a
§ Tác giả: Ed Yong | Nguồn: National Geographic
Biên dịch: Hồng Hoa | Hiệu đính:  coda
09/06/2018

Tôi gặp Granny mùa hè năm ngoái, khi tham gia vào chuyến tàu ngắm đàn cá voi sát thủ nổi tiếng. Con thuyền xuất phát từ phía nam Đảo Vancouver. 2 tiếng sau khi khởi hành, chúng tôi bắt gặp những chiếc vây đen lướt trên mặt nước phẳng lặng bất thường. Tổng cộng có đến 12 con cá voi sát thủ. Hướng dẫn viên của đàn có thể nhận diện chúng bằng hình dạng vây và các mảng đốm trắng trên lưng. Granny là cô cá voi có vệt trắng hình trăng khuyết trên vây lưng.

Tôi dành cho Granny một lòng tôn trọng sâu sắc. Nó là thành viên lớn tuổi nhất trong đàn, có thể là con cá voi cao tuổi nhất còn sống trên Trái Đất. Không ai biết chính xác tuổi của nó, nhưng theo một ước tính thường được trích dẫn, nó đã 103 tuổi, già hơn tàu Titanic 1 tuổi, và “bền bỉ” hơn nhiều. Nó đã nhìn thấy những gì trong suốt thời gian đó? Các thế hệ con cháu đông đúc, các cuộc đi săn cá hồi, sự xuất hiện ngày càng đông đúc đến mức khó chịu của ngư dân, nhà khoa học, và khách du lịch. Nó đang nắm giữ khối kiến thức của hàng thập kỷ. Có lẽ chính những tri thức đó sẽ lý giải đặc điểm sinh học kỳ lạ nhất của chính cá voi sát thủ: thời kỳ mãn kinh.

Hầu hết quá trình sinh sản của các loài động vật đều diễn ra đều đặn cho đến lúc chết. Chúng ta chỉ biết có 3 loài nằm ngoài quy luật trên, đó là con người, cá voi vây ngắn và cá voi sát thủ. Trong cả 3 loài, giống cái sẽ mất khả năng sinh sản, nhưng sẽ còn sống tiếp vài chục năm. Đấy chính là thời kỳ mãn kinh. Cá voi sát thủ cái từ 30-40 tuổi sẽ mãn kinh. Nhưng tại sao? Tại sao lại bỏ phí quá nhiều cơ hội truyền gen cho thế hệ sau như thế?

Một trong những lý giải thuyết phục nhất là “giả thuyết người bà,” được đưa ra vào năm 1966. Thuyết này cho rằng những con cái lớn tuổi sẽ không có thêm con nữa để chăm sóc và bảo vệ những đứa con hiện tại. Bằng cách giữ cho con cháu mình an toàn và phát triển tốt, trong tương lai gen của chúng vẫn tiếp tục được truyền lại.

Năm 2012, Giáo sư về Hành vi Động vật Darren Croft tại Đại học Exeter đã tìm thấy bằng chứng ủng hộ giả thuyết này. Cộng sự của ông, Ken Balcomb, đã nghiên cứu cá voi sát thủ ở Tây Bắc Thái Bình Dương từ những năm 1970. Ken đã dày công nghiên cứu chúng kỹ lưỡng, đánh bắt được hàng trăm cá thể cá voi sát thủ cả sống lẫn chết, và cả họ hàng của chúng.

Sau khi đào bới hàng đống số liệu, sinh viên Emma Foster đã nhận thấy rằng nếu một chú cá voi đực mất mẹ trước khi nó 13 tuổi, khả năng tử vong trong năm tiếp theo của nó sẽ tăng gấp 3 lần. Nếu bà mẹ chết khi chú cá voi con đã bước qua tuổi 30, khả năng này tăng lên 8 lần. Còn nếu bà mẹ đã qua tuổi mãn kinh thì rủi là cá voi con sẽ dễ chết hơn đến 14 lần. Những con số trên đã chứng tỏ một điều: mẹ sẽ giúp con mình sống tốt kể cả khi con đã trưởng thành, và các bà mẹ càng già thì càng hữu dụng.

“Vẫn còn một câu hỏi lớn cần trả lời” – Croft nói. “Làm thế nào mà các bà mẹ có thể giúp con mình sống sót? Chúng phải làm gì để giúp con mình sinh tồn?”

Có lẽ cá hồi chính là đáp án cho câu hỏi trên. Đối với một số loài cá voi, 97% thực đơn của chúng là cá hồi. Nhưng cá hồi là loài khó dự đoán. “Chúng không phân bố đồng đều trong đại dương”, Croft giải thích. “Địa điểm thay đổi theo năm, mùa, mức sóng”. Giống như ngư dân, cá voi phải biết được thời gian, địa điểm bắt cá. Chúng đang ở biển hay đang bơi vào đất liền? Chúng có tiến vào vịnh hay không? Những con cá voi già nhất có thể đưa ra dự đoán chính xác hơn, nhờ vào kinh nghiệm của chúng.

Để kiểm tra ý tưởng này, cả đội phải dựa vào những đoạn phim quay lại hình ảnh cá voi phương Nam được nhóm của  Balcomb ghi lại từ năm 2001 đến 2009. Postdoc Lauren Brent phân tích hơn 750 giờ video để tìm xem những con nào sẽ bơi cùng nhau, ai là người dẫn đầu. Cô cũng thu thập dữ liệu từ các ngư trường gần đó để tìm ra số lượng cá hồi vào các thời điểm khác nhau.

Cô phát hiện ra rằng trong một nhóm, số con cái dẫn đầu nhiều hơn con đực, và những con cá già đã mãn kinh (chiếm 1/5 tổng số) dẫn dắt nhóm nhiều hơn những con trẻ. Sự thiên vị này đặc biệt rõ rệt trong các mùa khi lượng cá hồi thấp. Và, như Foster đã tìm thấy, có sự phân biệt giới tính rõ ràng – nam giới nghe theo mẹ nhiều hơn nữ giới.

Mẹ sẽ giúp con sống tốt kể cả khi con đã trưởng thành, và các bà mẹ càng già thì càng hữu dụng.

Cách giải thích dễ hiểu ủng hộ cho lập luận cá voi hậu mãn kinh là “kho lưu trữ kiến ​​thức sinh thái.” Chúng dẫn những con khác đi kiếm thức ăn, và kỹ năng này đặc biệt quan trọng vào những lúc thức ăn khan hiếm. Nhờ thế mà chúng giúp cho con mình sống sót; đánh đổi lại là việc ngừng sinh sản. “Nhưng điều đó không hoàn toàn giải thích được lý do chúng ngừng sinh,” Croft nói. “Chúng có thể chia sẻ thông tin trong khi còn có khả năng sinh sản. Tại sao chúng dừng lại? Đó là câu hỏi tiếp theo.”

Điều này cũng tương tự như thời kỳ mãn kinh của con người. Một số nhà khoa học cho rằng thời kỳ mãn kinh của phụ nữ chỉ đơn thuần là một tác dụng phụ khi con người sống lâu hơn, nhờ thuốc men và lối sống vệ sinh. Nhưng điều đó không thể đúng. Trong số những người bắn hái lượm, như tộc Ache của Paraguay hoặc Hadza Tanzania, khoảng một nửa số phụ nữ sống sót qua 45 tuổi tiếp tục sống đến 60. Giống như cá voi sát thủ, họ vẫn sống ngay cả khi không còn khả năng sinh sản. Và càng sống lâu, họ càng biết nhiều. Năm 2001, nhà nhân chủng học Jared Diamond đã viết:

“Người già là kho chứa kiến ​​thức trong xã hội nguyên thủy. Trong các nghiên cứu thực địa của tôi về các loài chim New Guinea, tôi bắt đầu làm việc trong một khu vực mới bằng cách thu thập thông tin từ  những thợ săn lâu đời nhất và đặt cho họ rất nhiều câu hỏi … Khi những thợ săn được hỏi về một số loài chim cực hiếm, họ trả lời: “Chúng tôi không biết, hãy hỏi ông già (hoặc bà già).” Chúng tôi đi vào một túp lều khác, nơi có một người lớn tuổi, mù lòa và không răng, nhưng vẫn có thể mô tả một con chim quý hiếm được nhìn thấy lần cuối 50 năm trước. Thông tin mà người già nắm giữ là cần thiết cho sự sống còn của toàn bộ ngôi làng, nơi mà thành viên chủ yếu là người thân của họ. Đó có thể là sự hiểu biết về cách đối phó với những nguy hiểm – chẳng hạn như hạn hán,  mất mùa, lốc xoáy và các cuộc tấn công – những mối nguy hiếm khi xảy ra, nhưng lại có thể giết chết toàn bộ bộ lạc nếu họ không biết giải quyết.”

Vậy tại sao voi không trải qua thời kỳ mãn kinh? Chúng cũng là những loài động vật sống lâu trong một gia đình lớn, và những con cái già – các “nữ chúa” – rất quan trọng. Chúng biết cách nhận ra những khuôn mặt thân thiện và biết cách tốt nhất để chống lại sư tử. Chúng hỗ trợ đàn voi của chúng với những lợi ích giống như Granny đem lại cho đàn của mình.

Nhưng cá voi sát thủ khác với voi ở một điểm quan trọng: con trai và con gái của chúng ở lại trong đàn nơi chúng được sinh ra. Điều này có nghĩa rằng khi một con cái già đi, đàn của nó sẽ ngày càng có nhiều con và cháu. Theo thời gian, “hàng xóm” của nó sẽ bao gồm toàn họ hàng của nó, và bộ gen trong đàn sẽ ngày càng tương đồng. Điều này tạo ra một động lực mạnh mẽ để giúp đỡ những con cháu hiện tại, thay vì tiếp tục sinh đẻ.

Động lực đó không tồn tại ở voi bởi vì những con đực sẽ dần rời khỏi đàn mà nó sinh ra để tìm ra những đàn mới. Những con cái ngày càng có ít điểm chung với các thành viên trong đàn, hoặc, không còn có chung quan hệ huyết thống. Lựa chọn tốt nhất của nó, là tiếp tục sinh đẻ, cho đến khi chết.

Và con người? Nhiều nhà nhân chủng học tin rằng xã hội chúng ta thường bắt đầu với thiên hướng phân tán nữ – nghĩa là, nữ giới sẽ rời đi để gia nhập nhóm mới. “Khi nữ giới mới tham gia nhóm, thường cô ta không có liên hệ gì với các thành viên khác trong nhóm,” Croft giải thích. “Tuy nhiên, sau thời gian, thì cô ấy sẽ có thêm con cái và họ hàng.” Thế nhưng, các loài động vật khác như khỉ đầu chó Hamadryas và chim chích chồn Seychelles cũng thiên hướng phân tán nữ nhưng lại không trải qua thời kỳ mãn kinh. “Bởi vì, ngoài các mô hình phân tán, thì yếu tố quan trọng khác chính là vai trò của phụ nữ lớn tuổi trong nhóm,” Croft nói.

Với cá voi sát thủ, những con cái lớn tuổi có khả năng đánh bắt cá hồi tốt hơn, sau đó chúng sẽ chia sẻ với đồng loại. Chúng cũng có thể hiểu được hệ thống phân cấp và cấu trúc của các nhóm khác, do đó có khả năng hòa giải các bất đồng nảy sinh giữa các con trai mình và các đối thủ. Tuy nhiên, những ý tưởng này khó kiểm nghiệm hơn. “Chúng ta có quá ít thông tin về chúng,” Croft nói. “Chúng ta chỉ nhìn thấy chúng trên mặt nước, nhưng lại biết rất ít về cuộc sống của chúng.”

 

Nguồn tham khảo: Brent, Franks, Foster, Balcomb, Cant & Croft. 2015. Ecological Knowledge, Leadership, and the Evolution of Menopause in Killer Whales. Current Biology http://dx.doi.org/10.1016/j.cub.2015.01.037

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất