Có một sự thật đơn giản là chủ đề biến đổi khí hậu ít xuất hiện trong các tác phẩm văn học hư cấu1 đương đại hơn so với trong các cuộc thảo luận đại chúng. Nếu cần bằng chứng, chúng ta chỉ cần xem qua vài trang tạp chí văn học và các bài điểm sách. Biến đổi khí hậu thường chỉ xuất hiện trong các tác phẩm phi hư cấu; những tiểu thuyết và truyện ngắn rất hiếm khi nhắc đến chủ đề này. Quả thực, chúng ta thậm chí có thể nói rằng các tác phẩm hư cấu về biến đổi khí hậu hầu như luôn bị cho là không đáng quan tâm: chỉ riêng việc nhắc đến chủ đề này cũng khiến một tiểu thuyết hay truyện ngắn bị liệt vào thể loại khoa học viễn tưởng. Cứ như thể vì một lý do nào đó mà trong trí tưởng tượng của văn học, biến đổi khí hậu bị cho là cùng loại với chủ đề sự sống ngoài Trái Đất hay du hành vũ trụ vậy.
Vòng lặp kỳ lạ này có một điều khó hiểu. Khó mà tưởng tượng được một định nghĩa nào về sự nghiêm trọng mà lại làm ngơ trước những mối đe dọa có thể thay đổi cuộc sống. Và nếu tính bức thiết của một chủ đề thật sự là một tiêu chí cho sự nghiêm trọng của nó, thì biến đổi khí hậu, xét theo những ảnh hưởng của nó với tương lai Trái Đất, lẽ ra phải là mối quan tâm hàng đầu của các tác giả trên toàn thế giới – và theo tôi thì điều này khác xa so với hiện thực. Nhưng tại sao?
Cứ như thể vì một lý do nào đó mà trong trí tưởng tượng của văn học, biến đổi khí hậu bị cho là cùng loại với chủ đề sự sống ngoài Trái Đất hay du hành vũ trụ vậy.
Tại sao biến đổi khí hậu lại ít phủ bóng lên văn chương hơn trong thế giới thực? Phải chăng nó là một dòng chảy quá hoang dại cho những lối kể truyện thông thường? Tuy nhiên, một sự thật đã được thừa nhận rộng rãi là, chúng ta đã bước vào thời kỳ mà sự hoang dại đã trở thành quy chuẩn: Nếu các hình thức văn học không thể vượt qua vùng nước này thì chúng sẽ thất bại – và sự thất bại của chúng phải được coi là một khía cạnh của sự thất bại lớn hơn về văn hóa và khả năng tưởng tượng, vốn nằm ở trung tâm của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Rõ ràng, vấn đề này không bắt nguồn từ sự thiếu thông tin: chắc chắn chỉ có rất ít tác giả ngày nay là không biết đến những xáo trộn trong hệ thống khí hậu toàn cầu. Tuy vậy, có một sự thật đang chú ý là khi các tiểu thuyết gia viết về biến đổi khí hậu, họ hầu như luôn chọn thể loại phi hư cấu. Một ví dụ là tác phẩm của Arundhati Roy: bà không chỉ là một trong những tác giả có lối hành văn xuất sắc nhất thời đại chúng ta, mà còn rất quan tâm và hiểu biết sâu sắc về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tất cả các tác phẩm của bà về về chủ đề này đều thuộc thể loại phi hư cấu.
Tôi thấy mình thất bại trong nỗ lực cố nhớ ra các tác giả với những tác phẩm tưởng tượng truyền tải một nhận thức rõ ràng hơn về những biến đổi đang gia tăng trong môi trường. Trong số các tiểu thuyết gia sáng tác bằng tiếng Anh, tôi chỉ có thể kể ra vài cái tên: Margaret Atwood, Kurt Vonnegut Jr, Barbara Kingsolver, Doris Lessing, Cormac McCarthy, Ian McEwan, và T Coraghessan Boyle. Tất nhiên, có thể có nhiều cái tên nữa, nhưng kể cả khi danh sách này có lên đến con số 100 hay nhiều hơn nữa, thì tôi nghĩ, sự thật vẫn là dòng văn học chủ lưu, dù đang tăng cường tham gia trên mọi mặt trận, vẫn không có ý thức được nhiều hơn công chúng về cuộc khủng hoảng đang ở ngay trước mắt chúng ta.
Điều này cũng đúng với bản thân tôi. Dù đã quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu từ lâu, chủ đề này chỉ xuất hiện mờ nhạt trong các tác phẩm hư cấu của tôi. Tôi đã đi đến kết luận rằng sự thiếu nhất quán này không phải là kết quả của những sở thích cá nhân: nó bắt nguồn từ sự chống cự kỳ quặc mà biến đổi khí hậu tạo ra trong cái hiện được xem là văn học hư cấu nghiêm túc.
…
Trong bài luận gây nhiều ảnh hưởng của mình, “The Climate of History” (tạm dịch: Khí hậu của Lịch sử), Dipesh Chakrabarty đã nhận xét rằng các nhà sử học sẽ phải xét lại các giả định và quy trình căn bản của mình trong Thế Nhân sinh (Anthropocene)2 này, khi “con người đã trở thành một tác nhân địa chất, thay đổi hầu hết các quá trình tự nhiên cơ bản của Trái Đất.” Tôi sẽ thêm vào nhận xét này một điều nữa, là Thế Nhân sinh không chỉ đặt ra thách thức đối với các ngành nghệ thuật và nhân văn, mà còn cả với những nhận thức thông thường của chúng ta và xa hơn nữa là nền văn hóa đương đại nói chung.
Tất nhiên, thách thức này hẳn là một phần nảy sinh từ những sự phức tạp trong ngôn ngữ kĩ thuật, thứ tạo nên góc nhìn chủ đạo của chúng ta về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chắc chắn là thách thức này cũng xuất phát từ các hoạt động và nhận định đóng vai trò định hướng cho các ngành nghệ thuật và nhân văn. Tôi cho rằng việc xác định được thách thức này xuất hiện như thế nào là một nhiệm vụ bức thiết: đây có thể là chìa khóa để hiểu được tại sao nền văn hóa ngày nay cảm thấy khó khăn khi xử lý vấn đề biến đổi khí hậu. Thật ra, đây có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất mà văn hóa từng phải đối mặt theo bất cứ nghĩa nào – vì chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng về khí hậu cũng là cuộc khủng hoảng của văn hóa và do đó, của trí tưởng tượng.
Văn hóa tạo ra ham muốn – về xe cộ và các thiết bị khác, hay một số kiểu vườn tược và nhà cửa nào đó – và ham muốn là một trong số các tác nhân chính thúc đẩy nền kinh tế carbon. Một chiếc xe mui trần tốc độ cao khiến chúng ta thấy hứng thú không phải vì bất kỳ sự yêu thích nào (của chúng ta) đối với kim loại, cũng không phải vì một sự hiểu biết trừu tượng về những đặc điểm kĩ thuật của nó. Nó khiến chúng ta thấy hứng thú vì nó gợi lên hình ảnh của môt con đường băng xuyên qua một vùng đất tinh khôi; chúng ta nghĩ về tự do và gió lùa qua tóc. Chúng ta tưởng tượng ra cảnh James Dean và Peter Fonda phóng xe về phía chân trời; chúng ta cũng nghĩ cả về Jack Kerouac và Vladimir Nabokov3. Khi chúng ta nhìn thấy một biển quảng cáo có hình ảnh một hòn đảo nhiệt đới và từ “thiên đường,” ngọn lửa khao khát trong chúng ta chỉ là một mắt xích trong một dây chuyền kết nối từ Daniel Defoe và Jean-Jacques Rousseau4: chuyến bay đưa chúng ta đến hòn đảo đó chỉ là một nhúm than trong ngọn lửa đó. Khi chúng ta nhìn vào những bãi cỏ xanh tốt được tưới bằng nước biển khử muối ở Abu Dhabi hoặc nam California hay vài nơi khác, những nơi mà con người từng hài lòng với việc tiết kiệm từng giọt nước để chăm bón cho một cây nho hay cây bụi, chúng ta đang thấy một cách bộc lộ của những khao khát có thể đã được khơi lên bởi tiểu thuyết của Jane Austen. Những đồ vật và hàng hóa xuất hiện từ những ham muốn này, theo một nghĩa nào đó, vừa bộc lộ vừa che đậy ma trận văn hóa đã tạo ra chúng.
Nền văn hóa này, tất nhiên, liên kết mật thiết với lịch sử rộng lớn hơn của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc đã định hình thế giới. Nhưng kể cả khi biết được điều này, chúng ta vẫn biết rất ít về những cách thức tương tác cụ thể của ma trận đó với các loại hình hoạt động văn hóa khác nhau: thơ, nghệ thuật, kiến trúc, kịch, văn xuôi, và những thể loại khác. Xuyên suốt lịch sử, các nhánh văn hóa này đã khai thác những vấn đề chiến tranh, các thảm họa sinh thái, và các cuộc khủng hoảng khác: thế thì, tại sao biến đổi khí hậu lại gặp phải sự kháng cự (của những nhánh văn hóa đó) như vậy?
Từ góc nhìn này, những câu hỏi mà các tác giả và nghệ sĩ đang phải đối mặt không chỉ là về chính trị và kinh tế carbon; phần nhiều trong số chúng là về chính những hành động của chúng ta cũng như những cách mà chúng biến chúng ta thành đồng lõa trong những khía cạnh bị che đậy của văn hóa. Ví dụ, nếu xu hướng hiện thời của kiến trúc là ưu tiên những thứ sáng bóng, những tòa tháp bọc kính và kim loại, ngay cả trong bối cảnh lượng phát thải carbon đang gia tăng, lẽ nào chúng ta không phải đặt câu hỏi về những đặc điểm ham muốn được nuôi dưỡng bởi hành vi này hay sao? Nếu tôi, với tư cách là một tiểu thuyết gia, lựa chọn sử dụng tên các thương hiệu làm yếu tố để mô tả nhân vật, lẽ nào tôi không phải tự vấn bản thân rằng, liệu điều này sẽ khiến tôi đồng lõa đến mức nào với sự thao túng của thị trường hay sao?
Với cùng tinh thần đó, tôi nghĩ cũng nên hỏi rằng khía cạnh nào của biến đổi khí hậu đã khiến nó bị loại khỏi dòng nghệ thuật hư cấu nghiêm túc? Và rằng điều đó cho chúng ta biết gì về văn hóa và các hình thức né tránh của của nó.
Trong một thế giới đã bị thay đổi sâu sắc, khi nước biển dâng đã nuốt chửng Rừng Sundarbans5 và khiến cho những thành phố như Kolkata, New York, và Bangkok không thể ở được, khi những bạn đọc và khách thăm bảo tàng nhìn vào văn học và nghệ thuật trong thời của chúng ta, không phải họ sẽ tìm kiếm đầu tiên và trước hết những dấu hiệu và điềm báo về cái thế giới bị thay đổi mà họ được thừa hưởng hay sao? Và nếu họ không thể tìm thấy chúng, họ có thể làm gì khác hơn là rút ra kết luận rằng trong thời đại của chúng ta, phần lớn văn học và nghệ thuật đã bị biến thành những hình thức che đậy và ngăn cản mọi người nhận ra những thực tế về hoàn cảnh khó khăn của họ? Do đó, rất có thể là thời đại này, vốn thường tự hào vê khả năng tự nhận thức của mình, sẽ được ghi nhận như là Thời đại Loạn trí (Great Derangement).
…
Vào buổi chiều ngày 17 háng Ba năm 1978, khi tôi 21 tuổi, tôi bị kẹt giữa trận lốc xoáy đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử khí tượng của Delhi (Ấn Độ). Như những người bị mắc kẹt trong các sự kiện không thể dự đoán trước, tôi thường hồi tưởng về nó suốt nhiều năm sau. Tại sao tôi lại đi vào con đường mà tôi hầu như không bao giờ đi, ngay trước khi nó bị tấn công bởi một sự kiện chưa từng xảy ra? Nghĩ về điều đó thông qua những khái niệm như sự tình cờ và ngẫu nhiên chỉ khiến cho trải nghiệm trở nên tầm thường: nó giống như cố hiểu một bài thơ bằng cách đếm số từ vậy. Thay vào đó, tôi lại viện đến phía đối lập của dải ý nghĩa – đến tính phi thường, rối rắm, và không thể lý giải. Tuy nhiên, những điều này cũng không thể giúp đánh giá đúng ký ức của tôi về sự kiện đó.
Các tiểu thuyết gia luôn phải đào xới những trải nghiệm của họ khi viết. Bản thân tôi cũng đào xới quá khứ của mình khi viết các tác phẩm hư cấu. Chắc chắn là các trận bão, lũ lụt, và các sự kiện thời tiết bất thường đã xuất hiện nhiều trong các cuốn sách của tôi, và đó rất có thể là di sản của trận lốc xoáy. Nhưng kỳ lạ làm sao, không có trận lốc xoáy nào từng được mô tả trong tiểu thuyết của tôi. Và điều này cũng không phải là do tôi thiếu cố gắng. Thật ra, tôi đã suy ngẫm về trải nghiệm đó suốt nhiều năm, hi vọng có thể đưa nó vào tiểu thuyết, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.
Tôi từng mắc kẹt trong trận lốc xoáy đầu tiên trong lịch sử Delhi vậy mà chưa từng có trận lốc xoáy được mô tả trong tiểu thuyết của tôi.
Nếu xem xét bề ngoài thì chẳng có lý do nào một sự kiện như vậy lại khó có thể đưa vào một tác phẩm hư cấu; xét cho cùng thì nhiều tiểu thuyết chứa đầy các sự kiện kỳ lạ. Vậy thì tại sao, bất chấp mọi nỗ lực, tôi lại thất bại trong việc đặt nhân vật của mình vào một con đường sắp có lốc xoáy?
Khi suy ngẫm về điều này, tôi đã tự hỏi mình sẽ diễn giải một cảnh tượng tương tự thế nào nếu đọc về nó trong tiểu thuyết của người khác. Tôi đồ rằng phản ứng của mình sẽ là ngờ vực; tôi sẽ có khuynh hướng cho rằng khung cảnh ấy được tạo ra như một giải pháp cuối cùng. Chắc chắn là chỉ có mấy tay tác giả đã cạn kiệt ý tưởng mới viện đến một tình huống hiếm có khả năng xảy ra như vậy chứ phải không?
Trước khi tiểu thuyết hiện đại ra đời, dù các câu chuyện có được kể ở đâu, các tác phẩm hư cấu luôn thích thú với những sự kiện chưa từng nghe thấy hay khó có thể xảy ra. Những truyện The Arabian Nights (Nghìn Lẻ Một Đêm), Journey to the West (Tây Du Ký), và The Decameron (tạm dịch: Câu chuyện Mười ngày) đã vô tư nhảy từ sự kiện phi thường này đến sự kiện phi thường khác. Kể cả các tiểu thuyết cũng được viết theo cách này, nhưng đặc trưng riêng của thể loại này lại chính là sự che giấu những khoảnh khắc phi thường vốn đóng vai trò là động cơ của sự trần thuật. Điều này được thực hiện bằng cách đưa vào thứ mà nhà lý luận văn học Franco Moretti gọi là “các yếu tố khỏa lấp” (fillers)6. Theo Moretti, “các yếu tố khỏa lấp này cũng có vai trò như sự chuẩn mực, yếu tố vốn rất quan trọng trong tác phẩm của Austen: chúng đều là những cơ chế được thiết kế để giữ cho ‘sự trần thuật’ về cuộc sống (trong tiểu thuyết) ở trong tầm kiểm soát – để gán cho sự tồn tại một quy tắc, một ‘phong cách’.” Chính thông qua những sự khỏa lấp này mà các thế giới được dựng lên, thông qua các chi tiết thường ngày, vốn đóng vai trò là “sự đối lập của trần thuật.”
Theo cách đó, tiểu thuyết đã tìm thấy hình thái hiện đại của mình, thông qua việc “chuyển những thứ phi thường ra sau làm nền… trong khi những chi tiết thường ngày được đưa lên trên và trở nên nổi bật.” Như Moretti nói, “những yếu tố khỏa lấp là sự cố gắng để hợp lý hóa thế giới trong tiểu thuyết: biến nó thành một thế giới ít có những điều bất ngờ hơn, ít có những cuộc phiêu lưu hơn, và hoàn toàn không có phép lạ.”
Cách thức tư duy này không chỉ áp đặt bản thân nó lên nghệ thuật mà còn lên cả khoa học. Đây là lý do tại sao Time’s Arrow, Time’s Cycle (tạm dịch: Mũi tên Thời gian, Vòng tròn Thời gian), nghiên cứu xuất chúng của Stephen Jay Gould về lý thuyết tiệm tiến7 và lý thuyết tai biến8 trong địa chất, về bản chất là một nghiên cứu về hình thức trần thuật. Theo lời của Gould, một ví dụ đặc trưng cho lối trần thuật kiểu tai biến về lịch sử Trái Đất là tác phẩm Sacred Theory of the Earth (tạm dịch: Lý thuyết Thiêng liêng về Trái Đất) (1690) của Thomas Burnet, trong đó câu chuyện xoay quanh những sự kiện có “tính duy nhất đáng kinh ngạc.” Đối lập với nó, phương pháp tiếp cận tiệm tiến (gradualist approach), được bênh vực bởi James Hutton (1726-97) and Charles Lyell (1797–1875), tập trung vào những quá trình chậm, xảy ra với nhịp độ đều đặn và có thể dự đoán được. Niềm tin căn bản của lý thuyết này là: “Không gì có thể thay đổi theo những cách thức khác với cách thức mà thay đổi xảy ra trong hiện tại.” Hoặc, nói đơn giản là: “Tự nhiên không nhảy vọt.”
Tuy nhiên, vấn đề là Tự nhiên chắc chắn có nhảy, thậm chí là nhảy vọt. Các bằng chứng địa chất đã cho thấy nhiều đứt gãy trong lịch sử, một số đã dẫn đến những sự kiện như tuyệt chủng hàng loạt: ví dụ như vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub, mà có thể đã tiêu diệt loài khủng long. Thực tế là các thảm họa vẫn luôn rình rập Trái Đất và cư dân của nó vào những khoảng thời gian không thể dự đoán được và theo những cách khó xảy ra nhất.
Những khoảnh khắc đặc trưng cũng quan trọng với tiểu thuyết hiện đại như với bất kỳ hình thức trần thuật nào khác, dù là trong địa chất hay lịch sử. Tất nhiên không thể nào khác được: nếu tiểu thuyết không được xây dựng dựa trên tầng tầng lớp lớp những khoảnh khắc đặc trưng, các tác giả sẽ đối mặt với nhiệm vụ đậm chất Borges9 là phải tái lập thế giới với sự toàn vẹn của nó. Nhưng không giống như địa chất, tiểu thuyết hiện đại chưa bao giờ bị ép phải xem xét tính chất của những thứ khó xảy ra: việc che giấu những sự kiện khung nền đằng sau vẫn cần thiết cho sự vận hành của tiểu thuyết10. Đây chính là điều đã tạo ra một hình thức trần thuật cụ thể được gọi là tiểu thuyết hiện đại.
Do đó, đây là sự trớ trêu của tiểu thuyết “hiện thực”: chính những phương thức mà nó sử dụng để tạo ra thực tại lại là một hình thức che đậy thực tại. Điều này có nghĩa là những tính toán về sự khả thi được sử dụng trong thế giới tưởng tượng của tiểu thuyết không hề giống với những gì diễn ra ngoài thế giới thực; đây là lý do tại sao người ta thường nói rằng “Nếu điều này ở trong tiểu thuyết, sẽ chẳng có ai tin nó cả.”11 Trong tiểu thuyết, một sự kiện chỉ hơi ít có khả năng xảy ra ngoài đời thực – như cuộc hội ngộ bất ngờ với người bạn thuở nhỏ – trở thành một sự kiện cực kỳ khó tin: tác giả phải rất cố gắng để khiến cho điều này có vẻ thuyết phục.
Nếu điều đó là đúng với một sự tình cờ nhỏ, hãy nghĩ xem tác giả sẽ phải nỗ lực đến thế nào để xây dựng một bối cảnh vốn đã có khả năng xuất hiện rất thấp ngoài đời thực. Lấy ví dụ, một bối cảnh mà nhân vật chính đi vào một con đường đúng ngay thời điểm nó bị tấn công bởi một sự kiện thời tiết chưa từng xảy ra?
Đưa những biến cố như vậy vào tiểu thuyết lại chính là cách chuốc lấy lệnh trục xuất khỏi trang viên nơi văn học hư cấu nghiêm túc cư ngụ lâu nay; là mạo hiểm với khả năng bị xua đuổi vào những căn nhà thấp kém hơn xung quanh trang viên đó. Những căn nhà tầm thường ấy từng được biết đến với những cái tên như văn học Gothic12, văn học lãng mạn, hay melodrama13, và giờ được gọi là fantasy14, kinh dị, và khoa học viễn tưởng.
…
Theo những gì tôi biết đến nay thì biến đổi khí hậu không phải là yếu tố gây nên trận lốc xoáy năm đó. Tuy nhiên nó có một điểm chung với những sự kiện thời tiết kỳ quặc ngày nay là khả năng xuất hiện cực thấp. Và có vẻ là chúng ta đang sống trong một thời đại được định hình bởi những sự kiện mà theo tiêu chuẩn của chúng ta về sự bình thường là rất khó xảy ra: những trận lũ quét, những cơn bão trăm năm mới có một lần, những trận hạn hán kéo dài, những khoảng thời gian nóng chưa từng có tiền lệ, những trận lở đất bất chơi, những dòng nước xiết đổ xuống từ các hồ băng hà đang tan chảy, và, vâng đúng vậy, những trận lốc xoáy kỳ quái.
Vậy thì, đây là cách đầu tiên trong số nhiều cách mà thời đại nóng lên toàn cầu thách thức cả nghệ thuật hư cấu lẫn cảm nhận thông thường của chúng ta: các sự kiện thời tiết của thời đại này vẫn được coi là có khả năng xảy ra rất thấp. Thật ra, từng có người đề xuất nên đặt tên thời kỳ này là Kỷ nguyên Tai biến (một số người khác sử dụng những thuật ngữ như “tình trạng khẩn cấp kéo dài” (the long emergency) và “thời kỳ tranh tối tranh sáng” (the penumbral period). Điều chắc chắn là dù thế nào thì những giai đoạn này không hề bình thường: các sự kiện đánh dấu chúng không thể được dàn xếp dễ dàng trong thế giới của văn chương hư cấu nghiêm túc.
Mặt khác, thi ca từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết với các sự kiện khí hậu: như Geoffrey Parker đã chỉ ra, John Milton đã bắt đầu viết tác phẩm Paradise Lost (tạm dịch: Thiên Đường Đã Mất) trong một mùa đông cực lạnh, và “những thay đổi tàn nhẫn và không thể dự đoán của khí hậu là trung tâm trong câu chuyện của ông. Thế giới hư cấu của Milton, cũng như thế giới thực mà ông sống, là… một ‘vũ trụ chết chóc’, phó mặc cho những hiện tượng nóng và lạnh cực độ.” Đây là một vũ trụ rất khác so với vũ trụ trong các tiểu thuyết văn học hiện đại.
Tất nhiên là tôi đang nói khái quát: giai đoạn trứng nước của tiểu thuyết đã qua từ lâu, và hình thức của nó đã thay đổi theo nhiều cách trong suốt hai thế kỷ qua. Tuy vậy, ở một mức độ đáng lưu ý, tiểu thuyết văn học vẫn tuân theo số mệnh được định sẵn cho nó từ lúc sinh ra. Nếu chúng ta xem xét việc các phong trào văn học của thế kỷ 20 hầu như luôn khinh thị cốt truyện và hình thức trần thuật, và rằng sự chú ý ngày càng được nhấn mạnh vào phong cách và “quan sát,” dù là đối với các chi tiết thường ngày, các đặc điểm của nhân vật, hay những sắc thái cảm xúc – đó là lý do tại sao các giáo viên dạy về phương pháp viết lách sáng tạo ngày nay luôn cổ vũ học trò của mình viết theo tiêu chí “cho thấy, đừng kể” (show, don’t tell)15.
Tuy nhiên may mắn là thỉnh thoảng vẫn có những phong trào tôn vinh những sự chưa từng nghe thấy và khó xảy ra; ví dụ như chủ nghĩa siêu thực16, và quan trọng nhất là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo17, vốn chứa đầy những sự kiện chẳng có liên hệ gì đến các tính toán về khả năng.
Tuy vậy, có một sự khác biệt quan trọng giữa các sự kiện thời tiết chúng ta đang trải qua với những gì diễn ra trong các tiểu thuyết siêu thực và hiện thực huyền ảo: dù khả năng xuất hiện của chúng nhỏ đến mức nào, những sự kiện này không hề siêu thực hay huyền ảo. Ngược lại, những sự kiện hiếm xảy ra này rất thật, thật một cách hoàn toàn, bức thiết, và choáng váng. Những vấn đề đạo đức có thể xuất hiện khi xem chúng là huyền ảo, ẩn dụ hay hoán dụ là rất rõ ràng.
Tuy nhiên, từ quan điểm của một nhà văn, thì vẫn có một lý do khác giải thích tại sao cách tiếp cận đó chẳng phục vụ cho mục đích nào cả: vì việc xem các sự kiện (thời tiết bất thường) là huyền ảo hay siêu thực đã tước đi của chúng chính cái phẩm chất đã khiến chúng hấp dẫn một cách bức thiết đến vậy – đó là chúng đang thực sự xảy ra trên Trái Đất, ngay lúc này.
*****
Đọc thêm:
Một số tiểu thuyết về chủ đề biến đổi khí hậu:
A Friend of the Earth của T. Coraghessan Boyle:
https://www.goodreads.com/book/show/7809.A_Friend_of_the_Earth
Flight Behavior của Barbara Kingsolver
https://www.goodreads.com/book/show/13438524-flight-behavior
Mara and Dann của Doris Lessing:
https://www.goodreads.com/book/show/54215.Mara_and_Dann
Bộ ba tác phẩm Exodus của Julie Bertagna:
https://www.goodreads.com/series/55612-exodus-raging-earth
Bộ ba tác phẩm “Science in the Capital” của Kim Stanley Robinson:
http://www.kimstanleyrobinson.info/content/science-capital-trilogy
Solar của Ian McEwan:
https://www.goodreads.com/book/show/7140754-solar
The Carbon Diaries của Saci Lloyd:
http://www.sacilloyd.com/books/carbon-diaries-2015
The Road của Cormac McCarthy:
https://www.goodreads.com/book/show/6288.The_Road
The Year of the Flood của Margaret Atwood:
https://www.goodreads.com/book/show/6080337-the-year-of-the-flood
Văn chương hư cấu (hay hư cấu văn học) – literary fiction là các tác phẩm hư cấu (được cho là) có giá trị về mặt văn học, phân biệt với văn chương thể loại – genre fiction (genre nghĩa là thể loại như trinh thám, kinh dị…) hay văn chương đại chúng – popular fiction.↩
Thế Nhân Sinh (Anthropocene) là thuật ngữ dùng để mô tả giai đoạn hiện tại trong lịch sử Trái Đất, với đặc điểm nổi bật là những tác động to lớn của con người lên môi trường, bao gồm hiện tượng biến đổi khí hậu do con người.↩
James Dean và Peter Fonda: diễn viên người Mỹ, Jack Kerouac: nhà văn Mỹ, Vladimir Nabokov: nhà văn Nga. Tác giả nhắc đến các nhân vật này vì tác phẩm của họ thường mang yếu tố phản văn hóa, đề cao tự do cá nhân chống lại những ràng buộc của xã hội.↩
Daniel Defoe: nhà văn Anh, tác giả của tiểu thuyết Robinson Crusoe kể về cuộc sống của nhân vật Robinson trên hoang đảo. Jean-Jacques Rousseau: triết gia Pháp; Rousseau có quan điểm cho rằng bản chất tự nhiên của con người là tốt đẹp nên ông luôn kêu gọi quay lại với tự nhiên và ca ngợi cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Ý tác giả ở đây là các tác phẩm của hai người này khiến chúng ta yêu thích thiên nhiên và đặc biệt là các hòn đảo (nhiệt đới).↩
Rừng Sundarbans là một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới, nằm ở vùng ven biển của Vịnh Bengal, giữa Ấn Độ và Bangladesh. Khu vực này đã được công nhận là Khu Ramsar và Di sản Thiên nhiên Thế giới.↩
Filler là các câu, đoạn văn được đặt xen giữa các sự kiện của cốt truyện. Thường thì chẳng có gì đăc biệt xảy ra trong các filler này nên chúng hoàn toàn không cần thiết và có thể được bỏ đi mà không ảnh hưởng gì cốt truyện. Tuy nhiên, chúng vẫn phục vụ một số mục đích, như Moretti nói là hợp lý hóa thế giới tiểu thuyết, hoặc tạo ra một phong cách cho tác giả. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về “fillers” tại đây.↩
Trong khoa học tự nhiên, lý thuyết tiệm tiến, Gradualism, là một lý thuyết cho rằng những thay đổi lớn trong tự nhiên được hình thành từ những quá trình hay thay đổi nhỏ, tích tụ trong một thời gian dài.↩
Lý thuyết tai biến, Catastrophism, là lý thuyết cho rằng những điều kiện tự nhiên ngày nay của Trái đất là kết quả của những sự kiện bất ngờ với sức ảnh hưởng lớn diễn ra trong thời gian ngắn.↩
Nguyên văn: Borgesian task. Jorge Luis Borges (1899-1936) là nhà văn người Argentina. Ông được xem là người khởi đầu cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học Mỹ La-tinh. Các tác phẩm của tác giả này nổi tiếng phức tạp, kỳ quặc và khó hiểu (hay còn có thể nói là rất “xoắn não”), vì vậy theo cách hiểu của người dịch thì ý tác giả là nhiệm vụ kiểu này rất khó khăn, nếu không muốn nói là không tưởng.↩
Theo cách hiểu của người dịch: nếu như trong địa chất các nhà khoa học buộc phải chấp nhận rằng các sự kiện bất thường đóng vai trò quan trọng (hay thậm chí là trung tâm) trong tiến trình lịch sử thì trong tiểu thuyết hiện đại, các sự kiện như vậy vẫn bị đẩy ra sau và bị che giấu. Một tác phẩm với quá nhiều những chi tiết phi thường dễ bị xem là cổ tích, thần thoại hay viễn tưởng (trừ khi đó là dòng nghệ thuật siêu thực hoặc huyền ảo).↩
Tác giả viết “… người ta thường nói rằng..” nhưng khi người dịch tìm kiếm câu này trên Google thì ông ấy hầu như là nguồn duy nhất. Có thể người khác cũng nói về ý này nhưng không giống nguyên văn chăng?↩
Thể loại văn học (và điện ảnh nhưng ở đây tác giả tập trung vào văn học nên anh dịch vậy) kết hợp yếu tố hư cấu với các yếu tố kinh dị, lãng mạn, và cái chết. Một số tác phẩm nổi bật là Dracula của Bram Stocker và Frankenstein của Mary Shelley.↩
Melodrama là một thể loại được sáng tác với bố cục và cốt truyện nặng về tình cảm và chú trọng vào việc khơi gợi tình cảm của người xem hơn là vào nội dung chi tiết. Ví dụ gần gũi nhất có thể thấy là các bộ phim tình cảm Hàn Quốc hoặc thể loại truyện ngôn tình Trung Quốc.↩
Fantasy là thể loại văn học viễn tưởng trong đó cốt truyện được đặt trong một thế giới tưởng tượng, nhiều khác biệt với thế giới thực tế. Một số ví dụ có thể kể đến là “The Lord of the Rings” hay “Harry Potter.”↩
“Show, don’t tell” là một phương pháp diễn đạt dùng trong văn học. Nguyên tắc của phương pháp này là thay vì chỉ kể lể liệt kê thì người viết nên mô tả rõ, chi tiết về quá trình, cách thức thì nội dung sẽ có tính thuyết phục hơn. Ví dụ như, nếu người viết chỉ kể lể rằng bản thân chăm chỉ, cố gắng nỗ lực nhiều thì sẽ chỉ là liệt kê, “tell” thôi. Nhưng thay vì vậy, nếu người viết có những mô tả chi tiết như mỗi ngày ngoài giờ học chính khóa đều tự học thêm 5-6 tiếng, đọc thêm các sách tham khảo, tham gia các khóa học online, thì người viết sẽ thuyết phục hơn với độc giả trong việc xây dựng một hình tượng chăm chỉ và nỗ lực. Đó gọi là “show.”↩
Chủ nghĩa siêu thực (surrealism) là một trào lưu văn học và nghệ thuật ở thế kỷ 20, bắt đầu ở Paris và được nhà thơ người Pháp André Breton viết tuyên ngôn vào năm 1924. Chủ nghĩa siêu thực cố gắng diễn tả tiềm thức bằng các trình bày các vật thể và sự việc như được thấy trong những giấc mơ. Mục tiêu của nó là giải quyết những mâu thuẫn giữa mơ và thực, thống nhất tất cả vào một hiện thực tuyệt đối, một siêu hiện thực.↩
Hiện thực huyền ảo (Magical Realism) là một trào lưu nghệ thuật nổi lên ở các quốc gia Mỹ Latin sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nó kết hợp quan điểm hiện thực về thế giớ với các yếu tố kỳ bí, huyền ảo. Hai trong số những đại diện xuất sắc nhất của trường phái này trong văn học là Jorge Luis Borges và Gabriel García Márquez.↩