a
§ Tác giả: Nathanael Stein | Nguồn: Aeon
Biên dịch: Nhi | Hiệu đính:  chez
01/06/2019

Câu chuyện bắt đầu với một câu hỏi dễ, đến từ con trai tôi vài tháng sau khi nó vừa tròn bốn tuổi: “Chúng ta có thật không?”

Câu hỏi tuy khá đột ngột, nhưng không hẳn là từ trên trời rơi xuống, và tôi có thể nhanh chóng đưa ra câu trả lời. Có, chúng ta có thật — nhưng Elsa và Anna, hai nhân vật trong phim Frozen, thì không. Thế là tưởng xong. Nhưng rồi vài tuần sau, câu hỏi tiếp theo lại đến một cách đường đột như vậy trong lúc thằng bé đang nghịch nước bể bơi:

“Bố ơi, tại sao chúng ta lại có thật?”

Lần này thì tôi chịu, một phần bởi tôi cũng chẳng hiểu câu hỏi đó có ý gì. Những đứa bé bốn tuổi cứ liên tục hỏi Tại sao? — định kiến xưa nay quả không sai mà, thậm chí còn chưa bằng thực tế nữa — và cách chúng sử dụng các câu hỏi Tại sao? khá mơ hồ. Chúng giống như những Aristotle nhí với hai chân lúc lắc từ trên ghế xe hơi, với vô vàn câu hỏi Tại sao “được diễn đạt rất ư là đa dạng.”1 Đôi khi những câu hỏi Tại sao này có thể phân loại gọn gàng theo đúng kiểu tư duy Aristotle: bọn trẻ có thể hỏi từ ý nghĩa của việc này là gì, hay một vật được tạo ra như thế nào, đến tiêu chí đánh giá một sự việc. Và thường thì, ta có thể ứng biến câu trả lời tùy vào ngữ cảnh.

Nhưng có đôi khi, như bây giờ chẳng hạn, tôi không biết cái mà con trai tôi đang muốn tôi giải thích là gì. Thằng bé đang tuổi khám phá thế giới, và đồng thời học cách đặt câu hỏi về thế giới quan, nên ở đây có ít nhất hai mục tiêu thay đổi liên tục. Manh mối duy nhất mà tôi có tới giờ là trước đó, thằng bé đã tự hỏi liệu mình có thật không, có vẻ như nó muốn phân loại mọi thứ thành có thậtkhông có thật. Nên rất có thể thằng bé đang muốn một định nghĩa ở câu hỏi tiếp theo: Điều gì khiến một vật có thật? Điều gì tách biệt những thứ có thật không có thật? Nếu vậy, cuộc trò chuyện với con sẽ khá căng đây. Thường thì những câu hỏi “Tại sao” loại đơn giản sẽ tương ứng với những đáp án “Bởi vì,” mà trong đó vế “bởi vì” chỉ ra điều gì đó nằm ngoài vấn đề ta đang phải giải thích. Con cáu kỉnh bởi vì con đang đói bụng; chúng ta đang chạy xe bởi vì ta cần đi mua thức ăn; thực phẩm này lành mạnh bởi vì nó chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nhưng khi câu hỏi là “Tại sao con lại có thật?”, thì ta phải điền vào chỗ trống sau từ “bởi vì” bằng cái gì đây?

Quan tâm đến những thắc mắc như thế này là nghề của tôi. Ý niệm về thực tại (reality) là một trong những ý niệm cơ bản và trừu tượng nhất của con người. Việc đặt ra những câu hỏi về điều gì là có thật đã dẫn đến nhiều quan điểm triết học quan trọng, kinh điển bậc nhất trong lịch sử — từ Parmenides2 đến Aristotle3, đến Avicenna4, đến Aquinas5, và đến Immanuel Kant6. Mặt khác, câu hỏi này có xu hướng dẫn đến những suy luận phức tạp, dễ gây cáu bực và còn bị lấy ra làm trò cười, khiến cho nhiều người — trong đó có các triết gia — tự hỏi bản thân liệu một số câu hỏi có vô nghĩa hay thậm chí nên được tính là câu hỏi hay không, và từ đó nảy sinh sự hoài nghi với mọi câu hỏi trừu tượng nói chung. Thái độ này có thể hữu ích trong tư duy phản biện, nhưng nó cũng có thể trở nên hời hợt và lố bịch, ẩn dưới vỏ bọc mang danh đầu óc thực tế.

Vậy những câu hỏi kiểu này từ đâu mà ra? Ta khá dễ dàng phát hiện nguyên nhân đằng sau những câu hỏi về Tốt và Xấu, Đúng và Sai, vì khi đó ta hiểu rằng những câu hỏi này có cơ sở thật sự. Nhưng từ khi nào mà Thực tại lại trở thành đối tượng của sự tò mò, bối rối, hay băn khoăn trong đầu một đứa trẻ — và tại sao lại thế?

Có bao nhiêu cách để hỏi hoặc trả lời câu hỏi Tại sao? thì có bấy nhiêu cách để phân định giữa cái gì là thật và cái gì không. Một trong những cặp khái niệm tương phản mà ta đã quen thuộc là giữa thực tại (reality) và vẻ ngoài (appearance). Sự khác biệt này ít nhất đã có từ khởi nguyên của triết học, và thường ta công nhận đó là thời điểm bắt đầu của nó — khi các triết gia và nhà khoa học thời kỳ sơ khởi, tức là khoảng thế kỷ 6 và thế kỷ 5 TCN, như Thales7, Anaxagoras8, Empedocles9 và Leucippus10 đưa ra các khẳng định về bản chất thực tại ẩn sâu dưới các hiện tượng tự nhiên: các nguyên tố, nguyên tử cơ bản, hay thậm chí là các con số, nếu như chúng ta tin vào trường phái Pythagoras11. Ở đây, ta đang nhắc đến nguồn gốc của quan điểm cho rằng những thứ cấu tạo nên vật mới là có thật (hay “thật là thật,” như cách ta thường nói khi không biết nên diễn đạt điều đó ra sao), trong khi các vật thể bình thường, ở cỡ con người (human scale) quen thuộc thì lại ít được công nhận.

Chúng ta vừa đối chiếu thực tại với vẻ ngoài, nhưng ít nhất thì một cái bàn vẫn được coi là hình thành từ một cái gì đó có thật, miễn là nó được tạo nên từ vật chất. Về bản chất, vật chất không hẳn là thứ mà ta nhìn thấy, nhưng nó thật sự tồn tại, và thật sự mang một vẻ ngoài nhất định. Ta có thể tạm nói rằng vẻ ngoài là cách nó thể hiện chính mình. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, thực tại đôi khi lại tương phản với cái mà ta tạm gọi là có vẻ (mere appearance), lấy ví dụ chuyển động trên màn ảnh: các điểm ảnh luôn xuất hiện và biến mất, và chúng luôn chuyển từ màu này sang màu khác, thế nên ta biết rằng có sự thay đổi đang diễn ra, nhưng thực tế thì những vật trông có vẻ như đang chuyển động trên màn hình không phải đang thực sự chuyển động. Một lần nữa, ta cần phân biệt điều này với ảo giác (illusion) chuyển động mà ta hay bắt gặp ở một số họa tiết: ở đây mặc dù vật thể không thay đổi, bề ngoài của nó trông vẫn như đang chuyển động. Vậy nên có ít nhất ba kiểu vẻ ngoài có thể được đem ra đối chiếu với thực tại: lối thể hiện, có vẻ, và ảo giác.

“Cái giường thì không thể nào là cái thuyền, mặc kệ ta có quấn quanh nó bao nhiêu sợi dây hay bao nhiêu tấm vải đi chăng nữa.”

Ta cũng phân biệt giữa những thứ sau: cái thật với cái tưởng tượng; bản chất cơ bản của sự vật (chúng “thật sự” là gì) với các thuộc tính ngẫu nhiên; cái đã tồn tại ít nhất vào một thời điểm xác định với cái chưa từng tồn tại. Nếu xét riêng ý cuối, khủng long và tổ tiên là có thật, nhưng kỳ lân thì không.

Ta thậm chí còn có nhiều cách hơn để phân biệt giữa sự vật nào có thật và sự vật nào không — phải đến hơn một tá cách. Bản thân thực tại thì vững chắc, nhưng ngôn ngữ lại là một khối bùn nhão. Tuy vậy, từ đầu tới giờ, vẫn chưa có cặp phạm trù nào lý giải nổi điều khiến con trai tôi băn khoăn. Xét đến cách mà chúng ta lớn lên, có thể câu hỏi mà tôi đang cần tìm lời giải đơn giản hơn thế nhiều. Với một đứa trẻ bốn tuổi, cái có thật thường được phân biệt không phải với cái phát sinh, ảo giác hoặc hư vô, mà là với sự giả bộ.

Sự phân biệt này với người lớn mà nói thì dường như quá đỗi hiển nhiên — tất nhiên, cái giường thì không thể nào là cái thuyền, mặc kệ ta có quấn quanh nó bao nhiêu sợi dây hay bao nhiêu tấm vải đi chăng nữa. Nhưng theo Plato, ta cần hiểu được sự phân biệt này có ý nghĩa ra sao đứng từ góc nhìn của trẻ con. Xét cho cùng, trẻ con học từ việc giả bộ, và chúng chơi những trò hoạt cảnh để nắm được trải nghiệm của mình. Những “trò chơi giả bộ” này kết nối chặt chẽ với những câu chuyện mà ta thường được nghe và xem từ chúng, để phân biệt với những câu chuyện của chính ta trong thực tế. Triết gia Kendall Walton thậm chí lập luận rằng kiểu gắn kết của người lớn với các tác phẩm kể chuyện, ví dụ như tiểu thuyết và phim ảnh, nên được hiểu như một phiên bản nâng cấp từ “trò chơi giả bộ” thời ấu thơ, mà trong đó những “đồ chơi” nay được thay bằng các nhân vật trong truyện và phim. (Ông cũng lưu ý thêm rằng người ta đã đặt vấn đề về mối liên quan này từ trước đó, ít nhất là từ thời của nhà sử học người Áo E H Gombrich.12)

Phần lớn những gì trẻ con trải nghiệm hoặc để ý tới trong những năm đầu đời là do ta mang tới qua những hình ảnh và truyện kể — từ đồ vật và con vật cho đến những khái niệm như làm việc, mâu thuẫn, mơ mộng, nỗi sợ, sự an toàn và nhiều thứ khác. Ta dùng hình ảnh và truyện kể để chuẩn bị cho trẻ bước vào hiện thực, và sự chuẩn bị này sẽ ảnh hưởng đến cách chúng đối diện với hiện thực đó. Ít nhất, ta tưởng tượng như vậy, hy vọng như vậy, và lo âu như vậy.

Plato cũng như vậy, đầy âu lo (và hy vọng). Ngạc nhiên thay, ông gộp truyện kể chung nhóm với âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác nhằm phục vụ mục đích giáo dục, và nghĩ rằng ta phải rất cẩn trọng khi quyết định kể câu chuyện nào cho những chủ nhân tương lai của thành phố lý tưởng mà ông mường tượng ra trong tác phẩm The Republic (Cộng hòa):

“Bạn có thấy rằng chúng ta luôn kể chuyện trước cho bọn trẻ hay không? Những câu chuyện này nhìn chung đều là giả, dẫu chúng cũng có một phần sự thật … Bạn biết rằng khởi đầu của bất cứ quá trình nào cũng đều là tối quan trọng, đặc biệt là với những gì trẻ thơ và non dại, có phải thế không? Đó là thời điểm dễ uốn nắn nhất và đứa trẻ sẽ mang theo bất kỳ dấu ấn nào mà người ta muốn in vào nó.”

Plato cho rằng sự dễ uốn nắn trong trường hợp này có một nguồn gốc riêng biệt: trẻ con không thể phân biệt giữa nghĩa biểu tượng hay nghĩa bóng của một câu chuyện với nghĩa đen của nó. Giải pháp nổi tiếng mà ông đưa ra — sự kiểm duyệt (censorship) — nghe có vẻ cực đoan, nhưng ở một mức độ nào đó, hầu hết mọi người đều chấp nhận quan điểm của ông cũng như một số phiên bản giải pháp của ông về vấn đề này.

Trừ phi được chuẩn bị tâm thế đúng cách, đứa trẻ thậm chí sẽ không nhận ra tại sao cái này tốt, cái kia xấu

Nhưng quan trọng là tại sao Plato nghĩ rằng chúng ta cần những câu chuyện kể đầu đời mà “tổng thể thì là giả, nhưng vẫn chứa một ít sự thật” này. Nói chung, mục tiêu của việc cho trẻ tiếp xúc sớm và đúng cách với truyện kể, âm nhạc và nghệ thuật không phải là để truyền tải thông tin, mà là “những tác phẩm này sẽ là cơn gió tốt lành ập đến đôi tai và đôi mắt chúng, và rồi điều ấy, từ tuổi ấu thơ trở đi, sẽ vô thức dẫn chúng đến sự đồng điệu, tình bạn và sự hài hòa với vẻ đẹp của lý lẽ.”

Kết quả là, bất cứ ai được giáo dục tử tế về âm nhạc và thi ca sẽ có khả năng cảm nhận một cách chính xác khi nào một phần bị mất khỏi bức tranh tổng thể, biết rằng khi nào thì bản chất của nó chưa được chế tác hoàn thiện hoặc nhào nặn đến độ tinh xảo. Đứa trẻ ấy sẽ phản đối và căm ghét những điều đáng xấu hổ một cách chính đáng; tuy còn nhỏ và có thể chưa hiểu hết lý lẽ đằng sau, nhưng khi được giáo dục như vậy, đứa trẻ sẽ đón nhận những lý lẽ này một cách tự nhiên, bởi vì vốn dĩ chúng đã quen thuộc rồi.

Một đứa trẻ được giáo dục chưa thể hiểu được lý do tại sao cái này tốt còn cái kia xấu, cái này đáng kính phục còn cái kia đáng xấu hổ. Tuy thế, chúng ta vẫn háo hức định hướng cho trẻ đi theo một số thứ nhất định và quay lưng lại với một số thứ khác: bởi nếu chờ đến lúc đứa trẻ hiểu được vì sao thứ này tốt nhưng thứ kia lại xấu thì đã quá muộn để khiến nó muốn noi theo những hành vi và hành động đúng đắn. Trên thực tế, trừ khi đứa trẻ đã được chuẩn bị sẵn sàng về mặt cảm xúc từ trước, nó thậm chí sẽ không nhận ra lý do tại sao cái này lại tốt, kể cả khi những lý do đó ở ngay trước mặt đi chăng nữa.

Sự chuẩn bị thẩm mỹ-cảm xúc này, bởi vậy, là yếu tố hình thành nên nhận thức lý trí. Ta có được điều này là bởi theo Plato, trẻ con dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung ngụ ngôn và các đặc tính thẩm mỹ, nhưng sự nhạy cảm này cũng mang đến rủi ro. Cha mẹ nào hay cả nghĩ về việc họ nên kể câu chuyện gì, chơi bản nhạc gì, trang trí phòng của con như thế nào hay mua cho con đồ chơi ra sao thì sẽ dễ dàng nhận ra tâm trạng vừa sợ hãi vừa hy vọng này. Tuy nhiên, với Plato, điều quan trọng là mối liên quan giữa những câu chuyện và tác phẩm nghệ thuật thể hiện qua vai trò đặc biệt của chúng trong hai phương diện sau: khi là những hình ảnh, chúng diễn tả sự thiếu hiểu biết của ta khi còn bé, nhưng trong những năm đầu đời chúng cũng là một trong số ít cách để chạm tới ta. Chúng không chỉ đơn thuần là hình ảnh hay câu chuyện mà còn là tín hiệu, dẫu yếu ớt, về những điều rất quan trọng mà ta chưa đủ sẵn sàng để nắm bắt.

Cứ cho là sự phân biệt giữa thực tại và giả bộ là một phần quan trọng và thâm nhập vào mọi ngóc ngách của tuổi ấu thơ. Kể cả thế, có điều gì lại khiến một đứa trẻ bốn tuổi phải băn khoăn? Và làm cách nào để giải thích được cho thằng bé hài lòng?

Tôi có thể nói: “Con có cơ thể, nhưng Elsa thì không.” (Tôi đoán rằng đây là câu trả lời hiển nhiên với nhiều người lớn.) Tuy nhiên, Elsa mặc váy, và để mặc váy thì ta cần một cơ thể, cho nên tôi không thể bảo rằng cô ấy không có cơ thể mà không khơi mào thêm những câu hỏi khác. Nếu làm vậy thì tôi sẽ khổ mất, bởi vì nó y chang như tôi nói đấy, lúc nào câu hỏi cũng quay trở lại mà thôi.

Hoặc, tôi có thể giải thích dựa vào nguồn gốc: Elsa được ai đó tạo ra — một sản phẩm hư cấu — còn con trai tôi được tạo ra từ chúng tôi. Lời giải đáp này cũng không khả quan lắm, bởi nó nghe như là tôi đang bảo rằng thằng bé và Elsa được tạo ra theo hai cách khác nhau. Và làm thế nào mà một cách thì tạo ra thứ có thật, một cách thì không? Lại sinh ra một tấn câu hỏi nữa.

Hay có lẽ tôi nên bắt đầu với ý niệm về sự giả vờ. Thực tế, có một sự khác biệt lớn giữa việc nói rằng cái ghế bành là một con thuyền giả bộ, điều mà thằng bé hay làm, với việc nói rằng một nhân vật hư cấu là giả bộ. Thằng bé đã quen với việc xem tranh ảnh và video, và nó thường nhảy cóc giữa một bên là các hình ảnh và mô tả của sự vật có thật, và bên kia là các hình ảnh và câu chuyện về sự vật tưởng tượng, mà không hề báo trước. Từ lâu thằng bé đã làm cả hai điều này — tiếp thu các hình ảnh và câu chuyện, và chơi trò giả bộ — nhưng nó vẫn tách biệt hai việc với nhau. Giờ ta đang yêu cầu thằng bé kết hợp hai ý tưởng này lại, và chấp nhận rằng có một số hình ảnh và câu chuyện — các chuỗi hình ảnh động mô tả những người đang di chuyển hay nói chuyện rất sống động — chỉ là giả bộ, và thậm chí chúng còn chẳng phải là giả bộ của một thứ khác. Một số bức ảnh cho ta biết về một cái có thực, và một số chỉ là hình ảnh không hơn không kém. Vấn đề này hẳn sẽ gây bối rối lắm đây.

Làm thế nào để giải thích sự khác biệt này đây? Tôi có thể mô tả quá trình phim hoạt hình được làm ra như thế nào, rồi làm sao nó lại khác với nhiếp ảnh, nhưng tôi không nghĩ rằng thằng bé có thể hiểu được chỉ qua lời nói suông. Điều này thật sự cũng không liên quan lắm, bởi ngoài nhiếp ảnh ra thì vẫn có những kiểu hình ảnh đáng tin cậy khác cơ mà, và sẽ không có chuyện hôm nay tôi ngồi dạy cho con tôi về sự ưu việt của ảnh chụp đâu.

“Một câu chuyện được kể thật hay có thể ảnh hưởng đến ta, dù ta nghĩ nó có đúng sự thực hay không”

Vấn đề ở đây, điều mà tôi không thể giải thích được cho thằng bé, là ta không thể chỉ nhìn vào một hình ảnh mà biết được hình ảnh đó thuộc phân loại nào. Trừ phi hình ảnh đó diễn tả cái bất khả (impossibility), ngoài ra nó đều có thể là một hình ảnh của thực tại, nhưng bất kỳ hình ảnh nào dù nhìn “thật” ra sao thì cũng có khả năng chỉ là một hình ảnh mà thôi. (Điều này cũng đúng với các truyện kể, thậm chí còn theo cách phiền nhiễu hơn.) Thằng bé sẽ phải học từ kinh nghiệm rằng mình nên tin vào những hình ảnh và câu chuyện nào, và tin đến mức độ nào — kể cả vậy, đôi khi thằng bé vẫn sẽ bị đánh lừa. Nếu điều đó khiến thằng bé lúng túng thì cũng bình thường mà thôi. Quả nhiên, trong đàm thoại Sophist (tạm dịch: Biện sĩ) sau này, Plato xác định bản chất và sự nguy hiểm của phép ngụy biện nằm ở khả năng tạo ra những vẻ ngoài của kẻ ngụy biện, những vẻ ngoài mà nhìn từ góc độ nhất định thì chỉ là “hình ảnh” (eidôla), chứ không phải “mô phỏng” (eikones), và như thế Plato buộc phải tìm ra cách đan cài với nhau “cái phải” và “cái không phải” để hiểu được ý tưởng đó.

Plato đã đúng: các hình ảnh và câu chuyện luôn có hai mặt. Ta dựa vào chúng để học được cách bơi trong biển đời vào thời điểm ta hoàn toàn không có ai giúp đỡ, trước khi ta có bất kỳ ý niệm gì về điều mình đang học hay vì sao điều đó lại quan trọng. Không ngạc nhiên khi ta đặt niềm tin vào chúng, và không ngạc nhiên khi chúng cực kỳ dễ bị lợi dụng. Ta cần tin vào chúng — và đồng thời phải nghi ngờ chúng.

Một lần nữa, Plato lại đúng: chính việc không biết xử lý các hình ảnh ra sao là cơ sở cho những tai họa cá nhân và chính trị. Một câu chuyện được kể thật hay luôn ảnh hưởng đến ta, dù ta có biết là nó đúng sự thực hay không, bởi ta mặc định sẵn — thực tế là ta được đào tạo — để tin tưởng mà không nghĩ đến chuyện nó phải đáp ứng các tiêu chuẩn thông thường của sự thật chân chính. Đó là một bài học mà ngày nào ta cũng học đi học lại, khiến ta giật mình bởi sự cả tin của chính mình và buộc phải sống cùng những hậu quả. Từ góc độ này, sẽ thật ngây thơ khi cho rằng ta có thể chống trả lại ảnh hưởng của những lời nói dối và bong bóng13 lọc trên mạng xã hội chỉ bằng biểu tượng ngón tay cái trỏ xuống, hay một “chỉ số đo độ tin cậy,” hay thậm chí bằng các lớp học dạy về tư duy phản biện. Nếu ta mong tìm được những giải pháp có chút khả thi, ta cần nhận ra vấn đề này đã cắm rễ sâu đến mức nào.

Vậy thì, liệu tôi có trả lời được không, nếu câu hỏi là về cái gì có thật và cái gì là giả bộ? Tôi đoán rằng câu trả lời đúng sẽ dính dáng đến việc những hình ảnh đáng tin cậy thì được kết nối nhân quả một cách hợp lý với các chủ thể gốc, bởi như vậy thì chúng mới chứa đựng thông tin chân thật về chủ thể của nó, nhưng tôi không chắc rằng liệu bố con tôi đã sẵn sàng để bàn đến điều này hay chưa. Tôi quyết định đi theo một phương án đơn giản hơn: con trai tôi có thể làm bất cứ thứ gì thằng bé muốn, nhưng Elsa chỉ có thể làm những gì được kể trong truyện. Chẳng phải là một câu trả lời tuyệt vời, nhưng ít nhất nó là một thông điệp tích cực. Hiện giờ thì nó có vẻ ổn.

Gượm đã. Tôi vừa mới trả lời câu hỏi của con trai tôi, hay cho một hình ảnh phản chiếu từ câu hỏi của riêng tôi vậy? Có phải chính tôi, ông thầy giáo triết học, đã phức tạp hóa mọi chuyện lên không? (Dĩ nhiên là chỉ mỗi lần này thôi.) Thành thật mà nói thì tôi chẳng biết, và sẽ không bao giờ biết được. Con trai tôi mới được bốn tuổi, và cho đến khi thằng bé giải thích được rốt cuộc mình muốn nói đến điều gì khi hỏi Tại sao?, hẳn thằng bé đã quên mất nguồn cơn khiến nó thắc mắc — nếu như bây giờ nó vẫn chưa quên.



  1. Một câu mượn lời của Aristotle trong cuốn Siêu hình học (Metaphysics): “Sự tồn tại có thể được diễn đạt theo nhiều cách.” https://plato.stanford.edu/entries/aristotle-metaphysics/.

  2. Parmenides thành Elea, sinh và mất đầu thế kỷ 5 TCN) là một triết gia Hy Lạp cổ đại, ông sinh tại Elea, một thành phố của Hy Lạp ở bờ biển phía nam của Ý. Ông là người đã sáng lập ra trường phái Aleatic. Tác phẩm duy nhất được biết đến của ông là một bài thơ, tựa đề Bàn về tự nhiên, hiện chỉ còn một phần bài thơ tồn tại cho đến ngày nay. Trong bài thơ này, Parmenides nêu ra hai quan điểm về thực tại. Trong “Con đường của chân lý” (“the way of truth”), ông giải thích thực tại là đơn nhất, thay đổi không thể xảy ra, sự tồn tại là vĩnh viễn, đồng nhất, cần thiết và không thay đổi. Những ý tưởng này đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với triết học phương Tây, nổi bật nhất có lẽ là ảnh hưởng lên Plato. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Parmenides.

  3. Aristoteles, hay còn được Anh hóa là Aristotle, 384 – 322 TCN)[ là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thầy dạy của Alexandros Đại đế. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học, và được mệnh danh là “Cha đẻ của Khoa học chính trị”. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristoteles là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Aristoteles.

  4. Avicenna là dạng Latinh hóa của hay Ibn Sina (tiếng Ả Rập (kh. 980 – 1037) là một học giả người Turk và cũng là thầy thuốc và nhà triết học đầu tiên ở thời ấy. Ibn Sīnā được xem là cha đẻ của y học[ và dược lý lâm sàng hiện đại. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Avicenna.

  5. Tommaso d’Aquino (tiếng Latinh và tiếng Anh: Thomas Aquinas) (1225-1274), là một tu sỹ, linh mục dòng Đa Minh người Ý[ và là một nhà thần học và triết học có nhiều ảnh hưởng trong truyền thống chủ nghĩa kinh viện mà trong lĩnh vực này ông cũng được gọi là “Doctor Angelicus” và “Doctor Communis“. Tôma là người đề xướng quan trọng nhất của thần học tự nhiên, và là cha đẻ của học thuyết Thomas. Ông có ảnh hưởng đáng kể trong tư tưởng phương Tây, và nhiều triết học hiện đại đã được hình thành trong quá trình phát triển hoặc phản đối ý tưởng của ông, đặc biệt là trong các lĩnh vực đạo đức, luật tự nhiên, siêu hình học, và lý luận chính trị. Không giống như nhiều trường phái trong Giáo hội thời gian đó, Thomas chấp nhận một số ý tưởng do Aristotle đưa ra – người mà ông gọi là “vị Triết gia” – và ông đã cố gắng kết hợp triết học Aristotle với các nguyên tắc của Kitô giáo. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B4ma_Aquin%C3%B4.

  6. Immanuel Kant (1724-1804) được xem là một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức, hơn nữa là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại (Neuzeit), của nền văn hóa tân tiến và của nhiều lĩnh vực nhân văn khác. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: “tiền phê phán” và sau năm 1770 là “phê phán”. Học thuyết “Triết học siêu nghiệm” (Transzendentalphilosophie) của Kant đã đưa triết học Đức bước vào một kỉ nguyên mới. “Danh tiếng của ông đã đẩy lùi những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên trên những gì đi sau”, như nhận xét của triết sử gia J. Hirschberger. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Immanuel_Kant.

  7. Thalès de Milet hay theo phiên âm tiếng Việt là Ta-lét (khoảng 624 TCN – khoảng 546 TCN), là một triết gia, một nhà toán học người Hy Lạp sống trước Socrates, người đứng đầu trong bảy nhà hiền triết của Hy Lạp. Ông cũng được xem là một nhà triết gia đầu tiên trong nền triết học Hy Lạp cổ đại, là “cha đẻ của khoa học”. Tên của ông được dùng để đặt cho một định lý toán học do ông phát hiện ra. Thales còn là thầy của Pythagoras, tác giả của định lý Pythagoras nổi tiếng. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Thales.

  8. Anaxagoras (500 – 428 TCN) là một nhà triết học Hy Lạp cổ đại thời kỳ tiền Socrates. Ông là nhà triết học đầu tiên mang triết học từ Ionia tới Athens. Ông đã cố gắng đưa ra những mô tả khoa học về thiên thực, sao băng, cầu vồng và mặt trời, trong đó ông mô tả mặt trời là khối lửa có kích thước lớn hơn Peloponnese. Anaxagoras nổi tiếng vì đã giới thiệu một khái niệm vũ trụ học Nous (lý trí), xem đó như một thế lực ra lệnh. Ông coi vật chất là một tập hợp vô tận các nguyên tố sơ khai bất tử, ám chỉ tới tất cả sự sinh ra và biến mất cho tới sự pha trộn và tách ly. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Anaxagoras.

  9. Empedocles (khoảng 490–430 TCN) là một nhà triết học Hy Lạp tiền Socrates. Empedocles nổi tiếng nhất là nhờ ông là người khởi xướng cho thuyết nguồn gốc vũ trụ tạo bởi bốn nguyên tố cổ điển là đất, không khí, lửa và nước. Trong quá trình phát triển của sinh vật thì đầu tiên xuất hiện thực vật, rồi đến động vật, rồi đến con người. Trong quá trình ấy, những loài có thể thích nghi được với hoàn cảnh thì sinh tồn, những loài không thích nghi được thì diệt vong. Ông cũng là người đề xuất ra khái niệm năng lượng gọi là Ái tình và Xung đột (Love and Strife) nhờ đó mà các nguyên tố cổ điển có thể hòa trộn hoặc tách rời. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Empedocles.

  10. Leucippus (500 TCN-440 TCN) là nhà triết học người Hy Lạp. Cuộc đời và sự nghiệp của Leucippus không dược biết đến đầy đủ vì các di bản của ông hầu hết đều không được lưu giữ. Tất cả những gì chúng ta biết đều thông qua Democritus, người học trò xuất sắc của Leucippus, và những học giả đương thời. Mặc dù vậy, từ những gì chúng ta đã biết đó, ta cũng có thể khẳng định rằng Leucippus là một nhà triết học xuất sắc, là người khai sinh thuyết tuyệt đỉnh của chủ nghĩa duy vật cổ đại. Đọc thêm:
    https://vi.wikipedia.org/wiki/Leucippus_(nh%C3%A0_tri%E1%BA%BFt_h%E1%BB%8Dc).

  11. Trường phái Pitago, còn gọi là liên minh Pitago, xét theo phương thức tổ chức, tầm ảnh hưởng, tính hỗn dung về tư tưởng và chiều dài lịch sử của nó. Đây là trường phái triết học tồn tại lâu nhất, kéo dài từ thế kỷ VI TCN đến khi kết thúc triết học cổ đại phương Tây. Liên minh, hay dòng tu Pitago hình thành trong bối cảnh phực hưng tôn giáo và công cuộc di thực ồ ạt từ Ionia sang miền nam nước Ý và vùng Xixin hiện nay. Liên minh được tổ chức chặt chẽ theo hình thức khép kín, lấy quan niệm về sự hòa tiết và thanh tẩy linh hồn làm cơ sở đạo đức. Trong liên minh mọi thứ thuộc về của chung, mọi sinh hoạt đều tuân theo kỷ luật nghiêm ngặt, theo một trình tự được các thành viên chấp thuận. Nhưng liên minh Pitago không thuần về tôn giáo, mà chủ yếu là nơi tập hợp những người yêu thích hoạt động trí tuệ. Đọc thêm:
    http://www.triethoc.info/2014/08/truong-phai-triet-hoc-pitago.html.

  12. E.H. Gombrich (1909 – 2001) là một nhà lịch sử nghệ thuật gốc Áo nhưng sinh sống chủ yếu ở Anh. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử văn hóa và phê bình nghệ thuật, trong đó có The Story of Art (tạm dịch: Chuyện kể Nghệ thuật) — một trong những cuốn sách nhập môn nghệ thuật thị giác phổ biến nhất.

  13. bubbles ở đây ý chỉ echo chambers, những chỗ toàn người suy nghĩ giống nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất