Trái tim tôi run lên khi tôi ngắm nhìn
Dải cầu vồng trên bầu trời:
Từng như vậy khi tôi mới sinh ra;
Giờ vẫn thế khi tôi đã trưởng thành;
Nên hãy vẫn như vậy khi tôi già đi,
Hoặc là hãy để tôi chết đi!
Đứa Trẻ là cha của Người Đàn Ông;
Tôi ước sao những ngày tháng của mình
Từng ngày từng ngày tuân theo lòng thành với thiên nhiên.
~William Wordsworth, 1802
“Ngày xửa ngày xưa, có một hoàng tử bé sống trên một hành tinh chẳng lớn hơn cậu là mấy, và cậu cần một người bạn.” Đó là cách mà Antoine de Saint-Exupéry1 đã muốn dùng để bắt đầu câu chuyện về Hoàng Tử Bé2 của mình. Đối với những ai hiểu về cuộc sống, ông nói, cách mở đầu như vậy nghe sẽ thật hơn bất cứ điều gì.
Nhưng ông đã không làm vậy. Ông không thể. Bởi, bạn thấy đó, người lớn sẽ không hiểu. Họ sẽ chẳng hiểu gì cả. Đối với họ, để hoàng tử bé là thật thì phải có bằng chứng xác thực. Tốt hơn là nên có chữ số. Tiểu hành tinh B 612. Chẳng hạn như vậy. Giờ thì chúng ta cần một chút cảm nhận rõ hơn về nhân vật này. Tuổi của cậu? Cân nặng? Chiều cao? Vậy hẳn là rõ ràng hơn. Nhưng còn giọng nói của cậu? Trò chơi cậu yêu thích? Liệu cậu có từng sưu tầm bươm bướm không? Những câu hỏi không liên quan và vặt vãnh có thể giúp nhân vật của chúng ta trở nên sáng tỏ hơn một chút.
Đó, chí ít, là ranh giới được mô tả trong cuốn sách kinh điển của Saint-Exupéry, Hoàng Tử Bé. Một mặt, chúng ta có những đứa trẻ, giống như phiên bản trẻ con của người kể truyện, một cậu bé được truyền cảm hứng bởi một đoạn văn về động vật học để vẽ một con trăn đã nuốt một con voi, hay như Hoàng Tử Bé, người muốn có một bức tranh vẽ con cừu để mang về hành tinh của mình. Nên là một chú cừu ăn bao-báp chứ đừng ăn hoa hồng. Ở đằng bên kia, chúng ta có những người lớn, những người nghĩ là con trăn trông giống như một cái mũ mềm cũ kĩ – không phải một cái mũ được may vá tỉ mỉ – và những người thúc giục người kể chuyện trẻ tuổi hãy theo đuổi một Nghề Nghiệp Thực Sự và khuyên Hoàng Tử Bé về tầm quan trọng của việc đếm sao, giữ các thói quen, tuân theo mệnh lệnh, thắp đèn dầu vào thời điểm thích hợp trong ngày, dù có là mỗi phút một lần.
Trong thế giới của Saint-Exupéry, những người lớn có vẻ như thật kì quặc, lúc nào cũng vội vội vàng vàng đi đâu không biết và khăng khăng bám lấy những theo đuổi không chút suy nghĩ của mình – kể cả khi chính họ cũng không hiểu tại sao mình lại tìm kiếm những thứ đó. Và nhờ có quý ông nhỏ bé (Nguyên gốc: petit gentilhomme), như cách mà người kể chuyện đã gọi cậu, và những người bạn thật thà của cậu, chú cáo và bông hồng, mà chúng ta có được một chút thông thái, biết được cái gì quan trọng và cái gì không, câu hỏi nào đáng để hỏi – và câu nào thì không nên.
Hiếm có ai mà có thể giữ được vẹn nguyên cái cảm giác trầm trồ kinh ngạc, cảm giác ta hiện diện trong cuộc đời, cái thích thú tột cùng về cuộc sống và những khả năng của nó, mà đã từng rất rõ ràng với phiên bản trẻ con của chúng ta.
Một cách cần thiết, sự tương phản đã được làm quá lên (dù sao thì, chúng ta vẫn ở trong miền đất tưởng tượng). Nhưng ý quan trọng hơn của Saint-Exupéry về sự sáng tạo và suy nghĩ thì chẳng thể bị suy diễn quá đà: khi chúng ta già đi, cách mà chúng ta nhìn thế giới thay đổi. Hiếm có ai mà có thể giữ được vẹn nguyên cái cảm giác trầm trồ kinh ngạc, cảm giác ta hiện diện trong cuộc đời, cái thích thú tột cùng về cuộc sống và những khả năng của nó, mà đã từng rất rõ ràng với phiên bản trẻ con của chúng ta. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta có thêm trải nghiệm. Chúng ta giỏi hơn trong việc kiểm soát bản thân. Chúng ta đòi hỏi nhiều hơn ở những khả năng, suy nghĩ, khát vọng của mình. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta không còn có thể vô tư đón nhận thế giới một cách trọn vẹn nữa. Những trải nghiệm giúp chúng ta thành công lại đe dọa giới hạn sáng tạo của ta và cách ta cảm nhận cái gì là khả thi. Từ khi nào việc trải nghiệm lại hạn chế trí tưởng tượng của một đứa trẻ như vậy?
Nhưng không phải là chúng ta không thể thấy một con trăn Mỹ thay vì một cái mũ, mà là ta không chọn làm thế. Nghĩ lại tuổi thơ của bạn mà xem. Khả năng là, nếu tôi bảo bạn kể cho tôi nghe về con phố nơi bạn lớn lên, bạn sẽ có thể hồi tưởng lại bất cứ chi tiết nào. Màu sắc của những ngôi nhà. Những thói kì quặc của hàng xóm. Mùi vị của các mùa. Con phố trông khác thế nào vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Nơi bạn đã từng chơi. Nơi bạn đã từng đi bộ. Nơi bạn sợ không dám đến. Tôi cá là bạn có thể huyên thuyên hàng giờ liền.
Khi là trẻ con, ý thức của chúng ta thật đáng kinh ngạc. Chúng ta tiếp nhận và xử lí thông tin với một tốc độ mà ta không bao giờ có thể có lại được nữa. Những hình ảnh mới, âm thanh mới, mùi vị mới, con người mới, cảm xúc mới, trải nghiệm mới: chúng ta học về thế giới và những khả năng của nó. Tất cả mọi thứ đều mới mẻ, tất cả mọi thứ đều phấn khích, tất cả mọi thứ khơi gợi trí tò mò. Và bởi cái sự mới có sẵn trong những điều xung quanh ta, chúng ta đặc biệt chú ý đến tất cả mọi thứ; chúng ta tiếp thu, chúng ta tiếp nhận tất cả. Ai mà biết được, có thể lúc nào đó những thứ này sẽ có ích?
Nhưng khi chúng ta lớn lên, những điều “blah blah” cũng tăng theo cấp số nhân. Đã đi đến đó rồi, đã làm việc đó rồi, không cần phải chú ý đến thứ này nữa, và liệu có lúc nào mà tôi sẽ phải biết hay cần sử dụng cái đó đâu. Trước khi chúng ta nhận ra, chúng ta đã đóng lại sự chú ý, tương tác, tò mò bẩm sinh để thay bằng một loạt những thói quen bị động và không yêu cầu phải động não. Và kể cả khi muốn tham gia hay gắn kết, chúng ta không còn cái sự xa xỉ của thời ấu thơ nữa. Đã qua rồi những ngày mà công việc chính của ta là học, tiếp thu, tương tác; chúng ta giờ có những trách nhiệm khác khẩn thiết hơn (hoặc là do ta nghĩ vậy thôi) chiếm lấy và đòi hỏi đầu óc ta phải để tâm đến. Và song song với việc ta bị đòi hỏi là phải chú ý hơn – một vấn đề rất thiết thực trong thời đại số hóa 24/7 nơi áp lực của việc đa nhiệm tăng dần – mức độ chú ý thực sự của chúng ta lại giảm đi. Và vì vậy, chúng ta ngày càng ít có thể nhận biết hay để ý đến những thói quen suy nghĩ của mình, và ngày càng cho phép tâm trí ta điều khiển những phán xét và quyết định của ta, thay vì chiều ngược lại.
Vào năm 2010, một nhóm các nhà tâm lý học quyết định kiểm tra thực nghiệm một ý tưởng khá thiên về trực giác là, khi chúng ta rời bỏ tuổi thơ, chúng ta cũng bỏ lại đằng sau một phần cảm hứng sáng tạo, nền tảng cho những ý tưởng mới mẻ, suy nghĩ cải tiến, và khám phá được đoán trước. Họ yêu cầu một nhóm các sinh viên đại học viết một bài văn ngắn với đề bài là: Tưởng tượng hôm nay bạn được nghỉ học. Bạn sẽ làm gì, nghĩ gì, và cảm thấy như thế nào?
Tất cả các sinh viên đều được giao một đề bài như nhau. Chỉ trừ với một nhóm, một câu được thêm vào đề: Bạn là một đứa trẻ bảy tuổi.
Có vẻ như là, việc tưởng tượng rằng bạn là một đứa trẻ có thể khiến tâm trí bạn trở nên linh động hơn, mới mẻ hơn, cởi mở hơn với những suy nghĩ sáng tạo và thuận lợi hơn trong việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo.
Sau khoảng năm phút viết, mỗi người được yêu cầu hoàn thành bài kiểm tra Torrence về tư duy sáng tạo. Kết quả trung bình đều giống như những gì dự đoán trước – chỉ trừ một việc. Những người được giao làm đề bài có thêm điều kiện bảy tuổi cho thấy một mức độ sáng tạo hơn trong suy nghĩ. Câu trả lời cả bằng ngôn từ và minh họa của họ đều bỏ xa những người bạn có đầu óc người lớn của mình.
Có vẻ như là, việc tưởng tượng rằng bạn là một đứa trẻ có thể khiến tâm trí bạn trở nên linh động hơn, mới mẻ hơn, cởi mở hơn với những suy nghĩ sáng tạo và thuận lợi hơn trong việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo – một sự bổ sung thú vị cho những phát hiện trước đó là tiếng cười và tâm trạng tích cực cũng có tác dụng tương tự.
Và điều này có ngạc nhiên đến vậy? Dù sao thì, J. M. Barrie3 đã từng viết: “Thiên tài là gì? Là khả năng trở lại thành một cậu bé khi ta muốn.” (Quả thực, ông đã tạo ra đứa trẻ điển hình nhất mọi thời đại, Peter Pan – nhưng Charles Baudelaire4 lại không hẳn nghĩ như vậy, tập thơ Fleurs du Mals (Tạm dịch: Những bông hoa ác) của ông có thể là bất cứ cái gì ngoài một cuốn sách cho trẻ con, dù ông nghe cũng gần giống như Barrie khi viết rằng, “Thiên tài không là gì khác ngoài tuổi thơ được tìm lại khi ta quyết tâm, tuổi thơ giờ đây được trang bị thêm khả năng của một người trưởng thành để diễn đạt mình, và bộ não biết phân tích để sắp xếp những trải nghiệm đã có.” Trên thực tế, phân tích của Baudelaire có lẽ sát hơn với vấn đề ở đây, là: khả năng lấy lại sự cởi mở và tò mò trẻ thơ, nhưng đồng thời cũng kết hợp chúng với những trải nghiệm và chiều sâu mà một đứa trẻ không thể có.)
***
Trong phiên bản tiếng Pháp của cuốn sách, Saint-Exupéry thực ra không hề sử dụng từ “người lớn” để mô tả những con người lớn tuổi khó hiểu của mình. Ông gọi họ là les grandes personnes. Những người to lớn. Và ông không hề gọi họ theo bất kì cách nào khác.
Đây không phải một điều ngẫu nhiên. Đó là một sự khác biệt quan trọng. Cuối cùng thì, điều quan trọng là thái độ, không phải tuổi tác. Bạn có thể có những đứa trẻ mà thực ra là grandes personnes, cũng như là bạn có những người lớn mà lại không phải như vậy. Câu hỏi ở đây là về tâm trí, về cách ta nhìn thế giới. Nó chẳng có gì liên quan đến tuổi tác – ngoại trừ việc tuổi tác thường khiến thái độ của ta nghiêm túc hơn.
Trong nghiên cứu đề cập ở trên, các nhà nghiên cứu còn tìm ra rằng: không chỉ những người nghĩ như một đứa trẻ bảy tuổi đạt kết quả tốt hơn. Những người nào đạt điểm cao hơn về độ cởi mở với các trải nghiệm cũng vậy. Hiện tượng này vận hành theo phép cộng: một người cởi mở đầu óc vẫn được lợi từ việc tưởng tượng họ là trẻ con, nhưng vẫn có thể sáng tạo – dù có thể không bằng – kể cả khi không có điều kiện này.
Tâm trí luôn linh động. Chúng ta không cần phải mãi là những grandes personnes, thậm chí là dù chúng ta đã đang như vậy rồi. Và, giống như Saint-Exupéry của câu chuyện, ta có thể grande hơn bao giờ hết khi ta sửa máy bay – một sự theo đuổi nghiêm túc hết mức có thể ở giữa sa mạc, cách xa nơi có người ở cả ngàn dặm – và cũng như một họa sĩ minh họa mới nổi, vẽ những mầm bao báp đe dọa và cừu trong hộp khi ta muốn. Đó là vẻ đẹp của tâm trí. Chúng ta có sức mạnh để thay đổi nó khi ta muốn, nhưng chỉ khi ta chọn làm như vậy.
***
Hoàng Tử Bé bao nhiêu tuổi? Chúng ta không bao giờ biết. Chúng ta biết tóc cậu màu vàng. Rằng tiếng cười của cậu lấp lánh như những vì sao. Rằng cậu yêu hoa hồng. Rằng cậu đã cảm hóa một chú cáo thông thái và kết bạn với chú. Cuối cùng thì, chẳng phải những điều đó mới quan trọng sao?
Antoine de Saint-Exupéry (1900 – 1944) là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, và phi công người Pháp. Ông nổi tiếng với tư cách cả một phi công và nhà văn, và là tác giả của cuốn sách Hoàng Tử Bé nổi tiếng đã được dịch sang hơn 250 thứ tiếng khác nhau. Xem thêm thông tin chi tiết về Antoine de Saint-Exupéry tại đây.↩
Hoàng Tử Bé (Tên gốc Tiếng Pháp: Le Petit Prince) là một cuốn tiểu thuyết ngắn xuất bản lần đầu vào năm 1943, và là tác phẩm nổi tiếng nhất của Antoine de Saint-Exupéry. Nội dung chính của câu chuyện xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa một phi công bị hỏng máy bay ở sa mạc Sahara với một hoàng tử nhỏ đến từ một tiểu hành tinh rơi xuống Trái Đất. Câu chuyện hàm chứa nhiều triết lý cũng như những quan sát của tác giả về cuộc sống và con người.↩
James Matthew Barrie (1860 – 1937) là một tiểu thuyết gia và biên kịch người Scotland. Ông được biết đến nhiều nhất là tác giả của nhân vật Peter Pan, một cậu bé có thể bay và không bao giờ lớn lên, sống ở vùng đất tưởng tượng Neverland cùng các nàng tiên, cướp biển, tiên cá, và người Mỹ bản địa. Xem thêm thông tin chi tiết về J. M. Barrie tại đây.↩
Charles Baudelaire (1821 – 1867) là một nhà thơ người Pháp. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Fleurs du Mals (The Flowers of Evil – Những bông hoa ác) mô tả sự thay đổi của bản chất vẻ đẹp trong bối cảnh nước Pháp thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào thế kỉ 19. Xem thêm thông tin chi tiết về Charles Baudelaire tại đây.↩
Bài này hay quá, một lời khuyên tốt để đi tìm sáng tạo
Hay quá, bài dịch tuyệt vời! Cảm thấy như vừa được khai sáng