a
§ Tác giả: Maria Konnikova | Nguồn: The New Yorker
Biên dịch: Bích | Hiệu đính:  Aceae
15/11/2016

Với tư cách là một loài vật, con người cực kì thông minh. Chúng ta kể các câu chuyện, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và sản phẩm công nghệ đáng kinh ngạc, xây dựng nên các thành phố và thám hiểm vũ trụ. Tuy thời gian tồn tại trên Trái đất của chúng ta không dài bằng nhiều loài vật khác, nhưng xét trên nhiều mặt, ta thành công hơn bất kì giống loài nào từ trước tới nay. Chúng ta ăn thịt những loài khác chứ không phải ngược lại. Chúng ta thậm chí còn tiến hành cả những nghiên cứu khoa học trên các loài khác và đang cân nhắc đến việc tái tạo lại một số loài đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, trí tuệ của con người cũng đi kèm với một điểm trừ gây tò mò (curious caveat): trẻ sơ sinh nằm trong số những con non khờ khạo nhất – hay đúng hơn là chúng gần như hoàn toàn vô dụng1. Hươu cao cổ con có thể đứng dậy chỉ sau một giờ sinh, thậm chí còn có thể tháo chạy khỏi thú săn mồi ngay trong ngày đầu tiên được sinh ra. Khỉ con biết bám vào mẹ nó để được bảo vệ và nuôi dưỡng. Còn một đứa trẻ sơ sinh thì thậm chí còn không thể tự nâng cái đầu của mình lên.

Sự tiến hóa của trí tuệ loài người không phải là điều mà Celeste Kidd từng thắc mắc. Cô là một nhà khoa học về phát triển nhận thức, hiện đang làm việc tại trường Đại học Rochester; những nghiên cứu của cô tập trung chủ yếu vào quá trình học hỏi và đưa ra quyết định ở trẻ em. Qua nhiều năm quan sát chúng, cô cảm thấy vô cùng ấn tượng với mức độ tinh tế trung bình ở trẻ. Nhưng khi nhìn lại những đứa trẻ sơ sinh mà mình từng gặp, cô chỉ thấy sự “vô dụng” (helpless) đến mức khó hiểu: Làm sao mà chúng có thể trong chốc lát từ một cá thể thiếu sót trở nên cực kì thông minh? Cô đặt ra câu hỏi này với đồng nghiệp của mình – Steven Piantadosi. “Cả hai chúng tôi đều tự hỏi điều gì có thể giải thích một cách thích đáng cho sự “vô dụng” của những đứa trẻ sơ sinh. Thậm chí những con linh trưởng non khác, như tinh tinh con – loài cận kề nhất với loài người theo phương diện tiến hóa – cũng biết bám vào mẹ của nó.” Cô bắt đầu nhận ra sự mâu thuẫn: con người vốn dĩ sinh ra khá yếu đuối, hơn hẳn so với những loài linh trưởng khác; tuy nhiên, không lâu sau, chúng ta trở nên thông minh hơn, và cũng hơn hắn so với các loài linh trưởng khác. Nhỡ đâu điều này không phải là một mâu thuẫn mà là quan hệ nguyên nhân — kết quả thì sao?

Đây chính là lập luận mà Kidd và Piantadosi đưa ra trong bài viết mới của họ được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science số tháng Sáu. Họ cho rằng con người trở nên thông minh là vì những đứa trẻ không thể nào tự lo liệu được. Sự yếu đuối của chúng khiến trí tuệ của người lớn trở nên cần thiết hơn. Giả thuyết này thật đáng kinh ngạc, nhưng nó không hoàn toàn mới mẻ. Trong một thời gian dài các nhà nghiên cứu đã cân nhắc về những đặc thù trong quá trình sinh đẻ của chúng ta và tầm quan trọng về mặt tiến hóa của nó. Con người thuộc nhóm động vật có vú đẻ con (viviparous mammals2). Điều này nghĩa là thai nhi phải phát triển đến một mức đủ lớn để có thể được sinh ra, nhưng chúng cũng không được lớn đến mức không thể chui ra ngoài được. Điều này dẫn đến một sự đánh đổi khác: một loài vật càng thông minh thì đầu của chúng càng to, nhưng đường sinh sản đặt ra một giới hạn về kích thước của đầu, bằng không nó sẽ bị mắc kẹt. Do đó, não vẫn phải tiếp tục phát triển, đầu vẫn sẽ phải lớn lên trong suốt thời gian dài sau khi sinh. Một động vật trưởng thành càng thông minh thì lúc mới sinh lại càng non nớt.

Các nhà khoa học từ lâu đã biết về sự đánh đổi này và cả mối tương quan giữa kích cỡ của não, cũng như mật độ của nơ-ron thần kinh và trí thông minh. Chẳng hạn, Robin Dunbar đã phát hiện ra rằng tỉ lệ giữa thể tích của tân vỏ não (neocortex) và kích cỡ não có thể dự đoán quy mô của nhóm cộng đồng ở một số loài, ví dụ như dơi, các động vật có vú ở biển (cetaceans), hay các loài linh trưởng. Trong khi đó, Simon Reader đã chứng minh được mối liên hệ giữa việc sử dụng công cụ và khả năng sáng tạo với kích thước của não ở loài linh trưởng. Ý kiến mới của Kidd và Piantadosi cho rằng sự non nớt ở trẻ sơ sinh cao hơn khiến trí tuệ của bố mẹ tăng lên; và rằng một hiện tượng chọn lọc mất kiểm soát (runaway selection3) có thể dễ dàng giải thích cho cả hai. Chọn lọc tự nhiên ưu tiên những kẻ có bộ não lớn hơn, vì những người này thường thông minh hơn. Chính điều này có thể (đã) tạo ra động cơ tiến hóa cho những đứa trẻ sinh sớm hơn nữa, chúng cũng đòi hỏi trí thông minh cao hơn ở bố mẹ. Điều này tạo nên động lực (tiến hóa): cùng với thời gian, những đứa trẻ non nớt khiến bố mẹ chúng trở nên thông minh hơn, điều này lại càng khiến chúng trở nên non nớt hơn và bố mẹ thì lại càng thông minh hơn nữa và cứ tiếp tục như thế.

Trong quá trình nghiên cứu, Kidd và Piantadosi nhận ra một điều quan trọng giúp củng cố thêm cho giả thuyết của họ. Hóa ra là còn có một biến số khác thậm chí có độ tương quan với trí thông minh còn cao hơn cả kích cỡ của não – đó chính là quãng thời gian đến tuổi trưởng thành. Hay nói cách khác, thời gian cần thiết để nuôi dưỡng một con vật mới sinh, từ lúc nó hoàn toàn non nớt đến khi biết tự lập, có thể dự đoán trí thông minh của một loài linh trưởng nhiều hơn bất kì thước đo nào được đưa ra từ trước tới nay, kể cả kích thước của cái đầu. Đười ươi con thông minh hơn khỉ đầu chó (baboon) con và chúng cũng cần thời gian nuôi lớn lâu hơn. Vượn châu Phi, tương tự như thế, cũng thông minh hơn và cần được chăm sóc lâu hơn so với vượn cáo con.

Việc liên kết những thông tin này đã giúp Kidd và Piantadosi phát triển giả thiết của họ. Mối liên hệ giữa kích thước của đầu và trí thông minh đúng là có thể tạo ra động lực khiến thai nhi ra đời sớm hơn. Tuy nhiên, chính mối liên hệ giữa thời gian phát triển và trí thông minh mới là điều thật sự thúc đẩy chu trình này. Bạn cần phải thông minh hơn để chăm sóc cho những đứa trẻ non nớt hơn, đồng nghĩa với việc bạn cần một bộ não lớn hơn. Do đó, những đứa trẻ lại càng phải ra đời ở giai đoạn phát triển sớm hơn, vì có một giới hạn nhất định cho kích thước của não khi chào đời, bởi tính chất sinh lý của việc sinh con (physiology of live birth). Và chu trình này cứ thế tiếp tục.

Đương nhiên, lí thuyết này là một mô hình. Để chứng minh lí thuyết này, cách lí tưởng nhất là xem xét kích cỡ đầu, thời điểm sinh, và trí thông minh qua suốt quá trình tiến hóa của loài người, từ đó mới thấy được liệu có phải việc chúng ta được sinh ra sớm hơn song song với việc trở nên thông minh hơn không – (nhưng) ta không có dữ liệu như thế. (Kidd cũng liên tục nhấn mạnh rằng lý thuyết này bổ sung chứ không thay thế những lý thuyết trước đây: nó có thể cùng tồn tại hài hòa với những lí thuyết giải thích về trí tuệ liên quan đến nhóm xã hội – như cách tiếp cận của Dunbar – hay lí thuyết liên quan đến sự trao đổi chất,đưa ra lập luận rằng nhờ hệ tiêu hóa của chúng ta mà nhu cầu trao đổi chất rất cao của não bộ mới được đáp ứng, và rằng ta trở nên thông minh là để có thể tìm và chia sẻ những thức ăn khó kiếm.) Tuy nhiên, cũng có một vài bằng chứng thú vị và đồng nhất. Điển hình như việc những loài vật không đẻ con chưa tiến hóa được đến mức độ thông minh như những loài đẻ con. Điều này chỉ ra một mối liên hệ tất yếu giữa khả năng tư duy và việc đẻ con. Và ở người hiện đại vẫn tồn tại những bằng chứng dường như ám chỉ rằng cha mẹ càng thông minh thì khả năng sống sót của con cái càng cao. Trong một cuộc kiểm tra nhỏ với hai trăm hai mươi hai phụ nữ người Romani tại Serbia, I.Q. của người mẹ và tỉ lệ tử vong ở trẻ em có quan hệ tỉ lệ nghịch (tức là I.Q. của mẹ càng cao thì khả năng tử của con càng thấp), kể cả khi đã kiểm soát (những biến số gây nhiễu4) như trình độ giáo dục, tuổi tác, và một vài yếu tố khác. Trong một nghiên cứu có quy mô lớn hơn trên cha mẹ ở California năm 1978, số năm đi học của bố mẹ có liên hệ với tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Những nghiên cứu dịch tễ học toàn cầu cũng cho thấy thời gian mẹ đi học thêm một năm sẽ tương đương với việc giảm khả năng tử vong của trẻ sơ sinh từ bảy đến chín phần trăm. Đương nhiên, tất cả những điều trên không chắc chắn, nhưng chúng có tính gợi mở.

Và đương nhiên theo đó là một câu hỏi khác: Tại sao chu trình này lại diễn ra với con người mà không xảy ra ở vượn cáo? Khi tôi hỏi Kidd về vấn đề này, cô ấy nói rằng lí thuyết của họ không thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này, điều này hoàn toàn là một sự may mắn tình cờ xảy ra trong gen và sau đó tự củng cố thêm. Khi trở nên thông minh hơn, chúng ta có thể chăm sóc tốt hơn cho đứa con mới sinh của mình, để chúng có thể được sinh ra trong tình trạng càng yếu ớt hơn và cho phép chúng ta thông minh hơn nữa.

Một cách thú vị để kiểm tra thêm về giả thuyết này chính là xem xét các cặp song sinh. Những cặp song sinh thường sinh non. Điều đó liệu có nghĩa rằng chúng sẽ thông minh hơn những đứa trẻ bình thường khác, vì chúng cần nhiều thời gian chăm sóc hơn – và liệu những bà mẹ mà bản thân cũng nằm trong một cặp sinh đôi, đến lượt mình cũng sẽ sinh ra những đứa con thông minh hơn? “Một câu hỏi rất hay, nghiên cứu kiểu song sinh di truyền trong gia đình để xem liệu điều đó có dẫn đến trí thông minh cao hơn không,” Kidd nói. Theo cô, “Đây là một giả thuyết có thể dự đoán được,” và là một giả thuyết có thể đem vào áp dụng trong một nghiên cứu đang tiến hành của họ về các tính trạng di truyền ở các cặp song sinh. Giả thuyết này bắt đầu từ một đứa trẻ năm tuổi chứ không phải ai khác. Đó là con gái của Sindya Bhanoo – một cây bút trước đây của tờ Times. Cô bé cũng là người phỏng vấn Kidd trong một podcast về những cặp song sinh. Những đứa trẻ có thể thật khờ khạo, nhưng chẳng mấy chốc, chúng lại thông minh biết bao!


  1. Trong văn bản gốc, tác giả dùng một cách thống nhất tính từ “helpless” khi nói về sự “vô dụng,” non nớt, không thể làm được việc gì của trẻ sơ sinh. Bản dịch sẽ dùng một số từ khác như “bất lực,” “non nớt” hay “yếu ớt” tùy vào ngữ cảnh thay cho từ nghĩa đen “vô dụng” để phù hợp và tránh hiểu sai nghĩa của từ.

  2. Động vật đẻ ra con non luôn, phân biệt với những động vật đẻ trứng (oviparous). Đa phần động vật có vú đẻ con (ví dụ như: người, cá voi,..), chỉ có 5 loài đẻ trứng (monotremes).

  3. Là học thuyết về chọn lọc giới tính được đưa ra bởi Ronald Fisher để giải thích cho các đặc tính, ví dụ như bộ lông sặc sỡ, hành động tán tỉnh cầu kì ở con đực của một số loài. Học thuyết cho rằng vì con cái ưu tiên chọn những con đực có ngoại hình nổi trội hơn nên các con đực sẽ phát triển những đặc điểm ngoại hình ngày càng nổi bật hơn để có thể cạnh tranh với những con đực khác.

  4. Văn bản gốc: accounting for education, age, and a number of other factors. Accounting for variables (kiểm soát biến số gây nhiễu) là một thao tác trong thống kê để giảm thiểu tác động của những yếu tố có thể dẫn đến sai sót trong lúc phân tích số liệu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất