“Mọi cảm xúc đều mang một mục đích—một lợi ích tiến hoá riêng,” theo lời Sandi Mann, một nhà tâm lý học, đồng thời là tác giả của cuốn The Upside of Downtime: Why Boredom Is Good. (Tạm dịch: “Mặt tích cực của những lúc ngồi không: Vì sao nhàm chán lại là một việc tốt”). “Tôi muốn biết tại sao chúng ta lại cảm thấy nhàm chán, khi mà nó có vẻ là một thứ cảm xúc khá tiêu cực và vô dụng.”
Đó là lý do Mann bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về sự nhàm chán. Khi tìm hiểu về những cảm xúc ở môi trường làm việc vào những năm 1990, bà đã tìm ra rằng sau giận dữ, cảm xúc thường được áp chế nhất—bạn thử đoán xem—chính là sự nhàm chán. “Nó được nhắc tới như một thứ thật tồi tệ,” bà nói. “Hầu hết tất cả mọi việc dường như đều bị gán tội cho sự nhàm chán.”
Khi Mann đi sâu vào chủ đề sự nhàm chán, bà thấy ra rằng nó (sự nhàm chán) thực chất “rất thú vị.” Nó hẳn là không hề vô dụng. Wijnand van Tilburg của Đại học Southampton có giải thích về lợi ích tiến hoá của thứ cảm xúc khó chịu, tồi tệ này như sau: “Sự nhàm chán thôi thúc con người tham gia vào những hoạt động mà họ cảm thấy có ý nghĩa hơn những thứ họ hiện có.”
“Hãy hình dung về một thế giới mà ở đó, chúng ta không cảm thấy nhàm chán,” Mann nói. “Chúng ta sẽ không ngừng cảm thấy thích thú với mọi thứ—những giọt mưa rơi, hay cốm bắp (cornflakes)1 trong bữa sáng.” Ngoài mục đích tiến hoá, Mann cũng trở nên hiếu kỳ với những lợi ích khác mà sự nhàm chán có thể mang lại. “Theo bản năng,” bà nói, “Tôi cảm thấy rằng tất cả chúng ta đều cần một chút nhàm chán trong cuộc sống.”
Mann thực hiện một thí nghiệm mà trong đó, một nhóm người tham gia được giao cho một nhiệm vụ nhàm chán nhất mà bà có thể nghĩ ra: chép tay lại số điện thoại từ sổ danh bạ. (Những ai chưa từng thấy nó bao giờ, hãy thử tra Google.) Thí nghiệm này dựa trên bài kiểm tra kinh điển nhằm đánh giá khả năng sáng tạo được xây dựng vào năm 1967 bởi J.P. Guilford, một nhà tâm lý học người Mỹ, và là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về khả năng sáng tạo. Trong bài kiểm tra gốc của Guilford về Công dụng Thay thế, đối tượng tham gia có hai phút để tìm ra thật nhiều công dụng nhất có thể của những đồ vật hàng ngày như cốc, kẹp giấy, hoặc ghế ngồi. Trong bài kiểm tra của Mann, trước khi thử nghiệm đánh giá khả năng sáng tạo, bà dành 20 phút cho một nhiệm vụ vớ vẩn: ở trường hợp này là sao chép số điện thoại từ sổ danh bạ. Sau đó, các đối tượng tham gia thí nghiệm được yêu cầu tìm ra nhiều cách sử dụng nhất có thể với hai chiếc cốc giấy (loại cốc mà bạn thường thấy tại mỗi cây nước lạnh). Những người tham gia đã nghĩ ra những ý tưởng khá bình thường với những chiếc cốc, như dùng làm chậu cây và đồ chơi hố cát.
Khi chúng ta đang lơ đãng thì tâm trí ta vẫn không ngừng hoạt động.
Với thí nghiệm sau, Mann khiến nó càng nhàm chán hơn nữa. Thay vì sao chép số điện thoại từ sổ danh bạ trong vòng 20 phút, lần này người tham gia phải đọc to những con số này lên. Mặc dù có một vài người thích nhiệm vụ này (chẳng biết tại sao), và bị loại ra khỏi thí nghiệm, phần lớn người tham gia đều cảm thấy đọc danh bạ điện thoại là một việc hoàn toàn ngớ ngẩn và nhàm chán. Ta thường khó bị mất tập trung hơn khi tham gia vào một hoạt động mang tính chủ động như viết lách so với khi làm một việc thụ động như đọc. Như Mann đã dự đoán, kết quả là số lượng ý tưởng sáng tạo với những chiếc cốc giấy còn nhiều hơn, bao gồm khuyên tai, điện thoại, các kiểu nhạc cụ, và thứ Mann thích nhất, là một chiếc áo ngực kiểu Madonna. Nhóm người tham gia thí nghiệm này đã nghĩ rằng cốc không chỉ dùng để chứa đồ.
Bằng những thí nghiệm này, Mann đã chứng minh cho luận điểm của bà: Những người cảm thấy nhàm chán có suy nghĩ sáng tạo hơn.
Nhưng chính xác thì điều gì xảy ra khi bạn cảm thấy nhàm chán khiến trí tưởng tượng của bạn bùng nổ? “Khi chán, chúng ta tìm kiếm một thứ gì đó khiến ta cảm thấy kích thích, thứ mà chúng ta không thấy ở không gian ngay quanh ta,” Mann giải thích. “Vì vậy, có lẽ chúng ta thử tìm yếu tố kích thích đó bằng cách để cho tâm trí tự do lang thang và đi tới đi lui trong đầu mình. Đó chính là thứ kích thích sự sáng tạo, bởi một khi bạn bắt đầu mơ mộng và thả lỏng tâm trí, bạn bắt đầu vượt qua rào cản ý thức và suy nghĩ sâu vào tiềm thức. Quá trình này cho phép những kết nối khác nhau được tạo dựng nên. Điều đó thật tuyệt vời.” Hết sức tuyệt vời.
Sự nhàm chán chính là cửa ngõ cho tâm trí lang thang, nó giúp não bộ của chúng ta hình thành những kết nối mới mà có thể giải quyết mọi vấn đề, từ lên kế hoạch cho bữa tối cho tới những ý tưởng đột phá nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Gần đây, những nhà nghiên cứu mới bắt đầu tìm hiểu về hiện tượng tâm trí lang thang, hoạt động mà não bộ thường làm khi chúng ta thực hiện một công việc nhàm chán nào đó, hoặc khi ta chỉ ngồi không. Phần lớn nghiên cứu khoa học thần kinh về sự mơ mộng mới chỉ được thực hiện trong 10 năm trở lại đây. Với công nghệ chụp chiếu hình ảnh não bộ hiện đại, hàng loạt khám phá được đưa ra về hoạt động của não bộ không chỉ trong lúc chúng ta say sưa làm việc, mà còn cả khi ta đang trong trạng thái lơ đãng.
Khi ta chủ động thực hiện một công việc nào đó—dù chỉ là chép lại số điện thoại từ sổ danh bạ—chúng ta đang vận dụng “mạng lưới chỉ huy sự tập trung,” phần não bộ điều khiển và cản trở khả năng tập trung. Theo lời chuyên gia khoa học thần kinh Marcus Raichle, “Mạng lưới chỉ huy sự tập trung giúp chúng ta kết nối trực tiếp được với thế giới xung quanh, tức là, với thực tại ngay đây, ngay lúc này.” Ngược lại, khi tâm trí lang thang, chúng ta kích hoạt một phần khác của não bộ mang tên “mạng lưới chế độ mặc định,” do Raichle tìm ra. Chế độ mặc định, thuật ngữ cũng do Raichle đặt ra, dùng để mô tả não bộ “ở trạng thái nghỉ”; đó là khi chúng ta không tập nhập tâm vào một nhiệm vụ bên ngoài vì một mục đích cụ thể nào. Như vậy, trái với quan điểm vẫn phổ biến, khi chúng ta đang lơ đãng thì tâm trí ta vẫn không ngừng hoạt động.
“Về mặt khoa học, mơ mộng là một hiện tượng khá thú vị vì nó nói đến năng lực mà con người phải tạo ra một cách thuần tuý thay vì tư duy hình thành để ứng đối với những sự kiện xảy ra ở thế giới bên ngoài,” theo lời Jonathan Smallwood, người luôn nghiên cứu hiện tượng tâm trí lang thang kể từ 20 năm trước, khi ông mới bắt đầu sự nghiệp trong ngành khoa học thần kinh. (Có lẽ cũng không phải tình cờ, năm ông hoàn thành học vị Tiến sĩ cũng chính là năm chế độ mặc định được tìm ra.)
“Hãy hình dung về một thế giới mà ở đó, chúng ta không cảm thấy nhàm chán, chúng ta sẽ không ngừng cảm thấy thích thú với mọi thứ—những giọt mưa rơi, hay cốm bắp trong bữa sáng.”
Smallwood—người say mê hiện tượng tâm trí lang thang đến mức lấy nó làm tên trên Twitter của mình—đã giải thích tại sao chuyên ngành này vẫn còn rất mới mẻ. “Nó (tâm trí lang thang) chiếm một vị trí rất thú vị trong lịch sử tâm lý học và khoa học thần kinh, đơn giản là do cách ta nghiên cứu khoa học nhận thức,” ông nói. “Phần lớn mô hình và học thuyết thử nghiệm đều xoay quanh việc thực hiện một điều gì đó và quan sát điều xảy ra với não bộ hoặc tâm trí.” Trong quá khứ, phương pháp nghiên cứu trên cơ sở hành vi này đã được dùng để tìm ra cách vận hành của não bộ, và nó đã đem lại một lượng lớn kiến thức về cách ta thích ứng với những kích thích bên ngoài. “Tâm trí lang thang là một trường hợp đặc biệt vì nó không nằm trong phạm trù hiện tượng đó,” Smallwood nói.
Theo Smallwood, chúng ta đang ở một cột mốc trọng yếu trong lịch sử của khoa học thần kinh, bởi cùng với sự ra đời của công nghệ hình ảnh não bộ và các công cụ chuyên dụng để tổng hợp những gì xảy ra trong đó, chúng ta có thể bắt đầu tìm hiểu về những chức năng chưa từng được nghiên cứu. Và điều này bao gồm trải nghiệm khi ta “lo ra” hoặc “đầu óc trên mây”.
Bản chất thiết yếu của sự mơ mộng trở nên thật rõ ràng với Smallwood gần như ngay khi ông bắt đầu nghiên cứu về nó. Sự lơ đãng quan trọng với ta, với giống loài của chúng ta, tựa hồ như “nó có thể là mấu chốt của thứ khiến con người khác biệt với những loài động vật ít phức tạp hơn.” Nó (sự lơ đãng) có liên quan tới nhiều kỹ năng khác nhau, từ sáng tạo cho tới suy tư về tương lai.
Hiện lĩnh vực này vẫn còn quá nhiều thứ để khám phá, nhưng ta có thể chắc chắn khẳng định rằng chế độ mặc định không phải là trạng thái mà khi đó, não bộ ngừng hoạt động. Smallwood sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (fMRI)2 để khám phá những thay đổi thần kinh xảy ra khi những đối tượng nghiên cứu nằm trong máy quét và không làm gì khác ngoài việc nhìn chăm chăm vào một hình ảnh cố định.
Kết quả là trong trạng thái mặc định, chúng ta vẫn sử dụng khoảng 95% phần năng lượng ta vẫn dùng khi não bộ tham gia vào hoạt động suy nghĩ khó khăn, đòi hỏi tập trung cao độ. Dù ở trong trạng thái lơ đãng, bộ não của chúng ta vẫn đang thực hiện một lượng công việc đáng kể. Khi mọi người nằm trong máy quét ở thí nghiệm của Smallwood, bộ não của họ vẫn tiếp tục “thực hiện những hoạt động tự phát một cách rất trật tự.”
“Chúng tôi không thực sự hiểu tại sao lại như vậy,” ông nói. “Khi bạn không có gì để làm, suy nghĩ của bạn vẫn không ngừng nghỉ. Bạn tiếp tục suy nghĩ kể cả khi bạn chẳng thể sử dụng những suy nghĩ đó vào bất cứ việc gì.”
Một phần việc mà Smallwood cùng nhóm nghiên cứu của ông đang thực hiện là cố gắng kết nối trạng thái tư duy tự tạo, không ràng buộc này với hoạt động tự phát, có tổ chức của não bộ, bởi họ cho rằng hai trạng thái này như “hai mặt khác nhau của cùng một đồng xu.”
Những người cảm thấy nhàm chán có suy nghĩ sáng tạo hơn.
Những vùng não bộ cấu thành mạng lưới chế độ mặc định—thuỳ thái dương giữa (medial temporal lobe), vỏ não trước trán giữa (medial prefrontal cortex), và vùng vòng cung vỏ não sau (posterior cingulate cortex)—không hoạt động khi chúng ta thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi khả năng tập trung. Tuy nhiên, chúng lại có vai trò rất tích cực với ký ức “tự truyện” (kho trải nghiệm sống của mỗi cá nhân); thuyết tâm ý (về cơ bản là khả năng cảm nhận suy nghĩ và cảm xúc của những người khác); và đặc biệt hơn cả là khả năng tự đánh giá (tạo dựng nên ý niệm thống nhất về bản thân).
Khi chúng ta mất tập trung với thế giới bên ngoài và đắm mình trong thế giới riêng, ta vẫn không ngừng suy nghĩ. Chúng ta đang miên man trong một khoảng ký ức rộng lớn, mường tượng về những khả năng trong tương lai, nghiền ngẫm về mối quan hệ của ta với mọi người, và tự nhìn nhận bản thân mình. Điều này tựa như chúng ta đang lãng phí thời gian đợi chờ tín hiệu đèn đỏ lâu nhất thế giới chuyển xanh, nhưng não bộ ta khi ấy đang đem một loạt ý tưởng và sự kiện nảy sinh ra để mà nghiền ngẫm.
Đây chính là điểm then chốt khiến tâm trí lang thang hay sự mơ mộng khác biệt với những loại hình nhận thức khác. Thay vì trải nghiệm, sắp xếp, và lý giải sự việc theo cách mà chúng xảy đến với ta từ thế giới bên ngoài, chúng ta lại bắt đầu nhận thức từ bên trong. Vì thế, ta có thể phản ánh và nhận thức sâu sắc hơn sau khi thời điểm “nóng” qua đi. Smallwood đưa ra ví dụ về một cuộc cãi vã: Khi hai bên tranh luận, thật khó để có thể giữ thái độ khách quan hay nhìn nhận sự việc từ quan điểm của người khác. Tức giận và adrenaline, cùng sự hiện hữu và cảm xúc của đối phương khiến cho việc suy ngẫm thật khó khăn. Nhưng ngày hôm sau, lúc đang tắm hoặc lái xe trên đường, khi não bộ tua lại cuộc cãi vã đó, suy nghĩ của bạn trở nên minh bạch hơn. Bạn không những có thể nghĩ về hàng triệu thứ mà mình đáng lẽ phải nói ra, nhưng cũng có thể, khi không còn “kích thích từ người cùng bạn cãi vã,” bạn có thể nhìn nhận sự việc từ một quan điểm khác và hiểu rõ hơn. Suy nghĩ theo hướng khác về một tương tác cá nhân, thay vì cách mà bạn đã hành xử khi thực sự ở trong tình huống đó là một hình thức sáng tạo nảy sinh khi tâm trí lang thang.
“Sự mơ mộng là vô cùng cần thiết với những giống loài như chúng ta, khi mà những mối quan hệ xã hội thực sự rất quan trọng,” Smallwood nói. “Đó là bởi trong cuộc sống hàng ngày, thứ khó lường nhất mà chúng ta gặp phải chính là những người khác.” Nếu bạn thử đem chia nhỏ ra, phần lớn thế giới quanh ta, từ đèn giao thông tới quầy thanh toán ở tiệm tạp hoá, thực chất đều được quản lý bởi các quy luật hết sức đơn giản. Con người thì lại không đơn giản như vậy. “Sự mơ mộng là để đáp lại nhu cầu tìm hiểu những khía cạnh phức tạp của cuộc sống, mà phần lớn, là đồng nghĩa với việc tìm hiểu những người khác.”
Nói chuyện với giáo sư Smallwood, tôi thực sự cảm thấy bị thuyết phục hơn bao giờ hết rằng việc lấp đầy khoảng trống trong ngày bằng việc kiểm tra hộp thư điện tử, cập nhật Twitter, mò mẫm túi áo, túi quần, hay cặp sách để tìm chiếc điện thoại không ngừng rung là những việc làm thật tai hại. Tôi đã nhìn ra được vì sao để cho tâm trí lang thang lại chính là chìa khoá cho sáng tạo và năng suất công việc.
“Thực ra thì đó là một lời tuyên bố gây tranh cãi,” Smallwood nói. “Ý tôi là những người lúc nào cũng mộng mơ thì sẽ không thể hoàn thành việc gì hết.”
Cũng phải. Tôi không thích khi Smallwood khiến suy nghĩ của mình bị gián đoạn, nhưng điều ông nói không sai, sự mơ mộng không thường được coi là một điều tốt. Freud cho rằng những kẻ mơ mộng có vấn đề về thần kinh. Cho tới tận những năm 1960, các giáo viên vẫn được nhắc nhở rằng những học sinh mơ mộng có nguy cơ mắc phải những vấn đề về sức khoẻ tâm lý.
Hiển nhiên là có rất nhiều cách mơ mộng hay để tâm trí lang thang—và không phải tất cả đều giúp ta làm việc năng suất hay đem lại những tác động tích cực. Trong cuốn The Inner World of Daydreaming (tạm dịch: Thế giới nội hàm của sự mộng mơ), nhà tâm lý học Jerome L. Singer, người đã nghiên cứu hiện tượng tâm trí lang thang hơn 50 năm nay, đã chỉ ra ba hình thái mơ mộng khác nhau:
• khó có thể tự tập trung
- bồn chồn-ủ rũ
- tích cực-hữu dụng
Và chúng mang ý nghĩa hệt như tên. Những người với khả năng tập trung kém thường hay lo lắng, xao nhãng, và gặp khó khăn trong việc tập trung, kể cả trong những lúc mơ mộng. Khi tâm trí ta lang thang trong trạng thái ủ rũ, suy nghĩ của chúng ta thường bị cuốn hút bởi những điều vô dụng và mang màu sắc tiêu cực. Ta tự trách mình vì đã quên mất một ngày sinh nhật quan trọng hay cảm thấy ám ảnh vì không có lời đáp trả sắc sảo nào khi cần tới nó. Ta chìm đắm trong những cảm xúc tội lỗi, lo lắng, và giận dữ. Một số người dễ bị mắc kẹt trong vòng suy nghĩ tiêu cực này. Không có gì đáng ngạc nhiên khi kiểu tâm trí lang thang này hay gặp ở những người nói rằng họ thường không cảm thấy hạnh phúc. Khi tâm trí liên tục lang thang trong trạng thái ủ rũ, nó có thể khiến con người sa vào những hành vi tai hại như cờ bạc, nghiện ngập, và rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có phải tâm trí lang thang không chỉ hay gặp ở những người thường x uyên không cảm thấy hạnh phúc, hay nó (tâm trí lang thang) cũng đem đến cảm giác bất hạnh. Trong một nghiên cứu năm 2010 mang tên “A Wandering Mind Is an Unhappy Mind” (tạm dịch: Tâm trí lang thang là thứ tâm trí không hạnh phúc), Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert, hai nhà tâm lý học từ trường Đại học Harvard đã phát triển một ứng dụng trên iPhone để khảo sát suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi của 5,000 người vào mọi thời điểm trong ngày. (Thông báo xuất hiện ngẫu nghiên trên điện thoại thông minh của người tham gia khảo sát, kèm theo đó là một loạt các câu hỏi như việc mà người đó đang làm, anh ta có đang nghĩ về việc anh ta đang làm hay không, và mức độ hạnh phúc anh ta đang cảm nhận vào thời điểm đó.) Từ kết quả khảo sát, Killingsworth và Gilbert nhận ra rằng “mọi người hay nghĩ về những điều đang không xảy ra với mức độ tương đương như khi họ nghĩ về những điều đang xảy ra” và “làm vậy khiến họ cảm thấy không hạnh phúc.”
Tương tự như điều mà bạn nghe trong mọi lớp yoga—chìa khoá cho sự hạnh phúc chính là tận hưởng hiện tại. Vậy rốt cục thì sao? Tâm trí lang thang có lợi hay có hại? Thực ra là như mọi thứ khác trên đời, sự mơ mộng có vẻ khá phức tạp.
Smallwood cùng thực hiện một nghiên cứu về mối liên hệ giữa tâm trạng và tâm trí lang thang, họ khám phá ra rằng “việc hình thành những suy nghĩ lan man không liên quan tới hoàn cảnh xung quanh có thể vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của cảm giác bất hạnh.” Cái gì!?
Sự lơ đãng quan trọng với ta, với giống loài của chúng ta, tựa hồ như “nó có thể là mấu chốt của thứ khiến con người khác biệt với những loài động vật ít phức tạp hơn.”
Nghiên cứu năm 2013 (đồng thực hiện bởi Florence J.M. Ruby, Haakon Engen, và Tania Singer) khẳng định rằng không phải mọi suy nghĩ tự phát hay tâm trí lang thang đều giống nhau. Dữ liệu về suy nghĩ của gần 100 người tham gia tính đến việc nó có liên quan tới nhiệm vụ cụ thể nào hay không, tập trung vào quá khứ hay tương lai, suy nghĩ đó xoanh quanh chính bản thân họ hay những người khác, và nó tích cực hay tiêu cực. Điều mà nghiên cứu này tìm ra là, đúng, suy nghĩ tiêu cực mang tới tâm trạng tiêu cực. Suy nghĩ tự phát của những người trầm cảm thường gây ra và bị gây ra bởi tâm trạng tiêu cực, và “suy nghĩ về quá khứ có vẻ đặc biệt liên can tới tâm trạng ủ rũ.” Nhưng không phải mọi hi vọng đều đã tiêu tan. Nghiên cứu này còn tìm ra rằng “ngược lại, những suy nghĩ về tương lai, về bản thân giúp cải thiện tâm trạng, kể cả khi ta đang có những suy nghĩ tiêu cực.”
“Sự mơ mộng có những điểm đặc biệt, cho phép chúng ta suy nghĩ theo một cách riêng về cuộc sống của mình,” Smallwood nói. “Nhưng trong một vài hoàn cảnh nhất định, tiếp tục suy nghĩ về một điều gì đó không hẳn là một điều nên làm. Nhiều khi cảm giác bất hạnh liên tục lại có liên quan tới sự mơ mộng chỉ bởi có những vấn đề ta không thể giải quyết.”
Tâm trí lang thang cũng khá giống như những cái điện thoại thông minh, dù hữu ích nhưng ta rất dễ lạm dụng. Smallwood cho rằng chúng ta không nên nghĩ về công nghệ của những chiếc điện thoại—hay về bộ não của chúng ta—bằng việc đánh giá chúng “tốt” hay “xấu”. Thay vào đó, ta nên nghĩ về cách sử dụng chúng. “Điện thoại thông minh cho phép chúng ta thực hiện hàng loạt những điều tuyệt vời như liên lạc với mọi người ở xa, nhưng chúng ta cũng có thể mắc kẹt khi để toàn bộ cuộc sống của mình phụ thuộc vào chúng,” ông nói. “Đó không phải là lỗi của cái điện thoại.” Sự mơ mộng khiến chúng ta nghĩ về mọi thứ theo một cách khác, tốt đẹp hơn, tồi tệ hơn, hay cũng chỉ đơn giản, là khác.
Mặt đối lập của sự mơ mộng trong trạng thái ủ rũ, mơ mộng một cách tích cực-hữu dụng, là khi suy nghĩ của chúng ta hướng tới sự tưởng tượng. Chúng ta cảm thấy hào hứng về những khả thứ mà não bộ tạo ra, dường như từ hư vô, giống như ma thuật vậy. Loại hình tâm trí lang thang này thể hiện động lực nội tại giúp chúng ta khám phá những ý tưởng và cảm xúc mới, lên kế hoạch, và giải quyết vấn đề.
Vậy làm thế nào để tâm trí có thể lang thang một cách “lành mạnh”? Giả sử, bạn có xích mích với đồng nghiệp. Tối hôm đó, trong khi đang làm salad, bạn thấy rằng mình đang tua đi tua lại cảnh tượng đó trong đầu; cảm xúc giận dữ lại dâng trào và bạn vẫn tự trách mình vì đã không đáp trả một cách khôn ngoan hơn khi anh ta ngầm ám chỉ rằng bạn đã không chú tâm vào một dự án gần đây. Nhưng, với tâm trí lang thang tích cực-hữu ích, bạn sẽ bỏ qua việc đó, và nghĩ cách để cho anh ta thấy công sức bạn bỏ ra để đáp ứng yêu cầu từ những dự án này … hoặc có thể bạn sẽ tìm cách tạo lập một nhóm hoàn toàn khác để tránh khỏi gã tồi đó, vì cuộc đời vốn đã quá ngắn ngủi.
“Thay đổi lối suy nghĩ là một việc nói thì dễ hơn làm,” Smallwood nói. “Sự mơ mộng khác với rất nhiều kiểu xao nhãng khác ở điểm là khi suy nghĩ của bạn lang thang tới những chủ đề khác nhau, chúng cho bạn biết cuộc sống của bạn đang ở đâu, và về cảm nhận của bạn về điều đó. Vấn đề là khi cuộc sống của người ta không được thuận lợi cho lắm, thì sự mơ mộng trở nên khó khăn hơn là khi cuộc sống của họ đang diễn ra suôn sẻ. Nhưng dù gì đi nữa, điều quan trọng là nó (sự mơ mộng) cũng giúp chúng ta hiểu thêm về bản thân mình.”
Toàn bộ thời gian tôi dành ra để quen với việc làm mẹ, vừa đẩy đứa trẻ đang quấy khóc trong xe nôi vì nó không chịu ngủ, vừa ước rằng tôi có thể làm một điều gì đó hiệu quả hơn hay có thể nắm được những điều đang xảy ra ngoài xã hội, thực chất lại vô cùng hữu dụng, bởi tôi đã vô tình để cho tâm trí mình có không gian và thời gian để chu du thật xa, hơn bao giờ hết. Tôi không chỉ nghĩ tới những trải nghiệm cũ mà còn hình dung bản thân mình ở khắp nơi trong tương lai mà tôi tự tạo ra, lên kế hoạch tự truyện cho chính mình. Mặc dù liên tục ngẫm nghĩ về những trải nghiệm đau đớn hay bám víu lấy quá khứ hiển nhiên là một “sản phẩm phụ” của sự mơ mộng, nghiên cứu của Smallwood và các nhà khoa học khác đã chỉ ra rằng, khi dành thời gian để tự nhìn nhận bản thân, hầu như mọi người đều có xu hướng “thiên về tương lai.” Lối suy nghĩ này giúp chúng ta đưa ra những giải pháp mới—ví dụ như trong trường hợp của tôi, là cả một công việc mới. Về bản chất, sự mơ mộng rất có lợi khi chúng ta bị mắc kẹt với một vấn đề cá nhân, công việc, hay điều gì đó khác. Và sự nhàm chán là một trong số những tác nhân kích thích tuyệt vời nhất để châm ngòi cho quá trình này.
Thoạt nhìn, sự nhàm chán và sự ưu tú hoàn toàn không liên quan gì với nhau. Nếu phải định nghĩa, sự nhàm chán chỉ là một trạng thái mỏi mệt và bồn chồn vì thiếu hứng thú, mang ý nghĩa cực kỳ tiêu cực và cần phải tránh né bằng mọi giá, trong khi sự ưu tú lại là thứ mà chúng ta hướng tới—sự thành công đáng kinh ngạc và năng lực tâm trí bất thường. Một mặt là thiên phú, trí tuệ, tài năng, sự nhẹ nhàng, mặt khác là sự trì trệ, đần độn, chán nản. Dù không mấy rõ ràng, nhưng hai trạng thái đối lập này thực chất lại có liên hệ mật thiết với nhau.
Andreas Elpidorou, một nhà nghiên cứu tại Khoa Triết học, trường Đại học Louisville và đồng thời là người ủng hộ cho sự nhàm chán, giải thích rằng “Sự nhàm chán thúc đẩy con người theo đuổi một mục tiêu mới khi mục tiêu hiện tại đã không còn đủ thoả mãn, hấp dẫn, hay có ý nghĩa [với bạn].” Trong bài báo khoa học năm 2014 của ông mang tên “The Bright Side of Boredom” (tạm dịch: Mặt sáng của sự nhàm chán), Elpidorou cho rằng sự nhàm chán “đóng vai trò như một trạng thái kiểm soát giúp con người cân bằng được những kế hoạch của mình. Nếu không có sự nhàm chán, con người sẽ luôn bị mắc kẹt trong những tình cảnh thiếu vắng và bỏ qua những trải nghiệm đáng giá về mặt cảm xúc, nhận thức, và xã hội. Sự nhàm chán vừa là lời cảnh báo rằng chúng ta đang không thực hiện thứ mà chúng ta muốn làm, vừa là ‘lực đẩy’ thôi thúc chúng ta thay đổi mục tiêu và kế hoạch hiện tại.”
Bạn có thể nói rằng sự nhàm chán chính là một phòng ấp ra sự ưu tú. Nó là một nơi lộn xộn, khó chịu, mơ hồ, đáng ghét mà một người phải dừng chân trong một chút trước khi tìm được một phương trình hay công thức thắng lợi. Điều này đã được lặp đi lặp lại rất, rất nhiều lần. The Hobbit được hình thành khi J.R.R. Tolkien, một giáo sư tại Oxford, “đối mặt với một chồng bài kiểm tra khổng lồ và đang phải chấm bài thi cho học kỳ hè, một công việc rất tốn công sức, và không may là cũng thật nhàm chán.” Khi ông bắt gặp một trang trong bài kiểm tra mà sinh viên bỏ trống, ông đã vô cùng vui sướng. “Tuyệt vời! Không có gì để đọc,” Tolkien nói với BBC vào năm 1968. “Nên không hiểu sao, tôi đã viết lên đó, ‘Hobbit sống ở đó, trong một cái lỗ trên mặt đất.’” Và thế là, dòng mở đầu của một trong những cuốn tiểu thuyết giả tưởng được yêu thích nhất được hình thành. Steve Jobs, người đã thay đổi cả thế giới với tầm nhìn công nghệ của mình, từng nói rằng “Tôi là một tín đồ của sự nhàm chán. … Tất cả những thứ đồ công nghệ đều thật tuyệt vời, nhưng không có gì để làm cũng có thể tuyệt vời không kém.” Trong tác phẩm Wired của Steven Levy, nhà đồng sáng lập của Apple—khi hồi tưởng lại những mùa hè thật dài và nhàm chán trong tuổi thơ, thứ đã nuôi dưỡng trí tò mò của ông, bởi “tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ trí tò mò”—đã tỏ ra quan ngại về sự biến mất của sự nhàm chán do thiết bị mà ông đã góp phần tạo ra.
Khi nhắc tới sự ưu tú, Steve Jobs chính là một tấm gương hàng đầu. Vì vậy, hãy cùng đón nhận lời khuyên của ông về việc tận dụng sự nhàm chán. Hãy đón nhận cảm hứng từ kiến thức về khao học và lịch sử đằng sau sự nhàm chán truyền, và đem nó vào cuộc sống. Lúc đầu, bạn có thể sẽ cảm thấy khó chịu, phiền phức, hoặc thậm chí là giận dữ, nhưng đâu ai biết được điều bạn có thể đạt được một khi bạn vượt qua những giai đoạn đầu tiên của sự nhàm chán và bắt đầu nắm được một vài “hiệu ứng phụ” tuyệt vời từ nó?
Manoush Zomorodi là nhà quản lý, đồng thời là biên tập chính của chuyên mục “Nhắn gửi bản thân,” “dùng công nghệ để nói về việc làm người,” ở Đài WNYC. Hàng tuần trên mục podcast của mình, Manoush tìm kiếm câu trả lời cho những khó khăn trong cuộc sống do công nghệ kỹ thuật số mang lại thông qua các cuộc thử nghiệm và trò chuyện cùng với người nghe và các chuyên gia. Bà đã đạt được vô số giải thưởng cho những cống hiến của mình bao gồm bốn giải từ Câu lạc bộ Báo chí của New York. Manoush là tác giả của cuốn Bored and Brilliant và Camera Ready.
Trích từ Bored and Brilliant, viết bởi Manoush Zomorodi. Bản quyền © 2017 từ tác giả và được in lại dưới sự cho phép của NXB St. Martin’s Press.
Cornflakes làm từ bắp, theo kiểu thô sơ là luộc bắp, xay bắp, rồi chiên cho giòn sau đó đập vụn ra thành từng miếng nhỏ, thường được dùng kèm với sữa vào bữa sáng.↩
fMRI là phương pháp theo dõi sự thay đổi lượng oxy trong máu ở não để đo đạc hoạt động trong vỏ não hình ảnh của những người thử nghiệm khi cho họ nhìn vào những bức ảnh động vật, thức ăn, con người và những vật thể phổ biến khác.↩
Cảm ơn bài viết của bạn rất nhiều. Rất bổ ích
Mình chỉ có góp ý là đoạn 3, Wijnand van Tilburg là một cái tên bạn nhé
cảm ơn bạn nhiều, mình đã chỉnh lại lỗi typo
Mình muốn chuyển bài sang tiếng anh thì làm cách nào ạ?
bạn click vào link tụi mình đã để ở mục “Nguồn” là sẽ dẫn tới bài gốc nhé
Bài này thật sự bổ ích đối với tôi. 🔥🔥