Có riêng một động từ nhân danh Alex Honnold. Để “honnold” — thường được viết là “honnolding” — tức là đứng ở một vị trí cao, bấp bênh, dựa lưng vào tường và nhìn thẳng vào vực thẳm. Đối mặt với sợ hãi, theo đúng nghĩa đen.
Từ này lấy cảm hứng từ những bức ảnh của Honnold ở chính vị trí đứng như thế trên vách Thank God, cao 1.800 ft (khoảng 550m) so với mặt đất tại Công viên Quốc gia Yosemite. Honnold lách ngang qua gờ hẹp này với gót chân chạm vách và mũi chân hướng vào hư không, khi, vào năm 2008, cậu trở thành nhà leo vách núi đầu tiên từng chinh phục bờ mặt toàn đá Granite của Half Dome một mình không sử dụng dây. Chỉ cần mất thăng bằng, cậu ấy sẽ rơi trong suốt 10 giây và chết trên mặt đất xa bên dưới. Một. Hai. Ba. Bốn. Năm. Sáu. Bảy. Tám. Chín. Mười.
Honnold là vận động viên leo núi vĩ đại nhất từ trước tới nay ở trường phái đơn tự do, tức là cậu ấy leo mà không sử dụng dây hay thiết bị bảo hộ nào. Từ trên cao khoảng trên 50 ft (khoảng 15m), bất kỳ cú ngã nào cũng có khả năng gây chết người, tức là, vào những ngày leo nhiều nhất, cậu ấy có thể dành 12 giờ hoặc hơn trong Vùng chết. Tại những đoạn khó nhất của một số tuyến đường leo núi, ngón tay của cậu ấy sẽ bấu vào mặt đá với diện tích tiếp xúc nhỏ hơn khi ta chạm vào màn hình điện thoại, trong khi ngón chân của cậu ấy đặt xuống các gờ mỏng như que kẹo cao su. Chỉ việc xem video Honnold leo núi sẽ khiến hầu hết mọi người bị chóng mặt, tăng nhịp tim hoặc buồn nôn — và đó là trong trường hợp họ xem được. Ngay cả Honnold cũng bảo rằng bàn tay của mình đổ mồ hôi khi xem bản thân trên phim.
Tất cả những điều này đã khiến Honnold trở thành nhà leo vách núi nổi tiếng nhất thế giới. Cậu ấy đã xuất hiện trên trang bìa của National Geographic, trên 60 Minutes, trong quảng cáo cho Citibank và BMW, và trong một loạt các video thịnh hành. Honnold có thể đoan chắc là cậu có cảm thấy sợ hãi (cậu mô tả việc đứng trên vách Thank God là “đáng sợ một cách ngạc nhiên”), nhưng cậu đã trở thành một biểu tượng tối thượng của lòng dũng cảm.
Cậu ấy cũng truyền cảm hứng cho không thiếu những lời đàm tiếu rằng có điều gì đó không ổn với hệ thần kinh của mình. Năm 2014, cậu thuyết trình tại Explorers Hall, tại trụ sở Hiệp hội Địa lý Quốc gia ở Washington, D.C. Khán giả có mặt ở đó để nghe chia sẻ từ nhiếp ảnh gia leo núi Jimmy Chin và nhà thám hiểm kỳ cựu Mark Synnott, nhưng trên hết họ đã tụ tập để ngạc nhiên vì những câu chuyện về Honnold.
Synnott nhận được hưởng ứng mạnh nhất từ một câu chuyện lấy bối cảnh ở Oman, nơi nhóm đã đi thuyền buồm để thăm những ngọn núi hẻo lánh của bán đảo Musandam, vươn ra như một bàn tay xương hướng vào cửa Vịnh Ba Tư. Tới một ngôi làng biệt lập, họ lên bờ để hòa mình với những người dân địa phương. “Đến một lúc,” Synnott kể, “những người này bắt đầu la hét và chỉ lên vách đá. Và chúng tôi kiểu, “Có chuyện gì thế?” Và tất nhiên tôi đang nghĩ, “Chà, tôi khá chắc là tôi biết chuyện gì rồi.”
(Trên sân khấu) xuất hiện bức ảnh lý giải sự trầm trồ của đám đông. Kia là Honnold, chính chàng trai bình thường đang ngồi trên sân khấu trong chiếc áo hoodie xám và quần kaki, trên ảnh trông giống như một món đồ chơi khi cậu ta ở trên một bức tường khổng lồ màu xương đằng sau thị trấn. (“Chất lượng đá ở đấy không phải là tốt nhất,” Honnold nói sau đó.) Cậu ấy chỉ có một mình và không có dây bảo hiểm. Synnott tóm tắt phản ứng của dân làng: “Cơ bản, họ nghĩ Alex là một phù thủy.”
Khi phần trình bày ở Explorers Hall kết thúc, các nhà thám hiểm ngồi lại để ký tặng ảnh. Những khán giả tập hợp thành ba hàng. Trong số đó, có một nhà sinh học thần kinh đã chờ đợi để chia sẻ vài lời cùng Synnott về phần não gây ra sự sợ hãi. Vẻ lo âu, ông ta ghé sát vào, liếc về phía Honnold và nói, “Hạch hạnh nhân của đứa trẻ đó không hoạt động.”
***
Honnold nói với tôi, hồi xưa cậu ấy có lẽ sẽ sợ (lời của cậu ấy, không phải của tôi) để các nhà tâm lý và khoa học soi vào não, thăm dò hành vi, khảo sát tính cách của cậu ấy. “Tôi chẳng bao giờ muốn nhìn vào bên trong cái xúc xích,” cậu nói. “Giống như, nếu nó hoạt động, nó ổn. Tại sao lại đặt câu hỏi về nó? Nhưng bây giờ tôi cảm thấy như mình đã vượt qua điều đó.”
Và vì vậy, một sáng tháng ba năm 2016, cậu ta được đặt nằm kiểu xúc xích cuộn bên trong một ống trắng lớn tại Đại học Y Nam Carolina, ở Charleston. Đây là một máy quét não cộng hưởng từ (fMRI), về cơ bản là một nam châm khổng lồ, ghi nhận hoạt động trong các vùng khác nhau của não bằng cách theo dõi các dòng máu.
Nhiều tháng trước, tôi tiếp cận Honnold để tìm hiểu về bộ não được ngưỡng mộ và chú ý của cậu ta. “Tôi cảm thấy hoàn toàn bình thường, bất kể điều đó có nghĩa là gì,” cậu ta bảo. “Sẽ thật thú vị để xem khoa học nói gì.”
“Tại sao cậu ta làm việc này?”
Jane Joseph là nhà khoa học thần kinh nhận thức tình nguyện thực hiện quá trình quét, người vào năm 2005 là một trong những người tiên phong thực hiện fMRI trên những người tìm kiếm cảm giác mạnh — họ bị thu hút bởi những trải nghiệm mãnh liệt và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có chúng. Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu hoạt động tìm kiếm cảm giác mạnh trong nhiều thập kỷ vì nó thường dẫn đến các hành vi mất kiểm soát như nghiện ma túy và rượu, quan hệ tình dục không an toàn, và nạn cờ bạc. Ở Honnold, Joseph đã nhìn thấy khả năng của một điển hình đáng chú ý hơn: người siêu tìm kiếm cảm giác mạnh, theo đuổi trải nghiệm ở ngoài giới hạn nguy hiểm, nhưng có thể điều chỉnh chặt chẽ phản ứng của tâm trí và cơ thể đối với chúng. Cô cũng chỉ đơn thuần kinh ngạc về những gì Honnold có thể làm. Cô đã cố gắng xem các video quay cảnh cậu ta leo núi không dây, nhưng bản thân là một người ít ưa cảm giác mạnh, thấy chúng quá sức mình.
“Tôi háo hức được thấy bộ não của cậu ấy như thế nào,” cô nói, ngồi trong phòng điều khiển sau tấm kính tráng chì khi quá trình quét bắt đầu. “Sau đó, chúng ta sẽ chỉ cần kiểm tra xem hạch hạnh nhân của cậu ấy thế nào để xem: Liệu cậu ấy có thực sự không sợ hãi không?”
Thường được coi là trung tâm sợ hãi của não, hạch hạnh nhân chính xác hơn là trung tâm của hệ thống phản ứng trước đe dọa và phân tích tình thế. Nó nhận thông tin trực tiếp từ các giác quan của chúng ta, chẳng hạn như khi bất ngờ gặp phải vách đứng thì chúng ta có thể lùi lại mà không cần tới một giây cân nhắc, và kích hoạt một loạt các phản ứng cơ thể quen thuộc với hầu hết mọi người: tăng nhịp tim, đổ mồ hôi tay, trải nghiệm hiệu ứng tầm nhìn ống1 và chán ăn. Đồng thời, hạch hạnh nhân chuyển thông tin lên mức độ xử lý cao hơn trong cấu trúc não, nơi nó có thể được chuyển thành cảm xúc có ý thức mà chúng ta gọi là sợ hãi.
Bản quét giải phẫu ban đầu của não Honnold xuất hiện trên máy tính của kỹ thuật viên MRI James Purl. “Cậu có thể đi xuống hạch hạnh nhân của cậu ta không?” Joseph hỏi. Dữ liệu y khoa ghi nhận rằng các trường hợp bệnh bẩm sinh hiếm gặp, chẳng hạn như bệnh Urbach-Wiethe2, có thể làm tổn thương và thoái hóa hạch hạnh nhân. Mặc dù những người này thường không cảm thấy sợ hãi, họ cũng có xu hướng biểu hiện các triệu chứng kỳ lạ khác, chẳng hạn như hoàn toàn thiếu ý thức đến không gian cá nhân. Một bệnh nhân có thể cảm thấy thoải mái khi đứng sát mặt với những người khác trong khi duy trì ánh mắt trực diện.
Purl cuộn con trỏ máy tính xuống, qua những vùng não nhìn như đốm mực Rorschach, cho đến khi một cặp mấu hình quả hạnh xuất hiện trên màn hình đột ngột hiện ra. “Cậu ấy có một cái!” Joseph nói, và Purl bật cười. Bất cứ điều gì có thể giải thích cho việc Honnold có thể leo tự do vào Vùng chết, đó không phải là bởi ở vị trí hạch hạnh nhân của cậu ấy là một không gian rỗng không. Joseph nói, nhìn thoáng qua, bộ máy này có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
Bên trong ống, Honnold đang xem một loạt khoảng 200 hình ảnh có nội dung xáo trộn và kích thích lướt qua với tốc độ của chúng ta khi chuyển kênh trên TV. Joseph nói: “Ít nhất ở những người không-phải-Alex, chúng sẽ gợi lên một phản ứng mạnh mẽ trong hạch hạnh nhân. Thành thật mà nói, tôi không thể chịu nổi khi nhìn vào một số ảnh trong đó.” Những tấm ảnh bao gồm các xác chết với nhân dạng biến dị đầy máu me; bồn cầu nghẹt phân; một phụ nữ tự cạo nhẵn vùng kín; và hai cảnh leo núi nhằm cổ động.
Joseph nói: “Có thể hạch hạnh nhân của cậu ta không hoạt động — cậu ta không có phản ứng nội sinh đối với những kích thích này. Nhưng có thể xảy ra trường hợp cậu ấy có một hệ thống điều phối thần kinh được mài dũa tốt đến mức cậu ấy có thể nói, ‘Được rồi, tôi đang cảm thấy tất cả những thứ này, hạch hạnh nhân của tôi đang hoạt động,’ nhưng vỏ não trước của cậu ấy lại mạnh mẽ tới mức khiến cậu ấy bình tĩnh lại.”
Ngoài ra, còn một câu hỏi hiện sinh hơn. “Tại sao cậu ta làm việc này?” cô nói. “Cậu ấy biết điều đó nguy hiểm đến tính mạng — tôi chắc chắn rằng mọi người nói thế với cậu ấy hàng ngày. Có thể phần thưởng của nó thực sự mạnh mẽ, ví dụ như sự kích thích khi leo núi đem lại cảm giác rất xứng đáng.”
Để tìm hiểu, Honnold được đưa vào thử nghiệm thứ hai, “nhiệm vụ phần thưởng,” trong máy quét. Cậu ta có thể thắng hoặc thua một số tiền nhỏ (số tiền nhiều nhất cậu ta có thể thắng là 22 đô la) tùy thuộc vào tốc độ cậu ta nhấp vào nút khi có tín hiệu. Joseph nói: “Đó là một nhiệm vụ mà chúng tôi biết sẽ kích hoạt cơ chế phần thưởng rất mạnh mẽ trong não của chúng ta.”
Trong trường hợp này, cô ấy đang quan sát kỹ nhất một phần não khác, hạt nhân tích tụ (nucleus accumbens), nằm không xa hạch hạnh nhân (cũng đang hoạt động trong mạch phần thưởng) gần đỉnh thân não. Nó là một trong những bộ xử lý chính của dopamine, chất dẫn truyền thần kinh giúp khơi dậy ham muốn và khoái cảm. Joseph giải thích, những người siêu tìm kiếm cảm xúc mạnh có thể cần nhiều kích thích hơn những người khác để đạt được dopamine.
Sau khoảng nửa giờ, Honnold ra khỏi máy quét với đôi mắt buồn ngủ. Sinh trưởng ở Sacramento, California, cậu ta có cách nói chuyện xuề xòa dễ chịu và một thái độ mâu thuẫn kỳ lạ có thể được mô tả là vô cùng thoải mái — biệt danh của cậu ta là No Big Deal (“Không có gì to tát”), đó là đánh giá của cậu ta về hầu hết mọi trải nghiệm mà cậu ta trải qua. Giống như hầu hết các nhà leo núi chuyên nghiệp, cậu ấy săn chắc giống như một người tập thể lực hơn là một người tập thể hình. Chỉ ngoại trừ những ngón tay của cậu ấy, chúng lúc nào cũng trông như thể vừa bị dập vào cửa ô tô, và đôi cẳng tay thì gợi ta nhớ đến thủy thủ Popeye.
“Phải nhìn tất cả những hình ảnh đó — điều đó có được tính là đang bị căng thẳng không?” cậu ta hỏi Joseph.
“Những hình ảnh mà cậu thấy được dùng khá nhiều trong ngành để gây ra kích thích tương đối mạnh,” Joseph trả lời.
“Rằng thì, tôi không thể nói chắc, nhưng tôi thấy là, sao cũng được,” cậu ta nói. Những bức ảnh, thậm chí là “hình những đứa trẻ bị thiêu gớm ghiếc các thứ” khiến anh ấy bị thấy chán. “Nó giống như nhìn qua một bảo tàng những thứ kì quặc.”
***
Một tháng sau, sau khi nghiên cứu các bản quét não Honnold, Joseph tham dự một hội nghị từ xa ở Thượng Hải, Trung Quốc, nơi Honnold đang chuẩn bị leo bằng dây thừng tại trần thạch nhũ của vòm đá Getu. Không giống Honnold mọi khi, giọng nói của cậu để lộ sự mệt mỏi và thậm chí là căng thẳng. Vài ngày trước, gần Index, Washington, cậu đã leo lên một con đường dễ dàng để gắn dây cho bố mẹ bạn gái. Khi bạn gái của cậu, Sanni McCandless, hạ cậu ấy trở lại mặt đất, đột nhiên cậu rơi 10 feet cuối cùng lên một đống đá lổm chổm bên dưới — sợi dây không đủ dài để đưa cậu xuống đất và đầu cuối sợi dây bị trượt qua bàn tay của McCandless. “Đó chỉ là vụng thôi,” cậu nói. Honnold bị gãy nén hai đốt sống. Đây là tai nạn nghiêm trọng nhất trong cuộc đời leo núi của cậu ta, và nó xảy ra khi Honnold được gắn vào một sợi dây.
“Tất cả những bức ảnh não này nghĩa là gì?” Honnold hỏi, nhìn vào những bức ảnh fMRI sặc sỡ mà Joseph đã gửi cho cậu ta. “Não em có còn nguyên vẹn không?”
Joseph trả lời: “Não cậu vẫn ổn. Và nó khá thú vị.”
Ngay cả từ góc độ người không chuyên, có lý do rõ ràng cho sự quan tâm của cô ấy. Joseph đã sử dụng đối tượng so sánh — một nam vận động viên leo núi mê cảm giác mạnh ở độ tuổi tương tự như Honnold. Giống như Honnold, đối tượng điều khiển đã mô tả các nhiệm vụ trong máy quét là hoàn toàn không gây kích động. Tuy nhiên, trong hình ảnh fMRI về phản ứng của hai người đàn ông đối với các bức ảnh gây kích động mạnh, với hoạt động của não được biểu thị bằng màu tím điện, hạch hạnh nhân của đối tượng điều khiển sáng như một tín hiệu đèn Neon còn của Honnold có màu xám. Hạch hạnh nhân của cậu không thể hiện sự kích thích.
Lật qua bản quét phần phản ứng cơ chế tiền thưởng: Một lần nữa, hạch hạnh nhân của đối tượng đối chứng và một số cấu trúc não khác “sáng lấp lánh như cây thông Noel,” Joseph nói. Trong não của Honnold, hoạt động duy nhất là ở các vùng xử lý đầu vào bằng hình ảnh, chỉ xác nhận rằng cậu đã thức và nhìn vào màn hình. Phần còn lại của bộ não của cậu ta là hai màu đen trắng vô hồn.
“Không nhiều điều xảy ra trong não tôi,” Honnold trầm ngâm. “Nó chỉ không làm gì cả.”
Để xem liệu cô ấy có, bằng cách nào đấy, bỏ lỡ điều gì không, Joseph đã xem xét số liệu tới ngưỡng thống kê. Cuối cùng cô đã tìm thấy một đơn vị duy nhất — khối lượng vật chất não nhỏ nhất được máy quét lấy mẫu — đã sáng lên trong hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, tại quy mô ấy, dữ liệu thực không thể phân biệt được với sai số. “Không ở đâu, ở một ngưỡng khả tín, tồn tại sự kích hoạt hạch hạnh nhân,” cô nói.
Điều tương tự có thể xảy ra khi Honnold leo không dây tại những tình huống có thể khiến hầu như bất kỳ người nào khác phát hoảng? Đúng vậy, Joseph nói — trên thực tế, đó đúng là những gì cô ấy nghĩ đang diễn ra. Cô ấy nói ở đâu không có sự kích hoạt thì có lẽ không có phản ứng trước đe dọa. Honnold thực sự có một bộ não phi thường, và cậu ấy thực sự có thể không cảm thấy sợ hãi trên đó. Không chút nào. Không một chút nào cả.
***
Honnold luôn bác bỏ ý kiến cho rằng mình không biết sợ. Đối với thế giới bên ngoài, cậu được biết đến như một hình mẫu về sự bình tĩnh khác thường khi cậu treo mình bằng các đầu ngón tay trên lằn sống chết mong manh. Tuy nhiên, hơn mười năm trước đã không ai theo dõi cậu khi 19 tuổi, đang đứng ở vạch xuất phát của cuộc leo núi không dây lớn đầu tiên: Corrugation Corner, gần hồ Tahoe, California. Trên thang điểm phức tạp mà các nhà leo núi sử dụng để mô tả độ khó của đường leo, Corrugation Corner có điểm là 5,7 — 15 điểm dễ hơn so với mức kỹ năng tối đa của Honnold lúc ấy. Tuy nhiên, nó vẫn cao 300 ft (khoảng 91m). “Bạn ngã và bạn chết,” Honnold nói.
Để có thể leo vách núi tự do, trước tiên cậu ấy phải có mong muốn làm như thế. “Tôi nghĩ rằng điều độc đáo không phải là khả năng leo tự do của tôi mà tôi nghĩ điều độc đáo duy nhất là lòng ham muốn thực sự,” Honnold nói. Những người hùng của cậu ấy là những nhà leo núi không dây như Peter Croft và John Bachar, họ đã đặt ra những tiêu chuẩn mới cho bộ môn này trong những năm 1980 và 90. (Honnold cũng vô cùng nhút nhát, điều này khiến cậu ấy khó tìm được đồng đội khi leo có dây.) Cậu ấy đã xem ảnh của họ trên tạp chí leo núi và biết — ngay lập tức biết — rằng cậu ấy muốn đặt mình vào những nơi tương tự: Mạo hiểm một cách hoang dã, đầy khả năng chết người nhưng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.
Nói cách khác, cậu ấy là người tìm kiếm cảm giác mạnh điển hình. Cùng ngày khi đi vào ống MRI, Honnold cũng trả lời một số cuộc khảo sát được các nhà tâm lý học sử dụng để đo mức độ ưa mạo hiểm của một người. Cậu được yêu cầu đồng ý hoặc không đồng ý với những câu như, tôi sẽ tận hưởng cảm giác trượt tuyết rất nhanh xuống dốc núi cao (“Tôi thích trượt tuyết xuống dốc nhanh,” cậu ta nói); Tôi sẽ thích nhảy dù (“Tôi đã học cách nhảy dù”); và tôi thích tự mình khám phá một thành phố hoặc một khu vực xa lạ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bị lạc (“Đó là cuộc sống hàng ngày đối với tôi”). Cậu ấy đã từng điền vào một bảng câu hỏi tương tự tại một triển lãm dụng cụ thể thao ngoài trời, trong đó câu hỏi về việc liệu cậu ấy có bao giờ cân nhắc liệu bộ môn leo núi được minh họa bằng hình ảnh của Alex Honnold.
Không nơi nào trong trung tâm sợ hãi ở não Honnold mà nhà thần kinh học có thể phát hiện ra hoạt động.
Tuy nhiên, Honnold cuối cùng lại sợ, thực sự sợ hãi, ở khe Corrugation. Cậu treo mình trên những mấu leo lớn thân thiện. Cậu nói: “Tôi nắm chặt chúng như điên.” Tuy nhiên, rõ ràng là cậu đã không bỏ cuộc sau trải nghiệm đầu tiên ấy. Thay vào đấy, Honnold đã mặc thứ mà cậu gọi là “áo giáp tinh thần” và vượt qua ngưỡng sợ hết lần này đến lần khác. “Đối với mỗi lần leo tự do khó mà tôi thành công, chắc phải có hàng trăm lần leo dễ khác mà tôi đã tập,” cậu nói.
Từng chút một, những động tác có vẻ quá sức đối với cậu dần có vẻ không quá điên rồ: các pha leo tự do mà cậu chỉ treo mình bằng ngón tay, hai chân vung vẩy trên không, hoặc, như cậu đã làm vào tháng sáu trên một đường leo khét tiếng mang tên The Complete Scream, không sử dụng dây tại một địa hình mà cậu ta chưa bao giờ leo. Trong 12 năm leo núi tự do, Honnold đã làm vỡ mấu bám, trượt chân, lạc vào địa hình lạ, bị bất ngờ vì các con vật như chim và kiến, hoặc chỉ cảm thấy “buồn nản bên bờ vực, khi đã ở trong không gian vô định quá lâu.” Nhưng bởi vì cậu đã xoay sở được đối phó với những vấn đề này, cậu dần bớt đi sự lo lắng về chúng.
Đối với Marie Monfils, trưởng phòng thí nghiệm về ký ức sợ hãi Monfils tại Đại học Texas ở Austin, quá trình của Honnold nghe như một cách tiếp cận khuôn mẫu, nếu không phải rõ ràng là cực đoan, nhằm đối phó với nỗi sợ hãi. Monfils cho biết, cho đến gần đây, hầu hết các nhà tâm lý học đều tin rằng những ký ức — bao gồm cả những ký ức về nỗi sợ hãi — trở nên “hợp nhất” hoặc không thể thay đổi ngay sau khi chúng được tạo thành. Chỉ trong vòng 16 năm qua, tư duy đó đã thay đổi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi khi chúng ta nhớ lại một ký ức, nó sẽ trải qua quá trình tái tổ hợp, nghĩa là chúng ta có thể thêm thông tin mới hoặc cách giải thích khác vào trí nhớ của mình, thậm chí biến những ký ức sợ hãi thành những ký ức không sợ hãi.
Honnold ghi nhật ký leo một cách tỉ mỉ, trong đó anh ấy xem lại những lần leo núi của mình và ghi chú lại những gì anh ấy có thể làm tốt hơn. Đối với những lần leo tự do khó khăn nhất, cậu ấy cũng bỏ rất nhiều thời gian để chuẩn bị: luyện tập các động tác và sau đó là hình dung từng động tác để thực hiện hoàn hảo nhất. Nhằm sẵn sàng cho một lượt leo 1.200 ft (khoảng 366m) ở đỉnh cao của leo tự do, cậu thậm chí còn tưởng tượng ra mọi sai sót có thể diễn ra — bao gồm “Leo hỏng,” rơi xuống và chảy máu trên tảng đá bên dưới — nắm rõ những khả năng trước khi rời mặt đất. Honnold đã hoàn thành chuyến leo núi đó, được gọi là Moonlight Buttress, trong Công viên Quốc gia Zion ở Utah, khoảng 13 năm sau khi bắt đầu leo núi và 4 năm sau khi anh ấy bắt đầu leo tự do.
Theo Monfils, nhìn lại những ký ức cũ dưới góc nhìn mới gần như chắc chắn là điều mà chúng ta luôn làm mà không hề hay biết. Nhưng chủ động làm vậy, như Honnold, thì tốt hơn — “một ví dụ tuyệt đẹp về sự tái tổ hợp.”
Hình tượng hóa — hay có thể coi là tiền tổ hợp, theo đó một người phác thảo ra một sự kiện trong tương lai thay vì một sự kiện trong quá khứ — hoạt động theo cùng cách đó. Monfils nói: “Để xem lại từng bước đi, bạn có thể kì vọng rằng cậu ấy đã tổ hợp trí nhớ vận động của mình, dẫn đến kết quả là cậu ấy có cảm nhận về năng lực bản thân cao hơn. Cảm nhận về năng lực bản thân cũng đã được chứng minh là làm giảm lo lắng, và giúp giải thích rằng tại sao, chẳng hạn như những người sợ nói trước đám đông (nhân tiện, như Honnold từng sợ) cảm thấy ít lo lắng hơn khi họ làm vậy thường xuyên hơn và phát triển các kỹ năng của họ.
Monfils nói: “Bạn sẽ tốt hơn theo thời gian nếu bạn có thể đặt mình vào một tình huống mà bạn trải qua một số nỗi sợ hãi, nhưng bạn vượt qua được nó và bạn cứ lặp đi lặp lại điều đó. Điều đó thật khó và đó là một khoản đầu tư lớn, nhưng nó sẽ dễ dàng dần.”
Một lần nữa, hạch hạnh nhân đóng một vai trò quan trọng. Monfils dẫn một ví dụ từ cuộc sống của chính cô ấy. Là người sợ rắn chính hiệu, một ngày nọ, đang chèo thuyền cùng bạn bên hồ, cô phát hiện một con rắn lục nước độc, đang treo mình trên cành cây. Monfils bắt đầu la hét, chèo điên cuồng ra giữa hồ và tránh né những cuộc phiêu lưu ngoài trời cả một năm sau. Về sau trong một chuyến đi bộ đường dài, cô đụng độ một con rắn khác và lại hoảng sợ. Lần này, cô ấy áp dụng kiến thức chuyên môn của mình vào vấn đề. Cô ấy đã cố gắng bình tĩnh và nhớ lại các tình tiết một cách bình tĩnh và hợp lý. Cô đã củng cố ký ức đáng sợ của mình thành một thứ hữu ích hơn. Chỉ một tuần sau, cô kìm nỗi sợ, thu hết can đảm và lại đi trên những con đường mòn.
“Hạch hạnh nhân có thể kích hoạt trong tích tắc trước khi bạn nhớ ra, ‘à, đây là chỗ mình đã nhìn thấy con rắn,’” cô nói. “Do vậy, bạn thấy bàn tay đẫm mồ hôi và lòng đầy rối loạn. Và điều này đòi hỏi sự tham gia chủ động này từ phía bạn để sử dụng đến vỏ não trước của bạn và nói, ‘con rắn không có ở đây bây giờ, thực tế là con rắn đã không làm gì khi nó ở đấy, nó chỉ tình cờ ở đó.’ Và sau đó dần dần vỏ não trước của bạn dập tắt đám cháy hạch hạnh nhân này. Nó đặt thông tin vào ngữ cảnh thích hợp để nói rằng, “không cần phải sợ, mình cứ việc đi trên đường thôi.”
***
Nếu không đảo ngược thời gian để quét não của Honnold trước khi cậu bắt đầu sự nghiệp leo núi tự do, chẳng có cách nào để biết được phần nào lòng dũng cảm của cậu đến từ bẩm sinh hay thông qua dưỡng dục. Nhưng một số khả năng có thể được loại trừ một cách rõ ràng.
Joseph LeDoux, nhà thần kinh học tại Đại học New York chuyên nghiên cứu phản ứng của não đối với các mối đe dọa từ những năm 1980, bảo tôi rằng ông chưa bao giờ nghe nói về bất kỳ người nào được sinh ra với một hạch hạnh nhân bình thường — như của Honnold — mà không có dấu hiệu kích hoạt. Đề cập đến một khả năng do Honnold đề xuất rằng một người có thể làm kiệt sức hạch hạnh nhân của mình do bị kích thích quá mức, LeDoux nói, “Tôi không nghĩ điều đó xảy ra được.” Tuy vậy, khi tôi mô tả việc Honnold hoàn toàn không có kích hoạt hạch hạnh nhân trong các bài kiểm tra, LeDoux phản hồi: “Điều đó nghe có vẻ khá ấn tượng.”
LeDoux cho rằng, có sự khác biệt gen giữa các cá nhân trong tất cả các thành phần não, do đó, khả năng cao vòng phản ứng đe dọa của Honnold bắt đầu ở phần hấp dẫn của phổ nhận thức — điều này sẽ giải thích tại sao hồi bé cậu ấy lại thấy sự hấp dẫn thay vì nguy hiểm chết người trong những bức ảnh các anh hùng leo núi không dây của mình. Tuy nhiên, quan trọng không kém bộ não vốn được sinh ra cùng Honnold, là bộ não ấy đã trải qua hàng nghìn giờ mạo hiểm. LeDoux cho biết: “Bộ não của cậu ấy có khuynh hướng ít phản hồi với các mối đe dọa mà người khác sẽ tương tác một cách tự nhiên, đơn giản chỉ vì những lựa chọn cậu ấy đã làm. Trên hết, những chiến lược tự hành mà cậu đang sử dụng khiến bộ não trở nên thậm chí tốt hơn hoặc mạnh hơn.”
Di truyền có vai trò rõ hơn trong các nếp tính cách giúp thúc đẩy hoạt động leo núi không dây của Honnold. Tính ưa cảm giác mạnh được cho là có thể di truyền một phần và truyền từ cha mẹ sang con cái. Đặc điểm này tương ứng với việc ít lo lắng hơn và phản ứng dứt khoát trước các tình huống nguy hiểm tiềm ẩn. Một kết quả khả dĩ là xu hướng coi nhẹ rủi ro — một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng điều này liên quan đến sự mất cân bằng gây ra bởi phản ứng yếu của hạch hạnh nhân và sự ức chế kém hiệu quả sự tìm cảm giác mạnh của thùy não trước.
Liệu nhận thức mới của Honnold về bộ não khác thường của mình có tác động tới sự tự ý thức của cậu ấy không?
Nghiên cứu của cá nhân Joseph không xem xét từng trường hợp riêng lẻ (cô coi việc quét Honnold là một “quan sát”), nhưng cô ghi nhận khả năng phản ứng của hạch hạnh nhân “giảm đi đáng kể” trong vài nhóm người ưa cảm giác mạnh — và Honnold là một người ưa cảm giác rất mạnh. So với dữ liệu do phòng thí nghiệm của Joseph thu thập, Honnold ưa cảm giác mạnh gấp đôi so với người thường và cao hơn hẳn 20% so với người ưa cảm giác mạnh trung bình. Joseph nói, lời giải thích khả dĩ nhất cho việc hạch hạnh nhân của Honnold không phản ứng trong quá trình quét là những nhiệm vụ đặt ra đơn giản chưa đủ mạnh.
Điểm số của Honnold ghi nhận cậu cực kỳ tận tâm, liên quan đến khả năng tập trung, duy trì sự chú ý vào nhiệm vụ và nhìn thấu đáo mọi điều. Khảo sát cũng chỉ ra về khả năng dự đoán cao (phương thức hoạt động điển hình của cậu) và khả năng nhạy cảm thấp, khiến cậu hiếm khi suy ngẫm về các kết quả bất khả thi hoặc rủi ro không thể quản lý. “Nếu bạn không có bất kỳ nỗi sợ nào để khởi đầu,” Honnold nói, “có ít thứ để kiểm soát hơn rất nhiều.”
Joseph nói: “Cậu ấy có những nét cho phép bản thân cực kỳ tập trung và kiên nhẫn, nhưng đồng thời cũng hoàn toàn ưa cảm giác mạnh. Một ví dụ đơn lẻ chưa đủ để minh chứng một lý thuyết, nhưng một chàng trai leo tự do vào Vùng chết, với biệt danh “Không có gì to tát,” là bằng chứng thuyết phục về giả thuyết người siêu ưa cảm giác mạnh của Joseph khi bàn về Honnold.
“Ý tưởng về người siêu ưa cảm giác mạnh — họ sở hữu động lực thực sự mạnh để theo đuổi những loại trải nghiệm tích cực và kịch tính này, nhưng đồng thời có khả năng kiểm soát và điều tiết — là điều quan trọng. Tôi nghĩ rằng nó có thể giúp chúng ta rất nhiều về khả năng điều trị rối loạn lạm dụng chất kích thích, rối loạn lo âu, và đề xuất các giải pháp mọi người có thể dùng,” cô nói. “Có khả năng chỉ cần nói chuyện với Alex, ta có thể hình dung ra một cách can thiệp mới.”
Ví dụ, nhiều hành vi có vấn đề của những người ưa cảm giác mạnh bao gồm những trải nghiệm mạnh mà có thể thực hiện tùy tiện và không có hậu quả tức thời, chẳng hạn như uống rượu liên tục hoặc dùng ma túy. (Honnold luôn tránh rượu và ma túy, và không uống cà phê.) Joseph tự hỏi liệu năng lượng đó có thể điều hướng vào các hoạt động hưng phấn cao độ — chẳng hạn như leo núi, nhưng có đồ bảo hộ — những hoạt động có bản chất liên quan đến sự ràng buộc, định trước, và các mục tiêu cụ thể, củng cố các kiểu sống khác nhau.
Ít nhất, mỗi chúng ta cũng có thể thực hiện một chút phép màu của Honnold. Bạn có thể không có những đặc điểm của một người siêu ưa cảm giác mạnh, hoặc không thể tắt hạch hạnh nhân theo lệnh ý, nhưng với nỗ lực có ý thức và tiếp xúc từ từ, lặp đi lặp lại với những gì bạn sợ, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể gom đủ can đảm mà bản thân không biết rằng mình có.
Thử thách cá nhân của Honnold thì khác, với số tiền cược cao hơn. Giỏi bẩm sinh — hoặc do tự đào tạo bản thân trở nên như vậy — thì đều có những yếu tố rủi ro trong sự kết hợp ấy.
Khi tôi yêu cầu Honnold mô tả trải nghiệm tâm lý lý tưởng khi leo tự do, cậu nói, “Đó là khi bạn đến được chỗ mà bạn thốt lên, phi lý quá đi mất, bạn biết không? Cảm giác mà “điều này thật là tuyệt vời”. Đó là mục đích, thực sự — để leo tới được một vị trí nào đó khiến bạn cảm thấy mình là một anh hùng toàn diện.”
Tuy nhiên, cậu cũng nói với tôi rằng việc leo tự do những đường dễ mỗi ngày (thể loại mà hầu hết các vận động viên leo núi vẫn coi là một hoạt động cực đoan) đã mất đi sự mới mẻ, và thậm chí những lần leo tự do để đời đôi khi cũng khiến cậu thất vọng. “Tôi đã không thấy nó thỏa mãn như tôi mong đợi,” Honnold đã viết về một lần leo tự do cả ngày gồm ba tuyến leo khó nhằn. “Mọi người có thể mong đợi những thành tích leo núi như thế này sẽ tạo ra sự hưng phấn, nhưng trên thực tế, tôi dường như trải qua điều ngược lại.”
Joseph nói rằng việc thiếu hoàn toàn sự kích hoạt trong đa phần bộ não của Honnold trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhận thưởng là phù hợp với giả thuyết rằng những người ưa cảm giác mạnh cần những kích thích lớn để tăng cường mạch dopamine khiến trải nghiệm cảm thấy xứng đáng. Một hệ quả có thể là việc theo đuổi không ngừng các cảm giác mạnh, như trong trường hợp lạm dụng chất kích thích và cờ bạc, góp phần gây ra nghiện ngập và phụ thuộc.
Với nghĩa đó, theo Joseph, Honnold có thể “nghiện leo núi,” và sự thèm muốn cảm giác mạnh có thể đẩy cậu ta đến gần giới hạn của mình với tư cách là một vận động viên leo núi tự do. Đồng thời, những phẩm chất tiên quyết trong việc leo núi không dây của cậu là óc chú tâm và sự dự đoán mà cậu ta dùng vào đó. Joseph cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với Honnold có lẽ nằm ở sự căng thẳng giữa những cưỡng chế đối lập đó.
Joseph đã kỳ vọng Honnold sẽ có điểm khảo sát thấp ở những đặc điểm bốc đồng, chẳng hạn như sự vội vàng và giải ức chế (disinhibition)3, liên quan đến những quyết định và hành động hấp tấp được thực hiện bất chấp hậu quả, đặc biệt là khi một người đang cảm thấy không ổn. Trên thực tế, anh ấy đã có điểm số cao ở mục này. Điều này giải thích những gì có thể được gọi, theo lối nói của Honnold, là lối leo bất cần đời, trong đó sự điềm tĩnh nhường chỗ cho trầm cảm và tức giận, đồng thời lên kế hoạch cho sự bốc đồng.
Ví dụ: Trong khi “trơ cảm xúc”, như cậu ấy kể, bởi một mối quan hệ rạn nứt vào năm 2010, Honnold đã leo tự do một vách đá cao 1.000 ft (khoảng 305m) ở sa mạc Nevada mà cậu đã leo bằng dây chỉ một lần vài năm trước. Honnold coi lần leo ấy là minh họa về cách cậu đã học cách khai thác cả tâm trạng tích cực và tiêu cực để đạt được mục tiêu của mình. Tất nhiên là mọi thứ tốt đẹp — cậu ấy vẫn còn ở đây mà kể câu chuyện ấy. Nhưng khi tôi hỏi Joseph liệu cô ấy có cảnh báo nào cho Honnold dựa trên kết quả quét và khảo sát hay không, cô đáp: “Đừng để sự bốc đồng lấn át sự tận tâm.”
***
Lần tiếp theo tôi gặp Honnold, cậu ấy đang leo núi cùng bạn gái ở châu Âu. Tôi muốn biết liệu nhận thức mới về bộ não khác thường của mình có ảnh hưởng đến nhận thức về bản thân của cậu ấy hay không. Không, cậu ấy bảo, việc phát hiện ra hạch hạnh nhân trong não ngủ yên như một con chó già trong quán rượu Ireland không thay đổi cách leo vách núi, cũng như không làm lung lay ý thức về danh tính của cậu ta. Điều đó không có nghĩa nó không khiến cậu ta tạm dừng để suy ngẫm.
Kể về một ngày nghỉ không leo núi gần đây, cậu ấy và McCandless đã quyết định thử leo “via ferrata” gần Lauterbrunnen, Thụy Sĩ. “Via ferrata” là một loại đường leo với các điểm tựa nhân tạo: bậc, gờ, thang và cầu được gắn vào đá, trong khi người leo núi được bảo vệ bằng đai lưng gắn dây cáp cố định. Honnold, tất nhiên, không quan tâm tới cái đai lưng.
“Nhưng rồi ở một thời điểm nào đấy, tôi thực sự cảm thấy đây là một thể loại khó nhằn. Kiểu như bản thân thực sự cần phải chú tâm,” cậu nói. Đường leo via ferrata hóa ra dẫn qua một vách toàn đá với một loạt các bậc thép cách đáy thung lũng 3.000 ft (khoảng 914m). Họ ở trên núi cao và thời tiết thì khắc nghiệt, McCandless gần như rớt nước mắt, và sau những trận mưa gần đây, nước chảy xuống mặt đá vôi nhỏ giọt trên mấu nắm tay, đặt chân và trên đầu của họ.
Honnold kể: “Chắc chắn tôi đã nghĩ về cách mình xử lý nỗi sợ.” Những gì cậu ta nhận thấy, ít nhất trong tình huống này, là cậu thật ra đã không làm vậy. Honnold đã ở trong những tình huống tương tự nhiều lần đến mức chúng đã trở nên bình thường. Chẳng còn gì để xử lý; chỉ còn còn con người mà cậu đã trở thành thôi. “Điều này chẳng đáng sợ gì,” cậu tự nhủ, “bởi vì đây là những gì mình làm.”
Hiệu ứng tầm nhìn ống (tunnel vision) khiến mắt chỉ có thể nhìn thấy một điểm nhỏ, còn tầm nhìn ngoại vi trở nên rất mờ, giống như đang nhìn qua một đường ống hẹp. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiệu ứng này là bệnh tăng nhãn áp — nhưng khi chúng ta chạy xe quá nhanh thì mắt cũng có thể sẽ bị hiệu ứng tầm nhìn ống.↩
Urbach-Wiethe là một rối loạn di truyền hiếm gặp. Phần lớn các bệnh nhân gặp phải những rối loạn về da, bắt nguồn từ việc da và niêm mạc bị dày lên — nhưng khoảng 50–75% bệnh nhân cũng gặp những vấn đề thần kinh. Ở những bệnh nhân này, một số phần trong não họ có triệu chứng vôi hoá và bào mòn, phần lớn là ở hạch hạnh nhân (amygdala), điều này khiến họ không cảm thấy cảm xúc sợ hãi.↩
Disinhibition (giải ức chế) là nói hoặc làm trước khi nghĩ đến hậu quả. Một người với tính cách như vậy không thể ngăn chặn (inhibit) bản thân khỏi việc nói/làm hành động ấy, vì họ có khả năng kiểm soát bản năng và thôi thúc thấp. Nói chung, disinhibition và impulsivity (sự bốc đồng) được coi là hai thuật ngữ giống nhau.↩