Bài viết do tác giả của zeal chắp bút. Xem thêm các bài viết cây nhà lá vườn của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Adam Johnson và Tố Linh | Hiệu đính:  za và coda
21/04/2021

Năm 1948 là một năm khó khăn đối với André-Georges Haudricourt. Mới trước đó một năm, luận văn ngôn ngữ học của ông vừa bị đánh trượt vì quá lập dị, rồi khi ông tới Việt Nam nghiên cứu thì lại rơi ngay vào một cuộc tranh cãi học thuật bất phân thắng bại: Tiếng Việt thuộc ngữ hệ nào? Bà con họ hàng của ngôn ngữ này là tiếng gì?

Suốt một thế kỉ trước đó, các nhà ngôn ngữ đã bất đồng về chuyện làm sao xác định được vấn đề này. Họ tranh cãi xem từ vựng chung hay thanh âm chung mới là quan trọng, rồi họ đưa ra những lập luận dựa trên giả thuyết của phe mình. Các học giả người Đức thì ngay từ đầu đã cho rằng tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam Á — thậm chí là ngôn ngữ phổ biến nhất của ngữ hệ này. Ngữ hệ Nam Á là một nhóm ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á, ví dụ tiêu biểu là tiếng Môn, tiếng Khmer và tiếng Việt. Các nhà ngôn ngữ học này đã so sánh những cuốn sách cổ bằng tiếng Khmer và tiếng Môn, cũng như thu thập danh sách từ vựng của các tộc người thiểu số ở Malaysia, quần đảo Nicobar (Ấn Độ), những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa của Ấn Độ và Tây Nguyên của Việt Nam. Các ngôn ngữ này thường có hiện tượng khớp âm: những từ có nghĩa giống nhau trong các thứ tiếng khác nhau được phát âm giống nhau. Điều này thể hiện khá rõ trong các ngôn ngữ ở Đông Nam Á, cho thấy rằng chúng có họ hàng với nhau. Lập luận này rất phù hợp với lối suy nghĩ thịnh hành trong ngành ngôn ngữ học ở Đức, rằng những thứ tiếng này bắt nguồn từ một ngôn ngữ tổ tiên chung. Về mặt này, tiếng Việt nhất định thuộc về ngữ hệ Nam Á. 

Tuy nhiên, có một lý do chính đáng khiến người ta nghi ngờ liệu tiếng Việt có thực sự là một ngôn ngữ Nam Á hay không: thanh điệu1. Không giống như từ ngữ, thanh điệu là một đặc tính quy mô lớn nên rất khó có thể mượn từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Vì vậy, khi xác định ngữ hệ, các học giả người Pháp coi trọng những đặc tính này hơn là so sánh cách phát âm của từ ngữ. Họ tranh luận rằng hầu hết các ngôn ngữ Nam Á đều không có hoặc có rất ít thanh điệu đối lập — ví dụ, tiếng Khmer và tiếng Môn đều không có thanh điệu. Trong khi đó, tiếng Việt hiện đại có tới sáu thanh, mà một số ngôn ngữ không thuộc hệ Nam Á ở gần đó, như tiếng Trung và tiếng Thái, lại cũng có hệ thống thanh điệu phức tạp. Hệ thống thanh điệu của ngữ hệ Tai (một ngữ hệ khác với hệ Nam Á, trong đó có tiếng Thái) đặc biệt rất giống với tiếng Việt. Từ đó, các nhà ngôn ngữ học này suy ra rằng tiếng Việt có liên quan với ngữ hệ Tai, có người còn cho rằng cả hai đều có họ hàng xa với tiếng Trung. 

Thế là khúc mắc về nguồn gốc của tiếng Việt trở thành một cuộc tranh chấp kéo dài đến gần một thế kỉ, từ những năm 1880 đến thập kỉ 1950. Khi Haudricourt bắt đầu tìm hiểu vấn đề này vào cuối thập kỉ 1940, là một học giả người Pháp, ông vốn có thể cứ đơn giản chấp nhận lập luận của trường phái ngôn ngữ học Pháp; thế nhưng ông lại đâm đầu vào núi tài liệu có độ tuổi lên tới cả thế kỉ, trong đó đầy rẫy những tuyên bố mâu thuẫn lẫn nhau về tiếng Việt. Ông thu thập bằng chứng về những dạng thức tiếng Việt xưa để tìm hiểu xem ngôn ngữ này vốn dĩ vẫn luôn có thanh điệu, hay đã trải qua thay đổi và trở thành như thế. Ông tìm được bản viết lâu đời nhất của tiếng Việt hiện đại: từ điển năm 1649 do Alexandre de Rhodes soạn, cuốn sách có ảnh hưởng rất lớn tới cách viết tiếng Việt ngày nay. Trong đó, Rhodes đã ghi lại một số từ có cách phát âm giống tiếng Mường hơn là tiếng Việt ngày nay, những từ này nghe rất giống với các ngôn ngữ Nam Á. Có khi, chúng có phụ âm vẫn được bảo lưu trong tiếng Mường hoặc các tiếng Nam Á khác, nhưng trong tiếng Việt ngày nay thì các phụ âm này đã trở thành thanh điệu (Bảng 1).

Bảng 1: Tiếng Việt thay đổi theo thời gian từ một hệ thống không thanh điệu đến ít thanh điệu đến thanh điệu phức tạp. Dịch từ Haudricourt 1954.

Haudricourt phát hiện ra rằng thanh điệu trong tiếng Việt thực ra đã thay đổi và mở rộng qua nhiều thế kỉ, mà khởi nguồn là từ một ngôn ngữ tổ tiên không có thanh điệu. Tiếng Việt vốn cùng chung nguồn gốc không thanh điệu này với tiếng Khmer và vài chục ngôn ngữ Nam Á khác, nhưng về sau hệ thống phát âm của tiếng Việt đã thay đổi theo hướng giống như ngữ hệ Tai và tiếng Trung. Thực tế là, cả ba nhóm ngôn ngữ vốn không có họ hàng gì với nhau này — tiếng Tai, tiếng Trung và tiếng Việt — đều đã trải qua những thay đổi tương tự nhau, từ hệ thống ngữ âm không thanh điệu đến thanh điệu đơn giản rồi đến thanh điệu phức tạp như ta thấy ngày nay. Như vậy, tiếng Việt đúng là một ngôn ngữ thuộc hệ Nam Á. 

Công trình nghiên cứu của Haudricourt được công bố vào năm 1954 đã an bài cuộc tranh cãi ngôn ngữ học về tiếng Việt. Nghiên cứu này đã đưa ra những chứng cứ thuyết phục về nguồn gốc của tiếng Việt, hơn nữa còn giải thích vì sao tiếng Việt lại có nét tương đồng với các thứ tiếng láng giềng không cùng họ — bởi các ngôn ngữ này đã cùng thay đổi song song với nhau. Công trình này cũng chứng minh rằng học viện nào đó của Pháp lẽ ra nên trao bằng tiến sĩ cho Haudricourt, thay vì đánh trượt ông. (Ngày nay ở đó có cả một viện nghiên cứu được đặt theo tên ông.)

Alexandre de Rhodes 
(1593 – 1660)
Ressource «Haudricourt, André-Georges (1911-1996)» - - Mnesys
André-Georges Haudricourt2
(1911 – 1996)

***

Dò tìm mối liên hệ giữa các ngôn ngữ họ hàng là bước đầu tiên để trả lời câu hỏi: Những ngôn ngữ này từ đâu ra? Trên thế giới hiện nay có khoảng 6000 ngôn ngữ, mỗi thứ tiếng đều có các quy luật ngữ pháp riêng và lượng từ vựng phong phú. Những quy luật ngữ pháp và từ vựng đó là đặc trưng của mỗi ngôn ngữ, nếu không phải là tiếng mẹ đẻ hoặc đã từng học qua thì người ngoài không thể hiểu được. Làm sao ngôn ngữ trở nên đa dạng như vậy? Ngôn ngữ, cũng như những người dùng chúng, hẳn là phải có nguồn gốc nào đó. Ngôn ngữ học, khi kết hợp cùng khảo cổ học và di truyền học, có một siêu năng lực tìm ra lịch sử của những thứ vốn chưa bao giờ được ghi lại. Không những ta có thể tìm hiểu xem người xưa nói thế nào, mà còn có thể biết được họ đã đi những đâu, sống thế nào, thay đổi ra sao. 

Tiếng Việt, cũng như bất kì ngôn ngữ nào khác, không phải là bất biến: từ ngữ, cách phát âm và quy tắc ngữ pháp trong tiếng Việt vẫn luôn thay đổi. Ta có thể nhìn thấy những thay đổi đó qua các giai đoạn lịch sử, thậm chí là trong thời gian gần đây. (Những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Việt thời xưa, ngay cả khi đã được phiên âm và viết lại bằng tiếng Việt hiện đại, vẫn rất khó hiểu nếu không có chú thích hoặc dịch nghĩa.) Và bởi vì ngôn ngữ vốn do con người tạo ra và lan tỏa, những thay đổi trong các thứ tiếng theo dòng lịch sử thường gắn liền với người sử dụng chúng. Các nhà ngôn ngữ học như Haudricourt đã lần theo những thay đổi này, qua đó tìm kiếm những đặc điểm có thể cung cấp cho họ đôi chút manh mối về cuộc sống trong quá khứ của những người sử dụng thứ tiếng đó.

May be an image of ‎text that says "‎Dạy con trai Nguyễn Trãi Nhắn bảo phô bay đạم cái con, Nghe lượm lấy, lọ chi đòn. Xa hoa lo lãng nhiều hay hết, Hlà tiện đâu đang it hãy còn. áم mặc miễn là cho cật ấm, Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon. Xưa đã có câu truyền bảo: Làm biếng hay ăn lở non.‎"‎
Phiên âm bài thơ Dạy con trai của Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Ta có thể hiểu được phần nào ý nghĩa của bài thơ, nhưng cũng thấy rằng đến nay có nhiều từ ngữ và cấu trúc ngữ pháp không còn được sử dụng.   

Khi một nhóm người tỏa ra sống trên một khu vực rộng lớn, qua thời gian họ sẽ có những thay đổi khác nhau trong tiếng nói. Những nhóm người sống xa nhau sẽ không nói chuyện với nhau thường xuyên, nên không thể áp đặt hay ngăn cản những thay đổi của nhau. Có khi một nhóm người sống bên này sẽ bắt đầu thay âm “v” bằng âm “dʒ”, trong khi một nhóm họ hàng khác thì vẫn nói “v” như cũ nhưng âm “a” lại trở thành “ơ”. Những thay đổi nhỏ nhặt này dần tích tụ lại, cuối cùng trở thành các ngôn ngữ vùng miền khác nhau và khác cả thứ tiếng nguồn cội chung đã sinh ra chúng. Những thứ tiếng này có quy luật tương đồng — chẳng hạn mỗi khi tiếng này dùng chữ p thì tiếng kia dùng chữ b, như ta thấy qua các số đếm trong các ngôn ngữ Nam Á (Bảng 2). Nếu các ngôn ngữ này đủ tương đồng với nhau, ta có thể xem xét dạng hiện đại của chúng rồi dò ngược về quá khứ: so sánh các ngôn ngữ với nhau, tìm xem các từ có nghĩa giống nhau có cách phát âm giống nhau không để khẳng định các ngôn ngữ này có họ hàng với nhau, và thậm chí có thể đoán trong chừng mực nhất định xem ngôn ngữ tổ tiên chung của chúng ra sao. 

Bảng 2: Các số đếm từ 1 đến 10 trong các ngôn ngữ Nam Á có cách phát âm tương đồng với nhau. Từ trái sang: tiếng Môn, tiếng Campuchia, tiếng Việt, tiếng Xtiêng, tiếng Bana, tiếng Oi/Sok. Nguồn: Sidwell 2009

Chính nhờ đó mà ta biết được tiếng Việt có anh em — tiếng Mường chẳng hạn. Khi một người Việt lần đầu nghe tiếng Mường chắc sẽ cảm thấy mình có thể nhận ra khá nhiều từ ngữ, nhưng chưa đủ để hiểu được cả câu. Thử so sánh những từ vựng về các bộ phận cơ thể sau đây giữa tiếng Việt và tiếng Mường hiện đại mà xem. 

Bảng 3: Các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể trong tiếng Việt và tiếng Mường được phát âm rất giống nhau. Nguồn: Minh-Châu Nguyễn, 2016

Sự tương đồng rõ nét này chứng tỏ rằng tiếng Mường là anh em của tiếng Việt. Hai ngôn ngữ này phát sinh từ một dạng thức chung cách đây một thời gian lịch sử tương đối ngắn — khoảng 1000 đến 2000 năm về trước. Ngôn ngữ nguồn cội chung của tiếng Việt và tiếng Mường không có chữ viết, nhưng ta vẫn có thể phỏng đoán có căn cứ về nó. Chẳng hạn, nếu hiện nay hai thứ tiếng này có một từ phát âm giống nhau và có nghĩa giống nhau thì ngôn ngữ mẹ của chúng hẳn cũng sẽ có từ đó. 

Ta có thể mở rộng điều này thêm nữa để tìm mối quan hệ giữa tiếng Việt, tiếng Mường và các ngôn ngữ Nam Á khác có họ xa hơn như tiếng Khmer hay tiếng Môn. Cũng như tiếng Việt, qua thời gian, mỗi một thứ tiếng trong số này đều đã tích lũy nhiều thay đổi nhỏ khác nhau và khác với ngôn ngữ nguồn cội chung của chúng. Một khi chúng ta dò theo con đường này đến khoảng thời gian 3000-4000 năm về trước — trước thời kì Bắc thuộc và thậm chí là trước cả thời kì văn hóa Đông Sơn — thì sẽ rất khó tìm ra mối liên hệ giữa các ngôn ngữ này nếu ta không xem xét thật kĩ hiện tượng âm tương ứng. 

Hiện tượng âm tương ứng là những thay đổi có quy luật nhất quán trong nhiều ngôn ngữ; đây là một bằng chứng tốt không thua gì hiện tượng khớp âm hoàn toàn. Ta có thể dễ dàng tìm được âm tương ứng khi so sánh tiếng Việt với các ngôn ngữ Nam Á khác. 

Bảng 4: Hiện tượng âm tương ứng trong cách phát âm một số từ (ba, bốn, đất, đêm). Từ trái sang: tiếng Khmer cổ, tiếng Mon, tiếng Mường, tiếng Khmer hiện đại, tiếng Việt. Nguồn: Sidwell 2009.

Tuy nhiên, khi ta dò về quá khứ xa hơn, những thay đổi trong các ngôn ngữ trở nên quá nhiều và không theo quy luật nào, nên khó có thể chứng minh được nguồn cội và mối liên hệ giữa chúng. Vì vậy, để tìm hiểu về nguồn gốc xa xưa của các ngôn ngữ Nam Á, ta sẽ cần đến bằng chứng khảo cổ học. 

***

Trong suốt hơn 100 năm, những tuyệt tác trống đồng Đông Sơn đã được khai quật ở khắp Đông Nam Á. Những chiếc trống này có khắc hình ảnh động vật, cây cối, lễ hội, quân đội, nhảy múa, và hay ho hơn cả là: lúa gạo. 3000 năm trước, khi thời kì văn hóa Đông Sơn vừa bắt đầu, con người sống ở khu vực này đã biết trồng lúa, hơn nữa lúa gạo đã trở thành một phần quan trọng trong chế độ ăn của họ. Thậm chí các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều công cụ nông nghiệp có niên đại cùng thời với trống đồng; những công cụ này vừa đặc trưng cho một thời đại lịch sử liên tục (thời kì Đồ đá mới, khi nông nghiệp ra đời), vừa đặc trưng cho một khu vực địa lí (đất liền Đông Nam Á). 

Một số hoa văn trên trống đồng Đông Sơn: hình người giã gạo (góc trên bên trái). Nguồn: khoahocnet.wordpress

Khi kết hợp những bằng chứng ngôn ngữ học và khảo cổ học, ta có thể vẽ nên một bức tranh về cuộc sống thời cổ xưa đó. Con người thời đó đã biết trồng trọt, nhưng không chỉ có thế. Họ thích ăn tôm cá, di chuyển và buôn bán chủ yếu bằng đường thủy. Lương thực của họ không chỉ có lúa gạo, họ còn trồng khoai sọ và thu hái các loại rau quả rừng khá giống với những thứ chúng ta thường ăn ngày nay. Những công cụ lao động của họ được tìm thấy trên khắp Đông Nam Á; có nhiều tập quán đến nay vẫn được lưu truyền, chẳng hạn như canh tác đốt nương của các dân tộc miền núi. Họ đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tinh tế như trống đồng Đông Sơn. Về ngôn ngữ, họ nói tiếng Nam Á nguyên thủy. Thứ tiếng này nghe khác với tiếng Việt, tiếng Khmer và các thứ tiếng phát sinh từ nó, một phần bởi vì những người cổ xưa này chưa mượn nhiều từ ngữ từ Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và những nơi khác. 

Tiếng Nam Á nguyên thủy chắc hẳn đã được sử dụng trên một khu vực rộng lớn, rồi từ một khoảng nhỏ hơn trong đó, tiếng Việt đã ra đời. Rất khó có thể xác định chính xác đó là nơi nào — có thể là đồng bằng sông Hồng — mà việc xác định khi nào thì tiếng Nam Á nguyên thủy trở thành tiếng Việt lại càng bất khả thi. Trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, các ngôn ngữ chẳng bao giờ có khởi điểm cụ thể. Chúng thường phát triển dần dần từ những ngôn ngữ trước đó và là kết quả của việc tích lũy những thay đổi nhỏ qua thời gian. Ngôn ngữ không trở nên tốt hơn hay xấu đi, chúng chỉ thay đổi mà thôi. Ngôn ngữ nguồn cội hay các ngôn ngữ anh em của tiếng Việt đều có khả năng biểu đạt những ý tưởng phức tạp. 

Những người dùng tiếng Nam Á nguyên thủy hẳn đã biết đến lúa gạo, bởi vì chúng ta có thể so sánh những từ ngữ liên quan đến lúa gạo giữa các chi phả hệ ngôn ngữ rất xa nhau mà vẫn thấy chúng có cùng một cội. Một số từ khác có thể phục dựng được về tiếng Nam Á nguyên thủy là kê, chó, lợn, gà, và khá nhiều từ liên quan đến nước — sông, thuyền, tôm cá. Trong lịch sử, những ngôn ngữ này đã phân bố trong khu vực trùng khớp với văn hóa Đông Sơn và các nền văn hóa tiền sử liên quan; hơn nữa, đời sống vật chất của những nền văn hóa cổ xưa này có nhiều nét tương đồng. Vì vậy, các nhà sử học và ngôn ngữ học tin chắc rằng đây là cùng một nhóm người.  

Bảng 5: Từ vựng về lúa gạo trong các ngôn ngữ Nam Á và tiếng Nam Á nguyên thủy (phục dựng). Nguồn: Ferlus, 2010.

Vậy nhóm người này làm thế nào mà lan tỏa ra một khu vực rộng lớn và rồi trở thành nhiều văn hóa và ngôn ngữ khác nhau như vậy? Có nhiều cách lý giải hiện tượng này, tuy nhiên trong trường hợp các ngôn ngữ Nam Á thì nguyên nhân có lẽ là một cuộc bùng nổ dân số. Khoảng hơn 4000 năm về trước, nhóm người nói tiếng Nam Á nguyên thủy chắc hẳn chỉ sống trong một khu vực khiêm tốn thôi, nhưng rồi họ bắt đầu làm nông — hay nói đúng ra là, họ tăng năng suất canh tác. Họ thuần hóa được các giống lúa thích nghi tốt với môi trường đất liền Đông Nam Á, cùng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác, từ đó nhóm người này sống tốt hơn, dân số cũng tăng lên và họ bắt đầu mở rộng địa bàn cư trú sang những vùng đất mới. Đi tới đâu, họ mang ngôn ngữ của mình theo tới đó. 

Ảnh: Bản đồ phân bố các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á ngày nay. Nguồn: Wikipedia.

Từ đây, ta gặp phải một câu hỏi còn hóc búa hơn, đó là: Ai đã từng sống trong vùng đất liền Đông Nam Á này trước khi các ngôn ngữ Nam Á trở nên phổ biến? Tức là, tổ tiên của người Việt, người Khmer… hiện đại, có phải đó là cùng một nhóm người vốn sống ở đây từ rất lâu trước đó, rồi họ bắt đầu nói tiếng Nam Á đúng vào thời điểm năng suất canh tác tăng cao? Hay là những người nói tiếng Nam Á đã từ bên ngoài tràn vào vùng đất này rồi thay thế và loại bỏ (từ lịch sự thay cho từ “giết”) nhóm người săn bắn hái lượm vốn đang sống ở đây? Về khúc mắc này, ngôn ngữ học không giúp gì được nữa. Có thể các ngôn ngữ Nam Á đã từng mượn từ ngữ từ tổ tiên săn bắn hái lượm trước đó, nhưng chúng ta không có cách nào tìm ra được. Ngữ hệ Nam Á đương nhiên có những mối liên hệ với các ngữ hệ khác vẫn tồn tại ngày nay, nhưng sự tách biệt quá lớn nên ta không thể nhìn ra mà chỉ có thể phỏng đoán. Vì thế, ta cần những bằng chứng bền bỉ hơn: di truyền học!

***

Trước khi bàn về chuyện này, ta cần phải hiểu một vấn đề căn bản trong di truyền học người, đó là con người chúng ta đều cực kì giống nhau — khoảng 99,9% DNA của chúng ta là giống hệt nhau, bất kể ta là người ở đâu đi nữa. Nhưng cũng như ngôn ngữ, những thay đổi dần tích lũy trong DNA của con người qua thời gian làm cho những nhóm người ở rất xa nhau trở nên khác biệt với nhau. Đó hầu hết là những biến đổi vô hại trong những đoạn DNA “ăn không ngồi rồi,” không có chức năng gì cả. Những biến dị di truyền này hoàn toàn trung tính, giống như những thay đổi trong ngôn ngữ: chúng không khiến ta tốt lên hay xấu đi, mà chỉ đơn giản là đổi khác đi mà thôi. Chúng ta mang trong DNA của mình những biến đổi có từ tổ tiên mình, mà những biến đổi này có thể khác so với những nhóm người sống tách xa chúng ta trong một khoảng thời gian dài. Khi lần theo những biến đổi đó, ta có thể so sánh nhiều cá thể và nhiều nhóm người với nhau, để rồi có thể trả lời những câu hỏi thú vị như: có phải một nhóm người ngày nay là con cháu của một nhóm người cổ xưa nọ hay không, hay, từ khi nào những tộc người khác nhau đã tách nhau ra hoặc hòa nhập vào với nhau?

Giờ đang là một giai đoạn rất phấn khởi của nghiên cứu người tiền sử, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, nhờ những kĩ thuật mới giúp tách chiết DNA từ xương người cổ đại và kĩ thuật giải trình tự DNA ngày càng rẻ và dễ tiếp cận hơn. Có hai nghiên cứu uy tín3, công bố vào năm 2018 trên tạp chí Science, đã giúp trả lời câu hỏi: sự phân bố của các nhóm người và các ngôn ngữ hiện nay [trong khu vực Đông Nam Á] đã hình thành như thế nào? Mục tiêu của hai nhóm nghiên cứu quốc tế này là, thứ nhất, thu thập DNA từ các mẫu xương người cổ đại đã được khai quật trong nhiều năm từ nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Đông Nam Á; và thứ hai, so sánh các mẫu DNA đó với nhau và với các nhóm người hiện đại. Trong một nghiên cứu (chỉ có “mỗi” 34 tác giả), các mẫu xương được khai quật từ năm khu khảo cổ ở Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Campuchia đã cung cấp DNA của 18 người cổ đại, những người đã từng sống trong khu vực đất liền Đông Nam Á vào thời kì nông nghiệp sơ khai. Còn trong nghiên cứu còn lại, người ta đã thu thập và so sánh mẫu DNA từ 26 cá thể người xưa, được khai quật từ các khu khảo cổ trong một khu vực rộng lớn hơn và bao quát một khoảng thời gian dài hơn. Trong đó có cả những người đã sống từ thời hàng ngàn năm trước khi nông nghiệp ra đời — nói cách khác, người thuộc văn hóa Hòa Bình

Văn hóa Hòa Bình là thời đại của những người săn bắn hái lượm sống ở Đông Nam Á trước khi những nông dân nói tiếng Nam Á từ phương Bắc di cư tới. Từ “văn hóa Hòa Bình” lấy từ tên tỉnh Hòa Bình, nơi tìm thấy những công cụ lao động tiền nông nghiệp đầu tiên. Nhưng thực ra những người sử dụng các công cụ này đã sống trong một khu vực rộng lớn hơn thế nhiều, bao gồm cả đất liền và các hòn đảo thuộc Đông Nam Á. Ta vẫn chưa rõ liệu đây là một nền văn hóa thống nhất, trong đó con người duy trì liên lạc đường dài với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau, hay đây là một loạt các nền văn hóa nhỏ nhưng có công cụ tương tự nhau. Ta biết rằng họ không làm nông, nhưng họ vẫn phải ăn, và họ đã lo được miếng ăn cho mình trong suốt 45000 năm trước khi những nông dân [nói tiếng Nam Á] kéo đến khu vực này. Chế độ ăn của họ rất phong phú, có lẽ còn phong phú hơn những lương thực từ nông nghiệp của thời kì sau. Ngoài đủ loại thủy hải sản, họ đã hái lượm hoa quả và cây lá ăn được mọc sẵn ở đây. Trong số đó, nhiều loại cây bản địa Đông Nam Á sau này đã được thuần hóa và được trồng khắp thế giới, như chuối, dừa, khoa sọ, khoai lang, và lúa gạo. 

Một số hiện vật thuộc văn hóa Hòa Bình: chày và cối (trên), rìu đá (dưới). Ảnh: baotanglichsu.vn

Hai nhóm nghiên cứu trên đã tìm cách làm sáng tỏ khúc mắc: liệu có phải những nông dân nói tiếng Nam Á đã thay thế những người thuộc văn hóa Hòa Bình, hay là những người Hòa Bình đó đã bắt đầu canh tác nông nghiệp và bắt đầu nói tiếng Nam Á? Họ phát hiện ra rằng cả hai giả thuyết trên đều không đúng. Thực tế là, những nông dân nói tiếng Nam Á cổ đại — chính là nhóm người đã đưa các kĩ thuật canh tác nông nghiệp cũng như các ngôn ngữ Nam Á vào khu vực này — đã hòa nhập cùng với người Hòa Bình vốn đã sống ở đó từ 45000 năm trước. Sau đó, nhóm người đem các ngôn ngữ Nam Á phổ biến khắp khu vực Đông Nam Á thực chất là con cháu của hỗn hợp nông dân nhập cư và người Hòa Bình. Điều này đã được khẳng định vào năm 2020 trong một nghiên cứu hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Viện Max Planck của Đức. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng trước khi nông nghiệp trở nên phổ biến thì hoàn toàn có thể phân biệt rõ hai nhóm người nói trên, nhưng từ khi các ngôn ngữ Nam Á bắt đầu lan tỏa thì hai nhóm này đã hòa nhập vào thành một quần thể, trong đó gốc gác nông dân nhập cư chiếm phần lớn. 

Nghiên cứu này cũng tìm ra rằng quần thể hỗn hợp này không khác mấy về mặt di truyền so với những người nói tiếng Nam Á ngày nay. Thời xưa thì họ ít trộn lẫn các yếu tố từ các nhóm nông dân gần đó, như người Tai và người Chăm, bởi vì các nhóm đó chưa di cư vào khu vực này. 

Tất cả những nhóm người này, và rộng hơn là tất cả loài người từng tồn tại từ hàng chục nghìn năm qua, đều là cùng một loài, các nhóm hoàn toàn có thể hòa trộn lẫn nhau, vậy nên họ cứ thế hòa trộn. Kết quả là, những cư dân hiện đại của vùng Đông Nam Á là con cháu của một gốc gác hỗn hợp. Trong DNA của một người điển hình ở vùng này chứa một lượng lớn nguồn gốc từ những nông dân nói tiếng Nam Á cổ xưa, nhưng không phải là toàn bộ. Một phần có nguồn gốc từ người cổ Hòa Bình — những người từng sống ở đây từ rất lâu trước khi những nông dân nói trên di cư tới, cũng là con cháu của những con người đầu tiên đặt chân lên vùng đất này. Một phần khác được truyền từ những nhóm người đến sau (hoặc đến cùng lúc) với di dân Nam Á, chẳng hạn như người Tai và người Chăm. Mỗi dân tộc sống trong khu vực này có riêng một lịch sử tiếp xúc với những nhóm người khác, nên DNA của một người điển hình của dân tộc đó sẽ là tổng hòa của nhiều nguồn gốc và là bức tranh phản ánh lịch sử đó. (Có lẽ cũng nên nói thêm, dân tộc đa số của Việt Nam, tức dân tộc Kinh, là một nhóm có mức độ hòa trộn di truyền với các nhóm láng giềng rất cao). Và tất nhiên, ta còn có thể tìm thấy dấu vết nguồn gốc từ châu Phi, châu Âu hay Ấn Độ trong một số người, bởi vì dù con người có tách xa khỏi nhau đến thế nào, chúng ta vẫn là một đám bản sao gần như giống hệt nhau. 

Khi lần theo dòng thời gian về quá khứ và sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, ta đã dần vẽ nên một bức tranh về lịch sử xa xưa của Đông Nam Á. Đây không phải là lịch sử được lưu lại trong sách và trong truyện, mà còn lâu đời hơn nữa. Lịch sử này chưa từng được viết lại, mà được tìm ra từ cách sống, cách ăn ở, cách nói năng của những con người sống ở đây. Bằng cách so sánh các ngôn ngữ hiện đại có họ hàng với nhau, các nhà ngôn ngữ học đã thành công chắp ghép nên một hình dung về ngôn ngữ nguồn cội của chúng. Khi kết hợp những từ ngữ của ngôn ngữ nguồn cội chung đó với những bằng chứng khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã khám phá thêm về cuộc sống của con người hàng ngàn năm trước, khi nông nghiệp bắt đầu phát triển trên vùng đất Đông Nam Á. Cuối cùng, qua việc nghiên cứu DNA của cả những người sống hiện nay và người cổ xưa, các nhà di truyền học đã làm sáng tỏ những bước di cư của các nhóm người khác nhau tới Đông Nam Á, bắt đầu từ những con người đầu tiên đặt chân tới chốn hoang sơ này vào hàng chục nghìn năm trước. Đó là một bản trường ca lịch sử được kể lại qua những nghiên cứu vô cùng xuất sắc. 


  1. Thanh điệu của tiếng Việt gồm 6 thanh: ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.

  2. Nguồn: Wikipedia

  3. Cả hai nghiên cứu đều là những dự án chi phí cao về hệ gen người và đều là thành quả từ hợp tác quốc tế quy mô lớn: một công trình có tới 66 tác giả thuộc 45 viện nghiên cứu khác nhau, trong đó có Viện Khảo cổ Hà Nội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất