Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Nolan Feeney | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Mỹ Châu | Hiệu đính:  Ninh
08/12/2018

Laci Green lấy một tấm cao su mỏng, kéo căng rồi trùm qua một đầu lõi của một cuộn giấy vệ sinh, rồi bắt đầu cắt nó bằng kéo. “Tôi đang tạo ra một màng trinh,” cô ấy ngân nga trước khi giơ thành phẩm về phía máy quay phim, và ở phía bên kia màn ảnh, hơn 700.000 người theo dõi đang chờ đợi từng đoạn ghi hình do cô ấy đăng tải. “Ta-da!”

Kể từ năm 2008, nhà giáo dục giới tính 24 tuổi trên Youtube này đã làm ra các video cung cấp thông tin về đủ thứ, từ nạn miệt thị phụ nữ1, tự đánh giá ngoại hình cơ thể2, đến vấn đề vệ sinh bộ phận sinh dục và tìm điểm cực khoái (G-spot). Cảnh cụ thể trên đây nằm trong một video có tên “Bạn Không Thể PHÁ VỠ Then Cài Trinh Tiết Của Bạn (MÀNG TRINH 101).” Với sự hài hước trẻ trung và rất hợp với thế giới mạng — điều đã giúp cho Green trở nên nổi tiếng — video trên giải thích rằng màng trinh không phải là một lớp màng cần phải bị chảy máu hay bị rách trong lúc quan hệ tình dục, mà thực ra, màng trinh chỉ là những nếp gấp niêm mạc nhỏ và đàn hồi, thứ chỉ bao phủ một phần cửa âm đạo và có thể rách nếu bị kéo căng, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Khoảng một năm rưỡi sau khi lên sóng, với hơn một triệu lượt xem, đoạn video vạch trần một trong những quan niệm sai lầm lâu đời nhất về trinh tiết này của Green đã trở thành một trong những đoạn ghi hình nổi tiếng nhất của cô.

Đối với phụ nữ (và cả đàn ông), thông điệp của Green hầu như không phải là thông tin mới vì nhiều lý do khác nhau. Rất nhiều bình luận vẫn được gửi đến gần như hàng ngày đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, các bình luận khác lại đưa ra một câu chuyện khác hẳn: các ngộ nhận hoang đường về trinh tiết, chuyện quan hệ tình dục và sinh học cơ bản vẫn phổ biến thậm chí cả ở những người trưởng thành đã quan hệ tình dục. Khi những ngộ nhận này được củng cố bởi sự thiếu hụt thông tin đáng tin cậy và sự kỳ thị giới tính vốn đã ăn sâu vào văn hóa phổ thông, chúng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của phụ nữ.

Green đã đến các trường cao đẳng, đại học trên khắp cả nước để thuyết trình về tình dục tích cực. “Mỗi tối đều có người tìm đến tôi, nhất là để nói về video này,” cô kể lại. “Tôi rất mừng vì đã xem video này.’ ‘Quan hệ tình dục tuyệt hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ.’ ‘Chuyện đó không hề đau chút nào hết.’ Tôi thấy thật đáng buồn khi mọi người cho rằng quan hệ tình dục là một trải nghiệm đầy đau đớn.”

Màng trinh không phải là một lớp màng cần phải bị chảy máu hay bị rách trong lúc quan hệ tình dục, mà thực ra chỉ là những nếp gấp niêm mạc nhỏ và đàn hồi, thứ chỉ bao phủ một phần cửa âm đạo.

* * *

Khi Therese Shechter quan hệ tình dục lần đầu vào năm 23 tuổi, đó hóa ra không phải là một trải nghiệm đầy phấn khích và trọng đại như cô vẫn tưởng. Ngược lại, đó chỉ là một trải nghiệm rất bình thường so với những lời đồn thổi cường điệu. Bây giờ, khi đã trở thành một nhà làm phim, Shechter đã dành nhiều thời gian trong sáu năm để sản xuất bộ phim tài liệu mới Làm thế nào để mất trinh. Bộ phim hồi tưởng trải nghiệm của chính cô – bao gồm cả căn hộ tầng trệt nơi sự việc diễn ra, mà buồn cười thay, nơi đó bây giờ đã trở thành một tiệm hoa tên là Bloom (Tạm dịch: Nở rộ). Bộ phim đào sâu vào “các ngộ nhận sai lầm và nạn kỳ thị phụ nữ3” ẩn sau việc quan hệ tình dục lần đầu – một trong những bước trưởng thành được quan trọng hóa nhất.

Qua những cuộc phỏng vấn với các nhà sử học, những người ủng hộ khuynh hướng tiết dục (abstinence advocates)4, các nhà giáo dục giới tính, và những người tự nhận còn trinh hay không còn, Shechter phát hiện ra rằng cô không phải là người duy nhất có những ý niệm nhất định về việc quan hệ tình dục phải thế nào. Hàng loạt ngộ nhận nặng nề về trinh tiết vẫn đang lan tràn như: Quan hệ tình dục lần đầu tiên là một cuộc lột xác hoàn toàn, làm thay đổi cả thể xác lẫn tâm trí của bạn; có một cách mất trinh “đúng đắn,” và việc đánh mất trinh tiết như thế nào sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời về sau của bạn; đó sẽ là cảm giác kỳ diệu và thú vị nhất; đó là trải nghiệm đau đớn nhất trong cuộc đời mỗi người. Những ngộ nhận này vẫn tiếp tục tồn tại một phần bởi vì lỗ hổng thông tin về những gì xảy ra trong cơ thể con người, đặc biệt là màng trinh, trong quá trình quan hệ tình dục. Những thông tin đó thường không được giảng dạy tại các trường học, không phải lúc nào cũng tìm được trên mạng, và không được bác sĩ giải thích.

“Tôi đã trò chuyện với nhiều người phụ nữ khiếp sợ chuyện quan hệ tình dục chỉ vì họ nghĩ chuyện đó gây đau khủng khiếp và [họ sẽ] bị mất hàng lít máu,” Shechter nói. Bộ phim tài liệu của cô được phát sóng lần đầu vào ngày 8 tháng 2 (năm 2014) trên kênh Fusion Network. Bộ phim cũng đang được trình chiếu tại các thành phố trên khắp nước Mỹ và sẽ phát sóng quốc tế trong những tháng sắp tới.

Hàng loạt ngộ nhận nặng nề về trinh tiết vẫn đang lan tràn như: Quan hệ tình dục lần đầu tiên là một cuộc lột xác hoàn toàn, làm thay đổi cả thể xác lẫn tâm trí của bạn; có một cách mất trinh “đúng đắn,” và việc đánh mất trinh tiết như thế nào sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời về sau của bạn.

Không thể đổ lỗi cho giáo dục giới tính kiểu tiết dục5 tại các trường học ở Mỹ là nguồn gốc của những ngộ nhận sai lệch trên. Tuy nhiên, Shechter và Green cho rằng chính các chương trình này đã tạo ra môi trường khiến cho những kiểu quan niệm sai lầm như vầy sinh sôi nảy nở. Những chương trình này được tài trợ hơn 1,5 tỷ đô la và tính vào ngân sách liên bang kể từ năm 1996 dù nhiều nghiên cứu cho thấy chúng không hiệu quả. (Green còn lưu ý, một số trường học mặc dù áp dụng chương trình giáo dục giới tính toàn diện cũng mắc phải các thông tin sai lệch.) Giáo dục giới tính kiểu tiết dục khuyến khích quan điểm rằng hôn nhân là thời điểm đúng đắn cho việc quan hệ tình dục và là phương pháp duy nhất ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) và mang thai – kiểu giáo dục này không hề cung cấp kiến thức về việc làm thế nào để quan hệ không bị đau, hoặc làm thế nào để tránh bị chảy máu, như Green đã từng nói qua. (Không đến một nửa phụ nữ bị ra máu trong lần quan hệ đầu tiên; họ có thể bị chảy máu ít hoặc rất nhiều, hoặc không bị chút nào cả, và điều đó có thể gây đau hoặc không. Có vô số những trải nghiệm khác nhau đối với từng người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách sử dụng chất bôi trơn và mức độ hưng phấn.)

Các thông tin đáng tin cậy vẫn luôn có sẵn nhưng không phải lúc nào những người phụ nữ trẻ (hoặc đàn ông) cũng có thể tìm được chúng. Kiki Zeldes, người biên tập quyển Our Bodies, Ourselves (Tạm dịch: Cơ thể chúng ta, Bản thân chúng ta), một cuốn sách mang tính bước ngoặt về sức khỏe và vấn đề tình dục của phụ nữ được xuất bản bởi một tổ chức phi lợi nhuận ở Boston, cho rằng Internet thường khiến những người phụ nữ trẻ bị hoang mang khi đi tìm câu trả lời. Trong khi các trang mạng như Scarleteen, một trang giáo dục giới tính độc lập được thành lập vào năm 1998, rất tận tâm trong việc cung cấp các thông tin chính xác và không mang tính phán xét cho giới trẻ, Zeldes chia sẻ rằng cô cảm thấy lo lắng về số lượng kết quả tìm kiếm trên Google và các trang thông tin tổng hợp vẫn mô tả màng trinh là màng bao phủ toàn bộ cửa âm đạo, thứ sẽ bị rách và gây chảy máu. “Vô số phụ nữ không hiểu cơ thể của họ hoạt động như thế nào và chuyện gì sẽ diễn ra khi họ quan hệ tình dục,” Zeldes nói. Cô cũng bổ sung thêm rằng “màng trinh” là từ được tìm kiếm nhiều nhất trên trang web của cuốn sách. “Có rất nhiều thông tin ở ngoài kia, nhưng quan trọng là làm sao tiếp cận những người phụ nữ trẻ theo hình thức nào mà họ chịu lắng nghe.”

Ngay cả cộng đồng y khoa cũng góp phần tạo ra lỗ hổng trên. Theo Hanne Blank – nhà sử học và tác giả của cuốn sách Virgin: The Untouched History (Tạm dịch: Trinh nữ: Lịch sử chưa được khám phá), đa số các trường y khoa đều giảng dạy rất ít về màng trinh, vì những lý do thích đáng như: nó không đáng quan tâm về mặt y khoa và rất hiếm khi gây ra các vấn đề về sức khỏe, nó chỉ là phần mô thừa còn sót lại từ khoảng giữa tháng thứ năm và tháng thứ bảy trong quá trình phát triển của thai nhi. “Bác sĩ phụ khoa thông thường không biết quá nhiều [về màng trinh] đâu,” Blank nói. “Xét về khía cạnh y khoa, chúng tôi có thể nói một cách khá chân thành rằng có vô số mức độ hiểu biết và cũng có vô số cách nghĩ. Các bác sĩ cũng giống như bao người khác. Trừ khi người bác sĩ đó tự cố gắng tìm hiểu thêm, có khả năng là những thứ họ nghĩ họ biết về màng trinh phần nhiều là do những thông tin xung quanh phản ánh lại.”

Một tổ chức về sức khỏe giới tính của Thụy Điển nhận thấy các thông tin sai lệch về màng trinh đã lan tràn đến nỗi họ quyết định khai tử từ này một cách triệt để. Năm 2009, Hiệp hội Giáo dục Giới tính Thụy Điển (RFSU) bắt đầu đề xướng cụm từ “màng âm đạo” (vaginal corona) làm từ thay thế để bài trừ các quan niệm sai lầm và xây dựng lại sự liên tưởng về bộ phận này trong cơ thể ngay từ ban đầu. (Những người phụ nữ tôi đã gặp và trò chuyện đều cho rằng từ này chưa hề trở nên thông dụng – dù quyển Our Bodies, Ourselves trong lần tái bản mới nhất đã cải biên theo tài liệu của RFSU – nhưng tất cả đều tán thành đó là một bước tiến mang tính tượng trưng quan trọng để khởi động lại các cuộc trò chuyện.)

Ảnh: Alexander Krivitskiy (Unsplash)

Quan niệm sai lầm về trinh tiết không chỉ tồn tại do những thông tin sai lệch về màng trinh mà còn bởi vì khái niệm về trinh tiết đã tồn tại từ rất lâu, thậm chí trước khi màng trinh được phát hiện. Về lịch sử, màng trinh là một khám phá tương đối mới, được nhà giải phẫu học Andreas Vesalius công nhận lần đầu vào thế kỷ thứ 16. Trái lại, các quan điểm xã hội và văn hóa về trinh tiết đã hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử. Ví dụ tham khảo: Hãy giở Kinh thánh, xem phần Lời răn dạy, trong đó có tuyên bố “nếu người phụ nữ chưa chồng không còn trinh tiết … [thì] sẽ bị những người đàn ông trong thị trấn ném đá đến chết.”

Theo Blank, rất khó xác định nguồn gốc chính xác của khái niệm trinh tiết bởi vì trinh tiết đã được nhắc đến từ những văn kiện ghi chép đầu tiên, và ngay cả trong những đề cập đó, trinh tiết đã có vẻ là một khái niệm chắc chắn rồi. (Một cách giải thích phổ biến, gọi là Học thuyết Nhà chiến lược K6, theo đó đàn ông sử dụng sự trinh tiết để giúp xác định quan hệ cha con – một cách để đảm bảo nguồn vật chất mà họ cung cấp cho người phụ nữ vừa làm mẹ hoặc đang mang thai không phải là sự đầu tư uổng phí.) Mặc dù có lịch sử lâu đời, sự trinh tiết chưa bao giờ có một định nghĩa chính xác. Nhiều người liên tưởng từ này với sự kết hợp giữa dương vật và âm đạo của người đàn ông và người phụ nữ theo giới tính “thẳng”, nhưng đó không phải là cách duy nhất để hai người có thể quan hệ tình dục với nhau. Và định nghĩa trên cũng đã loại trừ trường hợp của những người thuộc LGBTQ. Những điều xây dựng nên quan niệm về sự trong trắng hóa ra lại khá lem nhem. Tuy nhiên, cũng theo Blank, khái niệm trinh tiết vẫn tồn tại bất chấp những điều trên chính bởi vì trinh tiết là biện pháp kiểm soát phụ nữ hiệu quả nhất. Trong suốt bề dày lịch sử, các phương pháp kiểm tra trinh tiết, như phương pháp “string test” (“xác định” trinh tiết dựa trên kích thước tương quan giữa đầu và cổ7), không quan tâm đến khía cạnh khoa học mà chỉ để ý đến vấn đề kiểm soát: Mặc kệ sự mơ hồ về khái niệm, sự trinh tiết giúp dễ dàng phân loại phụ nữ thành những người đã quan hệ tình dục và những người chưa từng quan hệ tình dục. Và trong những xã hội đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ dựa trên sự trinh nguyên, điều này còn giúp xác định giá trị của họ.

Hệ thống giá trị này – và quan niệm cho rằng lần quan hệ tình dục đầu tiên của người phụ nữ là một cuộc biến đổi làm rách màng trinh vĩnh viễn – được củng cố bởi cách diễn đạt khi đề cập về lần đầu tiên của người phụ nữ như: Cô ấy mất trinh rồi; anh ta đã lấy mất trinh tiết của cô ấy; cô ấy đã trao thân cho anh ta; cô ấy bị anh ta phá vỡ then cài rồi; cô ấy đã không còn trong trắng. “Nghe rất bạo lực,” Green nói như vậy trong video khi cầm dương vật giả đâm vào mô hình màng trinh tự làm một cách hài hước. Theo như Green lập luận, những từ này không chỉ thúc đẩy quan điểm cho rằng đó không chỉ là một cuộc lột xác đầy đau đớn và máu me mà còn mang lại nhiều gánh nặng về vai trò giới tính. Chúng đặc tả phụ nữ là phe thụ động bị chiếm đoạt còn đàn ông là phe chủ động đi đoạt lấy; họ khẳng định đàn ông là người kiểm soát trinh tiết – một quan niệm tương tự như “nghi lễ trinh trắng” (purity balls) được tổ chức khắp cả nước ngày nay, nơi những cô gái trẻ cam kết với người cha sẽ giữ gìn trinh tiết cho đến khi lấy chồng.

Để minh chứng cho thấy những quan niệm trên về sự trinh tiết và vấn đề tình dục đã ăn sâu vào văn hóa phổ thông đến mức nào, Shechter đã chỉ ra số lượng doanh nghiệp dựa vào đó để kiếm lời. Các thể loại văn hóa phẩm khiêu dâm tôn sùng sự trinh trắng và thường mô tả khoảnh khắc các nữ sinh trong sáng bị “vấy bẩn.” Thủ thuật vá màng trinh, hay những phẫu thuật gây tranh cãi nhằm tái tạo lại màng trinh để khiến ra máu trong lúc quan hệ tình dục nhằm tạo bằng chứng về sự trinh tiết, đã được thực hiện phổ biến trên khắp thế giới (các bản tin về xu hướng này xuất hiện trên tạp chí TimeThe New York Times mà đáng chú ý là trong các bài báo, màng trinh được gọi là “màng âm đạo thường bị rách trong lần đầu tiên giao hợp”). Trong bộ phim tài liệu của Shechter, cô đã gặp một chủ tiệm áo cưới quảng bá một chiếc đầm với các đặc điểm thể hiện sự trinh trắng như một ưu điểm để thu hút khách hàng.

“Bạn nhớ lại lần trước vào ngày cưới bởi vì bây giờ bạn đã biến thành loại phụ nữ nhơ nhuốc và suy đồi,” Shechter nói. “Chúng ta vẫn hay đùa rằng, ‘Tôi không thể mặc màu trắng trong lễ cưới của mình.’ Tất cả những lời nói đó cho thấy có vật thể tượng trưng cho giá trị, và khi thứ đấy được trao đi hoặc bị lấy mất hay đem bán, thì giá trị này cũng sẽ mất đi. [Sự trinh tiết] giúp bán được nhẫn trinh trắng và màng trinh giả bởi vì việc bị nhận định là không còn giá trị có thể là một bản án tử.” Phụ nữ vẫn còn bị sát hại bởi nhận thức của người khác về trinh tiết của bản thân họ: Năm 2005, một phụ nữ ở Alabama khai với một cảnh sát điều tra rằng bà đã giết đứa con gái 12 tuổi của mình bằng cách đổ thuốc tẩy vào cổ họng của đứa bé bởi vì con gái bà thú nhận con bé đã không còn trinh nữa.

Mặc kệ sự mơ hồ về khái niệm, sự trinh tiết giúp dễ dàng phân loại phụ nữ thành những người đã quan hệ tình dục và những người chưa từng quan hệ tình dục. Và trong những xã hội đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ dựa trên sự trinh nguyên, điều này còn giúp xác định giá trị của họ.

Đôi lúc, chính việc nam giới mong đợi nhìn thấy máu trinh của bạn đời khiến phụ nữ tìm đến những biện pháp thô bạo, gây hại cho sức khỏe: Trong phim Làm thế nào để mất trinh, Shechter tường thuật về những người phụ nữ khâu âm đạo của mình để đảm bảo họ sẽ bị ra máu. Các màng trinh nhân tạo đưa vào trong âm đạo và thuốc nhuộm màu đỏ giả làm máu có thể mua được trên mạng với giá rẻ rề và đang trở nên thịnh hành ở Trung Quốc nhưng cũng gây ra nhiễm trùng. Green kể cô thậm chí còn nghe những người phụ nữ than rằng bạn trai của họ đã có những lời lẽ sỉ nhục khi họ không bị ra máu hoặc không bị đau sau lần quan hệ đầu tiên của hai người. “Mọi người thuật lại với tôi là họ đã cho bạn trai xem video của tôi và giải thích tại sao lại không bị ra máu gì hết,” Green nói. “Thật kỳ quái khi bạn thấy những đứa trẻ này giận dỗi nhau chỉ vì không bị ra máu.”

Bởi vì màng trinh rất khác nhau đối với từng người nên đó không phải là dấu hiệu đáng tin cậy về sự trong trắng – Làm thế nào để mất trinh thậm chí đã nhắc đến một đoạn phim từ những năm 1940 cũng nói về những điều tương tự như vậy – nhưng các ngộ nhận rằng nhìn vào màng trinh là có thể biết một người phụ nữ đã quan hệ tình dục hay chưa có thể cản trở việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ. “Câu hỏi lớn nhất mà chúng tôi thường được hỏi là là ‘Liệu một vị bác sĩ hoặc người bạn trai có thể biết tôi đã từng quan hệ tình dục hay chưa?’ dẫn lời Zeldes. “Nhiều người nghĩ họ có thể, vì vậy mà phụ nữ cảm thấy sợ hãi khi gặp bác sĩ phụ khoa hay đi khám phụ khoa bởi vì họ sợ, một là điều đó có thể khiến họ không còn là trinh nữ, hai là ai đó sẽ có thể biết được họ không còn trinh.”

Nhưng vấn đề mà Blank và Zeldes nêu ra là một trong những hậu quả phổ biến nhất – còn chuyện Green nhắc đến, điều đã thuyết phục cô phải thực hiện video ngay từ đầu – đơn thuần là một nỗi sợ. Các quan niệm sai lệch về trinh tiết đã phủ một cái bóng tiêu cực lên thái độ của giới trẻ về tình dục. Chúng làm mất đi quyền tự chủ về tình dục và cơ thể của họ và cản trở việc đưa ra quyết định sáng suốt. Đồng thời, chúng có thể khiến một trải nghiệm vui vẻ và thú vị trở thành một sự kiện cực kì căng thẳng, vô cùng đáng sợ và gây đau đớn không đáng có.

“Tôi không cho là khi các thanh thiếu niên có quan hệ tình dục thì chuyện đó sẽ phải thật kinh khủng,” Green nói. “Khi bạn nhớ về lần đầu tiên của mình là một khoảnh khắc khiến bạn thấy sợ hãi, tôi nghĩ điều đó thật đáng buồn làm sao.”


  1. Miệt thị phụ nữ (slut shaming): Những hành động chỉ trích và sỉ nhục người khác, nhất là phụ nữ và trẻ em gái, vì cho rằng họ có những hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội về khía cạnh tình dục như ăn mặc gợi cảm, quan hệ tình dục trước hôn nhân, thể hiện ham muốn tình dục,… (https://en.wikipedia.org/wiki/Slut-shaming).

  2. Tự đánh giá ngoại hình cơ thể (body image): Sự tự nhận thức và đánh giá của bản thân về ngoại hình của chính mình. Những cảm nhận này thường chịu tác động từ môi trường sống xung quanh và các chuẩn mực trong xã hội và có thể trở thành vấn đề tiêu cực. (https://en.wikipedia.org/wiki/Body_image).

  3. Kỳ thị phụ nữ (misogyny): Sự miệt thị, khinh thường hay định kiến đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự kỳ thị nữ giới có thể thể hiện qua nhiều cách, bao gồm sự trọng nam khinh nữ, bạo hành với phụ nữ, hay những đặc quyền của nam giới.

  4. Khuynh hướng tiết dục (abstinence/sexual abstinence): Là khuynh hướng kiềm chế hầu hết các nhu cầu về tình dục cho đến khi kết hôn.

  5. Giáo dục giới tính kiểu tiết dục (Abstinence-only education): là hình thức giáo dục giới tính khuyến khích không quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hình thức giáo dục này cũng không hướng dẫn các kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục như cách kiểm soát sinh sản và quan hệ tình dục an toàn mà thường đưa ra những hậu quả tiêu cực của việc quan hệ tình dục để tạo tác động đe dọa. (https://en.wikipedia.org/wiki/Abstinence-only_sex_education).

  6. Học thuyết Nhà chiến lược K (K-Strategist Theory) – còn được gọi là Học thuyết Chọn lọc K (K-Selection Theory): Là một lý thuyết thuộc Học thuyết Chọn lọc r/K (r/K Selection Theory) trong sinh thái học liên quan đến sự chọn lọc thể hiện qua chất lượng và số lượng con non của mỗi loài, được đưa ra bởi nhà sinh thái học Robert MacArthur và E. O. Wilson vào năm 1970. Theo đó, các loài thuộc nhóm Nhà chiến lược K thường có ít con non trong một lần sinh sản nhưng lại dành nhiều sự đầu tư và chăm sóc cho mỗi con non (https://en.wikipedia.org/wiki/R/K_selection_theory).

  7. Đây là một phương pháp kiểm tra trinh tiết đã được Hanne Blank trình bày trong trong bộ phim tài liệu “Làm thế nào để mất trinh” của Therese Shechter.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất