a
§ Tác giả: Gregg Easterbrook | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Minh Nhật | Hiệu đính:  Nguyên
13/02/2017
Biến đổi khí hậu trong thế kỷ tới (và xa hơn nữa) có thể gây ra những hậu quả trầm trọng, lan truyền bệnh dịch, và khơi mào chiến tranh. Nhưng nó cũng có thể là món quà trời cho đối với một số người, công ty, và quốc gia. Đây là một bản hướng dẫn chúng ta cách xoay sở trong một thế giới đang nóng dần. (Phần 2 của bài viết có thể được xem tại đây.)

Các thành phố biển bị ngập, những vùng nông nghiệp khô cằn, các dòng biển bị phá vỡ, bệnh nhiệt đới lan rộng, sông băng (glacier)1tan chảy – một hiệu ứng nhà kính nhân tạo lại có thể gây ra vô số các vấn đề nhức đầu.

Nếu khí hậu trái đất thực sự biến đổi – và như Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (trước đây từng nghi ngờ) phát biểu nào năm 2005 về việc những dấu hiệu của biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở nên đáng lưu tâm – thì một sự gián đoạn kinh tế toàn cầu có thể diễn ra trên diện rộng mà không một sự kiện nào có thể so sánh được ngoại trừ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Biến đổi kinh tế cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện kẻ thắng và người thua. Một số tiền lớn sẽ được tạo ra và mất đi nếu khí hậu toàn cầu thay đổi. Mọi người đều muốn biết về những tác động môi trường gây ra bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu – nhưng hiện tượng này còn có thể ảnh hưởng như thế nào đến sự phân bổ của cải và quyền lực toàn cầu?

Dù nguyên nhân chính bắt nguồn từ tự nhiên hay từ con người thì biến đổi khí hậu vẫn có thể mang đến những lợi ích to lớn cũng như những vấn đề khốc liệt tại các vùng miền khác nhau trên thế giới. Thế giới phần lớn đã nóng lên từ hàng ngàn năm trước khi kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu, và không thể phủ nhận sự nóng lên đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán văn minh nhân loại. Điều đáng lo là địa lý kinh tế của thế giới hiện nay lại được thiết lập dựa trên nền khí hậu đã thịnh hành rộng rãi từ thời Trung cổ – và do đó, biến đổi khí hậu quá nhanh sẽ thúc đẩy những thay đổi lớn trong trật tự vật lý của xã hội. Trong quá khứ, những biến đổi khí hậu nhỏ đã gây ra những tác động to lớn lên nông nghiệp, các tuyến đường giao thương, loại hình sản phẩm cũng như hàng hóa buôn bán. Những thay đổi lớn hơn còn xúc tác cho sự nổi lên và sụp đổ của những xã hội khác nhau. Lấy ví dụ trường hợp của đế chế Maya, nền văn minh này không biến mất “một cách huyền bí” mà rất có khả năng đã lâm vào cảnh suy tàn do hạn hán kéo dài trong hàng thập kỷ, tàn phá nền nông nghiệp và tước đi nguồn nước uống của thành phố. Ngược lại, Thời kỳ Ấm Trung cổ tại châu Âu (Europe’s Medieval Warm Period), kéo dài từ năm 1000 đến 1400, lại là yếu tố cần thiết cho sự nổi lên của các quốc gia Tây Ban Nha, Pháp, và vương quốc Anh: những thế kỷ ôn hòa đó đã cho phép sự gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, dân số, các thành phố, và các trường đại học, lập nên nền tảng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp sau này. Trừ khi lý thuyết về hiệu ứng nhà kính hoàn toàn sai – trong khi khoa học thì ngày càng ủng hộ lý thuyết này – nếu không biến đổi khí hậu thế kỷ 21 đồng nghĩa với việc những biến đổi sâu rộng về kinh tế và xã hội cũng đang diễn ra.

Khi sự biến đổi khí hậu do con người gây ra diễn ra cùng trạng thái bất ổn vốn đã bắt đầu bởi quá trình toàn cầu hóa, chúng ta sẽ chứng kiến những biến động kinh tế ở mức độ chưa từng thấy trong vài thập kỷ tiếp theo, mà ở đó của cải có được và mất đi phụ thuộc nhiều vào môi trường khí hậu cũng như môi trường kinh doanh.

Cho đến nay các cuộc tranh luận về hiệu ứng nhà kính phần lớn được diễn ra dưới những khái niệm trừu tượng – những cuộc tranh cãi về quá khứ xa xôi (không biết các lõi băng 100.000 tuổi ở Greenland2thực sự cho chúng ta biết điều gì về nhiệt độ của thời cổ đại?) được liên kết với những phỏng đoán về thế kỷ 22 dựa trên mô hình máy tính, cùng một vài bộ phim chủ đề thảm họa thi thoảng xuất hiện trên màn ảnh Hollywood. Nhưng sớm thôi, khái niệm trừu tượng và ảo tưởng về hậu tận thế có thể sẽ bị gạt qua một bên bởi những thực tiễn kinh tế và chính trị trong của một thế giới đang nóng dần. Nếu khí hậu toàn cầu tiếp tục biến đổi, nhiều người dân và quốc gia sẽ nhận ra họ đang sở hữu lượng đất đai và tài nguyên có giá trị tăng lên, trong khi số khác sẽ phải trải qua những thiệt hại thảm khốc – và những kẻ thắng người thua này có thể bắt đầu xuất hiện sớm hơn bạn tưởng tượng. Khi sự biến đổi khí hậu do con người gây ra diễn ra cùng trạng thái bất ổn vốn đã bắt đầu bởi quá trình toàn cầu hóa, chúng ta sẽ chứng kiến những biến động kinh tế ở mức độ chưa từng thấy trong vài thập kỷ tiếp theo, mà ở đó của cải có được và mất đi phụ thuộc nhiều vào môi trường khí hậu cũng như môi trường kinh doanh.

Có lẽ hơi kỳ quặc khi hỏi rằng, Tôi sẽ được gì từ hiện tượng nóng lên toàn cầu? Tuy nhiên đây không phải là một câu hỏi ngốc nghếch hay cách nói khôi hài. Những cách thức mà biến đổi khí hậu có thể làm lệch đi sự phân phối của cải thế giới sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về những rối loạn sâu sắc mà hiệu ứng nhà kính có thể gây ra cho cuộc sống chúng ta. Thêm nữa, một số tác động lâu dài của biến đổi khí hậu có khả năng không đến từ bản thân sự nóng lên mà từ cách chúng ta phản ứng: Nếu thế giới nóng lên thấy rõ thì cánh đàn ông và giới phụ nữ sẽ không ngồi yên, ăn kẹo, và đọc các bản báo cáo thời tiết nữa; thay vào đó sẽ là những gì mà các nhà kinh tế gọi là “ứng phó thích nghi,” một giải pháp có khả năng nhất. Một số khía cạnh của sự ứng phó này có thể kích động những căng thẳng giữa kẻ thắng và người thua. Cách con người, nền kinh tế toàn cầu, và cơ cấu quyền lực quốc tế thích nghi với biến đổi khí hậu có thể chi phối cách chúng ta sống trong nhiều thế hệ. Nếu thế giới nóng lên, ai sẽ thắng? Ai sẽ thua? Và bạn sẽ được gì từ đó?

ĐẤT ĐAI

Giá trị bất động sản dự kiến được kỳ vọng sẽ tăng giá trị một cách đều đều trong suốt thế kỷ 21, dựa trên sự gia tăng dân số và thịnh vượng toàn cầu. Cung ứng đất đai là cố định, và nếu lượng cung ứng của một thứ gì đó giữ nguyên trong khi nhu cầu lại tăng lên thì giá trị của chúng sẽ được nâng lên một cách tự động. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi biến đổi khí hậu không gia tăng lượng đất đai cung ứng bằng cách làm ấm những khu vực băng giá hiện nay và đẩy những khu đất đang sốt giá vào biến động dữ dội. Ví dụ như quê nhà tôi ở Buffalo, New York hiện nay đang thất sủng đến mức một số ngôi nhà trang nghiêm theo trường phái kiến trúc Beaux-Arts, được xây dựng vào thời kỳ vàng son (Gilded Age) nhìn ra một công viên thiết kế bởi Frederick Law Olmsted lại được bán với giá chỉ gần bằng một căn hộ một phòng ngủ tại Boston hoặc San Francisco. Nếu thế giới đang nóng dần có thể giúp khu vực này ít lạnh và tuyết hơn thì Buffalo có thể sẽ trở thành một địa điểm ao ước của cả nước.

Sơ đồ vị trí tương đối của Hoa Kỳ cùng các bang so với đường xích đạo. Nguồn: Google Maps.

Cùng lúc đó, hai bang Arizona và Nevada, nơi thị trường tăng trưởng đang rực rỡ hiện nay, lại có thể trở nên nóng đến mức không thể chịu được và chứng kiến sự sụp đổ của thị trường bất động sản. Nếu mực nước biển dâng lên, sự tăng trưởng nhanh chóng của Florida có thể bị nhấn chìm bởi chính sự gia tăng của mực nước ngầm vốn dĩ đã cao một cách nguy hiểm. Còn Houston có thể suy tàn và trở nên khắc nghiệt do độ ẩm mùa hè tồi tệ hơn, trong khi vùng đồng quê Laurentide Mountains ở phía bắc Montreal nếu ấm lên chút ít lại có thể biến hình thành một Poconos3mới.

Đây chỉ là một vài trong hằng sa số những trường hợp có thể xảy ra. Biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều vấn đề cho giá trị bất động sản trên toàn thế giới, khiến của cải tại vùng vĩ độ thấp sụp đổ hoàn toàn trong khi vùng vĩ độ cao lại trở thành vành đai Mặt Trời vào giữa thế kỷ 21.

Những thay đổi cấp địa phương về nhu cầu nhà ở chỉ là vấn đề nhỏ. Để xem xét bức tranh lớn, ta cần phải khảo sát hành tinh dựa trên bản đồ Mercator4, và quan sát các vùng rộng lớn trải dài từ xích đạo đến hai cực Trái Đất. (Một vài mô hình máy tính cho rằng sự ấm lên sẽ biến đổi khác nhau theo từng vùng; còn đối với các mục tiêu của bài báo này, chỉ cần nói tất cả những dự báo về hiệu ứng nhà kính nhân tạo đều vô cùng không chắc chắn là đủ.) Các khu vực vùng xích đạo và vĩ độ thấp trên thế giới có lẽ sẽ nóng hơn và trở thành những nơi cư trú ít được săn đón hơn, cũng như ít giá trị về mặt kinh tế hơn; chỉ có một vài ngoại lệ là những khu vực thuộc các quốc gia đang phát triển, nơi vốn dĩ đã có mức sống thấp.

Vậy khu vực nào ở vùng vĩ độ cao sẽ trở nên giá trị hơn trong một thế giới đang nóng dần lên? Nhờ vào sự ngẫu nhiên của địa lý, ngoại trừ châu Nam cực ra thì gần như tất cả các vùng đất có vĩ độ cao đều nằm tại Bắc bán cầu, với các châu lục trải dài từ Tây sang Đông. Chỉ một phần tương đối nhỏ của Nam Mỹ có hình dáng thu hẹp dần về phía Nam là thuộc khu vực vĩ độ cao, còn châu Phi và châu Úc đều không phải. (Khoảng cách từ xích đạo đến Cape Town (Nam Phi) xấp xỉ từ xích đạo đến Cape Hatteras (thuộc tiểu bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ) ; tương tự đối với Melbourne (thủ phủ bang Victoria, Úc) và Manhattan (một quận của thành phố New York.) Cụ thể hơn, gần như tất cả lợi ích giá trị đất đai tăng lên nhờ hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể tập trung vào Alaska, Canada, Greenland, Nga, và vùng Scandinavia5.

Bản đồ thế giới vẽ bởi Didier Robert de Vaugondy (1723–1786) theo phép chiếu Mercator. Nguồn: Wikimedia.

Việc này dẫn đến một khả năng là hiệu ứng nhà kính nhân tạo có thể đe dọa những quốc gia vốn đã phải chịu sức ép lớn và mang lại lợi ích cho những quốc gia vốn đã giàu có. Nhiệt độ Alaska nếu chuyển thành ôn hòa có thể khiến những nhà bảo tồn phải điên đầu, nhưng cũng đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển cho một khu vực rộng gấp hai lần Texas. Nhiệt độ thế giới gia tăng cũng có thể khiến hàng thế hệ ở Indonesia, Mexico, Nigeria, và những quốc gia nằm ở vĩ độ thấp khác sống trong nghèo khổ, trong khi đó lại mang đến cho Canada, Greenland, và Scandinavia một cuộc bùng nổ kinh tế đồ sộ. Nhiều người dân Greenland đã và đang ủng hộ sự rút đi của các sông băng, vì sự tan chảy này làm cho hòn đảo rộng lớn của họ có giá trị hơn nhiều. Nhật báo phố Wall tháng 7/2006 báo cáo rằng mùa canh tác tại một phần của Greenland đã kéo dài hơn 2 tuần so với những năm 1970.

Và nước Nga! Nhiều thế hệ các nhà thơ đã than khóc cho nơi này vì bị nguyền rủa bởi Siberia khổng lồ, khắc nghiệt, và mang điềm gở. Điều gì sẽ xảy ra nếu thay thế khu vực trên bằng một Siberia khổng lồ, ôn hòa, và lôi cuốn? Biến đổi khí hậu có thể giúp nước Nga sở hữu một vùng đất mới hoang sơ, có tiềm năng khai thác rộng lớn nhất kể từ lần đầu tiên những chiếc thuyền buồm của châu Âu do thám bờ biển của một nơi mà sau này được gọi là Bắc Mỹ. Những lớp tuyết của Siberia bao phủ vùng đất chưa bao giờ bị xói mòn bởi nông nghiệp có kiểm soát. Hơn thế nữa, bên dưới lớp tuyết ở Siberia có thể là lớp địa chất chứa đựng những mỏ nhiên liệu hóa thạch rộng lớn và các nguồn khoáng sản. Khi xem xét việc thông qua Hiệp định thư Kyoto về điều chỉnh khí nhà kính, chính quyền Mát-xcơ-va đã rất chậm chạp, dù hiệp ước tuyên bố sẽ cung cấp cho người dân Nga những hỗ trợ rộng rãi. Tại sao lại như vậy? Có lẽ vì một thế giới đang nóng lên sẽ có lợi cho Nga hơn: Những lợi ích Nga có được từ sự nóng lên có thể còn lớn hơn tất cả những quốc gia khác cộng lại.

Tất nhiên, người ta có thể phản bác lại rằng những chính khách hiếm khi nghĩ quá nhiều – theo cách này hay cách khác – về những hành động mà giá trị của chúng chỉ trở nên rõ ràng sau khi họ không còn tại vị, và vì thế, có lẽ Mát-xcơ-va cũng không có một chiến lược lớn nào để khiến thế giới nóng lên vì lợi ích của họ. Tuy nhiên, dù cho nguyên nhân có bắt nguồn từ chiến lược hay chỉ là tình cờ, thì một thế giới nóng hơn có lẽ sẽ được Mát-xcơ-va yêu thích hơn. Và mất bao lâu nữa những quốc gia ở vĩ độ cao mới nhận ra sự nóng lên toàn cầu có thể mang lại lợi ích cho họ? Trong những năm gần đây, Canada đã gia tăng lượng phát thải khí nhà kính nhanh hơn so với phần lớn những quốc gia giàu có khác. Có thể đó là kết quả từ sự thịnh vượng và phát triển trong lĩnh vực dầu khí – hoặc cũng có thể người Canada mưu mẹo đã có một kế hoạch xuất sắc cho việc bành trướng ra những khu vực hiện nay chưa có người sinh sống của họ.

Vào giữa thế kỷ 21, một cán cân quyền lực mới giữa cặp đôi siêu cường quốc Nga và Mỹ có thể lại một lần nữa xuất hiện trên thế giới – chỉ khác lần này sẽ là Chiến tranh “nóng” thay vì Chiến tranh Lạnh như trước đây.

Tuy nhiên, sự nóng lên toàn cầu còn có thể làm được nhiều thứ hơn là chỉ mở rộng những vùng đất mới. Nhiệt độ trung bình đang tăng lên, nhưng chúng tăng lên vào lúc nào? Ban ngày? Ban đêm? Mùa đông? Mùa hè? Một mối lo về biến đổi khí hậu do con người tạo ra là sự nóng lên toàn cầu có thể tăng cao những đỉnh nhiệt chiều hè (summer-afternoon highs6) khiến cây trồng bị phá hủy và gây sụt áp hệ thống điện. Thay vì vậy, cho đến nay thì một phần tương đối của việc nóng lên – đặc biệt là ở vùng Bắc Mỹ – đã xảy ra vào buổi đêm và tăng những điểm nhiệt thấp vào mùa đông. Sự nâng lên của các điểm nhiệt thấp giúp giảm thiểu sự khắc nghiệt của mùa đông tại miền Bắc và tiết chế nhu cầu điện năng. Ít băng giá hơn cũng giúp kéo dài mùa gieo trồng, nâng cao sản lượng nông nghiệp. Ở Bắc Mỹ, mùa xuân chưa bao giờ đến sớm như hiện nay – trong những năm gần đây, cây cối tại Washington, D.C. ra hoa trung bình sớm hơn gần một tuần so với một thế hệ trước. Mọi người có thể rùng mình vì những điều này, nhưng mùa xuân sớm hơn và mùa đông ấm hơn có thể mang về giá trị kinh tế cho nông nghiệp – và nên nhắc phòng khi chúng ta quên mất, là mọi xã hội hiện đại, bao gồm cả Hoa Kỳ, đều khởi đầu từ nông nghiệp.

Nếu tác động đầu tiên của một thế giới nóng dần do con người gây ra là làm cho đất đai ở Canada, Greenland, Nga, Scandinavia, và Hoa Kỳ trở nên giá trị hơn, thì nó cũng có thể có ba tác động mạnh mẽ đến tình hình toàn cầu trong thế kỷ 21.

Đầu tiên, như nhiều nhà bình luận đã dự đoán, những xã hội có đặc quyền về mặt lịch sử ở phía Bắc có thể sẽ không suy chuyển về địa chính trị. Quả thực, thời đại huy hoàng của quyền lực phía Bắc7có thể đang chờ đợi trong tương lai nếu khí hậu trái đất đang đứng trước ngưỡng cửa ban tặng đặc ân cho những khu vực đó. Nếu hóa ra việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch một cách liều lĩnh của các quốc gia phía Bắc đã châm ngòi cho sự biến đối khí hậu giúp củng cố vị trí quốc tế của họ, thì nhiều nhà văn tiểu luận tương lai sẽ có đất diễn. Nhưng viễn cảnh này thực sự nghiêm trọng. Vào giữa thế kỷ 21, một cán cân quyền lực mới giữa cặp đôi siêu cường quốc Nga và Mỹ có thể lại một lần nữa xuất hiện trên thế giới – chỉ khác lần này sẽ là Chiến tranh “nóng” thay vì Chiến tranh Lạnh như trước đây.

Thứ hai, nếu những quốc gia phía Bắc nhận ra biến đổi khí hậu giúp họ trở nên giàu có hơn thì công cuộc tìm kiếm công bằng trên thế giới sẽ bị đẩy lùi cả một đoạn dài. Bất chấp quan niệm sai lầm phổ biến, nền kinh tế toàn cầu hóa đã tạo ra một tác động tích cực trong việc gia tăng sự công bằng. Như nhà kinh tế học người Ấn Độ, Surjit Bhalla, từng chỉ ra, các quốc gia đang phát triển đóng góp 29% thu nhập toàn cầu vào năm 1950; vào năm 2000 con số này đã tăng lên 42% trong khi đóng góp về dân số gia tăng với một tỷ lệ nhỏ hơn. Nếu tất cả những yếu tố khác giữ nguyên, chúng ta có thể trông chờ sự tiếp diễn của toàn cầu hóa kinh tế sẽ giúp phân bổ sự giàu có rộng rãi hơn. Nhưng nếu biến đổi khí hậu gia tăng giá trị đất đai và tài nguyên phía Bắc, trong khi khiến các quốc gia gần xích đạo trở nên nóng hơn và bị thiệt hại bởi những cơn bão và hạn hán, thì hẳn mọi việc sẽ không còn như dự đoán nữa.

Điều này đưa chúng ta đến mối quan tâm lớn thứ ba: Nếu biến đổi khí hậu khiến các quốc gia đang phát triển bị suy yếu, và điều kiện xã hội của họ trở nên xấu hơn, thì nhiều triệu người thất nghiệp hoặc người tị nạn đói khổ sẽ có thể tiến đến biên giới những vùng được ban phước ở phía Bắc. Nếu chính bản thân Trái Đất trở mặt với những quốc gia nghèo, trừng phạt họ bằng sức nóng và bão, thì làm thế nào Hoa Kỳ lại có thể từ chối viện trợ cho những người tị nạn một cách có đạo đức đây?

Sự thay đổi giá trị tương đối của những địa điểm và tài nguyên thường dẫn đến chiến tranh, và ta hoàn toàn có thể tưởng tượng được rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến các quốc gia thèm muốn lãnh thổ của những quốc gia khác. Sự thèm muốn này có khả năng diễn ra theo phương Bắc – Nam và trên – dưới. Bắc – Nam? Giả sử biến đổi khí hậu làm Brazil trở nên khó sống hơn trong khi mang một sự ôn hòa dễ chịu xuống những cánh đồng hoang rộng lớn và màu mỡ của Argentina ở phía Nam Brazil. São Paulo vốn đã là một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Thì liệu một Brazil quá nóng và tuyệt vọng vào năm 2037 – một dân số đang bùng nổ – có tấn công Argentina vì một vùng đất mát mẻ và hấp dẫn hơn không? Giờ hãy cùng xem xét viễn cảnh trên – dưới: khao khát rời khỏi những khu vực hiện đang nằm thấp hơn. Đây là một ví dụ: Từ lúc giải phóng vào năm 1947, Pakistan đã nhúng tay vào những vấn đề nội bộ của Afghanistan. Ngày nay người Mỹ nhìn nhận vấn đề này chỉ tập trung vào Taliban và al-Qaeda, nhưng trên quan điểm của Islamabad (thủ đô Pakistan), mục tiêu luôn là giữ Afghanistan làm một nơi phòng bị để rút quân trong trường hợp Pakistan thua cuộc trong trận chiến với Ấn Độ. Nếu khí hậu nóng lên, khiến cho phần lớn Pakistan trở nên không thể sinh sống được với người dân thì chuyện gì sẽ xảy ra? (Ở Punjab, nhiệt độ đạt trên 100 độ F (khoảng trên 37,7 độ C) là chuyện bình thường). Những cao nguyên Afghanistan, vốn khô và đầy đá, có thể sẽ trở thành một nơi ôn hòa dễ chịu với người Pakisstan khi đất nước họ nóng lên, và người dân Afghanistan lúc đó có thể sẽ thấy một đội quân nữa đối đầu với họ.

Pakistan and Afghanistan Map.jpg
Bản đồ vị trí tương đối của Pakistan và Afghanistan. Nguồn: Wikimedia.

Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến chiếm đoạt đất đai trên phạm vi toàn cầu. Ngày nay, Greenland phần lớn là một quốc gia tự trị của Đan Mạch mà thế giới để yên vì không một nước nào nào thèm muốn mở rộng lãnh thổ đến vùng đất lạnh giá này. Nhưng nếu Trái đất nóng lên, Copenhagen có thể sẽ khẳng định quyền thực thi pháp lý lớn hơn trên khắp Greenland, hoặc những chính quyền quyền lực hơn có thể âm mưu chiếm đoạt lục địa còi cọc có diện tích xấp xỉ 3 lần bang Texas này. Châu Nam Cực hiện nay đang nằm dưới sự quản lý quốc tế, và sự dàn xếp này được đồng thuận bởi hầu hết các quốc gia vì lục địa này không có giá trị nào khác ngoài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nếu thế giới nóng lên trong một khoảng thời gian dài – sẽ có thể mất hàng thế kỷ để làm tan chảy hoàn toàn băng ở Nam cực – thì những toan tính quốc tế để thâu tóm hoặc xâm chiếm châu Nam Cực sẽ trở nên khốc liệt. Một số nhà địa chất tin rằng có một trữ lượng dầu mỏ lớn đang nằm dưới lớp vỏ Nam Cực: Trong những kỷ nguyên trước, cực nam đã được bao phủ bởi thảm thực vật rậm rạp và có những điều kiện phù hợp cho việc hình thành nhiên liệu hóa thạch.

Người Inuit tin rằng họ đã được yên ổn tại một nơi trên bán cầu Bắc mà những hậu duệ từ châu Âu sẽ không bao giờ muốn chiếm nữa. Nhưng có thể họ đã lầm.

Và mặc dù từ đầu đến giờ tôi đã nói Canada sẽ trở nên giá trị hơn trong một thế giới đang nóng dần, thì thực ra ý tôi là Canada và Nunavut8. Trong nhiều thế kỷ, người Châu Âu đã đẩy những dân tộc bản địa xa dần về phía Bắc Canada. Năm 1993, Canada đồng ý công nhận độc lập ở một mức độ nào đó cho những dân cư Nunavut (mà chủ yếu là người Inuit), và sau đó vùng đất vừa rộng lớn vừa lạnh lẽo ở phía Đông Bắc của quốc gia này đã chủ yếu là một lãnh thổ tự trị từ năm 1999. Người Inuit tin rằng họ đã được yên ổn tại một nơi trên bán cầu Bắc mà những hậu duệ từ châu Âu sẽ không bao giờ muốn chiếm nữa. Nhưng có thể họ đã lầm.

Canada geopolitical map trim.jpg
Bản đồ vị trí Nunavut. Nguồn: Wikimedia.

Với những nhà đầu tư, việc tìm kiếm vùng đất hấp dẫn để mua và giữ lại trong bối cảnh một thế giới đang nóng dần phải đối mặt với đầy rẫy những khó khăn, đặc biệt là khi xét đến các nước khác. Lấy ví dụ, nếu xem xét các mảnh đất trên vùng đồng hoang Nam Mỹ thì liệu một nhà đầu tư nên đàm phán với những chủ nhân Argentina hiện tại hay những chủ nhân Brazil tương lai? Có lẽ một lộ trình an toàn hơn là đi ngược lại với xu thế, tập trung vào tính khả thi của việc sụt giảm giá trị đất đai tại những nơi con người có thể rời đi. Nếu những quy định khắt khe về carbon dioxide được ban hành, các tập đoàn sẽ đi mua những “phương án giảm thiểu,”9gồm những dự án hấp thu carbon dioxide. Trồng cây là một phương án giảm thiểu khí nhà kính tiềm năng, có thể thực hiện với chi phí tương đối thấp tại các quốc gia đang phát triển, thậm chí tại những vùng đất con người không còn muốn ở nữa. Nếu bạn muốn nhảy vào ngành kinh doanh phương án giảm thiểu khí nhà kính thì thứ bạn có thể trồng là các cây thuộc chi Keo dậu, những loài phát triển rất nhanh, phù hợp với vùng nhiệt đới, và có thể chuyển hóa carbon dioxide nhanh hơn hầu hết các loài cây khác. Nhưng bạn sẽ muốn sở hữu đất đai để kiểm soát việc buôn bán các khoản tín dụng. Hãy xem xét tính khả thi của một chuỗi các sự kiện sau đây: Đầu tiên, biến đổi khí hậu làm cho một số bộ phận của các quốc gia đang phát triển thậm chí còn khó sống hơn cả hiện nay; sau đó, những người tị nạn phải tháo chạy khỏi những khu vực này; cuối cùng, đất đai sẽ bị thâu tóm với giá bán trên trang Filene’s Basement10 – và được dùng để trồng các loài cây Keo dậu.


  1. “Sông băng” hay “băng hà” là một khối băng lâu năm (có tỷ trọng thấp hơn băng thường), di chuyển liên tục nhờ trọng lượng của chính nó.

  2. Greenland là một quốc gia tự trị thuộc vương quốc Đan Mạch nằm phía Đông Bắc của lục địa Bắc Mỹ, với khoảng 81% diện tích bị băng bao phủ. Thông tin chi tiết về Greenland có thể được xem thêm tại đây.

  3. Poconos hay dãy núi Pocono là một vùng địa lý, địa chất và văn hóa nằm ở Đông Bắc tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Đây cũng là một điểm tham quan nổi tiếng đối với người dân địa phương và du khách nước ngoài. Xem thêm thông tin chi tiết về Poconos tại đây.

  4. Bản đồ Mercator được xây dựng dựa trên phép chiếu Mercator do nhà bản đồ và toán học Hà Lan Gerardus Mercator sáng tạo ra vào thế kỷ 16, cho phép chiếu bề mặt hình cầu lên mặt phẳng.
    Phép chiếu Mercator là phép chiếu bản đồ đẳng góc, nghĩa là nó giúp giữ góc và các hướng bản đồ như cũ nhưng kích thước thì thay đổi.
    Theo đó, bản đồ xây dựng dựa theo phép chiếu Mercator sẽ có các đường kinh tuyến song song với nhau. Xem thêm thông tin chi tiết về bản đồ Mercator tại đây.

  5. Scandinavia là một khái niệm chỉ một phần hay toàn bộ vùng Bắc Âu, trong đó luôn bao gồm 3 quốc gia chính là Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển. Thông tin chi tiết về Scandinavia có thể được xem thêm tại đây.

  6. Các thời điểm có nhiệt độ cao nhất trong năm, xuất hiện vào những buổi chiều mùa hạ.

  7. Việc phân chia các khu vực Bắc – Nam trên phạm vi toàn cầu ngoài dựa trên địa lý còn dựa trên cả kinh tế – xã hội và chính trị. Theo cách phân chia này, khu vực phía Bắc bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Tây Âu, những quốc gia phát triển ở châu Á, Úc và New Zealand. Còn khu vực phía Nam là Châu Phi, Mỹ Latin, các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, và Trung Đông. Độc giả quan tâm có thể xem thêm chi tiết tại đây.

  8. Nunavut là vùng lãnh thổ lớn nhất và mới nhất của Canada, chính thức tách ra khỏi các vùng lãnh thổ Tây Bắc (Northwest Territories) vào ngày 1 tháng 4 năm 1999 theo Đạo luật Nunavut và Đạo luật Thỏa thuận Yêu sách đất Nunavut. Tuy vậy biên giới của vùng lãnh thổ này được định ra vào năm 1993. Thông tin chi tiết về Nunavut có thể được xem thêm tại đây.

  9. Trong văn bản gốc là “offset”, có nghĩa là “sự đền bù”.

    Sự đền bù carbon (carbon offset) được hiểu đơn giản là khi một cá nhân hay tổ chức nào đó triển khai một dự án như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả hoặc tái sinh rừng, và họ chỉ ra được rằng dự án của mình đã giảm phát thải một cách hiệu quả, như vậy họ đã tạo ra các tín chỉ carbon (carbon credit). Sau đó các tín chỉ carbon này sẽ được bán cho các chính phủ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu giảm thiểu phát thải của họ. Thông tin chi tiết về “carbon offset” có thể được xem thêm tại đây.

  10. Filene’s Basement hay còn gọi là The Basement là chuỗi cửa hàng bán lẻ giá thấp lâu đời nhất tại Hoa Kỳ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất