Chúc mừng năm mới, bạn yêu! Khi rượu vang đã nhạt, và cây thông Noel cũng đã được dỡ xuống để mang đi làm mùn, đã đến lúc bạn phải suy nghĩ về những tháng sắp tới. 2017 là một năm u nhọt, đối với cá nhân tôi lẫn cả nền chính trị; nỗi lo lắng bao trùm về sự xuống cấp của nền dân chủ Mỹ khiến cho mọi thứ thật không dễ dàng. Nhưng cũng chẳng sao, vì giờ bạn sẽ soạn ra một danh sách những “cuộc cải cách” cho năm 2018, và điều đầu tiên trong danh sách này là: không lập một danh sách nào cả. Thay vào đó, bạn sẽ “đặt ra các mục tiêu.” Theo định nghĩa của Tim Ferriss – một chuyên gia về phương pháp tăng năng suất làm việc, mục tiêu ở đây tốt nhất nên là những mục tiêu vừa phải, có những mốc thời gian rõ ràng để tiện cho việc theo dõi những bước tiến thành công của mình. Những ứng dụng như Lifetick hay Joe’s Goals có thể hỗ trợ bằng cách giúp bạn tổ chức, sắp xếp tốt hơn và cho phép bạn chia sẻ quá trình thực hiện của mình qua mạng xã hội; khoe mẽ một chút là một cách tạo động lực cho bản thân vô cùng hiệu quả (dĩ nhiên trừ khi mục tiêu của bạn là dành ít thời gian hơn vào mạng xã hội). Sau khi đã sắp xếp xong mục tiêu của mình, sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể tạo ra một phương pháp để cổ vũ bản thân hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. Charles Duhigg, tác giả cuốn “Sức mạnh của thói quen”, gợi ý một quá trình điều chỉnh bản thân gồm ba bước. Bạn muốn đến phòng tập gym nhiều hơn? Trước tiên hãy đặt một vật làm dấu (đôi giầy đế mềm cạnh cửa chẳng hạn); sau đó chọn một phần thưởng có thể khích lệ bạn hành động (một miếng sô cô la); giờ thì thực hiện thôi. Tuyệt vời! Lúc này bạn vừa là Pavlov cũng vừa là con chó của ông.1
Nhưng rồi tháng hai sẽ đến, những ngày ảo não giữa mùa đông lạnh giá sẽ ùa về, và bạn sẽ bắt đầu buông xuôi dần. Không cần lo lắng. Cuốn “Siêu cải thiện” của Jane McGonigal sẽ chỉ cho bạn cách trở lại hành trình chinh phục mục tiêu bằng việc biến chúng thành những trò chơi, phương pháp này lấy cảm hứng từ trò chơi điện tử, ví dụ bạn có thể lập nhóm “đồng minh” và tích lũy để “nâng cấp”; cuốn “Gan lì: Sức mạnh của đam mê và kiên trì” của Angela Duckworth thì nhắc nhở bạn rằng kiên trì là yếu tố quyết định tạo nên khác biệt khi hành trình trở nên khó khăn. Duckworth không nghĩ bạn cần có tài năng mới có thể “sáng suốt hơn, tốt hơn, nhanh hơn,” như lời Duhigg miêu tả trong cuốn sách của mình, và dường như tất cả những chuyên gia khác đều có chung quan điểm về điều này. Theo như phương pháp của họ, ai cũng có thể học để trở nên tối ưu, tập trung, hiệu quả hơn trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và, năng suất – yếu tố được tôn vinh hơn cả trong thời kì hiện đại. Và nếu bạn không làm được điều này, ờ thì, đó là do lỗi của bạn.
Những lời khuyên “self-help” thường sẽ phản ánh niềm tin và mối quan tâm của thời đại sản sinh ra nó. Cách đây một thập kỉ, nhà vô địch trong thể loại này là cuốn “Bí mật,” xuất bản năm 2006 bởi tác giả người Úc Rhonda Byrne. Cũng giống như Norman Vincent Peale trước đây, Byrne kết hợp sự diễn giải theo nghĩa đen của các đoạn được trích ra từ Kinh Thánh – câu thứ 22 chương 21 Phúc âm Matthew: “Bất kì điều gì các ngươi ước khi cầu nguyện đều sẽ thành hiện thực” là một trong những câu nổi bật – cùng với suy nghĩ tích cực đầy tham vọng. Nếu bạn gửi những ước muốn của mình vào vũ trụ với đầy đủ niềm tin, điều đó có thể sẽ thành hiện thực. Muốn tìm chồng? Hãy dọn ra một chỗ trong tủ quần áo dành cho người chồng trong mơ của mình và tưởng tưởng người ấy đang treo cà vạt của anh ấy lên đó. Muốn từ bỏ cặp kính cận ư? Hãy hình dung bạn đang làm bài kiểm tra thị lực và nói lời tạm biệt với kính đa tròng. Khi nhìn lại, “Bí Mật,” cuốn sách bán được hơn hai mươi triệu bản trên toàn thế giới, có vẻ như là một bằng chứng cho sự lạc quan đầy toan tính – một đặc trưng của giai đoạn mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính. Hồi đó, người ta có khát vọng lớn, và trong giai đoạn làm ăn dễ dàng này, họ thấy những ước mơ của mình có thể thành sự thật. Để rồi khi nền kinh tế thế giới sụp đổ, chúng ta bị đánh thức một cách phũ phàng – ít nhất là trong một khoảng thời gian.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên với những đột phá kĩ thuật liên tục xuất hiện, những mong muốn mơ hồ đã được thay bằng chủ nghĩa tối ưu hóa bản thân một cách bài bản. Các chuyên gia self-help không phải là những kẻ lừa đảo chuyên rao bán những thứ bịp bợm. Rất nhiều tác giả là những nhà tâm lý học với hồ sơ học thuật ấn tượng, tuân thủ các phương pháp khoa học, hoặc là những nhà khởi nghiệp công nghệ với bảng thành tích đáng ganh tị trong cuộc sống và sự nghiệp. Những gì họ bán chính là công cụ đo đạc hiệu quả công việc. Việc chỉ dùng tưởng tượng để tìm ra phương án cải thiện về thể chất lẫn tinh thần là không đủ. Chúng ta phải vạch ra một lộ trình, chúng ta phải đếm từng bước chạy, ghi chép lại giấc ngủ, cải thiện từng bước chế độ ăn uống, ghi lại những suy nghĩ tiêu cực – và sau đó phân tích dữ liệu, điều chỉnh, và lặp lại từng bước trong quá trình này.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên với những đột phá kĩ thuật liên tục xuất hiện, những mong muốn mơ hồ đã được thay bằng chủ nghĩa tối ưu hóa bản thân một cách bài bản.
Carl Cederström và André Spicer, hai giáo sư chuyên ngành “nghiên cứu sắp đặt/tổ chức” ở một trường kinh doanh, bắt đầu thực hiện tất cả những điều này và nhiều hơn thế nữa trong cuốn sách mới nhất của họ, “Cuộc khám phá liều lĩnh về sự hoàn thiện bản thân: Một năm tham gia phong trào tối ưu hóa”, cuốn sách này là một hành trình khám phá bí kíp sống khôi hài và đầy quyết tâm, từ năng lực thể chất, tri thức cho đến tinh thần, sức sáng tạo, cách làm giàu, và sự khoái lạc. Cederström, một người Thụy Điển hăng hái, và Spicer, một người New Zealand u sầu, cả hai muốn biết được con người có thể thay đổi để trở nên hơn người được tới đâu, và để xem xét những phương pháp mà họ sử dụng. Trong cuốn sách trước đây của họ, “Triệu chứng sống tốt,” hai tác giả đã theo chân những người bị ám ảnh bởi sức khỏe, quyết tâm học thiền và luyện tập để đạt đến sự minh triết. Lần này, theo tinh thần báo chí thực nghiệm của George Plimpton, hai người sẽ tự mình thử nghiệm và bắt đầu thực hiện trong vòng một năm, mỗi tháng họ sẽ đặt mục tiêu cải thiện một khía cạnh của bản thân. Họ đi tập ở Cross Fit, thực hiện chế độ ăn kiêng Master Cleanse, tập yoga và chánh niệm (mindfulness), tham khảo những nhà trị liệu và các chuyên gia tư vấn phát triển nghề nghiệp, thử sản phẩm kích thích tuyến tiền liệt, thử sức với hài độc thoại, và tham gia các buổi workshop nhằm tăng sự nam tính bằng các cách như la hét hay khỏa thân ngồi khóc trong rừng. Cuốn sách của họ bao gồm các mục như một cuốn nhật ký ghi lại và suy ngẫm về những cố gắng của họ, thậm chí bố cục này của cuốn sách cũng là một phần trong kế hoạch cải thiện bản thân, là vì Tim Ferriss đã đề xuất việc viết nhật kí hằng ngày trong cuốn “Công cụ của những người Khổng Lồ: Chiến thuật, thói quen của những tỉ phú, ngôi sao và người trình diễn hàng đầu thế giới.”
Rất nhiều trong số các nhiệm vụ mà Cederström và Spicer tự giao cho bản thân là những thử thách khó nhằn và chưa rõ liệu lợi ích của nó có xứng đáng với công sức bỏ ra hay không, lấy ví dụ như việc nhớ một nghìn chữ số đầu tiên của số pi trong Tháng Trí Não để cải thiện sự minh mẫn tinh thần. Tuy nhiên những thử thách còn lại quả thật khiến chúng ta thầm băn khoăn: “Mình có nên làm thế không nhỉ?,” giống hệt như khi ta thấy hình nước ép rau xanh đăng trên Instagram. Phải thú nhận là tôi cảm thấy cực kì ghen tị với Cederström vì anh có thể hoàn thành một bản thảo viết tay cuốn sách về cơn hưng phấn bởi amphetamine sau khi tìm hiểu về thuốc gây nghiện trong Tháng Năng Suất – và tôi cũng cảm thấy cực kì hả hê khi mà cuốn sách của anh đã bị từ chối bởi nhà xuất bản.
“Trong một xã hội tiêu dùng, chúng ta sẽ sẽ không hài lòng với chỉ một chiếc quần mới,” Cederström và Spicer viết, và họ cũng nghĩ rằng điều này là tương tự đối với quá trình tự hoàn thiện. Chúng ta thích thú, hưng phấn với nhu cầu hoàn thiện bản thân ở mọi mặt, tất cả cùng một lúc, bao gồm cả những thứ trước đây chúng ta không nghĩ là mình cần phải cải thiện. (Đây có thể là lời giải thích tại sao người ta lại dùng trứng Yoni2 – viên đá nhét vào vùng kín được cho là có thể giúp cơ sàn chậu của phụ nữ khỏe hơn và lấy đi “nguồn năng lượng tiêu cực.” Trang web của Gwyneth Paltrow có bán cả hai loại trứng Yoni ngọc bích và trứng thạch anh hồng.) Nhiều người kiếm được bộn tiền nhờ việc chẩn đoán và giúp chúng ta đẩy lùi nỗi sợ hãi về sự thiếu sót của bản thân; Cederström và Spicer dự tính rằng ngành công nghiệp phục vụ việc hoàn thiện bản thân có thể kiếm tới mười tỉ đô mỗi năm. (Họ công bố rằng mỗi người trong số họ đã tiêu hơn mười ngàn đô trong quá trình tìm kiếm sự hoàn thiện, chưa kể đến hàng nghìn giờ tập luyện họ đã bỏ ra.) Sống một cuộc đời tử tế có thể là đã đủ với Plato và Aristotle, nhưng giờ đây tử tế thôi không còn đủ nữa. “Chúng ta chịu áp lực phải chứng tỏ rằng chúng ta biết cách để có một cuộc sống hoàn hảo, một cuộc sống trong đó thành công và cả thất bại có thể đong đếm một cách chính xác.”
Họ cũng đã khám phá ra mặt trái của sự tự hoàn thiện không chỉ có cảm giác thiếu sót mà còn là cảm giác tội lỗi. Vào tháng mười hai, khi dự án của họ sắp kết thúc, Spicer nhận ra rằng anh đã dùng cả một năm chỉ tập trung vào bản thân đến mức quên hết mọi người và bỏ bê những thứ khác xung quanh. Chỉ trong vài ngày nữa, vợ anh sẽ sinh đứa con thứ hai và mối quan hệ của hai người hiện tại không mấy tốt đẹp. Anh viết: “Tôi không nghĩ mình có thể dành thêm một năm làm những điều không hề đúng với bản thân mình.” Anh không cảm thấy mình trở thành một người tốt hơn. Anh thậm chí không còn là chính mình nữa. Anh đã luôn tự hỏi mình: “Nếu không phải là tôi, một năm qua, tôi đã là ai?”
Theo nhà báo người Anh Will Storr, khao khát đạt được sự hoàn hảo và thể hiện sự hoàn hảo không chỉ gây ra áp lực, nó còn có thể giết chết chúng ta. Cuốn sách sắp tới của ông, “Selfie: Chúng ta đã bị ám ảnh bởi bản thân như thế nào và điều này ảnh hưởng đến chúng ta ra sao” mở đầu một cách đáng báo động bằng một chương về tự sát. Storr vô cùng lo lắng vì tỉ lệ tự sát ngày càng gia tăng ở Mỹ và Anh, ông cho rằng nguyên nhân chính là sự sợ hãi và hổ thẹn vì không thể đạt được những kỳ vọng xa vời mà chúng ta đặt ra cho bản thân. Ông trích dẫn những khảo sát chỉ ra rằng các thiếu nữ càng ngày càng thấy không hài lòng với cơ thể của bản thân, và càng ngày càng nhiều đàn ông có mặc cảm tự ti rằng mình không đủ cơ bắp (muscle dysmorphia). Những nhà tâm lý, giáo sư mà ông phỏng vấn cho rằng các sinh viên đại học đang bị ảnh hưởng bởi một đại dịch gọi là sự ám ảnh “thể hiện cuộc sống hoàn hảo” – một xu hướng thể hiện cuộc sống ngập tràn thành công và đáng ghen tị, đặc biệt là trên mạng xã hội. Storr thú nhận rằng chính ông cũng bị ảnh hưởng bởi sự căm ghét bản thân và ý nghĩ muốn tự tử. “Chúng ta đang sống trong thời đại của chủ nghĩa hoàn hảo, và sự hoàn hảo chính là một lý tưởng độc hại,” ông viết. “Con người đang phải chịu đựng và chết dần trong sự dằn vặt bởi những mộng tưởng về bản thân mà họ không thể với đến.”
Storr đã đưa ra ba lập luận khi giải thích làm thế nào mà chúng ta lâm vào tình cảnh này. Đầu tiên, đó là do bản năng Ông viết: “Do cách vận hành của bộ não mà “cái tôi”, một cách tự nhiên, trở thành trung tâm của dòng chảy suy nghĩ. Nghiên cứu đã cho thấy chúng ta được lập trình để nhìn nhận cuộc sống như một câu chuyện mà trong đấy chúng ta là nhân vật chính.” Cùng lúc đó, chúng ta cũng là những sinh vật sống bầy đàn; tiến hóa trong thời kì hái lượm, chúng ta biết coi trọng sự hợp tác và đồng thời tôn trọng thứ bậc, khao khát địa vị và vượt trội.”
Chúng ta thích thú, hưng phấn với nhu cầu hoàn thiện bản thân ở mọi mặt, tất cả cùng một lúc, bao gồm cả những thứ trước đây chúng ta không nghĩ là mình cần phải cải thiện.
Lý do tiếp theo là về văn hóa, xuất phát từ thời Hi Lạp Cổ đại với ý tưởng cho rằng con người là những sinh vật có tư duy và phải vươn lên để có thể phát huy hết được tiềm năng của bản thân; cho đến Cơ Đốc giáo với giáo lý cho rằng cái tôi tội lỗi cần được cứu rỗi, rồi đến Freud – một phiên bản thế tục của giáo lý Cơ Đốc với sự căm ghét bản thân, ghê sợ tình dục; và cuối cùng, cuộc mưu cầu hạnh phúc đầy nguy hiểm ở Mỹ. Storr có những cảm xúc mâu thuẫn đối với quan điểm của người Mỹ cho rằng cái tôi về cơ bản là tốt, vì thế mà chúng ta có thể cảm thấy thoải mái và thỏa mãn với chính mình. Một mặt, đây là một thay đổi tốt từ quan niệm của Cơ Đốc giáo cho rằng cái tôi là tội lỗi. Nhưng mặt khác, nó đã “tiêm nhiễm” cho toàn thế giới tính cách vị kỷ đầy ngạo mạn. Storr đã dành những từ ngữ tiêu cực cho lĩnh vực tâm lý học tích cực và phong trào coi trọng bản thân. Ông bỉ bai học viện Esalen ở Big Sur, nơi đi đầu trong phong trào Tiềm năng Con người đã xuất hiện từ những năm 1960 và gần đây rất phổ biến với những người ở Silicon Valley.
Cuối cùng là nguyên nhân về kinh tế. Để có thể sống sót trong một nền kinh tế siêu cạnh tranh và toàn cầu hóa, khi mà người lao động ít được bảo vệ và dễ bị đào thải hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải trở nên nhanh hơn, sáng suốt và sáng tạo hơn. (Với danh sách những phẩm chất giá trị trong tuyển dụng, tôi muốn thêm vào một phẩm chất mới: sự tốt bụng, một yếu tố mà nền kinh tế lao động tự do (gig economy)3 cùng với hệ thống đánh giá năm sao của nó đỏi hỏi tất cả mọi người lao động cần phải có kể từ người lái xe cho đến thợ sửa ống nước.) Chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu này nếu không thể hiện hết mình.
Chẳng bao lâu sau, Storr nói, phản ứng đầy lý trí trước áp lực kinh tế đã trở thành một thói quen bản năng: “Chủ nghĩa tân tự do (Neoliberalism) sẽ soi rọi chúng ta từ mọi phương diện của nền văn hóa và chúng ta hấp thụ nó như hấp thụ tia phóng xạ. Giống như những chương trình truyền hình thực tế trước đây, mạng xã hội định hình mối quan hệ con người như một cuộc ganh đua không ngừng nghỉ để có được sự nổi tiếng và công nhận. Donald Trump, người đàn ông chuộng mánh khóe, ủng hộ sự vụ lợi đầy tham lam, luôn nói về “người chiến thắng” và “kẻ thua cuộc,” đang nắm giữ Nhà Trắng. (Selfie được xuất bản tại Anh vào năm ngoái; và Storr đang viết thêm một chương về Donald Trump trong ấn bản sắp tới ở Mỹ.) Trong khi đó, người làm cha làm mẹ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những đứa trẻ của mình bằng những lời nói dối đầy thương yêu, thiện chí rằng “không có gì là không thể” và chúng có thể “làm tất cả”. Những lời nói này, chứ không phải là sự khắc nghiệt của thị trường lao động, sẽ khiến cho những đứa trẻ chỉ trích bản thân khi chúng thất bại – một điều không ai có thể tránh khỏi.
Nói cho cùng, đây là một bức tranh ảm đạm. Nếu lý tưởng về cái tôi tối ưu không chỉ đơn giản là một cơn sốt, thậm chí không phải là sở thích, mà là một nhu cầu kinh tế, làm sao chúng ta có thể sống khác đi được? Storr tin rằng vẫn có cách thay đổi: “Điều này không có nghĩa là chúng ta đã hết hi vọng. Ngược lại, nó sẽ đưa chúng ta đến với một phương án tốt hơn trên con đường tìm kiếm hành phúc. Một khi bạn nhận ra tất cả chỉ là sự ép buộc, rằng chính văn hóa (xã hội) đang cố biến bạn thành con người mà bạn không thể trở thành, bạn sẽ có thể giải phóng được chính mình ra khỏi những nhu cầu của bản thân.”
Storr thừa nhận là điều này nghe chả khác gì lời khuyên kiểu self-help. Ông nhanh chóng nói rõ rằng ông không có ý khuyến khích những điều có vẻ sáo rỗng như việc chúng ta phải học cách chấp nhận bản thân. Cùng lúc đó, ông cũng nói rằng ông thật ra cũng đang dần chấp nhận chính bản thân mình. “Vì tôi đã nhận ra rằng một phần tính cách của mình là khó ưa và hay mất kiểm soát, và rằng chúng không phải là dấu hiệu của nhược điểm tâm lý đáng xấu hổ, tôi không còn trách mắng bản thân nhiều như trước,” ông viết. Thay vào đó, ông xin lỗi những người đã bị tính cách khó chịu và sự mất kiểm soát của ông xúc phạm. Điều này có vẻ là một lẽ thường tình, một cách xử lý êm đẹp, tuy nhiên Storr còn gợi ý một giải pháp triệt để hơn. Vì môi trường xung quanh đã khiến cho chúng ta phải cảm thấy bản thân thật tồi tệ, nên chúng ta cần phải thay đổi chính môi trường đó: “Những điều chúng ta đang làm với chính cuộc sống của chúng ta, những con người sống chung với ta, những mục tiêu mà chúng ta có. Chúng ta cần tìm những dự án không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân mà còn phải phù hợp với khả năng của bản thân để có thể theo đuổi.” Storr có ý muốn giúp đỡ, nhưng việc thay đổi mọi mặt thế giới mà chúng ta đang sống thật là một kế hoạch khó nhằn. Không trách vì sao người ta lại chọn thay đổi bản thân thay vì thay đổi thế giới.
Một khi bạn nhận ra tất cả chỉ là sự ép buộc, rằng chính văn hóa (xã hội) đang cố biến bạn thành con người mà bạn không thể trở thành, bạn sẽ có thể giải phóng được chính mình ra khỏi những nhu cầu của bản thân.
Sarah Knight có một lời khuyên khác cụ thể hơn. Cuốn sách gần đây nhất của cô, “Là chính bạn: Làm thể nào để là chính mình và dùng những gì bạn có để đạt được điều mình muốn”, là cuốn thứ ba mà cô đã xuất bản trong vòng hai năm, sau cuốn “Lơ đi mà sống – phép màu thay đổi cuộc đời: Làm thế nào để ngưng dành thời gian bạn không có cho những người bạn không ưa, làm những việc bạn không muốn” và cuốn “Sắp xếp lại cuộc đời: Làm thế nào để ngừng lo lắng mình nên làm gì để có thể hoàn thành những việc bạn cần làm và bắt đầu những việc bạn muốn làm.” Cuốn sách của Knight thuộc vào loại sách self-help mà Storr gọi một cách khó ưa là sách kiểu “đây là tôi, mặc kệ bạn nghĩ gì,” cả hai đều gánh chịu sự hoài nghi đối với những phương pháp cải thiện bản thân sáo rỗng cũng như việc sử dụng từ cấm một cách vui vẻ. Một số tựa sách khác gần đây có “Nghệ thuật tinh tế của sự phớt lờ,” của Mark Manson; “Kệ m* cảm xúc,” của Michael I. Bennett, một nhà tâm thần học thực hành và Sarah Bennett, con gái của ông.
Knight, một người yêu thích giọng nói hào sảng và tràn đầy năng lượng của những người hướng dẫn trong phòng tập đạp xe (spin class), tự gọi bản thân là “tác giả bán chạy phản-guru.” Cô đặc biệt tự hào về vế “tác giả bán chạy,” có thể dễ dàng thấy được tại sao hướng tiếp cận của cô ấy lại có sức hút đến thế. Cụm từ BẠN CHẢ CÓ GÌ SAI chiếm tới hai trang trong chương đầu tiên của cuốn sách. Cô đồng ý với Storr rằng thứ sai ở đây chính là xã hội, hay đúng hơn, là “những luật lệ ngẫu nhiên, ngu ngốc tạo ra bởi xã hội – từ tiêu chuẩn phải tốt, phải gầy cho đến phải ngoan ngoãn và tỉnh táo.” Sự tỉnh táo không hoàn toàn là một bổn phận xã hội ngớ ngẩn hay ngẫu nhiên, nhưng chả sao. Quan điểm của Knight là khuyến khích người đọc bao dung với chính bản thân mình, và để có thể giúp họ, cô đã đề ra những chiến lược như “trang hoàng lại tinh thần” (thay đổi những nhược điểm thành ưu điểm), giữ lấy sự bi quan (trở nên thực tế và đặt ra những mục tiêu trong tầm với), ích kỉ (ủng hộ nhu cầu của bản thân), suy ngẫm về cái chết (để sống hạnh phúc nhất có thể khi còn tồn tại), và “ngưng tôn sùng sự hiền lành.” Knight vui vẻ minh họa cho vế phía sau. Cô khuyên chúng ta: “Bạn cần phớt lờ đi những gì người khác nghĩ.”
Phần lớn các lời khuyên trong “Bạn là Bạn” hướng đến việc giúp người đọc đối mặt với sự bất mãn trong công việc nặng nề thường ngày ở chỗ làm. Nói chung, cần phải cương quyết hơn. “Nếu sếp không ưa cách hợp tác của tôi, bà ấy có thể sa thải tôi,” Knight viết. “Nếu một khách hàng nghĩ phong cách khác lạ của tôi không dành cho mình, anh ấy không phải thuê tôi nữa.” Đây là một phong thái ung dung khác thường. Trong khi Storr lo lắng với sự bấp bênh của công việc trong thời buổi hiện đại, Knight lại bận tâm về sự tẻ nhạt mà những người làm việc trong công sở phải chịu đựng: những cuộc họp buổi sáng vô nghĩa, những dự án nhóm khó chịu. Cô ấy cho phép người đọc không phải nghĩ quá nhiều về việc phải luôn hoàn thành tốt nhất công việc, vì, như những gì cô tiết lộ, cô hiểu cảm giác của một người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Trong thời thiếu niên, cô mắc phải chứng rối loạn ăn uống. Sau khi tốt nghiệp Harvard, cô ấy đã tạo dựng được một sự nghiệp vững chắc với vị trí biên tập tại một nhà xuất bản nổi tiếng. Cô đã rất thành công nhưng phải chịu nhiều áp lực. Knight kể rằng mình đã phải trải qua những cơn hoảng loạn và thậm chí cần tới sự chăm sóc ý tế; để có thể bình tâm làm việc, cô đã mang một chậu đựng cát cho mèo đặt dưới bàn để có thể nhón chân sâu vào bãi biển tự tạo này. Năm 2016, ở tuổi ba sáu, cô bỏ việc và ngôi nhà ở Brooklyn để cùng chồng chuyển đến Cộng Hòa Dominica.
“Sự khác biệt giữa tôi và những kẻ tự cao tự đại ngốc nghếch ngoài kia chính là tôi ứ thèm quan tâm liệu ai có làm như tôi, làm khác tôi hay ai đang hùa theo hay không,” Knight viết. Nói cách khác, cô không ủng hộ chúng ta bỏ việc và “bứt phá khỏi những giới hạn” như những gì cô đã làm. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi nhận ra rằng con người đã khuyên chúng ta chống lại chủ nghĩa dấn thân trong văn hóa công sở hiện đại đã từng hăng hái dấn thân đến mức cô thậm chí đã thoát hẳn ra khỏi môi trường công sở. Nhiều độc giả chắc chắc sẽ được truyền cảm hứng bởi câu chuyện này. Một số lại thấy như bị phản bội. Còn những người không có điều kiện để có thể mạo hiểm rời bỏ cuộc sống mà họ đang có, mặc dù họ rất muốn như thế? Trong khi họ bị mắc kẹt ở bàn làm việc, thay đổi điểm mạnh thành điểm tốt và suy tư về cái chết, thì Knight đang nhấm nháp ly pinã coladas và viết cuốn sách bán chạy tiếp theo có tựa ” Đếch quan tâm.”
Với những người mà câu mệnh lệnh “là chính mình” nghe như một điều xa xỉ mà họ không đủ khả năng chi trả, họ có thể tìm kiếm sự an ủi từ cuốn sách của Svend Brinkmann “Kiên định: Chống lại cơn sốt tự hoàn thiện”, được viết và xuất bản bằng tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng Đan Mạch vào năm 2014 và hiện tại cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh bởi Tam McTurk. Theo chú thích của Brinkmann, trước khi “Kiên định” được ra mắt, tác giả này đã sống “một cuộc sống khá yên bình của một giáo sư tâm lý học tại Đại học Aalborg.” Và sau đó cuốn sách đã trở thành hiện tượng trong ngành xuất bản. Brinkmann bây giờ rất thành công với vai trò là một nhà trí thức của công chúng, ông xuất hiện trên truyền hình, sóng phát thanh và đi vòng quanh thế giới để nói chuyện về “những câu hỏi lớn của đời sống hiện đại.”
Giờ là lúc chúng ta nên cảm thấy hài lòng và chấp nhận việc bản thân chỉ ở mức bình thường.
Câu hỏi mà Brinkmann sẽ giải quyết trong “Kiên định” đó chính là câu hỏi về tốc độ. Theo ông, cuộc sống ngày càng gấp gáp hơn. Chúng ta phó mặc theo những phong trào nhất thời về ăn uống, thời trang và sức khỏe. Công nghệ đã xóa mờ đi ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư; chúng ta được mặc định là phải luôn sẵn sàng khi có việc, phải làm việc nhiều hơn, “làm việc tốt hơn và lâu hơn mà không cần để ý tới nội dung hay ý nghĩa của việc mình đang làm.” Giống như Storr, Brinkmann chỉ trích sự hoàn thiện bản thân là triệu chứng, công cụ của dòng chảy kinh tế không bao giờ nghỉ. Nhưng nếu Storr thấy (đây là) một cuộc khủng hoảng về sức khỏe, thì Brinkmann lại coi nó là một cuộc khủng hoảng về tinh thần. Bài nói, bài viết của ông giống như lời một nhà tiên tri chống lại những quan niệm sai lầm. “Trong thế giới thế tục của chúng ta, chúng ta không còn coi thiên đường bất tử như một phần thưởng, động lực để đi hết cuộc sống này, thay vào đó, chúng ta cố gắng hết mức có thể tận hưởng thời gian ngắn ngủi khi mình còn sống trên hành tinh này,” ông viết. “Nếu bạn vẫn đứng yên trong khi mọi người đang tiến lên, bạn sẽ tụt lại phía sau. Đứng yên trong thời buổi hiện đại cũng đồng nghĩa với việc bị thụt lùi vậy.”
Tuy nhiên, như những gì Brinkmann đã nói rõ trong tiêu đề, đứng yên, kiên định là điều mà ông khuyên chúng ta nên làm. Chúng ta điên cuồng muốn trở thành người tốt nhất, thành một người dẫn đầu như thế là đã quá đủ rồi. Giờ là lúc chúng ta nên cảm thấy hài lòng và chấp nhận việc bản thân chỉ ở mức bình thường. Ông tự hào kể rằng, khi ông cùng những người đồng nghiệp của mình ở Đại học Aalborg được đề nghị đưa ra các mục tiêu phát triển cho trường, ông đã gợi ý rằng “chúng ta nên phấn đấu để trở thành một ngôi trường hạng trung.” (Ông giải thích: “Tôi nghĩ đây là một mục tiêu thực tế và phù hợp đối với một trường đại học nhỏ.” Nhưng những đồng nghiệp của ông thì không đồng tình với ý kiến này.) Và sự chấp nhận cái tôi hay bản thân cái tôi cũng đã quá đủ rồi. Ông cho rằng “Là chính mình không hề là chân giá trị.” Có thể là Anders Breivik, một người Na Uy theo chủ nghĩa dân tộc, cũng cảm thấy mình đang hành động “đúng với con người của mình” khi ông ta xả cơn phẫn nộ chết chóc của bản thân, còn Mẹ Teresa thì đã không sống là chính mình. Điều gì đã làm cho tạo ra sự khác biệt này? Nếu bạn nhất định phải tự vấn lương tâm hoặc lý giải bản thân, Brinkmann khuyên bạn nên giới hạn quá trình này trong vòng một năm, tốt nhất là trong kì nghỉ hè.
Sau những lời cổ vũ “tích cực” của Knight, điều này như dội một gáo nước lạnh lên đầu chúng ta. Nghe thật phũ phàng nhưng cũng thật an ủi. Với sự tôn trọng lém lỉnh dành cho dòng sách self-help, Brinkmann đã viết “Kiên định” theo cấu trúc của một hướng dẫn gồm bảy bước, một kiểu hướng dẫn mà ông cực kì ghét. Tên một số chương sách có thể kể đến như “Tập trung vào những điều tiêu cực trong cuộc sống,” “Nói không,” và “Kiềm chế cảm xúc.” Mục tiêu là để chấp nhận sự thật rằng chúng ta có thể chết và chúng ta đều thiếu sót trầm trọng. Ông là một người tôn sùng chủ nghĩa khắc kỷ (Stoics) với chủ trương cho rằng thế giới vật chất chỉ là tạm bợ. (Kể cả Tim Ferriss cũng chỉ là tạm bợ/nhất thời.) Tuy thế, thật ngạc nhiên khi ông lại tìm thấy sự thông thái từ một nguồn khác ngoài trường phái khắc kỷ. Trong một đoạn tán dương việc “kêu ca”, ông viết: “Tôi có thể không phải là một chuyên gia về nền văn hóa Do Thái (phần lớn kiến thức mà tôi có được là từ những bộ phim của Woody Allen), nhưng tôi cảm thấy rằng việc chấp nhận (lắng nghe) lời than phiền về những thứ lớn lao và cả những thứ vặt vãnh thật ra là một trung gian/phương tiện văn hóa có thể thúc đẩy niềm hạnh phúc và sự thỏa mãi cho đôi bên.” Tôi có thể đảm bảo với Brinkmann rằng ý tưởng về niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn có tính cộng hưởng này hầu như xa lạ với người Do Thái, nhưng nếu than phiền có tác dụng đối với ông ấy, ông hoàn toàn có thể áp dụng.
Điều quan trọng, trong bất kì trường hợp nào chính là từ “cho cả đôi bên.” Brinkmann không quan tâm đến việc chúng ta nghĩ về bản thân như thế nào. Ông chỉ quan tâm đến cách chúng ta đối xử với nhau. Cuốn sách của ông đề cập đến khía cạnh đạo đức, điều dường như ít được quan tâm ở dòng sách giúp tự hoàn thiện. Ông thích những ý tưởng xưa cũ như là tính toàn diện, tự kiểm soát, nhân cách, danh dự, sự trung thành, kiên định, nghĩa vụ, truyền thống. Trên tất cả, ông cổ vũ chúng ta nên hoàn thành nghĩa vụ của mình. Tôi nghĩ ông có ý rằng chúng ta phải tiếp tục với những nhu cầu khó ưa của cuộc sống ngay cả khi chúng ta không cảm thấy có được lợi ích gì từ việc đó, chứ không phải chạy trốn sang Cộng hòa Dominica.
Những điều này khiến cho cuốn “Kiên định” mang dáng vẻ bảo thủ (conservative). Ngay cả cụm từ “kiên định” nghe cũng có vẻ khá lỗi thời. Brinkmann có thể hơi giống một bậc phụ huynh đang dạy bảo đứa con tuổi teen cáu kỉnh phải biết kiên cường, và đôi khi, bạn, cũng giống như những đứa con tuổi teen, chỉ muốn cãi lại. Phần lớn những lời khuyên của ông mâu thuẫn với nhau. Làm sao chúng ta có thể vừa kiềm chế cảm xúc vừa nhấn mạnh những cảm xúc tiêu cực? Và chẳng phải lời khuyên “hãy đắm chìm vào quá khứ” của Brinkmann đã dẫn đến cảm giác hoài niệm ủy mị về quá khứ, thứ đã đưa chúng ta đến với Brexit và Trump. “Tôi dám chắc rằng, trong một nền văn hóa mà mọi thứ thứ điều diễn ra nhanh hơn, một số hình thức “bảo thủ” có thể thật sự là một hướng giải quyết thực sự tiến bộ,” Brinkmann viết. Ông ấy biết rằng điều này thật mâu thuẫn. Lời khuyên của ông, cũng như mọi lời khuyên khác, đều không hoàn hảo và còn những hạn chế. Ông ấy cũng là một con người. Và điều đấy chính là một phần sức hút của Brinkmann.
Quan trọng là bạn kết thúc cuốn sách với cảm giác thoải mái vì biết rằng người khác cũng đang vật lộn với những áp lực và nỗi thất vọng tương tự, họ cũng cảm thấy không hài lòng và luôn lo lắng về những thiếu sót của bản thân.
Nghịch lý lớn nhất trong “Kiên định” chính là lời kêu gọi tìm một giải pháp cá nhân cho một vấn đề tập thể, chính ông cũng hiểu điều này. Nỗi sợ hãi bị bỏ lại phía sau là hoàn toàn có cơ sở, nhất là trong một thế giới không ngừng tăng tốc và có thể khắc nghiệt đối với những người không, hoặc không thể theo kịp nhịp độ giống như thế giới của chúng ta. Brinkmann ít ra vẫn còn có thể nương tựa vào chế độ phúc lợi của Đan Mạch. Nhưng bạn không nhất thiết phải đồng tình với mọi điều tác giả nói mới có thể nhận ra giá trị của cuốn sách này. Quan trọng là bạn kết thúc cuốn sách với cảm giác thoải mái vì biết rằng người khác cũng đang vật lộn với những áp lực và nỗi thất vọng tương tự, họ cũng cảm thấy không hài lòng và luôn lo lắng về những thiếu sót của bản thân. Sự đồng cảm đó là điều mà Brinkmann coi trọng nhất. Chúng ta có thể tiếp tục sai lầm, nhưng chúng ta không mắc sai lầm một mình.
Và Brinkmann đưa ra một vài lời khuyên có vẻ có thể thực hiện ngay lập tức. Ví dụ như đi bộ vào rừng, và suy nghĩ về sự bao la của vũ trụ. Đến một viện bảo tàng để thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu những kiến thức có thể không giúp bạn hoàn thiện hơn theo một tiêu chuẩn nào đấy. Mọi việc không nhất thiết phải được thực hiện y chang mới có tác dụng. Gác lại những cuốn sách self-help, và thay vào đó, đọc một cuốn tiểu thuyết. Tôi sẽ không bận tâm nếu mình cũng làm như thế.
Ivan Pavlov và thí nghiệm phản xạ tiết dịch vị ở chó. Trong thí nghiệm này, mỗi khi có thức ăn đến, tiếng chuông sẽ được phát ra. Một khi con chó đã quen dần với điều này, nó sẽ tự động tiết ra dịch vị mỗi khi nghe thấy tiếng chuông. Tìm hiểu thêm tại đây: http://khoahoc.tv/pavlov-phan-xa-co-dieu-kien-2367↩
Trứng Yoni là đá quý có hình quả trứng dùng để đưa vào vùng kín của phụ nữ. Phương thức này từng được sử dụng bởi hoàng hậu và phi tần ở Trung Quốc. Trứng Yoni được tin là sẽ mang lại sức khỏe cho người phụ nữ.↩
Gig economy là nền kinh tế trong đó phần lớn lao động làm việc tự do, không cố định trong một công ty hay tổ chức.↩
<3 <3 <3
❤