a
§ Tác giả: Benjamin Ehrlich | Nguồn: Nautilus
Biên dịch: Đình Đức | Hiệu đính:  K.
09/10/2022

Năm 1914, khi Thế chiến thứ nhất nổ ra, Santiago Ramón y Cajal1, nhà khoa học thần kinh có ảnh hưởng nhất trên thế giới – người đã khám phá ra tế bào não, sau này trở thành thuật ngữ nơ-ron (neuron) – mới chỉ xuất bản một bài báo, mức năng suất thấp nhất của ông tính đến thời điểm này. “Cuộc chiến tranh khủng khiếp ở châu Âu năm 1914 là một cú sốc đối với hoạt động khoa học của tôi, ”Cajal nhớ lại. “Nó ảnh hưởng tới sức khỏe tôi, vốn đã chẳng ổn cho cam, và lần đầu tiên, nó đã làm nguội lạnh đi sự nhiệt tình nghiên cứu nơi tôi.” Tertulia, tức nhóm cộng đồng tại quán cà phê, của Cajal, giờ “tràn ngập sự kinh hoàng và ghê tởm, xóa đi những gì còn sót lại của sự lạc quan thời niên thiếu chúng tôi”. Khoa học từng được cho là không có biên giới, nhưng giờ đây, khi thư tín không còn đáng tin, các đường dây điện báo bị cắt, chiến hào được đào và các biên giới gần như liên tục bị đóng lại, các nhà khoa học thậm chí không thể chia sẻ công trình nghiên cứu của họ ra quốc tế.

Năm trước đó, Cajal xuất bản quyển sách quan trọng thứ hai trong sự nghiệp của mình, “Sự thoái hóa và tái tạo trong hệ thần kinh, một đầu sách hai tập gồm hơn 800 trang và 300 hình minh họa tóm tắt rõ ràng 20 bài báo được viết trong tám năm. Ông viết: “Trong các trung khu của người trưởng thành [khu vực não bộ], “các dây thần kinh vừa cố định vừa bất biến: mọi thứ khi chết đi sẽ, không gì tái tạo được. Nhiệm vụ của khoa học trong tương lai là thay đổi, nếu có thể, sắc lệnh khắc nghiệt này. ” Kết luận này khiến ông chán nản. Ở tuổi ngoài lục tuần, Cajal bắt đầu cảm thấy những ảnh hưởng của tuổi già. Việc viết “Sự thoái hóa và tái tạo” khiến ông “kiệt sức trầm trọng”. Tiếp đó là chính châu Âu, với mạng lưới liên minh quốc tế không khác gì các sợi thần kinh, đã thoái hóa một cách ngoạn mục.

Võng mạc của côn trùng khiến Cajal có “cảm giác kinh hoàng về bí ẩn không thể giải đáp của cuộc sống”.

“Tôi phải thừa nhận,” Cajal viết trên một tờ tuần báo, mới được thành lập để các trí thức lỗi lạc có thể chia sẻ quan điểm của họ về cuộc chiến, “Tôi không đánh giá cao con người.” Với tư cách là “động vật săn mồi cuối cùng”, ông viết, chúng ta vẫn giữ được “bản năng độc địa” của loài thú. Cajal than thở: “Các tế bào thần kinh của chúng ta tiếp tục phản ứng tương tự như từ Thời đại đồ đá mới. Trước “sự chống lại quá trình tiến hóa”, một “thực tế sinh học đau xót”, Cajal tuyên bố rằng chiến tranh sẽ không bao giờ bị xóa sổ. Tất cả những gì nền văn minh có thể hy vọng làm là kéo dài khoảng thời gian hòa bình, nhưng “giai đoạn hủy diệt” sẽ luôn quay trở lại, với mỗi cuộc chiến càng trở nên kinh hoàng hơn. “Trong khoảng hai mươi hoặc ba mươi năm nữa, khi những đứa trẻ mồ côi của cuộc chiến hiện tại trưởng thành, thì vụ thảm sát kinh hoàng tương tự sẽ lặp lại,” ông dự đoán với độ chính xác đến ớn lạnh. Đột nhiên, Cajal nhận ra rằng bộ não không tự hoàn thiện bằng quá trình tiến hóa, như ông từng tin. Ông kết luận: “Con cháu của chúng ta cũng sẽ khốn khổ như chúng ta vậy.”

Nhiều nhân vật lừng lẫy đã đáp lại bằng cách trực tiếp tham gia Đệ nhất Thế chiến. Marie Curie đã phát triển các đơn vị X quang di động để có thể nhìn thấy đạn, mảnh bom và xương gãy của những người lính ngoài tiền tuyến, cứu sống được vô số người. Nhà hóa học người Đức Fritz Haber đã phát triển khí độc để sử dụng ở mặt trận phía Tây. Triết gia Ludwig Wittgenstein tình nguyện tham gia quân đội Áo-Hung ở mặt trận phía Đông, nơi quân đội Ý đã bắt giữ ông. Nhà thơ E.E. Cummings tình nguyện làm tài xế xe cứu thương ở Pháp. Nhà văn Ernest Hemingway, ở Ý, cũng làm như vậy. Nhà thơ Rainer Maria Rilke được đào tạo trong trại huấn luyện trước khi chuyển đến Cơ quan Lưu trữ Chiến tranh, nơi ông viết bài tuyên truyền quân sự. Tây Ban Nha vẫn trung lập trong cuộc xung đột, ít nhất là về tính chính thống. Nhưng dẫu “không tham chiến”, một nhà ngoại giao nước ngoài nhận xét, “chiến tranh diễn ra ở sân sau của chính Tây Ban Nha”. Cajal lui về sân sau của chính mình, khu vườn ngôi nhà ở nông thôn của ông, đội một chiếc mũ rơm để che nắng cho mái đầu hói, và khom người trước một chiếc kính lúp chĩa xuống đất, bị cuốn hút bởi những chuyển động của loài kiến. Thế giới của loài kiến ​​không chỉ cung cấp một thoát ly khỏi sự khủng khiếp của chiến tranh mà còn là một đấu trường mới để nghiên cứu những sinh vật sống cũng năng động như tế bào thần kinh.

Mặc dù trước đây Cajal đã từng nghiên cứu mô nhiều loài động vật, nhưng ông chưa bao giờ chính thức nghiên cứu về kiến. Một sinh viên của Cajal đang nghiên cứu võng mạc của kiến và ong, một cấu trúc mà Cajal dự đoán sẽ trở nên ngày càng phức tạp hơn khi các loài tiến hóa. Hóa ra hệ thần kinh của côn trùng cũng phức tạp như bất kỳ loài động vật có vú nào. Cajal ngạc nhiên về võng mạc của côn trùng: “Cuộc sống chưa từng thành công trong việc chế tạo một cỗ máy được sáng tạo tinh vi và thích nghi hoàn hảo đến vậy.” Ông thậm chí còn thừa nhận rằng lần duy nhất ông đặt dấu hỏi về lý thuyết của Charles Darwin, mặc dù chỉ trong giây lát, là khi ông chạm trán với võng mạc của côn trùng. “Càng nghiên cứu về tổ chức của mắt ở động vật có và không có xương sống,” ông viết, “tôi càng kém hiểu biết nguyên nhân của tổ chức kỳ diệu và thích nghi tinh vi của chúng”. Võng mạc của côn trùng khiến Cajal có “cảm giác kinh hoàng về bí ấn không thể giải đáp của cuộc sống”.

ĐƯỜNG ĐI CỦA KIẾN: Ramon y Cajal bị cuốn hút bởi bản năng săn mồi của loài kiến. Ông tách chúng khỏi tổ và tạo ra những chướng ngại vật để ngăn cản chúng trở về nhà. Ở đây, ông đã phác thảo những con đường (đường màu đỏ và đen) mà hai con kiến đã đi để trở về tổ của chúng. Ảnh được sự cho phép của Viện Cajal, Di sản Cajal, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, Madrid, Tây Ban Nha.

Đối với Cajal, thứ hạng mà các nhà khoa học áp đặt đối với các loài dường như không những không đúng mà còn là sự hạ thấp, một dấu hiệu của “sự coi thường của giới tinh hoa”, khiến những sinh vật khiêm tốn nhất Trái đất bằng cách nào đó nằm dưới con người. Nỗi ám ảnh về kiến của ông được truyền cảm hứng bởi một trong những tác giả thời thơ ấu ông yêu thích, Jean-Henri Fabre2, được gọi là “Hoàng tử của côn trùng,” người, mặc dù dạy sáu ngày một tuần tại một trường học tỉnh, nhưng đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho nghiên cứu sinh học, trở thành chuyên gia hàng đầu về các loài bản địa miền nam nước Pháp. Darwin công nhận Fabre là “một nhà quan sát có một không hai.” Giống như nhiều độc giả trẻ, Cajal say mê phong cách của Fabre, đó là nhân hóa các loài côn trùng mà ông nghiên cứu qua việc thể hiện cảm tình dành cho những sinh vật “khiêm tốn”, “thấp hèn” và “chăm chỉ”.

Các nhà nghiên cứu về kiến đã lý tưởng hóa các sinh vật này và tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề của con người bằng cách quan sát chúng, thậm chí cố gắng tái tạo lại xã hội của chúng. Auguste Forel3, người cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện ra tế bào thần kinh, đã phát triển niềm đam mê với kiến ​​trong thời thơ ấu, và mặc dù chọn ngành tâm thần học làm nghề, ông đã dành những kỳ nghỉ hè của mình nghiên cứu về loài kiến. Sau khi thất bại trong một cuộc kỳ thi y khoa, vào năm 1874, ông xuất bản một cuốn sách dài 450 trang về loài kiến ​​ở quê hương Thụy Sĩ, không chỉ tập trung vào phân ngành hay phân loại của kiến, mà còn về hành vi của chúng. Darwin chúc mừng Forel: “hiếm có cuốn sách nào trong đời khiến tôi hứng thú đến thế.” Bản thân Darwin là một người ham quan sát kiến ​​và hiểu tầm quan trọng của nghiên cứu về chúng. “Mọi người đều quan tâm đến Kiến,” Darwin viết trong một bức thư năm 1861, “- nhiều thông tin về Kiến Nô lệ đã được cung cấp trong quyển “Nguồn gốc các loài” nhiều hơn bất kỳ đoạn văn nào khác.” Khi ông nhận thấy rằng, trong một đàn kiến ​​duy nhất, một số là kiến lính có kích cỡ lớn hơn nhiều trong khi những con khác là kiến thợ nhỏ hơn, ông nhận xét rằng sự đa dạng như vậy là “khó khăn đặc biệt nghiêm trọng nhất mà lý thuyết của tôi gặp phải tới nay”.

Con kiến kết luận rằng “không có gì siêu việt mọc ra từ loài bọ người.”

Cajal gặp Forel trong một chuyến đi đến Mỹ vào năm 1899, nơi cả hai cùng giảng bài tại Đại học Clark, và họ có thể đã nói chuyện về loài kiến ​​trên đường đi. Forel hy vọng sẽ mô phỏng tâm trí con người dựa trên “sức mạnh tâm linh” của loài kiến; ông đặc biệt quan tâm đến sự khác biệt giữa bản năng và trí thông minh. Ông viết: “Sự giống nhau trong một xã hội của loài kiến ​​và một xã hội của loài người không chỉ ở hình thức.” Ở loài kiến, ông bắt gặp những bài học về nhân tính. Khi cố gắng trộn lẫn các loài trong đàn kiến, ông đã thấy nền chính trị thu nhỏ của Thụy Sĩ, bao gồm những tương đồng trong căng thẳng tôn giáo và căng thẳng giữa các bang và chính phủ quốc gia. Sau một số “tranh cãi” ban đầu, Forel nhận xét, những kẻ thù được cho là đã hợp tác cùng nhau, khiến ông tin rằng Thụy Sĩ, với nhiều ngôn ngữ, truyền thống và bang, có thể đạt được sự hòa hợp tương tự. Ông kết luận rằng mọi quốc gia-nhà nước nên được tổ chức giống như một fourmilliére, có nghĩa là đàn kiến. Sau đó, ông đổi tên ngôi nhà của mình là La Fourmilliére.

Các thí nghiệm với kiến ​​của Cajal tập trung vào bản năng săn mồi, như Fabre đã làm. Cajal rất hứng thú khi tạo ra những chướng ngại vật mới cho kiến, mỗi chướng ngại mỗi lúc càng giàu trí tưởng tượng và thử thách hơn lần trước. Ông sẽ mang chúng đi xa tổ của mình và đặt mùi hương dọc theo đường đi của chúng, các loại gia vị nhà bếp như tinh chất của cam bergamot và rau kinh giới, hoặc các đồ vật hàng ngày như bánh mì, mật ong, đường, thịt, đồng xu và thậm chí cả nước. Ông đã cố gắng đánh lạc hướng chúng bằng tiếng ồn, và lót các tuyến đường của chúng bằng giấy hoặc bông để tách chân chúng khỏi mặt đất. Ông đặt gương trước tổ của chúng và chặn lối vào bằng một hòn đá. Ông đã che một bên mắt rồi cả hai mắt của chúng, và thậm chí còn cắt bỏ râu của chúng. Ông đặt một con kiến ​​lên một mảnh gỗ, đưa nó lên không trung và xoay tròn để khiến nó chóng mặt. Sau đó, với kính lúp của mình, ông quan sát các đối tượng thực nghiệm trong khi chúng cố gắng tìm đường về nhà, vừa đếm thời gian bằng đồng hồ vừa phác thảo tuyến đường của chúng trên giấy nháp với những đường uốn khúc, gần như ngoằn ngoèo. Bất kể ông có nghĩ ra những phương pháp ranh mãnh nào để làm lũ kiến ​​bối rối hoặc mất phương hướng, chúng vẫn luôn tìm được đường về nhà.

PHÂN TÍCH THẦN KINH: Ramon y Cajal là một họa sĩ minh họa tài ba, và những mô tả của ông về nơ-ron và tế bào thần kinh vừa mang tính nghệ thuật lại vừa chính xác. Ở đây ông trình bày một sợi thần kinh bị đứt lìa (trái) và một sợi bị đứt một nửa (phải), cả hai đều đang trong quá trình tự sửa chữa. Ảnh được sự cho phép của Viện Cajal, Di sản Cajal, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha, Madrid, Tây Ban Nha

Mặc dù không xuất bản một ấn phẩm nghiên cứu khoa học thần kinh nào khác, Cajal đã tổng hợp đủ các quan sát về kiến trong một cuốn sách. Trong kho lưu trữ của ông có hàng trăm trang về chúng, với những dòng ghi chú được viết trên giấy báo, mặt sau của phong bì, thiệp mời dự tiệc, và cuối cùng là những trang khổ bốn (quarto) đầy chữ. Ông thậm chí còn suy đoán về các đặc điểm tính cách của kiến – “kiến có trí nhớ tệ đối với dữ kiện”, “kiến giúp đỡ những con bị thương” và “nếu có thể nói chuyện, chúng sẽ nói “mẹ tôi’ chứ không phải là ‘bố tôi’”, nhắc tới sự phụ thuộc của chúng vào kiến chúa.

Cajal công bố các phát hiện của mình về hệ thống giác quan của kiến ​​vào năm 1921, và ông nhẽ ra có thể xuất bản một chuyên khảo về kiến, nhưng ông quyết định rằng công trình của mình không đủ “đặc sắc”. Ông có thể đã so sánh mình với Forel, người, vào năm 1921 và 1922 đã xuất bản “Thế giới Xã hội của loài Kiến trên Trái đất so với Loài người” (Le monde social des Fourmis du global comparé à celui de l’homme). Từ khi còn là một đứa trẻ, trước khi chính thức nghiên cứu khoa học, Cajal đã tự mình viết ra những cuốn tiểu thuyết mà ông thích đọc. Trong một truyện ngắn xuất bản năm 1922, Cajal đã tưởng tượng ra một bức thư mà một con kiến do thám thuộc một loài kiến ​​ký sinh có tên là “kiến làm nô lệ” — nhóm kiến mà Darwin từng đề cập đến trong thư — sẽ viết cho kiến chúa sau khi đã khám phá thế giới loài người để tìm kiếm thêm lao động cho đàn. Darwin đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra những con kiến ​​làm nô lệ kia vì chúng đưa ra một ví dụ sinh học có thể bình thường hóa hoạt động bóc lột nô lệ của con người, điều đã khiến ông ghê tởm kể từ chuyến du hành đến Nam Mỹ trên tàu H.M.S. Beagle. Con người, con kiến của Cajal báo lại, “sống gần như chúng ta”; chúng không hơn gì “những con kiến ​​phi thường.” Sự khác biệt duy nhất là họ giết người vì khoái cảm và không yêu gì hơn là sự hủy diệt. Con kiến kết luận rằng “không có gì siêu việt mọc ra từ loài bọ người,” tóm tắt sự giễu cợt của Cajal về con người sau chiến tranh.

Cajal than thở: “Các tế bào thần kinh của chúng ta tiếp tục phản ứng theo cách tương tự như trong Thời đại đồ đá mới.”

Mặc dù niềm đam mê của Cajal với kiến ​​có vẻ xa vời, nhưng đó là một phái sinh về các chủ đề mà ông tìm tòi với nơ-ron trong não. Xu hướng nhân cách hóa của Cajal, trái lại với sự hiểu biết của ông về bộ não, đã từ lâu trở nên hiển nhiên đối với các đồng nghiệp. Khi họ gặp nhau ở London, nhà sinh lý học về hệ thần kinh và người đoạt giải Nobel tương lai, Charles Sherrington, đã nhận thấy một xu hướng đặc biệt ở Cajal. Sherrington nói: “Nếu có thể thâm nhập vào toàn bộ suy nghĩ của Cajal trong lĩnh vực này, thì chúng ta sẽ thấy lối vào của ông ấy, qua kính hiển vi, dẫn ta tới một thế giới có những sinh vật nhỏ bé hoạt động bằng những động cơ, các nỗ lực và những sự thỏa mãn không khác chúng ta quá xa. ” Quan điểm của Cajal dường như rất trẻ con đối với Sherrington — ít nhất là không xứng đáng với một nhà khoa học vĩ đại. “Nghe ông ấy nói, tôi tự hỏi bản thân rằng tại sao khả năng nhân cách hóa này lại chưa góp phần vào thành công của anh ấy với tư cách là một người khám phá,” Sherrington nói, “Tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai lại khác biệt giống như vậy.”

Trường phái nhân hóa của Cajal, đã kéo ông đến với Fabre, điều được thể hiện rõ trong các mô tả của ông về việc phục hồi các dây thần kinh từ một năm trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Một số, khi bị tổn thương, chết gần như ngay lập tức. Những người khác chết “sau một cơn đau đớn kéo dài ít nhiều,” trong một cuộc “vật lộn với cái chết”, khi sự thoái hóa lan tỏa từ bề mặt mô đến các lớp sâu hơn. Một số mầm không bao giờ đâm ra được, bị chững bởi “phản ứng ít vận động, không có bất kỳ sức mạnh nào để đánh bại những trở ngại xung quanh, hoặc không có năng lượng để hình thành những hướng mới” — chúng dường như hầu như không có ý chí kiên trì. Cajal nhận thấy, trong vòng vài ngày sau khi dây thần kinh bị cắt, người ta có thể nhìn thấy các mầm bắn ra từ thân dây thần kinh theo mọi hướng. Ông mô tả những mầm này là “đầy năng lượng”, mặc dù chúng sẽ phải đối mặt với một “va chạm cuối cùng với những chướng ngại vật không thể vượt qua làm cong đường tiến của chúng.” Cuối cùng, một số sợi lạc lõng sẽ chạm tới vết sẹo, và một số mầm sẽ “tự lao mình” vào vết hở giống như những người lính sốt sắng xông vào chiến trường trong một cuộc “xâm lược”, một sự tương đồng nếu xét tình trạng thế giới chẳng bao lâu sau đó.

Cajal luôn thích giải quyết những vấn đề lớn trong thế giới của sinh vật nhỏ. Mặc dù mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng cùng sự ghê tởm với loài người, nhưng trong sự tái tạo nơ-ron và ở loài kiến, ông lại tìm thấy những tấm gương về sự cần mẫn, thậm chí cả hy vọng. Cajal đã có tiếng là một ông già cáu kỉnh. Trong phòng thí nghiệm của mình, ông thích làm việc âm thầm, và về già, do chứng đau nửa đầu, ông ngày càng tách khỏi xã hội. Nhưng những học trò của Cajal kể lại rằng, khi mô tả các thí nghiệm của mình với kiến, ông đã say sưa với những mánh khóe quái quỷ mà ông nghĩ ra để làm khó chúng bằng “niềm vui như của trẻ thơ.”


  1. Santiago Ramón y Cajal (1852 – 1934) là nhà nghiên cứu mô phôi người Tây Ban Nha. Ông dành giải Nobel Y học năm 1906 vì tìm ra nơ-ron, hay tế bào thần kinh, với vai trò là đơn vị cơ bản của cấu trúc thần kinh. Phát hiện này là đóng vai trò tối quan trọng trong việc thừa nhận vai trò nền tảng của nơ-ron trong chức năng thần kinh và đem tới hiểu biết hiện đại về xung thần kinh.

  2. Jean-Henri Casimir Fabre (1823 – 1915) là nhà tự nhiên học, côn trùng học người Pháp. Ông còn là một giáo viên, nhà vật lý, nhà hóa học và nhà thực vật học nổi tiếng. Ông được nhiều người coi là cha đẻ của côn trùng học hiện đại

  3. Auguste-Henri Forel (1848 – 1931) nhà nghiên cứu kiến, nhà giải phẫu hệ thần kinh, nhà tâm thần học người Thụy Sĩ. Ông theo thuyết ưu sinh và được coi là một trong những người tạo ra lý thuyết về nơ-ron.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Con người cũng là động vật
Khi loại bỏ những áp đặt về tư duy của con người lên động vật, chúng ta sẽ nhận ra, bản thân từng loài động vật cũng có tư duy đặc biệt theo cách của riêng chúng.
Nhân danh đam mê
“Theo đuổi đam mê” là câu niệm chú cho những người lao động ngày nay. Vậy vì sao chúng ta nên đòi hỏi lợi ích cho tầng lớp của mình khi mà giới tinh anh cho rằng, không có thứ gọi là lao động khi "theo đuổi đam mê"?
Mới nhất