a
§ Tác giả: Jack Shenker | Nguồn: The Guardian
Biên dịch: Uyen Uong | Hiệu đính:  Nguyên
14/01/2017
Cánh cổng cổ đại của Ai Cập dẫn ra Địa Trung Hải – bị nhấn chìm dưới đáy biển và chôn vùi trong những lớp cát – là một lời nhắc nhở rợn người về việc các thành phố dễ bị tàn phá bởi sức mạnh thiên nhiên như thế nào.

Ngài đã đứng đó trong nhiều thế kỷ, ở cạnh rìa biên giới Ai Cập cổ đại, nhìn chăm chăm xuống những thương thuyền tới từ Địa Trung Hải. Ngài tên là Hapy: vị thần sinh sản, chúa tể của các dòng sông, người cai quản những trận lũ lụt. Ở cửa sông phía Tây của dòng Nile, ngài vẫn luôn hiện diện ở đó, là một bức tượng người canh gác bằng đá hoa cương đỏ khổng lồ của một trong những thành phố cảng lớn nhất trên trái đất.

Tượng thần Hapy chìm dưới đáy biển. Nguồn: Wikimedia.
Tượng thần Hapy chìm dưới đáy biển. Nguồn: Flickr.

Cho đến một ngày nọ, có lẽ là vào cuối thế kỷ thứ hai TCN, một cơn địa chấn khiến mặt đất rung chuyển và tan chảy ngay dưới chân vị thần Hapy. Ngài loạng choạng, lảo đảo. Và rồi, sáu tấn đá chạm khắc tinh xảo đổ sụp vào lòng biển.

Ngài đã đứng đó trong nhiều thế kỷ, ở cạnh rìa biên giới Ai Cập cổ đại, nhìn chăm chăm xuống những thương thuyền tới từ Địa Trung Hải. Ngài tên là Hapy.

Cùng lúc đó, điều tương tự cũng xảy ra với vùng đất mà Hapy canh giữ. Một vùng đất được ghi chép như một huyền thoại của thời cổ đại – vùng đất đầu tiên in dấu chân của người anh hùng thần thánh Heracles ở châu Phi, và nơi Helen của Sparta trốn đi cùng kẻ bắt cóc cô, Paris của thành Troy – biến mất hoàn toàn dưới biển và bị chôn vùi, dường như là mãi mãi, bởi lớp lớp những cát và bùn.

Tuy nhiên, trong những năm đầu của thế kỷ 21, một nhóm các thợ lặn làm việc ngoài khơi Ai Cập đã tìm thấy một mảnh vỡ lớn bằng đá dưới đáy biển, và đưa nó lên bờ. Đó là một mảnh của bức tượng Hapy, bị bám đầy muối biển nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Họ tiếp tục tìm kiếm, và cuối cùng phát hiện thêm sáu mảnh nữa. Xung quanh các mảnh vỡ này còn có các kho báu khác: tàn tích của những ngôi đền, những mảnh vỡ của đồ gốm, đồ trang sức quý giá, tiền xu, đèn dầu, xà lan dùng trong diễu hành, và những bức tượng bán thân.

“Với một nhà khảo cổ, phát hiện ra ngôi mộ của một người nào đó là một điều thú vị,” Aurelia Masson-Berghoff, người phụ trách triển lãm các Thành phố Chìm dưới đáy biển tại Bảo tàng Anh nói. “Còn khám phá ra cả một thành phố, từng là nơi sinh sống của hàng ngàn người trong hơn một ngàn năm, thì lại là một việc hoàn toàn khác.”

Nơi sinh sống đó chính là Thonis-Heracleion1. Và bây giờ, hơn một thiên niên kỷ bị nhấn chìm dưới biển, thành phố của Hapy đang quay trở lại với mặt đất một lần nữa.

“Một phần là đầm lầy, một phần là đô thị mở rộng”

Không giống như Babylon, Pompeii, hay Atlantis huyền bí, rất ít người ngày nay biết đến Thonis-Heracleion. Thật vậy, trước khi có những phát hiện gây chú ý này trong những năm gần đây, những con sóng Địa Trung Hải từng đe dọa sẽ nhấn chìm không chỉ những tàn tích của thành phố này mà còn cả ký ức về nó.

Vậy nhưng nếu bạn là một thương gia châu Âu ở thế kỷ thứ năm TCN – một nhà nhập khẩu ngũ cốc, nước hoa hoặc giấy cói chẳng hạn, hoặc một người xuất khẩu bạc, đồng, rượu hoặc dầu – thì Thonis-Heracleion là một điểm đến không thể bỏ qua. Điều này cũng đúng nếu bạn là một lính đánh thuê Caria, một học giả Hy Lạp, một thủy thủ chuyên nghiệp, hoặc một thành viên của vương triều Pharaon. Rải rác trên một loạt các hòn đảo, cát và những bãi bùn nối liền nhau, Thonis-Heracleion – một phần là vùng đầm lầy dưới nước, một phần là đô thị mở rộng – là cửa ngõ quốc tế nhộn nhịp của Ai Cập cổ đại dẫn ra Địa Trung Hải, mà nhờ đó kết nối nơi này với thế giới phương Tây.

Được thành lập vào khoảng 2.700 năm trước ở nơi mà ngày nay là vịnh Abu Qir2, cách Alexandria3 15 dặm về phía đông bắc, Thonis-Heracleion còn đi trước cả người hàng xóm (Alexandria) nổi tiếng của mình với vai trò là điểm buôn bán chính (cảng kinh doanh) của khu vực trong nhiều thế kỷ và là một trung tâm thương mại quốc tế.

Mặc dù Thonis-Heracleion và Canopus được đề cập bởi nhiều biên niên lớn của thời cổ đại, từ Herodotus đến Strabo và Diodorus, những hiểu biết chi tiết nhất về chúng e rằng đã mất đi vĩnh viễn.

Bị cắt ngang bởi một mạng lưới kênh rạch và rải rác với các bến cảng, cầu cảng, đền thờ, và tháp – tất cả liên kết với nhau bởi một mạng lưới của các bến phà, cầu, và cầu phao – thành phố kiểm soát hầu hết các hoạt động giao thông hàng hải từ Địa Trung Hải vào Ai Cập. Hàng hóa sẽ được kiểm tra và đánh thuế tại trung tâm hành chính hải quan, và sau đó tiếp tục phân phối đến nội địa, thông qua Naukratis – một thương cảng nằm cách xa sông Nile 50 dặm – hoặc Western Lake, kết nối với thị trấn Canopus bởi một con kênh, để từ đó vận chuyển đến nhiều nơi khác của đất nước.

Mặc dù Thonis-Heracleion và Canopus được đề cập bởi nhiều biên niên lớn của thời cổ đại, từ Herodotus đến StraboDiodorus, những hiểu biết chi tiết nhất về chúng e rằng đã mất đi vĩnh viễn.

Trước khi một chỉ huy Phái Hồng Quân (Rote Armee Fraktion – RAF)4 bay trên vịnh Abu Qir và thoáng thấy đống đổ nát trong nước biển vào năm 1933, hầu hết các nhà sử học tin rằng Thonis và Heracleion từng là hai khu thị trấn riêng biệt, và cả hai đều nằm trên phần đất liền thuộc Ai Cập hiện nay. Tuy nhiên, khám phá của phi công đó đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho việc nghiên cứu dưới lòng đại dương. Bước sang thế kỷ mới, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện châu Âu về Khảo cổ học Dưới nước (the European Institute for Underwater Archaeology) – ban đầu bị thu hút đến vịnh này bởi sự hiện diện của các tàu chiến của Pháp bị đắm cuối thế kỷ 18 – đã tạo ra một loạt các bản đồ phác thảo ra những địa hình cổ xưa của khu vực.

AbuQirBay.png
Vịnh Abu Qir ngày nay. Nguồn: Wikimedia.

Các bản đồ này – và công cuộc khai quật dưới biển sau đó – đã sử dụng các kỹ thuật khảo sát công nghệ cao và công sức không biết mệt mỏi của con người. Các vùng nước ở đây rất âm u và có tầm quan sát thấp. Như một nhà nghiên cứu giải thích thì, do hậu quả của cơn bão, “biển bị khuấy động cả lên, và nước biển hòa với cát và bùn nổi bồng bềnh làm cho chúng tôi rất khó khăn trong việc lặn xuống để xem chuyện gì đang xảy ra.”

Các nhà khảo cổ đã phải bắt đầu với thiết bị dò quét sonar5, xung năng lượng âm thanh trực tiếp vào đáy biển và sau đó phân tích các tiếng vang dội lại để tìm ra độ sâu khác nhau của đáy đại dương. Một từ kế cộng hưởng từ hạt nhân6 (nuclear magnetic resonance magnetometer), có thể phát hiện những bất thường trong từ trường của trái đất tại khu vực này, sau đó đã được sử dụng để xác định các đường nứt địa chất gây ra bởi trọng lượng của những tòa nhà đã chìm xuống và bẻ gãy các lớp trầm tích, và để xác định vị trí của các vật thể lớn.

Sau khi đã xác định những điểm khai quật tiềm năng nhất, các thợ lặn bắt đầu công việc. Họ mang theo máy nạo vét dưới nước: những cái máy hút bụi khổng lồ thổi bay đi các lớp cát phủ dày, để lộ ra những lớp di tích khảo cổ bên dưới. Các món đồ lớn nhất, chẳng hạn như mảnh vỡ của các tòa nhà và những bức tượng khổng lồ – một trong số đó là bức tượng tạc vua Ptolemy và hoàng hậu, mỗi bức cao năm mét – là những hiện vật có thể tìm ra và phục hồi dễ dàng nhất, bao gồm các ly rượu, tượng nhỏ trang trí, thùng đựng nước nghi lễ, và 13 quan tài động vật bằng đá vôi.

Từng thứ một, mỗi vật phẩm được phân loại, chụp ảnh, và sau đó – nếu điều kiện cho phép – sẽ được đưa lên boong tàu nghiên cứu Princess Duda trước khi tiếp tục được phân tích trên đất liền. Những khám phá này đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta không chỉ về Thonis-Heracleion, mà cả về bản chất của Ai Cập và các tương tác của nó với Hy Lạp vào thời điểm đó. “Một số vật thể vô cùng độc đáo, có tầm quan trọng lịch sử hoặc nghệ thuật lớn,” Masson-Berghoff nói với tờ The Guardian. “Chúng khiến chúng ta phải suy nghĩ một lần nữa.”

Ví dụ như “Chiếu chỉ của Sais,” – một tấm bia đen tuyệt đẹp cao hai mét, trạm chổ những chữ tượng hình được bảo quản hoàn hảo từ thế kỷ thứ tư TCN – đã được khai quật ở di tích một ngôi đền của vị thần tối cao của Ai Cập, Amun-Gereb, tại Thonis-Heracleion. Tấm bia tiết lộ một số đều phức tạp trong việc đánh thuế ở Ai Cập vào thời điểm đó: “Đức vua [Pharaoh Nectanebo I] ra lệnh: Hãy lấy từ nơi đó một phần mười vàng, bạc, gỗ, gỗ đã chế biến, và một phần mười của tất cả mọi thứ từ biển Hau-Nebut [Địa Trung hải] … để làm lễ vật dâng lên mẹ Neith của ta,” sắc lệnh viết.

Những dấu tích còn lại của thành phố cũng chứng minh cho sự tương tác giữa các Pharaon và xã hội Hy Lạp tại Thonis-Heracleion

Nhưng tấm bia còn làm được nhiều hơn so với việc mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về thuế quan Ai Cập cổ đại. Việc phát hiện ra nó giúp giải quyết một bí ẩn đã có từ lâu: bằng cách so sánh nó với các di tích chạm khắc khác, các chuyên gia có thể xác định rằng Thonis và Heracleion không phải là hai thành phố khác nhau, như mọi người thường nghĩ trước đó, mà là một thành phố duy nhất với hai tên gọi khác nhau bằng tiếng Ai Cập và Hy Lạp7.

Những dấu tích còn lại của thành phố cũng chứng minh cho sự tương tác giữa các Pharaon và xã hội Hy Lạp tại Thonis-Heracleion: mũ sắt Hy Lạp và Ai cập nằm cạnh nhau ẩn mình dưới đáy biển, cũng như các bức tượng nhỏ của đảo Síp8, lư hương, những chai nước hoa Athena, và mỏ neo cổ từ tàu Hy Lạp.

Sự giao thoa văn hóa này thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực tôn giáo, đặc biệt là trong sự nổi lên của các triều đại Ptolemy9Ai Cập, nơi một loạt các nhà cai trị sinh ra ở nước ngoài tìm cách biện minh cho quyền lực của mình với người dân Ai Cập bằng cách thể hiện lòng yêu mến của họ dành cho truyền thống các Pharaon.

Một hiện vật tìm được dưới biển là một bức tượng 2.000 tuổi bằng đá tạc Cleopatra III: một nữ hoàng Ptolemy, nhưng được khắc họa như nữ thần Ai Cập Isis qua phong cách điêu khắc kết hợp giữa Ai Cập và Hy Lạp.

Một trong những hiện vật thú vị nhất của Thonis-Heracleion là những đồ tạo tác liên quan tới hoạt động vui chơi của thành phố. Ngày lễ Những điều Huyền bí của Osiris (The Mysteries of Osiris)10 hàng năm diễn ra trên khắp Ai Cập cổ đại, bao gồm việc chuẩn bị một cách bí mật trong các ngôi chùa hai bức tượng Osiris, vị thần của cõi vĩnh hằng và sự hồi sinh: một làm bằng đất và lúa mạch, một bằng những vật liệu đắt tiền bao gồm những loại ngọc lấy lên từ lòng đất.

BD Ani before Osiris.jpg
Tranh màu mô phỏng từ cuốn sách “Book of the Dead của Ani” (Tạm dịch: Câu chuyện về cái chết của Ani). Ani sau khi chết đã đến quỳ trước Osiris, vị thẩm phán của người chết. Đằng sau Osiris là chị em của ông, Isis và Nephthys, và trước mặt ông là một đóa hoa sen có hình bốn người con trai của Horus. Nguồn: Wikimedia

Tại Thonis-Heracleion, bức tượng làm bằng đất và lúa mạch được đặt trong một cái thùng làm bằng đá hoa cương và nuôi dưỡng bằng nước sông Nile cho đến khi hạt lúa nảy mầm. Sau đó nó được đặt trong một chiếc xà lan bằng giấy cói cùng với 33 con tàu khác; cả đội thuyền được chiếu sáng bởi 365 ngọn đèn dầu – mỗi ngọn ứng với một ngày trong năm – và cuối cùng đi đến thị trấn Canopus gần đó. Bên cạnh một con tàu bằng cây sung dài 11 mét mà có thể đã được sử dụng trong nghi lễ này, các nhà khảo cổ đã khai quật được một vài bản sao thu nhỏ làm bằng chì của những chiếc thuyền giấy cói, được người tham dự thả vào dòng nước làm đồ lễ tạ ơn.

Không chỉ đại diện cho những nghi lễ cổ xưa, những phát hiện này còn cung cấp một cái nhìn hiếm hoi về việc những nghi lễ ấy từng được tiến hành thế nào. Nói theo cách của Masson-Berghoff thì, chúng cho ta biết “khía cạnh hữu hình” của tôn giáo tại Thonis-Heracleion. Điều này rất quan trọng bởi, trong khi những vật được vớt lên đến thời điểm này từ đáy vịnh Abu Qir kể một câu chuyện đáng chú ý về một thành phố mà có thể đã biến mất hoàn toàn khỏi nhận thức của chúng ta, câu chuyện ấy, ít nhất là cho đến nay, thực ra rất chọn lọc. Những người nghiên cứu về thành phố này cũng nhận thức được những lỗ hổng trong các khám phá của họ.

“Tôi hy vọng rằng những khám phá trong tương lai sẽ cho phép chúng tôi làm sáng tỏ thêm về cuộc sống của những người dân thường”, Masson-Berghoff nói. Cô chỉ ra rằng trong khi chúng ta biết nhiều hơn bao giờ hết về những người cai trị và các linh mục của Thonis-Heracleion, thì việc tìm hiểu về những ngôi nhà bằng gạch bùn và cuộc sống hàng ngày của những người phục vụ tầng lớp cai trị và giữ cho khu cảng tấp nập hoạt động trơn tru lại khó khăn hơn rất nhiều.

Ngày nay, 95% các dấu vết về đô thị của khu vực này vẫn còn chưa được khám phá; có lẽ chúng ta vẫn chưa tìm được những hiện vật có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của những người dỡ hàng hóa trên tàu, người dọn dẹp, và thợ may ở thành phố này. “Những gì chúng ta biết bây giờ chỉ là một phần nhỏ,” Franck Goddio, giám đốc của các cuộc khai quật hiện tại cho biết. “Chúng tôi vẫn vẫn còn ở vạch xuất phát trong cuộc tìm kiếm này.”

Đến thế kỷ thứ hai TCN, thời kỳ rực rỡ và uy danh của Thonis-Heracleion đã dần lu mờ. Xa hơn dọc theo bờ biển, thành phố mới Alexandria đã nhanh chóng trở thành một cảng biển tấp nập của Ai Cập, trong khi địa hình pha trộn giữa đất và nước của Thonis-Heracleion bắt đầu trở nên kém an toàn. Thứ đã tàn phá thành phố không đơn thuần chỉ là một thảm họa thiên nhiên – một trận động đất, sóng thần, nước biển dâng, hoặc sự sụt lún – mà là sự kết hợp của tất cả những thiên tai ấy.

Sự thức tỉnh của Hapy từ đáy biển, mà phải mất một thiên niên kỷ nữa để hoàn thành, cho chúng ta một góc nhìn đặc biệt về thành phố trong quá khứ.

Vào cuối thế kỷ này, có thể là sau một trận lụt nghiêm trọng, hòn đảo trung tâm – vốn đã lún xuống dưới sức nặng của các ngôi đền chính – bị đánh gục bởi sự hóa lỏng11. Đó hẳn là một sự kiện khủng khiếp, khi mà đất sét cứng chuyển thành chất lỏng trong tích tắc và các tòa nhà sụp đổ nhanh chóng xuống biển. Việc cung cấp đồ gốm và tiền xu cho Thonis-Heracleion dường như đã kết thúc tại thời điểm này; một vài người dân gan góc còn bám trụ lại được trên mảnh đất này trong suốt thời kỳ La Mã và thậm chí đến tận đầu thời kỳ cai trị của người Ả Rập, nhưng những vết tích cuối cùng của thành phố sau cùng cũng đã chìm sâu dưới biển vào cuối thế kỷ thứ tám.

Tại thời điểm mà những thảm họa sinh thái đang trở nên ngày càng nhiều hơn, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy những câu chuyện về Thonis-Heracleion thật hấp dẫn. Khám phá này là một minh chứng cho những công nghệ tiên tiến và sự khéo léo của con người, nhưng số phận của thành phố – và những ký ức kỳ lạ vô tri vô giác về một cuộc sống đô thị bị lãng quên từ lâu và đã bị bỏ lại phía sau – là một lời nhắc nhở rằng những thành phố hiện đại của chúng ta mong manh như thế nào.

Venice, được cho là phiên bản hiện đại gần nhất của Thonis-Heracleion do nằm trên một hồ nước mặn gần biển và nổi tiếng bởi mạng lưới sông ngòi chằng chịt, đang chìm dần; bờ biển Địa Trung Hải thuộc Ai Cập vẫn là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mực nước biển dâng lên, và thậm chí cả những dự đoán lạc quan nhất về hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng không thể loại trừ viễn cảnh sẽ có hàng triệu người trong khu vực này phải di tản đến nơi khác.

Sự thức tỉnh của Hapy từ đáy biển, mà phải mất một thiên niên kỷ nữa để hoàn thành, cho chúng ta một góc nhìn đặc biệt về thành phố trong quá khứ. Và chúng ta vẫn phải tiếp tục cố gắng để đảm bảo rằng ngài và thành phố ngài cai quản sẽ không phải là số phận tương lai của chúng ta.


  1. Heracleion, còn được gọi là Thonis, là một thành phố Ai Cập cổ đại nằm gần Cửa cảng Canopic của sông Nile, khoảng 32km về phía đông bắc thành phố Alexandria. Di tích này nằm ở vịnh Abu Qir, cách bờ khoảng 2,5km và ở độ sâu 10 m dưới mặt biển. Đây từng là một thương cảng chính của Ai Cập, một địa điểm quan trọng trong vấn đề thương mại quốc tế và thuê thuế vào Thời kỳ Cuối (Late Period of ancient Egypt – thời kỳ phát triển rực rỡ cuối cùng của các luật lệ Ai Cập bản địa sau Trung kỳ thứ ba, tính từ triều Saite thứ 26 trong cuộc chinh phục Ba Tư và kết thúc với cuộc chinh phục của Alexander Đại đế và thành lập vương quốc Ptolemaic; diễn ra khoảng từ năm 664 TCN cho đến năm 332 TCN).

  2. Vịnh Abu Qir, hay còn gọi là Vịnh Abukir hoặc Aboukir, là một cửa biển hình bán nguyệt nối ra Địa Trung Hải, nằm giữa Abu Qir Point (phía nam) và cửa Rosetta Branch (đông bắc) của đồng bằng sông Nile ở Hạ Ai Cập. Đây là nơi diễn ra Trận chiến sông Nile (1798), trong đó một hạm đội Anh dưới sự chỉ huy của Đô đốc Horatio Nelson đã đánh bại hạm đội Pháp, chấm dứt quan hệ với Pháp và dẫn đến việc rút quân của Pháp khỏi Ai Cập. Đây cũng là một nơi giàu khí tự nhiên, phát triển trên biển trong những năm cuối thập niên 1970, cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp ở Alexandria.

  3. Alexandria là thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, dài khoảng 32 km dọc theo bờ Địa Trung Hải và là hải cảng lớn nhất nơi đây; khoảng 80% hàng xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước phải thông qua cảng này để ra hoặc vào Ai Cập. Alexandria còn nổi tiếng bởi ngọn hải đăng Alexandria, một trong 7 kỳ quan của thế giới thời thượng cổ và nhiều toà kiến trúc nổi tiếng. Hiện nay, đây cũng là nơi có nhiều di chỉ khảo cổ.

  4. Phái Hồng quân (tiếng Đức: Rote Armee Fraktion; viết tắt là RAF) là tổ chức khủng bố bí mật thuộc phe cực tả được biết đến nhiều nhất trong lịch sử của nước Cộng hòa Liên bang Đức, được thành lập vào năm 1970 bởi Andreas Baader, Gudrun Ensslin, Horst Mahler, Ulrike Meinhof và những người khác. RAF được hình thành với mục đích chống lại chế độ tư bản đang cai trị và Đế quốc Mỹ, đồng thời tăng cường sức mạnh cho các cuộc đấu tranh giải phóng trên thế giới. Đến năm 1988, tổ chức này chính thức tan rã.

  5. Thiết bị dò quét Sonar: Sonar (sound navigation and ranging) là một phương tiện định vị bằng âm thanh, sử dụng sự lan truyền âm (thường được dùng dưới nước) để tìm đường di chuyển, liên lạc hay phát hiện các đối tượng ở khu vực tìm kiếm thông qua sự vọng lại của âm thanh phát ra từ máy khi chạm vào các vật thể.

  6. Từ kế cộng hưởng từ hạt nhân là một dụng cụ dùng để đo mức độ hấp thụ hoặc phát xạ bức xạ điện từ của một hạt nhân nguyên tử trong từ trường.

  7. Tên gọi Thonis-Heracleion của thành phố này thực ra là là một danh xưng ghép; đó là sự kết hợp giữa hai thứ tiếng: Ai Cập và Hi Lạp. Trong đó, Thonis là do người Ai Cập đặt, còn người Hy Lạp dùng Heracleion để chỉ nó.

  8. Síp (Cyprus): Cộng hoà Síp là một hòn đảo nằm ở phía đông Địa Trung Hải; có bờ biển dài, bãi biển đẹp, đồi đá và những dãy núi được bao phủ bởi rừng rậm.

  9. Triều đại Ptolemy là triều đại cuối cùng của Ai Cập cổ đại, do Ptolemaios I Soter (một trong bảy vị somatophylax (cận vệ, tướng quân kiêm đại thần) của Alexandros Đại đế xứ Macedonia) sáng lập; nó được coi là triều đại người Hi Lạp cai trị Ai Cập và các vùng lân cận, bắt đầu từ năm 305 TCN đến năm 30 TCN. Tất cả các quốc vương của Triều đại này đều lấy tên là Ptolemy, còn các Vương hậu hoặc Nữ vương thường tên là Cleopatra, Berenice hay Arsinoe. Người được biết đến nhiều nhất của triều đại này là nữ hoàng Cleopatra VII. Sau khi bà qua đời, Ai Cập thoát ra khỏi quyền cai trị của các vương tộc nhưng lại lệ thuộc vào các đế quốc xâm lược từ bên ngoài.

  10. Những điều huyền bí của Osiris từng là sự kiện tôn giáo quan trọng nhất ở Ai Cập cổ đại, được tổ chức ở các thành phố lớn. Sự kiện này kể lại câu chuyện Osiris bị chết và tái sinh như thế nào. Osiris, vị thần Ai Cập được coi là tổ tiên của các pharaoh, bị sát hại Seth, em trai của mình. Vợ của Osiris là Isis tìm đã cách khôi phục thân xác của chồng mình để có thể mang thai. Người con này, tên là Horus, về sau trở thành địch thủ của Seth, và chiến thắng của Horus trước Seth đã khôi phục lại trật tự cho Ai Cập và hoàn thành sự phục sinh Osiris.

    Huyền thoại này thể hiện quan niệm của người Ai Cập cổ về vương quyền, sự kế vị, đặc biệt là mối liên hệ giữa sự sống và thế giới bên kia. Chính vì thế, nhiều yếu tố trong việc thờ phụng của người Ai Cập cổ gắn bó mật thiết với huyền thoại này.

  11. Theo từ điển Oxford, “liquefy” có nghĩa là ‘biến cái gì đó trở thành chất lỏng”. Ở đây chỉ sự hóa lỏng rất nhanh của đất sét trong nền đất xây dựng các ngôi đền khiến chúng sụp đổ xuống biển mà không thể giữ lại được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất