28/05/2016
Giờ đây thì người người nhà nhà, chẳng tính những nơi khỉ ho cò gáy ra, đều hòa lưới điện xoay chiều (AC, hay là alternating current). Nhưng có ai còn nhớ rằng cái thời mà điện còn là thứ xa xỉ, người mà chúng ta vẫn coi là cha đẻ của bóng đèn điện, Thomas Edison từng ra sức ủng hộ phổ biến điện một chiều (DC, hay là direct current)? Theo ông thì điện một chiều có nhiều ưu điểm của nó: truyền đi xa mà hao tốn ít điện hơn, ít nguy hiểm chết người hơn, và không cần sử dụng đến máy biến thế. Tương tự, trong cuốn Longitude (tạm dịch: Kinh tuyến), tác giả Dava Sobel lần lại lịch sử để chỉ rõ rằng một chiếc đồng hồ có thể giữ giờ trên biển cả rộng lớn thực ra không phải là giải pháp duy nhất cho “bài toán Kinh Tuyến1.” Đối thủ chính của nó lại đi theo một hướng hoàn toàn khác khi sử dụng các bảng tính dựa trên vị trí sao trời.
Một ví dụ khác: Khi nhìn lại, chúng ta đều công nhận sự xuất hiện của nông nghiệp là một bước ngoặt trong lịch sử con người. Nhưng kể cả nông nghiệp cũng chẳng phải là đi đến đâu là dân săn bắt hái lượm phổ cập đến đấy; canh tác cây trồng chưa chắc đã tạo ra nhiều thức ăn hơn là đơn giản lấy từ thiên nhiên2. Ta thấy được qua những ví dụ này: không phải cứ được tạo ra thì công nghệ mới sẽ được chấp thuận; và sự chấp thuận này không đơn thuần chỉ do công nghệ đó mới mẻ đột phá như thế nào, mà còn dựa rất nhiều vào bối cảnh lịch sử.
“Hầu hết mọi phân tích về công nghệ đều mặc định công nghệ đó như một điều đương nhiên và chỉ quan tâm đến những ảnh hưởng của nó” (1). Bồn cầu xả nước chính là một ví dụ. Hằng ngày, ít ai trong số những con người đủ may mắn có được một chiếc bồn cầu, tự hỏi bản thân rằng, tại sao chúng ta lại xả nước để giải quyết chất thải của bản thân? Hỏi Google “tại sao bồn cầu xả nước” thì chỉ nhận được câu trả lời phù hợp hơn với câu hỏi “bồn cầu xả nước hoạt động như thế nào”. Thế giới hàn lâm cũng chẳng khá khẩm gì hơn khi hầu hết các nghiên cứu về bồn cầu xả nước (khi mà người ta có nghiên cứu về bồn cầu xả nước, mà điều này thì không xảy ra thường xuyên cho lắm) tập trung vào ảnh hưởng môi trường hoặc những cải tiến mới. Chúng không hề giải thích tại sao bồn cầu xả nước lại hiện diện khắp mọi nơi.
Hằng ngày, ít ai, trong số những con người đủ may mắn có được một chiếc bồn cầu, tự hỏi bản thân rằng, tại sao chúng ta lại xả nước để giải quyết chất thải của bản thân?
Bồn cầu xả nước đã trở nên phổ biến trong hoàn cảnh lịch sử nào? Điều này có những hệ quả gì? Tại sao bồn cầu xả nước như chúng ta biết hiện nay không phải là giải pháp tốt nhất cho việc xử lý chất thải? Trong quá trình viết bài này, tôi tìm hiểu về sự phổ biến của bồn cầu xả nước tại Anh và Hoa Kỳ, nhằm tìm ra vài câu trả lời sơ bộ và cơ bản cho những câu hỏi trên. Bằng cách này tôi mong chúng ta sẽ nhận ra rằng, việc cộng đồng chấp nhận công nghệ toa-lét này phải dựa vào lịch sử, và dù rằng có là tiêu chuẩn vàng vệ sinh mà mọi cải tiến khác phải bì lại, bồn cầu xả nước thực ra không phải là lý tưởng, hay không phải là không có giải pháp thay thế.
Lịch sử xả siêu ngắn
Những năm 1800, người dân Mỹ “đi” vào nhà xí mà có thể được kết nối với một bể chứa (cesspool) tập thể mà cũng có thể không. Phần lỏng sẽ thấm vào lòng đất xung quanh, còn phần rắn còn lại thì được sử dụng cho nông nghiệp hoặc đổ vào kênh rạch. Có tí hệ thống cống rãnh nào thì chức năng chủ yếu là dùng để thoát bớt nước khi có bão (1).
Việc xử lý chất thải sử dụng nước có vẻ như đã bắt nguồn từ nhà vệ sinh công cộng thời La Mã, nhưng hồi đó chất thải của công dân thành Rome chỉ đơn giản được “thả” vào những cái hố đen ngòm rồi cuốn trôi theo dòng nước từ hệ thống ống dẫn nước La Mã nổi tiếng (aqueducts) (2). Dường như chưa có việc “xua đuổi” chất thải đi một cách chủ động, hay còn gọi là “xả.”
Có một câu chuyện khá phổ biến kể rằng quý ngài Thomas Crapper (với cái tên thật hợp lý!) đã phát minh ra chiếc bồn cầu xả nước, nhưng điều này không đúng, dù Crapper có nắm giữ một số bản quyền liên quan. Cháu trai nữ hoàng Elizabeth I, ngài John Harrington, mới là người thường được cho là đã nghĩ ra ý tưởng ban đầu. “Water closet” (dịch sát nghĩa là “buồng nước”), hay chính là chiếc bồn cầu xả nước quen thuộc với chúng ta, bắt đầu được giới thiệu tại Anh vào những năm 1700, ở Mỹ những năm 1800. (Trong bài viết này, hai cụm ‘bồn cầu xả nước’ và WC sẽ được sử dụng tương đương nhau, là một loại ‘công nghệ toa-lét’ để xử lý chất thải, trong số nhiều công nghệ khả thi.)
Không có một tư liệu nào ghi chép lại cụ thể sự truyền bá của WC, vốn trong giai đoạn đầu diễn ra đầy ngập ngừng. Dù gì thì nó cũng không thể được gọi là một cuộc “cách mạng” được. Thậm chí người ta còn phải nghĩ ra những cuộc “vận động” để thuyết phục người dân lắp đặt những nhà vệ sinh mới. Để lấy ví dụ, một quý ông tên Tinkler thậm chí còn đem chuyện lắp đặt WC ra tòa vì không đồng ý với phán xét của quận Wandsworth phía Nam sông Thames nơi ông ở, “khẳng định rằng những nhà xí có sẵn hoàn toàn vừa ý khách thuê nhà và không hề không lành mạnh hay bất tiện gì cả” (3).
Nói ngắn gọn thì giới chức quyền Anh muốn “đẩy mạnh sự nghiệp xả nước,” nhưng người dân không thuận, vì những lý do hoàn toàn không hề vô lý. Cũng phải, không có lực đẩy đủ thì vạn vật sẽ đứng yên mà thôi; để thuyết phục người ta chuyển đổi sang một công nghệ mới thì “mới” là không đủ. Ta cần phải nhớ rằng những chiếc WC đời đầu không hề vượt trội hơn so với các bậc công nghệ toa-lét tiền bối. Với nhiều bộ phận chuyển động, chúng nhiều khi lăn ra hỏng và thế là chất thải lại trồi lên gặp lại người dùng (3). Chỉ đến khi Alexander Cummings phát minh ra vòng cung chữ S, bảo vệ giác quan nhạy cảm của chúng ta khỏi những mùi hương và cảnh tượng không được dễ ưa, thì chiếc bồn cầu xả nước mà chúng ta biết mới có thể coi là được ra đời. Phải nói là, việc từ chối chấp thuận một công nghệ mới nào đó không phải lúc nào cũng là “chậm tiến,” mà phải tính cả các yếu tố ngoại cảnh khác nữa (4, 5).
Dù sao thì đến khoảng năm 1880, ước tính một phần tư các hộ dân tại Mỹ có WC, một con số vô cùng ấn tượng nếu ta cân nhắc đến việc là vật gia dụng này mới được đăng ký bản quyền tại Mỹ vào năm 1833. Ở bờ bên kia Đại Tây Dương, việc chuyển đổi qua WC bắt đầu tăng tốc tính từ những năm 1850; vào năm 1882 tại Dublin (thủ phủ của Ireland) có khoảng 1500 chiếc WC, nhiều hơn số nhà xí kiểu cũ còn lại của thành phố (3). Vậy là công nghệ toa lét đàn em đã thắng thế.
Lịch sử chồng chéo
Hai nghiên cứu của Benidickson năm 2007 và Tarr et al. năm 1984 về chủ đề này chỉ ra vài yếu tố lịch sử và xã hội quan trọng quyết định số phận của chiếc bồn cầu xả nước: tốc độ đô thị hóa chóng vánh, đường ống dẫn nước, ảnh hưởng của các kỹ sư, sự không hài lòng với các công nghệ toa lét sẵn có, xu hướng trung tâm hóa việc quản lý chất thải, và cuối cùng là tiềm năng trang trí nhà cửa của bồn cầu xả nước. Những yếu tố này không hề riêng biệt, mà đều phụ thuộc lẫn nhau, và thường xuất hiện nối bước nhau. Như đã tường thuật ở trên, lịch sử của chiếc bồn cầu xả nước không chỉ là một hàm đi lên nuột nà, và các yếu tố đã kể trên trên đây cũng không chỉ đơn thuần hỗ trợ cho nó.
Bắt đầu từ Philadelphia vào năm 1802, đô thị Hoa Kỳ bắt đầu xây dựng các hệ thống cấp nước từ các nguồn ở xa. Nguồn cung tăng khiến nhu cầu dùng nước cũng tăng. Chỉ số sử dụng nước nội địa tăng vọt lên. Trước đó, lượng nước bình quân đầu người chỉ khoảng 3 đến 5 ga-lông một ngày (khoảng 11 đến 18 lít)1; đến năm 1882 con số này tăng một cách chóng mặt lên tới từ 55 đến 149 ga-lông một ngày (khoảng 208 đến 564 lít). Tất cả chỗ nước này được đổ vào các bể chứa kiểu cũ hay đường ống thải. Các khu đô thị dần lớn mạnh, mật độ dân số leo thang. Dưới sức ép với dân số và lượng nước thải trên đầu người ngày càng tăng, các bể chứa chất thải thường xuyên gặp vấn đề. Kể cả lạc quan nhất thì, việc dọn rửa chúng, thường được làm bằng tay, cũng vô cùng mất công mất sức và gây ra “những vấn đề mỹ quan và sức khỏe” (1).
Một yếu tố khác chính là việc lắp ống thải. (Bồn cầu xả nước cũng chẳng có tác dụng gì nếu không có cái gì để mà xả chất thải vào. Một hệ thống bể phốt thì không cần ống iếc gì, nhưng đó là chuyện sau này.) Việc lắp thêm đường ống thải để phục vụ cho các WC mới rõ ràng là rất logic. Nhưng logic này đã không xảy ra; trên thực tế ít thành phố nào lắp thêm các đường ống thải cạnh ống nước, “bởi vì chúng được tin là một công nghệ không cần thiết, chưa được chứng minh, hoặc quá đắt đỏ.” Cũng như trên, có thêm cung thì sẽ có cầu; việc có thêm nguồn nước từ ngoài vào khiến cho người ta lắp đặt WC nhiều hơn, và WC thì chỉ khiến cho lượng nước sử dụng và xả ra tăng vọt hơn. Những người ủng hộ nguồn nước dẫn từ ngoài vào đã không tiên đoán được cuộc cách mạng WC, vì vậy chúng “gây ra nhiều vấn đề và mối lo ngại về vệ sinh,” gây ra tràn chảy và nhiễm độc phần cơ sở hạ tầng còn chưa hoàn thiện (1).
Nhóm người ủng hộ công nghệ toa-lét mới, chủ yếu từ thành phần kỹ sư mới hình thành, vốn cũng ủng hộ việc quản lý chất thải đô thị, cho rằng điểm cộng lớn nhất của nó nằm ở việc giải quyết các vấn đề sức khỏe và vệ sinh. Trớ trêu là các thành phố chấp nhận thông qua công nghệ mới lại chứng kiến nhiều ca tử vong do sốt thương hàn và các bệnh đường nước khác.
Chuyện châm biếm ở chỗ rõ ràng là các thành phố mang công nghệ tải nước về vì họ dự kiến sẽ có được những lợi ích sức khỏe ở địa phương từ việc thu thập và loại bỏ chất thải nhanh chóng hơn hoàn chỉnh hơn, nhưng trên thực tế lại tạo ra những tác động nghiêm trọng… Thường thì các bên thứ hai hay các thành phố hạ lưu phải gánh chịu hệ quả, nên các đô thị (thượng lưu) tiếp tục xây thêm hệ thống nước thải (1)…
Chỉ khi các hội đồng quản trị y tế và các quy định vệ sinh được thi hành3 thì hệ thống xử lý chất thải này mới có thể trở nên khả thi. Rất nhiều công sức mới có được một cú xả nước nhẹ tênh mang lại sự yên tâm tuyệt đối như ngày hôm nay.
Vấn đề với bồn cầu xả nước
Theo báo cáo về sử dụng nước sinh hoạt năm 2010 của Hiệp hội địa chất Hoa Kỳ (6), người dân Hoa Kỳ sử dụng trung bình 333 lít nước cho mục đích sinh hoạt mỗi ngày. Chiếm phần lớn nhất trong đó, đến 26,7%, là nước dùng để giật bồn cầu. Chúng ta hãy thử một thí nghiệm tưởng tượng. Một người bình thường đi vệ sinh từ bảy đến tám lần một ngày, thải ra trung bình 1,4 lít nước tiểu. Để tiện tính toán thì chúng ta cũng giả sử một người bình thường luôn luôn xả nước sau mỗi lần ‘đi,’ nếu sự tiện lợi này trong tầm với của họ. Một chiếc WC loại tiêu chuẩn hiện nay sử dụng trung bình 6 lít nước mỗi lần xả, mà trong hầu hết các hộ gia đình thì con số này không được phân biệt giữa chất thải lỏng hay rắn. Nhiều mẫu bồn cầu cũ hơn thì còn dùng lượng nước hơn gấp đôi. Sáu nhân với tám thì là 48 lít.
Nói theo cách khác thì chúng ta sử dụng đến 48 lít nước, hoàn toàn có thể uống được, để tống ra khỏi tầm mắt 1,4 lít nước, nguồn gốc từ chính số nước chúng ta đã uống. Và đó chỉ là phần lỏng thôi. Esrey et al. (1998) tóm tắt lại tình hình một cách hoàn hảo: “[ta cho phép] một lượng phân rất nhỏ gây nhiễm bẩn một thể tích nước ‘xám’ sạch khổng lồ.”4 Thật trớ trêu là mặt khác, những nhà máy xử lý nước hiện đại lại được đầu tư những món tiền khổng lồ để lọc bớt ra khỏi nước chính lượng chất thải này, mà trước đó được cho phép gây ô uế dòng nước.
Nếu nhìn theo cách này, xả nước bồn cầu để loại bỏ chất thải thực sự không được có lý lắm.
Jewitt (2011) chỉ ra rằng “vấn đề ở đây dường như phản ánh một vấn đề rộng hơn, đấy là ranh giới công cộng/cá nhân giữa việc sản xuất và việc quản lý chất thải,” khi nói đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan phát triển vệ sinh đang đương đầu. “‘Đi’ rất mỉa mai ở chỗ là nó là việc của riêng một người, song những hệ quả của nó thì vừa ở dạng số nhiều lại vừa là của chung” (4). Cũng như cơ thể gọn ghẽ trắng muốt của chiếc bồn cầu xả nước giấu đi “nhiều tuyệt tác cơ khí phức tạp và lạ lùng” (3), cú xả nước “mỳ ăn liền” che khuất lượng công sức khổng lồ đổ vào việc bảo trì các đường ống chất thải công cộng và việc lọc chất thải ra khỏi dòng nước.
Benedickson (1987) và Esrey (2001) phê phán các hệ thống xử lý chất thải truyền thống (chính là bồn cầu xả nước kèm với đường ống thải) vì chúng dựa vào một sự mặc định bất thành văn rằng ‘chất bài tiết của con người không khá gì hơn đồ bỏ đi, và môi trường tự nhiên hoàn toàn có đủ khả năng xử lý toàn bộ số chất thải này.’ Cả hai mặc định này đều trở nên không còn đúng nữa trong thời đại này, bởi vì 1) chất thải của con người hoàn toàn có thể có nhiều ứng dụng như trong nông nghiệp hay sản xuất năng lượng, điển hình như mô hình biogas ở nông thôn Trung Quốc và 2) gia tăng dân số và đô thị hóa dẫn đến những mật độ người ngạt thở, cũng có nghĩa là con người không thể ỉ lại vào sự tuần hoàn của tự nhiên được nữa.
Tuy vậy, nếu ta nhớ đến bối cảnh của thế kỷ mười chín, khi mà bồn cầu xả nước trở nên phổ biến, thì những cụm từ như ‘tiết kiệm nước’ hay ‘ô nhiễm môi trường’ không phải một khái niệm trong nhận thức cộng đồng. Để sửa bồn cầu, người ta kê đơn “một liều giật nước mạnh” và nhớ sử dụng “một khoản nước dồi dào.” Toàn bộ hệ thống chỉ được thiết kể để đẩy sự ô uế khỏi mắt nhìn và tránh khỏi những sự khó chịu ở tầm địa phương; việc xử lý không hề tồn tại. Công chúng phần lớn nghĩ rằng “kênh rạch chính là ống xả thải tự nhiên.” “[Mặc định là] xả thải vào sông suối đã là xử lý đủ bởi vì dòng nước chảy có tính chất tự thanh lọc.” (1)
Đến đầu thế kỷ 19 thì những niềm tin này bắt đầu bị nghi ngờ. Đến ngày hôm nay thì đã có rất nhiều các nghiên cứu vạch rõ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường của hệ thống bồn cầu xả nước và đường ống thải truyền thống. Những năm gần đây, vệ sinh sinh thái (ecological sanitation, hay ecosan) được phát triển như một phương thức thay thế và thân thiện với môi trường hơn. Nó vẫn bị so sánh với bồn cầu xả nước, dù công nghệ này trên thực tế không hề là ‘tiêu chuẩn’ về vệ sinh. Thường chỉ trong bối cảnh các nước đang phát triển, chưa có một hệ thống vệ sinh cố định, thì vệ sinh sinh thái mới được cân nhắc đến, như là một ‘giải pháp’ phần nào kém hơn khi mà bồn cầu xả nước không được khả thi.
Không chỉ là một cách “đi”
Công nghệ không bao giờ chỉ được áp dụng mà không có thay đổi đến xã hội. Bồn cầu xả nước mang ý nghĩa rộng hơn rất nhiều so với công dụng tức thời và thấy được của nó trong hộ gia đình. Sự phát triển của nó bị ảnh hưởng bởi bối cảnh, nhưng sau đó chính nó cũng đã định hình phần nào xã hội và văn hóa nơi nó được sử dụng.
Nếu không nói đến “bạ đâu đi đó” (open defecation) thì các công nghệ toa-lét có thể phân loại vào hai nhóm chính: ‘xả và thải,’ có yêu cầu ống nước và ống thải, hay ‘thả và trữ,’ thì không yêu cầu gì cả; hai cách gọi này có thể tự giải thích cho ý nghĩa của chúng. Có một khác biệt sâu xa hơn giữa hai công nghệ này: đó chính là việc xử lý chất thải được thực hiện rải rác, ở tại nơi “sản xuất” hay là được đem về trung tâm và chính là một công trình công cộng. Drangert (2003) đã phân tích được chiếc bồn cầu xả nước xuống tận gốc bản chất của nó: một phương thức giải quyết chất thải tập trung và công cộng thay vì cá nhân, rải rác, và tốn kém. Rất tự nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nó thích hợp nhất với những khu vực đông dân và đòi hỏi một quá trình quy hoạch và xây dựng đô thị gắt gao. Sự thay đổi ở đây không chỉ đơn giản là chuyển từ một kiểu toa-lét này sang một kiểu khác để đi theo đô thị hóa, mà chính công nghệ toa-lét được lựa chọn sẽ thúc đẩy việc đô thị được thiết kế như thế nào.
Hình ảnh men sứ trắng bóng của những chiếc bồn cầu đã trở thành một biểu tượng của phương Tây văn minh. Ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các vùng nông thôn, “người người ôm giấc mơ về một chiếc bồn cầu có thể giật nước. Sở hữu một chiếc có nghĩa là bạn đã thành công ở đời” (5). Khi người ta cân nhắc lắp đặt một hệ thống xử lý chất thải cho một thị trấn hay làng bản trước đó chưa có, bồn cầu xả nước sẽ là lựa chọn mặc định đầu tiên, dù cho việc mật độ dân số thấp và quy hoạch mất trật tự có khiến cho việc này không được thực tế cho lắm, hay ít ra là cũng ít thực tế hơn các biện pháp khác như bồn cầu tự hoại. Các biện pháp này cần phải chứng tỏ bản thân khi sánh với bồn cầu xả nước, ‘tiêu chuẩn.’
Hình ảnh men sứ trắng bóng của những chiếc bồn cầu đã trở thành một biểu tượng của phương Tây văn minh. Ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các vùng nông thôn, “người người ôm giấc mơ về một chiếc bồn cầu có thể giật nước. Sở hữu một chiếc có nghĩa là bạn đã thành công ở đời.”
Trên đây, chúng ta đã thấy rằng: đến cả ở Anh và Mỹ bồn cầu xả nước cũng gặp sự phản đối; và sự phổ biến của nó dựa rất nhiều vào điều kiện cơ sở hạ tầng mà những quốc gia này có điều kiện đáp ứng. George (2008) chỉ ra rằng thật là vô lý nếu ta nói về chiếc bồn cầu xả nước tách biệt khỏi bối cảnh các nước phát triển của nó; nếu chỉ đứng một mình, nó không có ích gì cho việc vệ sinh cả.
Nhìn xa hơn
Phần lớn những nghiên cứu tâm lý học mà có nhắc phần nào đến bồn cầu xả nước thì một là liệt kê các chướng ngại vật về tâm lý người dùng gặp phải khi cân nhắc chuyển đổi sang bồn cầu tự hoại/bồn cầu xả đôi, hoặc đơn giản chỉ ra sự ghê tởm của chúng ta khi phải đối mặt với việc giải quyết chất thải từ chính mình mà ra. Ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn thế.
Có lẽ nên tự hỏi rằng, chiếc bồn cầu xả nước đã định hình thái độ của chúng ta đối với chất thải thế nào? Khi nhắc đến bản thân việc ‘đi’ đại tiện hay sản phẩm của quá trình đó, sự ghê tởm tột cùng của chúng ta thực ra là lý do hay là hệ quả của việc phổ biến bồn cầu xả nước? Bồn cầu xả nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc công hóa xử lý chất thải, và vì vậy đưa chúng ta tách biệt khỏi chất thải của chính mình hơn. Liệu nó đã thay đổi chúng ta và những định kiến của ta như thế nào?
Khi nhắc đến bản thân việc ‘đi’ đại tiện hay sản phẩm của quá trình đó, sự ghê tởm tột cùng của chúng ta thực ra là lý do hay là hệ quả của việc phổ biến bồn cầu xả nước?
Để trả lời những câu hỏi khó nhằn này, một cách tiếp cận khả thi là lật lại lịch sử, so sánh suy nghĩ của con người về chất thải, toa-lét, và môi trường trước và sau sự phổ biến của bồn cầu xả nước. Hiểu được điều này cũng sẽ một bước hướng đến việc hiểu về thái độ đối với chất thải và vệ sinh của loài người nói chung và của từng văn hóa nói riêng.
§
Các nguồn tham khảo
1: Tarr, J., Iii, J., Mcmichael, F., & Yosie, T. (1984). Water and Wastes: A Retrospective Assessment of Wastewater Technology in the United States, 1800-1932. Technology and Culture, 25(2), 226-263. *
2: Kamash, Z. (2010). Which Way to Look: Exploring Roman Latrines. In Toilet: Public Restrooms and the Politics of Sharing (pp. 47-63). New York University Press.
3: Benidickson, J. (2007). Culture of Flushing: A Social and Legal History of Sewage. University of British Columbia Press.
4: George, R. (2008). The Big Necessity: The Unmentionable World of Human Waste and why it matters. Metropolitan Books.
5: Jewitt, S. (2011). Geographies of Shit: Spatial and Temporal Variations in Attitudes Towards Human Waste. Progress in Human Geography, 35(5), 608-626.
6: Maupin, M. A., Kenny, J. F., Hutson, S. S., Lovelace, J. K., Barber, N. L., & Linsey, K. S. (2014). Estimated use of water in the United States in 2010 (No. 1405). US Geological Survey.
Drangert, J. O. (2003). Requirements on sanitation systems–the flush toilet sets the standard for ecosan options. ecosan–closing the loop, 117.
Grant, S., Saphores, J., Feldman, D., Hamilton, A., Fletcher, T., Cook, P., . . . Marusic, I. (2012). Taking the “Waste” Out of “Wastewater” for Human Water Security and Ecosystem Sustainability. Science, 337, 681-686.
Indoor Water Use in the United States. (2008). Retrieved May 10, 2015, from http://www.epa.gov/WaterSense/pubs/indoor.html
Urine 24-hour volume: MedlinePlus Medical Encyclopedia. (n.d.). Retrieved May 10, 2015, from http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003425.htm
Bài toán này, theo như kể lại trong Longitude, liên quan đến việc xác định được đúng kinh tuyến và theo đó là vị trí hiện tại khi đi trên biển. Vĩ tuyến thì có thể xác định từ vị trí của mặt trời đơn giản hơn.↩
Jared Diamond tranh luận trong Súng, Vi trùng, và Thép (Guns, Germs, and Steel) rằng chỉ những nền văn hóa nằm tại các khu vực nghèo nàn về thú vật và có các loài cây phù hợp với chăn nuôi chính là những kẻ tiên phong trong nông nghiệp. Đương nhiên sau này vì nông nghiệp mà loài người bùng nổ dân số, cho nên chúng ta lại càng dựa vào canh tác hơn. Diamond còn cho rằng thực ra nông nghiệp đã đem lại khá nhiều bất hạnh cho nhân loại.↩
Đây cũng là một vấn đề nữa có thể làm rõ hơn, tuy vậy với khả năng hiện tại thì tôi chưa đầu tư nghiên cứu rõ được, có lẽ để sau này.↩
Nước xám hay greywater là loại nước đã qua sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, và không bị ô nhiễm bởi chất thải rắn, ví dụ như nước rửa rau, nước tắm… Thông tin chi tiết hơn về nước xám có thể được xem thêm ở đây.↩
Sự né tránh khi nhắc đến việc đi đại tiện là lý do hay hệ quả của việc xuất hiện bồn cầu xả nước? Là lý do, nhưng có lẽ bồn cầu xả nước chỉ là một trong những thứ làm khuếch đại lý do này lên. Ở các động vật linh trưởng, việc đi vệ sinh được thực hiện ở một nơi cách xa khu vực nó cư trú. Hiển nhiên thôi, vì nếu để ở gần thì sẽ gây bệnh. Sự né tránh này dần trở thành bản năng của chúng ta. Bồn cầu xả nước cũng chỉ là một công cụ, và công cụ thì không có lý do để tồn tại nếu người sử dụng không có nhu cầu xài nó. Công cụ chỉ làm khuếch đại kết quả lên mà thôi.