung của con người: liệu thế giới có bình đẳng hơn, công bằng hơn, dân chủ hơn hay không. Đó là do chúng ta quyết định. Bản thân công nghệ không quan trọng bằng cách chúng ta sử dụng chúng.


  1. Quy ước giờ mùa hè, hay giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày, là quy ước chỉnh đồng hồ tăng thêm một khoảng thời gian (thường là 1 giờ) so với giờ tiêu chuẩn tại một số nước ôn đới hay gần cực vào mùa hè trong năm. Tại những quốc gia này, vào mùa hè, ban ngày bắt đầu sớm hơn so với mùa đông vài tiếng đồng hồ. Việc điều chỉnh đồng hồ giúp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm, khi tận dụng ánh sáng ban ngày của ngày làm việc từ sớm, giảm chiếu sáng ban đêm nhờ ngủ sớm. Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Daylight_saving_time

  2. Chủ nghĩa thực chứng là một khuynh hướng nhận thức luận của triết học cho rằng phương pháp khoa học là cách tốt nhất để lý giải các sự kiện tự nhiên, xã hội và con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất