Chiếc váy Sequoia của thương hiệu thời trang độc lập Creatures of Comfort có trụ sở đặt tại New York khó có thể được gọi là “quyến rũ.” Với tông màu nâu xám, độ dài vừa chấm mắt cá chân, cổ cao và hai ống tay bồng bềnh, chiếc váy trị giá 450 USD tưởng như vô hại này đã trở thành đề tài tranh luận nóng hổi của mùa hè 2017, khi nhà văn và biên tập viên Doree Shafrir chia sẻ ảnh chụp chiếc váy trên Twitter với lời bình: “Thật may mắn cho những ai đủ xinh đẹp, đủ thon thả, và đủ giàu để mặc chiếc váy này.” Nhận xét này nhanh chóng kéo theo một loạt các phản hồi khôi hài với hàng nghìn lượt thích từ những phụ nữ khác. “Cho vào Amishlist1 trên Amazon luôn nào,” một người dùng viết; “Váy này đi tiệc tùng thì quá hợp! Có mà tiệc tùng Donner2 ấy!” một người khác nói; “Cả tôi và mấy bà vợ bé của chồng tôi đều chọn màu nâu đất,” người thứ ba thêm vào. Trong thời đại tin tức được cập nhật liên tục, nhanh chóng đến phát sợ như hiện nay, câu chuyện về chiếc váy Sequoia gần như chẳng để lại dấu ấn. Nhưng nó làm ta phải suy nghĩ về một hiện tượng kỳ lạ: bước chuyển mình đáng kể sang cách ăn mặc kín đáo đến mức khắt khe của ngành thời trang trong những năm gần đây, và những cảm giác phức tạp của phụ nữ về điều này.
Nhìn vào bình luận của Shafrir — và những nhận xét sau đó — có vẻ như nhiều phụ nữ đang khá ngờ vực về mốt ăn mặc kín đáo, bảo thủ hiện nay. Dường như họ cho rằng chỉ những người may mắn có tiền và dáng người thon thả mới có thể diện một chiếc váy toát lên sự tiết hạnh buồn tẻ đến vậy, hay tệ hơn là sự áp bức cực đoan của chế độ phụ quyền; một chiếc váy dáng bao tải nhìn như lai giữa cái áo choàng thùng thình của những người dân di cư (homesteaders) từ những năm 1880 và cái thùng gỗ hay được dân du mục (hobos) ngày xưa khoác lên mình.
Tuy vậy, phong cách này vẫn kiên trì bám trụ, thậm chí trở nên thịnh hành. Mùa xuân vừa rồi, nhà phê bình thời trang hàng đầu của tờ New York Times, bà Vanessa Friedman, tuyên bố rằng kín đáo là xu hướng nổi bật của những năm 2010, bằng chứng là các thương hiệu tích cực lăng xê mốt này như Céline, với những trang phục bọc lấy cơ thể như cái kén, Erdem, với chiếc váy tay dài, cổ cao mang hơi hướm Victoria, và Vetements, với bộ cánh quá khổ một cách kỳ cục. Như Friedman lý luận, trong một thế giới đầy biến động và nguy hiểm — đặc biệt là với phụ nữ — trang phục kín đáo ngoài việc mang ý nghĩa như một tấm áo giáp, còn là lời đáp lại thứ văn hóa cố ý phơi bày mọi giây phút riêng tư và mọi bộ phận cơ thể nhạy cảm cho công chúng xem của truyền hình thực tế. Khi ta đã thấy tất cả từ vòng một hấp dẫn của Emily Ratajkowski đến vòng ba đẫy đà của Kim Kardashian, dường như hành động gây sốc nhất lại là diện một chiếc jumpsuit thùng thình hay chiếc chân váy dài quá gối.
Phong cách này không chỉ có mặt trên các sàn diễn thời trang. Nó còn xuất hiện trong bản truyền hình của cuốn tiểu thuyết phản địa đàng được phát hành rất đúng thời điểm: Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood; trong phim, bộ váy dài màu đỏ và chiếc nón trắng trùm đầu của những nàng hầu gái nô lệ vừa là chỉ dấu thị giác về sự áp bức, vừa mang dáng vẻ thời trang một cách đột ngột và khó hiểu. (Thương hiệu thời trang mới nổi Vaquera của Mỹ vừa ra lò một bộ sưu tập đặc biệt lấy cảm hứng từ trang phục trong phim vào đầu hè này, được Katy Perry nhận xét là “mang đậm chất người hành hương hoài cổ” trong bài nói mở đầu lễ trao giải Video âm nhạc của MTV tháng 8 vừa qua.) Phong cách này cũng hiện diện trong bộ phim “Ingrid Goes West” gần đây, nơi người mẫu Instagram Taylor Sloane (do Elizabeth Olsen thủ vai) diện những chiếc váy lanh giấu dáng và chân váy dài kiểu hippie đặc trưng của thời trang California đương đại; trong những trang phục gần đây của Solange (chiếc áo phao hiệu Thom Browne mà cô mặc đến sự kiện Met Gala năm 2017, hay bộ đồ diễn gồm áo cao cổ dài tay kèm quần xếp ly cạp cao tại lễ hội Glastonbury năm nay); và trong những bộ cánh mang hơi thở đồng quê mà ta có thể tìm thấy ở bất kỳ bộ sưu tập nào của Rachel Comey (thương hiệu độc lập ở New York với những khách hàng trông y như môn đồ của một nhà thờ “sang chảnh,” theo lời một người bạn hợp mốt của tôi).
Thời trang kín đáo có vẻ là một kiểu “khoe khoang khiêm tốn”: phải là một người phụ nữ có đủ nhan sắc, ăn mặc đủ hợp thời mới có thể làm chủ được kiểu thời trang luộm thuộm đến vậy. (Phong cách này được đặc biệt ưa chuộng bởi phụ nữ ở độ tuổi 20 và 30 — nó đi ngược lại quan niệm thông thường rằng phụ nữ nên phô bày cơ thể trước khi phải chịu những dấu vết của việc sinh nở hay giai đoạn mãn kinh.) Đôi lúc nó cũng trông như một hành động thể hiện đẳng cấp văn hóa xã hội: bằng cách ăn mặc kín đáo, bạn tuyên bố mình là một phần của một nhóm tiêu dùng cụ thể, không chỉ ăn mặc cho phụ nữ nói chung mà còn cho một nhóm phụ nữ nhất định — những người hiểu chuyện, những người đủ tinh tế để thấy rằng không tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp thông thường là cách để tạo ra một phong cách thượng đẳng mới. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cảm giác của một lời thách thức thực sự. Nhìn vào phương thức thể hiện nữ quyền này, một sự pha trộn giữa tinh thần nổi loạn của kiểu áo choàng rộng phổ biến trong nhóm trí thức Bloomsbury, dấu ấn phong cách grunge đầu thập niên 90 và trang phục đi lễ nhà thờ ngày Chủ nhật thời sau nội chiến Mỹ, chúng ta có lẽ đã bắt đầu tự hỏi: Chuyện gì xảy ra khi phụ nữ bắt đầu ăn mặc không theo chuẩn mực của cái đẹp truyền thống? Tại sao họ lại làm như vậy? Và những lựa chọn thời trang gắn với sự áp bức phụ nữ nay được sử dụng để giải phóng chính phụ nữ sẽ có diện mạo như thế nào?
***
Từ xưa đến nay, cách ăn mặc kín đáo thường xuyên được gắn với sự tuân thủ tôn giáo. Điều này khiến cho sự quay lại thời thượng hơn của hiện tượng này trong thời gian gần đây đặc biệt đáng kinh ngạc — xét đến việc những phụ nữ thích đóng bộ dài thùng thình bây giờ lại thường là những người vô thần tự do, tuýp người sẽ né tránh mọi giới hạn truyền thống khắt khe được áp lên các lựa chọn và cách ăn mặc của mình, hay bất kỳ thứ gì khác. Những người Do Thái chính thống tuân theo luật tzniut (có nghĩa “kín đáo” trong tiếng Hebrew), cho rằng cơ thể của một người phụ nữ — và cả mái tóc nếu cô ấy đã có chồng — nên được che lại đáng kể; những phụ nữ Hồi giáo ngoan đạo thường mặc một dạng của hijab và một bộ áo rộng, che dáng ở nơi công cộng; và phụ nữ thuộc những cộng đồng Thiên Chúa giáo truyền thống, từ Amish đến Mennonite, khoác lên mình những bộ váy dài và đôi lúc là khăn trùm đầu. Nhưng dù ta có nhìn nhận nó như biểu tượng của sự chèn ép cổ hủ trong xã hội phụ quyền hay quyết định của chính người phụ nữ theo đạo, dễ thấy phong cách này từng chẳng có một chút liên quan đến những gì một người phụ nữ vô thần hiện đại sẽ muốn chưng diện, cho đến tận bây giờ.
Có lẽ sự đối lập này được thể hiện rõ nhất trong câu chuyện về tạp chí đời sống Kinfolk — tạp chí đã đi tiên phong trong sự nổi tiếng của phong cách thiết kế và thời trang kiểu hippie rừng núi thịnh hành tại những vùng tự do nhất của Mỹ, từ Silver Lake đến Fort Greene, nhưng đồng thời có gốc rễ từ nền tảng giáo dục Mormon của những nhà sáng lập, những người thành lập tạp chí vào năm 2011 khi đang theo học tại Đại học Brigham Young ở Hawaii. Tinh thần khiêm tốn, đơn sơ của các cộng đồng môn đồ sống khép kín, giống như mốt ăn mặc kín đáo, đã được thu nhập vào một địa hạt mới chẳng hề gần gũi, nhưng lại niềm nở đón nhận những giáo lý của nó — sự thủ công, tự nhiên, mộc mạc — ít nhất là đủ để được quảng bá như một liều thuốc cứu cánh cho sự cô độc, lạc lõng giữa đời sống tư bản hậu kỳ (late-capitalism).
***
Tuy nhiên, việc trò chuyện với những người phụ nữ vô thần theo phong cách ăn mặc kín đáo giúp tôi phần nào làm rõ sự hữu dụng và chức năng của phong cách này, cũng như một vài sự mơ hồ vốn có của nó. Hannah Hoffman, người chủ 32 tuổi của một phòng trưng bày mang tên cô tại Los Angeles, kể rằng cô thích các bộ đồ che dáng, chủ yếu là từ hãng Céline, hơn bất kỳ loại trang phục nào. Những bộ đồ này vừa dễ di chuyển và vừa linh hoạt — với đôi giày gót thấp và chiếc quần ống rộng, Hoffman nói rằng cô có thể dễ dàng nhảy lên để lấy một bức tranh ở trên cao hay dẫn khách hàng tham quan khu trưng bày — nhưng cô cũng có lý do sâu xa hơn để lựa chọn cách ăn mặc này. “Tất cả những ai làm về mảng thương mại trong giới nghệ thuật đều kinh doanh dựa trên niềm khao khát, không chỉ với đồ vật mà với cả trải nghiệm,” cô nói. “Nên chúng tôi phải vô cùng cẩn trọng để tránh làm mờ nhạt ý đồ hay để khách hàng hiểu sai, nếu không họ sẽ bối rối không biết mình đang được chào mời cái gì.” Một người phụ nữ trẻ tự lãnh đạo một cơ sở kinh doanh riêng, Hoffman không hề muốn bước qua ranh giới này, và cô nói rằng cô thích thể hiện “tính kỷ luật và trí tuệ thấu đáo” hơn là vẻ nữ tính truyền thống với trang phục của mình. Nhận xét về các bộ đồ tôn dáng của những nữ trợ lý phòng trưng bày ở thời điểm những năm 2000, khi cô mới bước chân vào giới nghệ thuật, Hoffman chỉ ra rằng quyền lực của một số ông chủ phòng trưng bày thường được thể hiện qua chính sự phô bày tính dục của những cô gái trẻ, “và đó không phải một điều bạn muốn làm.” Dẫu vậy, đôi lúc cô tự hỏi tại sao mình phải là người kiểm soát ranh giới của sự phù hợp: Tại sao, cô đặt câu hỏi, “khi bạn mặc váy ngắn và bị một nhà sưu tầm ve vãn, đó lại là lỗi của bạn?”
Có một điều gì đó gây nản lòng (dù có lẽ không đáng ngạc nhiên khi xét đến vị tổng thống mà nước Mỹ mới bầu ra) về việc chúng ta vẫn cần tiếp tục nghĩ đến những câu hỏi như vậy — sau khi ít nhất ba làn sóng nữ quyền đã khẳng định quyền tự chủ cơ thể, cùng với đó là lựa chọn ăn mặc, của người phụ nữ. Phải chăng chúng ta vẫn chưa hiểu rằng phụ nữ chẳng những không có trách nhiệm gì trong việc đàn ông hiểu sai các tín hiệu của họ, mà còn nên tận hưởng cơ thể và tính dục của mình như một nguồn sức mạnh, thay vì che chúng đi? (Thật vậy, một xu hướng gần đây trong thời trang — sự chấp nhận và tôn vinh các hình thể khác nhau (body positivity) — cũng hướng đến việc ưu tiên sự phô bày cơ thể thay vì che lấp chúng, bất kể số đo.)
Phải chăng chúng ta vẫn chưa hiểu rằng phụ nữ chẳng những không có trách nhiệm gì trong việc đàn ông hiểu sai các tín hiệu của họ, mà còn nên tận hưởng cơ thể và tính dục của mình như một nguồn sức mạnh, thay vì che chúng đi?
Dù vậy, quan điểm của Hoffman vẫn quen thuộc và dễ hiểu: một người phụ nữ thường xuyên phải đặt kỳ vọng của người khác cao hơn mong muốn của chính mình. Như diễn viên, nhà văn và biên tập viên 21 tuổi Tavi Gevinson đã nói với tôi, sự kín đáo — hoặc không kín đáo — trong cách ăn mặc của cô phản ánh nhiều thứ hơn là lựa chọn cá nhân. Khi đến một buổi trình diễn thử, cô sẽ không phối đồ theo “phong cách giáo viên mỹ thuật lôi thôi” (cái phong cách mà, như cô đùa trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, còn có thể được gọi là “bà mẹ Brooklyn” hoặc “em bé châu Âu”). Thay vào đó, “tôi sẽ mặc một bộ đồ tôn dáng, vì mọi người khá ngốc nghếch, và phần lớn thời gian khi họ nói, ‘Chúng tôi muốn cô ấy quay lại phòng,’ điều họ thật sự muốn nói là ‘Nhớ mặc gì đó đẹp hơn nhé.’ ” Nhưng trong giới xuất bản, khi Gevinson thật sự muốn được tôn trọng như một người biết suy nghĩ hơn là một cô nàng chỉ được cái vẻ bề ngoài, ăn mặc kín đáo lại tốt hơn, để giúp cô nhìn có vẻ “đã trưởng thành qua cái gọi là mong ước được nhìn nhận như một người phụ nữ của một đứa trẻ con,” cô nói. Công thức lúc này được đảo lại, nhưng điều ấy không có nghĩa nó làm cô cảm thấy tự do hơn.
***
Mong muốn được ngắm nhìn thường đi kèm với sự tự ti về chính mong muốn ấy. Tôi luôn nghĩ rằng một trong những lý do mà bộ sách Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên được các bạn nữ tuổi tween ưa thích sau hàng thập kỷ xuất bản là việc những khó khăn gắn liền với quá trình trưởng thành của phái nữ được khắc họa trong sách đã được những thước vải trúc bâu, len và muslin làm dịu đi. Với một cô bé 10 tuổi, hào hứng nhưng cũng đầy sợ hãi trước viễn cảnh tuổi dậy thì đang đến gần, việc đọc những đoạn văn trong Thị trấn nhỏ trên thảo nguyên (xuất bản năm 1941), chẳng hạn như đoạn tả bộ đồ Mary Ingalls mặc khi rời nhà để đi học đại học, một “chiếc váy vạt chéo từ vải cashmere màu nâu,” đi kèm “bộ váy ngoài … kẻ ca-rô màu nâu và xanh biển,” chưa kể đến những mô tả dễ nhầm lẫn giữa “đuôi váy viền ren” và “viền ren xếp nếp” (hai thứ này là một phải không?) có tác dụng xoa dịu, giống như một lời cầu nguyện trấn an; dường như những bộ đồ kín đáo có thể bảo vệ bạn khỏi nỗi lo âu về việc cơ thể đang dần thay đổi.
Tuy nhiên, giữ sự bùng nổ tiềm tàng này cho riêng mình cũng có thể được hiểu là biểu hiện của sức mạnh. Aminatou Sow, nhà tiếp cận chiến lược truyền thông số 32 tuổi và đồng dẫn chương trình của podcast “Call Your Girlfriend” (tạm dịch: Gọi cho bạn gái), nói với tôi, “nếu bạn để phụ nữ tự ăn diện cho chính mình, tất cả chúng tôi sẽ mặc váy muumuu và áo choàng caftan.” Sow, người đã lớn lên cùng đạo Hồi tại Guinea và Nigeria trước khi chuyển đến châu Âu và sau đó là Mỹ, không chỉ ca ngợi sự thoải mái của những bộ đồ này (“tôi mê tít tất cả những gì nhìn như bao tải”), mà còn kể về cảm giác tự tin vào bản thân khi mặc chúng, một điều cô nhận thấy đầu tiên ở những người phụ nữ đã cùng cô lớn lên tại Tây Phi. “Đó là một phần văn hóa của tôi. … Chẳng cần để hở vai hay hở lưng. Tôi biết mình là gì bên dưới những bộ đồ này,” cô nói. “Tôi không đồng tình với những người phụ nữ nghĩ rằng được đi lại trần truồng là biểu hiện của sự tự do. Tôi kiểu, ‘xin lỗi nhé, nhưng mà quá nhiều người thỏa thích với điều này thì cũng chẳng phải tự do đâu,’ ” cô kể thêm, nửa đùa nửa thật. Thay vào đó, cô lấy ví dụ những người nổi tiếng như Mary-Kate và Ashley Olsen đã biến các bộ đồ du mục dài và nhiều lớp trở thành mốt, từ khi còn là những diễn viên với phong cách đường phố gây sốt cho đến khi trở thành những nhà thiết kế tại the Row. “Việc đó gây rất nhiều bức bối, và cánh mày râu không thích nó chút nào,” Sow kể lại. “Nhưng phong cách này cũng có chút gì đó kinh tởm và phóng khoáng. Đây là những cô gái không hề quan tâm đến việc người khác cần ăn mặc như thế nào. Đây là sự phủ nhận “chính trị cơ thể” (body politics).
Sống trong cơ thể của một người phụ nữ vẫn là một trải nghiệm đầy lo âu trong đời sống vụn vặt thường ngày. Và một người phụ nữ với cơ thể không được phơi bày, chẳng có gì để nhận diện theo cách thông thường, mới thật bí hiểm làm sao! Tôi nhớ lại một vài năm trước đây, khi tôi đang dạo bộ ở trung tâm Manhattan và tình cờ bắt gặp nhà văn Sheila Heti phía bên kia đường. Lúc đó là cuối thu, và theo như tôi nhớ, Heti, một người tôi chưa gặp bao giờ, đang mặc một chiếc áo khoác dài đến đầu gối bên ngoài một chiếc váy dài cùng một đôi giày lười buộc dây, tất cả đều có tông xám và nâu. Thông thường mà nói, cô nhìn khá buồn tẻ, thậm chí là hơi tồi tàn. Dẫu vậy, cô toát lên một điều gì đó đáng ngưỡng mộ. Với mái tóc buộc đuôi ngựa và tay đung đưa quyển sách, cô dạo bước như thể chẳng có điều gì phải lo nghĩ. Trong bộ quần áo vô cùng kín đáo ấy, cô trông hoàn toàn thoải mái khi được là chính mình.