Mùa hè này, hàng triệu người Mỹ sẽ đổ xô đến bãi biển, tận hưởng kỳ nghỉ hè dài ngày trong thời tiết ấm áp. Từ đảo Coney và bãi biển Venice đến bờ hồ Michigan và bờ biển vùng Vịnh, đâu đâu cũng có người đóng gói hành lý, kéo theo các thùng lạnh, bôi kem chống nắng và xây lâu đài cát. Cảnh tượng tương tự sẽ lặp lại trên toàn thế giới. Tại Rio de Janeiro, Sydney, Barcelona và Beirut, trẻ em chơi đùa giữa các đợt sóng trong khi những người tắm nắng mơ màng ngủ trên cát. Việc dành ra một ngày ở bãi biển gần như đã trở thành nghi thức văn hóa.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng như vậy. Từ thời cổ đại đến thế kỷ 18, bãi biển khuấy động sự sợ hãi và lo lắng trong lòng dân chúng. Khu vực ven biển là vùng đất hoang dã đầy nguy hiểm; đó là nơi thiên tai xảy ra và nhấn chìm tàu thuyền. Đây cũng là nơi trận đại hồng thủy trong Kinh Thánh đã nhấn chìm thế giới. Trong thần thoại cổ điển, cơn thịnh nộ của đại dương là một trong những chủ đề chính, và bãi biển là kẻ mang bất hạnh đến cho loài người. Những giọt nước mắt đã chảy trên các bãi biển trong sử thi Homer khi những con quái vật ẩn nấp trong sóng: Scylla1 được bao quanh bởi những con chó hung dữ cùng với Charybdis2 – quái vật nuốt chửng nước biển chỉ để phun ra thành xoáy nước sôi. Alain Corbin, giáo sư danh dự của ngành lịch sử hiện đại tại Đại học Sorbonne ở Paris và là tác giả cuốn “Sự Cám dỗ từ Biển cả: Khám phá bờ biển ở thế giới phương Tây, 1750-1840,” cho rằng: “Trong văn học cổ điển, người ta không biết đến sự hấp dẫn của những bãi biển bên bờ biển, cảm giác vui vẻ khi lao vào con sóng, hoặc những thú vui của một kỳ nghỉ bên bờ biển, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi.”
Bờ biển giống như một ranh giới, là hàng rào ngăn cách cuộc sống thật với những điều kỳ bí.
Bóng ma của Leviathan hoặc Kraken làm cho biển trở thành nơi đáng sợ. Trên bờ, những mối nguy hại cũng luôn chực chờ đe dọa: cướp biển và kẻ cướp, quân thập tự chinh và thực dân, Cái Chết Đen và bệnh đậu mùa trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Không có gì ngạc nhiên khi vòng tròn thứ ba của địa ngục trong tác phẩm của Dante là do cát bao phủ. Trên bãi biển, nỗi khiếp sợ tấn công Robinson Crusoe, kẻ đầu tiên trong số nhiều người bị đắm tàu đã trôi dạt vào bờ để đối đầu với số phận trên cát. Trong văn học phương Tây, bờ biển giống như một ranh giới, là hàng rào ngăn cách cuộc sống thật với những điều kỳ bí.
Làm thế nào mà bãi biển chuyển mình từ nơi đầy rẫy nguy hiểm đến biểu tượng của kỳ nghỉ dài với cát trắng và sóng cuộn? Chính sự gia tăng của xã hội công nghiệp, đô thị đã gắn hình ảnh bãi biển với chủ nghĩa hưởng thụ: sức khỏe, sự tiêu khiển, nơi chạy trốn khỏi cuộc sống thường nhật. “Khám phá mới” của châu Âu về bãi biển đã nhắc nhở rằng ý tưởng con người về thiên nhiên đã thay đổi theo thời gian – kèm theo những hậu quả cho môi trường và thế giới.
Khoảng giữa thế kỷ 18, theo Corbin, giới tinh hoa châu Âu đã bắt đầu chào bán cho nhau công dụng của không khí trong lành, thể dục và tắm biển. Đặc biệt ở Anh, quê hương của cuộc cách mạng công nghiệp, giới quý tộc và trí thức ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe và vệ sinh của mình. Họ cho rằng công nhân – tầng lớp ngày càng đông đảo ở các nhà máy và các thị trấn công nghiệp mới – trở nên khỏe mạnh nhờ lao động thường xuyên. So với họ, tầng lớp thượng lưu dường như quá mong manh và yếu đuối, và chính sự yếu kém thể chất đó sẽ khiến họ dần suy thoái. Từ đấy, khái niệm “biển phục hồi” được sinh ra. Các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân lao vào vùng nước lạnh để được tiếp thêm sinh lực và kích thích sức khỏe. Khu nghỉ mát bên bờ biển đầu tiên được mở trên bờ phía đông nước Anh, nằm ở thị trấn nhỏ Scarborough gần York. Lần lượt các cộng đồng ven biển khác mở ra để phục vụ khách hàng – những người đang tìm kiếm phương pháp điều trị cho đủ các loại tình trạng: u sầu, còi xương, phong, gút, liệt dương, nhiễm trùng lao, các vấn đề kinh nguyệt và “cuồng loạn.” Tắm biển chính là biểu tượng chính của văn hóa sức khỏe lúc bấy giờ.
Nhờ vào nghệ thuật, thơ ca và văn học du ký, cũng như văn bản khoa học và y khoa, Corbin đã cho ta thấy sự nhạy cảm lãng mạn đã hỗ trợ quá trình này như thế nào. Bắt đầu với Kant và Burke, các lý thuyết đã sử dụng sức mạnh siêu phàm của tự nhiên để tạo ra sự kinh ngạc và sợ hãi. Tuy nhiên, chính các nhà văn và nghệ sĩ lãng mạn vào đầu thế kỷ 19 đã thêm cảm xúc và sự kỳ diệu vào hành động tản bộ dọc theo bãi biển cùng việc ngắm nhìn thủy triều. Bờ biển, nơi từng đầy rẫy nguy hiểm, đã trở thành một địa điểm để đắm mình trong tự nhiên và trải nghiệm sự biến đổi. Bãi biển hứa hẹn sự khám phá bản thân. Từ bờ biển, J. M. W. Turner và Caspar David Friedrich đã vẽ nên khung cảnh gồ ghề, tạo ra một chủ đề hội họa mới: cảnh biển. Theo đồ thị Google Ngram, thuật ngữ này mới được sử dụng từ năm 1804.
Bờ biển, nơi từng đầy rẫy nguy hiểm, đã trở thành một địa điểm để đắm mình trong tự nhiên và trải nghiệm sự biến đổi.
Lần theo bước ngoặt này, Corbin cho rằng, đối với người châu Âu vào năm 1840, bãi biển đã chứa đựng ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Đây chính là thời điểm khởi đầu cho “sự thức tỉnh cho mong muốn mãnh liệt được đi biển.” Bờ biển đã trở thành một nơi tiêu thụ của con người; một nơi dùng để “trốn thoát” khỏi thành phố và nỗi cực nhọc của cuộc sống hiện đại. Sự phổ biến của xe lửa và du lịch tạo điều kiện cho quá trình văn hóa và thương mại này ngày càng phát triển. Du lịch ngày càng rẻ và dễ dàng hơn. Ngày càng nhiều gia đình trung lưu tìm đến bờ biển. Các thủy thủ đã từng dùng cụm từ “trên bãi biển” để chỉ tình trạng nghèo đói và bất lực, bị mắc kẹt hoặc bỏ lại phía sau. Bây giờ, cụm từ này lại truyền đạt sức khỏe và niềm vui. Thuật ngữ “kỳ nghỉ,” từng được sử dụng để mô tả tình trạng nghỉ việc bất đắc dĩ, bây giờ thì dùng để chỉ thời điểm nghỉ ngơi mà mọi người mong muốn.
John K. Walton, một sử gia tại Đại học Basque Country ở Tây Ban Nha, và là tác giả của “Bờ biển nước Anh: Ngày lễ và khu nghỉ mát trong thế kỷ 20” viết rằng người Anh đã mang du lịch hiện đại đến với thế giới, “dù hậu quả ra sao.” Giống như “ngành công nghiệp nhà máy, năng lượng hơi nước, phương tiện vận tải hiện đại và các sáng kiến khác của Cách mạng công nghiệp,” các khu nghỉ mát bên bờ biển cũng chỉ là một sản phẩm xuất khẩu khác của Anh – một loại hàng hóa đặc biệt bắt nguồn từ các thị trấn ven biển Scarborough, Margate và Brighton. Trong suốt những năm 1800, sản phẩm này đã tìm đường len lỏi từ châu Âu đến Normandy, tây nam Pháp, Ý, vài khu vực thuộc Scandinavia và miền bắc nước Đức, mang theo đó là sự sùng bái về sức khỏe và sự giao thiệp với xã hội. Trong “Buddenbrooks,” tác phẩm huyền thoại của Thomas Mann, các cuộc tụ họp bên bờ biển Baltic của gia đình và bạn bè là điều đương nhiên, giống như sự tồn tại của những tảng đá trên bờ. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại: Chính những sự biến đổi không ngừng đã tạo ra bãi biển thế kỷ 19 cho xã hội châu Âu. Trên bờ biển Baltic, Adriatic, và sau đó là Địa Trung Hải và Đại Tây Dương; sự xuất hiện của con người hiện đại lại làm thay đổi phong cảnh tự nhiên, định hình lại các thị trấn cũ, và tạo ra những thị trấn mới. “Sandition,” cuốn tiểu thuyết cuối cùng, còn dang dở của Jane Austen, châm biếm những thị trấn bãi biển “hợp thời trang” với bờ biển tuyệt vời – kết quả của sự biến dạng tư bản, và là điểm kết thúc của đời sống bình thường trong một cộng đồng ngư dân truyền thống.
John Gillis, giáo sư danh dự của ngành lịch sử tại Đại học Rutgers và là tác giả của “The Human Shore: Seacoasts in History,” nói: “Quá trình này diễn ra theo từng giai đoạn. Bờ biển ban đầu chỉ là là nơi cung cấp thức ăn, và là điểm bắt đầu và kết thúc các cuộc hành trình. Sau đó, nó trở thành địa điểm vui chơi giải trí. Còn ngày nay, ta có đảo Coney và khu vực dành cho những môn thể thao, ví dụ như lướt sóng.” Vấn đề của tất cả điều này, Gillis giải thích: “mọi người cho rằng bãi biển không phải điểm đến nhân tạo. Nó đã bị biến tính ngay cả khi nó được xây dựng lại để trở thành một biểu tượng tự nhiên.” Ở châu Âu, người ta nhìn nhận bãi biển như một lối thoát hoặc một nơi nghỉ ngơi; trốn tránh khỏi không gian hiện đại. Biển cả hiện ra từ hư không, tách biệt hoàn toàn với hoạt động của con người. “Không có gì vĩ đại hơn biển cả,” Walter Benjamin viết vào năm 1930, nhấn mạnh sự tồn tại mãi mãi của biển. Sự hấp dẫn của biển nằm ở chỗ nó không có lịch sử và địa điểm cụ thể. Jean-Didier Urbain, giáo sư xã hội học tại Đại học Paris-Descartes và là một chuyên gia về văn hóa du lịch giải thích: “Không giống như miền quê, bãi biển thường được coi là nơi bắt đầu thay vì điểm kết thúc. Nó là một khởi đầu mới, một khoảng trống về ý nghĩa, một sự trừu tượng.” Những ý nghĩa hiện đại này đã tước đi giá trị nội tại của bờ biển, Gillis nói. Điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.
Hai năm trước, Gillis đã làm sáng tỏ một cuộc khủng hoảng toàn cầu bằng một bài viết trên tờ New York Times. Trái ngược với ảo tưởng về sự vô tận và vĩnh cửu của người hiện đại, “75 đến 90% bãi cát tự nhiên trên thế giới đang biến mất,” ông lưu ý, “một phần do mực nước biển dâng cao và sự gia tăng các cơn bão, nhưng chủ yếu xói mòn xảy ra do hành động của con người ở bãi biển.” Gillis cho rằng các hành động diễn ra trên bờ biển dẫn đến nhiều thảm họa sinh thái: chính phủ nhập khẩu cát từ nước ngoài để đáp ứng kỳ vọng của khách du lịch và đổ những xe tải đầy cát lên bờ biển cằn cỗi phía Đông Hoa Kỳ. Ngày nay, một nửa dân số thế giới nằm cách đại dương khoảng 60km (37 dặm). Gillis nói rằng, dân số ven biển đã tăng lên 30% trong 30 năm qua, và số liệu dự kiến sẽ tăng cao trong thập niên tới. Bất động sản ven biển là một trong những tài sản giá trị nhất trên thế giới, và mặc dù bờ biển đã trở thành nơi sinh sống hấp dẫn, môi trường ven bờ lại đang gặp nguy hiểm. “Hằng năm các chính phủ trên khắp thế giới chi tiêu hàng tỉ đô la,” Gillis nói, “cố gắng ‘sửa chữa’ bờ biển để làm chúng phù hợp với những đường vẽ trên cát.” Tình trạng nguy hiểm của những bãi biển trên thế giới không chỉ là vấn đề sinh thái mà còn là một vấn đề văn hóa. “Bãi biển cần phải trở lại là địa điểm tự nhiên,” Gillis tuyên bố.
Tình trạng nguy hiểm của những bãi biển trên thế giới không chỉ là vấn đề sinh thái mà còn là một vấn đề văn hóa.
Gillis và các học giả khác đang cố gắng tái hiện lịch sử của bờ biển. Họ đang tìm cách chống lại tưởng tượng về vùng đất vĩnh cửu, trống rỗng mà người ta thường có về bờ biển. Lịch sử đã luôn là bản ghi chép về những hiện tượng diễn ra trên cạn, được xây dựng dựa trên lợi ích của các quốc gia mới, nhưng phần lớn nghiên cứu tập trung vào tầm quan trọng của biển đối với xã hội hiện đại. Gillis nhận xét, sự phát triển của lịch sử hàng hải, là một phần của sự chuyển dịch học thuật lớn hơn từ đất liền ra biển. Các nhà nhân học bắt đầu công việc của mình trên các hòn đảo, nhưng giờ đã chuyển sang nghiên cứu vùng nước giữa chúng. Các nhà địa lý và khảo cổ học đã di chuyển ra biển để nghiên cứu sự tương tác của con người với các đại dương. Steve Mentz, một giáo sư tiếng Anh tại Đại học St. Johns ở New York và là tác giả của “Sự sụp đổ của Tính hiện đại: Sinh thái toàn cầu hóa, 1550-1719,” đề cập đến “nhân loại xanh” để mô tả tiến triển này. Trước kia, nguồn nước của thế giới thuộc về phạm vi nghiên cứu của các nhà khoa học, giờ đã được công nhận về ý nghĩa văn hóa và xã hội.
Tuy nhiên, như Rachel Carson đã viết trong “Biển cả quanh ta,” một cuốn sách về lịch sử tự nhiên đầy trữ tình của các đại dương trên thế giới: bãi biển không hoàn toàn giống như biển cả. Carson cho rằng: “Ranh giới giữa biển và đất liền là lằn ranh mơ hồ.” Sự khó nắm bắt này giúp giải thích tại sao bãi biển, cho đến gần đây, không có lịch sử, mặc dù nó là một hiện tượng toàn cầu. Người châu Âu thế kỷ 19 đã đi tìm kiếm những bờ biển hoang sơ trong đế chế thuộc địa của họ. Khu nghỉ mát bãi biển nhân rộng dọc theo bờ biển Bắc và Nam Mĩ trong suốt thế kỷ 20. Thực sự thì mỗi đụn cát đều có lịch sử riêng, một bối cảnh chính trị và xã hội với động lực riêng về giới tính, chủng tộc và giai cấp. Nó góp phần vào sự nổi lên của một “ngoại vi niềm vui” toàn cầu, nơi vượt ra ngoài ranh giới của cuộc sống hằng ngày dành riêng cho việc theo đuổi sức khỏe và giải trí. Trên bãi biển, Rachel Carson thấy “lịch sử của trái đất” trong “từng hạt cát.” Lời nói của cô là một lời nhắc nhở rằng bãi biển có một lịch sử; một lịch sử có thể sớm biến mất.