a
§ Tác giả: Jennifer Fayard | Nguồn: Psychology Today
Biên dịch: Phương | Hiệu đính:  K.
28/05/2022

Chào, tôi là Draco Malfoy.

Ờ, ít ra tôi là Draco theo phân loại tính cách Myers-Briggs cho nhân vật trong Harry Potter. Ặc! Chả ai muốn mình là Slytherin. Tôi luôn tự thấy mình nửa Ginny Weasley nửa Hermione Granger pha thêm chút gì đó của Tonks, vì vậy trước những kết quả không mấy xuôi tai đẹp lòng về bản thân, tôi tự an ủi rằng thực tế là có rất nhiều vấn đề với bài test Myers-Briggs.

Câu chuyện về hai bài test

Ai cũng muốn làm test về tính cách, và Myers-Briggs Type Indicator (MBTI) là một trong những bài kiểm tra có mức độ phổ biến cao nhất. Được phát triển vào năm 1944, dựa trên và có liên hệ rất lỏng lẻo với mô hình phân loại tính cách Jung, hàng triệu người đã thực hiện bài kiểm tra MBTI hoặc một trong nhiều bài mô phỏng dựa trên nó, kết quả họ nhận được sẽ là một kiểu tính cách gồm 4 chữ cái dựa trên câu trả lời về cách họ chèo chống, lèo lái thế giới xung quanh: chữ E dành cho hướng ngoại (Extrovert) hoặc chữ I biểu thị sự hướng nội (Introvert), chữ S cho Sensing (Giác quan) / N cho iNtuition (Trực giác), chữ T cho Thinking (Lý trí) / F cho Feeling (Cảm xúc), và chữ J cho Judging (Nguyên tắc) / hoặc P cho Perceiving (Linh hoạt). Những sự kết hợp này dẫn đến tổ hợp 16 kiểu tính cách khả dĩ, ví dụ như INTJ và ESFP.

Rất có thể bạn đã từng thực hiện bài kiểm tra này hoặc đã từng thấy người khác điên cuồng chia sẻ về nó trên mạng xã hội. Bài test rất ư phổ biến trong thế giới doanh nghiệp; các quản lý sẽ sử dụng cho bài kiểm tra cho mục đích tuyển dụng, thăng tiến, hoặc trong các workshop xây dựng đội ngũ. Ngoài nơi làm việc, mọi người chia sẻ về kết quả test như một cách để làm thân, khoe nhau về buổi hẹn hò lý tưởng nhất, màu son hợp nhất, hành lý xách tay tốt nhất, và thành phố nào bạn nên sinh sống dựa trên MBTI và những doanh nghiệp như Evernote và Ford thậm chí còn tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho từng loại tính cách khác nhau.

Một dạng test khác—bài test Enneagram—cũng đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Hệ thống tính cách Enneagram bao gồm các yếu tố bí truyền và có nguồn gốc cổ xưa. Bài test phân loại người tham gia thành 9 dạng dựa trên các số từ 1 tới 9, với một dạng phụ, tức “wing” của một số khác. Sự phổ biến của Enneagram cũng đã tạo nên một xu hướng marketing tương tự, đặc biệt là trong các hội nhóm Tin lành sau khi cuốn sách The Road Back to You đã áp dụng Enneagram cho thực hành tâm linh và một ban nhạc (Sleeping At Last) thậm chí đã sáng tác những bài nhạc thu hút riêng cho từng kiểu tính cách khác nhau.

Thật khó để sống mà không phải va phải một sự gợi nhắc về những bài trắc nghiệm tính cách kia trên mạng xã hội. Bạn có nên làm test thử? Tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận những bài test này chỉ thú vị khi được sử dụng để tìm ra bản thân là nhân vật nào trong bộ Harry Potter. Tuy nhiên, nếu muốn tìm hiểu bản thân hoặc sử dụng kết quả để đưa ra các quyết định quan trọng ở ngoài đời, bạn sẽ cần… cân nhắc.

Những cảnh báo nhãn tiền nhưng không phải ai cũng thấy

Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo về độ tin cậy của MBTI. Một trong số đó nằm y ở cơ sở lý thuyết của trắc nghiệm này. Jung đã phát triển lý thuyết về nhân cách của mình trước cuộc cách mạng khoa học trong ngành tâm lý, vậy nên MBTI dựa trên những tư kiến của Jung mà không kiểm chứng được liệu tư duy của nhà tâm lý về cách hình thành tính cách biểu hiện ra sao vào trải nghiệm toàn thể của nhân loại hay không. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng đi ngược lại với kết quả của MBTI – rằng chúng ta không hề có xu hướng ưa suy luận hơn là dùng cảm nhận, hành xử theo cảm quan hơn là theo trực giác, hoặc có xu hướng phán đoán thay vì tri nhận.

Bài test còn mắc thêm một số vấn đề về tính giá trị hoặc mức độ chính xác. Định dạng tính điểm xếp các cá nhân vào lưỡng cực trong mỗi cặp tính cách — hướng ngoại hoặc hướng nội — bất kể điểm của họ cao đến mức nào. Một người được MBIT ghi nhận có 53% hướng nội – hướng ngoại sẽ có cùng kết quả (điểm Extrovert) với người đạt tỷ lệ 95% hướng ngoại, nhưng người có số điểm 53% hướng nội cũng gần giống người có chỉ số hướng nội dưới ngưỡng 50%. Và họ được gắn nhãn là I (Introvert) chứ không phải Extrovert (E). Mặc dù MBTI không được phát triển để áp dụng ở nơi công sở, themyersbriggs.com gợi ý rằng trắc nghiệm MBTI hữu ích trong nhiều tình huống và công việc cụ thể, gồm cả việc phát triển kỹ năng lãnh đạo; tuy nhiên, nghiên cứu về việc áp dụng nó trong lĩnh vực tuyển dụng đã chỉ ra rằng trắc nghiệm MBTI không dự đoán chính xác triển vọng việc làm cho người lao động.

Một vấn đề nan giải khác là phạm trù lý trí hay cảm tính có các câu hỏi được tính điểm rất khác nhau tùy thuộc vào việc ta tự xem bản thân là phụ nữ hay đàn ông. Cuối cùng, nhiều người nhận thấy rằng MBTI không đủ độ tin cậy khi làm lại nhiều lần, có nghĩa là bạn có thể làm bài test nhiều lần và nhận các kết quả tính cách khác nhau, dù cuộc sống của bạn chẳng có thay đổi gì đáng kể. Đúng vậy, công cụ này được sử dụng rộng rãi, nhưng khi bạn nhìn vào tệp người dùng MBTI bạn sẽ thấy một điều gần như nói lên tất cả: không một ai trong số họ là nhà tâm lý học.

Mặc dù nhận được rất ít chú ý của giới nghiên cứu, Enneagram cũng có vài vấn đề tương tự với MBTI, điều này làm dấy lên một số quan ngại— dẫu chưa tới mức phải bật đèn đỏ nhưng ít nhất cũng phải ở mức cảnh báo đèn vàng — quan ngại xoay quanh việc liệu Enneagram có mắc phải một số vấn đề tương tự với MBTI hay không. Giống như Myers-Briggs, câu chuyện về nguồn gốc của Enneagram liên quan đến yếu tố cổ thuật và cả một vài biểu tượng bí truyền. Các loại hình tính cách mà Enneagram đưa ra đôi khi trùng lặp lên nhau, và trong những cuộc phỏng vấn tôi từng thực hiện, nhiều người nói họ cảm thấy họ phù hợp nốt với hai hoặc nhiều kiểu tính cách mà Enneagram đề cập. Chính tôi đây cũng là bằng chứng sống; một người bạn của tôi rất thích Enneagram đã gần như khẩn cầu tôi cho anh ấy biết tôi thuộc tuýp người nào. Và không loại nào trong số chúng mô tả chính xác tính cách của tôi, nhưng khi kết hợp loại 1, 3 và 5 với nhau, tôi thấy kết quả cho ra gần giống nhất khi mỗi loại đều chứa các đặc điểm tính cách mà tôi thấy bản thân mình sở hữu ngang nhau.

Giống như MBTI, tính cách Enneagram của bạn được xác định dựa trên dạng lựa chọn bắt buộc, yêu cầu bạn chọn một đáp án và so chúng với một phương án hoàn toàn khác cho mỗi câu hỏi thay vì đo lường mức độ tán thành của bạn với từng phương án. Điều này có thể dẫn đến một số vấn đề tương tự như vấn đề xảy ra với MBTI – về độ tin cậy và mức độ chính xác. Ví dụ: với câu “Khi đói tôi ăn …” và họ sẽ phải bắt buộc chọn một trong hai: “Tôi ăn tacos” hoặc “Tôi ăn phô mai”.

Là một người yêu thích cả bánh tacos và phô mai, đây là lựa chọn khó khăn khi tôi bị giằng xé giữa cả hai món. Nếu tôi chọn “tacos”, công cụ đo lường sẽ bỏ lỡ sự thật rằng tôi cũng rất thích phô mai. Về mặt tính cách, cả hai lựa chọn này ở định dạng lựa chọn bắt buộc đều đại diện, và việc chọn một đáp án trong hai sẽ đến thay đổi kết quả cuối cùng. Cuối cùng, một vấn đề với cả hai thang đo trên nằm ở chỗ, rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các dạng tính cách đã bỏ ngỏ rất nhiều thông tin vì chúng chỉ dựa trên việc phân loại một người nào đó là người hướng nội HOẶC hướng ngoại, và để lỡ rất nhiều sắc thái cá nhân của một người, vốn, như ải như ai, đều có các kết quả nằm lưng chừng giữa hai mốc này.

Nhưng đợi đã: Còn một câu hỏi thú vị hơn

Những người khác cũng đã phân tích kỹ hơn và chi tiết hơn về vấn đề với bài trắc nghiệm MBTI hơn những gì tôi nêu ở đây. Mục tiêu của tôi không phải là tổ chức một lễ hội bóc mẽ các bài trắc nghiệm tính cách mà là để nêu lên câu hỏi thú vị hơn nhiều — nếu những bài kiểm tra này không chuẩn như chúng vẫn ê a, tại sao chúng vẫn được yêu thích như vậy, và tại sao mọi người lại coi trọng kết quả dường ấy?

Một số bài kiểm tra tính cách thoạt trông có vẻ ít đáng tin hơn — ví dụ, tôi chưa bao giờ nghiêm túc coi tôi là rái cá hay là người có tính cách màu đỏ, và tôi không chấp nhận chúng như một phần bản dạng cá nhân mình — nhưng mặt khác tôi khá vững tin mình là một INTJ. Khi còn là sinh viên năm nhất đại học, tôi đã làm trắc nghiệm MBTI lần đầu tiên, và bị hớp hồn bởi kết quả nhận được. Tôi đã dành hàng giờ trên máy tính trong phòng ký túc xá của mình để nghiên cứu kiểu tính cách của tôi đến khuya, chia sẻ nó với người quen và thực sự tự hào rằng loại tính cách MBTI của tôi được cho là chỉ chiếm 1-2% dân số.

Theo truyền miệng, nhiều người có trải nghiệm tương tự với những gì tôi đã trải qua, và cảm thấy gắn kết mạnh mẽ với kết quả MBTI của họ. Thông thường, sự phấn khích đó là vì họ cảm thấy kết quả của mình rất chính xác bởi nó xác thực điều gì đó mà họ từng hồ nghi về bản thân hoặc khiến họ cảm thấy lần đầu tiên được “công nhận”. Nếu bạn muốn xem ai đó thực sự xem trọng kết quả kiểm tra tính cách của họ đến thế nào, hãy nói với họ rằng kết quả Myers-Briggs hoặc Enneagram của họ rất lồi lõm mà xem! Làm sao chúng ta có thể tin rằng chúng không có giá trị gì khi những gì chúng nêu ra lại thật với những gì ta hằng tin tưởng như vậy?

Rất khó để thuyết phục mọi người rằng MBTI không tiết lộ sự thật sâu sắc về bản thân họ. Ngay cả khi mọi người chấp nhận việc những nghiên cứu nói rằng MBTI thiếu tính hợp lệ, họ vẫn miễn cưỡng tin mà thôi— họ sẽ từ bỏ, nhưng họ cũng chả ưa nổi sự thật trước mắt. Vậy tại sao chúng ta vẫn muốn tin rằng vẫn có sự chính xác trong kết quả MBTI của chúng ta, rằng ta có thể là INTJ hoặc ESFP, số 2 hoặc số 5, ngay cả khi chúng ta thừa nhận rằng những kết quả ấy không phải là thật?

Câu trả lời cho câu hỏi đó thực ra rất phức tạp. Hãy uống một tách trà và đọc bài đăng tiếp theo, nơi tôi sẽ cùng bạn khám phá một vài yếu tố liên quan đến nguồn cơn cho sự tận tâm kiên trì của chúng ta đối với các bài kiểm tra tính cách tệ hại: điều gì thu hút chúng ta đến làm kiểm tra tính cách ngay từ đầu, cách trình bày kết quả từ những bài kiểm tra đó có thể ảnh hưởng đến những gì chúng ta nghĩ về bản thân mình ra sao và cách bộ não của chúng ta xử lý thông tin liên quan đến bản thân thế nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất