Editors' choice! Xem thêm các bài hay nhất của zeal tại đây.
a
§ Tác giả: Michael Pollan | Nguồn: The New York Times
Biên dịch: Nguyên | Hiệu đính:  Aceae
12/06/2016

Quan tâm làm gì? Đây thực sự là câu hỏi lớn chất vấn chúng ta, những cá nhân mong muốn làm gì đó để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và nó không hề dễ trả lời. Không biết bạn thế nào, nhưng với tôi, khoảnh khắc buồn bã nhất trong bộ phim tài liệu “An Inconvenient Truth” (Tạm dịch: Một sự thật bất tiện)1 chẳng phải là lúc Al Gore làm tôi sợ chết khiếp khi diễn giải cực kì thuyết phục là sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Không, khoảnh khắc tăm tối thực sự là đoạn giới thiệu ở cuối phim, khi chúng ta được yêu cầu… đổi loại bóng đèn ta dùng. Đó là khi mọi thứ trở nên thực sự buồn bã. Sự khác biệt khủng khiếp, giữa độ to lớn của vấn đề Gore mô tả và sự bé nhỏ của cái việc ông nhờ chúng ta làm, quá đủ để khiến tim bạn chùng xuống.

Nhưng sự khác biệt này không phải là vấn đề duy nhất ẩn nấp đằng sau câu hỏi “quan tâm làm gì.” Giả dụ, tôi nói rằng tôi thực sự có quan tâm, rất nhiều. Tôi đảo lộn hết cả cuộc sống của mình, bắt đầu đi xe đạp đến chỗ làm, trồng một khu vườn lớn, hạ máy sưởi xuống thấp đến mức tôi cần cái áo khoác len nổi tiếng của Jimmy Carter2, không dùng máy sấy đồ và phơi quần áo trong vườn, đổi chiếc xe bán tải của tôi để dùng ô tô hybrid, bỏ ăn thịt bò, chỉ dùng đồ sản xuất tại địa phương3. Về lý thuyết, tôi có thể làm tất cả những việc đó, nhưng để làm gì nếu tôi biết rõ rằng cách nửa vòng trái đất có một người anh em sinh đôi xấu tính của tôi, một bản sao dấu-chân-carbon4 ở Thượng Hải hay Trùng Khánh chẳng hạn, vừa mới mua cái xe hơi đầu tiên của anh ta (Lượng sở hữu ô tô hiện nay ở Trung Quốc bằng của chúng ta vào năm 1918), đang rất nhiệt tình nuốt từng miếng thịt mà tôi kiêng ăn và tích cực bù lại từng cân CO2 mà tôi đang vật lộn để không thải ra nữa. Vậy rốt cục là tôi có kết quả gì để khoe, sau tất cả những nỗ lực này?

Một ý thức về đạo đức cá nhân, bạn có lẽ sẽ dè dặt gợi ý như vậy. Nhưng để làm gì khi chính đạo đức đang nhanh chóng trở thành một từ dùng để chế giễu? Và phạm vi sử dụng của nó không phải chỉ trên trang xã luận của tờ The Wall Street Journal hay từ miệng ngài phó tổng thống5, người đã vô cùng nổi tiếng với việc bác bỏ bảo tồn năng lượng như là một “dấu hiệu của đạo đức cá nhân.” Không, ngay cả trên The New York Times và The New Yorker, từ “đạo đức” trứ danh, khi áp dụng cho một hành động thể hiện trách nhiệm cá nhân với môi trường, cũng chỉ được dùng một cách châm biếm. Nói cho tôi biết: Làm thế nào mà đức hạnh (virtue) – một phẩm chất mà trong phần lớn lịch sử vẫn thường được cho là, ờm, đức hạnh – lại thành ra một dấu hiệu của sự khờ khạo? Lạ làm sao, là việc làm những điều đúng đắn cho môi trường – như mua xe hybrid, ăn đồ nội địa – lại khiến bạn bị đối xử như Ed Begley Jr.6

Một số lượng khá nhiều các nghiên cứu gần đây đã gợi ý rằng, trong một vài trường hợp nhất định với một số điều kiện nhất định, hàng hóa sản xuất ở những nơi xa xôi như New Zealand có thể thải ra ít carbon hơn so với những sản phẩm nội địa.

Và thậm chí là nếu bất chấp sự chế giễu này, tôi vẫn quyết định là tôi sẽ quan tâm, thì lại có thêm một câu hỏi phiền phức nữa, là nên làm thế nào cho đúng. Liệu việc ăn đồ nội địa hay đi bộ tới chỗ làm có thực sự làm giảm dấu chân carbon của tôi? Theo một phân tích, nếu việc đi bộ làm bạn thèm ăn và khiến bạn tiêu thụ nhiều thịt hoặc sữa hơn, đi bộ thực ra lại có thể phát thải nhiều carbon hơn là việc lái xe. Một số lượng khá nhiều các nghiên cứu gần đây đã gợi ý rằng, trong một vài trường hợp nhất định với một số điều kiện nhất định, hàng hóa sản xuất ở những nơi xa xôi như New Zealand có thể thải ra ít carbon hơn so với những sản phẩm nội địa. Đúng, ít nhất một trong những nghiên cứu này được đồng thực hiện bởi một đại diện của các nhóm sản xuất thực phẩm ở (ngạc nhiên chưa!) New Zealand, nhưng kể cả vậy, chúng cũng khiến bạn suy nghĩ. Nếu việc xác định dấu chân carbon của đồ ăn thực sự phức tạp như vậy, và tôi phải cân nhắc không chỉ số “dặm thức ăn” mà còn cả việc thức ăn được vận chuyển bằng tàu thủy hay xe tải, và cỏ ở New Zealand mọc khỏe thế nào, thì tôi chẳng thà mua luôn thịt nhập khẩu ở siêu thị, ít nhất là cho đến khi các chuyên gia phân tích xong vấn đề dấu chân.

Có quá nhiều lý do chúng ta có thể tự bảo bản thân để biện minh cho việc không làm gì cả, nhưng có lẽ lý do xảo biện nhất là, dù chúng ta có cố làm gì, mọi thứ cũng sẽ là quá ít và quá muộn. Thay đổi khí hậu đã đang xảy ra rồi, nó còn đến trước cả dự đoán. Những dự đoán của các nhà khoa học vào một thập kỉ trước mà nghe có vẻ khủng khiếp hóa ra vẫn còn quá lạc quan: sự nóng lên và tan chảy đang xảy ra nhanh hơn so với các mô hình dự đoán rất nhiều. Bây giờ vòng tròn nguyên nhân-hệ quả đáng sợ đang đe dọa tăng tốc độ thay đổi theo cấp số nhân, khi mà những tảng băng đang tan thành nước ở Bắc Cực hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn, và mặt đất nóng lên ở tất cả mọi nơi, khiến các quá trình sinh học xảy ra mạnh mẽ hơn, và vì vậy thải một lượng lớn carbon vào không khí. Bạn đã từng nhìn vào đôi mắt của một nhà khoa học khí hậu gần đây chưa? Họ trông rất sợ hãi.

Vậy bạn có còn muốn nói tiếp về việc làm vườn?

Tôi thì có.

Việc đợi luật pháp hay công nghệ giải quyết vấn đề về việc chúng ta nên sống thế nào cho thấy là chúng ta chưa thực sự nghiêm túc về việc thay đổi – một điều mà những chính trị gia không thể không để ý.

Bất cứ việc gì cá nhân chúng ta có thể làm để thay đổi cách chúng ta sống ở thời điểm có vẻ muộn màng này nghe cực kì không đủ với thách thức trước mắt. Thật khó để tranh luận với Michael Specter, trong một bài báo gần đây về dấu chân carbon, khi ông ta nói rằng: “Sự lựa chọn cá nhân, dù tốt đến thế nào, cũng không thể đủ. Cần phải có cả pháp luật và tiền bạc.” Và đúng là sẽ như vậy. Nhưng cũng chẳng kém chính xác hay cứng đầu để nói rằng luật và tiền thôi cũng không đủ; rằng sẽ cần cả những thay đổi lớn lao trong cách chúng ta sống nữa. Tại sao? Vì khủng hoảng biến đổi khí hậu vẫn đang ở dưới đáy của vô vàn các vấn đề về lối sống – thậm chí là cả vấn đề về tính cách. Vấn Đề Lớn chẳng là gì khác ngoài tổng của hàng ti tỉ những lựa chọn hàng ngày, trong đó phần lớn quyết định bởi chúng ta (chi tiêu khách hàng chiếm 70% nền kinh tế của chúng ta), và đa phần còn lại thì được thực hiện dưới cái vỏ của những nhu cầu, khao khát, và sở thích.

Việc đợi luật pháp hay công nghệ giải quyết vấn đề về việc chúng ta nên sống thế nào cho thấy là chúng ta chưa thực sự nghiêm túc về việc thay đổi – một điều mà những chính trị gia không thể không để ý. Họ sẽ không làm gì cho đến khi chúng ta làm. Quả thực, việc trông chờ vào những lãnh đạo và chuyên gia, vào luật pháp và tiền bạc và những kế hoạch lớn lao, để cứu chúng ta ra khỏi tình cảnh hiện tại, chính xác đại diện cho kiểu suy nghĩ này – thụ động, ủy thác, phụ thuộc vào các chuyên gia để tìm ra giải pháp – và cũng chính nó đã đẩy chúng ta vào mớ bòng bong này ngay từ đầu. Nên thật khó để tin là cũng kiểu suy nghĩ đó có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi vấn đề.

Ba mươi năm trước, Wendell Berry, một nông dân và nhà văn ở bang Kentucky, đưa ra một bản phân tích thẳng thắn về kiểu tâm lý này. Ông tranh luận rằng khủng hoảng môi trường của thập niên 70 – thời kì chưa ai biết gì về biến đổi khí hậu; ước gì bây giờ chúng ta chỉ phải đối mặt với một cơn khủng hoảng môi trường như vậy thôi! – cốt lõi lại nằm ở một sự khủng hoảng về tính cách mà ta cũng cần tập trung đầu tiên ở mức độ quy mô gia đình. Ông không thể kiên nhẫn với những người quyên góp cho các tổ chức môi trường trong khi ngày ngày hoang phí nhiên liệu hóa thạch không chút suy nghĩ – họ là phiên bản thập niên 70 của những con người ngày nay mua sự đền bù carbon7 để chuộc lỗi thay cho những con xe Tahoe và Durango của mình. Không gì sẽ thay đổi cho đến khi chúng ta hàn gắn “vết rạn nứt giữa cách chúng ta nghĩ và cách chúng ta làm.” Đối với Berry, câu hỏi “quan tâm làm gì” được cô đọng thành một sức ép về đạo đức: “Một khi sự liên kết cá nhân của chúng ta tới vấn đề trở nên rõ ràng, chúng ta buộc phải chọn lựa: chúng ta có thể tiếp tục như trước đó, thừa nhận sự không trung thực của mình và sống với nó tốt nhất có thể, hoặc chúng ta có thể bắt đầu cố gắng để thay đổi cách chúng ta nghĩ và sống.”

Chúng ta giao phó gần như tất cả những nhu cầu và mong muốn của mình cho các nhà chuyên môn của lĩnh vực này lĩnh vực kia.

Đối với Berry, vấn đề sâu xa đứng sau tất cả những vấn đề khác của nền văn minh công nghiệp là sự “chuyên môn hóa,” cái mà ông cho là “căn bệnh của tính cách hiện đại.” Xã hội chúng ta phân cho ta một số lượng rất nhỏ các vai trò: chúng ta là nhà sản xuất (của một thứ gì đó) khi làm việc, người tiêu thụ của rất nhiều thứ khác trong khoảng thời gian còn lại, và khoảng một lần một năm đi bầu cử với tư cách là những công dân. Chúng ta giao phó gần như tất cả những nhu cầu và mong muốn của mình cho các nhà chuyên môn của lĩnh vực này lĩnh vực kia – bữa ăn cho ngành sản xuất thực phẩm, sức khỏe cho bác sĩ, giáo dục cho giáo viên, giải trí cho các kênh truyền thông, việc quan tâm đến môi trường cho các nhà môi trường học, và hoạt động chính trị cho chính trị gia.

Như Adam Smith và rất nhiều người khác đã chỉ ra, sự phân chia lao động (division of labor) này đã ban cho chúng ta rất nhiều phước lành của một nền văn minh. Chuyên môn hóa cho phép tôi ngồi trước một cái máy tính và nghĩ về biến đổi khí hậu. Vậy nhưng, cũng sự phân chia lao động này giấu đi những kết nối – và trách nhiệm – liên kết tất cả các hành động hàng ngày của chúng ta tới những hậu quả thực sự của chúng, làm cho tôi dễ dàng bỏ qua cái nhà máy nhiệt điện đang sản xuất năng lượng để kích hoạt màn hình máy tính của tôi, hay đỉnh núi ở Kentucky đã bị phá hủy để cung cấp than cho nhà máy đó, hay những dòng suối đỏ quạch bởi kim loại nặng, hậu quả của những hoạt động này.

Tất nhiên, thứ làm cho kiểu chuyên môn hóa này khả thi ngay từ đầu là năng lượng rẻ tiền. Nhiên liệu hóa thạch rẻ tiền cho phép chúng ta trả tiền cho những người ở xa để sản xuất đồ ăn cho chúng ta, để mua vui cho chúng ta, và để (cố gắng) giải quyết vấn đề của chúng ta, với kết quả là có rất ít thứ chúng ta biết cách tự cung cấp cho mình. Thử nghĩ một chút về tất cả những chuyện bạn đột nhiên cần làm nếu không có năng lượng xem – bao gồm cả việc mua vui cho bản thân. Cũng thử nghĩ về việc nếu không còn năng lượng nữa, thì hàng xóm của bạn – cộng đồng của bạn – đột nhiên trở nên quan trọng hơn trong cuộc đời bạn như thế nào. Năng lượng rẻ tiền cho phép chúng ta bỏ qua cộng đồng bằng việc bán khả năng chuyên môn của chúng ta tới những vùng xa xôi, đồng thời triệu tập đến cuộc đời ta chuyên môn của biết bao người ở những nơi xa xôi khác.

Tự bản thân là những nhà chuyên môn hóa, chúng ta không thể tưởng tượng ra bất cứ ai ngoại trừ một chuyên gia, hay bất cứ một thứ gì khác ngoại trừ công nghệ mới và luật, có thể giải quyết vấn đề của chúng ta.

Vấn đề chính là thế này: Năng lượng rẻ tiền, thứ gây ra biến đổi khí hậu, chính là thứ đã nuôi dưỡng cái tâm lý khiến cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc sống của trông có vẻ khó khăn khủng khiếp. Tự bản thân là những nhà chuyên môn hóa, chúng ta không thể tưởng tượng ra bất cứ ai ngoại trừ một chuyên gia, hay bất cứ một thứ gì khác ngoại trừ công nghệ mới và luật, có thể giải quyết vấn đề của chúng ta. Al Gore bảo chúng ta thay đổi bóng đèn vì ông có lẽ không thể tưởng tượng nổi một việc nào khó khăn hơn mà chúng ta có thể làm, như tự sản xuất thực phẩm chẳng hạn. Đến chúng ta cũng không thể tưởng tượng nổi; đây chính là lý do vì sao ta chọn việc cầu nguyện và nói về sự hứa hẹn của ethanol và năng lượng nguyên tử – những chất lỏng và electrons mới để cung cấp năng lượng cho những cái xe cũ, nhà cũ, cuộc sống cũ.

“Cái đầu của năng lượng rẻ tiền,” như Wendell Berry đã gọi tên, là cái đầu sẽ đặt câu hỏi, “Quan tâm làm gì?” vì nó cho rằng thật vô ích khi tưởng tượng – chẳng nói đến chuyện cố gắng thực hiện – một cuộc sống khác, một cuộc sống ít phân chia8, ít phụ thuộc hơn. Bởi đầu óc năng lượng rẻ tiền chuyển đổi mọi thứ ra tiền, đại diện của nó, nó có xu hướng tin dùng những giải pháp thị trường – thuế carbon và những kế hoạch buôn bán sự ô nhiễm9. Nó tin rằng, chỉ cần có động cơ đúng đắn, thì nền kinh tế sẽ trân trọng tất cả những thứ quan trọng và định hướng cho những lợi ích của chúng ta một cách hợp lý. Thứ tốt nhất chúng ta có thể hi vọng là một phiên bản xanh hơn của bàn tay vô hình (the invisible hand) kiểu cũ. Những bàn tay hữu hình, theo kiểu đầu óc này, thì chẳng có công dụng gì.

Nhưng trong khi những kế hoạch lớn lao như vậy có thể rất cần thiết, không có gì chắc chắn là chúng sẽ đủ hay bền vững về mặt chính trị trước khi chúng ta chứng minh được với bản thân mình rằng thay đổi là khả thi. Chúng ta sẽ chẳng thực sự làm gì cả nếu chúng ta chỉ có quyên góp, tiêu tiền, thậm chí là bầu cử; trong khi có rất nhiều thứ cần phải làm mà không được trì hoãn thêm nữa. Theo James Hansen, nhà khoa học khí hậu của NASA, người bắt đầu rung chuông cảnh báo về sự nóng lên toàn cầu 20 năm về trước, chúng ta chỉ còn 10 năm để bắt đầu cắt giảm – chứ không chỉ là làm chậm lại – lượng carbon chúng ta đang thải ra, hoặc là phải đối mặt với một “hành tinh khác.” Hansen nói điều này hơn hai năm về trước; hai năm đã trôi qua, và chưa có gì được thực hiện. Tức là: còn tám năm nữa và rất nhiều thứ phải làm.10

Điều này đưa chúng ta quay lại với câu hỏi “quan tâm làm gì” và việc chúng ta nên trả lời nó thế nào. Những lý do để không quan tâm thì rất nhiều và thuyết phục, ít nhất là với những đầu óc năng lượng rẻ tiền. Nhưng hãy để tôi đưa ra một vài lý do, mà có thể trong tương lai sẽ không còn hợp lý, nhưng vẫn nên được cân nhắc:

Nếu bạn có quan tâm, bạn sẽ là một tấm gương cho những người khác nhìn vào. Nếu có đủ người quan tâm, mỗi người sẽ tác động đến một người khác theo kiểu dây chuyền phản ứng về thay đổi hành vi, những thị trường cho tất cả các sản phẩm xanh và công nghệ thay thế sẽ nở rộ và mở rộng. (Cứ thử nhìn thị trường ô tô hybrid mà xem.) Ý thức sẽ được nâng lên, và có lẽ là cả thay đổi nữa: những quy định đạo đức và những điều kiêng kị mới sẽ bén rễ trong nền văn hóa. Việc lái một chiếc S.U.V hay ăn một suất bít tết 24 ounce (khoảng 750g) hay thắp sáng biệt thự của bạn như một cái sân bay vào buổi tối sẽ bị xem là trái với lương tâm con người. Sự không có trông sẽ ngầu hơn sự có. Và những người đã thực sự thay đổi cách sống của họ sẽ có một cơ sở đạo đức để yêu cầu thay đổi từ những người khác, những doanh nghiệp khác, và thậm chí là cả những nước khác.

Sống xanh là một kiểu cá cược không hơn không kém, dù nó là thứ chúng ta đều nên làm, kể cả nếu xác suất nó thành công không nhiều.

Tất cả những điều này, về lý thuyết, có thể xảy ra. Thứ tôi đang mô tả (nói là tưởng tượng thì có lẽ chính xác hơn) là một quá trình của những thay đổi xã hội quan trọng, và kiểu thay đổi phi tuyến tính này, không bao giờ là một thứ mà bất cứ ai có thể lên kế hoạch trước hay tiên đoán hay dựa vào được. Ai mà biết được, có thể virus thay đổi sẽ lan đến tận Trùng Khánh và lây sang người anh em sinh đôi xấu tính của tôi. Hoặc có thể không. Có thể việc sống xanh sẽ được chứng minh là một trào lưu nhất thời đã qua và sẽ mất nhiệt sau một vài năm, cũng như nó đã từng như thế vào thập niên 80, khi Ronald Reagan hạ những tấm điện quang của Jimmy Carter xuống khỏi mái Nhà Trắng.11

Sống xanh là một kiểu cá cược không hơn không kém, dù nó là thứ chúng ta đều nên làm, kể cả nếu xác suất nó thành công không nhiều. Thỉnh thoảng bạn phải hành động như thể hành động sẽ tạo ra sự khác biệt, dù bạn không thể chứng minh điều đó. Cũng như những gì đã xảy ra ở Cộng Hòa Séc và Ba Lan, khi rất nhiều cá nhân như Vaclav và Adam Michnik12 chọn giải pháp đơn giản là sống một cuộc sống “như thể” họ đang sống trong một xã hội tự do. Sự đánh cược khó có thể xảy ra này tạo ra một không gian nhỏ của tự do mà, theo thời gian, mở rộng ra, và rồi hạ bệ cả khối phía Đông.13

Vậy một sự đánh cược tương tự mà một cá nhân có thể làm trong trường hợp khủng hoảng môi trường là gì? Chính bản thân Havel đã gợi ý rằng mọi người đang bắt đầu “hành xử như thể họ sẽ sống trên trái đất mãi mãi và rồi sẽ chấp nhận chịu trách nhiệm cho tình trạng của nó vào một ngày nào đó.” Nghe cũng hợp lý, nhưng hãy để tôi đề xuất một sự đặt cược ít trừu tượng và ít bất chấp hơn. Ý tưởng ở đây là tìm một việc để làm trong cuộc sống mà không dính đến chuyện tiêu thụ hay bầu cử; việc đó có thể có hoặc không suy chuyển được thế giới, nhưng là thực và cụ thể (đồng thời cũng mang tính biểu trưng) và rằng, dù có gì xảy ra, nó cũng mang lại những lợi ích nhất định. Có thể bạn quyết định không ăn thịt nữa, một hành động sẽ giúp giảm đến một phần tư dấu chân carbon của bạn. Hoặc bạn có thể thử thế này: quyết tâm thực hiện ngày Sabbath. Tức là một ngày trong tuần, tránh xa mọi hoạt động kinh tế: không mua sắm, không lái xe, không thiết bị điện tử.

Nhưng hành động tôi muốn nói thêm ở đây là tự làm ra một phần – dù chỉ một chút thôi – thức ăn của chính bạn. Hãy đi cắt cỏ trong vườn đi, nếu bạn có vườn, còn nếu bạn không có – nếu bạn sống trong một tòa nhà cao tầng, hay có một cái sân chìm trong bóng râm – hãy xem xét việc đăng kí một chỗ trong một khu vườn cộng đồng. So với vấn đề chúng ta gặp phải, tôi biết việc làm vườn nghe rất ôn hòa, nhưng trên thực tế nó là một trong những điều mạnh mẽ nhất một cá nhân có thể làm – để giảm thiểu dấu chân carbon của bạn, chắc chắn rồi, nhưng quan trọng hơn, để giảm đi cảm giác phụ thuộc và phân chia: để thay đổi đầu óc năng lượng rẻ tiền.

Rất nhiều điều tuyệt vời xảy ra khi bạn trồng một vườn rau, một số trong những điều đó liên quan trực tiếp tới biến đổi khí hậu, và những điều còn lại vẫn liên quan dù theo một cách gián tiếp. Chúng ta quên rằng việc tự sản xuất đồ ăn chính là công nghệ mặt trời bản gốc: calo tạo ra từ quá trình quang hợp. Nhiều năm trước, những cái đầu năng lượng rẻ tiền khám phá ra rằng thức ăn có thể được sản xuất nhiều hơn với ít công sức hơn bằng việc thay thế ánh sáng mặt trời bằng phân bón từ nhiên liệu hóa thạch và thuốc trừ sâu, với hệ quả là một calo trong thức ăn của bạn giờ cần khoảng 10 calo từ năng lượng hóa thạch để sản xuất. Theo ước tính thì cách mà chúng ta ăn (hay đúng hơn là cho phép người khác cho chúng ta ăn) chiếm khoảng một phần năm lượng khí nhà kính mà mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm.

Vậy nhưng mặt trời vẫn tỏa nắng xuống sân nhà bạn, và quang hợp vẫn hoạt động rất mạnh mẽ, trong một vườn rau được trồng tử tế (một khu vườn được gieo từ hạt, chăm bón bởi phân ủ từ bếp và không tốn quá nhiều thời gian lái xe đến cửa hàng), bạn có thể làm ra một bữa trưa miễn phí đúng nghĩa – không CO2 và không tốn một đồng đô-la nào. Đây là kiểu thực phẩm “địa phương” nhất mà bạn có thể ăn (còn là loại tươi nhất, ngon nhất, và nhiều dinh dưỡng nhất), với một dấu chân carbon mờ nhạt đến mức hội đồng cừu ở New Zealand cũng chẳng dám thách thức. Và trong khi chúng ta đếm số carbon, hãy cân nhắc cả đống phân ủ của bạn nữa, thứ giúp giảm tải đống rác bạn định đổ đi mà bạn có thể dùng để chăm bón cho những cây rau và giữ carbon trong đất vườn của mình. Còn gì nữa? Bạn có lẽ sẽ nhận thấy là nhờ có vườn mà bạn tập thể dục nhiều hơn, đốt cháy calo mà không cần phải chui vào ô tô để lái đến phòng gym. (Đây là một trong những điều kì quặc nhất của việc phân chia lao động thời hiện đại, thay thế lao động chân tay bằng nhiên liệu hóa thạch, để bây giờ chúng ta phải đốt cháy nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn để giữ cho cơ thể không phải làm gì của chúng ta vẫn gọn ghẽ.) Cùng với đó, bằng việc cam kết cả về thể lực và trí óc, thời gian dành trong vườn là thời gian (và cả năng lượng) không bị tiêu tốn vào những dạng giải trí điện tử.

Ít nhất là trong một góc vườn và cuộc sống của bạn, bạn sẽ bắt đầu hàn gắn ranh giới giữa việc bạn nghĩ và việc bạn làm, bắt đầu gắn kết lại những vai trò của bạn, là một người sản xuất, một người tiêu thụ, và một công dân.

Bạn có thể bắt đầu thấy là việc tự sản xuất dù chỉ một phần rất nhỏ thức ăn của bạn thôi, như Wendell Berry đã chỉ ra 30 năm trước, là một trong những giải pháp mà, thay vì dẫn đến những vấn đề mới – như những “giải pháp” kiểu ethanol hay năng lượng hạt nhân vẫn gây ra – thực ra lại mang đến những giải pháp khác, và không chỉ là kiểu giải pháp tiết kiệm carbon. Và thứ giá trị hơn nữa là những thói quen suy nghĩ có được từ việc sản xuất thực phẩm. Bạn nhanh chóng học được rằng bạn không cần phải dựa vào những chuyên gia để tự cung cấp cho bản thân bạn – rằng cơ thể bạn vẫn đủ tốt để làm một điều gì đó và thậm chí còn có thể tự cung cấp cho bản thân nó. Nếu những chuyên gia đúng, nếu cả dầu và thời gian đang cạn dần, đây là những kĩ năng và thói quen tư duy tất cả chúng ta đều sẽ cần sớm. Chúng ta có lẽ cũng cần cả thức ăn nữa. Liệu các khu vườn có cung cấp được thức ăn không? Ờm, trong Thế Chiến II, những khu vườn thời chiến (victory gardens) đã cung cấp tới 40% số thức ăn của người Mỹ.

Nhưng vẫn còn có những lý do ngọt ngào hơn để trồng một khu vườn, và để quan tâm (đến vấn đề môi trường). Ít nhất là trong một góc vườn và cuộc sống của bạn, bạn sẽ bắt đầu hàn gắn ranh giới giữa việc bạn nghĩ và việc bạn làm, bắt đầu gắn kết lại những vai trò của bạn, là một người sản xuất, một người tiêu thụ, và một công dân. Khả năng là, khu vườn của bạn sẽ tái gắn kết bạn với hàng xóm, vì bạn sẽ cho đi những sản phẩm thu hoạch và mượn từ họ các dụng cụ làm vườn. Bạn sẽ giảm thiểu sức mạnh của những bộ óc năng lượng rẻ tiền bằng cách vượt qua điểm yếu chết người nhất của nó: sự vô dụng và thực tế là nó không thể làm gì nhiều mà không bao gồm việc phân chia hay trừ đi14. Sự biến đổi theo mùa của khu vườn – từ lúc gieo hạt đến khi ra quả – liệu bạn có thu hoạch được một đống bí ngòi không?! – gợi ý rằng phép cộng và nhân vẫn còn tồn tại, và sự phong phú của thiên nhiên chưa hề cạn kiệt. Bài học lớn lao nhất mà khu vườn dạy chúng ta là mối quan hệ của chúng ta với hành tinh không cần phải là một phép cộng bằng không, mà là chừng nào mặt trời còn chiếu và con người còn có thể lên kế hoạch và trồng trọt, nghĩ và làm, chúng ta còn có thể, nếu chúng ta quan tâm đến việc cố gắng, tìm ra những cách để cung cấp cho bản thân chúng ta mà không cần phá hủy thế giới này.


  1. An Inconvenient Truth là một bộ phim tài liệu sản xuất năm 2006 nói về chiến dịch của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore nhằm giáo dục người dân về vấn đề nóng lên toàn cầu.

  2. Vào ngày mùng 2 tháng 2 năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, khi đó vừa mới nhậm chức, đã lên TV kêu gọi người dân chung tay tiết kiệm năng lượng bằng một cách đơn giản là giảm nhiệt độ máy sưởi xuống. Chiếc áo khoác len ông mặc lúc đó sau đó đã trở nên rất nổi tiếng.

  3. Nguyên gốc tiếng Anh: Go completely local, chỉ một phương châm hành động vì môi trường mà người tiêu dùng mua đồ được sản xuất tại địa phương mình để làm giảm sự phát thải carbon gây ra bởi việc vận chuyển hàng hóa.

  4. Dấu chân carbon (carbon footprint) là tổng lượng khí thải nhà kính gây ra các hoạt động của con người, từ hoạt động có phạm vi lớn như sản xuất cho đến các hoạt động nhỏ, cá nhân trong cuộc sống hàng ngày như mua sắm, đi lại, v.v.

  5. Chỉ cựu Phó Tổng thống Mỹ Richard Bruce “Dick” Cheney khi ông phát biểu rằng việc bảo tồn năng lượng có thể cho thấy đạo đức cá nhân nhưng không giúp gì cho chính sách năng lượng quốc gia. Theo USA Today, Cheney phát biểu như vậy là vì việc bảo tồn năng lượng sẽ gây khó khăn cho Nhóm Phát Triển Chính Sách Năng Lượng Quốc Gia (National Energy Policy Development Group) mà ông điều hành vào lúc đó.

  6. Edward James “Ed” Begley Jr. là một diễn viên và nhà hoạt động môi trường người Mỹ. Bên cạnh các vai diễn nổi tiếng của mình, ông còn được biết đến bởi lối sống xanh thân thiện với môi trường, các hoạt động của ông nhằm tuyên truyền cho việc bảo vệ môi trường, và chương trình truyền hình Living with Ed ông thực hiện cùng vợ tập trung vào việc giảm dấu chân carbon. Theo tìm hiểu của người dịch, ý của câu này có thể ám chỉ một bài viết trên tờ The New York Times phê bình Ed và cho rằng việc lái một chiếc xích lô, như Ed ủng hộ, cũng chẳng giúp giảm ô nhiễm hơn việc lái ô tô. Bạn có thể xem bài viết đó tại đây.

  7. Sự đền bù carbon – Carbon offset – chỉ việc giảm lượng khí CO2 phát thải của một nơi đề đền bù cho việc phát thải CO2 ở một nơi khác. Ví dụ như một công ty A có thể mua đền bù carbon của công ty B để công ty B giảm lượng CO2 mình thải ra, bù cho lượng CO2 thải bởi công ty A. Hoặc người X mua đền bù carbon của người Y, để người Y thải ít CO2 hơn đền bù cho việc thải CO2 của người X.

  8. Chỉ sự phân chia lao động đề cập tới ở trên.

  9. Nguyên gốc tiếng Anh: Pollution-trading schemes, có ý nghĩa tương tự việc đền bù carbon đề cập ở trên, tức là một công ty, đoàn thể, hay cá nhân giao dịch với một công ty, tập thể, cá nhân khác, để một bên tiếp tục gây ô nhiễm và trả tiền để bên kia bù lại bằng cách giảm sự ô nhiễm của mình.

  10. Bài viết này được viết ra vào năm 2008, tức là 8 năm trước. Vậy là khoảng thời gian 8 năm nói đến ở đây đã trôi qua.

  11. Khi Jimmy Carter lên làm Tổng thống Mỹ, ông đã rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng tái tạo, cho lắp đặt các tấm điện quang sản xuất năng lượng mặt trời trên mái Nhà Trắng. Nhưng đến nhiệm kỳ của Ronald Reagan, ông đã thay đổi hoàn toàn phương châm phát triển của người tiền vị và cho dỡ những tấm điện quang này xuống. Bạn có thể xem thêm thông tin này ở bài Ý tưởng tuyệt vời của người Đức trên zeal tại đây.

  12. Václav Havel, Tổng thống cuối cùng của Tiệp Khắc và Tổng thống đầu tiên của Cộng Hòa Séc, và Adam Michnik, một nhà sử học, nhà văn, và tổng biên tập tờ báo lớn nhất của Ba Lan, là hai nhân vật đã góp phần phá bỏ chế độ cộng sản ở hai đất nước này.

  13. Khối phía Đông – Eastern Bloc – chỉ những nước Đông và Trung Âu từng thuộc khối cộng sản.

  14. Ám chỉ việc phân chia lao động đã đề cập đến ở trên và theo ý hiểu của dịch giả, sự giảm trừ trách nhiệm của chúng ta trong các hoạt động thường ngày, gây ra bởi việc chuyên môn hóa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

đọc thêm
Mới nhất