Bất bình đẳng đã có từ thời kỳ Đồ đá. Ba mươi nghìn năm trước, những nhóm người săn bắt-hái lượm ở Nga đã chôn cất một số thành viên của nhóm mình trong các ngôi mộ xa hoa chứa đầy hàng ngàn vòng hạt, dây chuyền làm từ ngà voi, trang sức, đồ mỹ nghệ, trong khi các thành viên khác chỉ được chôn dưới những cái hố trống không.
Tuy nhiên, những nhóm săn bắt-hái lượm thời cổ đại vẫn là những người theo chủ nghĩa quân bình nhiều hơn bất cứ một xã hội loài người nào sau này, bởi vì họ có rất ít tài sản. Tài sản là điều kiện tiên quyết cho sự bất bình đẳng kéo dài.
Theo sau cuộc cách mạng nông nghiệp, tài sản được nhân lên và cùng với đó là sự bất bình đẳng. Khi con người có được quyền sở hữu đất đai, gia súc, đồn điền và công cụ, các xã hội đẳng cấp cứng nhắc được hình thành, trong xã hội ấy nhóm nhỏ thuộc thành phần tinh hoa chiếm lĩnh phần lớn tài sản và quyền lực từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Với việc một vài nhóm người gia tăng chiếm lĩnh thành quả mà toàn cầu hóa tạo ra, thì hàng tỉ người đang bị bỏ lại ở phía sau.
Con người chấp nhận sự sắp xếp này như thể đây là điều tự nhiên và thậm chí còn xem đây là sự chỉ định của thần thánh. Hệ thống thứ bậc không chỉ được xem là bình thường, mà còn được coi là lý tưởng. Làm sao có được trật tự xã hội nếu như không có các thứ bậc rõ ràng giữa giới quý tộc và giới bình dân, giữa đàn ông và đàn bà, hay giữa cha mẹ và con cái?
Các mục sư, triết gia và nhà thơ trên khắp thế giới đã giải thích điều này một cách nhẫn nại, rằng cũng như trong cơ thể người không phải bộ phận nào cũng quan trọng ngang nhau – cái chân phải nghe lệnh cái đầu – và cũng giống như vậy trong xã hội loài người, bình đẳng sẽ chẳng đem lại được điều gì ngoài sự hỗn loạn.
Tuy nhiên trong cuối thời kỳ cận đại, sự bình đẳng nhanh chóng trở thành giá trị được ưu tiên hàng đầu hầu như ở khắp mọi nơi trong xã hội loài người. Điều này có thể lý giải một phần là do sự nổi lên của những hệ tư tưởng mới như chủ nghĩa nhân đạo, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều này cũng đến từ cuộc cách mạng công nghiệp, một sự kiện đã làm cho đám đông xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nền kinh tế công nghiệp dựa vào phần lớn công nhân phổ thông, trong khi đó quân đội thời kì này [thời kỳ cách mạng công nghiệp] phụ thuộc vào số đông binh lính mới nhập ngũ. Nhà nước trong cả hai chế độ dân chủ và độc tài đều đầu tư rất nhiều vào y tế, giáo dục, và phúc lợi cho phần đông dân chúng, vì họ cần hàng triệu công nhân khỏe mạnh để làm việc trong nhà máy, và hàng triệu binh lính trung thành để phục vụ trong quân đội.
Do đó, lịch sử của thế kỷ 20 phần lớn xoay quanh việc thu hẹp bất bình đẳng giữa các tầng lớp, các sắc tộc và giữa các giới. Thế giới của năm 2000 là một nơi bình đẳng hơn rất nhiều so với thế giới của năm 1900. Với sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh, mọi người trở nên lạc quan hơn, và kỳ vọng rằng quá trình này [thu hẹp bất bình đẳng] sẽ được duy trì và gia tăng nhanh hơn nữa trong thế kỷ 21.
Cụ thể, họ kỳ vọng toàn cầu hóa sẽ làm lan tỏa sự thịnh vượng kinh tế và tự do dân chủ khắp thế giới, và với kết quả đó, người dân ở Ấn Độ và Ai Cập cuối cùng cũng sẽ được hưởng cùng các quyền, các lợi ích và cơ hội như người dân ở Thụy Điển và Canada. Cả một thế hệ đã lớn lên cùng với lời hứa hẹn này.
Và giờ dường như lời hứa hẹn này chỉ là một sự dối trá.
Toàn cầu hóa chắc chắn đã đem lại lợi ích cho phần lớn nhân loại, nhưng có những dấu hiệu của sự gia tăng bất bình đẳng cả ở giữa và bên trong các xã hội. Với việc một vài nhóm người gia tăng chiếm lĩnh thành quả mà toàn cầu hóa tạo ra, thì hàng tỉ người đang bị bỏ lại ở phía sau.
Một điều còn đáng lo ngại hơn, đó là từ khi thế giới bước sang giai đoạn hậu-công nghiệp, phần đông dân số bắt đầu trở nên dư thừa. Quân đội tốt nhất không còn phụ thuộc vào hàng triệu tân binh nữa, mà thay vào đó họ dựa vào một số ít binh lính chuyên nghiệp sử dụng thiết bị công nghệ cao và máy bay không người lái, robot và sâu mạng (cyberworms). Ngay từ lúc này, đa số binh lính trong quân đội đều là vô dụng.
Điều tương tự rồi cũng sẽ sớm xảy ra trong nền kinh tế. Khi trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện tốt hơn con người ở nhiều kĩ năng, thì chúng cũng sẽ thay thế con người ở nhiều công việc hơn. Đúng là nhiều nghề nghiệp mới sẽ xuất hiện, nhưng điều này cũng sẽ không giải quyết được vấn đề.
Con người về cơ bản có hai loại kỹ năng – lao động thể chất và nhận thức – và nếu như máy tính làm tốt hơn chúng ta ở cả hai, thì nó cũng có thể làm tốt hơn chúng ta ở những công việc mới như đã từng làm ở các công việc cũ. Do đó, hàng tỉ người có thể rơi vào cảnh thất nghiệp, và chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của một tầng lớp mới chiếm số đông trong xã hội: tầng lớp vô dụng.
Đây là một trong những lý do tại sao xã hội loài người ở thế kỷ 21 có thể trở thành xã hội bất bình đẳng nhất trong lịch sử. Và còn có các lý do khác nữa để lo lắng cho một tương lai như vậy.
Con cháu của các trùm tư bản ở thung lũng Sillicon có thể trở thành tầng lớp thượng đẳng về mặt sinh học.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học và kỹ thuật y sinh, chúng ta có thể đạt tới một cột mốc, nơi mà lần đầu tiên trong lịch sử, có thể chuyển đổi bất bình đẳng kinh tế sang bất bình đẳng sinh học. Để làm tăng khả năng lao động thể chất và nhận thức của chúng ta, công nghệ sinh học sẽ sớm biến việc thiết kế cơ thể và bộ não người thành điều khả thi. Tuy nhiên, những phương pháp này có lẽ sẽ rất tốn kém, và chỉ được cung cấp cho giới thượng lưu trong xã hội. Loài người cuối cùng có thể bị chia ra thành các tầng lớp với khả năng sinh học khác nhau.
Xuyên suốt lịch sử, vì được nắm giữ quyền hành, nên giới giàu có và giới quý tộc luôn nghĩ rằng mình có khả năng hơn người. Theo những gì chúng ta biết ngày hôm nay thì điều này không đúng. Một tên công tước bình thường cũng không tài năng hơn một người dân bình thường: tên công tước có được địa vị của mình là nhờ vào những điều luật bất công và sự phân biệt kinh tế1. Tuy nhiên, vào năm 2100, giới nhà giàu có lẽ sẽ thực sự trở nên tài năng hơn, sáng tạo hơn và thông minh hơn những người ở khu ổ chuột. Một khi khoảng cách về năng lực được mở ra giữa người giàu và người nghèo, việc đóng nó lại sẽ là điều không thể.
Cả hai quá trình này – kỹ thuật y sinh cùng sự phát triển của AI – có thể dẫn đến sự chia cắt toàn nhân loại thành một bên là tầng lớp nhỏ của những người siêu việt, và bên còn lại chiếm phần đông xã hội là tầng lớp hạ đẳng của những người “vô dụng.”
Sau đây là một ví dụ cụ thể: thị trường giao thông vận tải. Ngày nay có hàng ngàn tài xế xe tải, xe taxi và xe buýt làm việc ở Liên hiệp Anh. Mỗi người trong số họ điều khiển một phần nhỏ sự vận chuyển trong thị trường vận tải, và họ có được quyền lực chính trị cũng nhờ vào điều này. Họ có thể hợp thành công đoàn, và nếu chính phủ làm điều gì đó họ không thích, họ sẽ đình công và làm tê liệt toàn bộ hệ thống giao thông.
Giờ hãy tưởng tượng viễn cảnh của 30 năm sau. Tất cả các phương tiện giao thông đều được lái tự động. Một tập đoàn kiểm soát thuật toán điều khiển toàn bộ hệ thống giao thông vận tải. Tất cả quyền lực kinh tế và chính trị được chia sẻ bởi hàng nghìn người giờ chỉ nằm trong tay của một tập đoàn, được sở hữu bởi một nhóm các tỷ phú.
Một khi phần đông dân số mất đi giá trị kinh tế và quyền lực chính trị của mình, chính quyền sẽ không còn động lực để đầu tư vào sức khỏe, giáo dục và phúc lợi cho họ nữa. Rất nguy hiểm khi trở thành người dư thừa. Tương lai của bạn phụ thuộc vào lòng tốt của một nhóm nhỏ tinh hoa. Có thể lòng tốt này chỉ kéo dài được vài chục năm. Nhưng vào lúc gặp khủng hoảng – như thiên tai chẳng hạn – thì rất dễ dàng và cám dỗ để đẩy bạn ra khỏi thuyền.
Ở những quốc gia như Liên hiệp Anh, với truyền thống lâu đời của tinh thần nhân văn và việc chính quyền cung cấp phúc lợi cho người dân, có lẽ nhóm người tinh hoa sẽ tiếp tục chăm sóc phần lớn dân số kể cả khi họ không thật sự cần đến đám đông này. Vấn đề thực sự sẽ nằm ở những quốc gia rộng lớn đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil.
Rất nguy hiểm khi trở thành người dư thừa. Tương lai của bạn phụ thuộc vào lòng tốt của một nhóm nhỏ tinh hoa.
Những quốc gia này giống như một đoàn tàu dài: nhóm tinh hoa ngồi ở toa hạng nhất tận hưởng dịch vụ y tế, giáo dục và thu nhập ở mức ngang với những quốc gia giàu nhất thế giới. Còn hàng trăm triệu người dân thường thì chen chúc ở toa giá rẻ chịu đựng các bệnh truyền nhiễm, sự thiếu hiểu biết và nghèo đói.
Giới tinh hoa của Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Brazil sẽ làm gì trong thế kỷ tới? Đầu tư vào giải quyết vấn đề của hàng trăm triệu người nghèo không có giá trị – hay đầu tư để nâng cấp cho vài triệu người giàu?
Ở thế kỉ 20, nhóm tinh hoa có lý do để giải quyết vấn đề cho người nghèo, vì người nghèo có vai trò thiết yếu cho quân đội và cho mục đích kinh tế. Tuy nhiên trong thế kỉ 21, chiến lược hiệu quả (và cũng tàn nhẫn) nhất là bỏ đi toa giá rẻ vô dụng, và lao nhanh về phía trước cùng với toa hạng nhất. Để cạnh tranh với Hàn Quốc, Brazil có lẽ chỉ cần một nhóm nhỏ gồm những người siêu việt được nâng cấp hơn là cần trăm triệu người lao động khỏe mạnh nhưng vô dụng.
Do đó, toàn cầu hóa thay vì mang lại sự thịnh vượng và tự do cho mọi người, nó lại dẫn đến khả năng hình thành nên giống loài mới: sự phân chia loài người thành các tầng lớp có chức năng sinh học khác nhau hoặc thậm chí thành các loài khác nhau. Toàn cầu hóa sẽ liên kết thế giới theo trục tung và xóa bỏ đi những điểm khác biệt giữa các quốc gia, nhưng nó cũng cùng lúc phân cách nhân loại trên trục hoành.
Với quan điểm này, sự bất bình hiện nay của những người trong nhóm tinh hoa theo chủ nghĩa dân túy được hình thành mạnh mẽ. Nếu chúng ta không cẩn trọng, con cháu của các trùm tư bản ở thung lũng Sillicon có thể trở thành tầng lớp thượng đẳng về mặt sinh học so với con cháu của những người dân miền núi ở Appalachia2.
Nhưng vẫn còn một bước nữa trên con đường đến với mức bất bình đẳng không tưởng ở trên. Trong ngắn hạn, quyền lực có thể chuyển dịch từ đám đông xã hội sang một nhóm nhỏ tinh hoa sở hữu và kiểm soát các siêu thuật toán và dữ liệu đầu vào của những thuật toán đó. Tuy nhiên trong dài hạn, quyền lực có thể chuyển hoàn toàn từ con người sang thuật toán. Một khi AI thông minh hơn cả những người trong giới tinh hoa, toàn bộ nhân loại đều có thể trở thành dư thừa.
Điều gì sẽ xảy ra sau đó? Chúng ta thật sự không biết – chúng ta không thể tưởng tượng được điều này. Làm sao chúng ta tưởng tượng được chứ? Một siêu máy tính thông minh theo đúng nghĩa của nó sẽ có một trí tưởng tượng phong phú và sáng tạo hơn những gì chúng ta sở hữu.
Tất nhiên, công nghệ chưa bao giờ là điều tất định. Chúng ta có thể sử dụng cùng một khám phá công nghệ để tạo ra các kiểu xã hội và hoàn cảnh rất khác nhau. Ví dụ, trong thế kỷ 20, con người có thể sử dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp – như tàu hỏa, điện, radio, điện thoại – để tạo nên những nền chuyên chính cộng sản, những chế độ phát-xít hoặc là những nền dân chủ tự do. Hãy nhìn Bắc và Nam Triều Tiên: họ tiếp cận cùng một công nghệ, nhưng họ lại quyết định sử dụng chúng theo những cách rất khác nhau.
Trong thế kỷ 21, sự phát triển của AI và công nghệ sinh học chắc chắn sẽ làm biến đổi thế giới – nhưng nó sẽ không tạo ra một kết quả tất định duy nhất. Chúng ta có thể sử dụng những công nghệ hiện nay để tạo ra nhiều loại hình xã hội khác nhau. Làm sao để sử dụng chúng một cách khôn ngoan là một trong những câu hỏi quan trọng nhất nhân loại phải đối mặt ngày hôm nay. Nếu như bạn không thích những viễn cảnh tôi vừa phác thảo ở trên, bạn vẫn có thể làm điều gì đó với chúng.