02/02/2019
Có vô vàn vấn đề cần được giải đáp trong kinh tế học, nhưng tất cả chúng đều xoay quanh một thuật ngữ: giá trị. Người ta bàn về tự do thương mại, bởi họ mong muốn gia tăng giá trị nền kinh tế đất nước; người ta bàn về cuộc cách mạng công nghiệp, bởi chúng sẽ tạo ra sự gia tăng đột biến về giá trị sản xuất; và thậm chí đối với sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu, người ta chú ý chúng bởi giá trị hiệu dụng của Trái Đất trong tương lai đang bị những hành vi hôm nay hủy hoại.
Vậy thì, cái gì tạo ra giá trị? Hay chuyển sang một phiên bản khác của câu hỏi này trong kinh tế học: thứ gì làm cho vô vàn hàng hóa và dịch vụ có giá cả khác nhau?
Các nhà kinh tế học đời đầu như Adam Smith, David Ricardo, và Karl Marx đều thống nhất rằng chi phí sản xuất sẽ quyết định giá trị. Nếu một mặt hàng tốn nhiều chi phí hơn để sản xuất, giá cả của nó phải cao hơn. Chi phí sản xuất ở đây được quy về tiền lương cho công nhân, cả trực tiếp lẫn gián tiếp – trong trường hợp sử dụng máy móc, thì doanh nghiệp vẫn phải trả tiền cho những người tạo ra máy móc đó, và tất nhiên là cả cho những người vận hành máy móc. Học thuyết này được gọi là “thuyết giá trị lao động,” để phân biệt với “thuyết giá trị đất đai” của các nhà trọng nông người Pháp,1 những người cho rằng đất đai là nguồn quyết định giá trị tối thượng.
Nhân công tạo ra giá trị, nhưng mức lương – cách đánh giá giá trị của nhân công – lại không tuân theo lý thuyết trên. Cái giá hợp lý của sức lao động được xác định như thế nào? Các nhà kinh tế học cổ điển có cái nhìn khá ảm đạm về việc này. Họ cho rằng mức lương nên dao động quanh một mức “vừa đủ,” chỉ đủ để trang trải thức ăn, áo quần, nhà ở, và chăm sóc gia đình. Nếu lương tăng quá cao sẽ làm cho dân số tăng cao, bởi bố mẹ có thể nuôi nhiều con hơn, và lực lượng lao động cũng tăng quá thể. Khi đó, theo mô hình cân bằng cung – cầu, các doanh nghiệp sẽ giảm mức lương tuyển dụng do lượng cung lao động nhiều hơn họ cần thiết. Kết quả là, mức lương sẽ lại hạ về mức “tự nhiên” của chúng. Thomas Malthus nhấn mạnh điều này trong tác phẩm Một bài luận về Đại cương Dân số (An Essay on the Principle of Population) vào năm 1798 rằng loài người sẽ tận dụng tiến bộ công nghệ để tập trung gia tăng dân số, chứ không phải là nâng cao mức sống, và sau cùng, sẽ dẫn tới kết quả là nạn đói hủy diệt với sự thiếu hụt lương thực trầm trọng. Tư tưởng này có ảnh hưởng rất lớn và sau này được đặt tên theo ông là “bẫy Malthus.” Luồng tư tưởng tiêu cực này cũng dẫn tới việc kinh tế học bị đặt cho cái tên “môn khoa học ảm đạm” bởi Thomas Carlyle.
Marx, nhà kinh tế học có ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỉ XX, cũng ủng hộ thuyết giá trị lao động. Ông cũng đứng về phía những người cho rằng mức lương nên bị kìm hãm. Nhưng học thuyết của ông lại cho rằng thủ phạm gây ra sự kìm hãm mức lương này là những nhà tư bản bóc lột nhân công thông qua các luật lệ hà khắc và đe dọa họ rằng có một lực lượng những người thất nghiệp ngoài kia sẵn sàng thay thế. Marx cho rằng một sản phẩm được tạo thành từ vốn và lao động, và ông đặt ra một câu hỏi rất tự nhiên: nếu một sản phẩm được bán với giá trị bằng với tổng giá trị đóng góp của vốn và người lao động, thì lợi nhuận của các nhà tư bản từ đâu mà có? Một cách hiển nhiên, Marx cho rằng các nhà tư bản, với ưu thế về quyền lực và tài nguyên sản xuất, đã chiếm hữu một phần giá trị vốn thuộc về người lao động. Ông nói rằng, giá trị vốn được tạo ra trong quá trình sản xuất, nhưng đối với các nhà tư bản, họ coi giá trị là sự chênh lệch đồng tiền họ nhận được khi đầu tư và bán ra sản phẩm, và như vậy, các nhà tư bản chỉ đang tham gia lưu chuyển đồng tiền mà không hề sản xuất, vốn là nguồn gốc giá trị.
Thuyết giá trị lao động cho rằng phương diện sản xuất quyết định giá trị và hầu như không đề cập tới người tiêu dùng. Nhưng không phải phía nhu cầu cũng đóng một vai trò then chốt sao? Giá cả không thay đổi dựa trên sở thích của người tiêu dùng sao? Cùng là cà phê, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra mua những cốc Starbucks đắt đỏ trong khi cũng có thể vào một quán ven đường và gọi một cốc với giá chỉ bằng một phần tư. Tại sao người ta có thể bỏ tiền ra mua một đôi giày Nike trị giá bằng năm đôi giày khác mà chất liệu không quá chênh lệch?
Vai trò của cả hai phía cung và cầu trong việc xác định giá trị chỉ được bắt đầu với “cuộc cách mạng cận biên” vào cuối thế kỉ XIX. Các nhà kinh tế cận biên đã cho ra đời một cách nhìn thấu triệt về lý thuyết giá trị hiện đại, đó là việc giá trị được xác định tại biên. Lấy ví dụ, thứ quyết định giá trị của một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S9 không phải là chi phí sản xuất ra nó, mà cũng không phải là mức trung bình trong định giá của người tiêu dùng đối với nó. Thứ giữ vai trò quyết định là chi phí và định giá của chiếc điện thoại Samsung Galaxy S9 sau cùng. Ở trạng thái cân bằng thị trường, chi phí sản xuất và định giá người tiêu dùng đối với đơn vị hàng hóa sau cùng (đơn vị biên) là bằng nhau và bằng giá thị trường. Nếu một sự chênh lệch diễn ra, thị trường sẽ không đạt trạng thái cân bằng và sẽ có các cơ chế điều chỉnh để đưa giá trị về trị số đúng. Nếu giá thị trường của chiếc S9 vượt quá định giá người tiêu dùng, lượng điện thoại tiêu thụ sẽ giảm do số lượng người có thể chi trả giảm đi. Tương tự như vậy, khi giá thị trường vượt quá chi phí sản xuất đơn vị biên — chiếc S9 sau cùng, Samsung sẽ mở rộng sản xuất để thu lợi nhiều hơn, nhưng lại đưa tới việc người tiêu dùng không tiêu thụ hết lượng điện thoại có trên thị trường. Trường hợp ngược lại cũng diễn biến tương tự.
Ở hình trên, thị trường đang đạt trạng thái cân bằng E ở mức giá P với và số lượng sản phẩm Q. E là giao điểm của đường D biểu diễn mức giá và số lượng mua của người tiêu dùng với đường S biểu diễn mức giá và số lượng sản xuất của người bán. Khi có một tác động làm giá thay đổi, ví dụ như giá giảm từ P còn P1, người mua sẽ mua nhiều hơn (từ Q lên Q1) và ta có điểm cân bằng mới E1.
Các nhà kinh tế cận biên lập luận rằng đường cong cung và cầu không biểu diễn gì hơn ngoài chi phí cận biên và định giá cận biên lần lượt được quyết định bởi nhà sản xuất và người tiêu dùng: một bên ra giá mà họ muốn bán, bên kia đưa ra giá tiền mà họ có thể trả. Giá cả thị trường là giao điểm của hai đường này. Suy cho cùng, thứ quyết định giá trị thị trường không đến từ một trong hai phía nhà sản xuất hay người tiêu dùng, mà là một sự đồng thuận của cả hai.
Cách tiếp cận này cũng có thể được áp dụng đối với chi phí sản xuất và giá trị của sức lao động. Thu nhập của nhân công (tiền lương) được xác định bởi năng suất biên của họ — lượng sản phẩm được sản xuất thêm khi sử dụng thêm một đơn vị nhân công. Tương tự, thu nhập của nhà tư bản (tiền cho thuê) được xác định bởi sản phẩm biên của tư bản — lượng sản phẩm được sản xuất thêm khi sử dụng thêm một đơn vị công cụ sản xuất (máy móc, thiết bị, v.v.). Nói cách khác, thu nhập của cả hai bên được xác định bởi giá trị gia tăng mà đơn vị biên cộng thêm vào đầu ra của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, một nhà máy sản xuất thịt hộp có chi phí đầu vào là 150 triệu đồng, và thu lợi 450 triệu đồng, tức là gấp 3 lần chi phí. Trong chi phí đầu vào, phần vốn có giá trị 50 triệu, 100 triệu còn lại được chia vào nhiều bộ phận nhân lực: 10 triệu cho bộ phận sản xuất, 40 triệu cho bộ phận tiếp thị, 20 triệu cho bộ phận kế toán và 30 triệu cho bộ phận nhân sự. Sau đó, tỉ lệ phân bố giá trị thu lại được của chiếc áo cũng chính là tỉ lệ sinh lợi của mỗi bộ phận, chẳng hạn như bỏ ra 40 triệu cho bộ phận tiếp thị sẽ thu vào được 3 lần chi phí đó, hay 120 triệu đồng. Tương tự, khoản chi phí 30 triệu cho bộ phận kế toán sẽ thu lại 90 triệu.
Bây giờ, hãy giả sử rằng nếu chúng ta gia tăng lượng đầu vào theo một tỉ lệ nhất định thì đầu ra cũng sẽ tăng tương ứng, tức là nếu đầu tư chi phí gấp đôi — 300 triệu đồng cho tất cả các thành phần với cùng tỉ lệ — thì sẽ thu lại được 900 triệu đồng. Nếu ta chỉ đầu tư thêm vào khâu tiếp thị, từ 40 triệu lên 80 triệu, theo giả sử về tỉ lệ ở trên, ta sẽ thu lại được 240 triệu, tức là tăng thêm 120 triệu đồng. Trong khi đó, nếu tăng đầu tư vào bộ phận kế toán từ 30 triệu lên 60 triệu, ta sẽ thu về 180 triệu đồng, chỉ tăng thêm 90 triệu. Như vậy, mức gia tăng giá trị tương tương ứng từng bộ phận sẽ khác nhau. Mỗi mức gia tăng khác nhau sẽ tương ứng với mức thu nhập khác nhau của từng bộ phận, hay nói cách khác, là cách phân bổ giá trị.
Khi giả định như vậy, phép tính này đảm bảo rằng việc trả lương cho lao động, vốn, và các yếu tố đầu vào khác khiến năng suất cận biên được phân bổ đầy đủ trong thu nhập được tạo ra trong quá trình sản xuất có sự tham gia của tất cả các yếu tố đầu vào. Nói cách khác, chúng ta đã có thêm lý thuyết phân phối – ai nhận được cái gì – ngoài lý thuyết giá trị.
Thứ quyết định giá trị thị trường không đến từ một trong hai phía nhà sản xuất hay người tiêu dùng, mà là một sự đồng thuận của cả hai
Lý thuyết này cũng cho chúng ta biết thu nhập quốc gia được phân phối giữa người lao động và tư bản như thế nào. Nếu đào sâu vào việc phân chia các loại hình lao động, chúng ta có thể biết được sự phân phối thu nhập theo các vùng nhân lực với các kĩ năng hoặc với trình độ học vấn khác nhau: những người bỏ học trung học, tốt nghiệp trung học, và tốt nghiệp đại học. Điều này được gọi là phân phối thu nhập theo chức năng. Khi kết hợp với thông tin về lượng tài sản mà mọi người sở hữu, nó cho biết sự phân phối thu nhập giữa các cá nhân và hộ gia đình – phân phối thu nhập tư nhân.
Trở lại với vấn đề của tiền lương, liệu thuyết năng suất cận biên có phản ánh đúng hành vi trả lương cho người lao động hay không? Sự khác biệt về mức lương ở các quốc gia chủ yếu đến từ chênh lệch về năng suất lao động. Trên thực tế, chúng ta không thể tính toán năng suất lao động biên một cách trực tiếp, bởi các yếu tố cấu thành nó thay đổi liên tục và quá phức tạp; thay vào đó, ta chỉ có thể tính toán năng suất trung bình bằng cách lấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chia cho số lượng lao động. Nhưng miễn là mối quan hệ giữa giá trị trung bình và cận biên không quá sai biệt, thì mối liên kết chặt chẽ giữa mức lương và năng suất lao động trung bình vẫn còn hiệu lực. Đây không phải là một vấn đề hời hợt, nó cho phép ta kết luận rằng mức lương ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với ở Singapore bởi năng suất lao động của ta kém quá nhiều – chứ không phải do sự bóc lột nhân công hay do chế tài nào khác.
Trong một diễn biến khác, Dani Rodrick, nhà kinh tế thuộc đại học Harvard, đã chỉ ra rằng mức lương trung bình của Hoa Kì chỉ tăng 1% mỗi năm trong giai đoạn 2000 – 2011, so với mức tăng 1,9% của năng suất lao động. Ông lập luận rằng sự chênh lệch này là do các loại hàng hóa mà nhân công ở Hoa Kì cần mua tăng giá nhanh hơn so với mức tăng giá của những mặt hàng mà họ sản xuất được. Tuy vậy, ông cũng cho biết rằng hiệu ứng giá cả đó chỉ giải thích được một phần tư mức chênh lệch này, ba phần tư còn lại vẫn còn là ẩn số.
Đã có nhiều nghiên cứu và lý thuyết khác lý giải cho sự phân bố thu nhập. Trong đó, một số nhấn mạnh tới sự thương lượng giữa quản lý và lao động: công đoàn và các điều khoản thương lượng sẽ phân phối lợi nhuận trong công ty. Mức lương của các cá nhân có thu nhập cao như các CEO có thể được quyết định theo cách này. Nghiên cứu của hai giáo sư David B. Lipsk và John E. Drotning thuộc Đại học Cornell chỉ ra rằng sự thương lượng tập thể đã giúp cải thiện mức lương của giáo viên một cách đáng kể ở các quận thuộc bang New York, cụ thể là tăng 15% trong giai đoạn 1967-1968. Vài công trình khác nhấn mạnh vai trò của các quy tắc ngầm ở nơi làm việc — mặc định rằng sự chênh lệch lớn giữa thu nhập của các CEO và nhân viên văn thư là hiển nhiên. Điều này tương phản với các mô hình xã hội theo chủ nghĩa bình quân ở thập niên 50-60, là các mô hình chủ trương chia đều lợi nhuận cho mọi người và thu hẹp tối đa sự bất bình đẳng về thu nhập. Nhiều nhà kinh tế học thừa nhận rằng công nhân ở Hoa Kì và châu Âu hưởng lợi nhiều hơn từ các mô hình đó.
Một số mô hình khác cho rằng động cơ tối đa hóa lợi nhuận đã thúc đẩy các doanh nghiệp trả công nhiều hơn so với mức lương thị trường, nhưng lại không vi phạm thuyết cận biên. Ví dụ, khi mức lương nội bộ cao hơn mức lương “tự nhiên” của thị trường, các nhà quản lý có thể dùng điều này để động viên công nhân hoặc giảm thiểu mức độ nghỉ việc – qua đó giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo. Các mô hình mới mẻ này vượt ra khung lập luận thông thường và nhắc nhở chúng ta rằng các bối cảnh khác nhau sẽ ứng với các mô hình khác nhau.
Các lý thuyết giá trị và phân phối trên thật sự hữu ích khi cung cấp câu trả lời cho hai câu hỏi lớn: cái gì tạo ra giá trị, và cái gì quyết định việc ai được gì? Chúng ta biết được cách sản xuất, tiêu dùng, và giá cả cùng nhau quyết định giá trị theo một hệ thống. Và chúng ta có một cách nhìn khá chính xác về phân phối thu nhập theo chức năng. Tuy vậy, các lý thuyết này được xây dựng dựa trên các thuật ngữ trừu tượng – tiện ích biên, chi phí biên, sản phẩm biên – không thể quan sát được. Chúng cần nhiều giả định và các cấu trúc chính xác rồi mới có thể được áp dụng. Các nghiên cứu sau này chỉ ra rằng những lý thuyết trên còn xa mới đạt tới tính phổ quát; thay vào đó, chúng chỉ đúng với một vài bối cảnh cụ thể. Trong thực tế, thị trường có thể đang bị chi phối bởi một vài nhà sản xuất, thay vì đạt tới trạng thái cạnh tranh hoàn hảo. Chi phí sản xuất có thể giảm theo quy mô kinh tế (economies of scale), chứ không phải là tăng theo số lượng sản xuất. Các doanh nghiệp cũng có tiềm lực và khả năng khác nhau về quản lý, công nghệ, và nguồn vốn. Người tiêu dùng có thể hành xử khác xa với lối suy nghĩ logic thông thường. Sở thích người tiêu dùng cũng không ổn định mà thay đổi theo chuyển động của thế giới bên ngoài. Những điều trên còn là các vấn đề lớn mà các lý thuyết về giá trị và phân phối trên chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Lao động tạo ra của cải, và của cải mang lại giá trị cho người lao động. Các lý thuyết kinh tế giúp giải đáp được nguồn gốc của tiền lương và tại sao chúng lại được phân bố không đồng đều như thế giới hiện nay. Tuy vậy, cần phải xem xét hoàn cảnh cụ thể trước khi áp dụng những lý thuyết này vào việc phân tích tiền lương, bởi còn nhiều yếu tố bất định có thể dẫn tới những kết quả không ngờ tới.
Trường phái trọng nông là một trường phái kinh tế học được thành lập vào thế kỉ XVIII ở Pháp và được cho là trường phái khoa học kinh tế đầu tiên. Những người theo trường phái này cho rằng đất đai xuất hiện trước loài người và bất cứ công cụ nào, nên giá trị của mỗi sự vật phải được xem xét bởi đất đai. Giá trị của hàng hóa được quyết định bởi lượng đất cần thiết để tạo ra nó, và nhân lực cũng chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm của đất đai. Đất đai tạo ra lương thực, thực phẩm, và chúng lại góp phần tạo ra nguồn nhân lực. Họ lấy ví dụ rằng nếu chúng ta đi cắt tóc thì về bản chất, chúng ta đang phải trả tiền cho lượng sản phẩm tương ứng của đất đai.↩