Mùa xuân năm ngoái tôi biết đến một cặp bồ câu. Tôi thường rắc hạt hướng dương cho chúng và những chú chim sẻ khu Brooklyn nhà tôi ăn. Thường thì tôi sẽ rời đi để không quấy rầy chúng khi ăn, nhưng thỉnh thoảng tôi lại muốn tưới cây hoặc tắm nắng. Việc này luôn khiến lũ chim bỏ chạy tán loạn, ngoại trừ đôi bồ câu kia.
Một trong hai con, có lẽ là con đực, là một đại diện to lớn của họ nhà bồ câu, với những chiếc lông to và xoăn theo kiểu vũ trang nhã nhặn. Con còn lại nhỏ hơn và có một sự tương phản rõ rệt: phần lông ở đầu và cổ lộn xộn, đôi mắt ngấn nước, toát lên một vẻ bệnh tật đã trải qua hàng trăm triệu năm của tiến hóa phân nhánh.
Con cái còn không có đủ sức nhấc cánh lên khi tôi đến gần. Thay vào đó, nó tránh xa tôi bằng vài bước đi rệu rã. Bạn nó bay qua bay lại chỗ hiên nhà. Có vẻ nó luôn muốn chạy trốn khi tôi đến gần, nhưng nhìn bạn mình với vẻ lo lắng rõ rệt, nó định chỉ thực sự bay đi cùng với bạn của mình mà thôi. Điều này khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đã dành khá nhiều thời gian để quan sát động vật và viết về chúng – không chỉ là về quần thể, sự tương tác, hay đặc điểm sinh lý, mà cả về tâm trí của chúng, rằng chúng có thể có những suy nghĩ hay cảm giác như thế nào. Ấy vậy mà tôi vẫn chưa từng đặt mình vào vị trí một chú chim bồ câu.
Hơn nữa, tôi đã hình thành thói quen diễn giải hành vi thông qua một lăng kính tiến hóa hạn hẹp, mặc định rằng các quyết định của chúng là những tính toán lạnh lùng nhằm tối ưu hóa khả năng thành công trong sinh sản. Từ quan điểm đó, sự trung thành của con đực thật vô lý: Đáng nhẽ nó nên bay đi và tìm một người bạn đời khác khỏe mạnh hơn để duy trì gen của mình hơn là dính lấy con chim bị bệnh này.
Tất nhiên là tôi sẽ không đóng khung cuộc sống của mình theo cách đó. Những cảm xúc có ý nghĩa của tôi sẽ chuyển thành động lực. Tuy nhiên, khi nhìn “Harold và Maude”1 (tôi đã đặt tên cho cặp bồ câu như vậy), câu chuyện của chúng gợi đến những bức tranh mà tôi cùng bạn gái đã khắc họa như một cách bộc lộ cảm xúc. Harold cư xử với một sự tận tâm, dịu dàng, và tình cảm: nền tảng của thứ mà con người chúng ta gọi là tình yêu.
“Tôi biết những chú chim bồ câu khóc than có những tình yêu lớn hơn cả nhiều người tôi quen.”
Đó là một từ không thường xuyên gắn với chim bồ câu, hay thậm chí là các loài động vật khác. Jeffrey Moussaief Masson viết trong cuốn When Elephants Weep: The Emotional Lives of Animals (Tạm dịch: Khi loài voi khóc: Cuộc sống tình cảm của động vật) rằng: “Sự tôn kính cao nhất của chúng ta dành cho tình yêu lãng mạn, một đặc điểm gây nhiều hoài nghi nhất khi gán với động vật.” Thật vậy, khoa học trong hầu hết những thế kỷ sẽ thấy những ý tưởng này thật tức cười, cho rằng những cảm xúc của Harold – nếu chim bồ câu có thể có cảm xúc – là một cảm giác thúc giục bản năng, vô thức để ở bên cạnh bạn đời của nó, một sự thôi thúc chẳng có nhiều ý nghĩa tình cảm hơn cảm giác ngứa ngáy.
Sau tất cả, tình yêu là một phần quan trọng của con người. Làm thế nào mà một sinh vật với bộ não chỉ bằng hạt đậu có thể cảm nhận một thứ lớn lao đến vậy? Thứ đã khơi nguồn cho vở kịch Romeo và Juliet hay bài hát “Unchained Melody” hay kỳ quan Taj Mahal?
Tôi ngờ rằng một phần của sự do dự khi nói về tình yêu ở loài chim bắt nguồn từ những nghi hoặc của chúng ta về cơ sở sinh học của tình yêu: Có phải tình yêu chỉ là những “tương tác hóa học”? Một tập hợp những đặc điểm hoóc-môn và nhận thức được định hình bởi tiến hóa để ưu tiên những hành vi mang lại những chiến lược giao phối tối ưu? Có lẽ tình yêu không phải là thứ định hình con người, mà là một đặc điểm chung mà chúng ta chia sẻ với những loài khác, bao gồm cả loài bồ câu nhỏ bé.
*****
Cư dân thành thị thường thấy chim bồ câu thật chướng mắt và phiền toái. Những người gần gũi với thiên nhiên hơn thì xem chúng như điều kỳ diệu của lịch sử tự nhiên và sự thích nghi với đô thị. Có nguồn gốc từ những loài chim được nhân giống ở Châu Âu, loài bồ câu Columbia livia giờ đây sống trên những hiên nhà nhiều hơn là những vách núi như tổ tiên của chúng. Chúng bới thức ăn từ rác thải, đồ bỏ đi, những hạt cỏ dại, rồi trở thành biểu tượng của sự không lùi bước, theo một khía cạnh nào đó.
Nhưng liệu bồ câu có thể yêu không? Để xem xét khả năng này, có lẽ chúng ta nên lùi lại và nhìn vào xã hội cũng như những cách đánh giá dựa vào kiến thức trong chủ đề về suy nghĩ và cảm xúc của những sinh vật không phải con người.
Các thói quen đối xử với các loài vật khác như những vật vô tri vô giác có lông – như Descartes từng nổi tiếng so sánh động vật với đồng hồ – đang suy giảm rất nhanh. Các nhà khoa học thường xuyên thảo luận về trí thông minh của các loài động vật. Nhưng thói quen tự động đó đã định hình diễn ngôn trong khoa học và trí tưởng tượng của công chúng. Mọi sự quả quyết về những trải nghiệm phức tạp (của động vật) có thể vấp phải sự phủ nhận mặc định của thuyết hình người (anthropomorphism)2: Có thể chúng ta chỉ đơn giản là áp đặt những phẩm chất của con người lên những sinh vật đơn giản hơn, thậm chí là xa lạ?
Di sản của lối suy nghĩ này vẫn còn đó. Ý thức của động vật thường được đánh giá cao nhất trong một lớp nhất định: những sinh vật với bộ não to lớn như linh trưởng lớn hay cá voi, hay những người bạn trong nhà như mèo và chó; đó là những loài ta không thể lờ đi. Còn chim là một lớp nhận được tương đối ít sự chú ý. Và khi chúng được chú ý, người ta thường chỉ tập trung vào trí thông minh, vào những đặc tính dễ đo lường về giải quyết vấn đề và nhận thức, hơn là cảm xúc. Hầu hết những người quan tâm đến khoa học đều biết về những con quạ có khả năng sử dụng công cụ và biết suy luận. Nhưng tình yêu của loài chim thì vẫn còn là một chủ đề xa vời.
Có những cặp bồ câu tốt và xấu. Cũng như tình yêu của con người có muôn màu muôn vẻ, tình yêu của chúng cũng vậy.
Một ví dụ điển hình là cuốn sách Partnership in Birds: The Study of Monogamy (Tạm dịch: Quan hệ đối tác ở loài chim: Nghiên cứu về cơ chế đơn phối), một tập hợp các nghiên cứu được xuất bản năm 1996 với mục đích giải thích lý do tại sao chim lại chỉ có một bạn tình, mà không hề có một dòng nào nói về vấn đề cảm xúc. “Tình cảm” chỉ được nhắc đến một lần, trong một đề cập ngắn gọn về sự gắn kết trong mối liên hệ giữa bạn tình. Ở đây, bạn đọc chú ý, sự “gắn kết” không nên hiểu là từ ám chỉ độ giao phối mạnh hay yếu, mà là sự đo lường về “sự gần gũi và tương đồng của những hành vi có thể ảnh hưởng đến khả năng thích nghi (fitness)”.3” Đó là một cuốn sách tuyệt vời, nhưng cũng hơi lố bịch, giống như xem đoạn phim cũ về những trận quần vợt, mà trong đó có những phong tục yêu cầu mặc quần trắng và không chạy quá nhanh.
Sự bảo thủ này cũng dễ hiểu: Rất khó để đo lường cảm xúc của con người, ở loài vật thì còn khó hơn, và “bạn không thể nghĩ về loài chim như những con người nhỏ bé,” Kevin McGowan, một nhà điểu học tại Đại học Cornell, chuyên nghiên cứu về hành vi xã hội của loài quạ cho biết. Tuy nhiên, McGowan lưu ý, tiến hóa cũng có tính chất bảo thủ, tạo nên sự đa dạng của thế giới động vật từ các yếu tố sinh học phổ biến. Về mặt cảm xúc, McGowan nói, “không có lý do để nghĩ rằng loài người chúng ta có một điều gì đó mới mẻ.”
Thật vậy, tính chất sinh học chính của tình yêu đã có từ lâu theo góc nhìn tiến hóa. Oxytocin và vasopressin, những hoóc-môn liên quan chặt chẽ nhất đến sự gắn kết giữa động vật có vú, có sự tương đồng với mesotocin và vasotocin ở chim, hai loại hoóc-môn quyết định sự tương tác của những cặp chim di vằn (zebra finch). Các loài chim cũng có các chất dẫn truyền thần kinh cơ bản là serotonin và dopamine. Chúng có thể không có nhiều biểu hiện dễ nhận biết trên gương mặt, nhưng các phản ứng dây chuyền giao hưởng sinh hóa của chúng đã diễn ra trong các cấu trúc thần kinh vốn phát triển từ sớm trong lịch sử sự sống, từ trước cả vỏ não.
Chỉ mỗi điều đó thì chẳng thể đảm bảo sự lãng mạn. Jane Goodall, nhà nghiên cứu linh trưởng nổi tiếng, người từng miêu tả một cách mạnh mẽ về tình yêu bền chặt những con tinh tinh mẹ dành cho con của chúng, đã viết rằng cô không thể thấy được thứ gì tương tự như tình yêu lãng mạn ở chúng. Đối với Goodall, những hành động quyến rũ đối phương ở tinh tinh quá ngắn ngủi để có thể đạt được những cảm xúc sâu sắc. Bà cũng để ý rằng những khuynh hướng của chúng không được định hình bởi các điều kiện tiến hóa có lợi cho tình yêu, cụ thể là mối quan hệ lâu dài với với một bạn tình duy nhất, vốn là điều bình thường ở con người hiện đại.
Về mặt này chúng ta khác biệt rõ ràng với tinh tinh – nhưng không phải với loài chim, lớp động vật có hơn 90 phần trăm các loài có cơ chế đơn phối, bao gồm cả chim bồ câu. Và cơ chế đơn phối ở chúng hay chúng ta đều không phải thứ gì đó thuần khiết hay được lý tưởng hóa, miễn nhiễm với sự không chung thủy hay có nhiều bạn tình. Việc quan hệ với nhiều đối tượng, mà con người còn gọi là ngoại tình, có thể khá phổ biến. Nhưng đơn phối là nền tảng, và chim bồ câu, loài vật thường chỉ có một bạn tình trong suốt cuộc đời, là một trong những loài chim chung thủy nhất. Xét về mặt tiến hóa của đơn phối, tình yêu là điều hoàn toàn hợp lý.
“Loài chim còn yêu nhau nhiều hơn rất nhiều người tôi từng biết.”
Các cặp chim có chế độ một-một cùng nhau chia sẻ thức ăn, thông tin, và trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, đặc biệt là ở những loài mà con non cần sự chăm sóc liên tục. Trong trường hợp của bồ câu, những con bồ câu non yếu ớt thường được giấu rất kĩ đến nỗi rất ít cư dân thành thị từng nhìn thấy chúng. Tình yêu – sự quan tâm và chú ý dành cho những nhu cầu của người khác, củng cố bằng những giá trị cảm xúc – có thể thúc đẩy sự hợp tác và làm tăng khả năng nuôi lớn những đứa con khỏe mạnh của các đôi. Claudia Wascher là một nhà động vật học tại Đại học Anglia Ruskin, người có công trình nghiên cứu với chủ đề những con ngỗng xám có bạn tình có hàm lượng hoóc-môn căng thẳng thấp hơn những con độc thân. Cô nhận xét rằng, không nghi ngờ gì, sự gắn kết giữa các đôi là vô cùng mạnh mẽ.
“Những gắn kết xã hội nói chung có vẻ rất quan trọng đối với loài chim,” Wascher cho biết, “và sự gắn kết quan trọng nhất đối với chúng là quan hệ đôi lứa.” Vì thế, đơn phối là nền tảng tiến hóa cần thiết cho sự thăng hoa trong tình yêu.
McGowan và Wascher thực sự nhận ra cảm xúc ở các loài chim. “Tôi nghĩ rằng chúng thực sự có tình cảm dành cho nhau,” McGowan, người từng quan sát những đôi quạ chung sống cùng nhau hơn một thập kỷ, cho biết. “Tình cảm đó không hẳn giống như tình yêu ở con người, nhưng tôi cho rằng nó khá tương đồng, đủ để chúng ta nhận ra nó,” cô nói. Tuy nhiên, McGowan đã dừng chủ đề tình yêu ở đó: Khoa học mô tả hành vi rất dễ dàng, nhưng lại nhập nhằng với những trạng thái tâm trí phức tạp.
Việc cho rằng những lợi ích thần kinh-sinh học của sự ghép cặp là tình yêu, dù có hợp lý về mặt tiến hóa như thế nào, nghe vẫn thật khó tin. Chim bồ câu có những đặc điểm và lịch sử đáng lưu tâm, nhưng sự gắn bó của chúng liệu có thể thực sự so sánh với tình cảm ở con người, thứ từng tạo cảm hứng cho nhà thơ Chang Chi ở thế kỷ thứ tám viết nên những lời thanh thở về tình yêu đơn phương: “Vậy tôi phải trả lại em những viên ngọc trai / tương ứng với hai giọt nước mắt”?4 Liệu những tình cảm của chim bồ câu có đầy đủ những cung bậc của tình yêu, từ cảm giác mê đắm đến bồn chồn cho đến cảm giác ngây ngất mãn nguyện?
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hình dung rằng tình yêu của loài chim không chỉ là cảm giác ngứa ngáy vô thức. Có lẽ tình yêu của con người mới là thứ phức tạp một cách bất thường, khơi dậy không chỉ những chức năng sinh lý mà còn cả những nhận thức phức tạp độc nhất. Tuy nhiên, cũng có nhiều loài biểu hiện tư duy phức tạp – nhận thức về bản thân những cá thể khác, ký ức dài hạn, hay khả năng tư duy những khái niệm trừu tượng – như những loài linh trưởng. Hành động tán tỉnh “chải chuốt cho nhau” ở các loài chim, khi một con chim rỉa lông cho một con khác, là đặc biệt tinh tế. Cũng như tôi có thể nhớ người yêu mình da diết khi không có cô ấy bên cạnh, một con bồ câu cũng có thể nhung nhớ người bạn đời của nó khi chúng không ở cùng nhau.
“Ở khắp mọi nơi và không được công nhận, thường bị phớt lờ hoặc bị coi là những con vật bẩn thỉu, phiền nhiễu, chim bồ câu bây giờ lại mang một ý nghĩa khác với tôi.”
Chúng ta có thể xem xét các bằng chứng có thể quan sát để bảo vệ cho luận điểm về mặt sinh học. Khoảng một thập niên trước, Rita McMahon đã tìm thấy một con chim bồ câu bị gãy một chân trên hiên nhà của cô tại khu thượng tây ở thành phố New York. Cô chim này thực ra khá may mắn. McMahon đã đồng sáng lập ra Quỹ Chim Hoang dã (Wild Bird Fund), nơi chăm sóc cho khoảng 3.500 chú chim bị bệnh và bị thương mỗi năm. Một bác sĩ thú y đã cắt bỏ chân của con chim bồ câu đó. Trong lúc phục hồi, nàng được nghỉ ngơi trên một cái đệm đặt cạnh cửa sổ căn hộ của McMahon. Và bên kia cửa sổ là người bạn tình của nàng đứng trông nom hàng ngày, bầu bạn với nàng cho đến khi nàng được thả ra và cả hai được đoàn tụ.
“Chúng rất tận tụy đối với nhau,” McMahon nói. Cô cũng nhớ lại một trong những tình nguyện viên của mình đã tìm thấy một con chim oanh (robin) bị gãy cánh, nằm tuyệt vọng trên một bãi đất phủ tuyết với người bạn tình đứng bên cạnh. Tình nguyện viên đó đã đặt chú chim bị thương vào túi để chuyển đến bệnh viện. Với một chút lo lắng, người tình nguyện viên ấy sau đó đã mang theo cả nàng chim bạn tình còn lại – một điều khá bất thường, bởi những con chim hoang dã khỏe mạnh đều rất khó kiểm soát. McMahon cho biết: “Tôi biết để mang một con chim bị gãy cánh về thì rất dễ dàng, nhưng mang một con chim còn lành lặn về thì không hề”. Ở bệnh viện, họ tìm ra rằng chú chim đó không phải là mới bị gãy cánh. Ngạc nhiên là chú chim oanh đó lại rất khỏe mạnh. Người bạn tình của nó, theo McMahon, đã mang thức ăn đến cho nó khi ở trên bãi tuyết, “và quyết định ở lại cùng người đàn ông của mình.”
Tình yêu là vậy thôi. “Không có lý do gì để cho rằng tình yêu ở con người thì sẽ khác tình yêu ở những vật khác”, Marc Bekoff, tác giả cuốn sách The Emotional Lives of Animals (Tạm dịch: Đời sống tình cảm ở động vật) cho biết. “Tôi biết loài bồ câu bi ai (mourning doves)” – một loài rất gần với họ bồ câu – “loài chim yêu nhau còn nhiều hơn rất nhiều người tôi từng biết.” Đối với Bekoff, cách đánh giá tình yêu toàn diện nhất nằm ở sự hiện diện của thứ hoàn toàn trái ngược với nó, sự đau buồn.
Sự đau buồn hiện diện trong thế giới loài chim, đáng chú ý là ở loài ngỗng xám. Những con ngỗng khi mất đi người bạn đời biểu hiện các triệu chứng thường thấy của bệnh trầm cảm ở người: mệt mỏi, chán ăn, buồn bã kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở chim bồ câu. Trên trang web của những người yêu thích nuôi chim bồ câu Pigeon Talk, có rất nhiều giai thoại về những chú chim rơi vào sự hoảng sợ sau khi mất đi người bạn tình của mình, và đôi khi chúng không ghép cặp với bất cứ một con chim nào khác trong cả một năm sau đó – đây là một khoảng thời gian không nhỏ đối với một loài có vòng đời chưa đến mười năm.
Một trong những câu chuyện cảm động nhất là về loài bồ câu bi ai. Sau khi một con chim bồ câu bị diều hâu ăn thịt ở sân sau của một thành viên diễn đàn có tên TheSnipes, người bạn tình của chú chim ấy đã đứng bên cạnh xác chú chim bị chết trong hàng tuần liền. “Cuối cùng tôi không thể chịu được cảnh tượng đó nữa và phải thu dọn những gì còn sót lại”, TheSnipes viết. “Vậy nhưng con chim kia vẫn tiếp tục canh chừng tại vị trí đó, trong nhiều tháng liền từ xuân qua hè.”
*****
McMahon đã lưu ý một điều mà tôi chưa từng nghĩ tới: Có những cặp bồ câu tốt và xấu. Một số quan tâm và yêu thương nhau, thường xuyên vuốt ve chải chuốt lông của nhau. Một số khác thì lại có vẻ xa cách và chỉ quan tâm đến việc kiếm ăn. Cũng như tình yêu của con người có muôn màu muôn vẻ, tình yêu của chúng cũng vậy. Không phải câu chuyện nào về chim bồ câu cũng lãng mạn như Fly High, Fly Low (Tạm dịch: Bay cao bay thấp), cuốn sách thiếu nhi tươi vui của Don Freeman về chú chim Sid đi tìm người bạn tình bị lạc Midge của mình, dù hai chú chim chỉ lạc nhau trong một thời gian ngắn khi những người công nhân dỡ bỏ tấm biển hiệu nơi hai chú chim làm tổ. Một số khác thì có lẽ giống Maud và Claud trong Two Disagreeable Pigeons (Tạm dịch: Hai con chim bồ câu trái tính) của Patricia Highsmith hơn, đối đãi nhau bằng sự bất mãn và khinh miệt, ở cạnh nhau chỉ bởi sự lười biếng và thói quen.
Cũng cần xem xét liệu chim bồ câu có những trải nghiệm tình yêu mà chúng ta không có hay không. Liệu một loài chim với đặc tính sinh lý cơ bản thích nghi với sự thay đổi của các mùa, có thể cảm nhận được sóng hạ âm, và nhìn thấy từ trường Trái đất, có những khả năng cảm xúc vượt cả những cảm xúc của chúng ta không? Liệu có thể bao gồm cả các hình thức tình yêu không chỉ tương đồng với cảm xúc của chúng ta, mà còn là một thứ độc đáo của riêng chúng?
Những câu hỏi này dành cho trí tưởng tượng của chúng ta. “Tình yêu ở động vật cũng có thể bí ẩn và phức tạp như tình yêu của con người qua bao nhiêu thế kỉ vậy,” Masson viết.
Tuy nhiên, có thể nghe không thật sự lãng mạn, tôi không cho rằng tình yêu bí ẩn đến vậy. Tình yêu chỉ đơn giản là khiến chúng ta cảm thấy tuyệt vời mà thôi.
Còn về Harold và Maude, tôi không biết câu chuyện của chúng kết thúc như thế nào, hoặc liệu rằng nó có tiếp diễn hay không. Chúng làm tổ trong một tòa nhà bị bỏ hoang một phần trong khu phố đang được nâng cấp nhanh chóng của tôi. Tòa nhà đó giờ đang được xây thành một khu chung cư, khiến chúng trở thành những nạn nhân của giá bất động sản leo thang ở Brooklyn, dù cho chúng có nhiều cơ hội hơn nhiều người trong việc tìm một nơi tươm tất để sống gần đó.
Dù vậy, câu chuyện về chúng lưu lại trong tâm trí tôi, và giờ đây tô điểm cho những suy nghĩ của tôi về người hàng xóm có cánh của mình. Ở khắp nơi và không được trân trọng, thường bị phớt lờ hoặc bị coi là những con vật bẩn thỉu, phiền nhiễu, chim bồ câu bây giờ mang một ý nghĩa khác đối với tôi. Đậu trên rìa những tòa nhà, đuổi theo những mẩu vụn thức ăn, bay lên bầu trời lúc hoàng hôn: Mỗi chú chim đều nhắc nhở rằng tình yêu ở xung quanh chúng ta.
“Harold và Maude” là một bộ phim về tình yêu giữa Harold – một cậu trai trẻ và Maude – một bà cụ đã 79 tuổi. Sở dĩ tác giả đặt tên hai con chim bồ câu như vậy là vì thấy sự tương đồng giữa hai cặp này.↩
Thuyết hình người mang một ý nghĩa nhất định trong tôn giáo, gắn bó với tín ngưỡng thờ vật tổ. Tín đồ của tín ngưỡng này cho rằng linh hồn tổ tiên có trong các loài động vật, sau khi chết sẽ đầu thai vào lại con người. Thuyết này tạo cơ sở cho các khái niệm về các vị thần trong tôn giáo của xã hội thời kì bắt đầu phân chia giai cấp.↩
Trong khoa học tiến hóa, fitness được dùng với ý nghĩa là sự thích nghi – là một đặc điểm với vai trò chức năng hiện thời trong quá trình sống của một sinh vật được duy trì và tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên.↩
“So I must give you back your pearls / with two tears to match them”?↩
Viết về sinh học như này mới đáng yêu chứ :). Cảm ơn dịch giả rất nhiều.
Cám ơn vì bài dịch 🙂