a
§ Tác giả: Mackenzie Graham | Nguồn: The Conversation
Biên dịch: Mỹ Châu | Hiệu đính:  coda
26/01/2019

Một trong những câu hỏi lớn nhất trong nghiên cứu về sự lão hóa chính là liệu có một giới hạn tối đa nào cho tuổi thọ con người. Một nghiên cứu gần đây, được xuất bản bởi tạp chí Science, đưa ra giả thuyết rằng không tồn tại một giới hạn như vậy. Nghiên cứu đánh giá khả năng sống (survival probabilities) của 3.896 người ở Ý có độ tuổi từ 105 tuổi trở lên và cho thấy, trong khi những người ở độ tuổi 75 có khả năng tử vong cao hơn rất nhiều người có độ tuổi 55, khi chúng ta đạt đến tuổi thọ 105 tuổi, tỷ lệ tử vong luôn duy trì ở mức như nhau qua mỗi năm trong suốt cuộc đời.

Hiệu ứng này thường được gọi là “ngưỡng sinh tử” (mortality plateau) của con người. Nếu không thể sống qua một độ tuổi nhất định, chúng ta cho rằng tỷ lệ tử vong sẽ tiếp tục gia tăng khi con người già đi, hơn là duy trì cố định. Việc tỷ lệ tử vong không thể hiện sự gia tăng khi qua 105 tuổi chỉ ra rằng chúng ta vẫn chưa đạt đến tuổi thọ tối đa của loài người. Tuy nhiên, khả năng sống qua hơn một thế kỷ có phải là điều mà chúng ta nên mong chờ? Ngay bây giờ, triết học sẽ đưa ra một vài góc nhìn quan trọng.

Hiển nhiên, chúng ta vẫn chưa chắc chắn về sự tồn tại của ngưỡng tuổi tối đa. Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng có một “hạn sử dụng” (expiration date) tự nhiên dành cho con người, ở mức khoảng 125 năm tuổi. Chiyo Miyako hiện đang là người già nhất trên thế giới với 117 tuổi. Jeanne Calment, đã mất vào năm 1997, có tuổi thọ đạt kỷ lục – 122.

Ở Anh, số lượng người trên 100 tuổi đã nhiều hơn gấp đôi so với năm 2002, và có thể đạt đến 36.000 người vào năm 2030. Nếu ngưỡng sinh tử có tồn tại thì đến năm 2030, người già nhất còn sống có thể khoảng 150 tuổi.

Niềm vui và nỗi đau

Liệu tuổi thọ tối đa đến 150 tuổi có khiến cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn hay chỉ là dài hơn? Một cách nghĩ dành cho vấn đề này về khía cạnh niềm vui và nỗi đau là: chúng ta có càng nhiều niềm vui (và càng ít nỗi đau) trong suốt cuộc đời thì cuộc sống của chúng ta sẽ càng tốt đẹp hơn. Nếu mọi yếu tố khác là cân bằng, một cuộc sống kéo dài đến 100 năm sẽ tốt hơn chỉ tồn tại trong 80 năm, miễn là 20 năm tăng thêm đó mang nhiều niềm vui hơn nỗi đau.

Liệu một cuộc sống như vậy có thể nào diễn ra ? Khi con người già đi, tình trạng thoái hóa có chiều hướng gia tăng, khiến chất lượng cuộc sống bị suy giảm. Nhưng tình trạng này có thể giảm bớt nhờ lối sống lành mạnh và các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe phù hợp . Mặc dù cuộc sống về già có thể bị hạn chế ở một số khía cạnh nhưng nhìn chung, chẳng có lý do gì mà không thể hạnh phúc.

Nhưng mặt khác, tuổi thọ kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thời còn trẻ của chúng ta. Năm 2017, cứ khoảng 3,5 người trong độ tuổi lao động (16-64) thì tương ứng với một người trên 65 tuổi, tuy nhiên, tỷ lệ này được cho rằng sẽ giảm xuống còn 2.1 trên 1 đến năm 2040. Điều này có nghĩa là sẽ có khá nhiều người nhận trợ cấp hưu trí hơn và những người thuộc lực lượng lao động nộp thuế để hỗ trợ cho những người cao tuổi lại càng ít đi. Việc này có thể dẫn đến nhóm người lao động buộc phải đóng thêm thuế và tiếp tục làm việc trong thời gian dài hơn, hoặc giảm bớt các dịch vụ khác để đủ bù đắp cho chi phí hưu trí.

Phần bổ sung không mong muốn

Có lẽ, chúng ta vẫn cho rằng cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi chúng ta đạt được những thứ mà mình mong muốn. Một cuộc sống dài hơn có thể mang lại cho chúng ta nhiều thời gian hơn để hoàn thành các mục tiêu và dự định. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn nhận rằng một cuộc sống đáng mơ ước lại là thứ có cấu trúc tường thuật nhất định.

Nhà triết học quá cố Ronald Dworkin đã phân biệt giữa “mong muốn trải nghiệm” (experiential interests) và “mong muốn thiết yếu” (critical interests) để làm sáng tỏ cách mọi người nhìn nhận mục đích sống. Những mong muốn trải nghiệm thuộc về những điều như niềm vui thú hay bất cứ thứ gì mà chúng ta tận hưởng. Các mong muốn thiết yếu chính là những điều mà chúng ta xem trọng và trở thành hiện thực – những tác nhân không thể thiếu để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp, chẳng hạn như mối quan tâm của cha mẹ về hạnh phúc của con cái.

Chúng ta có thể hình dung về một người có mối bận tâm chủ yếu tới việc trốn tránh tình trạng xấu hổ về nhận thức do căn bệnh sa sút trí tuệ, và chuyện này có thể đi kèm với tuổi già cực đoan. Thậm chí nếu người này có vẻ không bận tâm về sự suy giảm nhận thức của họ, đây chưa chắc là cuộc sống mà họ mong muốn. Có lẽ, khi xem xét toàn bộ cuộc đời của người này, chúng ta cho rằng sẽ tốt hơn cho họ nếu ra đi trước thời kỳ bị suy giảm nhận thức.

Nói cách khác, nhiều tình huống có khả năng xảy ra khi chúng ta có thể sống quá lâu. Đôi khi, có lẽ sẽ tốt hơn khi chúng ta chết trước thời điểm mà chúng ta còn có thể sống, nếu việc như vậy thích hợp hơn với “câu chuyện cuộc đời” mà chúng ta mong muốn – ví dụ như trở nên chủ động và độc lập trong suốt quãng đời.

Vơi bớt những khát khao?

Một mối quan tâm tương tự đã được nêu lên bởi nhà triết học quá cố Bernard Williams. Williams lập luận rằng những thứ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta là “những khao khát khẳng định” (categorical desires)1, những điều rất cần thiết cho bản thân của chúng ta. Chúng bao gồm những thứ như viết tiểu thuyết, nuôi dạy con cái hay thực hiện thành công một dự án từ thiện. Những điều này tồn tại song song với những mong muốn “vô nghĩa” hơn, chẳng hạn như nhu cầu về thực phẩm hay quan hệ tình dục, những thứ mà ông chỉ rõ là không thể mang lại hạnh phúc lâu dài.

Williams tin rằng, nếu chúng ta sống đủ lâu, chúng ta sẽ lấp đầy tất cả những khao khát khẳng định đó, cũng có nghĩa là làm vơi dần những thôi thúc trọng yếu mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Kể từ đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc đời còn lại trong nỗi buồn chán cùng cực, hoặc thay thế những mong muốn chính yếu và thay đổi triệt để bản thân.

Tuy nhiên, theo tôi thấy, cuộc sống có thể tiếp tục phong phú và phức tạp ngay cả đối với những người rất lớn tuổi, và bắt đầu những dự định mới không cần phải làm hao mòn bản thân chúng ta. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn bè của chúng ta và những người thân yêu cũng sống lâu như vậy. Khi những khao khát và mong muốn của chúng ta có thể thay đổi, sự kết nối với những người khác có thể giúp thúc đẩy sự tiếp diễn giữa các giai đoạn khác nhau của cuộc đời.Điều mà từng quan điểm trên cho thấy chính là việc sống lâu thêm không hề khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Khi dân số tiếp tục già đi, chúng ta sẽ cần phải đưa ra những lựa chọn quan trọng và không đơn giản với việc chúng ta muốn chăm sóc những người cao tuổi như thế nào. Quan trọng hơn, các chiến lược thúc đẩy sự lão hóa vững mạnh không chỉ giảm bớt gánh nặng cho xã hội, mà còn đảm bảo một quãng đời dài hơn chính là một cuộc sống tốt đẹp hơn – ngay cả trên quan điểm triết học.

 

 

 

 


  1. Khát khao khẳng định (categorical desires): Theo nhà triết học Bernard Williams, khát khao khẳng định là những khát khao mang tính hệ thống khiến chúng ta phải thiết lập và tổ chức các hoạt động sống để thỏa mãn những khát khao đó, ví dụ như sáng tác một cuốn tiểu thuyết, hoàn thành một dự án nghiên cứu, thành lập và điều hành một doanh nghiệp thành công hoặc nuôi dạy một đứa trẻ nên người. Chính những loại khát khao này sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên có giá trị và hạnh phúc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất