Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Julie Sedivy | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Chú Thoòng | Hiệu đính:  Aceae
11/08/2017

Mỗi năm cứ vào dịp Tết Âm lịch, hơn một tỷ người trên khắp thế giới cùng ăn mừng và tham gia vào điệu nhảy tinh tế giữa ngôn ngữ và sự may mắn. Bạn có thể nghĩ nó là một nghi thức tương tự quá trình tìm hiểu nhau trước khi cưới. Để vận may tìm đến, mọi người trang hoàng nhà cửa với những từ ngữ và câu đối liên quan đến sự may mắn. Những ai cần cắt tóc phải làm việc đó trước thềm năm mới, bởi vì từ “tóc” (phát) có phiên âm giống từ “thịnh vượng” – và ai lại muốn cắt ngắn “thịnh vượng” đi, kể cả chỉ là tỉa gọn thôi? Thực đơn trong những ngày này thường có món cá (ngư), bởi vì phát âm của nó giống từ “có dư”1; một loại tảo được biết gọi là fat choy (tóc tiên đen) trong tiếng Quảng Đông bởi vì nghe giống với “phát tài” trong tiếng Hoa; và quả quất vì ở một số vùng nó đồng âm với từ “may mắn” (cát).

Những người nói tiếng Anh cảm thấy thích thú với một phép chơi chữ hay (pun), và việc tung hứng với những từ đồng âm dị nghĩa chính là điểm quan trọng nhất của nhiều quảng cáo sáng tạo. Nhưng phép chơi chữ của người Hoa thì ở một cấp độ hoàn toàn khác – nó hòa quyện vào sâu trong văn hóa, nơi mà những điều tốt đẹp liên tục được chào đón qua những lời nói và hành động tích cực, còn những điều tai ương thì được phòng ngừa bằng cách tránh xa những từ ngữ tiêu cực. Số bốn – “tứ” – có sắc thái tiêu cực vì đồng âm với từ cái chết – “tử” – nhiều người Trung Quốc không bao giờ nghĩ đến chuyện mua nhà mà địa chỉ có chứa số 4. Trong thiết kế đồ họa, họa tiết hình cá – “ngư” – và dơi – “phúc thử” – rất được ưa chuộng bởi vì hai từ này phát âm gần giống với “dư dả” và “phúc lộc.” Việc tặng quà cho nhau cũng cần cẩn trọng với những từ đồng âm dị nghĩa cấm kỵ – tặng “táo” (bình quả) hoàn toàn bình thường bởi vì nó phát âm giống với “bình an” nhưng “lê” thì không được khi mà nó phát âm giống từ “ly biệt.” Những câu hỏi về việc tại sao các món đồ hay con số nhất định được xem là may mắn hay xui xẻo thường được lý giải một cách đơn giản bằng các từ đồng âm của chúng.

Nguồn: Pinterest

Nhưng tại sao phép đồng âm hòa quyện vào phong tục tập quán Trung Quốc nhưng lại không như thế với văn hóa phương Tây? Sự đa nghĩa và phép đồng âm có mặt ở mọi ngôn ngữ, ở một mức độ mà dân bản địa ít khi nhận thức được. Vào năm 1978, nhà ngôn ngữ tâm lý học Bruce Britton phân tích một tập hợp đoạn văn tiếng Anh chứa hơn một triệu từ và ước lượng – một cách rất thận trọng – rằng ít nhất 32% các từ trong tiếng Anh có hơn một nghĩa. Trong 100 từ thông dụng nhất, ông tìm thấy 93% số từ có hơn một nghĩa, và một số từ có tận 30 nghĩa. Blogger về ngôn ngữ học Geoff Pullum tóm gọn sự đa nghĩa này bằng câu hỏi: “Cột chống (support poles), chức vụ (staff positions), cực ắc quy (battery terminal), trại lính (army encampment), bài blog (blog articles), kim bông tai (earring stems), hệ thống giao dịch chứng khoán (trading stations), và thư tay (snail mail), thì có điểm chung gì với biển quảng cáo (billboard advertising), lưu trữ kế toán (accounts recording), đóng tiền thế chân (make bail), và phân công đại sứ (assigning diplomats)?” Chắc sẽ mất một thời gian để bạn nghĩ và nhận ra rằng từ kết nối tất cả những khái niệm trên chính là post2.

Ngôn ngữ yêu sự đa nghĩa.  Nó thèm khát chúng.

Những người nói tiếng Anh rất thoải mái với các từ đồng âm – nhiều lúc vô lo, đến mức họ chẳng bận tâm làm rõ ý nghĩa của từ trong những ngữ cảnh mà ta có thể hiểu theo nhiều hơn một nghĩa. Trong một nghiên cứu dẫn đầu bởi Victor Ferreira, người ta được yêu cầu mô tả những vật thể trong ảnh mà chứa cả gậy bóng chày (baseball bat) và con dơi (flying bat) – nhưng họ nhắc đến cả hai theo một cách nhập nhằng bằng từ “the bat,” và trong vài điều kiện thì số người có hành vi như trên chiếm đến 63%. Ngôn ngữ yêu sự đa nghĩa. Nó thèm khát chúng.

Ngược lại, những người nói tiếng Trung tinh tế hơn với sự đa nghĩa trong ngôn ngữ. Hai nhà ngôn ngữ tâm lý học Michael Yip và Eiling Yee đã chia sẻ với tôi ấn tượng của họ về việc người nói tiếng Trung thường chịu khó giải thích nghĩa họ muốn truyền đạt nếu sử dụng những từ nhiều nghĩa, ngay cả khi nghĩa của nó đã rõ ràng trong ngữ cảnh. Để minh họa cho ý vừa rồi, Yee kể rằng họ thường sẽ nói những câu tương tự như thế này: “tôi phải ký mới khoản vay thế chấp, vì thế nên tôi có cuộc hẹn với ngân hàng (bank) của tôi – bạn biết đấy, cái tổ chức tài chính, chứ không phải bờ sông (river bank).” Việc nhận thức về sự đa nghĩa này, nếu nó thực sự là một đặc điểm của người nói tiếng Trung, chắc chắn có liên quan với vai trò quan trọng của phép đồng âm trong văn hóa Trung Quốc.

Những sự kết nối giữa ngôn ngữ, trí óc, và văn hóa là một không gian mở, một lĩnh vực mà phần lớn vẫn đang chờ được khám phá bởi các nhà khoa học. Nhưng, ngay cả ngày nay, vũ điệu giữa sự đa nghĩa và may mắn trong văn hóa Trung Quốc gợi nên những câu hỏi trêu ngươi: Liệu những ngôn ngữ khác nhau có khiến những trải nghiệm khác nhau của người nói trở nên quan trọng hơn (một cách tương đối)? Và liệu tầm quan trọng của những khái niệm nhất định – như may mắn và tai ương – đối với một nền văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến ngôn ngữ gắn liền với nó?

Pullum đưa ra lập luận rằng các ngôn ngữ không làm gì để giảm thiểu sự đa nghĩa – ngược lại, ông viết, “Ngôn ngữ yêu sự đa nghĩa.  Nó thèm khát chúng. Ngôn ngữ đắm chìm trong sự đa nghĩa như chú chó chơi đùa trên bãi cỏ.” Steve Piantadosi, nhà ngôn ngữ tâm lý học ở đại học Rochester, cũng đồng ý. Ông và các đồng nghiệp đã lập luận rằng thay vì là một khuyết điểm, sự đa nghĩa là một đặc điểm hữu dụng trong ngôn ngữ. Nó cho phép các ngôn ngữ tạo ra một kho từ vựng dồi dào bằng việc tái sử dụng những nhóm âm thanh thông dụng và dễ phát âm nhất. Nếu không có sự đa nghĩa, chúng ta sẽ phải nghĩ ra những từ dài dòng hơn để phân biệt các nghĩa khác nhau, hoặc trở nên sáng tạo hơn trong việc tạo ra một thư viện ngữ âm đồ sộ – và trở nên thuần thục trong việc phát âm và phân biệt chúng.

Nếu mọi ngôn ngữ đều ưa chuộng sự đa nghĩa, thì tiếng Trung “yêu” nó một cách nồng cháy. Rất khó để so sánh trực tiếp về tỉ lệ sự đa nghĩa giữa các ngôn ngữ, bởi vì ngay cả trong cùng một ngôn ngữ, những bộ từ điển khác nhau cũng không thống nhất về số lượng nghĩa khác nhau của cùng một từ. Nhưng dưới mọi thang đo, sự đồng âm trong tiếng Trung thật sự phong phú.

Trong tiếng Anh, cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác, những đơn vị cơ bản có ý nghĩa (gọi là hình vị, morpheme) thường được cấu thành bởi những âm tiết (syllable) nối tiếp nhau – ví dụ như hippotamus (hà mã), president (tổng thống), fastidious (khó tính) đều là những từ tiếng Anh có bốn âm tiết. Nhưng trong những ngôn ngữ như tiếng Quảng Đông và Quan Thoại, hình vị luôn luôn là đơn âm, hay là chỉ có một âm tiết (tiếng Việt ta cũng vậy). Những đơn âm này không nhất thiết phải là những từ đứng một mình, vì phần lớn các từ trong tiếng Trung là tổ hợp của ít nhất hai hình vị, và mỗi hình vị được đại diện bằng một ký tự riêng biệt. Tuy vậy, từng âm tiết phải được gắn liền với nghĩa chính xác để người nghe có thể hiểu đúng ý nghĩa của tổ hợp đó. Hơn thế nữa, tiếng Trung sử dụng một số lượng nguyên âm và phụ âm ít hơn tiếng Anh rất nhiều, vì thế mà một số lượng lớn các nghĩa được gói gọn trong số ít ngữ âm như vậy là một điều đáng kinh ngạc. Ngôn ngữ sử dụng từ ngữ để nắm bắt thực tại và cách những từ ngữ chúng ta dùng trong tiếng mẹ đẻ định hình cách chúng ta nhìn thực tại đó.

Ngôn ngữ sử dụng từ ngữ để nắm bắt thực tại và cách những từ ngữ chúng ta dùng trong tiếng mẹ đẻ định hình cách chúng ta nhìn thực tại đó.

Do những nghĩa đặc trưng trong tiếng Quảng Đông hay Quan Thoại thường được viết dưới những ký tự khác nhau, chính tả (orthography – là cách mà một ngôn ngữ được chuyển từ dạng nói sang dạng viết) là một cách hữu ích để theo dõi số lượng các nghĩa khác nhau mà có cùng một cách phát âm. Hai nhà nghiên cứu Li Hai Tan và Charles Perfetii kết luận rằng trong một tập hợp các đoạn văn chưa hơn 1,8 triệu ký tự tiếng Trung, 4500 ký tự được đối chiếu với chỉ 420 âm tiết khác nhau – nói cách khác, mỗi ký tự có chung cách phát âm với khoảng trung bình 11 ký tự khác. Trong kho dữ liệu của Piantadosi, kể cả khi chúng ta chỉ xem xét những từ đơn âm trong tiếng Anh, vốn thường đa nghĩa hơn so với những từ đa âm, số lượng trung bình từ đồng âm mà một từ có sẽ rơi vào khoảng ít hơn một một chút.

Ngạc nhiên hơn nữa, sự đa nghĩa trong tiếng Trung dường như không gây bất kỳ khó khăn gì cho việc giao tiếp – các thí nghiệm cho thấy người nói tiếng Trung bỏ qua những nghĩa không liên quan với ngữ cảnh một cách hiệu quả tương tự như người nói tiếng Anh, và sự khác biệt trong âm điệu cũng giúp phân biệt các nghĩa khác nhau. Nhưng bản chất của hệ thống chữ viết tiếng Trung, khi mà những nghĩa khác nhau của cùng một âm tiết có cách viết khác nhau, khiến cho những người nói tiếng Trung phải thừa nhận rằng họ đang bơi trong một đại dương đầy sự đa nghĩa.

Nguồn: Muslim Council.

Sự đa nghĩa gây chú ý khi nó tạo ra những cơn đau đầu vì chính tả. Dù có lẽ các nghĩa khác nhau của từ post chẳng bao giờ xuất hiện trong đầu bạn, xác suất cao là bạn đã từng phải tập trung để phân biệt their, they’re there khi muốn đảm bảo rằng từ được viết ra thể hiện đúng ý nghĩa mà bạn muốn truyền đạt. Hãy thử tưởng tượng bạn phải làm việc này với mỗi nhóm từ đồng âm và bạn sẽ hiểu phải khó khăn thế nào mới có thể đọc thông viết thạo tiếng Trung. Không ngạc nhiên, đối với các em nhỏ Trung Quốc đang học đọc, sự thiếu nhạy bén về từ đồng âm là một trong những dấu hiệu dự đoán các khó khăn liên quan đến việc đọc chắc chắn nhất, chẳng hạn như chứng khó đọc (dyslexia).

Tất cả những việc này ảnh hưởng trực tiếp lên trải nghiệm của người nói tiếng Trung, bởi vì những từ đa nghĩa có thể kích hoạt nhiều hơn một lớp nghĩa trong tâm trí người nói. Chúng ta phát hiện điều này nhờ vào các thí nghiệm sử dụng kỹ thuật “kích hoạt ngữ nghĩa” (semantic priming), khi mà các đối tượng tham gia được yêu cầu nhận định xem liệu một từ có phải là từ chính xác trong ngữ cảnh được tạo ra bởi các từ khác không. Thông thường, chúng ta nhận biết một từ nhanh hơn nếu có một từ liên quan đứng trước nó – vì thế mà từ y tá sẽ được nhận biết nhanh hơn nếu nó xuất hiện sau bác sỹ thay vì cái bàn. Khi chúng ta nghe một từ đa nghĩa như bug, ngay cả khi trong một câu có một nghĩa nhất định rõ ràng, ta thường phản ứng nhanh hơn với những từ có nghĩa liên quan. Ví dụ, chúng ta sẽ nhận biết từ ant (kiến) và spy (điệp viên) sau khi nghe từ bug tốt hơn là những từ không liên quan như sew (may vá).

Những nghĩa khác nhau chỉ tồn tại trong tâm trí trong một khoảnh khắc thoáng qua – những nghĩa không liên quan đến ngữ cảnh của câu bị bỏ qua một cách nhanh chóng, hầu hết là trước khi chúng vượt qua ranh giới và đi vào nhận thức của chúng ta. Điều này giúp cho việc giao tiếp diễn ra một cách trôi chảy, ngay cả với những ngôn ngữ có nhiều sự đa nghĩa như tiếng Trung. Nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một vài từ thu hút nhiều sự chú ý hơn hẳn những từ khác. Trong số đó là những từ tạo nên những cảm xúc mãnh liệt, đặc biệt nếu chúng mang nghĩa tiêu cực hay cấm kỵ. Liệu những liên kết văn hóa quyết định hành vi ngôn ngữ của một người có thể trở thành một phần thiết yếu của cả một ngôn ngữ được không?

Khi những từ này có cách phát âm trùng với các nghĩa khác, những từ gây chú ý này thường đặc biệt khó bị bỏ qua hơn. Lớn lên ở khu vực dùng cả tiếng Anh và Pháp, tôi luôn nhớ mãi cảm giác nhút nhát của mình – và những tiếng cười khúc khích từ đám bạn – khi tôi trả bài bằng tiếng Pháp về hải cẩu, là một loài động vật có vú sống dưới biển mà trong tiếng Pháp gọi là phoque, đồng âm với một từ tiếng Anh mà chắc chắn bạn không nên thốt ra trong lớp học. Thật ngạc nhiên khi nó là một từ rất dễ hiểu nhầm, mặc cho sự rõ ràng của ngữ cảnh. Và việc tránh né một số từ đồng âm nhất định có lẽ là phổ biến; tôi để ý rằng, cho dù một vài nghĩa không liên quan được thể hiện trong những âm tiết như là bit hoặc fit, từ shit lại không có một nghĩa nào không mang tính chửi rủa cả. Ngay cả đối với những từ có phát âm chỉ đơn giản giống một số từ biểu đạt cảm xúc mạnh, ta thường chọn những từ đồng nghĩa khác để thay thế – rooster (gà) hay donkey (lừa) sẽ được dùng thường xuyên hơn là cock hay ass mỗi khi chúng ta nhắc đến động vật chăn nuôi.

Liệu những liên kết văn hóa quyết định hành vi ngôn ngữ của một người có thể trở thành một phần thiết yếu của cả một ngôn ngữ được không?

Sự đa nghĩa tràn ngập trong tiếng Trung tạo ra vô số khoảnh khắc phoque; số lượng âm tiết trong tiếng Trung có hạn, thế nên xác suất một từ hoàn toàn bình thường phát âm giống với một từ mang sắc thái chửi rủa cao hơn so với tiếng Anh. Bản chất ít ỏi của số lượng âm tiết trong tiếng Trung dẫn đến sự ám ảnh về phép đồng âm trong văn hóa.

Đến lượt nó, văn hóa quyết định nghĩa nào gây nhiều sự chú ý. Truyền thống Trung Hoa quy định rằng những từ bạn thốt ra có thể thu hút may mắn – dù tốt hay xấu – đến cuộc đời của bạn, một phong tục đạt đến đỉnh điểm trong dịp Tết Âm lịch, khi mọi từ ngữ liên quan đến chết chóc, bệnh tật, hoặc ly dị trở thành điều cấm kỵ và mọi người dồn dập dành cho nhau những lời chúc về sức khỏe, tiền tài, thành công. Không ngạc nhiên khi mà những từ liên quan đến vận may – và đặc biệt là xui xẻo – thuộc nhóm những từ thu hút sự chú ý mà người nói tiếng Trung không thể bỏ qua. Mặc dù chưa có thí nghiệm nào kiểm chứng phát hiện này trực tiếp, nó cũng giải thích một cách rõ ràng tại sao người nói tiếng Trung lảng tránh một số từ hoàn toàn bình thường trong khi lại bị thu hút bởi những từ khác, chỉ dựa vào việc chúng phát âm giống với những từ có một thoáng cảm xúc. Có lẽ, như đồng nghiệp người Trung Quốc Wei Cai gợi ý với tôi, người Trung Quốc rất khó để bỏ qua những nghĩa liên quan đến mất mát hay bất hạnh trong dịp Tết Âm lịch, khi mà mọi người đều nghĩ về việc dành cho nhau những lời tốt đẹp.

Sự đa nghĩa trở thành một cầu nối độc nhất vô nhị giữa ý nghĩa và cách dùng từ. Khi nhiều nghĩa được đối chiếu với một từ, chúng dễ dàng được gợi mở trong tâm trí ta, thay đổi trải nghiệm về cả từ lẫn nghĩa của chúng. Nếu sự đa nghĩa cho phép các mối liên kết văn hóa dẫn dắt chúng ta lảng tránh những từ nhất định chỉ vì chúng nghe tựa như những từ “xấu” – như những người nói tiếng Anh khi dùng từ rooster thay vì từ cock – có lẽ những liên kết văn hóa này để lại một ảnh hưởng sâu sắc lên kho từ vựng của ta. Liệu những liên kết văn hóa quyết định hành vi ngôn ngữ của một người có thể trở thành một phần thiết yếu của cả một ngôn ngữ được không?

Tôi đặt câu hỏi cho hai nhà nghiên cứu Ted Gibson và Steve Piantadosi, với những nghiên cứu chỉ ra rằng ngôn ngữ có sự đa nghĩa vì những mục đích thiết thực, liệu có bằng chứng thống kê nào về việc các ngôn ngữ giản lược sự đa nghĩa khỏi những từ mang cảm xúc tiêu cực (hoặc bổ sung vào những từ mang cảm xúc tích cực). Không có – ít nhất là chưa có – họ trả lời. Cả hai đồng ý rằng quan điểm trên hợp lý và đáng để nghiên cứu thêm. Để kiểm chứng, các nhà tâm lý ngôn ngữ sẽ cần chứng minh rằng, những từ gây khó chịu về mặt cảm xúc (như shit hay rape, lần lượt mang nghĩa “cục phân” và “cưỡng bức”) có ít từ đồng âm hơn dự kiến, dựa vào những tác nhân như số lượng âm tiết, hay sự thông dụng của những âm tạo nên nó. Và có lẽ những từ gợi nên những cảm xúc tích cực mãnh liệt (như rich hay free) có nhiều nghĩa khác nhau hơn so với những từ khác.

Nếu quả là phát hiện ra một kết quả như thế, chúng ta sẽ có một góc nhìn mới về việc ngôn ngữ được định hình bởi các giá trị văn hóa. Trong tiếng Trung, chúng ta sẽ tìm thấy sự phản chiếu rõ rệt của những phong tục liên quan đến may mắn ở Trung Quốc, khi mà những âm nhất định bị tránh dùng, bởi chúng vô tình liên quan sự bất hạnh và khổ sở, trong khi một số âm khác được ưa chuộng bởi vì chúng khiến ta liên tưởng đến vận may và thịnh vượng. Với hiện tượng đa nghĩa dồi dào, tiếng Trung là một mảnh đất màu mỡ để kiểm chứng giả thuyết này.

Chúng ta xưa nay luôn bị thu hút bởi sự hòa quyện giữa ngôn ngữ và văn hóa – cách văn hóa thổi những giá trị và thế giới quan của nó vào ngôn ngữ, và cách ngôn ngữ tiếp đó định hình tâm trí của người nói. Nhưng phần lớn những cuộc luận bàn về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa chỉ xoay quanh những câu hỏi rất hạn chế. Ví dụ: Chúng ta rút ra được gì về văn hóa Nhật bản khi tiếng Nhật có một từ đặc biệt (ijirashii) để mô tả việc chứng kiến một người vượt qua khó khăn một cách đáng khen? Liệu những người với ngôn ngữ chỉ có một từ đơn chỉ chung màu xanh dương và xanh lá có gặp khó khăn khi phân biệt hai màu này? Những câu hỏi này tập trung vào cách ngôn ngữ sử dụng từ ngữ để nắm bắt thực tại và cách những từ ngữ chúng ta dùng trong tiếng mẹ đẻ định hình cách chúng ta nhìn thực tại đó.

Nhưng tiếng Trung gợi ý rằng có một sợi dây liên kết giữa ngôn ngữ và văn hóa tinh tế hơn. Có lẽ những ngôn ngữ mà nhồi nhét nhiều nghĩa vào một số lượng âm tiết ít ỏi sẽ khiến người sử dụng chúng trải nghiệm nhiều sự mập mờ hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt văn hóa của phép chơi chữ; có lẽ những liên kết văn hóa gán ghép cảm xúc vào những từ ngữ cụ thể, tái định hình cách sử dụng ngôn ngữ, và có lẽ sau cùng là toàn bộ từ vựng của cả ngôn ngữ đó.

Liệu vận may và từ đồng âm có mở ra một lối đi nhỏ đến vùng đất chưa được khám phá này trong tâm trí? Nếu câu trả lời có, với tư cách là một nhà ngôn ngữ tâm lý học, tôi phải thừa nhận đó quả là một điều may mắn.


  1. Bởi vì Trung Quốc có câu nói: “Niên niên hữu dư” – “năm năm có dư” – phát âm gần giống với “Niên niên hữu ngư” – “năm năm có cá”.

  2. Thật vậy, khi tra từ “post” trong từ điển, bạn sẽ tìm thấy hơn mười nghĩa thông dụng

One thought on “Tiếng Trung có phải là một ngôn ngữ mê tín?

  1. Các bạn kiểm tra kỹ lại xem hình vị (morpheme) có đúng là liên quan tới ý nghĩa không? Mình mới chỉ nghiên cứu về ngữ âm và âm vị nên không chắc lắm.

    Nhân nói đến morpheme, các bạn thử tìm hiểu về hiện tượng Bouba/Kiki, rồi những người synesthesia. Một giả thuyết lý giải cho cái này tên là aesthesia cũng có vẻ hay, nhưng có vẻ chưa vào dòng chủ lưu của giới khoa học nhận thức.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất