Một sáng tháng Hai mịt mùng ở Oxford, nước Anh, tôi có mặt ở bệnh viện John Radcliffe, một khu phức hợp kiến trúc từ thập niên 1970 có hình tàu neo vào một ngọn đồi phía đông trung tâm thành phố, với mục đích rốp rẻng là để nhận “đau thương”. Tôi có hẹn với nhà khoa học tên Irene Tracey, một phụ nữ rắn rỏi chớm ngũ tuần đứng đầu Viện Khoa học thần kinh lâm sàng Nuffield của đại học Oxford và được nhiều người biết tới với biệt danh Bà hoàng Đớn đau. “Có lẽ chúng ta sẽ gặp chuyện, vì cô em tóc đỏ,” bà cảnh báo khi hai chúng tôi gặp nhau. Người tóc hung thường chịu đau không giống những người có màu tóc khác; nhiều người còn chột dạ hễ khi nghe thấy chữ H. “Chị xin lỗi, cô gái tóc hạt dẻ đáng yêu ạ,” bà chóng chữa lại, trong lúc một học viên cao học khác dùng thước và bút mực tím đồ một hình vuông một inch trên cẳng chân phải của tôi.
Tròng vào đôi găng cao su dày cui, nghiên cứu sinh khẽ phết một dún kem màu da cam vào chính giữa hình vuông và thoa đều ra tới bốn mép, như phủ bánh kem. Trong kem có capsaicin, hóa chất gây ra vị cay xè của ớt. “Chúng tôi chuộng capsaicin lắm,” Tracey chia sẻ. “Hóa chất này làm được hai điều hay ho: nó dần hăng cho tới khi trở nên dữ dội, và nó kích hoạt các thụ thể xúc giác trên da mà chúng ta đều biết rõ.” “Xức dầu thánh” xong, tôi ký các giấy tờ miễn truy cứu và được buộc vào giường máy MRI.
Đó là một máy MRI 7-Tesla, mà toàn thế giới có chỉ chưa đầy trăm chiếc. Từ trường nó sản sinh ra (tesla là đơn vị đo cường độ cảm ứng) gấp bốn lần từ trường máy MRI thông thường ở bệnh viện, nên mang lại hình ảnh có độ nét hơn rất nhiều. Trong lúc các bộ phận cấp đông làm nguội nam châm siêu dẫn cho máy chớp tắt theo nhịp, chuyên gia cảnh báo rằng khi anh đã đưa tôi vào trong, tôi có thể thấy buồn nôn, nhìn thấy đèn chớp, hoặc có cảm giác vị kim loại trong miệng. “Tôi hay thấy như thể mình gồng gắng dữ lắm,” Tracey chia sẻ. Bà giải thích từ trường ngay tức khắc sẽ kéo từng proton trong tổng số 10^27 nguyên tử hydro trong người tôi vào ngay hàng thẳng lối. Rồi bà ra ngoài để vào phòng điều khiển, nơi một dải màn hình trước mặt cho phép bà theo dõi bộ não tôi trải qua cơn đau.
Những giờ tiếp theo, tôi bị kim châm liên tục vào khuỷu tay và bắp chân. Một chai nước nóng chườm lên miếng capsaicin vuông gây ra cảm nhận đau tương đương vết phỏng cấp độ ba, sau đó một miếng chườm được đưa ngay vào để giảm đau. Mỗi lần vậy, Tracey cùng cộng sự đều đã chuẩn bị theo dõi một nhát cắt mới trong não, cỗ máy lại bíp một tiếng, và một màn hình nhỏ trước mặt tôi nhá chữ “Sẵn sàng” màu trắng trên nền đen. Sau mỗi lượt bị “dập”, tôi được yêu cầu đánh giá mức độ đau trong thang từ 0 tới 10.
Thoạt tiên, tôi e rằng mình sẽ khiến cả đội ngũ thất vọng. Miếng capsaicin chẳng ngứa ngáy gì mấy, và tôi chấm điểm 3 cho lượt châm đầu tiên, vì mong đợi hơn vì thực chứng. Nhưng tôi đã lo chuyện không đâu. Mẩu dán bắt đầu ngứa, rồi bỏng rát. Lúc chai nước nóng được cho lên, chừng sau đó một tiếng, tôi chắc chắn đã đau tới mức 8. Lượt châm tiếp theo cảm tưởng như tôi được trổ lên một xiên kim loại nóng rẫy.
“Cô em giỏi đấy,” Tracey đưa lời trong lúc chà hai bàn tay vào nhau, còn tôi bần thần đi ra. “Và cô em sở hữu một bộ não tròn trịa đáng yêu – mọi anh chàng cô nàng nghiên cứu sinh tiến sĩ đều muốn có cô em làm nghiệm thể.” Khi dữ kiện quét MRI của tôi được gửi đi phân tích, Tracey ấn một cốc cappuccino to vào bàn tay tôi và khẽ tháo miếng capsaicin ra bằng một mẩu gòn tẩm cồn.
Tracey chẳng cần han hỏi gì tôi mọi thứ xảy ra thế nào. Phần mềm phân tích, được lập trình ngay trong khoa của trường và hiện đang được sử dụng rộng rãi khắp thế giới, sử dụng một phổ màu từ lạnh sang nóng, có các pixel ba chiều mã hóa từ xanh sang đỏ sang vàng, tùy vào mật độ hoạt động thần kinh của vùng được quét. Tracey đã tiến hành nghiên cứu hàng ngàn “bản đồ màu”, là tên bà dành cho những tấm scan ra đời bằng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Quan sát một chuỗi hình sứa màu cam chớp nháy trong sọ tôi, Tracey nhìn thấy cơn đau của tôi trồi sụp, những đường viền của nó dao động từ hơi chút khó chịu cho tới đớn đau khôn xiết.
Với các nhà khoa học, từ lâu cơn đau đã phơi bày ra một vấn đề nan giải: đau là một chu trình sinh lý, như thở hay tiêu hóa, nhưng lại hoàn toàn và hết sức chủ quan – chỉ ta mới cảm thấy cái đau của ta. Chuyển tải cơn đau ấy để người khác hiểu được gian nan có tiếng. Virginia Woolf ca thán trước thực tế “một cô nữ sinh thông thường nhất, khi yêu, còn có Shakespeare hay Keats nói thay tâm sự; nhưng bảo một kẻ bị cơn đau đầu hoành hành mô tả với bác sĩ mà xem, từ ngữ tức khắc cạn khô.” Elaine Scarry, trong quyển “The Body in Pain” (tạm dịch: Cơ thể khi đau) năm 1985 viết như sau, “Cái đau của thân thể không chỉ kháng cự ngôn ngữ, mà còn chủ đích làm câm lặng ngôn từ.”
Bản thân ngành y cũng công nhận về việc không thể nào mô tả nỗi đau. “Hiểu được anh Đau tới đường tơ kẽ tóc sẽ tuyệt vời lắm đây,” Peter Mere Latham, hậu y của nữ hoàng Victoria, từng viết như thế, trước khi thảm não kết luận, “Những gì toàn thể con người rành rọt bởi trải nghiệm lại chẳng thể lột tả được bằng lời. Do đó, hãy để anh Đau được gọi đúng tên mình.”
Nhưng hai thập kỷ qua, một nhóm nhỏ các nhà khoa học bắt đầu tìm cách tóm bắt lại trải nghiệm đau thông qua dữ liệu khách quan, định lượng, và Tracey đã trở thành một nhân vật đáng gờm trong lĩnh vực hẹp này. Từ việc tiến hành quét não hàng ngàn người, khỏe mạnh cũng như bệnh tật, đồng thời thử khả năng chống chịu của nghiệm thể trước vết bỏng, đâm, chọt, và sốc điện, bà đã tiên phong áp dụng những biện pháp mang tính thể nghiệm hòng đo đạc không gian thần kinh của cơn đau. Vài năm mới đây, công trình của bà đã mở rộng từ nghiên cứu các cơn đau “thông thường” – trải nghiệm thường nhật, thoáng qua mỗi khi ta bị dập ngón hay bỏng lưỡi – sang phạm trù đau mãn tính. Những gì bà thu thập được đã làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về cơn đau; giờ đây các kết quả này còn hẹn hứa sẽ tiếp tục thay đổi chẩn đoán và điều trị cơn đau, một thay đổi lớn mang lại hiệu quả rõ rệt ở bệnh viện, tòa án, và xã hội nói chung.
Lịch sử tìm hiểu về đau đớn ắp đầy những nỗ lực đo đạc nỗi đau, dẫu tài tình nhưng đa phần bết bát. Bác sĩ thế kỷ 19 người Pháp Marc Colombat de l’Isère sử dụng nhịp và cao độ tiếng thét khi đau đớn. Vào thập niên 1940, bác sĩ tại ĐH Cornell sử dụng một dụng cụ tỏa nhiệt gọi là “thống kế” để căn chỉnh những giả lập đau đớn lên trán bệnh nhân. Thông qua ghi nhận mức tăng hay giảm của cảm giác, nhóm nghiên cứu đưa ra một thang đau từ những bậc “dol” tăng dần, mỗi dol “khang khác” với các dol xung quanh một chút. Năm rồi, các nhà khoa học ở M.I.T đưa ra một thuật toán với tên gọi DeepFacelift, ngõ hầu dự đoán điểm đau dựa trên biểu hiện khuôn mặt.
Các công cụ được áp dụng rộng rãi nhất vẫn dựa vào các tường thuật chủ quan của người trải qua đau đớn. Vào những năm 1950, nhà tâm lý người Canada Ronald Melzack đã chữa trị “một phụ nữ 70 tươi roi rói và tếu táu” bị đái tháo đường phải cưa cả hai chân. Bà bị chứng đau chân ảo hành hạ, và Melzack hết sức ngạc nhiên trước khả năng diễn tả bằng ngôn ngữ rất đỗi phong phú của bà. Ông bắt đầu thu thập những từ ngữ mà bà cùng các bệnh nhân khác sử dụng thường xuyên nhất, tổ chức từ vựng lại thành nhóm, nhằm chép ghi lại những chiều kích thời gian, cảm giác và cảm xúc, lẫn độ nghiêm trọng của từng bộ từ ngữ. Kết quả được xuất bản hai thập kỷ sau chính là Bảng câu hỏi đánh giá nỗi đau McGill, thang bao gồm 80 mô tả – “stabbing” (đau như bị đâm), “gnawing” (đau dai dẳng), “radiating” (đau lan dần), “shooting” (đau điếng). Bảng câu hỏi hiện vẫn được sử dụng rộng rãi, và cũng có một số khảo sát tiến hành về độ hiệu quả của thang trong bối cảnh lâm sàng, và chẳng khó thấy rằng cơn đau “quặn thắt” của người này lại là “sương sương” của kẻ khác. Chưa kể, một nghiên cứu do nhà xã hội học Cassandra Crawford phát hiện ra rằng, sau khi thang hỏi được xuất bản, các mô tả về cơn đau chân tay ảo thay đổi nhanh chóng, chỉ ra rằng công cụ đánh giá ở chừng mực nào đó đã dự trước các cảm giác mà nó sắp sửa đo đạc.
Trong khi đó, sử gia Joanna Bourke từng chỉ ra trong quyển “The Story of Pain” (tạm dịch: Chuyện Cơn đau), những nỗ lực nhằm chuyển dịch Khảo sát McGill sang các ngôn ngữ khác lại cho thấy vai trò của bối cảnh văn hóa trong tạc dựng ngôn ngữ, và từ đó tạc dựng nên cảm thụ của chúng ta. Ở Montreal giữa thế kỷ 20, người phụ nữ hoạt ngôn bị tiểu đường của Melzack có thể đã mô tả cơn đau nửa đầu là đau xé cơ hay dồn dập, nhưng người Ainu ở Sakhalin từ xưa lại đánh giá mức đau đầu bằng tiếng bước chân động vật phát ra gần giống nhất: một cơn đau đầu kiểu gấu trầm trọng hơn đau đầu kiểu hươu xạ. (Nếu cơn đau đầu còn kèm theo ớn lạnh, nó lại được mô tả cùng một hình ảnh sinh vật biển.)
Tới giờ công cụ đo đau phổ thông nhất từng được sử dụng chính là loại tôi dùng trong máy quét: thang số từ 0 tới 10. Tổ tiên sơ thô của nó ra đời từ 1948, khi Kenneth Keele, một bác sĩ tim người Anh, đã hỏi bệnh nhân thăm khám chấm điểm trong khoảng từ 0 (không đau) tới 3 (cực đau). Theo thời gian, thang đã nới tới 10, để thích nghi với những phân độ mới của cảm giác. Trong một vài tình huống, thay vì chọn số, bệnh nhân sẽ đánh dấu trên một đường thẳng dài 10 cm, mà đôi lúc được điểm trang thêm những gương mặt từ tươi cười cho tới bí xị.
Năm 2000, Quốc hội Mỹ tuyên bố khung 10 năm tiếp theo là “Thập kỷ Kiểm soát và Nghiên cứu về Đau,” sau lần Tòa án tối cao, do bác bỏ việc cho phép xem hỗ trợ tự sát như quyền hiến pháp, khuyến nghị tăng cường các biện pháp cải tiến chăm sóc bệnh nhân. Nỗi đau được chọn là “dấu hiệu quan trọng thứ năm” (cùng huyết áp, mạch đập, tần số hô hấp, và thân nhiệt), và đánh số nỗi đau từ đó trở thành một đặc điểm phổ biến trong các báo cáo y học, đơn thanh toán và cẩm nang thực hành tại Mỹ.
Thế nhưng các thang số còn khướt mới đáp ứng được. Trong chiếc máy MRI của Tracey, tôi cảm giác vết bỏng độ 3 của mình đau hơn tận 5 nấc so với các vết đâm trước đó, nhưng có phải mức này chỉ còn cách khả năng hình dung của tôi 2 nấc hay không? Đương nhiên là không rồi, bởi chưa từng sinh nở, chưa từng gãy xương, hay trải qua cuộc đại phẫu nào, thì làm sao mà tôi biết?
Đặc tính tự báo cáo khi ghi điểm nỗi đau đương nhiên dẫn tới chất vấn về độ chính xác. “Ta đau dữ dội là ta chắc chắn,” Elaine Scarry từng viết. “Nghe ai khác đau tức có nghi ngờ.” Nghi ngờ ấy mở ra cánh cửa quy chụp và thiên kiến. Quyển giáo khoa Nursing: A Concept-Based Approach to Learning (Tạm dịch: Chăm sóc sức khỏe: Một tiếp cận khái niệm về học tập) cảnh báo với những chuyên viên trong nghề rằng thổ dân da đỏ “có thể chọn một con số thiêng khi được yêu cầu đánh giá đau,” và tính xác thực của các báo cáo cá nhân nhiều khả năng bị chi phối bởi việc người Do Thái “tin rằng đau đớn cần được sẻ chia,” còn người da đen “tin rằng khổ và đau không sao tránh khỏi.” Năm ngoái, nhà xuất bản Pearson ra thông báo sẽ thu hồi đoạn viết xúc phạm trên ra khỏi các ấn bản trong tương lai, nhưng các thiên kiến thì vẫn còn phổ biến, và lần lượt các nghiên cứu trở về sau chỉ rõ ra những vênh lệch đáng kể khi xử lý cơn đau. Một bài nghiên cứu 2016 chỉ ra rằng bệnh nhân da đen dễ nhận được ít thuốc men điều trị hơn cho cùng mức độ đau đớn so với bệnh nhân da trắng. Một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Pennsylvania phát hiện rằng phụ nữ có xác suất nhận thuốc giảm đau kém nam giới 25%.
Chưa kể, từ lúc đánh giá cơn đau trở thành một đặc điểm phổ biến trong thực hành y tế Mỹ, các bác sĩ thường xuyên đối diện với một đại dịch trong hình dáng những đớn đau chưa từng được nêu lên trước kia. Đáp lại, họ bắt đầu tung ra thị trường thuốc giảm đau như OxyContin. Trong quãng thời gian từ 1997 tới 2010, số lượt kê thuốc hàng năm tăng 800%, lên tới 6,2 triệu USD. Hệ lụy thảm khốc về nghiện thuốc và lạm dụng thuốc kéo theo ai ai cũng rõ.
Thiếu vắng một thước đo độ đau tin cậy, y bác sĩ không sao có thể chuẩn hóa điều trị, hay đánh giá chuẩn xác mức độ thành công của công tác điều trị. Và, khi vẫn chưa có một phương tiện nhằm so sánh và lượng hóa các chiều kích dọc ngang của hiện tượng này, thì tự thân nỗi đau vẫn cứ luôn là một bí ẩn. Cốt lõi vấn đề là con gà và quả trứng: khi tôi hỏi Tracey vì lẽ gì đau đớn lại cưỡng cầu mô tả khách quan như thế, bà giải thích rằng chúng ta hiểu biết về tính sinh học của nỗi đau hết sức nghèo nàn. Những tri giác cơ bản khác – xúc giác, vị giác, thị giác, khứu giác và thính giác – được truy gắn vào những vùng não cụ thể. “Với đau chúng ta lại không hề có,” bà giải thích. “Chúng ta vẫn không biết được đích xác làm thế nào bộ não cấu tác nên trải nghiệm về hiểu biết tuyệt đối, không gì bàn cãi của chúng ta về đau đớn.”
***
Irene Tracey sống gần như trọn đời ở Oxford. Bà sinh ra ở Nhà thương Radcliffe, theo học phổ thông ở một trường công, và theo học hóa sinh học thời đại học. Chồng bà, Myles Allen, cũng là một giáo sư Oxford, phụ trách thí nghiệm mô phỏng khí hậu quy mô nhất thế giới, và hai vợ chồng sống ở North Oxford, trong một ngôi nhà song lập ngổn ngang ấm cúng đầy thiết bị thể thao và bài tập về nhà của đàn con. Năm 1990, Tracey khởi sự tấm bằng tiến sĩ tại Oxford, dùng công nghệ MRI để nghiên cứu về tổn thương cơ và não trên bệnh nhân loạn dưỡng cơ Duchenne. Còn bây giờ, công nghệ MRI bà sử dụng để chụp não tôi chỉ vừa được nâng cấp. Nó truy theo hoạt động thần kinh bằng cách đo đạc các thay đổi khu cục liên quan tới dòng máu lưu chuyển mang theo oxy qua bộ não. Một neuron bận rộn đòi hỏi nhiều oxy hơn, và do máu giàu hoặc nghèo oxy có từ tính khác nhau, hoạt động thần kinh sẽ tạo ra một thay đổi khả truy trên từ trường máy quét MRI.
Năm 1991, một đội ngũ tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Boston, trình chiếu video đầu tiên hãy còn lắm nhiễu về một vỏ não thị giác “lóe sáng” khi biến các xung thần kinh từ tế bào thị giác thành hình ảnh. Bị thu hút, Tracey nộp đơn tham gia chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại bệnh viện và bắt đầu công tác tại đây từ năm 1994, sử dụng công nghệ MRI bất cứ khi nào có thể. Khi Allen, lúc đó vẫn còn là bạn trai của bà, từ Anh bay sang thăm Tracey nhân dịp Valentine, bà đã hủy chuyến sang New York được lên kế hoạch trước đó để tận dụng một lượt sử dụng bỏ trống trên máy quét. Allen cả buổi chiều vùi mình trong cỗ máy, độn đủ áo quần để giữ ấm, trong lúc Tracey nhìn chăm chăm vào não của ông. Allen kể với tôi ông đã định cầu hôn Tracey hôm đó, nhưng để dành chiếc nhẫn đính hôn cho một dịp khác.
Về cuối thời học bổng ở Boston, Tracey mới bắt đầu suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về cơn đau. Từng chơi khúc côn cầu hồi thiếu niên, bà từng trải qua thế nào là một cơn đau kinh hoàng – một chấn thương gối cần phải mổ – nhưng chính một giao tiếp tình cờ với các đồng nghiệp ở phòng khám là thứ làm nảy nở niềm hứng thú bà dành cho khoa học. “Chính từ một trong những giao tiếp tình cờ thoáng qua kia mà cả một bầu trời được mở ra trước mắt,” bà chia sẻ với tôi. “Như thể, Lạy Chúa, đây là tất cả những gì mình tìm kiếm bấy lâu. Nó vừa áp dụng được lâm sàng, lại vừa có tự biện lý thú, và cuối cùng chúng ta chẳng biết gì sất. Thế là tôi nghĩ, cơn đau sẽ là thứ dành cho tôi.”
Lúc này, Tracey đã được tuyển mộ để về lại và góp sức thành lập Trung tâm Oxford về Chụp Cộng hưởng Từ Não bộ (Oxford Centre for Functional Magnetic Resonance Imaging of the Brain). Các nhà khoa học đa phần đã từ bỏ ý định truy tìm một vỏ não phụ trách cơn đau : trong các nghiên cứu ít ỏi về fMRI được công bố mô tả hoạt động của não khi một người bị phỏng hay kim châm, các kết quả quét não dường như chỉ ra rằng cơn đau dùng tới nhiều kích hoạt thuộc nhiều phần não khác nhau, thay vì duy nhất một nơi, như với thính giác hay thị giác. Dự định của Tracey là thiết kế ra một chuỗi thí nghiệm tách rõ từng thành phần của hoạt động này, tách thửa các khía cạnh khác nhau của cơn đau nhằm hiểu chính xác đóng góp của từng vùng não riêng biệt vào cảm giác chung.
Năm 1998, trong lúc phòng thí nghiệm được xây dựng, bà gửi gắm học viên tiến sĩ đầu tiên của mình, một học giả Rhodes tên Alexander Ploghaus, sang Canada, trang thiết bị nhồi kín hành lý, để tranh thủ một tuần sử dụng máy MRI của đơn vị hợp tác. Các nghiệm thể của cả hai là một nhóm sinh viên đại học, trong đó gồm có các vận động viên khúc côn cầu trên băng, những kẻ cứ huênh hoang về khả năng chịu đau. Mỗi khi có sinh viên vào máy, Tracey và Ploghaus dùng một cơ chế nhiệt tự chế để tạo ra cảm giác bỏng hoặc sức ấm dễ chịu vào mu bàn tay trái, trong khi đèn đỏ, xanh lá và xanh dương chớp tắt. Đèn bật thành một chuỗi chừng như ngẫu nhiên, nhưng dần dà các nghiệm thể nhận ra rằng luôn có một màu dự báo đau và một màu khác luôn theo sau bởi sức ấm khoan khoái, nhẹ nhàng. Các bản quét thu được hết sức ấn tượng. Suốt thí nghiệm, các kiểu hình xung não của những người này vẫn bình ổn khi đau, nhưng khi họ đã nhìn thấy quy luật của thí nghiệm, đèn sáng quái lạ bắt đầu kích thích nhiều máu đổ về một vài vùng não – thùy đảo trước và các vùng vỏ não trước trán. Các vùng này theo kết luận của Tracey và Ploghaus chịu trách nhiệm việc chúng ta dự báo về cơn đau.
Minh chứng thực tế rằng trải nghiệm đau có thể được tạo ra từ dự trù của chúng ta, hơn là bởi cảm giác, chính là bước thí nghiệm đầu tiên được tiến hành nhằm phân nhỏ hiện tượng đau thành những cấu tố nhỏ hơn. “Thay vì nhìn thấy tất cả những đốm màu kia sáng lên vì đau, chúng tôi còn muốn hiểu xem, Chúng đang chỉ về phần nào của cơn đau?” Tracey nhận xét. “Có phải tính khu trú, hay cường độ, hay sự dự đoán, hay nỗi lo âu?” Suốt một thập kỷ sau, Tracey tiếp tục thiết kế các thí nghiệm phơi bày vai trò của từng vùng não khác nhau trong khâu truyền tải trải nghiệm đau đớn. Bà ứng dụng kết quả nghiên cứu hành vi, vốn cho rằng sự phân tán tư tưởng làm giảm cảm nhận về đau – chẳng hạn khi bác sĩ bảo đứa bé đếm ngược từ 10 về 1 khi chuẩn bị chích – và dùng nó làm nền cho một thí nghiệm chỉ rõ khi việc tập trung đếm số sẽ làm giảm bớt xung não ở nhiều khu vực khi ta đau thông thường sẽ sáng lên. Bà nghiên cứu tác dụng của trầm cảm lên cảm nhận đau đớn – người mắc trầm cảm thường thấy đau đớn hơn so với người nhận cùng kích thích – và chỉ ra rằng phát hiện này cũng có thể làm thay đổi sự phân chia và cường độ của xung thần kinh.
Một trong những thí nghiệm trứ danh nhất của Tracey là kiểm chứng nhận định phổ biến rằng niềm tin tôn giáo giúp con người chịu đau tốt hơn. Khi đem so sánh các phản hồi thần kinh của các tín đồ Cơ Đốc thuần thành so với phản hồi của người vô thần, Tracey nhận ra rằng cả hai nhóm thử nghiệm đều có cùng các trải nghiệm đau nền như nhau, nhưng nếu họ được cho xem ảnh Đức mẹ Maria (họa phẩm của Sassoferrato, một họa sĩ Baroque người Ý) trong lúc thử đau, những tín đồ sẽ xếp mức độ ảnh hưởng thấp hơn mức của những người vô thần. Khi các tình nguyện viên được cho xem một bức tranh thế tục (“Phu nhân và chồn” (Lady with an Ermine) của Leonardo da Vinci), cả hai nhóm có phản hồi như nhau. Các kết quả này có khả năng lan tỏa rất cao, và không chỉ dừng ở chỗ chúng cho ta thấy thái độ văn hóa có thể để lại một dấu ấn thần kinh nhất định. Mà ở chỗ, nếu như đức tin tham gia vào cơ chế thần kinh có công dụng giảm đau – các Kitô hữu cho thấy xung năng tăng cao ở một vùng não thường gắn liền với khả năng áp chế cảm giác cơ thể – hoàn toàn có thể tìm ra những cách thức phi tôn giáo khác để kết nối mạch thần kinh này.
Nghiên cứu của Tracey từ đó bắt đầu lý giải được lý do vì sao chúng ta cảm nhận cơn đau khác nhau và vì sao cùng một cơn đau nhưng mỗi người lại cảm nhận mỗi ngày mỗi khác. Nhiều kết quả thu thập được đơn giản là củng cố các thực hành tâm lý và lẽ thường hiển hiện, thế nhưng cơ sở khoa học của Tracey còn có thêm giá trị lâm sàng. “Vô số người áp dụng liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) vào cuối mỗi buổi nói chuyện sẽ tìm tới tôi hoặc viết mail sau đó,” Tracey kể. “Họ cho rằng những gì thu được đã góp phần nâng cao hiểu biết cho các thân chủ, bằng cách nói rằng mỗi khi họ lo lắng sợ đau hay buồn bã vì cơn đau, thì đây có sẵn hình ảnh minh họa vì sao họ thấy đau hơn.”
Các thí nghiệm sơ khởi của Tracey liên tiếp khẳng định rằng cơn đau có cơ chế thần kinh hết sức phức tạp, bao gồm các phản ứng do bộ não sản sinh ra. Dù vậy, bằng cách xác định các vùng não kiểm soát các yếu tố hỗ trợ, như dự báo, Tracey cùng cộng sự dần có thể khoanh vùng những vùng não quan yếu nhất. Năm 2007, Tracey công bố một khảo sát từ một nghiên cứu có sẵn và định ra khái niệm được bà gọi tên “đặc trưng não bộ của đau đớn” – tức những mô thức điển trưng sản sinh ra bởi các vùng não đồng loạt thi triển khi đau đớn xảy ra. Một số vùng não này có kích thước lớn, và bao gồm nhiều chức năng khác nhau. Không chức năng nào chỉ tuyền phục vụ cho cơn đau. Nhưng, khi chúng ta nhìn vào các đốm cam trên bản fMRI trên màn hình laptop, Tracey tuôn tiếp một tràng tên các vùng não và kết luận, “Chỉ cần một cú véo nhẹ, ta kích hoạt hết tất cả các vùng não này.”
Năm 2013, Tor Wager, một nhà khoa học thần kinh tại ĐH Colorado, Boulder, kế thừa và phát triển một thuật toán có thể nhận dạng một số mô thức đặc trưng của cơn đau; ngày nay, thuật toán có thể chỉ ra đâu là những bộ não đang đau đớn với độ chính xác hơn 95%. Khi yêu cầu thuật toán lọc các khu vực xảy ra xung thần kinh theo cường độ, kết quả thu được khớp với đánh giá cơn đau chủ quan của nghiệm thể tham gia. Bằng cách phân tích xung thần kinh, thuật toán không chỉ cho biết liệu người đó có đau đớn hay không mà còn cho biết họ đau tới dường nào. “Điểm đáng chú ý chính là các tín hiệu đau cơ bản là khá tương đồng ở nhiều đối tượng khác nhau,” Wager cho biết. “Nhưng trong các tín hiệu này, hệ thống não lại có vai trò quan trọng ít hay nhiều tùy thuộc vào từng cá nhân.”
Tuy nhiên trong số các mô thức sinh ra cơn đau của bộ não, chỉ duy nhất một vùng luôn có cường độ ở mức đồng nhất cao: thùy đảo trung tâm phía sau. Sử dụng một công nghệ chụp ảnh hiện đại, Tracey và một cộng sự cao học, Andrew Segerdahl, gần đây đã phát hiện ra cường độ của trải nghiệm đau dai dẳng ứng chính xác với các biến thiên lưu lượng máu đưa tới vùng não cụ thể này. Nói cách khác, hoạt động của vùng não này, rốt cuộc ta đã biết, cung cấp một thang sinh học chuẩn về đau đớn. Tracey háo hức mô tả vùng đảo, một khe kéo dài nằm sâu trong khe Sylvain như sau: “Đó là một hòn đảo trồi lên trong vỏ não, nằm ngay chính giữa và sâu trong não,” bà mô tả. “Và nó sở hữu đủ mọi chức năng tuyệt diệu. Khi ta nói, “Thực ra tôi đang thấy hơi lạnh, cần khoác áo ấm vào,” đâu là cái thôi thúc ta thốt ra câu ấy? Có lẽ chính là vùng não này.”
Tầm quan trọng của thùy đảo trước kia đã từng được nhắc tới trong một thí nghiệm không kém phần kinh thiên động địa do Laure Mazzola, một nhà thần kinh học tại Trung tâm nghiên cứu Khoa học thần kinh Lyon, Pháp, tiến hành. Các bệnh nhân bị động kinh kháng thuốc thường được các nhà giải phẫu chữa trị bằng cách vô hiệu hóa các phần não nơi xảy ra co giật. Trước khi tiến hành giải phẫu, các nhà thần kinh học thường kích thích vùng não và các khu phụ cận bằng điện cực, nhằm bảo đảm can thiệp đúng vị trí. Tận dụng cơ hội này, Mazzola kích thích nhiều phần khác nhau của thùy đảo phía sau ở các bệnh nhân trước khi giải phẫu và ghi lại phản ứng của họ. Khi bà tiến tới vùng hành não sau, Tracey kể, bệnh nhân “lao ngay khỏi giường”. Sự hiện hữu của vùng dò trong não tự thân không gây ra đau đớn, bởi tại đây chẳng hề có các thụ thể đau nào. Ấy vậy mà kích hoạt vùng não này rõ đã đủ để gây ra một cơn đau tổng hợp vô cùng thuyết phục.
Một hôm sau sau cuộc quét fMRI của tôi, Tracey dẫn tôi tới phòng thí nghiệm Kiểm đau Lâm sàng của khoa, một căn phòng bà gọi tên là “phòng tra tấn”. Một tấm biển màu đỏ sáng choang với dòng chữ “Không được vào trong,” và Tracey rút đi một đai co giãn chặn cửa. Bên trong căn phòng là đủ mọi thiết bị mà bà cùng đội ngũ có thể sử dụng để hành hạ người khác vì mục đích khoa học. Khi tôi nằm ra một chiếc ghế kiểu nha sĩ màu xanh dưới ánh đèn huỳnh quang duy nhất bên trong, Tracey cùng vài đồng nghiệp cho đốt mu bàn tay tôi bằng laser. Một người ấn một thiết bị kích thước bằng một thẻ nhớ máy ảnh vào bắp tay tôi. Nó rung lên bởi những phần tử gia nhiệt được bọc trong một lớp vàng lá để dẫn nhiệt tiếp xúc với da. “Chúng tôi có thể tăng khoảng 16 độ C trong chưa đầy một giây,” Tracey cho hay.
Mỗi biện pháp có một công dụng riêng. Laser và điện cực có thể thay đổi chính xác cường độ đau trong các thí nghiệm đòi hỏi có sự chuyển dịch nhanh chóng giữa các mức kích ứng. Capsaicin, nhờ khả năng hoạt hóa hệ thần kinh trung ương, trở nên hiệu quả nhất trong mô phỏng cơn đau mãn tính. Các bóng hậu môn bơm hơi mô phỏng cơn đau đặc trưng gây ra với tổn thương nội tạng. Tất cả các biện pháp này đều được thiết kế với một mục tiêu đạo đức, nhằm tạo ra các cảm giác chân thực nhất, đủ để mô phỏng lại sự đau trong thực tế mà không gây ra tác hại lâu dài. Một nhà khoa học đang thu thập các dữ liệu có thể công bố không thể dùng búa đánh ai đó mà vẫn hy vọng rằng mỗi cú đánh thỏa theo yêu cầu và chỉ xảy ra duy nhất một lần, kể cả khi hội đồng đạo đức của viện cho phép điều đó xảy ra.
Tracey đã xây dựng bộ quy trình để áp đặt ra được mức đau tối đa với mức tổn thương mô tối thiểu. Vận dụng các thủ thuật tâm lý và thay đổi cường độ được điều chỉnh tinh vi, Tracey cũng đưa ra được nhiều phương thức khác nhau để làm tăng cảm nhận cơn đau của nghiệm thể. Đồng thời, nghiên cứu xác định các vùng não thiết yếu nhất trong trải nghiệm đau đã vô tình chỉ ra cách tạo ra cơn đau nhân tạo thông qua kích ứng thần kinh tập trung. Chẳng cần quá giàu trí tưởng tượng cũng hình dung được nguy cơ sử dụng hiểu biết này vào sai mục đích. Vì lẽ đó, Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (I.A.S.P) áp dụng một quy chuẩn đạo đức trong hành xử, và các thành viên hiệp hội tuyên thệ sẽ không gây đau đớn hay gia tăng cơn đau của bất kỳ ai bên ngoài bối cảnh và mục đích thí nghiệm.
Một vấn đề đạo đức uẩn khúc hơn bao hàm tiềm năng sử dụng bản chụp thần kinh như một phương thức phát hiện nói dối – để phơi bày những kẻ giả đò hay khai khống nỗi đau của mình lên để hưởng nhiều đền bù hơn trước tòa. “Đau là một phạm trù cực kỳ quan trọng trong luật pháp,” Henry Greely, giám đốc Trung tâm Luật và Sinh khoa, ĐH Stanford, cho tôi biết. “Đau là chủ đề trọng tâm của hàng trăm ngàn vụ tố tụng hàng năm tại Mỹ.” Nhiều vụ kiện thuộc về các chấn thương cá nhân; số khác lại về thương tật An sinh xã hội và bảo hiểm tư nhân. Greely chỉ ra rằng thiếu vắng một bài kiểm tra đau khách quan đồng nghĩa với việc không những thiếu sót những cá nhân đáng ra cần được đền bù (hoặc ngược lại) mà còn cả hàng triệu giờ vàng bạc ngoài tòa. Ông ước rằng, nếu có một thang đo toàn diện được chấp thuận về đau, đa số các vụ kiện sẽ được hòa giải trước tố tụng thay vì hầu tòa.
Greely tin rằng việc thường xuyên sử dụng bằng chứng fMRI ngoài tòa có thể dăm mười năm nữa mới thành hiện thực, nhưng đã có những dấu hiệu về việc triển khai tới đây. Năm 2008, một đồng nghiệp của Greely, Sean Mackey, được lệnh làm chứng chuyên môn cho một vụ kiện một người kiện công ty sản xuất hắc ín sau khi bị phỏng cấp độ một và hai. Luật sư của ông dự định sử dụng dữ liệu quét não để chỉ ra các chấn thương đã mang lại cơn đau mãn tính cho ông. Đội ngũ pháp lý của công ty muốn mời Mackey đứng ra lập luận rằng nền tảng khoa học hiện nay không thể đưa ra đánh giá khách quan về thế nào là đau. Vụ kiện cuối cùng được dàn xếp ngoài tòa án, nhưng chánh án quyết rằng, bất chấp quan điểm chần chừ từ Mackey, người ta chấp nhận sử dụng bằng chứng từ các kết quả quét fMRI.
Tất cả các nhà khoa học tôi được dịp trao đổi qua đều thận trọng khi nhấn mạnh rằng lĩnh vực này vẫn chưa đủ để công nhận kết quả fMRI làm chứng cớ hợp pháp của cơn đau, hay thay thế cho các tường thuật trực tiếp (subjective report). Một số người tin rằng công nghệ không bao giờ đạt tới trình mức này. Karen Davis, một nhà nghiên cứu ở Viện não Krembil, Toronto, bảo với tôi rằng, “Đau, theo định nghĩa, là một trải nghiệm chủ quan. Thuật lại từ chủ thể chính là thước đo duy nhất đúng.” Greely thì kém chắc hơn: “Tôi sẵn lòng công nhận rằng đau là một tình trạng chủ quan, nhưng vẫn có những điều khách quan sờ sờ ra đó vẫn cứ cho ta bán tín bán nghi về hiện thực của đau đớn.”
Davis có cơ sở thỏa đáng để lo lắng về những luận điểm pháp lý xoay quanh ảnh chụp thần kinh tới mức vừa qua cô chủ trì một nhóm đặc nhiệm của I.A.S.P để xem xét vấn đề. Các nhà nghiên cứu dành trọn đời mình tìm ra những cách nỗi đau của chúng ta bị ảnh hưởng bởi tâm trạng, tâm cảnh, và ám thị theo lẽ thường tỏ ra nghi ngờ trước ý nghĩ một lời khai cá nhân có thể được chứng minh hay phủ nhận bằng cách buộc một người nằm vào bên trong một môi trường ngang, bất động, khép kín, tách biệt, ồn ào, chán ngắt, và được kiểm soát nghiêm ngặt. Mặc dù fMRI thường được cho là một phương thức rõ nét để tìm hiểu chức năng não, Davis bảo với tôi rằng nhìn nhận nó như một bộ ảnh tĩnh phân giải thấp, nhiễu, rút ra từ một phim trắng đen về bộ não con người thì sẽ chính xác hơn. Nếu như các xung điện di chuyển dọc theo các neuron chỉ kéo dài một mili giây, máu được đo fMRI xem như một proxy xuất hiện ngay sau xung điện, và dần tiêu biến.
Phần lớn khâu quét não được máy quét MRI 3-Tesla đảm nhận, do đó kết quả không thể chuẩn xác với độ chính xác dưới 2 milimet. Các neuron thần kinh nhỏ tới nỗi một khối mô não kích thước 2 milimet không thôi đã chứa tới hàng vạn neuron. Kể cả máy MRI 7-Tesla quét não tôi cũng chỉ có phân giải tối đa 1 milimet. Tracey khuyến nghị không nên đánh giá quá cao khả năng lý giải của “bản đồ xung não”. “Bên dưới đốm màu này còn rất nhiều những sắc thái khác, và liên quan sâu tới giải phẫu học,” bà chia sẻ. Với mục đích xác thực các kết quả tìm thấy, Tracey thường kết hợp chụp từ với các kỹ thuật khác, chẳng hạn các biện pháp đo xung điện bằng điện não đồ.
Khá ít người chọn tham gia quét não khi họ đang đau đớn, và một thuật toán như thuật toán của Wager, vốn dự đoán chính xác cơn đau ở não của một nhóm nhỏ tình nguyện viên khỏe mạnh, hóa ra không thể ngoại suy thỏa đáng để đem áp dụng cho toàn bộ dân số. Nhưng Greely tin rằng chỉ cần nhiều nghiên cứu nữa đã đủ để khỏa lấp nhược điểm này. Ông dự báo rằng, khi các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu và hình thành nên các quy trình chuẩn hóa đầy đủ, lĩnh vực chụp thần kinh sẽ theo bước giám định ADN pháp y – một đột phá khoa học rốt cuộc sau một thời gian đã được cho là đủ phù hợp làm bằng chứng trước tòa. Sự tin tưởng của chúng ta dành cho ADN pháp y ngày càng được nhìn nhận là bất ổn, nhưng Greely vẫn kiên quyết. “Chẳng bằng chứng nào hoàn hảo,” ông nhận định. “Những dữ liệu tòa trông cậy nhất – lời khai của nhân chứng – nổi tiếng là phập phù, nhưng chúng ta cứ dùng suốt mà thôi.”
Khi tôi hỏi xem liệu Tracey có cho rằng rốt cuộc công trình của bà sẽ loại bỏ nỗi đau khỏi thế gian không, bà khịt mũi một tiếng để không phá lên cười. Bà lý giải, hầu hết đau đều “tốt”. Bị thương khi chạm tay vào một bề mặt bỏng cháy rõ ràng chẳng dễ chịu chút nào, nhưng hết sức thiết yếu. Khi ở Oxford, tôi gặp gỡ một cộng tác viên của bà, nhà khoa học thần kinh David Bennett, tác giả công trình nghiên cứu những bệnh nhân vì các đột biến gen hiếm mà không hề thấy đau. “Chị có thể thắc mắc, Vì sao con người sinh ra với một hệ thống buộc ta phải cảm thấy đau?” Bennett hỏi ngược lại tôi. “Và các bệnh nhân kia thường trả lời câu hỏi rất rất mau mắn, bởi không biết đau mới quả là một thảm họa về sức khỏe.” Thường thì, ông chia sẻ, họ mất sớm. Cổ kim, họ thường trở thành những thành viên gánh xiếc: một đơn cử sớm sủa nhất từng được chép ghi là một người Czech di cư tới Mỹ, được một bác sĩ tên Dearborn ở Bronx năm 1932 mô tả. Theo Dearborn, bệnh nhân kiếm sống ở một gánh tạp kỹ dưới tên Edward H. Gibson – Gối người Găm kim, bằng cách mời gọi khán giả lên sân khấu để đâm kim vào cơ thể mình.
Bennett nói các bệnh nhân theo chữa trị từng nhai mất đầu lưỡi và cào rách giác mạc. Họ mất thính giác vì nhiễm trùng tai không chữa, vô tình chống tay lên các bề mặt bỏng, hay đi bằng hai chân đã gãy, vì vậy làm tứ chi bị dị dạng. Theo đặc thù tiến hóa, Bennett giải thích, chúng ta có cấu tạo sinh học để dự báo về cơn đau: con người mềm yếu, và thế gian lại là chốn nguy nan. Trải qua cơn đau thống cùng giúp chúng ta tránh đi tổn thương hiện tại và dạy chúng ta hạn chế lặp lại nó trong tương lai.
Nhưng còn có cả kiểu đau “xấu” – thứ đau đớn chẳng đến từ một nguồn ngoại tại cụ thể nào. Cơn đau mãn tính thường được diễn dịch, đôi phần phiên phiến, là “cơn đau kéo dài lâu hơn quãng phục hồi thông thường.” Trên thực tế, khi đã bị “đau mãn tính,” theo Tracey, đau trở thành bệnh, chứ chẳng còn là triệu chứng. Quan điểm biểu thị cho một thay đổi trong cách nhìn nhận, phần nào đến từ công trình của bà. Cho tới gần đây, đau mãn tính vẫn còn được coi là đau “thông thường” nhưng kéo dài hơn mà thôi. Nhưng kết quả quét não lại chỉ ra rằng, nếu hai người, một đau mãn tính và người còn lại bình thường, nhận được cùng một vết phỏng hay kim châm, não của cả hai biểu hiện khác nhau. Theo Tracey, đau mãn tính nay được hiểu là “một cơn đau mới mẻ, có một đời sống riêng, có sinh học và cơ chế riêng, mà đa phần chúng ta hãy còn chưa thật thấu hiểu.”
Vài năm trở lại đây, Tracey, như đa số các nhà nghiên cứu khác, chú trọng vào cơn đau hữu ích; cốt yếu là thấu hiểu về quy trình sinh học thần kinh liên quan. Thế nhưng vấn đề đích xác nằm ở đau mãn tính. Các ước tính chỉ ra rằng đâu đó từ 10 tới 30% dân Mỹ đau mãn tính. Chi phí gánh nặng lên xã hội nằm vào khoảng 600.000 tới tận 35 tỉ USD hàng năm – nhiều hơn tổng gộp của ung thư và bệnh tim. Và đằng sau thống kê này chính là tổn thất nặng nề về cảm xúc lẫn tinh thần lên những con người ngày đêm đau đớn. Một nhà báo khác được chẩn mắc đau cơ xơ hóa 20 năm trước chia sẻ với tôi rằng toàn thể con người ông bị khuất phục bởi nỗi giày vò đau đớn. “Đó là con người của tôi hôm nay. Tôi tan nát. Tôi cần được chữa, nhưng không thể.”
Nghiên cứu mới đây nhất của Tracey đã khảo sát một cơ chế thần kinh chủ đạo của đau mãn tính. Nó trú tại thân não, một khối chất xám hình trụ khó chạm nằm ở đỉnh dây thần kinh, có vai trò dẫn truyền trao đổi giữa não tới cơ thể và ngược lại. Các thí nghiệm trên động vật đã xác định hai cơ chế bên trong thân não, vừa hạn chế vừa khuếch trương tín hiệu đau trước khi chúng đi tới các phần còn lại của não. Nhờ công trình chụp não thành công hơn một thập kỷ trước, bà có thể khám phá cách vận hành của hai cơ chế này. “Vùng não kia chặn tín hiệu nhận về,” bà giải thích về phần não chịu trách nhiệm trong các tình huống ta lẽ ra nên thấy đau nhưng không – chẳng hạn khi não bị xao nhãng bởi cảm giác lâng lâng khi kết thúc đường marathon. Rủi thay, ở một số người cơ chế tăng trọng nỗi đau lại là chủ đạo. Kết quả quét não bệnh nhân bị đau thần kinh do tiểu đường do Tracey và Segerdahl tiến hành cho thấy giao tiếp từ thân não đến các vùng não góp vào cảm giác đau được gia tăng, thông qua cột sống.
Tracey chia sẻ với tôi rằng dường như tất cả chúng ta đều chịu sự chi phối của thân não khi cảm nhận nỗi đau, nhưng ở các bệnh nhân mãn tính có vẻ những núm vặn cơn đau được bật hết cỡ và kẹt cứng luôn ở đó. Chẳng ai biết vì sao tình trạng quá mẫn cảm này xảy ra. Các nghiên cứu trên cặp sinh đôi cho thấy rằng phản xạ đau phần nào mang tính di truyền, nhưng tồn tại các tương quan gần giữa đau mãn tính và các yếu tố khác – giới tính, tuổi tác, độ căng thẳng, tình trạng giàu nghèo, trầm cảm. Tracey bắt đầu nghiên cứu liệu các trải nghiệm đau đớn trên thân thể tái diễn đầu đời có gây ra các thay đổi ở thân não làm họ dễ bị đau mãn tính về sau trong đời. Cùng các cộng sự tại Oxford, Tracey tham gia một nghiên cứu theo thời gian (longitudinal study) trên trẻ sinh non quá sớm và một nghiên cứu khác trên các em gái vị thành niên có thời gian thống kinh nặng nề.
Mặc dù kết quả từ công trình này cần thêm nhiều năm nữa mới thu thập được, nghiên cứu thân não của Tracey đã bước đầu được ứng dụng lâm sàng. Vài năm trước, hợp tác với bác sĩ thấp khớp Anuskha Soni, Tracey tiến hành chụp não các bệnh nhân viêm khớp trước và sau giải phẫu thay thế khớp gối. Chừng 1/5 bệnh nhân thay gối cảm thấy cuộc giải phẫu không làm giảm cơn đau, và như mọi khi, chẳng một ai biết vì sao. Nhưng khi phân tích bản chụp, Tracey thấy rằng các bệnh nhân xui xẻo kia trải qua sự tăng xung ở cơ chế thân não làm gia tăng tín hiệu đau. Não của họ chỉ ra rằng họ đã “chuyển sang mãn tính”, chẳng còn xếp được vào nhóm người bình thường bị đau khớp gối như trước nữa.
Dẫu chụp não tất cả mọi bệnh nhân là bất khả, các kết quả thí nghiệm fMRI lại ứng khớp mạnh mẽ với phản hồi từ một khảo sát tên gọi paindetect (xác định cơn đau), được thiết kế để chẩn đoán hỏng hóc thần kinh. Bảng câu hỏi này có thể dự đoán kết quả khả dĩ của giải phẫu, do đó bệnh nhân có thể có đầy đủ hơn thông tin để đưa ra quyết định có nhất thiết tiến hành phẫu thuật hay không. Tracey cũng đang thí nghiệm, trên một nhóm 24 tình nguyện viên, một hỗn hợp vùng não mà bà hy vọng có thể làm thuyên giảm hoạt động của vùng thân não quấy quá. Vừa kịp lúc, các bệnh nhân nhiều khả năng kém hiệu quả trong giải phẫu có thể được kê thuốc hiệu chỉnh sinh hóa thân não để giảm đau.
Kết quả lớn nhất từ công trình của Tracey có thể nằm tại bào chế thuốc. Thuốc giảm đau từ lâu đã trở thành một nghĩa trang dược phẩm, theo lời Tracey; quá trình bào chế thuốc thường bị hủy bỏ khi bệnh nhân không ghi nhận bất kỳ cải thiện nào. “Nhưng đánh giá của họ về cơn đau có thể vẫn tiếp tục tăng vì nhiều lý do khác nhau – họ thấy âu lo, trầm cảm, và dự báo sẽ tiếp tục đau đớn,” Tracey cho biết. “Chúng ta đã vứt hết mọi thuốc men hẳn đã có hiệu quả tốt chỉ bởi sai thước đo – chúng ta cậy vào đánh giá chủ quan.” Bà tin rằng các thí nghiệm thuốc sẽ đáng tin cậy hơn một khi hiệu dụng của thuốc có thể đo lường dựa trên mục tiêu khách quan. Tracey thuộc về một tập hợp các nhà nghiên cứu, những người đã nhận được nguồn tài trợ lớn từ Quỹ Sáng kiến Y học Đổi mới Châu Âu để góp phần xây dựng một bộ đánh giá và đo lường các biểu hiện sinh học, dùng vào việc tìm hiểu xem liệu các thuốc mới có tác dụng tới đâu trước các cơ chế sinh đau hiện có, bất luận họ có cảm thấy bớt đau hay không. Rốt cuộc, bà mong rằng các tổ hợp trị liệu sẽ được ứng dụng cốt để tạm ngừng các hệ thống thần kinh chuyên biệt gây ra nỗi đau cho mỗi chúng ta.
Vài tuần sau lượt tôi thử thách với máy MRI, Andrew Segerdahl email tôi kết quả. Tôi tìm kiếm các vùng não theo họ tư vấn là quan trọng, nhưng những gì tôi nhìn ra là cả một bộ não cháy bùng. Tất cả đều cam, nhất là bán cầu não trái. (Tôi bị thử đau ở chân phải.)
Qua điện thoại, Segerdahl hướng dẫn tôi đi qua từng bản quét. “Bản chụp của chị thực ra rất khó hình dung,” anh chia sẻ. “Não của chị sáng thật là sáng – rất nhiều thứ xảy ra.” Nhưng rồi anh ấy chỉ cho tôi xem một chuỗi hình ảnh được xử lý chỉ thể hiện mã màu ở các vùng não có lượng máu gia tăng khi tôi trải qua cơn đau kéo dài do kem capsaicin gây ra. Mô hình đặc trưng của cơn đau bắt đầu hình thành, và Segerdahl nhẩm lại cho tôi nghe tên những vùng não kích hoạt như gọi tên cố tri.
Và rồi một bộ ảnh chụp thể hiện bộ não của tôi khi ở thời điểm miếng hạ nhiệt giảm đau được đắp vào. Có nhiều vùng với các mức xung khác nhau – hình ảnh nom vẫn rộn ràng như bản đồ nhiệt – nhưng các đốm màu bắt đầu khẽ thay đổi về hình dạng và vị trí. Trong não tôi, cơn đau bắt đầu hoán thành sảng khoái, và, ngạc nhiên thay, nhiều vùng não mới đó cũng tham dự, nhưng kích hoạt theo một đặc điểm khang khác. “Còn rất nhiều điều nữa trong nửa còn lại của phương trình này mà chúng ta cần phải thấu hiểu,” Segerdahl tâm sự. Anh ngập ngừng, “Như kiểu, tôi cực kỳ hứng thú, nhưng gần như chẳng muốn rớ vào, bởi đó là mục tiêu tối hậu.”
Tracey từ lâu nay đã bắt đầu nhìn vào sự sung sướng gần như song song với nghiên cứu bà tiến hành về cơn đau. “Như hai mặt của đồng xu,” bà chia sẻ. Rất nhiều dấu hiệu về sự tương liên giữa đau và khoái hiện ra trong công trình nghiên cứu của Tracey. Các bệnh nhân đau mãn tính còn trải qua tình trạng bất thụ lạc – anhedonia – không thể cảm nhận được sung sướng – và nghiên cứu chỉ ra rằng các hệ thống tưởng thưởng trong não họ được kết nối khác đi với não bình thường. Đau theo lẽ thường là một ưu tiên nghiên cứu riết róng hơn, bởi thực tế hầu hết chúng ta đều không chịu đựng được nó, nhưng thấu hiểu được đau đớn sẽ còn đòi hỏi chúng ta thấu hiểu hơn nữa về đối cực của nó. “Jeremy Bentham có một câu nói mà tôi rất thích,” Tracey chia sẻ. “Tự nhiên đặt toàn thể nhân loại dưới hai ách, vui sướng và thống khổ.” Đó là hai thứ đưa đẩy dắt dìu chúng ta, trong tư cách động vật, làm những thứ chúng ta bấy lâu vẫn luôn làm.”