Nhiều năm trước khi tôi đang tiến hành nghiên cứu tiến sĩ về lịch sử tiến hóa của nam giới trong cộng đồng những người săn bắt hái lượm bản địa sinh sống tại vùng núi Nam Mỹ hẻo lánh, tôi bắt gặp một người đàn ông đội một chiếc mũ bóng chày đã cũ mà có vẻ như là được tặng bởi các nhà truyền giáo. Chiếc mũ có dòng chữ, “Có ba giai đoạn trong cuộc đời mỗi người đàn ông: Sung mãn, Mệt mỏi, Gục ngã (Stud, Dud, Thud).” Thật vậy. Thực đáng suy nghĩ khi cuộc đời một con người lại có thể được tóm tắt trên một cái mũ đội đầu bán với giá vài đô la tại một trạm dừng chân như vậy. Nhưng đó lại chính là sự tinh tế của khoa học.
Ai cũng biết tỉ lệ tử vong do tai nạn và hành động liều lĩnh cao hơn hẳn ở nam giới trẻ tuổi, đặc biệt những người ở độ tuổi thanh thiếu niên và những năm đầu của tuổi 20. Điều này cũng không mới mẻ gì đối với các công ty bảo hiểm. Và cũng đúng là đàn ông chết sớm hơn phụ nữ, bất kể môi trường và lối sống của họ có như thế nào, và họ thường dễ bị ung thư hay các bệnh về tim sớm hơn. Trên thực tế, nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới ở hầu hết 15 nguy cơ gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ – chiếm gần 80 phần trăm tổng số trường hợp tử vong.
Các yếu tố tiến hóa rõ ràng có liên quan trong vấn đề này. Câu hỏi đặt ra là tại sao. Chọn lọc tự nhiên lựa chọn gì ở nam giới? Đây chắc chắn là một câu hỏi mang tính học thuật hấp dẫn. Nhưng đến nay khi đã ở độ tuổi 50, tôi phải thừa nhận vấn đề lão hóa ngày càng đáng suy nghĩ hơn khi tóc tôi mỗi ngày một bạc thêm.
Testosterone tạo ra những thứ nghe có vẻ lành mạnh – nhưng nó cũng có thể là một con dao hai lưỡi
Hóa ra, hiện tượng tuổi thọ ngắn hơn và nguy cơ tử vong cao hơn ở giới đực phổ biến ở rất nhiều loài. Chọn lọc tự nhiên không hẳn là ưu tiên các đặc tính thường liên quan đến sức khỏe, sức sống, và tuổi thọ. Thay vào đó, nó khuyến khích những đặc tính góp phần vào sự thành công trong việc sinh sản, hay theo cách nói của sinh học tiến hóa là sự thích ứng (fitness)1. Nếu những lợi ích của việc gia tăng sự thích ứng lớn hơn những bất lợi của việc có tuổi thọ ngắn hay sức khỏe kém, sinh học sẽ ưu tiên những đặc tính đó. Về cơ bản thì, tình dục đánh bật tuổi thọ.
Sự đánh đổi giữa tuổi thọ và sinh sản này thể hiện khá rõ ràng ở phụ nữ: Việc mang thai, sinh đẻ, và có sữa cho con bú đều tốn kém về cả mặt thể chất và năng lượng. Các nghiên cứu cho thấy rằng mang thai nhiều hơn có liên quan đến việc mất cân bằng oxy hóa cao hơn, có thể dẫn đến tốc độ lão hóa nhanh hơn ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh (1). Ví dụ như, một nghiên cứu lịch sử vào năm 2006 về phụ nữ nông thôn Ba Lan đã chỉ ra sự tương quan giữa việc có nhiều con và tuổi thọ ngắn hơn đáng kể sau mãn kinh (2). Mặc dù vấn đề này cần phải nghiên cứu thêm, nhưng có vẻ như nỗ lực trong việc sinh đẻ có thể rút ngắn thời gian sống của bạn.
Nhưng còn nam giới thì sao? Rõ ràng họ không phải chịu những tổn thất của việc mang thai, nhưng họ vẫn cần phân bố nhiều năng lượng để cải thiện khả năng sinh sản, và điều này cũng gây tổn hại cho cuộc sống sau này của họ. “Nỗ lực sinh sản” này thể hiện ở những hành vi liều lĩnh hơn và việc tích lũy khối lượng cơ thể lớn hơn, đặc biệt là khối cơ xương chỉ có ở nam giới như những cơ bắp ở vai, lưng, và cánh tay. Phí tổn trao đổi chất của việc của việc duy trì khối cơ bắp này của đàn ông trong suốt cuộc đời tương đương với những mất mát năng lượng của phụ nữ trong thời gian mang thai và cho con bú, tuy nhiên những vấn đề sức khỏe của họ thì dễ kiểm soát hơn phần nào. Bởi dù sao đi chăng nữa, cũng tốt khi có những cơ chế sinh lý tiến hóa để quản lý những đổi chác gây ra bởi các nhu cầu thường xuyên trái ngược nhau của các chức năng cơ thể. Hormon là một trong những tác nhân quan trọng nhất trong việc này. Ở nam giới, testosterone điều chỉnh sự đầu tư của cơ thể vào cơ bắp và hành vi sinh sản. Nhưng như mọi thứ khác, nó cũng có cái giá của mình.
Testosterone thường được mô tả là hormon giới tính nam. Phụ nữ cũng sản sinh testosterone, nhưng với số lượng nhỏ hơn nhiều. Ngoài những ảnh hưởng về mặt giới tính như kích thích mọc râu và giọng nói trầm hơn, testosterone là một hormon đồng hóa quan trọng tác động đáng kể đến những tiêu hao năng lượng ở nam giới. Có nghĩa là, nó thúc đẩy quá trình đồng hóa2, hay việc hình thành cơ bắp, và tăng cường sự trao đổi chất cùng tỷ lệ cơ đốt cháy năng lượng. Testosterone cũng thúc đẩy sự đốt cháy mô mỡ. Và tất nhiên, nó cũng làm gia tăng ham muốn tình dục và tâm trạng. Vì vậy testosterone tạo ra những thứ nghe có vẻ lành mạnh – nhưng nó cũng có thể là một con dao hai lưỡi.
Các yếu tố khác, như tình trạng dinh dưỡng hay kinh tế xã hội, cũng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ
Ví dụ, đốt cháy mỡ có thể khiến bạn trông ưa nhìn hơn trong gương, nhưng trong môi trường hoang dã, ít chất béo sẽ khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và bị suy kiệt hơn khi thiếu thức ăn. Có thể thấy rõ điều này ở nhiều sinh vật, khi việc tăng quá nhiều testosterone báo hiệu một sự gia tăng trong nỗ lực sinh sản, nhưng lại chỉ gây khó khăn cho những nhu cầu sinh lý khác liên quan đến sự khỏe mạnh của cơ thể. Ví dụ như loài mèo túi phương bắc (Dasyurus hallucatus), một loài thú có túi kích thước trung bình ở Úc. Những con mèo túi đực trải qua việc gia tăng hàm lượng testosterone lớn một lần trong đời, gây nên những khoảng thời gian giao phối ngắn và cực kì dữ dội do sự gây hấn giữa những con đực và sự cạn kiệt chất béo. Những con cái có thể sống đến ba năm, trong khi con đực may mắn cũng sẽ chỉ được một năm. Như nhà sinh thái học Jaime Heiniger đã diễn giải một cách súc tích, “Có thể chúng [những con đực] quan hệ cho đến chết” (3).
Tác động của testosterone lên tuổi thọ và sự lão hóa ở người thì ít rõ ràng hơn và khó hơn để đánh giá, nhưng với việc tuổi thọ ngắn hơn ở nam giới, một tình huống tương tự cũng có thể diễn ra. Do việc thử nghiệm kiểm soát hàm lượng testosterone ở nam giới để xác định tác động của nó lên tuổi thọ là phi đạo đức, các nhà nghiên cứu phải tìm kiếm những đầu mối ít rõ ràng hơn, thường là từ những dữ liệu lịch sử. Ví dụ, vào cuối thế kỷ 19 ở Trung Quốc và Đế quốc Ottoman, nam giới thuộc một số nhánh không chính thống của tôn giáo không chỉ bị hoạn, mà còn bị cắt bỏ toàn bộ bộ phận sinh dục, bao gồm cả dương vật và bìu (4). Và những thái giám hay những người đàn ông bị thiến phổ biến ở cả các cung điện hoàng gia vào thời kì tiền công nghiệp tại Hàn Quốc lẫn trong những dàn hợp xướng nam ở châu Âu thế kỉ 17 và 18 (5). Mặc dù có những ví dụ về việc hoạn ở cả các dân tộc khác nữa, nhưng ba trường hợp này khác biệt bởi chúng có ghi chép lại về yếu tố tuổi thọ. Những ghi chép về Trung Quốc và dàn hợp xướng nam cho thấy những người bị hoạn không có khác biệt gì về tuổi thọ so với những người đàn ông không bị hoạn; tuy nhiên, nghiên cứu của Hàn Quốc đã ghi nhận rằng những hoạn quan thì sống lâu hơn. Đó là khoa học. Ngay cả nếu những nghiên cứu này có đưa ra kết quả giống nhau, chúng vẫn chưa đưa ra đủ bằng chứng cho một kết luận vũng chắc. Các yếu tố khác, như tình trạng dinh dưỡng hay kinh tế xã hội, cũng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ, độc lập với ảnh hưởng của testosterone.
“Mạnh bạo quá khiến bạn bị bệnh.”
Vậy nên, để có một bức tranh toàn cảnh chính xác hơn, các nhà khoa học phải kiểm tra tác động của việc bổ sung testosterone ở những cá thể đực “còn nguyên sơ”. Các nhà nghiên cứu về chim đã chỉ ra rằng thử nghiệm gia tăng nồng độ testosterone thường cải thiện khả năng làm tổ của một con chim trống, bảo vệ bản thân khỏi những kẻ tình địch, và sinh nhiều chim non hơn so với những con trống không được tăng cường testosterone (6). Hơn nữa, những con chim trống vốn đã có hàm lượng testosterone tự nhiên cao cũng có những lợi thế tương tự. Nếu testosterone có lợi cho khả năng sinh sản như vậy, thì tại sao tất cả bọn chim trống lại không duy trì mức testosterone cao như vậy? Một lần nữa: Cái gì cũng có giá của nó. Mặc dù những con chim trống được bổ sung testosterone có khả năng sinh sản cao hơn, chúng lại có khả năng sinh tồn kém hơn. Những con đực được bổ sung (testosterone) có ít chất béo hơn và phải chật vật hơn để sống sót được qua mùa sinh sản.
Bỏ qua loài chim, việc bổ sung hàm lượng testosteron ở những người đàn ông khỏe mạnh đang ngày càng phổ biến hơn và có thể giúp chúng ta hiểu hơn về sự đánh đổi giữa nỗ lực sinh sản và tuổi thọ. Mặc dù vẫn còn quá sớm để xác định liệu nam giới bổ sung testosterone thì có tuổi thọ ngắn hơn hay không, những bằng chứng đang dần xuất hiện. Theo một nghiên cứu vào năm 2014, nam giới lớn tuổi sử dụng testosterone có nhiều khả năng bị nhồi máu cơ tim cấp tính không dẫn đến tử vong hơn trong vòng 90 ngày sau lần điều trị kê đơn đầu tiên so với giai đoạn trước khi chữa trị (7). Nồng độ testosterone cao hơn có thể có lợi cho sự tăng trưởng của các cơ, nhưng các cơ quan khác ở những người đàn ông lớn tuổi có thể không chịu được gánh nặng của sự chuyển hóa chất. Hẳn là vấn đề này vẫn phải cần nhiều nghiên cứu hơn nữa.
Bệnh truyền nhiễm không phải là loại bệnh duy nhất đàn ông cần phải lo lắng
Testosterone không chỉ gây ra những thay đổi về trao đổi chất: nó cũng có những tác động đáng kể lên hệ miễn dịch trong cuộc đời một người đàn ông. Theo Stephen Stearns, nhà sinh vật học tiến hóa của Yale, “Mạnh bạo quá khiến bạn bị bệnh.” Thật vậy, nam giới thường dễ bị nhiễm trùng hay lây bệnh hơn phụ nữ. Có một số nguyên nhân tiềm ẩn có thể lý giải những khác biệt này. Có lẽ nam giới chỉ đơn giản là có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn. Hoặc là họ có bất lợi về mặt hóa học trong việc chống lại sự nhiễm khuẩn – một giả thiết đang ngày càng có nhiều bằng chứng ủng hộ hơn. Testosterone ức chế khả năng miễn dịch, trong khi estradiol, loại steroid3 tình dục chủ yếu ở nữ giới, lại tăng cường chức năng miễn dịch. (Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tự miễn dịch4 ở phụ nữ – một sự đánh đổi mà lại một lần nữa tự nhiên sẵn sàng làm để có được những lợi ích của estradiol trong việc sinh sản.) Ở những loài chim hoang dã, bò sát, và động vật có vú, testosterone đã được phát hiện là làm suy giảm chức năng miễn dịch, và làm tăng mức độ nghiêm trọng khi nhiễm trùng và kéo theo đó là khả năng tử vong. Câu hỏi liệu điều này cũng đúng với con người hay không vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng nó có vẻ phù hợp với dữ liệu thu thập được từ nam giới đang sống ở các khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Vào năm 2005, một nghiên cứu được tiến hành tại Honduras5 đã cho thấy nồng độ testosterone ở những người nam giới mắc bệnh sốt rét thấp hơn những người không nhiễm bệnh. Khi những người này được điều trị, nồng độ testosterone của họ tăng trở lại mức độ giống như của những người không nhiễm bệnh (8).
Và bệnh truyền nhiễm không phải là loại bệnh duy nhất đàn ông cần phải lo lắng. Testosterone và các hormon sinh dục khác còn có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến. Ví dụ, những quần thể dân số có mức testosterone cao hơn cũng có xu hướng mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn (9). Một lần nữa, tình dục lại đánh bật tuổi thọ.
Vậy tại sao nam giới lại trung hòa những ảnh hưởng tiêu cực của testosterone? Lời giải thích theo kiểu Darwin là những lợi thế tiềm năng về mặt sinh sản ở những con đực thuộc lớp động vật có vú là rất lớn so với con cái. Cơ hội giao phối là một giới hạn quan trọng đối với sự thích ứng của những con đực. Giả sử, một con đực trong một năm giao phối với 100 con cái khác nhau có thể sản sinh ra 100 con con hoặc hơn. Điều này lại không đúng với con cái. Sự phổ biến của việc có nhiều bạn tình ở động vật có vú, các loài linh trưởng khác, và nhiều xã hội loài người là bằng chứng cho tác động của sự khác biệt này đối với những giới hạn sự thích ứng giữa con đực và con cái. Con cái cũng có thể tăng độ thích ứng của mình bằng cách có nhiều cơ hội giao phối hơn, nhưng không phải bằng việc sinh con nhiều hơn. Về cơ bản, giới đực ở những loài có vú sẵn sàng sử dụng các hormon đắt đỏ như testosterone, đầu tư vào những mô tế bào tốn kém, và thực hiện các hành vi có nhiều rủi ro bởi những lợi ích về mặt thích ứng chúng có thể có được là rất cao.
Điều này sẽ có lý nếu bạn sống ở kỷ Pleistocene6 cách đây vài triệu năm. Nhưng liệu nó có còn liên quan cho đàn ông ngày nay? Có lẽ. Dù con người bị ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa, chúng ta vẫn khó thoát khỏi những điều kiện của chọn lọc tự nhiên – sự đa dạng tính trạng, hệ số di truyền7, và khả năng sinh sản khác nhau.
Có lẽ nam giới sẽ không bao giờ bỏ được những chi phí liên quan đế tuổi thọ và sức khỏe
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là nam giới không thể phát triển các chiến lược sinh sản khác. Mặc dù họ có khuynh hướng thực hiện các hành vi nguy hiểm và biểu lộ những đặc điểm thể chất tốn kém làm rút ngắn tuổi thọ, đàn ông đã phát triển một kiểu nỗ lực sinh sản khác dưới dạng đầu tư từ phía người cha – một thứ rất hiếm gặp ở các loài linh trưởng (và động vật có vú nói chung). Để phát triển sự đầu tư từ người cha, nam giới phải đảm bảo rằng họ ở gần bên để chăm sóc con cái. Hành vi liều lĩnh và mô tế bào đắt đỏ phải nhường bước để sự đầu tư này có thể mang lại một sức khỏe tốt hơn và có lẽ là kéo dài tuổi thọ. Thật vậy, nam giới có thể giảm testosterone và tăng cân khi họ trở thành bố và tham gia vào quá trình chăm sóc con cái (10,11). Có lẽ, làm cha là một việc tốt cho sức khỏe.
Tôi nghi ngờ liệu quá trình chọn lọc tự nhiên đã thực sự kết thúc ở đàn ông, hoặc con người nói chung. Chúng ta có thể sẽ vẫn phải trải qua một vòng đời hơn và sức khỏe tồi tệ hơn do lịch sử tiến hóa của mình, nhưng bản chất của tiến hóa là sự thay đổi theo thời gian. Và bản chất của chúng ta thì dễ thay đổi, nhào nặn đến khó tin. Đặc điểm sinh lý hỗ trợ dễ nhào nặn này có lẽ chính là lý do tại sao loài người chúng ta đã phát triển những đặc điểm đặc trưng của mình: những bộ não to lớn, đắt đỏ; sống lâu; tuổi thơ kéo dài; con cái cần nhiều sự chăm sóc. Điều đó cũng có thể giải thích tại sao có tới hơn 7 tỉ người. Đó quả thực là một mức độ thích ứng sinh sản cực kỳ lớn. Nam giới đã phát triển các chiến lược sinh sản như sự chăm sóc của người cha, một điều có vẻ đã góp phần vào thành công tiến hóa của họ. Nhưng điều này không thay đổi thực tế rằng họ vẫn cần testosterone để sinh sản. Có lẽ nam giới sẽ không bao giờ bỏ được những chi phí liên quan đế tuổi thọ và sức khỏe – nhưng dù có vậy, cách này chắc chắn vẫn tốt hơn việc là một con mèo túi phương bắc. Mặc dù đây là một cách tồi tệ.
*****
Danh sách tham khảo:
1. Ziomkiewicz, A., et al. Evidence for the cost of reproduction in humans: High lifetime reproductive effort is associated with greater oxidative stress in post-menopausal women. PLoS One 11, p. e0145753 (2016).
2. Jasienska, G., Nenko, I., & Jasienski, M. Daughters increase longevity of fathers, but daughters and sons equally reduce longevity of mothers. American Journal of Human Biology 18, 422-425 (2006).
3. Dunlevie, J. & Daly, N. Sex life of northern quolls: Reproduction rituals on Groote Eylandt exposed. www.abc.net (2014).
4. Wilson, J.D. & Roehrborn, C. Long-term consequences of castration in men: Lessons from the Skoptzy and the eunuchs of the Chinese and Ottoman courts. Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism 84, 4324-4331 (1999).
5. Min, K.J., Lee, C.K., & Park, H.N. The lifespan of Korean eunuchs. Current Biology 22, R792-793 (2012).
6. Reed, W.L., et al. Physiological effects on demography: A long-term experimental study of testosterone’s effects on fitness. The American Naturalist 167, 665-681 (2006).
7. Finkle, W.D., et al. Increased risk of non-fatal myocardial infarction following testosterone therapy prescription in men. PLoS One 9, e85805 (2014).
8. Muehlenbein, M.P., Alger, J., Cogswell, F., James, M., & Krogstad, D. The reproductive endocrine response to Plasmodium vivax infection in Hondurans. The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene 73, 178-187 (2005).
9. Calistro Alvarado, L. Population differences in the testosterone levels of young men are associated with prostate cancer disparities in older men. American Journal of Human Biology 22, 449-455 (2010).
10. Garfield, C.F., et al. Longitudinal Study of Body Mass Index in Young Males and the Transition to Fatherhood. American Journal of Men’s Health 10, NP158-NP167 (2015).
11. Gettler, L.T., McDade, T.W., Feranil, A.B., & Kuzawa, C.W. Longitudinal evidence that fatherhood decreases testosterone in human males. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America 108, 16194-16199 (2011).
Trong sinh học tiến hóa, khái niệm “fitness” – sự thích ứng được hiểu là sự thích nghi của sinh vật với môi trường và thành công trong sinh sản, thể hiện qua việc một kiểu gen hay tính trạng được di truyền cho thế hệ sau.↩
Là quá trình tổng hợp các chất đơn giản thành các chất phức tạp trong cơ thể sinh vật và kèm theo đó là sự tiêu hao năng lượng.↩
Là các phân tử lipid phức tạp có ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa, tăng trưởng trong cơ thể. Ở người, steroid được tiết ra từ buồng trứng, tinh hoàn, vỏ não, tuyến thượng thận và nhau thai.↩
Là những bệnh xảy ra do sự rối loạn trong hệ miễn dịch của con người. Bình thường, hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể, chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật và bênh tật. Tuy nhiên, khi một số rối loạn xảy ra, hệ miễn dịch lại coi chính các tế bào của cơ thể là các vật thể lạ và tấn công chúng.↩
Theo lời tác giả, hàm lượng testosteron cao gây ức chế hệ thống miễn dịch, dẫn đến những cá thể nhiễm bệnh sẽ phải giảm nồng độ testosterone để chống lại bệnh. Bên cạnh đó, nghiên cứu này còn phát hiện ra nồng độ testosterone tỉ lệ thuận với lượng ký sinh trùng gây ra bệnh.↩
Hay còn được biết đến với tên gọi kỷ Canh Tân. Đây là kỷ địa chất thứ sáu của Đại Tân Sinh. Sự kết thúc của kỷ Pleistocen tương ứng với sự kết thúc của kỳ Đồ đá cũ (được sử dụng trong Khảo cổ học).↩
Là một thông số thể hiện mối quan hệ giữa kiểu gen và kiểu hình của một tính trạng. Hệ số này càng cao thì mối quan hệ giữa giá trị kiểu hình và giá trị di truyền càng cao.↩
Vào năm 2005, một nghiên cứu được tiến hành tại Honduras đã cho thấy nồng độ testosterone ở những người nam giới mắc bệnh sốt rét thấp hơn những người không nhiễm bệnh. Khi những người này được điều trị, nồng độ testosterone của họ tăng trở lại mức độ giống như của những người không nhiễm bệnh (8).
Mình không nghĩ chứng cứ này ủng hộ cho chủ đề bài viết. Người dịch có thể giải thích giúp mình được không?
Chào bạn, mình là người hiệu đính cho bài này. Ban đầu khi đọc chi tiết này mình cũng có suy nghĩ giống như bạn, nhưng sau khi tham khảo thêm ý kiến từ một người bạn học chuyên ngành tiến hóa của mình và tìm hiểu thêm về nghiên cứu này, mình nghĩ chi tiết này có thể diễn giải như sau: Do hypothesis của bài đang là việc gia tăng testosterone ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch => khi nhiễm bệnh nồng độ testosterone giảm để khả năng miễn dịch tăng lên. Nghiên cứu này cũng tìm ra rằng tỉ lệ testosterone tỉ lệ thuận với lượng nhiễm kí sinh trùng gây bệnh sốt rét. Bạn có thể xem thêm về nghiên cứu này tại đây nhé: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16014855
Ok, cảm ơn Phương Anh, đọc nghiên cứu mình hiểu rồi. Có lẽ thêm 1 giả thuyết là “sinh sản cũng phải thua sinh tồn”, haha.