Không phải tất cả nhà văn đều có cùng suy nghĩ về việc sẽ viết cho đối tượng độc giả nào. Nhiều người thậm chí không nghĩ họ sẽ đưa những tác phẩm của họ đến với đối tượng độc giả nào. Qua một số giai đoạn nhất định của lịch sử, nhận thức về đối tượng độc giả của các tác giả thay đổi dẫn đến sự chuyển dịch về ngôn ngữ trong những tác phẩm của họ. Ví dụ rõ ràng nhất là giai đoạn trải dài từ thế kỷ mười bốn đến thế kỷ mười sáu khi các nhà văn khắp châu Âu không còn sử dụng tiếng Latin mà thay vào đó là sử dụng bản ngữ. Thay vì giới thiệu các tác phẩm như trước đây đến với thị trường quốc tế, khi đó tiếp cận đến những người thuộc giới giáo sĩ tinh hoa là chủ yếu, họ “hạ tiêu chuẩn” bằng việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương và quốc ngữ để đưa chúng đến gần với tầng lớp trung lưu đang nổi lên.
Trong sách lịch sử, việc chuyển đổi sang bản ngữ được xem như là một cảm hứng dân chủ đem sức sống địa phương phong phú vào văn bản và mang lại sự tự tin mới cho việc nhanh chóng củng cố quốc ngữ. Điều này chắc chắn được thúc đẩy bởi tham vọng và lợi ích kinh tế cũng giống như chủ nghĩa lý tưởng. Một điểm nữa cho việc không còn nhiều ý nghĩa khi sử dụng tiếng Latin là bởi vì những người thưởng thức và đánh giá một tác phẩm khi đó là tập hợp những người trong nước thay vì những nhóm người quốc tế như hồi trước. Ngày nay chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng lớn hơn về nhập khẩu, và cuộc cách mạng này đang dẫn chúng ta theo một hướng hoàn toàn khác.
Do kết quả của quá trình toàn cầu hoá nhanh chóng, chúng ta đang tiến tới thị trường toàn cầu cho văn học. Có một khuynh hướng là nếu một tác giả được coi là “vĩ đại,” họ phải là một hiện tượng quốc tế chứ chỉ giới hạn trong quốc gia. Sự thay đổi này có lẽ không phải là hiển nhiên đối với Mỹ như ở Châu Âu. Do quy mô và sức mạnh của thị trường Mỹ và thực tế tiếng Anh được coi là ngôn ngữ của sự toàn cầu hóa, đa phần các bản dịch sẽ là chuyển từ tiếng Anh sang thứ tiếng khác hơn là chiều ngược lại. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tác giả Châu Âu, Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ tự nhận mình là “thất bại” nếu họ không tiếp cận được đối tượng quốc tế.
Trong những tháng gần đây, các tác giả ở Đức, Pháp và Ý – tất cả các nước có số lượng độc giả trong nước lớn – đã bày tỏ với tôi sự thất vọng của họ khi không tìm thấy nhà xuất bản chuyển thể tác phẩm của họ sang tiếng Anh; điều thú vị là họ phàn nàn rằng sự thất bại này phản ánh uy tín của họ trên quê hương mình: nếu mọi người không muốn tác phẩm của bạn ở những nơi khác thì bạn cũng không giỏi đến mức như vậy. Chắc chắn, ở Ý nơi tôi sinh sống, một tác giả chỉ được coi là đạt đến đỉnh cao khi tác phẩm của họ được xuất bản ở New York. Để đánh giá xem có mọi thứ đã thay đổi nhiều thế nào, chỉ cần xét rằng danh tiếng của Zola hay Verga1 sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu tác phẩm của họ không được xuất bản ngay lập tức tại London.
Do kết quả của quá trình toàn cầu hoá nhanh chóng, chúng ta đang tiến tới thị trường toàn cầu cho văn học.
Sự phát triển này đã được tăng tốc nhanh chóng thông qua các văn bản ở dạng điện tử. Ngày nay, một cuốn tiểu thuyết hoặc thậm chí chỉ là một chương mở đầu vừa mới hoàn thành thì nó đã có thể được gửi tới nhiều nhà xuất bản trên toàn thế giới. Không có gì là lạ khi tác phẩm được bán bởi một nhà xuất bản ngoại trước khi tìm được một nhà xuất bản nội. Một đại diện giàu kinh nghiệm sau đó có thể sắp xếp việc tung ra đồng thời một tác phẩm tại nhiều quốc gia khác nhau bằng cách sử dụng các chiến lược quảng cáo mà chúng ta thường liên tưởng đến các tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy khi một độc giả cầm một cuốn Biểu tượng thất truyền của Dan Brown hay tập Harry Potter mới nhất, hay một tác phẩm của Umberto Eco, Haruki Murakami, Ian McEwan, họ cũng biết rằng tác phẩm này đang được đọc trên toàn thế giới. Mua cuốn sách, người đọc trở thành một phần của cộng đồng quốc tế. Nhận thức này làm tăng thêm sự lôi cuốn của cuốn sách.
Sự gia tăng của các giải thưởng văn học quốc tế đảm bảo rằng hiện tượng này không bị giới hạn trong phân khúc phổ biến hơn của thị trường. Mặc dù với các quy trình lựa chọn gây tranh cãi và thường có những sự lựa chọn kỳ cục, giải Nobel Văn học được xem là quan trọng hơn bất kỳ giải thưởng quốc nội nào. Giải thưởng Impac ở Ireland, Mondello ở Ý, Giải thưởng Văn học Quốc tế ở Đức đang phát triển nhanh chóng về uy tín. Vì vậy, những người thưởng thức và đánh giá một tác phẩm không còn là một người trong cùng một quốc gia – họ không dễ nắm bắt, không phải là một nhóm mà chính tác giả là một bộ phận.
Vậy những hệ quả đối với văn học là gì? Từ thời điểm tác giả nhận thức được đối tượng cuối cùng của mình là độc giả quốc tế chứ không phải gói gọn trong một quốc gia, bản chất các tác phẩm của tác giả chắc chắn sẽ thay đổi. Đặc biệt, người ta nhận thấy có một khuynh hướng loại bỏ những trở ngại đối với sự hiểu biết ở tầm quốc tế. Viết văn vào những năm 1960, liên hệ chặt chẽ với văn hóa và nền chính trị phức tạp của quốc gia mình, Hugo Claus dường như không quan tâm rằng các tiểu thuyết của ông sẽ đòi hỏi một nỗ lực đặc biệt để hiểu từ phía độc giả và trên hết là dịch giả nếu xét ở bối cảnh ngoài nước Bỉ. Đối lập với đó, các tác giả đương đại như Per Petterson của Na Uy, Gerbrand Bakker của Hà Lan, hay Alessandro Baricco của Ý, cho ra đời những tác phẩm không đòi hỏi phải có kiến thức hay nỗ lực như thế, cũng không đưa ra phần thưởng mà nỗ lực đó mang lại.
Quan trọng hơn là ngôn ngữ được đơn giản hóa. Kazuo Ishiguro2 đã nói về tầm quan trọng của việc tránh chơi chữ và ám chỉ để làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho người phiên dịch. Các nhà văn người Scandinavia mà tôi biết nói với tôi rằng họ tránh sử dụng tên nhân vật mà sẽ gây khó khăn cho người đọc tiếng Anh.
Điều dường như sẽ biến mất, hay ít nhất là có nguy cơ bị bỏ mặc, là kiểu tác phẩm trân trọng những sắc thái tinh tế của ngôn ngữ và văn hoá bản địa, những tác phẩm mà có thể phê bình hoặc hoan nghênh cách một nhóm ngôn ngữ thực sự tồn tại.
Nếu sự phức tạp của văn hoá và ngôn ngữ bản địa trở thành chướng ngại vật, thì các chiến lược khác có thể được nhìn nhận một cách tích cực: việc triển khai các loại ngụ ý dễ nhìn thấy ngay lập tức được xem là “văn chương” và “giàu trí tưởng tượng,” tương tự như những sự pha trộn ngôn ngữ chung tẻ nhạt của các hiệu ứng đặc biệt trong rạp chiếu phim đương đại, và sự nhạy cảm về chính trị đưa các tác giả vào trong số những người “làm việc vì hoà bình thế giới.” Vì vậy, những phương pháp cường điệu hóa viển vông của Rushdie hay Pamuk3 luôn đi cùng với một sự tự do nhất định vì, như Borges đã từng nhận xét, hầu hết mọi người đều có ít khiếu thẩm mỹ nên họ dựa vào các tiêu chí khác để đánh giá các tác phẩm họ đọc.
Điều dường như sẽ biến mất, hay ít nhất là có nguy cơ bị bỏ mặc, là kiểu tác phẩm trân trọng những sắc thái tinh tế của ngôn ngữ và văn hoá bản địa, những tác phẩm mà có thể phê bình hoặc hoan nghênh cách một nhóm ngôn ngữ thực sự tồn tại. Trong thị trường văn học toàn cầu sẽ không có chỗ cho bất kỳ Barbara Pym và Natalia Ginzburg4 nào. Shakespeare có thể sẽ phải giảm nhẹ đi những lối chơi chữ. Một Jane Austen mới có thể quên đi giải Nobel.
9h sáng, 9 tháng 2 năm 2010
Émile Édouard Charles Antoine Zola (2 tháng 4 năm 1840 – 29 tháng 9 năm 1902), thường được biết đến với tên gọi Émile Zola, là một nhà văn nổi tiếng của văn học Pháp trong thế kỷ 19. Được biết đến như một nhà văn tiên phong của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism), tác phẩm của ông đa phần đều thuộc loại ăn khách, giúp ông trở thành một trong những tác giả được công chúng Pháp tìm đọc nhiều nhất thời bấy giờ. Các tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể đến như Les Rougon-Macquart, Ba thành phố (Les Trois Villes),… Bên cạnh những tiểu thuyết nổi tiếng, Zola còn được biết tới như là một trong những nhân vật quan trọng dẫn đến việc xét xử lại Vụ Dreyfus, một vụ bê bối chính trị về việc cáo buộc sĩ quan gốc Do Thái Dreyfus thuộc Bộ Tổng tham mưu Pháp làm gián điệp cho người Phổ, đặc biệt lại là sau khi Pháp thất trận, phải nhường vùng Alsace cho Phổ.
Giovanni Carmelo Verga (2 tháng 9 năm 1840 – 27 tháng 1 năm 1922) là một nhà văn hiện thực Ý (Verismo), nổi tiếng với những tác phẩm miêu tả về cuộc sống ở Sicily quê hương của ông, và đặc biệt là truyện ngắn (sau đó được chuyển thể thành kịch) Cavalleria Rusticana và cuốn tiểu thuyết I Malavoglia (The House by the Medlar Tree). Ông bắt đầu sáng tác ở tuổi thiếu niên với tiểu thuyết lịch sử Amore e Patria (Love and Country). Sau đó, mặc dù theo học luật tại Đại học Catania, ông đã dùng tiền mà cha ông cho xuất bản cuốn Carbonari della Montagna vào năm 1861 và 1862, tiếp đến là Sulle lagune vào năm 1863. Sau đó, ông dự định sẽ sáng tác một loạt truyện gồm năm tiểu thuyết, tuy nhiên ông chỉ có thể hoàn thành hai bộ là I Malavoglia và Mastro-Don Gesualdo (1889). Tác phẩm thứ hai cũng chính là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp văn chương của ông, và cả hai tác phẩm trên đều được đánh giá là những kiệt tác văn học…Với những cống hiến của mình, năm 1920, ông đã được phong làm Senator of the Kingdom (Senatore del Regno) (Tạm dịch: Thượng Nghị sĩ của Vương quốc Italia).↩
Kazuo Ishiguro là một tiểu thuyết gia, biên kịch và nhà văn viết truyện người Anh sinh ngày 8 tháng 11 năm 1954 tại Nagasaki, Nhật Bản, sau đó cùng gia đình chuyển đến Anh định cư khi ông được 5 tuổi. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Kent vào năm 1978, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học East Anglia vào năm 1980. Ông là một trong những tác giả hư cấu nổi tiếng của nền văn chương Anh ngữ, từng nhận được bốn đề cử của Man Booker Prize và giành giải năm 1989 với tiểu thuyết The Remains of the Day. Một số tác phẩm nổi tiếng khác của ông có thể kể đến như là A pale view of hills (Tạm dịch: Cảnh đồi nhạt phai), quyển sách đã mang về cho ông giải thưởng Winifred Holtby của Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh; Never let me go (Tạm dịch: Đừng rời xa tôi) xuất bản năm 2005, một tác phẩm viễn tưởng gây nhiều tiếng vang cho Kazuo Ishiguro;… Ngày 5 tháng 10 năm 2017, ông đã vinh dự trở thành chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học lần thứ 114.↩
Salman Rushdie (sinh năm 1947) là một tiểu thuyết và tiểu luận gia. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng và được đánh giá cao như Midnight’s Children (1981) (Tạm dịch: Những đứa trẻ lúc nửa đêm), tác phẩm giành giải Booker năm 1981 và được coi là “cuốn tiểu thuyết hay nhất trong tất cả những tiểu thuyết chiến thắng”; hayThe Satanic Verses (1988) (Tạm dịch: Những vần thơ của quỷ Satan), một tác phẩm gây tranh cãi đến mức đe dọa mạng sống của ông và khiến chính phủ Anh phải điều cảnh sát bảo vệ ông,… Năm 1983, Rushdie được bầu làm Hội viên của Hiệp hội Văn học hoàng gia, một tổ chức văn học cao cấp của Anh; năm 1999, ông được phong tước Hiệp sĩ trong giải thưởng Huân chương Nghệ thuật và Văn học (Commandeur de l’Ordre des Arts et des Lettres) của Pháp; tháng 6 năm 2007, Nữ hoàng Elizabeth II đã phong tước Hiệp sĩ cho ông về văn học; năm 2008, tạp chí Times xếp ông vào vị trí thứ 13 trong danh sách 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945.
Orhan Pamuk (sinh năm 1952) là một tiểu thuyết gia, nhà biên kịch, học giả người Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2006, ông được trao giải thưởng Nobel Văn học, và là người Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên nhận vinh dự đó. Là một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, các tác phẩm của ông đã bán được hơn 13 triệu bản, được dịch ra sáu mươi ba ngôn ngữ, khiến ông trở thành nhà văn bán có khối lượng tác phẩm bán chạy nhất nước này. Ông hiện là giáo sư dạy môn văn học so sánh ở Đại học Columbia.↩
Barbara Pym và Natalia Ginzburg là hai tiểu thuyết gia có lối viết đòi hỏi người đọc phải có hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, chính vì thế mà cá tác phẩm của họ bị các nhà xuất bản cho rằng sẽ không bán được, không được yêu thích bởi độc giả. Tác giả đưa hai người này để làm ví dụ cho việc thị trường văn học không chuộng những tác phẩm của các tác giả có cách viết quá phức tạp, cao siêu.↩
wow 😮 bài này thực sự cảnh tỉnh mình 😮