Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Kim Tingley | Nguồn: The New York Times
Biên dịch: Nhi | Hiệu đính:  Ninh
20/04/2019

Hàng nghìn năm nay, các thủy thủ ở Quần đảo Marshall vẫn tung hoành trên biển khơi mênh mông mà chẳng cần đến la bàn hay GPS. Liệu khoa học có thể giải mã bí ẩn này kịp thời trước khi nó biến mất mãi mãi? Bài dịch Tìm đường giữa sóng được chia làm hai phần: Phần 1 nói về việc não bộ của chúng ta tìm đường như thế nào; Phần 2 là quá trình tìm kiếm "con đường bí mật trên biển" mà các hoa tiêu sóng Marshall vẫn đi theo, nhưng vẫn luôn là một ẩn số đối với khoa học.

Nhà nhân chủng học Genz bỏ ngón cái ra khỏi nút bấm thu âm của bộ đàm và chờ đợi câu trả lời từ phía người lái thuyền Kelen. Ông thấy bóng John Huth, một nhà vật lý học Harvard và thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế đã khám phá ra hạt Higgs, đang nôn mửa không ngớt trên boong tàu. Lần cuối cùng Genz kiểm tra tình hình trên tàu, ông tìm thấy nhà hải dương học Gerbrant van Vledder thuộc Đại học Delft của Hà Lan, một trong những tổ chức nghiên cứu mô hình sóng hàng đầu thế giới, đang ủ rũ trốn vào một xó đằng sau khoang bếp bỏ hoang, nơi một cây bắp cải lăn lóc và đập vào thành bồn rửa. Như thể tất cả sự nôn nao này vẫn chưa đủ, một con ó biển, hình như quên mất là chân nó có màng, đâm sầm xuống boong tàu và chắn hết lối đi vào buồng vệ sinh. Đôi lúc Genz có cảm tưởng rằng điều duy nhất mà ông học được từ cả một thập kỷ nghiên cứu điều hướng sóng là ông sẽ không bao giờ dự đoán được điều tồi tệ nào sẽ xảy ra tiếp theo.

Genz gặp thủy thủ Alson Kelen và thuyền trưởng Korent Joel ở Majuro vào năm 2005 khi ông mới 28 tuổi. Là một chàng trai ăn nói nhẹ nhàng, mặt lốm đốm tàn nhang đến từ bang Wisconsin, đã lớn lên với những buổi chèo thuyền cùng cha, và đã từng làm tình nguyện viên cho Đoàn Hòa bình (Peace Corps), Genz lúc đó đang theo đuổi bằng tiến sĩ nhân loại học tại Đại học Hawaii. Giáo sư hướng dẫn của ông khi đó là nhà nhân loại học Ben Finney, người đã giúp hướng dẫn hải trình của thuyền Hokulea — một bản sao chiếc thuyền của người Polynesia — đi từ Hawaii đến Tahiti và vòng lại vào năm 1976. Đó là một chuyến đi không dùng đến bất kỳ dụng cụ điều hướng hiện đại nào, nhằm chứng minh tính hiệu quả của thuyền biển và phương pháp điều hướng bản địa; và thành công của nó đã thổi bùng sự hồi sinh của ngôn ngữ, âm nhạc, điệu nhảy hula và đồ thủ công Hawaii. Joel và Kelen mơ về sự hồi sinh tương tự với nghệ thuật đi biển của người Marshall — họ cho rằng đây cách duy nhất để phương pháp điều hướng sóng có thể tiếp tục tồn tại — và tìm cách liên hệ với giáo sư Finney để được hướng dẫn. Nhưng vì Finney đã sắp nghỉ hưu nên ông đề nghị Genz đi thay. Được sự chấp thuận của tù trưởng, Joel và Kelen cho phép Genz là người hiếm hoi tiếp cận bí mật này, với một điều kiện: Genz sẽ không được tự mình học cách điều hướng sóng mà chỉ đơn giản ghi lại quá trình đào tạo của Kelen.

Ngay lập tức, Joel đề nghị Genz đưa các nhà khoa học đến Quần đảo Marshall để giúp ông hiểu được các cơ chế của sóng mà ông mới chỉ biết qua cảm nhận đơn thuần — đặc biệt là di lep, còn gọi là xương sống, nền tảng của kỹ thuật điều hướng bằng sóng và chạy giữa các đảo san hô vòng như một con đường (theo như truyền thuyết ri-meto). Ông nội của Joel đã dạy ông cách cảm nhận một di lep tại rạn san hô Rongelap: Trong khi ông nằm ngửa trên một chiếc xuồng với hai mắt bịt kín, ông nội sẽ điều khiển chiếc xuồng đi xung quanh rạn san hô, để ông tự trải nghiệm sự biến đổi trong các chuyển động của sóng.

Nhưng khi Joel đưa Genz ra ngoài khơi Thái Bình Dương trên một chiếc thuyền buồm mượn được và nói rằng họ đang lướt trên một di lep, Genz không thể cảm nhận được nó. Kelen cũng đưa ra phản hồi tương tự. Khi các nhà hải dương học từ Đại học Hawaii đến đây để tìm kiếm dấu vết tồn tại của di lep, các thiết bị dò tìm của họ đã thất bại. Ý tưởng về một con đường sóng chạy giữa các hòn đảo thật quá khó hiểu, họ bảo với Genz.

Bản thân Genz bắt đầu lo lắng rằng di lep đó chỉ là tưởng tượng, và điều hướng sóng đã tuyệt chủng mất rồi. Nhưng rồi trên một chuyến đi nghiên cứu năm 2006, khi Korent Joel xuống boong tàu để chợp mắt một lúc, Genz đã thay đổi hướng đi của con thuyền. Đến khi Joel tỉnh dậy, Genz không cho ông động vào thiết bị GPS, và họ cùng thở phào nhẹ nhõm khi Joel tự điều khiển con thuyền vào bờ. Sau đó, Joel cũng vượt qua bài kiểm tra được tù trưởng đánh giá để trở thành một ri-meto, với đoàn thuyền viên gồm có Genz và Kelen.

Liệu có một con đường sóng nối giữa các đảo ở Marshall? Ảnh: Wikipedia.

Ở một nơi cách đó rất xa, nhà vật lý Huth, vốn là một người sẵn tính lo lắng, đã tin chắc rằng việc bảo tồn khả năng tìm đường không phụ thuộc vào công nghệ của con người chẳng những là một thực hành tinh thần trừu tượng mà còn là một vấn đề sống còn. Vào năm 2003, trong lúc ông chèo thuyền kayak một mình tại eo biển Nantucket Sound, sương mù đột ngột giăng xuống; nhưng Huth — trong tư thế căng thẳng, hơi trẻ con và có khả năng ghi nhớ mọi thứ như chụp ảnh — đã tìm được đường trở về nhà dựa vào các điểm mốc, hướng gió và hướng di chuyển của sóng cồn. Sau đó, ông được biết có hai sinh viên trẻ cũng chèo thuyền trong màn sương ngày hôm đó bị mất phương hướng và chết đuối. Điều đó thôi thúc ông mở một lớp học dạy về các kỹ thuật điều hướng nguyên thủy. Tại một hội nghị học thuật năm 2012, khi Huth gặp Genz và mô tả lại phương pháp ông sử dụng để tìm kiếm hạt Higgs và năng lượng tối — trừ bỏ đi các tín hiệu sóng trội từ một trường cho đến khi có tín hiệu mờ nhạt hơn xuất hiện bên dưới — Genz kể cho ông nghe về di lep, và điều đó đã thu hút trí tưởng tượng của Huth. Nếu như di lep có thật, và nếu như nó thực sự chạy qua lại giữa các hòn đảo, cơ chế hoạt động của nó hoàn toàn chưa được giới vật lý biết đến và sẽ phải cần đến một siêu máy tính để mô hình hóa. Việc một con người có thể cảm nhận được nó bằng cơ thể giữa những âm thanh lộn xộn khác từ đại dương thật đáng kinh ngạc.

Huth bắt tay vào việc tạo ra các mô phỏng có khả năng của di lep trong thời gian rảnh và nhờ cậy đến sự giúp đỡ của nhà hải dương học van Vledder. Ban đầu, chi tiết khó hiểu nhất trong lời mô phỏng của Genz từ miêu tả của Joel là khẳng định rằng di lep kết nối mỗi đảo và đảo san hô vòng với cả 33 đảo còn lại. Như vậy phải có tới 561 tuyến đường — một con số quá lớn để ghi nhớ nổi, ngay cả với hoa tiêu sóng dày dạn kinh nghiệm nhất. Hầu hết những gì chúng ta biết về sóng và dòng hải lưu — bao gồm những gì sẽ xảy đến với các bờ biển khi biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng cao (một vấn đề đặc biệt quan trọng với những vùng thấp như Hà Lan và Quần đảo Marshall) — đến từ các mô hình sử dụng dữ liệu từ gió toàn cầu và phép đo sâu1 để mô phỏng hình dạng sóng tại mỗi thời gian và địa điểm nhất định. Nhưng chúng ta biết quá ít về cơ chế của sóng, chính là nền tảng của các mô hình nói trên. Để cải thiện các mô hình này, các chuyên gia phải liên tục kiểm tra giả định của họ bằng việc đo lường và quan sát. Có lẽ, Huth và van Vledder nghĩ, đại dương nào cũng có những di lep, đó là những con đường vô hình không ai nhìn thấy vì cũng chẳng có ai biết để mà nhìn.

Việc bảo tồn khả năng tìm đường không phụ thuộc vào công nghệ của con người chẳng những là một thực hành tinh thần trừu tượng mà còn là một vấn đề sống còn.

Đầu năm ngoái, Genz và Kelen, với số kinh phí tài trợ trong tay, nhận thấy một cơ hội để chỉ cho Huth và van Vledder thấy di lep. Kelen là giám đốc của tổ chức Waan Aelon in Majel, còn gọi là Canoes of The Marshall Islands (tạm dịch: Tổ chức Thuyền buồm trên Quần đảo Marshall), một tổ chức phi lợi nhuận dạy chế tạo thuyền buồm bằng phương pháp truyền thống và vật liệu hiện đại. Nếu như tiến độ chế tác được đẩy nhanh, chiếc thuyền buồm đi biển đầu tiên được chế tạo tại Quần đảo Marshall trong hàng chục năm trở lại đây — mang tên Jitdam Kapeel, nôm na là “sẻ chia kiến thức” — có thể sẵn sàng lên đường vào mùa hè. Mục tiêu của Kelen là giúp các học viên chế tạo, vận hành và duy trì một đội tàu chuyên chở hàng hóa và hành khách giữa các đảo san hô vòng và đảo nhỏ mà không dùng đến nhiên liệu hóa thạch. Dẫu người ta dự đoán rằng Quần đảo Marshall sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên biến mất khi mực nước biển dâng cao, Kelen hình dung ra một thời đại phục hưng của môn đi thuyền buồm: đó là một phương thức để các học viên của ông gìn giữ di sản truyền thống, cũng như tạo ra các công việc không hủy diệt chính tương lai của họ.

Huth và van Vledder mua vé máy bay đến Majuro, còn Genz và Kelen sắp xếp lịch trình. Đến phút chót, chân của Joel bị nhiễm trùng, và Kelen đề nghị được thay thế ông điều khiển con thuyền. Các nhà khoa học ủng hộ ý tưởng này: Họ cho rằng việc trao đổi với Joel trước và sau chuyến đi cũng hữu ích gần bằng việc ông cùng đi trên tàu.

Ngay khi đến nơi, họ đến thăm ông tại nhà, nơi ông bị cố định trong buồng ngủ, và háo hức đưa cho ông xem các bản đồ và mô phỏng cùng một số thắc mắc chi tiết về đặc tính đa dạng của di lep. Mặc dù Joel đã hết lòng hối thúc cuộc điều tra khoa học này, lúc đó ông lại trả lời họ với vẻ miễn cưỡng. Ông hỏi Huth và van Vledder rằng giờ họ đã tin vào di lep hay chưa; vẫn chưa chắc chắn lắm, họ đáp lại. Cầm trên tay tấm bản đồ thô sơ mà Huth vẽ nháp ra từ các tần số sóng giữa đảo Majuro và đảo Aur, vị thuyền trưởng trỏ tay lên một vùng in đậm. “Di lep ở đây,” ông nói.

Chiều hôm sau, Kelen và đoàn thuyền viên gồm năm người dong buồm đến Aur. Một cơn gió nhẹ thổi qua hàng cọ, đẩy con thuyền Jitdam qua một đội tàu chở hàng đang neo đậu trong vụng biển và chìm sâu trong giấc ngủ. Chiếc xuồng máy Jebro nhảy sóng theo sau. Tại cửa biển nằm giữa hai hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương, ánh hoàng hôn phủ lên mặt nước lấp loáng. “Giờ ta sẽ tìm ra sự thật,” Huth thốt lên, giương cao ống kính lục phân lên trời. “Thời khắc của khám phá là đây!”

Một chiếc thuyền buồm kiểu truyền thống của người dân Marshall. Ảnh: Wikipedia.

Mười hai tiếng sau, Huth bị say sóng; ông gập người nôn qua tay vịn thành tàu, nơi mà trước đó ông đã tự cột mình vào bằng dây đai an toàn. “Nếu ai đó có bảo rằng di lep là một thứ dịu nhẹ, thì họ đã nhầm,” ông nói và đưa tay lên lau khóe miệng. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì ghi lại tọa độ GPS của con thuyền, tốc độ và hướng gió, cùng những quan sát theo giờ về sóng trong một cuốn sổ tay không thấm nước. Dữ liệu này sẽ cho phép ông lập bản đồ chi tiết về gió và sóng tại mỗi điểm tọa độ trong hành trình; sau đó, van Vledder có thể thêm vào dữ liệu gió thu thập từ vệ tinh và từ trạm đo sâu tương ứng, rồi sử dụng các chương trình đã viết tại Đại học Delft để tạo mô hình trên máy tính về các vùng biển họ đi qua.

Trong cabin, Genz một lần nữa nghe thấy tiếng của Kelen qua radio. Kelen có thể nhìn thấy ánh sáng từ ngọn đèn pha của tàu Jebro ở đằng sau, ông nói vậy, và ông ta nghĩ họ đang ở khoảng cách 10 dặm về phía Đông của Aur. Bởi vì họ đang tiếp cận rạn san hô với tốc độ quá nhanh, kế hoạch của ông là đi vượt quá nó, rồi tìm nó ở hướng Tây sau khi mặt trời mọc. Genz liếc qua thiết bị GPS gắn trên con tàu và nhận ra rằng suốt một thập kỷ qua, Kelen có lẽ đã học được nhiều hơn những gì ông ta thể hiện ra ngoài. Ông muốn hét lên chúc mừng.

“Đã rõ,” thay vào đó ông nói.

Bầu trời dần nhạt màu hơn, hiện ra một đàn chim biển đang bắt cá, và xa xa về phía trước, chiếc xuồng [Jitdam] xộc xệch nhưng nom vẫn còn nguyên vẹn đang vật lộn để đi ngược chiều gió. Sau khi được chiếc Jebro kéo đi một đoạn ngắn, nó tự cập vào bờ đảo Aur. Một bãi biển hoang vắng lọt vào tầm mắt của đoàn thuyền viên, rồi đến lũ trẻ đang chạy nhảy trên đó. “Tôi cảm giác mình giống y như một nhà thám hiểm vậy,” van Vledder nói. “Đến một vùng đất mới, và mọi người ùa ra đón chào.”

Hay tin từ radio, cả ngôi làng đã chờ sẵn trong một căn lều lợp lá cọ. Một người phụ nữ đeo lên cổ các thủy thủ và nhà khoa học những vòng hoa khi họ lần lượt bước vào. Một bàn dài được chuẩn bị với cơ man là tôm hùm, cá, quả bánh mì, chuối lá và cơm viên dừa. Tù trưởng của hòn đảo đứng lên phát biểu. Ông ta nói rằng lũ trẻ địa phương chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc thuyền buồm trong đời. Người trên đảo muốn lại có thể học được cách tạo ra những con thuyền như thế; họ mới chỉ có một chiếc xuồng máy, và một can xăng ở đây đắt hơn cả số tiền mà họ kiếm được mỗi tháng từ việc bán cá và đồ thủ công ở Majuro.


Hai buổi sáng sau đó, Kelen đứng trước ngôi trường xây bằng gạch không nung mà tù trưởng đã cho họ trú tạm ở Aur, ngước lên bầu trời u ám và lần nữa đắn đo — giống như lần đầu tiên gặp Genz — rằng ông nên tiết lộ bao nhiêu phần bí kíp của mình để nó không chết dần. Gần 50 tuổi và vừa mới lên chức ông, Kelen từng dành cả tuổi thơ ở trên đảo Bikini, tức đảo san hô vòng gần nhất với Rongelap, nơi diễn ra hàng loạt vụ thử bom nhiệt hạch và các vũ khí hạt nhân khác. Sau này, trong một chương trình kiểm tra độ ảnh hưởng của phóng xạ lên con người, các quan chức Mỹ thông báo với người dân đảo Bikini và Rongelap rằng hai hòn đảo này đã an toàn trở lại, thế nên họ quay trở về đó sống trong vài năm. Trong thời gian này, bố của Kelen đã dạy ông đi thuyền bằng một chiếc xuồng gia truyền được chính tay ông nội Kelen chế tạo. Khi Kelen lên 10, chính phủ Mỹ rốt cuộc cũng sơ tán người dân trên đảo đến Kili; đó là một hòn đảo không bóng người và rủi thay, bị bao bọc bởi những đợt sóng cồn quá sức dữ dội, khiến cho chiếc xuồng không dùng được và dần mục nát.

Cuối cùng, bố mẹ Kelen chuyển đến sinh sống ở Majuro, nơi cư trú của hơn một nửa trong số 50.000 công dân của đất nước này — một trung tâm đô thị so với những hòn đảo phía ngoài. Họ gửi Kelen, vốn là một học sinh xuất sắc, đến học tại một trường nội trú ở Honolulu. Tại đây, ông cùng với bạn bè đi xuống bến cảng để chiêm ngưỡng sự kiện thuyền Hokulea trở về từ New Zealand huyền thoại khi mới 19 tuổi. Chàng trai trẻ sau đó trở lại Majuro và cống hiến sức lực cho công cuộc bảo tồn những kỹ năng đang dần biến mất, như đan lát và chế tạo thuyền bè. Nhưng trong thâm tâm, ông vẫn cảm thấy sự mâu thuẫn tột độ đang len lỏi: để có được những nguồn lực bảo tồn văn hóa của ông, hay bất cứ văn hóa bản địa nào, ta luôn phải đánh đổi bằng việc cho phép một số người ngoài, cho dù là các học giả hay phóng viên, biến nó thành một món hàng. Tính bí mật và thực hành trong đào tạo là hai yếu tố không thể thiếu đối với truyền thống điều hướng sóng; chỉ việc giải thích hiện tượng di lep thôi cũng sẽ phá vỡ những yếu tố này, ngay cả khi lượng kiến thức đó được bất tử hóa trong sách báo và biết đâu sẽ truyền cảm hứng trở thành ri-meto cho các thế hệ trẻ ở Marshall.

Thủy triều dần rút xuống trong lúc các thủy thủ và nhà khoa học xắn tay vào xếp hành lý cho hành trình 70 dặm quay lại Majuro. Dân làng ca hát và cầu nguyện cho họ có được chuyến đi an toàn. Họ tổ chức một bữa tiệc khác và chất đầy lên xuồng các loại nhu yếu phẩm, được đặt trong các giỏ đan từ cây dứa dại, và các món đồ thủ công, bao gồm một chiếc xuồng đồ chơi được mô phỏng hoàn hảo, nhỏ và nhẹ như một chú chim. Cho đến thời điểm này, đoàn thuyền viên và chiếc xuồng chưa được kiểm tra, vậy nên Kelen tuyên bố rằng Jitdam vẫn chưa an toàn để đón khách. Tuy thế, thêm một người nữa cũng không có vấn đề gì, và thế là ông cho tôi lên thuyền.

‘‘Youp, youp,’’ Binton Daniel, kỹ sư giám sát quá trình thi công của Jitdam, hô lên, và tiếp đó cánh buồm được kéo căng. Các thủy thủ vẫy tay chào những người ở lại trên bãi biển. Họ vẫy lại. Dần dần, âm thanh của những đợt sóng cồn xô vào vành san hô của vụng biển ngày càng vang dội. Soạt một cái, phần đáy của chiếc xuồng va vào đỉnh của rạn san hô và trượt qua: chúng tôi đã ra đến vùng nước ngoài khơi.

Các thủy thủ Marshall tìm đường giữa sóng như thế nào? Video: Waan Aelõñ in Majel

Daniel từ tốn thả dây kéo buồm và kéo sào bật tung ra hứng gió. Đảm nhiệm việc cố định dây buồm vào mấu chêm là thuyền phó Jason Ralpho, một người đàn ông nom vẻ nghiêm nghị trong đôi tất xám và từng làm việc cùng Kelen tại Cảng vụ, cùng Ejnar Aerok, một ca sĩ hát karaoke chuyên nghiệp có vẻ ngoài đầy đặn. Người trẻ nhất, Elmi Juonran, nhấc nắp của một trong hai cửa hầm chứa ra, lầm bầm vài tiếng rồi biến mất vào trong bếp — anh ta đang đun nước nấu mì ăn liền trong một ấm trà màu bạc cỡ lớn. “Anh ta bảo rằng chỉ có mỗi anh ta là biết mật khẩu của mấy cánh cửa đó,” Kelen nói. Một người anh em họ của Jounran là Sear Helios, với cái tên được đặt theo tên một siêu thị ở Honolulu mà bố mẹ anh ta từng ghé qua, đứng từ mạn đuôi để chèo xuồng bằng một mái chèo gỗ nặng đến hơn 20 cân.

Tựa lưng vào cột buồm, Kelen hướng mắt ra mặt trước của cái phao nổi rồi đến mặt sau và thầm ước tính tốc độ di chuyển của chúng tôi. Ông nhìn đồng hồ đeo tay. Gió đang thổi từ hướng Đông Bắc, ông nói, và dòng hải lưu sẽ đẩy thuyền chúng ta tiến xa hơn về hướng Đông trong đêm nay. Nhìn bề ngoài, có vẻ như Kelen đang định vị — một việc cần đến những thông tin như điểm xuất phát, điểm cuối, tốc độ và hướng đi. Điều hướng sóng còn chính xác hơn nhiều, nếu như điều mà Genz, Huth và van Vledder tin vào là thật; về mặt lý thuyết, nếu một hoa tiêu sóng bị bịt mắt và thả xuống thuyền trong vùng nước thuộc Quần đảo Marshall, anh ta có thể đi theo một số mốc biển — dựa vào các con sóng có hình dạng đặc biệt — để tự mình trở về bờ.

“Majuro thì chắc là ở phía bên này,” Kelen nói và trỏ tay về một hướng. “Tôi đang nhắm mắt và cảm nhận ngọn gió. Một khoảng cách rất ngắn. Dĩ nhiên, tôi vẫn chỉ là học sinh. Hoàn toàn có thể mắc sai lầm.”

Bên dưới, các đợt sóng cồn cuộn khẽ. Hoàng hôn như lòng đỏ trứng đổ vào bầu trời tím oải hương. Đường chân trời trải ra, dường như vô tận và dường như cũng rất gần, như thể chúng tôi đã rơi vào một bát trộn thức ăn khổng lồ. Xung quanh, các thuyền viên chìm dần vào bóng tối. Ralpho châm một điếu thuốc, đốm lửa sáng lập lòe trên nền trời tối mịt. Con thuyền trôi đi theo chiều gió.

“Biển lặng đến đáng sợ ấy nhỉ,” Kelen nói. “Chẳng biết ta có đang di chuyển hay không nữa? Không ổn rồi. Ta phải di chuyển mới được, nếu không chẳng mấy chốc ta sẽ bị trôi dạt ra xa khỏi các hòn đảo.” Nhưng nghe giọng ông thì chẳng có chút lo lắng nào. Chúng tôi lại nằm xuống. Bầu trời lãng đãng sương đêm và lốm đốm vài ngôi sao.

Đại dương nào cũng có những di lep, đó là những con đường vô hình không ai nhìn thấy vì chẳng có ai biết để mà nhìn.

Thời còn thanh niên, Kelen kể, ông từng có thời gian ở bờ Tây nước Mỹ, làm công việc hái dâu ở Oregon, làm việc cho một nhà máy chế biến gà tây, và lái chiếc xe tải Rent Town Hoa Kỳ đi dọc đường cao tốc 101. Ông kể về những ngày dài với chùm dâu ngọt, công việc vặn cổ gà, món bánh kẹp thịt bò Sloppy Joe tại những trạm dừng giữa đường và những cốc cà phê cỡ đại. Chúng tôi để mất dấu con thuyền Jebro và lỡ ba cuộc gọi. Kelen vẫn nhớ những lúc câu cá trên đảo Bikini khi còn là một đứa trẻ và những bờ biển trắng xóa ở đó. Trong ký ức của ông, người dân trên đảo ai cũng hạnh phúc. Chính phủ gửi tới một con tàu viện trợ theo định kỳ, và một vài người đàn ông mặc áo khoác thí nghiệm đến kiểm tra sức khỏe của ông và người dân trên đảo bằng một chiếc máy khổng lồ. Khi con tàu đến chở họ rời đi mãi mãi, Kelen cứ ngỡ đó chỉ là một chuyến dạo chơi.

Aerok cất tiếng hát, giọng nam cao. Ralpho hòa vào bè với giọng nam trung. “Bài này giống như một khúc nhạc đồng quê, “ Kelen nói. “ ‘Tôi ngắm em đẹp tựa hoàng hôn, và rơi nước mắt khi rời xa bãi biển nơi em đang đứng.’ Kiểu như một bản nhạc khi rời xa đất liền của các thủy thủ. Bài này khi một người cất tiếng ca thì ai ai cũng biết.”

Tôi nhắm mắt lại. Những tiếng động phát ra từ chiếc xuồng — kẽo kẹt, bì bõm, rì rầm — phác họa dáng hình của nó, giống như những ngón tay lướt nhẹ qua gương mặt trong bóng đêm.

Tôi thức giấc khi Aerok và Juonran đang say sưa hát một bản nhạc buồn về Majuro. Bầu trời rọi xuống mặt nước những tia sáng lấp lánh. Bên cạnh tôi, Kelen cũng đã thức dậy. “Lần nào ngước lên phía thiên đường, tôi cũng tự hỏi, Có bao nhiêu Trái Đất nữa đang trôi nổi ngoài kia?” ông nói. “Bao nhiêu hành tinh giống địa cầu của chúng ta? Có đến hàng triệu thiên hà cơ mà. Chắc chắn phải có một nơi nào đó tồn tại.’’

Một, rồi hai ngôi sao băng rơi xuống trước mắt chúng tôi. “Mỗi lần sao băng vụt qua, tôi lại ước một điều và không kể cho ai cả,” ông nói. “Tôi không tin vào nhiều thứ trên đời, nhưng điều ước này khiến tôi cảm thấy thật tuyệt vời kể cả khi nó không phải là thật.’’

9:30 sáng hôm sau, mặt trời lên cao và các thủy thủ lặng im trở lại. Kelen tựa vai lên cột buồm và nhìn về phía xa xăm. Nếu như quá 10 giờ mà ta vẫn chưa nhìn thấy Majuro, ông nói, có nghĩa là dòng hải lưu đã đẩy chúng ta đi quá xa về hướng Tây. 9:50, Juonran chỉ về phía đường chân trời, và những người khác cũng nhìn về hướng anh chỉ, để rồi thấy những vết màu rất nhạt ở phía chân trời. Kelen phát vào mông anh ta một cái. Các thủy thủ phì cười.

“Phán đoán không tồi,” Kelen bảo với tôi.


Bản đồ nào cũng chỉ là mô phỏng của hiện thực: Chúng thể hiện thế giới vật lý bằng các biểu tượng và nhấn mạnh các mối liên hệ quan trọng — chẳng hạn như khoảng cách gần nhau giữa hai ga tàu điện ngầm — mà ta không thấy được bằng mắt thường. Nếu như kể chuyện — tức là cách chúng ta sắp xếp và tìm ý nghĩa cho các sự kiện trong đời — bắt nguồn từ việc điều hướng, thì cũng như vậy, thực hành điều hướng vốn dĩ gắn liền với kể chuyện cùng với tính chủ quan của nó.

“Khi còn bé, chúng tôi chỉ có thuyền làm bạn,” Kelen bảo tôi một buổi chiều tại Aur. “Chứ không có TV. Mỗi tối, cha tôi sẽ dang rộng vòng tay, như thế này, và bảo tôi nằm xuống đây,” ông chỉ vào má trong của khuỷu tay, “và ông kể các huyền thoại về chuyện đi biển. Có những đứa trẻ say mê những anh hùng đó, như Superman vậy, và chúng tưởng tượng ra chúng chính là Superman. Khi cha tôi kể chuyện về những con thuyền, tôi đã nghĩ mình đang ở đó.”

Để dạy mọi người cách tìm đường, người Marshall sử dụng các biểu đồ bằng nan; đó là khung gỗ giống như lưới bắt giữ giấc mơ (dreamcatcher) với những nan đan chéo chằng chịt để thể hiện các dòng chảy sóng cồn đến từ bốn hướng chính, và vỏ sò tượng trưng cho vị trí của các đảo san hô vòng. Những biểu đồ này chẳng có ý nghĩa gì với các nhà thám hiểm châu u đầu tiên được chiêm ngưỡng chúng, cũng giống như việc phép chiếu Mercator2 chẳng có ý nghĩa gì với người Marshall. Thậm chí ngày nay, trẻ em địa phương đến thăm bảo tàng lịch sử ở Majuro đôi khi cũng tỏ ra bối rối khi người ta bảo chúng rằng: những hình ảnh màu xanh trên tường là hình ảnh của nơi chúng đang sống.

Biểu đồ nan của người Marshall. Ảnh: Wikipedia.

Nếu như “ở đâu” hàm chứa cả tính chủ quan và tính thực tế, chính xác thì ta cần gì để xác định được mình đang ở đâu? Từ khoảnh khắc tổ tiên du mục của loài người rời khỏi châu Phi cho đến một vài thập kỷ trước, việc định vị bản thân luôn cần đến sự tương tác với môi trường theo một cách nào đó: đi theo những vì sao hay một đàn linh dương di cư, hay đơn giản là xem la bàn hay biển báo trên phố. Thế rồi, trong khoảng thời gian ta chuyển từ việc dùng điện thoại quay số sang điện thoại thông minh, ta đã trở thành loài di cư đường dài ngược tự nhiên đầu tiên — một loài đi theo các hướng dẫn từng bước mà không cần nhìn ra xung quanh xem có gì. Trong vài năm qua, một số tổ chức như quân đội Hoa Kỳ và Cục Hàng không Liên bang đã bày tỏ mối lo ngại về sự phụ thuộc quá lớn của họ vào GPS, cũng như về khả năng các tín hiệu vệ tinh trong mạng có thể bị kẻ thù phá hoại hoặc bị vô hiệu hóa do vết lóa mặt trời. Giờ đây, Học viện Hải quân Hoa Kỳ phải quay lại huấn luyện các chuẩn úy hải quân của họ cách sử dụng kính lục phân để xác định vị trí từ các vì sao.

Trong khi giới nghiên cứu đang khẩn trương tìm hiểu ảnh hưởng của GPS đến não bộ, không ai để ý rằng điều hướng sóng — một kỹ thuật dùng đến những tín hiệu môi trường tinh vi nhất ta có thể nhận biết — đang trượt ra khỏi tầm hiểu biết của con người. Kể cả nếu các nhà khoa học như Huth và van Vledder có tìm ra cách hoạt động của kỹ thuật này đi chăng nữa, họ thừa nhận rằng điều đó cũng không có nghĩa là họ có thể cảm nhận được nó hay truyền dạy lại cho những người khác.

Con người đã trở thành loài di cư đường dài ngược tự nhiên đầu tiên — một loài đi theo các hướng dẫn từng bước mà không cần nhìn ra xung quanh xem có gì.

Trở về Majuro, họ ở lì trong phòng mấy ngày liền để ghi chép và tính toán dữ liệu. Huth tạo ra một bản đồ sơ bộ của tuyến đường và ước tính các điều kiện gió và biển để đưa cho Korent Joel xem liệu ông có thể xác định di lep từ đó hay không. Nhưng khi đến nhà thăm ông, họ mới biết rằng ông đã nhập viện từ chiều hôm trước. Vài tuần sau, ông được chuyển đến Honolulu; tại đây, các bác sĩ phẫu thuật báo rằng chân ông bị hoại tử và phải cắt bỏ phần dưới gối. Trong lúc Joel vắng mặt, Kelen và Genz giúp Huth và van Vledder hỏi thăm ông chú người Rongelap của Joel xem có phát hiện manh mối nào về các đặc điểm của di lep không, nhưng họ cũng không thu hoạch được gì nhiều.

Cứ như vậy cho đến tháng Mười một, van Vledder đến Cambridge, Massachusetts, và cùng Huth vùi đầu trong văn phòng của Huth. Khi họ chồng các tọa độ mà Huth đã ghi lại lên mô hình điều kiện vùng biển của van Vledder, họ thấy rằng tuyến đường họ đã đi vừa hay vuông góc với một đợt sóng cồn phía Đông chảy giữa Majuro và Aur. Tại những điểm mà đợt sóng cồn này hơi chuyển hướng về phía Đông Bắc hay Đông Nam do ảnh hưởng của các đảo san hô vòng xung quanh, con đường cũng uốn mình theo. Đó là một đường cong. Người ta đã nghĩ một dải sóng mà gọi là “xương sống” thì phải trông giống y như thế. ‘‘Nhưng cũng không ai nói di lep là một đường thẳng cả,’’ van Vledder nói.

Sẽ ra sao, họ phỏng đoán, nếu như “con đường” mà họ đang truy tìm không phải là một ngọn sóng duy nhất phản xạ qua lại giữa bất kỳ hai hòn đảo nào; nếu như nó chính là tuyến đường mà ta đi khi lái tàu ở góc 90 độ so với đợt sóng cồn mạnh nhất chảy giữa các dải đất liền kề nhau? Chỉ cần đặt phần mạn tàu trên mặt nước đúng vị trí và điều khiển nó đi vào đường đi của di lep, và thế là thân tàu sẽ dập dềnh qua lại một cách đối xứng — giống như khi một cây bắp cải lăn qua lăn lại và dạy cho một nhà nhân loại học, nhà vật lý học và nhà hải dương học một bài học nhớ đời về sự thích nghi của hệ thống tiêu hóa với cuộc sống trên biển. Nói cách khác, nó hệt như những gì ông chú của Joel bảo với họ: di lep rất giống pidodo — một cơn tiêu chảy. Rất có thể chúng ta đã luôn đi theo nó mà không nhận ra.


  1. Phép đo sâu (bathymetry) nghiên cứu địa hình đáy hồ hoặc đáy biển.

  2. Phép chiếu Mercator là một phép chiếu bản đồ hình trụ được phát triển bởi nhà địa lý học người Flemish tên Gerardus Mercator. Theo đó, các dữ liệu địa lý được trải phẳng trên một bản đồ hình chữ nhật, và càng về cực (xa Xích đạo) thì các dữ liệu này càng bị bóp méo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất