a
§ Tác giả: Debbie Chachra | Nguồn: The Atlantic
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Dexter
11/11/2016
Khi nền văn hóa công nghệ tán dương việc chế tạo, nó làm dấy lên nguy cơ coi nhẹ những người làm công việc dạy học, phê bình, và chăm sóc người khác.

Thi thoảng, tôi lại được hỏi là tôi “tạo ra” cái gì. Có thể vào một ngày thi lập trình, hoặc một buổi hội thảo sẽ yêu cầu tôi mô tả tôi “tạo ra cái gì” để ghi lên bảng tên.

Tôi luôn thấy không thoải mái với việc này. Tôi không thoải mái với bất cứ một nền văn hóa nào khuyến khích người khác trưng lên mình cả một danh tính, thay vì diễn đạt một khía cạnh của danh tính riêng của mình (“người chế tạo,” thay vì “một người tạo ra một thứ gì đó”). Nhưng tôi còn có những mối lo lớn hơn thế.

Một danh tính xây dựng quanh việc tạo ra sự vật – việc là “một người chế tạo” – tràn ngập nền văn hóa công nghệ. Có một ý tưởng phổ biến là “những người chế tạo ra các sự vật thì đơn giản là khác biệt [hay: tốt hơn] những người không làm thế.”

Tôi hiểu nguồn gốc của động lực này. Những nhà sáng chế, hoàn toàn có quyền, kiêu hãnh về công việc chế tạo của mình. Trong cuốn sách The Real World of Technology (Tạm dịch: Thế giới công nghệ thực), nhà luyện kim Ursula Franklin so sánh công nghệ kiểu chỉ thị, mà trong đó nhiều cá nhân sản xuất những bộ phận cấu thành nên một sản phẩm tổng thể (ví dụ như nhà máy sản xuất đinh ghim của Adam Smith), với công nghệ kiểu toàn diện, nơi một người kiến tạo điều khiển và hiểu toàn bộ quá trình từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành. Ngoài việc dạy các khóa học kỹ thuật, tôi còn phụ trách phòng thí nghiệm của một lớp kĩ sư năm nhất, nơi các sinh viên thiết kế và chế tạo, và với nhiều người trong số họ thì đó là lần đầu tiên. Tạo ra sự vật là một điều vô cùng quan trọng, đặc biệt với những nhóm người mà trước đó chưa từng có cơ hội làm vậy. Khi Câu lạc bộ Khoa học cho các cô gái ở Boston nhờ tôi viết một lá thư cho chính bản thân mình khi còn là một thiếu niên (như một cách để đại diện cho các cô gái trẻ ở khắp mọi nơi), đó chính xác là điều tôi đã viết.

Nhưng còn có những vấn đề quan trọng hơn, bắt rễ từ trong lịch sử xã hội của những người tạo ra – và những người không làm việc đó.

Hãy thử đi thăm một bảo tàng. Hay nhìn quanh một thành phố. Hầu như tất cả những sự vật mà chúng ta trân trọng như một phần của xã hội được tạo ra bởi hoặc theo mệnh lệnh của đàn ông. Nhưng đằng sau mỗi sự vật đó là một cơ sở hạ tầng vô hình của sự lao động – chủ yếu là việc quan tâm chăm sóc, theo nhiều khía cạnh khác nhau – được thực hiện phần lớn bởi phụ nữ. Khi còn là một thiếu niên, tôi đọc tác phẩm của Ayn Rand1 về việc làm thế nào mà những kiểu công việc cần được làm ngày qua ngày lại vô nghĩa, và rằng chỉ có việc tạo ra những sản phẩm mới là một sự mưu cầu xứng đáng. Phản ứng của tôi với điều này là không dọn giường hàng ngày nữa, khiến cho mẹ tôi bực mình vô cùng. (Dù tôi phải thừa nhận rằng có thể tôi đã diễn giải sai ý của Ayn Rand, bởi tôi đã không đọc tác phẩm của bà trong một thời gian dài từ hồi nhỏ, dẫn đến việc mẹ quản lý việc nhà của tôi, thực tôi cũng chẳng có ý định cân nhắc lại ý kiến này trong tương lai gần.) Địa vị văn hóa của việc tạo ra, đặc biệt là trong văn hóa công nghệ – rằng tự bản thân nó đã cao quý hơn việc không-tạo-ra, hay sửa chữa, hay phân tích, và đặc biệt là chăm sóc – bị ảnh hưởng bởi một quá trình lịch sử phân biệt giới tính trong việc ai là người tạo ra, và nhất là, ai là người tạo ra những thứ mà được công bố với thế giới, chứ không phải chỉ trong phạm vi gia đình.

Hầu như tất cả những sự vật mà chúng ta trân trọng như một phần của xã hội được tạo ra bởi hoặc theo mệnh lệnh của đàn ông.

Chế tạo không phải là một phong trào nổi loạn, với những cá nhân rời rạc đứng lên chống lại một hệ thống. Trong khi sự chuyển đổi có thể là từ tập đoàn đến cá nhân (mà nên nhớ rằng được hỗ trợ bởi một tập hợp các công ty khác biệt bán những tập hợp sản phẩm khác biệt), nó chủ yếu nhấn mạnh lại những giá trị quen thuộc, chỉ là dưới dạng hơi khác một chút: rằng sản phẩm quan trọng, còn con người thì không.

Tất nhiên là, không có gì sai trái với việc chế tạo cả (dù chúng ta cũng không thể chắc chắn là liệu thế giới có cần nhiều đồ vật hơn). Vấn đề ở đây là cái ý tưởng rằng khi không tạo ra sản phẩm thì con người ta chẳng làm gì cả – gần như lúc nào cũng chỉ là làm việc cho và với người khác, từ người pha chế đến người điều phối cộng đồng Facebook đến nhân viên xã hội đến bác sĩ phẫu thuật. Miêu tả mình là một người chế tạo – mặc cho là người đó thực sự hay gần như tạo ra cái gì – là một cách để gắn lên bản thân những lợi ích phân biệt giới tính và tư bản của một người tạo ra các sản phẩm.

Ở Thung lũng Silicon, sự phân chia này thường khá rõ rệt: Như Kate Losse đã chỉ ra, những lập trình viên thì có lương cao hơn, nghe danh giá hơn, và có nhiều lựa chọn tốt hơn khi mua cổ phiếu. Những người làm công tác quản lý cộng đồng – mà chính là nền tảng thành công của rất nhiều công ty công nghệ – thì chẳng được gì trong số đó. Chẳng có gì ngạc nhiên khi việc lập trình được phân loại vào danh sách “chế tạo.” Thử nghĩ về sự hài lòng gần như tức thì khi nhìn thấy dòng chữ “hello, world”2 hiện trên màn hình mà xem; đó gần như là cách dễ dàng và khả thi nhất để “tạo ra” sự vật, và hẳn là sự thất bại gây ra rất ít thiệt hại. Lập trình là việc “tạo ra” bởi chúng ta đã tìm ra được làm thế nào để đóng gói nó thành những phần riêng biệt và bán cho người khác, và bởi nó gần như được nhận thức rộng rãi rằng nó được thực hiện bởi đàn ông.

Nhưng bạn cũng có thể nghĩ rằng việc lập trình giống như là tạo ra một tổ hợp những hành vi cụ thể, được mong đợi từ các thiết bị điện tử. Đây chính là quan điểm của Searle về “Căn phòng Trung Quốc”3, một phiên bản sâu sắc, phức tạp, rối rắm, ít có khả năng sao chép, và khó hơn vạn lần của việc chúng ta làm với con người – thay đổi nhận thức, khả năng, và hành vi của họ. Chúng ta gọi việc thứ hai là “giáo dục,” và nó gần như được thực hiện bởi những người phụ nữ bị trả lương và đánh giá thấp.

Tôi không phải là một người chế tạo. Trong một hệ thống định giá mà chỉ quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm, đặc biệt là những thứ có thể bán được, thì tôi trở thành một con người ít giá trị hơn.

Khi những sản phẩm mới được tạo ra, chúng ta nghe về những cải tiến công nghệ đầy hào hứng, mà hầu hết mọi người đều cho là đáng để trả (nhiều) tiền. Ngược lại, những bài diễn thuyết công chúng và chính sách về việc chăm sóc – bên cạnh các ví dụ về giáo dục và y tế mà ta gần như nghĩ đến đầu tiên – thì hiếm khi là về chuyện trả nhiều tiền hơn để làm tốt hơn, mà chủ yếu là về việc tìm ra cách để hạ thấp chi phí. Hãy thử nghĩ đến thuật ngữ kinh tế chi phí bệnh tật của Baumol (Baumol’s cost disease) mà xem: Nó gợi ý rằng thật không hợp lý khi thời gian và năng lượng một nhóm nhạc công phải bỏ ra để chuẩn bị cho một buổi biểu diễn – mà chính là chi phí của họ – lại không được đối xử theo cùng một cách như với hàng hóa, như thể bằng cách nào đó mà con người và những việc họ làm nên trở nên ít giá trị hơn khi nói đến thời gian. (Dù rằng, công bằng mà nói, nếu nhìn vào thay đổi mức lương ở Hoa Kỳ trong những năm vừa rồi, thì đây chính xác là điều đang xảy ra.)

Tôi không phải là một người chế tạo. Trong một hệ thống đóng khung và định giá mà chỉ quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm, đặc biệt là những thứ có thể bán được, thì tôi trở thành một con người ít giá trị hơn. Là một nhà giáo dục, công việc tôi làm lúc nào cũng vậy, năm này qua năm khác. Đó là bởi vì tất cả những thay đổi thực sự, tác động thực sự, là sự giao thoa giữa tôi với tư cách một nhà giáo dục, và các học trò của tôi, và những trải nghiệm học tập mà tôi thiết kế cho họ. Mọi người đã vui mừng bảo tôi rằng tôi là một người chế tạo vì tôi dùng những cụm từ như “thiết kế trải nghiệm học tập,” nhưng thực ra là họ đã nhầm lẫn giữa việc tôi làm (dạy học) và thứ tôi cố gắng để tạo ra (học tập). Việc định nghĩa thứ tôi làm là “chế tạo” là một sự lẫn lộn giữa những phương pháp – khóa học, hội thảo, bài báo – với những hệ quả. Hoặc, tệ hơn nữa, là nếu bạn nói rằng tôi “tạo ra” những người khác, thì bạn đang bác bỏ danh tính và vai trò của họ trong việc tiếp thu, như thể việc học của họ là thứ tôi làm cho họ.

Trong một bức thư cập nhật tin tức gần đây, Dan Hon, giám đốc nội dung của Code for America viết rằng, “Nhưng kể cả khi có một sự chuyển đổi trong nhóm những Người Chế Tạo (và với tất cả sự công nhận dành cho cái sự Hào hứng và Tạo ra Sản phẩm), kể cả khi ‘tạo ra sản phẩm’ bao gồm những thứ không cầm nắm được như phần mềm, thì dường như vẫn có một sự chối bỏ dành cho những người-không-tạo-ra-cái-gì. Hừm, vớ vẩn. Tôi có tạo ra thứ gì đó.” Tôi hiểu phản ứng này, nhưng tôi sẽ không bảo mọi người – bao gồm cả tôi – chối bỏ việc họ thật sự làm để tự nhận mình là một “người chế tạo.” Thay vì vậy, tôi thấy cái sự chối bỏ và cái văn hóa và giá trị tôn sùng việc chế tạo trên tất cả mọi thứ mới là điều vớ vẩn.

Một câu trích dẫn thường được cho là của Gloria Steinem nói rằng: “Chúng ta đã bắt đầu nuôi dạy con gái của mình như những cậu con trai hơn… nhưng chẳng mấy ai can đảm để nuôi con trai mình giống như con gái.” Văn hóa của những người chế tạo, với mục tiêu là giúp tất cả mọi người có thể tiếp cận với việc tạo ra vốn là lĩnh vực của đàn ông, đã tập trung vào vế thứ nhất. Nhưng thành công của nó có nghĩa là nó đã hủy hoại nhiều hơn nữa giá trị của việc chăm sóc mà vốn là lĩnh vực của phái nữ, bằng cách tiếp tục nhấn mạnh tư tưởng là chỉ việc tạo ra sản phẩm mới là giá trị. Thay vì thế, tôi muốn chúng ta công nhận công việc của những nhà giáo dục, những con người làm các công việc phân tích và phân loại và phê bình, những người sửa chữa, tất cả những người làm những việc giá trị với và cho người khác – và trên tất cả, những người chăm sóc – mà công việc của họ không phải là thứ bạn có thể bỏ vào một cái hộp và đem rao bán.


  1. Ayn Rand (1905 – 1982) là một tiểu thuyết gia, triết gia, và biên kịch người Mỹ gốc Nga, nổi tiếng với hai cuốn tiểu thuyết là Atlas Srugged và The Fountainhead. Bà cũng được biết đến với việc phát triển chủ nghĩa khách quan (Objectivism) trong triết học, với nội dung chính là khẳng định thực tại tồn tại độc lập với nhận thức con người, đề cao quyền tự do cá nhân, và nhấn mạng vào việc mỗi người nên theo đuổi lợi ích của chính bản thân mình.

  2. “Hello, world” (Tạm dịch: Xin chào, thế giới) là dòng code hiển thị đầu tiên với những người mới học lập trình.

  3. Lý luận “Căn phòng Trung Quốc” (Chinese room) có nội dung chính là một chương trình lập trình không thể giúp máy tính có được trí não hay nhận thức như con người, dù chương trình hay máy tính đó có thông minh đến đâu. Lý luận này được trình bày lần đầu trong một nghiên cứu của nhà triết học John Searle tựa đề “Mind, Brains, and Programs” (Tạm dịch: Trí não, bộ óc, và chương trình). Nội dung cốt lõi của lý luận này được dựa trên một thí nghiệm về suy nghĩ được biết đến là Chinese Room – Căn phòng Trung Quốc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất